Bách Việt trong lòng Đại Việt
“Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh”
NGUYỄN XUÂN PHƯỚC
Để tưởng nhớ Phạm Việt Châu, tác giả “Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh” Lời nói đầu: Lịch sử Đại Việt thời kỳ hậu Hán thuộc ghi dấu sự xuất hiện của một số dòng họ ở Trung Hoa xuống phương nam lập nghiệp và làm thành đế nghiệp như nhà Tiền Lý, nhà Trần, nhà Hồ và nhà Tây Sơn. Bài viết nầy nhằm giải thích hiện tượng nầy và xét lại quan điểm lịch sử của các sử gia trưóc đây. ***
Người Việt chúng ta thường cho rằng mọi hình thức văn hóa và con người phát xuất từ phương bắc của Việt Nam, đặc biệt là từ vùng Hoa Nam của Trung quốc, đều thuộc về Trung Hoa. Chúng ta vẫn gọi chung người Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ (Hakka) là người Tàu hay người Hoa, kể cả toàn bộ người dân sống ở những vùng này cách đây hàng mấy ngàn năm cũng là người Tàu. Chữ “Tàu” hay “Hoa” hàm ý nghĩa họ là những người khác chủng với dân tộc Việt. Họ là người Trung Hoa, hay ngườì Hán.
Quan điểm nầy trước hết sai lầm về mặt lịch sử và phát triển địa lý của dân tộc và đất nước Việt và Trung Hoa. Lịch sử hình thành của Trung Hoa hiện đại gắn liền với lịch sử xâm lăng lãnh thổ và đồng hóa dân tộc Việt ở phương nam. Mặc dù trong 60 năm qua, một số nhà nghiên cứu đã nỗ lực đặt lại vấn đề văn hóa cũng như lịch sử cổ đại của Việt Nam, sự thiếu nhận thức về lịch sử ở tầng lãnh đạo đất nước làm cho chúng ta có nhận định sai về nguồn gốc chủng tộc của người Trung Hoa. Sự thể nầy tạo cho Hoa Kiều sống tại Việt Nam một mặc cảm tâm lý chủng tộc khó hội nhập vào cộng đồng dân tộc. Sự nhầm lẫn nầy tạo nhiều bất lợi cho nền kinh tế và văn hóa nước nhà. Bên cạnh đó nước Trung Hoa to lớn về dân số lẫn đất đai không thể nào bỏ qua việc vận dụng thành phần người Hoa sinh sống ở nước ngoài để biến họ thành “khúc ruột ngàn dặm” làm công cụ phục vụ cho chính quyền Hoa Lục.
Quan điểm sai lầm nầy của người Việt đối với người Hoa phát xuất từ quá trình đồng hóa quá lâu của người Hán đối với các dân tộc Bách Việt tại vùng Hoa Nam. Đồng thời nó phát xuất từ những nhận định sai lầm về lịch sử của các triều đại trước đây.
Ngày nay những nổ lực khám phá về lịch sử và địa lý miền Hoa Nam cổ đại, cũng như những nghiên cứu về chủng tộc dựa trên DNA đã chiếu những ánh sáng mới giúp chúng ta đặt lại một số vấn đề cơ bản về chủng tộc và lịch sử. Những nhận định căn bản nầy sẽ là nền tảng lý luận giúp chúng ta có một cái nhìn hợp lý hơn về sử học nước nhà, một chính sách ngoại giao dựa vào văn hóa đồng chủng với các nước Đông Nam Á và các đảo quốc ở Thái Bình Dương, và một sách lược văn hóa đối với người Hoa đang sinh sống tại Việt Nam.
Địa Lý Bách Việt miền Lĩnh Nam, Nam nước Tàu thời cổ đại
Sự hiện diện của văn minh Bách Việt thời Thương Chu trong lịch sử Trung Hoa được đánh dấu bằng câu chuyện sứ giả Việt Thường ở phương nam đem Bạch Trĩ và Rùa sống ngàn năm để cống dâng cho vua nhà Chu là Chu Thành Vương. Đó là lần đầu tiên sử Trung Hoa ghi nhận dân tộc Việt ở phương nam.
Địa lý nhà Chu bấy giờ chỉ kéo dài tới sông Hoàng Hà. Đến thời Chiến Quốc, khoảng 500 trước công nguyên, một số dân tộc ở Nam Trung Hoa mới xuất hiện trong sử Trung Quốc. Nổi bật nhất là các nước Sở, nước Ngô và nước Việt.
Đến đời Tần Hán (256-195 TCN), khi các nước Sở, Ngô, Việt bị Tần Thủy Hoàng sát nhập vào Trung Hoa, phía nam nước Sở vẫn còn là chủ quyền của các dân tộc Bách Việt hoàn toàn độc lập và tự chủ. (Xem bản đồ Trung Hoa thời Tần Thủy Hoàng. Như thế cho đến khoảng 195 năm TCN, một vùng địa lý to lớn miền Hoa Nam ngày nay là lãnh thổ của các giống dân Việt.
Truyền thuyết cho rằng rằng dân tộc Việt phát xuất từ Động Đình Hồ miền Lĩnh Nam. Sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp ở thế kỷ 15 kể Truyện họ Hồng Bàng như sau:
“Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Tục dung mạo đoan chính, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình.
Ngũ Lĩnh là năm rặng núi lớn ở vùng phía nam nước Tàu miền Lĩnh Nam. Miền Lĩnh Nam được sử tây phương viết như sau:
“Lĩnh Nam là vùng đất phía nam của rặng Ngũ Lĩnh gồm các rặng Đại Dũ /Dữu Lĩnh, Kỵ Điền Lĩnh, Đô Bàng Lĩnh, Manh Chử Lĩnh và Việt Thành Lĩnh. Vùng nầy gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam và Giang Tây của Trung Hoa hiện đại. Vùng nầy do dân Bách Việt sinh sống và là tổ quốc của dân Nam Việt cổ đại.
”Tác giả Việt Sử Thông Luận cho rằng, sau khi mất bản địa Thái Sơn (tỉnh Sơn Đông, bắc Trung Hoa), Con cháu Thần Nông đã rút quân về Động Đình Hồ để xây dựng căn cứ địa văn hóa mới cho dân Việt. Tướng của Đế Minh là Xi Vưu ở lại giữ Thái Sơn và sau ba năm chiến đấu chống tù trưởng của nòi Hán là Hiên Viên, quân của Xi Vưu tan rã và từ đó, dân Việt mất căn cứ địa văn hóa Thái Sơn. Hiên Viên chiếm được Thái Sơn lên ngôi là Hoàng Đế. Ngày nay, dân tộc Việt chỉ còn câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” để ghi dấu cái nôi văn hóa đầu tiên của dân Việt bắc tiến.
Khi Lưu Bang cướp ngôi nhà Tần ở phưong bắc, thì ở phương nam, Triệu Đà đã thâu tóm các nước Bách Việt trong đó có cả một phần nước Âu Lạc của tổ tiên chúng ta để lập ra nưóc Nam Việt. Đó là cuộc thâu gom Bách Việt lần thứ nhất. Nhà Triệu truyền ngôi được bốn đời thì bị nhà Hán xâm chiếm, và miền Lĩnh Nam lại bị bắc thuộc lần từ đó.
Đến thời kỳ Hai Bà Trưng, 40 năm sau công nguyên, Hai Bà đã chiếm lại toàn vùng Hoa Nam. Sử viết: “Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương.” Đây là cuộc thâu gom Bách Việt lần thứ hai do bà Trưng làm nên.
– Từ thời cổ đại cho đến khi nhà Triệu mất ngôi (111 TCN), dân tộc Việt đã chiếm lĩnh miền Nam nước Tàu. Một số nước Việt giáp biên giới với nhà Chu thường được đề cập đến trong sử sách Trung quốc, đó là:
- Sở (Kinh Việt),
- Nước Việt (Viêt Vương Câu Tiển),
- Ngô Việt (với Ngô Phù Sai).
Khi nhà Tần thâu tóm sáu nước (lục quốc) thì các nước Việt trên (Triệu, Ngụy, Hàn, Sở, Yên, Tề) bị sáp nhập vào nhà Tần.
Còn các nước Việt khác ơ phía nam như:
- Âu Việt,
- Mân Việt,
- Thái Việt,
- Điền Việt,
- Lạc Việt,
- Việt Thường
và một số nước Việt khác (như Chiêm Việt, Dương Việt, Sơn Việt...) phía nam vẫn còn giữ được nền độc lập.
– Cần nghiên cứu thêm nguồn gốc của chữ người Kinh. Cổ sử Trung Hoa dùng chữ “người Kinh” để nói đến dân tộc Sở và một số dân tộc phía nam sông Hoàng Hà. Tại sao ngày nay ngưòi Việt tự gọi là ngưòi Kinh để phân biệt người Việt với người thuộc chủng tộc khác.
– Cần xem khám phá của Stephen Oppenheimer tác giả Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia (Địa Đàng ở Phương Đông: Lục Địa Chìm của Đông Nam Á) để thấy nền văn minh Hoa Nam trãi dài xuống Đông Nam Á và các hải đảo ở Thái Bình Dương. Các dân tộc như Mân Việt, Ngô Việt, Âu Việt gồm các bộ tộc, Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, Hẹ, Hải Nam, Đài Loan, Thái, Nam Dương và các thổ dân ở vủng đảo Thái Bình Dương đều có nguồn gốc Bách Việt.
– Do các dân tộc Bách Việt đã sinh sống ở miền Hoa Nam trưóc khi vùng nầy bị Tần Hán xâm lược, dân Việt phải là chủ nhân ông nền văn hoá thời bấy giờ. Các khám phá khảo cổ về văn minh Hoa Nam trước thời Tần và Hán thuộc phải được coi là chỉ dấu của văn minh Việt, chứ không thể là của Hán tộc. Người Việt cần phải coi đó là di sản của Việt tộc và phải mạnh dạn giành lại chủ quyền văn hóa của mình.
– Các nhà nhân chủng học Đài Loan gần đây đã tìm cách phục hồi lại nguồn gốc Bách Việt của người Đài Loan như Phúc Kiến (Minnan, có lẽ là Mân Việt) và Hẹ (Hakka) là hai giống dân đông nhất trên đảo. Hiện nay có nhiều nghiên cứu về DNA đã xác định quan hệ chủng tộc của các dân tộc Bách Việt. Công trình nghiên cứu nguồn gốc chủng tộc dựa vào gen di truyền (DNA) của M. Liu thuộc Mackay Memorial hospital và được Viện Nghiên Cứu Sức Khỏe quốc gia của Đài Loan tài trợ chứng minh là các giống dân miền Hoa Nam, Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương có liên hệ gen di truyền khác biệt với chủng tộc Hán ở miền bắc.
Những nổ lực của các nhà văn hóa Việt nam hiện đại cùng với những khám mới về nhân chủng học dự vào di truyền học đã chiếu ánh sáng vào lịch sử nòi giống Bách Việt. Ánh sáng lịch sử nầy giúp chúng ta có nhận định sử trung thực hơn. Thông hiểu được lịch sử và văn hóa dân tộc, chúng ta mới có được nội lực làm hành trang cho hành trình dân tộc vào thế kỷ 21.
Vấn đề người Tàu lập đế nghiệp ở Đại Việt
Sau khi đã xác định được địa lý văn hóa vùng Bách Việt chúng ta hãy trở về với một bí ẩn lịch sử của dân tộc ta. Đó là từ nhà tiền Lý (Lý Nam Đế) đến nhà Tây Sơn, một số các các triều vua lớn được sử sách của ta cho là có gốc từ Tàu.
Về Lý Nam Đế, sử gia Trần Trọng Kim viết: “Lý Bôn, có người gọi là Lý Bí, vốn dòng dõi người Tàu. Tổ tiên ở đời Tây Hán phải tránh loạn chạy sang Giao Châu, đến lúc bấy giờ là bảy đời, thành ra người bản xứ.”
Về dòng dõi nhà Trần, Đại Việt Sử Toàn Thư viết về gia phả của vua Trần Thái Tông như sau: “trước kia tổ tiên vua là người đất Mân, (có người nói là Quế Lâm), có người tên là Kinh, đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Tường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua con của Thừa, mẹ họ Lê…” (ĐVSKTT tr. 159)
Về Hồ Quí Ly, Đại Việt Sử Ký toàn Thư viết: “Quý Ly, tự là Lý Nguyên, tự suy tổ tiên là Hồ Hưng Dật vốn ở Chiết Giang, đời Hậu Hán, thời Ngũ Quí sang làm thái thú Diễn Châu.” (ĐVSKTT tr 293).
Về nhà Tây Sơn, Việt nam Sử Lược của Trần Trọng Kim viết: “Nguyên tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc là họ Hồ, cùng một tổ với Hồ Quí Ly ngày trước…” (VNSL Trần trọng Kim tr. 144).
Như thế thì có ít nhất là bốn triều đại như Tiền Lý, Trần, Hồ, Tây Sơn đều là người gốc ở phương bắc và xuống phương nam lập nên đế nghiệp.
Phải chăng những vị lập nên các triều đại nầy là người Hán?
Để giải đáp bài toán lịch sử nầy chúng ta phải xét lại hiện tượng phục hoạt của Việt tính hay ý thức Việt hay căn cước Việt tộc ở các triều đại nói trên.
Sự phục hoạt của Việt tính trong thời kỳ Bắc thuộc
Từ khi cuộc kháng chiến chống quân Hán xâm lược của Lữ Gia và Triệu Dương Vưong thất bại (111 TCN) đất Nam Việt bị nhà Hán chiếm đóng và danh xưng Việt đã bị linh lạc bởi quá trình đô hộ và đồng hóa. Từ thời kỳ Hán thuộc trở đi, danh xưng Việt đã biến mất trong các sách sử của Trung Quốc, và được thay thế bằng hai chữ An Nam và Giao Chỉ.
Khoảng cách thời gian giữa Lữ Gia và Lý Bôn là hơn 650 năm. Tại sao khi Lý Bôn (544) lên ngôi ông lấy đế hiệu là Nam Việt Đế? Ý thức Việt trong đế hiệu đó ở đâu ra?
Lịch sử chiếm đóng miền miền Lĩnh Nam của nhà Hán đi liền với những nổi dậy của dân tộc Việt và những cuộc đàn áp khốc liệt. Suốt hai ngàn năm, địa danh Lĩnh Nam biểu tượng cho tinh thần chống lại Hán hóa. Ngưòi dân miền nầy được gọi là “Lục Lương” hay “Cường Lương” nghĩa là dân cứng cổ. (theo Lê Văn Siêu và Lý Đông A).
Khi sử gia Trần Trọng Kim viết: “Tổ tiên (Lý Bôn) ở đời Tây Hán phải tránh loạn chạy sang Giao Châu.” người đọc sử phải hiểu rằng “Loạn” là những cuộc nổi dậy của dân bản địa nổi lên đánh đuổi chính quyền đô hộ phương bắc. Những người dân thường chạy loạn thì trở về quê cũ khi hoà bình đưọc tái lập. Ở đây tổ tiên Lý Bôn chạy loạn mà phải bỏ xứ đi luôn, đi tận đến đất Giao Chỉ cách đó cả ngàn dặm đề lập nghiệp. Như thế thì tổ tiên không phải là hạng dân thưòng. Chúng ta có thể suy diễn rằng -- tổ tiên Lý Bôn là những ngưòi lãnh đạo phong trào kháng chiến và họ đã phải bỏ xứ chạy trốn để tránh sự trừng phạt của triều đình sau khi cuộc kháng chiến thất bại.
Đây là lý do hợp lý nhất để giải thích sự kiện dòng họ Lý Bôn đã đi về phương Nam. Khi đã định cư ở Âu Lạc, dòng họ nầy vẫn ấp ủ tinh thần Phục Việt từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Chỉ bằng sự xác định được quan hệ giữa Bách Việt và Lý Bôn chúng ta mới hiểu được tại sao ý thức Việt đã được phục hoạt trong phong trào độc lập của nhà Tiền Lý. Nếu nói “Lý Bôn là dòng dõi người Tàu” như sử gia Trần Trọng Kim viết, thì e rằng chúng ta không giải thích được hiện tượng phục hoạt danh xưng Việt ở thời kỳ đó.”
Đặc biệt là thời kỳ Lý Trần là thời kỳ cực thịnh của văn hóa Việt. Câu hỏi có thể đặt ra là nếu họ Trần có gốc Tàu thì tại sao họ Trần phải phục hưng văn hóa Việt?
Hay như trong hịch Tây Sơn của đức Quang Trung Hoàng đế kêu gọi: “đánh cho được để tóc dài, đánh cho được nhuộm răng đen, đánh cho nó chính luận bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”. Nếu cho rằng Quang Trung mang dòng máu Tàu thì tại sao ông đòi đánh Tàu để dân tộc Việt được giữ gìn tục để tóc dài, ăn trầu, nhuộm răng đen, để cho bọn Tàu biết là nước Nam nầy là có chủ. Và khi đã diệt được quân xâm lược ngài đã yêu sách đòi nhà Thanh phải trả lại miền Lưỡng Quảng, tức là vùng Lĩnh Nam thời cổ đại, là đất cũ Nam Việt của Triệu Đà, và lãnh thổ nước ta thời hai Bà Trưng?
Chỉ có một câu trả lời hữu lý duy nhất là ông tổ của các dòng họ như Lý Bôn, Trần Thừa, Hồ Quí Ly và nhà Tây Sơn là những người thuộc giòng giống Bách Việt. Những gia đình nầy là dòng dõi nòi giống “cường lương” ở miền Lĩnh Nam. Họ đã thất bại trong những lần nổi dậy chống quân xâm lược phương bắc và đã lui về phương nam tìm đất sống. Họ đã hòa nhập vào văn hoá Âu Lạc, Lạc Việt và Việt Thường để trở thành người dân địa phương. Họ đã cùng với các dòng tộc Việt địa phương nuôi duỡng ý chí Phục Việt âm thầm dưới đáy tầng quốc dân từ đời nầy qua đời khác để lấy ý thức dân tộc làm sức mạnh kháng cự tham vọng của Hán tộc để bảo tồn văn hoá và giành lại độc lập cho dân tộc Việt.
>> Bách Việt trong Lòng Đại Việt
Lịch sử tồn tục và tiến hóa của dân tộc Việt là hành trình lui dần về phương nam trước sự lớn mạnh của Hán tộc để bảo tồn nòi giống.
Từ thời cổ đại, dân tộc Việt đã mất Thái Sơn là cái nôi văn hóa đầu tiên. Sau khi Thái Sơn bị Hoàng Đế xâm chiếm, con cháu Thần Nông đã rút về Đông Đình Hồ vùng Lĩnh Nam để xây dựng lại căn cứ địa văn hoá lần thứ hai. Khi Lữ Gia thất trận, các dân tộc Bách Việt thuộc nước Nam Việt đã chạy về Phong Châu ở phương nam hội nhập vào Âu Lạc để xây dựng lại căn cứ địa văn hóa thứ ba. (Xem Việt Sử thông Luật của LĐA, và Dịch Kinh Linh Thể của Kim Định).
Đây là lý do khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa các dân tộc Bách Việt thuộc 65 thành ở Lĩnh Nam đã hưởng ứng. Địa lý chính trị thời kỳ Hai Bà chính là vùng Lĩnh Nam và nước Nam Việt cũ. Mặc dầu cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, công cuộc thống nhất Bách Việt của Hai Bà đã tái hợp Bách Việt. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã cho các dân tộc Bách Việt và các gia đình vọng tộc ở miền Hoa Nam niềm hy vọng phục hoạt nòi giống. Vùng đất Âu Lạc với những địa linh như Phong Châu, Mê Linh và những nhân kiệt như Hai Bà Trưng và Bà Triệu, và những danh tướng trong đoàn quân kháng chiến, đã nêu tấm gương yêu nước và là niềm hy vọng cho nòi giống Bách Việt, bảo lưu được văn hóa và lịch sử dân tộc, và nuôi dưỡng được ý chí phục Việt.
Chiến Lược Phục Hoạt Văn Hóa Bách Việt
Sau gần một nghìn năm bị nòi Hán đô hộ, hai triều đại Lý - Trần, khởi đi từ Lý Nam Đế, đã phục hưng và phục hoạt lại nền độc lập và văn hóa Việt, xây dựng một nước Đại Việt hùng mạnh suốt gần 500 năm.
Ngày nay đất nước ta đang bước vào thế kỷ thứ 21.
Sự lớn mạnh của Trung quốc ngày nay hiện đang là mối đe dọa cho sự tồn vong của dân tộc. Vấn đề biên giới, lãnh hải, lãnh thổ giữa hai nước vẩn chưa ổn định và sẽ là mầm mống mâu thuẫn trong tương lai và cho thế hệ mai sau. Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là mối ưu tư hàng đầu của mọi người Việt còn thao thức với đất nước.
Trong bối cảnh đó, xác định được tiến trình lịch sử và văn hóa Bách Việt và quan hệ chủng tộc giữa người Việt và các dân tộc miền nam nước Tàu là tiền đề cho một sức mạnh tinh thần để đối phó với nước láng giềng phương bắc. Để khai quật được sức mạnh tinh thần nầy, Người Việt cần có một suy nghĩ mới và một chính sách văn hóa mới đối với các nước đồng chủng trong vùng và đối với Tàu Việt đang định cư tại Việt Nam.
Cái cơ sở nền tảng để khai quật được sức mạnh tinh thần Bách Việt hiện đại là dân tộc thừa kế chân truyền di sản văn Hóa Bách Việt ngày xưa. Và di sản văn hóa và văn minh Bách Việt cổ xưa đã được lưu giữ và bảo tồn trong trong quá trình hình thành nước Đại Việt và Việt Nam hiện đại. Người Việt hiện đại phải có cái nhìn mới về lịch sử nước nhà, phải mạnh dạn xác định sự đóng góp của các dòng họ Bách Việt trong quá trình hình thành lịch sử và văn hóa nước nhà. Đồng thời chúng ta phải hãnh diện xác nhận rằng: dân tộc Việt hiện đại là chủ nhân ông di sản văn hóa Đại Bách Việt, là dân tộc kế thừa di sản của Đại Bách Việt
Từ cơ sở đó, người viết đề nghị ba sứ mạng văn hóa như sau:
– Thứ nhất, cần phải nhanh chóng có một nghiên cứu sử chính thức và học trình sử để chính thống hóa giá trị văn hóa Bách Việt trong sự hình thành văn hóa Việt Nam ngày nay.
– Thứ hai, phái có một chính sách hợp tác văn hóa đối với các nước đồng chủng ở Á Châu, đặc biệt là vùng Đông Nam Á.
– Thứ ba, phải có một quan niệm mới đối với người Tàu hiện đang ở Việt Nam.
Sự xác định tính đồng chủng của các dân tộc người Tàu ở phía Nam nước Tàu (còn gọi là người Lĩnh Nam hay người Ngũ Lĩnh) và Đông Nam Á có chung huyết thống Bách Việt như các nước Đông Nam Á, các dân tộc miền nam nước Tàu và Đài Loan và sự tái kiến thiết văn minh Bách Việt, sẽ là đối lực thích hợp đối với tham vọng về lãnh thổ, lãnh địa và văn hóa của Trung quốc. Từ nhận định đó, chúng ta phải có một chính sách ngoại giao mới đối với các nước Đông Nam Á. Ngoài vai trò kinh tế, chính trị và quân sự, ASEAN sẽ có một vai trò văn Hóa mới. Ý thức đồng chủng sẽ giúp cho ASEAN mở rộng vòng tay để đón Đài loan và các đảo quốc ở Thái Bình Dương nhằm mở rộng không gian Bách Việt mới và để gây sức mạnh tinh thần trong liên minh các nước ở vùng Biển Đông.
Vấn đề quan trọng hơn là khi đã nhận diện được tính đồng chủng Bách Việt, người Việt trong nước và hải ngoại phải có một quan niệm mới và sách lược mới về Hoa Kiều ở Việt Nam.
Công tác văn hóa chính yếu là đối với thành phần Lĩnh Nam Kiều nầy là giúp họ ý thức được họ là dòng dõi Bách Việt. Chúng ta phải giúp cho các dân tộc miền Lĩnh Nam phục hồi được lịch sử Việt để cho dòng máu Việt bắt đầu chảy lại. Chúng ta phải giúp họ ý thức rằng mọi dân tộc xuất phát từ miền Bách Việt-Lĩnh Nam đều là người gốc Việt như chúng ta. Những người Việt vùng Lĩnh Nam trước đây sẽ trở lại với nguồn gốc chân chính của họ là người Bách Việt.
Từ đó, một cộng đồng dân tộc dân tộc Việt mới sẽ được hình thành. Và cộng đồng dân tộc mới này sẽ có sức mạnh văn hóa chất chứa 5,000 năm của Đại Bách Việt và một vùng địa lý văn hóa trải rộng từ Hoa Nam xuống tận Đông Nam Á. Sức mạnh văn hóa mới đó có khả năng hóa giải tham vọng lãnh thổ lãnh hải và văn hóa của Trung Quốc hiện nay trên đất nước ta và các nước trong vùng Biển Đông.
Kết luận
Hồn sử là sự tồn tục và tiến hóa của dân tộc trên sự thành lập của nòi giống. Cái ý thức của tổ tiên khai sinh ra nòi giống tạo thành cái quốc túy dân tộc. Do đó, quốc hồn và quốc túy của một dân tộc là thành tố gốc của lịch sử. Một dân tộc mất quốc hồn và quốc túy là một dân tộc sẽ bị lịch sử đào thãi. Mọi con người, mọi triều đại khi cầm nắm vận mệnh đất nước nếu không nắm giữ được quốc hồn và quốc túy sẽ bị lạc đường lịch sử và đưa đất nước vào tình trạng vong thân. Vì thế, những phong trào chống xâm lăng đều lấy ý thức dân tộc làm động lực lịch sử và lấy văn hóa thủy chuẩn dân tộc làm nền tảng nội dung cho sứ mệnh cứu nước. Ý thức lịch sử nầy đã thúc đẩy Lý Thường Kiệt viết tuyên ngôn “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” thời kỳ Phá Tống Bình Chiêm; Trần Hưng Đạo viết Hịch Tướng Sĩ thời kỳ Kháng Nguyên; Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo và bộ Địa Dư Chí, Quang Trung viết hịch tướng sĩ với những dòng chữ “Đánh cho đưọc để tóc dài”; giúp cho Phan Bội Châu viết Việt Nam Quốc Sử Khảo; và Lý Đông A viết bộ Việt Sử Thông Luận trong thời kỳ chống Pháp.
Ý thức dân tộc vượt lên mọi định kiến về văn hóa kinh tế và chính trị. Ý thức dân tộc tồn tại qua mọi không gian, thời đại và triều đại. Nó nằm trong lòng mỗi một người dân. Nó phủ định mọi tư duy phủ nhận văn hóa dân tộc. Nó phủ định mọi nỗ lực xử dụng văn Hóa dân tộc ở mức độ hình thức để phục vụ cho nền văn Hóa ngoại bang ở nội dung. Tìm về cội nguồn chính là quá trình tìm lại hồn sử.
Suốt một ngàn năm bị bắc phương đô hộ và đồng hóa, ý thức dân tộc vẫn nằm ẩn tàng trong đáy tầng của quốc dân. Nó được bảo quản và lưu truyền từ đời nầy qua đời khác. Nó là cái gen di truyền lịch sử làm cho giòng máu Lạc Hồng tiếp tục chảy, và chảy mãi xuyên suốt thời đại.
Khi nền cai trị của ngoại bang suy yếu, khi tâm thức nô lệ ngoại bang ở mặt tầng suy sụp, ý thức dân tộc từ đáy tầng sẽ bùng dậy như những đợt sóng đáy, thúc đẩy những người yêu nước đứng lên giành lấy quyền làm chủ đất nước, làm chủ vận mạng của mình để phục hồi văn hóa thủy chuẩn dân tộc, để bảo tồn và phát huy ý thức dân tộc, và để khơi dậy nguồn sống cho dân tộc.
Với tâm thức đó, lịch sử có được một Lý Bôn với một dòng họ bôn ba từ miền Lĩnh Nam nổi trôi về miền Âu Lạc, và ông đã đứng lên giành độc lập cho dân tộc, lấy đế hiệu là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn xuân.
Sự việc Lý Bôn làm tái sinh danh xưng Việt với đế hiệu là Nam Việt Đế là một hành động lịch sử khởi động cho nền văn hóa Bách Việt được hồi sinh để nền văn hóa Bách Việt còn lưu truyền mãi trong lòng dân tộc Đại Việt; và từ đó Đại Việt đã trở thành căn cứ địa phục hoạt và phục hưng nền văn minh Bách Việt.
* * * * * * * * * *
Tham khảo:
– Các tác giả: Lý Đông A, Trần Ngọc Thêm, Cung Đình Thanh, Phạm Việt Châu, Lê Văn Siêu, Đào Duy Anh, Stephen Oppenheimer, Keith Weller Taylor, National Geographics, Trần Thế Pháp, Kim Định, Trần Trọng Kim, Đại Việt Sử Ký
– Google search: “Bách Việt, Lĩnh Nam, Linnan, Yueh, bǎi yuè, Lý Nam Đế, Lý Bôn, Quang Trung, Việt Sử, Taiwanese DNA, betel taiwan, Hoàng Đế, Suy Vưu, miêu, miao
🌟 Văn hóa Bách Việt - Lĩnh Nam với văn hóa Việt Nam truyền thống
DẪN NHẬP
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1.1 Lịch sử văn hóa Việt Nam từ sau CN(1) cho đến nay gắn liền với các quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hóa Ấn Độ, Trung quốc, khu vực và thế giới. Nhiều lớp văn hóa ngoại lai được tiếp nhận, cải biến và sử dụng đã ít nhiều làm lu mờ vai trò và ảnh hưởng của văn hóa truyền thống dân tộc – yếu tố quyết định bản sắc văn hóa và sự sống còn của một nền văn hóa độc lập.
Rõ ràng, việc làm sáng rõ vị trí, vai trò và đóng góp của văn hóa Bách Việt trong văn hóa truyền thống ở Việt Nam và Nam Trung Hoa là rất cần thiết. Tính chất xán lạn của văn minh Trung Hoa không chỉ che khuất một phần hay tất cả các nền văn hóa của các dân tộc nhỏ hơn ở bên cạnh mà còn làm sai lệch trong hiểu biết của không ít nhân sĩ, trí thức thế giới. Theo chúng tôi, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
“Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam trong mối quan hệ với văn hóa truyền thống ở Việt Nam” là một đề tài mang tính cơ sở cho công cuộc tìm tòi, nghiên cứu cội nguồn dân tộc và văn hóa nước nhà. Lấy phương pháp luận văn hóa học làm cách tiếp cận, chúng tôi mong muốn làm rõ các vấn đề căn nguyên nguồn cội, tính chất của nền văn hóa Lạc Việt tổ tiên của chúng ta và các mối quan hệ văn hóa với các cộng đồng chủ thể lân cận trong chiếc nôi văn hóa Lĩnh Nam, trực tiếp làm tiền đề cho những nghiên cứu quan trọng về mối quan hệ chủng tộc và văn hóa Lạc Việt – Việt Nam về sau.
1.2. Vấn đề nguồn gốc Bách Việt của văn hóa Việt Nam, thực ra, đã được chính sử các triều đại Đại Việt – Đại Nam ghi chép từ trước, như Đại Việt Sử Ký (1272), Đại Việt Sử Lược (tk.(2)XIV), An Nam Chí Lược (1335), Việt Điện U Linh Tập (1392), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1697), Đại Việt Thông Sử (1759), Việt Sử Tiêu Án (1775) v.v., song thường chỉ bàn đến nguồn gốc văn hóa Việt Nam qua tư liệu truyền miệng, và viết bằng giọng chính sử. Đầu tk. XX, một số tác giả tiên phong tìm về cội nguồn bằng khoa học, ít nhiều đạt được các thành tựu đáng kể như Đào Duy Anh, Kim Định, Lê Văn Siêu v.v. Cho đến cuối tk. XX, các khoa học hiện đại phát triển thì vấn đề ngày càng được quan tâm sâu sắc hơn. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu ít được đặt dưới góc nhìn tổng quan, chưa đạt được tính nhất quán dù chúng là cơ sở dữ liệu vô cùng quý giá. Đến đây, chúng tôi nhận thấy thời điểm đã chín muồi để bắt đầu công cuộc nghiên cứu của mình. Luận án này nghiên cứu vấn đề bằng hướng tiếp cận văn hóa học, chủ động liên kết các góc nhìn, các hướng nghiên cứu và sử dụng tối đa thành quả nghiên cứu của người đi trước để phác họa một bức tranh tổng thể về nguồn gốc tộc người và văn hóa, quy luật phát triển và các mối quan hệ văn hóa truyền thống ở Việt Nam trong phạm vi văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam. Luận án này chỉ là một sự khởi đầu.
2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ
Trong phạm vi tư liệu bao quát được, chúng tôi tiến hành phân thành ba mảng nội dung chính, gồm (1) lịch sử nghiên cứu các vấn đề chung về lịch sử và văn hóa Bách Việt; (2) lịch sử nghiên cứu văn hóa Bách Việt ở Lĩnh Nam; và (3) lịch sử nghiên cứu mối quan hệ văn hóa Bách Việt và văn hóa truyền thống ở Việt Nam.
a. Lịch sử nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa Bách Việt
Có thể nói, nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa Bách Việt cổ không mới, bởi trên thế giới đã có hàng nghìn tác phẩm, bài viết chuyên luận của giới nghiên cứu dân tộc học, khảo cổ học, sử học v.v. được công bố. Trong số ấy, các tác giả Trung Quốc (kể cả đảo Đài Loan) chiếm đa số.
Ở Trung Quốc, toàn bộ hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa Bách Việt phân làm ba giai đoạn, gồm trước 1949, giai đoạn 1949-1979, và giai đoạn 1980 đến nay.
Giai đoạn trước 1949, chúng tôi gọi là giai đoạn đặt nền tảng cho toàn bộ giới nghiên cứu Bách Việt về sau. Từ các triều đại phong kiến Tần-Hán đến Minh- Thanh, trong cổ sử Trung Hoa đã để lại nhiều tác phẩm dành riêng về Bách Việt, có thể kể như Ngô Việt Xuân Thu (thời Hán); Việt Tuyệt Thư (đời Đông Hán); Bách Việt tiên hiền chí (thời Minh). Đồng thời, các chính sử Trung Hoa như Quốc Ngữ (thời Xuân Thu), Dật Chu Thư (thời Chiến Quốc), Trúc Thư Kỷ Niên (thời Chiến Quốc), Sử Ký (thời Hán), Hán Thư (thời Hán); Hậu Hán Thư (thời Nam Triều- Tống), Tam Quốc Chí (thời Tấn), Tấn Thư (thời Đường), Tùy Thư (thời Lương), Cựu Đường Thư (thời Hậu Tấn), Tân Đường Thư (thời Tống), v.v. đều có những chương mục chuyên luận về diễn biến lịch sử văn hóa Bách Việt. Ngoài ra, các cuốn địa lý chí, địa phương chí cũng đóng góp quan trọng như Nam Việt Hành Kỷ (thời Hán), Hoài Nam Tử (thời Hán), Sơn Hải Kinh (thời Tấn), Thủy Kinh Chú (thời Hậu Ngụy), Thái Bình Ngự Lãm và Thái Bình Quảng Ký (thời Tống); Thái Bình Hoàn Vũ Ký (thời Tống), Giao Châu Ký (thời Tấn); Quảng Châu Ký (thời Tấn); Quảng Châu Chí (thời Tấn), Lĩnh Ngoại Đại Đáp (thời Tống), Đại Đường Tây Vực Ký (thời Đường), Nam Việt Chí (thời Nam Triều–Tống) v.v.. Nhìn chung, các cuốn cổ sử này đều do người Hán ghi chép qua lăng kính của người chinh phục và cai trị, chủ yếu là miêu thuật một cách tổng quát về sự tồn tại của các tộc người, các hiện tượng văn hóa Bách Việt cùng quá trình Hán hóa theo thời gian. Do vậy các nhận định, đánh giá trong các tác phẩm này cần phải được kiểm chứng lại qua các tư liệu của khoa học hiện đại, đặc biệt phải đặt dưới nhãn quan thuyết tương đối văn hóa (cultural relativism).
Đến đầu tk. XX, các bài viết, tác phẩm chuyên luận thường gắn liền với khảo cứu khoa học hiện đại. Mốc khởi đầu được tính từ thập niên 1920, khi bài viết về văn hóa Bách Việt – “Nghiên cứu văn hóa sông Tường Kha giang” của Đồng Chấn Tảo(3) được công bố trên tờ Lĩnh Nam Học báo. Sau đó, nhiều tác giả nghiên cứu về Bách Việt bắt đầu các hoạt động khảo cứu của mình, đặc biệt năm 1936 thành lập Hội nghiên cứu Sử Địa Ngô Việt, năm 1937 xuất bản cuốn Ngô Việt văn hóa luận tùng4 với tất cả 24 bài viết súc tích. Trong số các tác giả nghiên cứu Bách Việt thời ấy nổi lên nhà nghiên cứu La Hương Lâm, lần đầu tiên công bố cuốn sách tổng hợp nhất về Bách Việt, cuốn Bách Việt trong hệ thống Trung Hạ năm 1943, chính thức công bố 17 tộc danh Bách Việt gồm Vu Việt, Âu Việt, Mân Việt, Dương Việt, Sơn Việt, Nam Việt, Tây Âu, Lạc Việt, Việt Thường, Đằng Việt, Điền Việt, Việt Tê, Bặc Quốc, Đông Đề, Dạ Lang, Quỳ Việt v.v., đồng thời xác lập các dấu hiện nhận diện cơ bản của văn hóa Bách Việt như xăm mình, sử dụng rìu và kiếm đồng, trống đồng, giỏi chèo thuyền và đời sống sông nước v.v.. Điểm cần nhấn mạnh là trong bài viết “Nghiên cứu Việt tộc cổ” trước đó, tác giả này khẳng định Bách Việt khác với Hoa Hạ, song trong cuốn Bách Việt trong hệ thống Trung Hạ này lại đổi quan điểm, cho rằng Bách Việt là hậu duệ của dân Hạ vùng Trung Nguyên. Các bài viết khác đồng tác giả có “Nghiên cứu văn hóa Việt tộc cổ đại”, “Nghiên cứu phương ngôn Việt tộc cổ đại”, “Quan hệ đồng nguyên giữa giữa người Mã Lai và dân tộc Trung Hoa”, “Quan hệ giữa người Mã Lai và người Việt cổ”, “Văn hóa Việt tộc cổ đại”(5) v.v... lần lượt được công bố ở Trung Quốc và Đài Loan đã góp phần làm sáng tỏ quan điểm kết nối Hoa Hạ-Bách Việt – Đông Nam Á của tác giả. Ngoài La Hương Lâm, một số tác giả khác cũng lần lượt thể hiện quan điểm “Hạ Việt đồng nguyên (Hoa Hạ – Bách Việt cùng nguồn gốc)” qua một số công trình tiêu biểu. Lâm Huệ Tường viết Lịch sử các dân tộc Trung Quốc (1936), Lã Tư Miễn cũng công bố cuốn cùng tên (1934), Từ Tùng Thạch có các cuốn Lịch sử dân tộc lưu vực Việt Giang (1941), Nghiên cứu tộc Thái, tộc Đồng, tộc Việt (?) v.v.. Riêng Lâm Huệ Tường chủ trương phân hai hệ: hệ Bách Việt, gồm Vu Việt, Dương Việt, Âu Việt, Mân Việt, Nam Việt, Lạc Việt, Sơn Việt cư trú từ lưu vực Dương Tử đến bắc Việt Nam; hệ Bặc Shan, bao gồm tiền dân Ai Lao, Shan-Thái cư trú phía tây sông Hồng. Còn Từ Tùng Thạch đặc biệt nhấn mạnh dân tộc Choang hiện nay chính là “người Việt cũ (旧越人)” – hậu duệ trực tiếp, điển hình nhất của Bách Việt cổ.
Bên cạnh các tác phẩm nói trên, người Trung Hoa còn xuất bản một số sách chuyên khảo (bài viết) tiêu biểu khác, như cuốn Thành phần dân tộc Trung Hoa (1923) của Lương Khải Siêu; cuốn Bàn về văn hóa Mân Trung (1923) của Hồ Thích Chi và Cố Hiệt Cương; cuốn Sơn Việt khảo (1924) của Lưu Chi Tường; cuốn Nghiên cứu đất Mân cổ (1924) và “Các khu vực phân bố của dân Sơn Việt thời Tam Quốc” (1934) của Diệp Quốc Khánh; cuốn Trung Quốc và Việt Nam (1928) của Long Tiềm; cuốn Nghiên cứu tiền dân Việt Đông (1932) của Đàm Kì Tương; cuốn Văn hóa Việt tộc cổ đại; cuốn Nghiên cứu nguyên lưu các dân tộc Nam Trung Quốc (1933) của Lang Kình Tiêu; cuốn Lược thuật lịch sử Việt Nam (1933) của Vương Tập Sinh; hai bài Nghiên cứu vua Chức nước Nam Hải thời Hán (1935) và Nghiên cứu Việt tộc ở nước Gia Cát Lượng thời Hán sơ (1936) của Phan Thời; bài “Nghiên cứu tục xăm mình dân Ngô Việt cổ” (của Lục Thụ Đan; cuốn Khảo sát văn hóa Ngô Việt của Tô Thiết; bài “Việt chi tính” của Lã Tư Miễn; cuốn Tổng hợp khảo cổ Ngô Việt (1940); bài Bàn về cổ sử bán đảo Việt Nam (1944) của Hàn Chấn Hoa; bài “Con cháu Việt vương Câu Tiễn di dân” (1944) của Vương Tân Dân; cuốn Nguồn gốc dân tộc Phúc Kiến (1946) của Lâm Huệ Tường; cuốn Nghiên cứu di tích vua Việt ở Mân Bắc (1948) của Tạ Đạo Phân v.v.(6). Điều đáng nói là các tác giả đều có quan điểm như La Hương Lâm. Quan điểm này không có cơ sở và hoàn toàn trái ngược với các kết quả nghiên cứu của khoa học hiện đại.
Ở Việt Nam, giai đoạn này chưa từng có tác phẩm nào thảo luận trực tiếp về Bách Việt hay nguồn gốc Bách Việt của người Việt Nam. Một vài chi tiết có liên quan được các sử gia Việt Nam lồng ghép vào các tác cuốn chính sử hay các chuyên luận của mình, như Đại Việt Sử Ký (1272, Lê Văn Hưu), Đại Việt Sử Lược (tk.XIV), An Nam Chí Lược (1335, Lê Tắc), Việt Điện U Linh Tập (1392, Lý Tế Xuyên), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1697, Ngô Sỹ Liên..), Đại Việt Thông Sử (1759, Lê Quý Đôn), Việt Sử Tiêu Án (1775, Ngô Thời Sỹ) v.v
Giai đoạn 1949-1979, còn gọi là giai đoạn khủng hoảng trong nghiên cứu lịch sử văn hóa Bách Việt do tác động của điều kiện lịch sử – xã hội Trung Quốc đương thời, đặc biệt là Cách mạng văn hóa 1966-1976.
Thời gian này có hai chuyên tác có giá trị. Thứ nhất là cuốn Dòng máu Trung Quốc trong các dân tộc Đông Nam Á (1954) của Từ Tùng Thạch xuất bản ở Hồng Kông. Tác giả chủ trương người Mã Lai – Đa Đảo ở Đông Nam Á vốn có xuất xứ từ Trung Quốc, địa vực cổ vào khoảng Chiết Giang, Phúc Kiến, sau khi nước Sở giết vua Vô Cương đã giong thuyền ra các hòn đảo Nam Dương, “đuổi bạt” dân Polynesia, thuần phục giống người da ngăm thân ngắn tại đó, tiếp thu dòng máu của họ để hình thành giống Mã Lai da nâu. Thứ hai là cuốn Nguyên lưu và văn hóa Bách Việt (1955) của La Hương Lâm cũng xuất bản ở Đài Loan, bao gồm cả thảy 9 bài viết tập trung các vấn đề tộc thuộc, phân bố, ngôn ngữ, văn hóa, diễn biến lịch sử của các dân tộc Bách Việt cổ cùng mối quan hệ giữa Bách Việt với người Mã Lai v.v. Quách Mạt Nhược trong cuốn Trung Quốc sử cảo (1976) chủ trương nước Việt tk. VI-V trCN do người Hạ, người Sở và dân Việt bản địa hợp thành, còn tác giả Từ Trọng Thư trong cuốn Hạ sử sơ thự (1979) nói rõ sau khi Thương diệt Hạ, dân Hạ di cư xuống phía Nam thành người Việt, lên phía bắc thành Hung Nô.
Về các cuốn (hoặc bài viết) mang tính khảo cứu, phần đông do các tác giả bên ngoài Trung Hoa đại lục công bố. Tiêu biểu có các cuốn (bài) “Tôn Ngô và sự nghiệp khai phá Sơn Việt” (1951) của Phụ Lạc Thành; bài “Người bản thổ Nam Dương và dân tộc Bách Việt cổ Trung Quốc” (1951) và bài “Người Mân Việt cổ và các dân tộc bản địa Đài Loan” (1952) của Lăng Thuần Thanh; “Tôn Ngô khai phá Man Việt” (1953) của Cao Á Vĩ; “Khảo cứu dịch ngữ An Nam. Nghiên cứu bộ phận Việt tộc trong dịch ngữ Hoa – Di” (1953) của Trần Cảnh Hòa; “Địa vực tám quận Nam Hải” (1953) của Thi Chi Miễn; các bài “Nghiên cứu tiến trình lịch sử các dân tộc vùng tây nam thời tiên Tần” (1957); chuyên luận “Một trong các đặc trưng văn hóa đồ đá mới vùng đông nam Trung Quốc – bôn có nấc” (1958) của Lâm Huệ Tường; “Một trong các đặc trưng văn hóa đồ đá mới vùng đông nam Trung Quốc – đồ gốm hoa văn in (1959) của Lã Vinh Phương; bài “Sơ thám xã hội nguyên thủy ở Quảng Đông” (1959) của Đội khảo cổ Đại học Trung Sơn; bài “Sự phân bố nền văn hóa nguyên thủy ở Trung Quốc và Đông Nam Á” (1961)của Tưởng Toản Sơ; bài “Công thần khai phá đất Lĩnh Nam: Triệu Đà” (1962) của Hoàng Mạt Sa; bài “Bước đầu khảo cứu địa vực cư trú và kết cấu xã hội người Mân Việt cổ thời Tây Hán” (1963) của Diệp Quốc Khánh và Tân Thổ Thành; bài “Về tộc Mân Việt thời Đông Hán” (1964) của Diệp Quốc Khánh; bài “Nguồn gốc và quá trình phát triển của Đông Việt, Sơn Việt” (1964) của Trần Khả Úy; bài “Kinh doanh của các triều đại Tần – Hán ở phương Nam” (1973) của Tiêu Phồn; bài “Sơ thám nguồn gốc tộc Tây Âu” (1978) của Lương Chiêu Thao; bài “Dạ Lang giản luận” (1979) của Dương Đình Nghiên; bài “Bàn về tính chất xã hội nước Việt thời Xuân Thu – Chiến Quốc” (1979) của Tưởng Bính Chiêu v.v.(7).
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu Bách Việt trong giai đoạn khủng hoảng thiếu hẳn tính hệ thống, chủ yếu là đi vào các khía cạnh cụ thể và kế thừa quan điểm của các tác giả giai đoạn trước. Điều đáng ghi nhận là giới nghiên cứu đã bắt đầu ứng dụng các kết quả khảo cổ học vào công trình của mình, tuy nhiên họ vẫn bị chi phối bởi tư tưởng “tự ngã trung tâm”.
Giai đoạn 1980 đến nay là giai đoạn phát triển. Đầu thập niên 1980 chứng kiến việc thành lập Hội Nghiên cứu lịch sử văn hóa Bách Việt tại Đại học Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến), cơ quan tiến hành nhiều kỳ hội thảo chuyên sâu về lịch sử văn hóa Bách Việt, lần lượt xuất bản các cuốn Tuyển tập lịch sử dân tộc Bách Việt (1982, 1985, 1989, 1998); Nghiên cứu nguồn gốc và quá trình phát triển Bách Việt (1986); Nghiên cứu lịch sử Bách Việt (1987); Nghiên cứu dân tộc Bách Việt (1990); Nghiên cứu Văn hóa Bách Việt Quốc tế (1994); Nhai mộ núi Long Sơn và văn hóa Bách Việt (2001), Nghiên cứu Bách Việt (2007) v.v...(8) với tổng cộng trên 300 bài viết chuyên luận. Điều mới mẻ của giai đoạn này là các tác giả đã phá thế “dĩ Hoa vi trung”, tìm tòi nghiên cứu khách quan và đồng thuận rằng Bách Việt và Hoa Hạ là hai trong số các tập đoàn dân cư cổ sơ độc lập nhau ở Á Đông và là hai nguồn văn hóa lớn hình thành nên diện mạo văn hóa Trung Hoa hôm nay. Tuy nhiên, các tác giả lại chụm lại ở một quan điểm mới, coi văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa nhất thống từ đa nguyên, trong đó hai bộ phận cấu thành quan trọng nhất là Hoa Hạ (lưu vực sông Hoàng Hà) và Bách Việt (lưu vực sông Dương Tử trở xuống) (so với trước đó chỉ công nhận chiếc nôi Hoàng Hà). Hệ quả của quan điểm này là các tác giả cố tình níu kéo hết thảy những gì có nguồn gốc hoặc có liên quan đến Bách Việt vào Trung Quốc.
Bên cạnh, hàng loạt tác giả (hoặc nhóm tác giả) đã công bố nhiều chuyên tác về Bách Việt. Tiêu biểu có Mông Văn Thông với cuốn Việt sử tùng khảo (1983); Tưởng Bính Chiêu với cuốn Tuyển tập tư liệu lịch sử dân tộc Bách Việt (1988); nhóm các tác giả Tưởng Bính Chiêu, Ngô Miên Cát, Tân Thổ Thành với cuốn Văn hóa Dân tộc Bách Việt (1988); Trần Quốc Cường, Tưởng Bính Chiêu, Ngô Miên Cát, Tân Thổ Thành với Lịch sử Dân tộc Bách Việt (1988); Vương Thắng Tiên với Nghiên cứu mới về di tục Việt tộc (1990); Hà Quang Nhạc với Lịch sử hình thành và phát triển Bách Việt (1991); Tống Thục Hoa với cuốn Bách Việt (1991); Trương Tăng Kỳ với Nước Điền và văn hóa Điền Việt (1997); Dương Tông với Văn hóa nước Mân Việt (1998); Lâm Úy Văn với Lịch sử kinh tế Bách Việt Trung Quốc (2003) v. v... Thêm vào đó, hàng trăm bài viết khác nhau đi sâu thảo luận các vấn đề cụ thể của văn hóa Bách Việt, chủ yếu có phạm vi khảo sát là Nam Trung Hoa, ít quan tâm đến mối quan hệ lịch sử văn hóa với bắc Đông Nam Á (xem Tài liệu tham khảo và Phụ lục).
Ở phương Tây đại diện có William Clifton Dodd với cuốn The Tai race: the elder brother of the Chinese (Chủng Thái: anh cả của người Trung Hoa, 1923); Izui Hisanosuke viết bài “On the song of the Yueh” (“Về bài hát Việt Nhân Ca”, 1953); Nai Likhit Hoontrakul Hoontrakul có cuốn The history records of the Siamese- Chinese relations (Các ghi chép lịch sử về mối quan hệ Siam và Trung Hoa, 1953); Edward H. Schafer với The empire of Min (Đế quốc Mân, 2006) v.v. Nhìn chung, xu hướng nghiên cứu chính vẫn là các vấn đề đương đại, tập trung ở yếu tố cộng đồng người Hán Hoa Nam đã hình thành và phát triển như thế nào, văn hóa Hoa Nam đã hấp thu văn hóa Hán như thế nào, hoàn toàn không lấy Bách Việt làm đối tượng nghiên cứu.
Tại Nhật Bản, giai đoạn 1951 – 1975 đã công bố 17 bài viết, tiêu biểu có “Việt tộc trong văn minh Trung Quốc cổ đại” của Goto Kinpei; “Nghiên cứu mộ táng nước Nam Việt thời Hán” của Machida Akira; “Văn hóa Ngô Việt cổ” của Ichikawa, Kenjiro, v.v.. Tuy nhiên, các tác giả chỉ quan tâm vào các vấn đề cụ thể, không thể hiện rõ quan điểm về mối quan hệ văn hóa giữa Bách Việt và các tập đoàn khác.
Ở Thái Lan, sự có mặt của cuốn Chủng Thái – anh cả của người Hán (nêu trên) của William Clifton Dodd [1923] được in lại bằng tiếng Thái Lan và sự ra đời của cuốn The history records of the Siamese-Chinese relations (Các ghi chép lịch sử quan hệ người Xiêm và Hán) của Nai Likhit Hoontrakul Hoontrakul (1953) ở Bangkok đã gây nên một làn sóng tìm hiểu cội nguồn người Lào-Thái-Shan trong các thập niên 1950 về sau. Cũng trong giai đoạn này, các phát hiện khảo cổ ở vùng bắc-đông bắc Thái Lan đã được ứng dụng vào nghiên cứu, góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc Bách Việt (nhánh Tây Việt – thuật ngữ của chúng tôi) của người Thái Xiêm, Thái Lự, Thái Yong, Thái Yuan, Thái Hkun (Thái Lan), người Shan (Miến Điện), người Lào, Lào-Thái (Lào Isan), Thái, Tày, Nùng (Việt Nam), Thái Khamti và Thái A-hom (Ấn Độ) và Thái Vân Nam (Trung Quốc). Các tác giả tiêu biểu có Trưng Bằng [1993: 12], Trịnh Trương Thượng Phương, Sai Kam Mong [2004] v.v.. Nhóm tư liệu nghiên cứu cổ sử nhóm dân tộc Shan-Thái này rất có ý nghĩa trong nghiên cứu của chúng tôi, nhất là ở mối quan hệ nguồn gốc chủng tộc và văn hóa giữa hai vùng Lĩnh Nam và cao nguyên Vân-Quý.
Một vài tác giả người Ấn gốc Thái Khamti bang Assam đã thực hiện một số công trình nghiên cứu nguồn gốc người Thái A-hom và Thái Khamti hiện đang định cư tại bang Assam của Ấn Độ. Trong số đó, các tác giả Lila Gogoi [1971], Puspadhar Gogoi [1996], Nomal Chandra Gogoi [2003], v.v... lần lượt công bố các bài viết khẳng định nguồn gốc từ vùng đất nay là Vân Nam của dân tộc mình.
Ở Việt Nam cho đến nay hầu như không có chuyên luận nào dành riêng cho các vấn đề lịch sử, văn hóa cộng đồng Bách Việt nói chung. Do vậy, chúng tôi sẽ chủ động sàng lọc, sử dụng các tư liệu nói trên làm cơ sở cho các nội dung liên quan đến lịch sử và văn hóa Bách Việt dưới góc nhìn tổng thể.
b. Lịch sử nghiên cứu văn hóa Bách Việt ở Lĩnh Nam
Nếu như việc nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa Bách Việt đơm hoa kết trái, nhất là từ giữa tk. XX về sau với hai quan điểm chủ đạo là “Hạ-Việt đồng nguyên” và “Hạ-Việt nhất thống” thì không có một công trình nào nghiên cứu có hệ thống về văn hóa Bách Việt ở vùng Lĩnh Nam (kể cả ở Trung Quốc). Một số chuyên luận và bài viết có khai thác yếu tố văn hóa Việt cổ ở Lĩnh Nam, song chủ yếu để đạt mục đích làm nền tảng cho sự thâm nhập và phát triển của văn hóa Hán từ thời Tần – Hán về sau mà thôi. Và do vậy, càng không có công trình nào bàn đến mối quan hệ văn hóa Bách Việt ở Lĩnh Nam và văn hóa truyền thống ở Việt Nam.
Ở Trung Quốc, các tác giả và các công trình nghiên cứu ở mức độ tổng quát có thể kể như hai tác giả Vương Văn Quang, Lý Hiểu Bân với cuốn Lịch sử diễn biến phát triển dân tộc Việt: từ Việt, Liêu đến các dân tộc thuộc ngữ hệ Choang – Đồng (2007); Hội nghiên cứu Trống Đồng Trung Quốc công bố hai cuốn Tuyển tập nghiên cứu Trống Đồng 1 và 2 (1982, 1984); và Dư Thiên Xí với cuốn Lịch sử nước Nam Việt cổ (1988). Thứ hai, các nghiên cứu phân tán thành các bình diện cụ thể tương đối phong phú. Đó là các tác giả Đặng Thông với Nghiên cứu văn hóa cổ Nam Trung Hoa và khu vực lân cận (1999); Phùng Minh Dương với Việt Ca: văn hóa luận nghệ thuật ca hát bản thổ vùng Lĩnh Nam (2006); Trương Vĩ Tương, Tiết Xương Thanh với Hải cảng cổ ở Quảng Đông (2006) v.v.. Thứ ba là các nghiên cứu tập trung vào văn hóa người Hán ở Hoa Nam, thường chỉ coi văn hóa Bách Việt là yếu tố đóng vai trò phụ trợ để xây dựng văn hóa Nam Trung Hoa. Đó là Viên Chung Nhân với Văn hóa Lĩnh Nam (1998); Bảo tàng Quảng Tây có cuốn Âu Lạc di túy (2006); Trương Thọ Kỳ có Người Đản gia (1991); Tăng Mục Dã có Bàn về Lĩnh Nam (2005); Tạ Thế Trung với Luận thuật quốc tộc: Trung Quốc với bối cảnh Bắc Đông Nam Á (2004); La Chí Hoan với Văn hiến lịch sử Lĩnh Nam (2006); Hoàng Thục Sính với Nghiên cứu văn hóa tộc người và khu vực Quảng Đông (1999); Củng Bá Hồng với Quảng Phủ văn hóa nguyên lưu (1999) v.v..
Bên ngoài Trung Quốc, một số tác giả thế giới cũng có nghiên cứu về vùng văn hóa này, tuy nhiên cũng nhìn vấn đề ở giai đoạn lịch sử văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam giao lưu và hòa nhập vào văn hóa Hán về sau.
Ở phương Tây, các tác giả tập trung đi nghiên cứu nguồn gốc văn hóa lịch sử của từng dân tộc cụ thể (người Việt, người Choang, người Thái, người Mường, người Lê, người Đồng v.v.), hoặc các chuyên tác bàn về các bình diện văn hóa, nghệ thuật, phong tục các dân tộc bên cạnh các công trình nghiên cứu khảo cổ học, ngôn ngữ học, di truyền học mang tính khu vực (vùng). Đại diện có Edward H. Schafer với The vermilion bird – T’ang images of the South (Chim chu tước – hình ảnh phương Nam thời Đường, 1967); Jeffrey Barlow với The Zhuang: Ethnogenesis (Dân tộc Choang: sự khai sinh dân tộc, 2005); Sow-Theng Leong với Migration and ethnicity in Chinese history – Hakkas, Pengmin and their neighbors (Sự thiên di và dân tộc tính trong lịch sử Trung Hoa – người Khách Gia, người Bình dân và các cộng đồng lân cận, 1997); Vallibhotama Srisakra với Zhuang – the oldest Tai (Choang – người Thái cổ xưa nhất, 1993) v.v.
Tại Nhật Bản, chỉ một vài tác giả quan tâm đến vấn đề này, bởi lẽ nó cũng chỉ là một bộ phận của toàn khối Bách Việt. Các tác giả có thể kể như Hà Nguyên Chính Bác với bài “Quá trình kinh lược của Tần Thủy Hoàng ở Lĩnh Nam” (?); Hà Bạch Điểu Phương Lang với bài “Chủng tộc của dân bản thổ Hoa Nam” (?) v.v..
Ở Việt Nam cũng hoàn toàn chưa có công trình nào chuyên sâu nghiên cứu một cách có hệ thống về văn hóa Bách Việt ở Lĩnh Nam, hoặc là nghiên cứu cơ tầng văn hóa truyền thống Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Bách Việt toàn vùng Lĩnh Nam. Một vài chuyên luận khai thác một số bình diện văn hóa Lĩnh Nam, trong đó có khai thác mối quan hệ nguồn gốc văn hóa Việt Nam với vùng Lưỡng Quảng Trung Quốc. Điển hình là cuốn Mối quan hệ văn hóa thời tiền sử giữa Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc của Trình Năng Chung (2009). Tác giả này đi từ so sánh khảo cổ học văn hóa kết luận rằng văn hóa tiền sử Bắc Việt Nam gắn liền với Nam Trung Hoa, và đây là khu vực sản sinh ra văn hóa Bách Việt. Tuy nhiên, tác giả đã không thảo luận văn hóa Bách Việt đã sản sinh ra như thế nào, diện mạo văn hóa Bách Việt ở Lĩnh Nam ra sao v.v.. Ngoài ra, tác giả Trịnh Sinh cũng có bài “Kỹ thuật luyện kim Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa” đăng trên tạp chí Khảo cổ học (1998) cũng nhất trí về tính thống nhất kỹ nghệ luyện kim vùng Lĩnh Nam.
Kế thừa các thành tựu nghiên cứu quan trọng của các tác giả, chúng tôi nghiên cứu văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam với tư cách là một hệ thống văn hóa hoàn chỉnh bên trong cộng đồng Bách Việt cổ. Đây là nội dung hoàn toàn mới so với các tác giả đi trước.
c. Lịch sử nghiên cứu mối quan hệ văn hóa Bách Việt và văn hóa truyền thống ở Việt Nam
Có một thực tế là ở Việt Nam có rất nhiều công trình nghiên cứu về cội nguồn văn hóa truyền thống ở Việt Nam, rất nhiều tác phẩm đề cập đến tổ tiên Lạc Việt của người Việt Nam, đến cơ tầng văn hóa Đông Nam Á cổ của văn hóa Việt Nam, song không có công trình nào xét cội nguồn văn hóa Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Lĩnh Nam, lấy đó làm cơ sở để thảo luận trực tiếp về mối quan hệ hữu cơ giữa văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam và văn hóa truyền thống ở Việt Nam.
Thứ nhất là nhóm các công trình chuyên sâu nghiên cứu về cội nguồn văn hóa Việt Nam với tư cách là một đối tượng độc lập, chuyên biệt, dù rằng trong đó ít nhiều có bàn đến văn hóa Bách Việt. Các tác giả tiêu biểu có thể kể Đào Duy Anh với Cổ sử Việt Nam (1950); Lê Văn Siêu với các cuốn Văn minh Việt Nam (1964), Việt Nam văn minh sử cương (1967), Việt Nam văn minh sử lược khảo (1972); Nguyễn Phương với Việt Nam thời khai sinh (1965); Viện khảo cổ học với bốn tập Hùng vương dựng nước 1,2,3,4 (1970,1972, 1973, 1974) trong đó có nhiều bài viết có giá trị của các tác giả Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Chử Văn Tần v.v.; Bình Nguyên Lộc với Nguồn gốc Mã Lai của người Việt Nam (1971); Lê Mạnh Thát với Lục độ Tập kinh và Lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta (1972); Kim Định với Nguồn gốc văn hóa Việt Nam (1973) và một số sách khác; Lê Văn Hảo với Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước (1982); Hà Văn Tấn với Giao lưu văn hóa ở người Việt cổ (1982); nhóm tác giả Phạm Minh Huyền.. với cuốn Trống Đông Sơn (1987); Nguyễn Việt với Những nghiên cứu mới về tiền sử, sơ sử Việt Nam (Berlin, Đức, 1988) và Hà Nội, thời tiền Thăng Long (2010); Phạm Minh Huyền với Văn hóa Đông Sơn, tính thống nhất và đa dạng (1993); Trần Quốc Vượng với Việt Nam khảo cổ học (Tokyo, 1993) và Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm (2000); Hà Văn Tấn chủ biên cuốn Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam (1994); Nguyễn Lân Cường với Đặc điểm nhân chủng cư dân văn hóa Đông Sơn (1996); nhóm Đặng Văn Lung.. với Văn hóa Luy Lâu và Kinh Dương Vương (1998); Bùi Thiết với Việt Nam thời cổ xưa (1999); Trần Ngọc Thêm với Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (1996, 1997, 2001, 2004); Chử Văn Tần với Văn hóa Đông Sơn, văn minh Lạc Việt (2003); Nguyễn Duy Hinh với Văn minh Lạc Việt (2004); Hà Văn Tấn với Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam (2005); Ngô Đức Thịnh với Văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam (2006); Nguyễn Khắc Thuần với Tiến trình văn hóa Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỉ XIX (2007) v.v.. Nhóm người Việt hải ngoại cũng có đóng góp không nhỏ, chẳng hạn Phạm Việt Châu với Trăm Việt trên vùng định mệnh (1997); Cung Đình Thanh với cuốn Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học (2003); Nguyễn Đức Hiệp với bài “Giao lưu văn hóa Việt-Tày- Nùng” trong cuốn Khoa học soi sáng lịch sử (2007); Nguyễn Văn Ưu với công trình Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (2009) v.v..
Thứ hai là nhóm các công trình nghiên cứu các khía cạnh cụ thể của văn hóa truyền thống ở Việt Nam, trong đó có cội nguồn văn hóa Bách Việt. Nhiều nhất là các bài viết trên các tạp chí khoa học Nghiên cứu lịch sử, Khảo cổ học, Ngôn ngữ học v.v.. Tính riêng từ tháng 7 năm 1966 đến tháng 8 năm 1978, tạp chí Nghiên cứu lịch sử đã công bố 64 bài viết liên quan đến Việt tộc, tiêu biểu có “Quá trình hình thành và phát triển Việt tộc” của Văn Tân; “Thử bàn về đặc điểm nhân chủng của người Việt” của Nguyễn Đình Khoa; “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong sử sách cổ đại” của Nguyễn Xuân Lân v.v.. Các tác giả Phạm Đức Dương (1983, 1986), Nguyễn Ngọc Bích (1994), Nguyễn Tài Cẩn (1995), Phan Ngọc (1998), Nguyễn Ngọc San (2003) v.v. chuyên sâu thảo luận tỉ mỉ về nguồn gốc tiếng Việt cổ, trong đó có nhấn mạnh vai trò của giao lưu tộc người và ngôn ngữ thời Bách Việt. Các tác giả Hà Văn Tấn (1969), Hà Văn Tấn và Nguyễn Khắc Sử (1978), Hà Văn Tấn, Nguyễn Khắc Sử và Trình Năng Chung (1999); Nguyễn Đình Khoa (1986), Trịnh Sinh (1996, 1998), Phạm Huy Thông (2003) v.v. đứng ở góc độ khảo cổ học để phác họa chân dung văn hóa Lạc Việt cổ ở Việt Nam. Các tác giả Đinh Gia Khánh (1993), Nguyễn Văn Huyên (1995), Nguyễn Lân Cường (1996), Vũ Ngọc Khánh (1999, 2004), Chu Xuân Diên (1999), Trần Quốc Vượng (2005), Ngô Đức Thịnh (2006)(9) v.v. ít nhiều có bàn đến cội nguồn văn hóa Việt cổ (nền tảng văn hóa Đông Nam Á) trong văn hóa Việt Nam thông qua các cứ liệu khảo cổ, văn hóa.
Một số tác giả Âu-Mỹ từng công bố một số công trình nghiên cứu về Việt Nam, song chủ yếu chỉ bàn về Việt Nam thời cổ trung đại, tức là từ đầu Công nguyên trở về sau, và rất ít đề cập đến cội nguồn văn hóa Bách Việt. Đại diện có thể kể Keith Taylor với The Birth of Vietnam (Sự khai sinh nước Việt Nam, 1983), Neil L. Jamieson với Understanding Vietnam (Tìm hiểu Việt Nam, 1993) v.v. Một số tác giả khác mở rộng nghiên cứu cả khu vực Đông Nam Á cổ, chẳng hạn Hall D.G.E. với A history of South-east Asia (Lịch sử Đông Nam Á, 1964), Eberhard Wolfram với The local cultures of South and East China (Văn hóa bản địa ở nam và đông Trung Hoa, 1968), Solheim II W.G. (1969), Charles F. Keyes với The Golden Peninsular (Bán đảo Vàng, 1977), Bernet Kempers A.J. với The kettledrums of Southeast Asia (Trống đồng Đông Nam Á, 1988), Charles F.W. Higham với The archaeology of mainland Southeast Asia (Khảo cổ Đông Nam Á lục địa, 1989), The Bronze age of Southeast Asia (Thời đại đồ đồng ở Đông Nam Á, 1996), Early cultures of mainland Southeast Asia (Văn hóa Đông Nam Á lục địa thời tảo kì, 2002), Dougald JW. O’Reilly với Early civilizations of Southeast Asia (Văn minh Đông Nam Á tiền sử, 2007), Ambra Calò với The distribution of bronze drums in Southeast Asia (Sự phân bố trống đồng ở Đông Nam Á, 2009) v.v..
Tại Trung Quốc, một vài tác giả có nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa Việt Nam, song chủ yếu đặt dước góc nhìn văn hóa truyền thống Việt Nam là một phần của Bách Việt, trong khi văn hóa Bách Việt nằm dưới hệ thống văn hóa Hoa Hạ (thuyết Hạ-Việt đồng nguyên) hoặc là một bộ phận cấu thành văn hóa Trung Hoa (thuyết Hạ-Việt nhất thống). Chính vì thế, các tác giả chủ yếu phân tích và nhấn mạnh những điểm tương đồng hơn là tính chỉnh thể của văn hóa Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể Dương Lập Băng với bài “Đánh giá các nghiên cứu của giới sử học nghiên cứu Việt Nam về lịch sử Việt Nam cổ đại” đăng trên Học thuật luận đàn (1982); Mông Văn Thông, Vương Văn Quang với Việt sử tùng khảo (1983); tác giả Phạm Hồng Quý với “Thảo luận về vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam” đăng trên Động thái nghiên cứu dân tộc (1987), và các cuốn Dân tộc Việt Nam và vấn đề dân tộc (1999), Các dân tộc tương quan ở Hoa Nam và Đông Nam Á (2004); Quách Chấn Đạc với Việt Nam thông sử (2001) v.v..
Chúng tôi hoàn toàn kế thừa các thành quả nghiên cứu của các tác giả Việt Nam và phương Tây, sử dụng chúng làm tư liệu để khảo sát vấn đề chính là mối quan hệ nguồn cội giữa văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam và văn hóa truyền thống ở Việt Nam (chương 3). Do vậy, trọng tâm mà chúng tôi khảo sát và các mối quan hệ văn hóa, chứ hoàn toàn không nỗ lực phác họa diện mạo văn hóa truyền thống ở Việt Nam. Rõ ràng, nghiên cứu theo hướng này của chúng tôi không trùng lắp bất kỳ công trình nào tại Việt Nam và trên thế giới.
Tóm lại, có thể thấy vấn đề nghiên cứu văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam và mối quan hệ với văn hóa truyền thống ở Việt Nam là một hướng nghiên cứu mới, dù rằng nhiều khía cạnh cụ thể của nó được khá nhiều tác giả đứng ở nhiều góc độ bàn đến. Chúng tôi mạnh dạn khẳng định tính độc lập và mới mẻ của công trình này.
3. MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam và mối quan hệ của nó với văn hóa truyền thống ở Việt Nam, trước tiên là nhằm khảo sát các bình diện văn hóa Lĩnh Nam theo thành tố, qua đó nghiên cứu mối quan hệ tổng hợp, tương hỗ giữa các thành tố đó dựa trên cơ sở các thành tựu khoa học có liên quan nhằm nắm bắt được tính chất, nội dung, loại hình, đặc điểm, cấu trúc của vùng văn hóa này, để cuối cùng rút ra được quy luật phát triển của nó. Sau đến, trên nền tảng ấy, chúng tôi tiến hành xác định vị trí, tính chất, vai trò của văn hóa Lạc Việt, trực tiếp diễn giải mối quan hệ nguồn cội giữa nền văn hóa bộ phận của Lĩnh Nam này với văn hóa truyền thống ở Việt Nam, góp phần làm sáng tỏ căn nguyên văn hóa nước nhà.
Việc dựng lại nội dung, diện mạo và tính chất của văn hóa truyền thống ở Việt Nam phải đặt trong bối cảnh chung của vùng Lĩnh Nam. Đây là điểm nhấn mạnh và là mấu chốt của mối quan hệ văn hóa Bách Việt – Việt Nam tính theo chiều dài lịch sử. Lĩnh Nam là một phần hữu cơ của văn hóa Bách Việt, nó vừa là chiếc nôi hình thành khối văn hóa này, nơi chứng kiến sự phân lập đông, tây của văn hóa Bách Việt vừa là nơi hội tụ của các dòng văn hóa trong và ngoài Bách Việt ở các giai đoạn hậu phân lập. Trong nhiều thiên niên kỷ của quá trình phân lập rồi dung hợp văn hóa ấy, văn hóa truyền thống ở Việt Nam được phôi thai và hình thành, tự thân nó có mang hệ thống các giá trị chung của họ Bách Việt, song lại thể hiện những “tư chất riêng” của một nhánh văn hóa Bách Việt được tôi luyện qua những gian nan của quá trình lịch sử – xã hội khắc nghiệt. Rõ ràng, việc nghiên cứu, tìm tòi căn nguyên văn hóa Việt Nam không thể không đặt trong bối cảnh văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam.
Trong suốt thời gian lịch sử đằng đẵng ấy, văn hóa truyền thống ở Việt Nam sớm mang vào mình một thân phận lịch sử đặc biệt, cùng chen vai sát cánh với các dòng văn hóa Bách Việt ở Lĩnh Nam khác để chống lại sự xâm nhập và thay thế của văn hóa phương Bắc. Văn hóa Bách Việt ở Việt Nam truyền thống đã thực hiện thành công sứ mệnh ấy, trong khi các dòng văn hóa cùng truyền thống ở nhiều nơi khác lại thất bại. Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đặt vấn đề dưới góc nhìn so sánh để tìm các yếu tố mang tính bản sắc của văn hóa truyền thống ở Việt Nam.
3.2. Do tính chất, yêu cầu của nội dung và đối tượng nghiên cứu, chúng tôi tiến hành hạn định đối tượng theo không gian, thời gian, chủ thể.
Về không gian, chúng tôi tập trung vào dải đất từ Nam Dương Tử xuống đến Bắc Đông Dương của khu vực Đông Á, nơi sinh nhai của tổ tiên Bách Việt. Trong quá trình phân tích, chúng tôi lấy vùng đất này làm tiêu điểm, tiến hành khảo sát thông qua so sánh với khu vực phía bắc (văn hóa Hoa Hạ-Hán), khu vực phía nam (phần còn lại của Đông Nam Á cổ). Những dãy núi cao ở phía tây nối liền với cao nguyên Thanh Tạng tự thân nó đã làm bức tường chắn ngăn cách hai không gian đông-tây, vì thế việc so sánh theo chiều không gian này là không cần thiết.
Về chủ thể, đối tượng chính là cộng đồng Bách Việt cổ, trong đó trọng tâm nằm ở các tộc người ở vùng văn hóa Lĩnh Nam (ba tộc Âu Việt, Nam Việt và Lạc Việt). Khi khảo sát quy luật phát triển văn hóa Bách Việt vùng này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ văn hóa giữa nó và các vùng văn hóa đồng họ khác ở cao nguyên Vân-Quý, lưu vực Dương Tử, đất Phúc Kiến và Đài Loan. Do tính chất phức tạp của giao lưu tộc người và văn hóa, chủ thể của đối tượng nghiên cứu còn được đặt trong bối cảnh chung của văn hóa phương Nam, đặc biệt là khối dân cư Môn-Khmer ở bán đảo Đông Dương.
Về mặt thời gian, luận án tiến hành theo trình tự thời gian hình thành, phát triển văn hóa Bách Việt ở Lĩnh Nam thời tiền sử đến các tk. III, II trCN, quá trình giao lưu, tranh chấp với văn hóa Hán trước và sau CN, quá trình hòa nhập vào văn hóa Hán từ đầu CN đến nửa sau thiên niên kỷ I sau CN, và quá trình phân lập văn hóa truyền thống ở Việt Nam từ giữa thiên niên kỷ I, phát triển mạnh từ nửa sau thiên niên kỷ I. Khái niệm “văn hóa truyền thống ở Việt Nam” trong tên luận án nằm trong khung thời gian này, có không gian là vùng đất nay là Bắc Bộ Việt Nam với chủ thể là cộng đồng Lạc Việt Cổ, sau phát triển thành tổ tiên chung Việt-Mường.
Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận án như vậy là khá rộng, do đó chúng tôi sử dụng góc nhìn văn hóa học trong khảo sát vấn đề nhằm kết nối các sản phẩm nghiên cứu cụ thể. Để bổ trợ cho góc nhìn này, phần cơ sở lý luận thuộc chương 1 của công trình phần nào nói rõ cách tiếp cận vấn đề của chúng tôi.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN TÀI LIỆU
Đối tượng và mục đích nghiên cứu quy định phương pháp tiếp cận, và phương pháp tiếp cận sẽ quyết định kết quả của một công trình nghiên cứu khoa học. Nhận thức được điều này, chúng tôi đã tìm tòi ứng dụng, so sánh hiệu quả và cuối cùng rút ra được hệ thống các phương pháp nghiên cứu phù hợp cho mình.
Trong luận án, chúng tôi sử dụng triệt để phương pháp liên ngành trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Phương pháp này được tổng hợp từ nhiều phương pháp cụ thể như:
- Phương pháp hệ thống – cấu trúc, chủ yếu được áp dụng trong việc khảo sát hệ thống văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam, cũng như trong việc nhận định, đánh giá và so sánh mối tương quan giữa văn hóa Lạc Việt thời cổ đại và văn hóa truyền thống ở Việt Nam. Phương pháp này có lợi thế là giúp phân định khá rạch ròi các thành tố của văn hóa, nhờ vậy đảm bảo được khả năng bao quát mối quan hệ tương hỗ giữa các thành tố văn hóa bên trong. Thêm vào đó, việc xác định tọa độ văn hóa của đối tượng nghiên cứu theo trục không gian, thời gian, chủ thể, và loại hình văn hóa sẽ giúp kiện toàn hệ thống thông tin nghiên cứu.
- Phương pháp loại hình, tiến hành phân loại loại hình văn hóa khu vực Đông Á thành hai kiểu chính do căn cứ vào sự khác biệt về điều kiện tự nhiên và nguồn gốc kinh tế – văn hóa, bao gồm loại hình kinh tế – văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước phương Nam và loại hình kinh tế – văn hóa tổng hợp giữa nông nghiệp cạn và du mục phương Bắc. Mỗi khu vực gắn liền với những đặc trưng khác biệt về văn hóa truyền thống. Chẳng hạn, văn hóa Đông Nam Á cổ chú trọng ở vai trò tập thể, văn hóa phương Bắc vừa coi trọng vai trò tập thể vừa chú ý vị trí cá nhân, cả hai cùng khác biệt với kiểu văn hóa phương Tây vốn coi trọng vai trò cá nhân.
- Phương pháp khảo cứu văn hiến, chủ yếu là tham khảo các tư liệu cổ sử Trung Hoa và Việt Nam để đối chiếu với các kết quả nghiên cứu của các lĩnh vực khoa học hiện đại (khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học v.v.). Trong một số trường hợp, khảo cứu văn hiến là rất cần thiết, nhất là phác họa diện mạo văn hóa tinh thần của cộng đồng Bách Việt cổ như tín ngưỡng, phong tục, nghệ thuật v.v.. Danh mục các công trình cổ sử Trung Hoa và Việt Nam được khảo sát hoặc trích dẫn, chúng tôi bố trí sau phần Tài liệu tham khảo.
- Phương pháp điền dã, được thực hiện chủ yếu ở phần đất Bách Việt nay thuộc Trung Hoa (Lĩnh Nam, Ngô Việt, Nhị Hồ) và đảo Đài Loan, đảo Kim Môn và quần đảo Bành Hồ. Từ năm 2005 đến nay, chúng tôi đã thực hiện hai chuyến điền dã dài ngày, cả hai đều áp dụng mô thức homestay (chủ yếu ở Quảng Đông) và điền dã dân tộc học. Chuyến thứ nhất kéo dài 6 tháng (từ tháng 9/2005 đến 2/2006), chuyến thứ hai 8 tháng (từ tháng 2/2008 đến tháng 9/2008). Ngoài ra, trong hai năm 2010 và 2011, chúng tôi còn thực hiện nhiều chuyến khảo sát ngắn ngày vào các dịp tết 3 tháng ba (tết Lồng tồng) ở Triệu Khánh (Quảng Đông), tết 5 tháng năm (Đoan ngọ) tại Gia Hưng (Chiết Giang) và tết 7 tháng bảy (tết Ngâu) tại Quảng Châu (Quảng Đông). Các vấn đề được quan tâm nhiều nhất là thu thập tư liệu thành văn, tiếp cận thành quả nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc, thu thập các minh chứng cho các phong tục, tập quán cổ xưa, các dạng thờ tự, các di tích khảo cổ, các câu chuyện dân gian truyền miệng gốc Bách Việt, đồng thời kiểm nghiệm di sản văn hóa Bách Việt còn để lại trong văn hóa các hệ dân Hán phương Nam như Quảng Phủ, Quế Liễu, Đản Gia, Triều Châu, Khách Gia, Mân Nam, Tương, Can, Ngô Việt, Hải Nam v.v.. Địa bàn khảo sát chính là Quảng Đông (Nam Việt cổ) và Quảng Tây (Âu Việt cổ), song chúng tôi cũng dành rất nhiều thời gian đi khảo sát ở Phúc Kiến (Mân Việt cổ), Hồ Nam (Dương Việt cổ), Giang Tây (Can Việt cổ), Chiết Giang (Vu Việt cổ), Giang Tô và Thượng Hải (Câu Ngô cổ). Những chuyến du khảo kết hợp với hội nghị khoa học tại Đài Loan và quần đảo Bành Hồ ít nhiều góp thêm tư liệu thực tế cho công trình. Tại Việt Nam, chúng tôi chủ yếu khảo sát ở vùng núi và trung du phía Bắc với đối tượng chính là văn hóa các tộc người Tày, Nùng, Thái, v.v. để có thêm góc nhìn so sánh cần thiết. Nhờ áp dụng phương pháp điền dã này, chúng tôi xây dựng được một tủ sách về tư liệu nghiên cứu lịch sử, văn hóa Bách Việt ở Trung Hoa cho đến cuối năm 2008. Ngoài ra, trong thời gian thực tập khoa học 18 tháng tại Viện Harvard-Yenching (Đại học Harvard), chúng tôi đã bổ sung các tư liệu tiếng Anh, góp phần tăng cường tính khách quan cho nội dung luận án.
- Phương pháp so sánh trong văn hóa học, đặc biệt ở hướng nghiên cứu so sánh song song hai dòng văn hóa cùng nguồn gốc nhưng phân lập độc lập trong quá trình lịch sử – xã hội (nhất nguyên nhị phân): (1) văn hóa Lạc Việt phát triển thành văn hóa truyền thống ở Việt Nam và văn hóa bộ phận còn lại của Bách Việt ở Lĩnh Nam hòa nhập vào văn hóa Hoa Nam. Mục đích của hướng nghiên cứu này là đi tìm bản sắc riêng của từng đối tượng, lý giải nguyên nhân của hiện tượng nhị phân và rút ra quy luật phát triển riêng của từng dòng văn hóa. Đây là một hướng nghiên cứu khá mới mẻ, bởi tính chất nước đôi: vừa so sánh trong (chất đồng nguyên), vừa so sánh ngoài (chất nhị phân). Trên thực tế, nhiều nền văn hóa thế giới được phân lập từ một nguồn gốc chung nào đó, việc phát triển thành bản sắc văn hóa riêng phần đông được tạo lập qua quá trình phát triển của lịch sử. Song trong trường hợp văn hóa truyền thống ở Việt Nam kế thừa từ cơ tầng Bách Việt, trước khi các yếu tố lịch sử – xã hội kích thích hình thành bản sắc văn hóa thì ngay tính chất của nền văn hóa, thành phần tộc người đã đóng vai trò quan trọng, thậm chí là then chốt trong việc hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ngoài các phương pháp nói trên, chúng tôi còn sử dụng (1) Cách tiếp cận địa văn hóa, chủ yếu áp dụng các lý thuyết vùng văn hóa, mở rộng là khảo cứu văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam và văn hóa truyền thống ở Việt Nam theo không gian, ứng dụng phương thức khảo sát văn hóa gắn liền với các điều kiện tự nhiên và loại hình sinh thái. Điểm mấu chốt của cách tiếp cận này là làm nổi bật vai trò tác động của điều kiện sinh thái đối với việc hình thành văn hóa, tính chất, đặc trưng của văn hóa. (2) Cách tiếp cận sử văn hóa, đặt trọng tâm ở ứng dụng các góc nhìn văn hóa theo lịch sử văn hóa, qua đó khảo sát sự biến thiên văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam và văn hóa truyền thống ở Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử dưới tác động của môi trường xã hội nhằm rút ra được quy luật phát triển của văn hóa.
Nguồn tư liệu phục vụ cho luận án cực kỳ phong phú, phân thành tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh và các ngôn ngữ khác (Nga, Pháp, Nhật, Thái v.v.). Với hàng trăm chuyên luận và bài viết tiếng Việt, hơn 1000 tên gọi tài liệu tiếng Trung (xem Phụ lục) và hàng trăm tên gọi tài liệu tiếng Anh cùng các ngôn ngữ khác, chúng tôi hoàn toàn có đủ nguồn tư liệu để thực hiện luận án. Trong luận án này chúng tôi tạm thời chưa sử dụng được các kết quả nghiên cứu của các tác giả Đông phương học người Nga cũng như các tác giả người Pháp, người Đức, người Nhật v.v... do hạn chế về các ngoại ngữ Nga, Pháp, Đức, Nhật v.v..
5. KẾT QUẢ ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
5.1. Trên phương diện khoa học
- Cung cấp lượng thông tin quan trọng và cập nhật về nghiên cứu lịch sử văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam cùng quá trình vận động, phát triển của vùng văn hóa này, giúp làm nổi rõ các đặc trưng văn hóa truyền thống cũng như các yếu tố bản sắc văn hóa Bách Việt ở Lĩnh Phác họa quá trình hình thành tộc người và diện mạo văn hóa Lạc Việt cổ trong bối cảnh văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam để làm nền tảng xây dựng mối quan hệ lịch sử văn hóa giữa văn hóa Lạc Việt và văn hóa truyền thống ở Việt Nam.
- Trực tiếp thảo luận và lý giải các thành phần tộc người, ngôn ngữ và văn hóa dung hòa hình thành văn hóa Lạc Việt của tổ tiên Việt Mường, mối quan hệ giữa văn hóa Lạc Việt và văn hóa các tộc người Bách Việt khác ở Lĩnh Nam.
- Lý giải các căn tính quan trọng của văn hóa, các yếu tố phát sinh từ điều kiện môi sinh, thành phần tộc người, văn hóa và quá trình lịch sử – xã hội góp phần tạo dựng và gìn giữ bản chất văn hóa Đông Nam Á cổ của văn hóa Việt Nam.
- Bổ sung tư liệu nghiên cứu trường hợp có ý nghĩa cho hướng nghiên cứu kết hợp văn hóa vùng, văn hóa sử và văn hóa so sánh, đặc biệt là hướng nghiên cứu so sánh song song “đồng nguyên đa phân” dưới tác động của môi trường sinh thái cùng quá trình lịch sử – xã hội của nhiều cộng đồng văn hóa nhân loại
5.2. Trên phương diện thực tiễn
- Luận án góp phần cung cấp những cứ liệu quan trọng cho việc khẳng định nguồn gốc bản địa Bách Việt của văn hóa truyền thống ở Việt Nam – căn nguyên quan trọng giúp điều tiết các yếu tố văn hóa ngoại lai du nhập từ sau Công nguyên, gián tiếp giải tỏa nhiều mối hoài nghi và băn khoăn về nguồn gốc tộc người và văn hóa Việt Nam trong một bộ phận cư dân.
- Các kết quả nghiên cứu cho thấy văn hóa truyền thống ở Việt Nam được kết tinh từ giá trị vật chất và tinh thần quý giá của biết bao tộc người, biết bao cộng đồng và trải qua biết bao thế hệ. Những kết luận về cội nguồn chung của các tộc người và văn hóa của các dân tộc có thể giúp ích hỗ trợ cho chính sách bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
- Quy luật phát triển của văn hóa Lạc Việt và văn hóa truyền thống ở Việt Nam được đúc kết trong luận án góp phần khơi dậy tinh thần yêu văn hóa, yêu dân tộc và quốc gia ở Việt Nam, gợi mở nhiều bài học lịch sử và văn hóa của tổ tiên, làm tư liệu tinh thần quý giá cho hiện tại và tương lai của đất nước.
- Việc củng cố nền tảng văn hóa Đông Nam Á cổ của văn hóa Việt Nam giúp định hướng phát triển các mối quan hệ quốc tế trong khu vực, đặc biệt là với tư cách là một thành viên của Tổ chức các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ năm 1995.
5.2 KẾT CẤU VÀ QUY CÁCH TRÌNH BÀY LUẬN ÁN
(1) Luận án này đi từ việc xác định tọa độ văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam với tư cách là một bộ phận của khu vực văn hóa Bách Việt và là một vùng văn hóa thống nhất trong đa dạng đến thảo luận, lý giải các thành tựu tiêu biểu của văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam qua hệ thống các thành tố văn hóa. Trong quá trình ấy, các đặc trưng tiêu biểu nhất của văn hóa Lạc Việt cổ được nhấn mạnh, làm nền tảng cho việc phân tích, khảo cứu quá trình phát triển của văn hóa Lạc Việt cổ thành văn hóa truyền thống ở Việt Nam. Xét theo không gian, chúng tôi đi từ phạm vi rộng (văn hóa Bách Việt) thu hẹp dần vào phạm vi khảo sát chính (vùng Lĩnh Nam) và đối tượng đích đến (vùng văn hóa Bắc Bộ Việt Nam). Theo đó, toàn văn luận án được chia làm ba phần:
- Phần chính văn: ngoài phần Dẫn nhập và Kết luận, luận án có ba chương
– Chương 1 (51 trang) là chương Cơ sở lý luận và thực tiễn, bao gồm hai mục là Cơ sở lý luận được áp dụng trong nghiên cứu xuyên suốt luận án, và Cơ sở thực tiễn là phần xác định tọa độ văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam từ các góc nhìn là không gian, chủ thể, thời Các thông tin, nhận định ở chương này có tác dụng cung cấp một cái nhìn tổng quan và những dữ liệu cơ sở để tiếp cận sâu hơn từng vấn đề ở các chương sau.
– Chương 2 (58 trang) mang tên Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam gồm ba mục chính là Văn hóa nhận thức, Văn hóa tổ chức đời sống tập thể, Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội. Chương này tập trung phác họa toàn diện bức tranh văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam theo các thành tố văn hóa nhận thức, tổ chức xã hội và ứng xử. Nội hàm của văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam cùng các mối quan hệ bên trong và bên ngoài của nó, đến lượt mình, sẽ làm cơ sở cho phần nội dung chương 3.
– Chương 3 (51 trang) là Chương Mối quan hệ giữa văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam với văn hóa truyền thống ở Việt Nam, gồm hai mục chính là Văn hóa Lạc Việt trong vùng Lĩnh Nam, và Từ văn hóa Lạc Việt đến văn hóa truyền thống ở Việt Nam. Nội dung chương này chủ yếu xây dựng theo trình tự thời gian văn hóa (khoảng thời gian hình thành, tồn tại và phát triển của nền văn hóa) để chứng minh mối quan hệ nguồn gốc Lạc Việt của văn hóa truyền thống ở Việt Nam. - Phần tài liệu tham khảo (38 trang) gồm 532 tài liệu, trong đó 380 công trình nghiên cứu thời hiện đại, 144 cuốn cổ sử Trung Hoa và 8 cuốn cổ sử Việt Nam, được trình bày theo quy định của bản “Hướng dẫn tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ” số 8271/SĐH ngày 1/9/2000 của Bộ giáo dục Đào tạo. Riêng các cuốn cổ sử Trung Hoa và Việt Nam được trình bày dạng bảng biểu để dễ theo dõi.
- Phần phụ lục (178 trang) gồm có 6 mục: (1) Tổng quan thành tựu kinh tế Bách Việt, (2) Dân ca Bách Việt cổ -Việt Nhân Ca; (3) Phong tục Bách Việt – tết lồng tồng 3 tháng ba, tết Đoan ngọ; (4) Danh nhân Bách Việt – Phạm Lãi, Tây Thi, Ôn Long Cơ, Hai Bà Trưng; (5) Di truyền Bách Việt; và (6) Cơ sở dữ liệu nghiên cứu lịch sử, văn hóa Bách Việt ở Trung Quốc tính đến 2008. Nội dung các mục Phần Phụ lục này góp phần bổ trợ cứ liệu khoa học cho các nhận định, luận điểm trong luận án.
Trong toàn luận án có 11 bảng biểu và 96 hình bản đồ, hình minh họa (chương 1: 22 hình, chương 2: 45 hình, và chương 3: 29 hình). Các bảng biểu được đánh số riêng, ví dụ chương 1: bảng 1.1, bảng 1.2, bảng 1.3; chương 1: bảng 2.1, bảng 2.1.. Phần các bản đồ, hình ảnh minh họa cũng được đánh số thứ tự tương tự: H.1.1, H.1.2, H.1.3 v.v.. Ở cuối phần phần Mục lục chúng tôi lập bảng tra danh mục các bảng biểu; bảng tra danh mục các bản đồ và hình ảnh minh họa theo số trang để tiện tra cứu.
Các đoạn trích dẫn được dịch sang tiếng Việt hoặc để nguyên âm Hán Việt nếu đã rõ nghĩa. Các câu, đoạn trích quan trọng được chú thích ở phần footnote cùng với âm Hán Việt.
Các thuật ngữ được dùng trong luận án hầu hết đều là thuật ngữ thuộc chuyên ngành văn hóa học, một số vay mượn từ ngôn ngữ học, dân tộc học và khảo cổ học. Một số thuật ngữ được bổ sung tiếng Anh để đối chiếu.
Phần dẫn nguồn, chúng tôi đặt ngay sau ý hay đoạn trích được lấy từ công trình các tác giả khác, gồm [tên tác giả năm xuất bản: số trang], ví dụ [Đào Duy Anh 1955: 47].
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Cơ sở lý luận
Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam và mối quan hệ với văn hóa truyền thống ở Việt Nam là một đề tài thuộc mảng nghiên cứu kết hợp địa văn hóa và sử văn hóa. Cả hai góc nhìn này được đặt dưới lăng kính văn hóa so sánh.
1.1.1. Nghiên cứu từ góc nhìn đa văn hóa kết hợp với sử văn hóa
Hướng nghiên cứu này chủ yếu được thực hiện theo hai góc nhìn, gồm địa văn hóa và sử văn hóa, tức nghiên cứu kết hợp giữa trục tung và trục hoành (ở chừng mực nhất định là nghiên cứu kết hợp đồng đại và lịch đại). Cả hai góc nhìn này luôn được tuân theo nguyên lý tương đối luận văn hóa (cultural relativism), không đồng thuận với quan điểm “dĩ Hoa vi trung” (Sinocentrism), cũng như không rơi vào chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrism).
a. Nghiên cứu vấn đề theo góc nhìn địa văn hóa
Ở góc nghiên cứu địa văn hóa, chúng tôi đi từ cách tiếp cận địa lý để bàn về nguồn gốc hình thành, phát triển và lan tỏa văn hóa trong không gian địa lý, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa của một hoặc vài nhóm tộc người thuộc cùng một khu vực văn hóa hay giữa các khu vực văn hóa với nhau. Luận án đặc biệt vận dụng các lý thuyết văn hóa vùng và liên quan đến văn hóa vùng, tiêu biểu là lý thuyết vùng văn hóa, lý thuyết loại hình kinh tế – văn hóa và lý thuyết sinh thái văn hóa.
Lý thuyết vùng văn hóa (cultural area) giúp nhận diện đặc trưng văn hóa của con người trong quá trình lịch sử và trên một vùng không gian cụ thể, giúp phân biệt văn hóa vùng này với vùng khác, qua so sánh sẽ tìm ra những nét tương đồng (nét chung của vùng) và dị biệt (nét riêng của từng tiểu vùng, nhóm tộc người). Trong nghiên cứu vùng văn hóa, tập hợp nhiều yếu tố mang tính đặc trưng cho toàn vùng được chọn làm cơ sở để khảo sát. Trong số các đặc trưng ấy, “típ đặc trưng cho vùng” [Ngô Đức Thịnh 2004] là hạt nhân cơ bản, góp phần tạo nên những sắc thái riêng cho vùng văn hóa. Nghiên cứu theo hướng này, chúng ta có thể thấy được dấu ấn văn hóa của con người, các sắc thái văn hóa đa dạng của các vùng, của các tộc người, quy luật hình thành và biến đổi của văn hóa trong các môi trường không gian địa lý nhất định, đồng thời còn tìm thấy được cả con đường và các phương thức giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại giữa các vùng (xem thêm Khoa Nhân học [2008: 108]). Áp dụng vào đề tài luận án, lý thuyết này giúp phân định khu vực văn hóa Bách Việt với các khu vực văn hóa khác cùng thuộc vùng Á Đông (như Hoa Hạ-Hán, Nam Đảo v.v.), đồng thời còn giúp xác định đặc thù riêng của văn hóa Bách Việt tại Lĩnh Nam (một phần tử của văn hóa Bách Việt) và văn hóa Lạc Việt (một bộ phận của văn hóa Lĩnh Nam).
Song hành với lý thuyết vùng văn hóa là lý thuyết loại hình kinh tế – văn hóa do C.L.Wisler và một số nhà khoa học khác phát triển trên nền tảng cơ bản của cách tiếp cận địa văn hóa. Các tác giả lựa chọn một tập hợp những đặc trưng tạo nên kiểu loại (type) hay loại hình văn hóa vùng. Trên cơ sở ấy, một số nhà khoa học Xô-viết những năm 1930 (đại diện là N.N. Cheboksarov) phát triển thành thuyết loại hình kinh tế-văn hóa, tiến hành phân loại văn hóa thế giới vào ba loại hình chính, gồm (1) loại hình kinh tế văn hóa săn bắt, hái lượm và đánh cá; (2) loại hình kinh tế văn hóa nông nhiệp dùng cuốc và chăn nuôi; và (3) loại hình kinh tế văn hóa nông nghiệp dùng cày với sức kéo động vật. Đối chiếu vào đối tượng nghiên cứu của luận án, chúng tôi dễ dàng xác định văn hóa Bách Việt được loại xếp vào hình thứ hai, từ đó tiến tới nhận diện một số dấu hiệu quan trọng của kiểu thức (type) kinh tế-văn hóa của nền văn hóa này cũng như từng vùng, từng tiểu vùng của nó. Cách tiếp cận đi từ ngoài vào trong giúp nhận diện và nhấn mạnh các yếu tố mang tính đặc thù của văn hóa Lạc Việt, giúp lý giải nguyên do, động lực và phương thức phát triển văn hóa Lạc Việt thành văn hóa truyền thống ở Việt Nam trong khi văn hóa Bách Việt ở các vùng khác đã dung hòa vào văn hóa Hán.
Thứ ba là lý thuyết tân tiến hóa luận gắn với môi trường sinh thái, hay còn gọi là lý thuyết sinh thái văn hóa (cultural ecology). Tiêu biểu là J. Steward (1902- 1972), người nhấn mạnh mối quan hệ giữa một nền văn hóa và môi trường của nó. Theo đó, văn hóa được cho là có một mối quan hệ sáng tạo và năng động giữa văn hóa và môi trường. Các nền văn hóa, vùng văn hóa có thể tiến hóa theo con đường riêng của mình dưới tác động của nhiều yếu tố, trong đó môi trường sinh thái đóng vai trò quan trọng. Những biến đổi xã hội bên trong một nền (vùng) văn hóa mang tính chất tiến hóa phải bắt đầu từ sự thích nghi với môi trường để biến thành một nền văn hóa tĩnh. “Một tập hợp của những nét tạo nên hạt nhân của nền văn hóa” đóng vai trò quan trọng, chúng nảy sinh như hậu quả thích nghi của nền văn hóa đối với môi trường và xác định độ hòa nhập giống nhau của chúng (xem thêm Khoa Nhân học [2008: 28-29, 221]).
Bách Việt là một khu vực văn hóa phân bố rộng theo không gian và đa dạng về tính chất trong cái phổ chung đặc thù của nó (tính đa dạng và tính thống nhất). Việc đi tìm dấu vết của văn hóa Bách Việt trong nguồn cội văn hóa Việt Nam phải bắt đầu từ việc khoanh vùng không gian văn hóa (không gian sinh tồn của một nền văn hóa) với điều kiện môi sinh gần gũi nhất (đồng bằng Bắc Bộ và vùng núi xung quanh, xa hơn là toàn bộ Lĩnh Nam). Chính vì thế, việc phân định đặc trưng sinh thái và ảnh hướng của nó đến văn hóa cấp vùng giúp làm nổi bật cái riêng của cả vùng Lĩnh Nam, làm nền tảng để đi sâu vào phân biệt theo cấp tiểu vùng, nhấn mạnh đặc điểm sinh thái từng địa phương, làm cơ sở quan trọng trong việc nhận diện đặc trưng tộc người, đặc trưng quá trình lịch sử – xã hội, góp phần lý giải sự phân lập văn hóa truyền thống ở Việt Nam trong đại gia đình văn hóa Lĩnh Nam.
Có thể thấy ba lý thuyết nói trên đều trực tiếp hoặc gián tiếp bàn đến loại hình văn hóa. Loại hình văn hóa được xác định thông qua các phẩm chất, đặc trưng chung của nền văn hóa. Ở một phạm vi không gian nhất định, các nhà nghiên cứu đều có thể xác định loại hình văn hóa thông qua các phẩm chất, đặc trưng, và thường được nhận diện thông qua so sánh với các khu vực lân cận. Tác giả Ngô Đức Thịnh [2004] cho rằng loại hình văn hóa là “típ đặc trưng cho vùng”, là hạt nhân cơ bản, góp phần tạo nên những sắc thái riêng cho vùng văn hóa.
Theo Trần Ngọc Thêm [2001], cả lục địa Á-Âu có thể được phân thành ba vùng với ba kiểu loại hình văn hóa, gồm (1) vùng văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á cổ; (2) vùng văn hóa mang kiểu loại hình bán nông bán du, có thể chia nhỏ thành hai khu vực là Đông Bắc Á trọng thế tục (2a) và Tây Nam Á, Nam Á trọng tâm linh (2b), và 3) vùng văn hóa gốc du mục, thương mại phương Tây (xem hình 1.1). Khi đi vào từng vùng cụ thể, ta vẫn có thể xác định được cả ba loại hình này.
Áp dụng vào khu vực Đông Á, chúng tôi tiến hành phân loại hình văn hóa khu vực Đông Á thành hai kiểu chính, bao gồm loại hình văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á cổ và loại hình văn hóa gốc kết hợp nông nghiệp khô và du mục Đông Bắc Á. Tác giả Trần Ngọc Thêm [2001] thì gắn hai loại hình này với hai đặc tính lần lượt là văn hóa trọng tĩnh và văn hóa trung gian song thiên về trọng động. Khái niệm trọng tĩnh hay trọng động được hiểu trong khung văn hóa Á Đông:
H.1.1. Các vùng văn hóa ở lục địa Á – Âu [Trần Ngọc Thêm 2001]Bảng 1.1. So sánh loại hình văn hóa Đông Nam Á và Đông Bắc Á [Trần Ngọc Thêm 2001]
Khu vực văn hóa | Đông Nam Á cổ (phương Nam) |
Đông Bắc Á (phương Bắc) |
Loại hình văn hóa theo kinh tế | Gốc nông nghiệp lúa nước | Gốc nông nghiệp khô và/hoặc du mục |
Loại hình văn hóa theo bản chất | Trọng tĩnh | Trung gian (nằm giữa trọng tĩnh và trọng động), song thiên về trọng động. |
Theo cách phân chia này, văn hóa Bách Việt thuộc phạm vi Đông Nam Á cổ, vì vậy nó mang đầy đủ các đặc trưng cơ bản của loại hình gốc nông nghiệp lúa nước.
Luận án còn sử dụng các cách tiếp cận của lý thuyết giao lưu, tiếp biến văn hóa (acculturation), cộng sinh văn hóa (cultural co-existence) v.v. nhằm bổ trợ cho việc chứng minh, phân tích, giải thích các luận điểm, luận cứ cụ thể.
b. Nghiên cứu vấn đề từ góc nhìn sử văn hóa
Đứng ở góc nhìn sử văn hóa, luận án tập trung nghiên cứu quá trình phát triển lịch sử của văn hóa và quy luật cơ bản của nó. Trong nhiều trường hợp, nghiên cứu văn hóa không thể tách rời nghiên cứu sử văn hóa. Franze Boas (1858-1942) từng nói “văn hóa của mỗi dân tộc được hình thành trong quá trình lịch sử gắn liền với môi trường xã hội nhất định và trong điều kiện địa lý nhất định” [Khoa Nhân học 2008: 24]. Với đặc trưng đề tài liên quan đến tính chất “nhất nguyên nhị phân” của văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam, ngoài việc quan tâm đặc biệt đến khía cạnh văn hóa nhìn theo không gian, chúng tôi cũng coi trọng ý nghĩa chi phối của các quá trình phát triển lịch sử văn hóa từng bộ phận. Sự phân lập của văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam thành văn hóa truyền thống ở Hoa Nam và văn hóa truyền thống ở Việt Nam chịu sự quy định chung của cả yếu tố loại hình văn hóa lẫn các điều kiện lịch sử – xã hội. Nghiên cứu vấn đề từ góc nhìn sử văn hóa sẽ góp phần minh chứng sự tồn tại và tác động của các vận động văn hóa qua các thời kì lịch sử, trong đó chú trọng đến sự giao thoa, tương tác, tranh chấp và giải tranh chấp giữa đối tượng nghiên cứu (văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam) và các “đối tác” (văn hóa Hoa Hạ- Hán, văn hóa các cư dân còn lại ở Đông Nam Á cổ), qua đó kiểm chứng tính chất chi phối của loại hình văn hóa đến sự hình thành diện mạo văn hóa truyền thống ở Việt Nam và phần đất Lĩnh Nam nay thuộc Trung Hoa. Sự phối hợp các bình diện quan sát không gian văn hóa và lịch sử văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam, đứng ở khía cạnh phương pháp luận, còn giúp tránh đi vào lối mòn địa lý quyết định luận (xem thêm Ngô Đức Thịnh [2004]) và tuyệt đối hóa vai trò lịch sử xã hội.
Chính vì thế, trong các phần nội dung triển khai liên quan đến việc xác định một vùng văn hóa, tiểu vùng văn hóa hay khu vực văn hóa, chúng tôi đều bám sát các mô thức mang tính đặc trưng của vùng văn hóa nhìn theo không gian để làm nền tảng để lý giải cho tồn tại và phát triển văn hóa gắn liền với chủ thể và trong những hoàn cảnh lịch sử – xã hội cụ thể.
Theo chiều dài lịch sử – xã hội, vùng văn hóa Lĩnh Nam (cũng như toàn Bách Việt) chịu sự thâm nhập của văn hóa Hoa Hạ – Hán từ phương Bắc. Điều này làm cho các tiểu vùng khác nhau của Lĩnh Nam vận động văn hóa theo các chiều hướng khác nhau, dần hình thành các dòng chảy văn hóa chuyên biệt (cụ thể là văn hóa Nam Trung Hoa và văn hóa Việt Nam). Nói cách khác, đây là xu hướng nghiên cứu song song hai đối tượng văn hóa “nhất nguyên nhị phân”, trong đó lấy yếu tố loại hình văn hóa làm cơ sở, đồng thời coi trọng các vấn đề kinh tế, địa lý, xã hội, lịch sử v.v... các tác nhân tạo nên sự khác biệt giữa hai bộ phận. Và do vậy, tri thức liên ngành phải được áp triệt để để đạt tính chỉnh thể trong nghiên cứu.
Trong lý thuyết lịch sử văn hóa của mình, Hippolyte Taine (1828-1893)(10) từng nhấn mạnh vai trò của ba động lực làm nên sự biến thiên văn hóa giữa các cộng đồng tộc người gồm (1) chủng tộc, (2) môi trường) và (3) thời điểm (xem Đỗ Lai Thúy [2002: 64-73]). Tuy nhiên lý thuyết này nếu không áp dụng chính xác sẽ dẫn đến sự nhấn mạnh vai trò tuyệt đối của lịch sử – xã hội mà bỏ qua vai trò nội tại của nền văn hóa hình thành trong quá trình tương tác với môi trường sống. Chúng tôi tránh khuyết điểm này bằng cách triển khai thác triệt để sự kết hợp của các lực chi phối của yếu tố môi trường với chủ thể và thời điểm để xác định quy luật phát triển của văn hóa Bách Việt ở trường hợp cụ thể là văn hóa truyền thống ở Việt Nam trong bối cảnh Lĩnh Nam.
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng thêm cách tiếp cận đặc thù luận lịch sử (historical particularism), tức xem xét những nét văn hóa riêng lẻ trong bối cảnh xã hội mà nó xuất hiện nhằm bổ trợ cho các phân tích tình huống.
1.1.2. Nghiên cứu từ góc nhìn văn hóa so sánh
Trong nghiên cứu văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam, ta không thể không đặt đối tượng nghiên cứu ở cấp độ cao hơn, quy mô rộng lớn hơn là khu vực văn hóa Bách Việt. Điều đó có nghĩa là góc nhìn văn hóa so sánh trong cần phải được chú ý.
Ngạn ngữ cổ có câu “mọi vật đều được nhận biết qua so sánh”. Tác giả Chương Học Thành (章学诚) từng nói “Vạn vật có phong phú mới là văn của vạn vật, vạn sự có so sánh mới thấy chủng loài”(11). Một tác giả khác là Phương Hán Văn [2003] từng viết “Văn hóa so sánh là khoa học tiến hành nghiên cứu so sánh các loại hình văn hóa khác nhau, ở đó, khái niệm các loại hình văn hóa khác nhau chỉ các dân tộc khác nhau, các khu vực khác nhau, các quốc gia khác nhau có truyền thống văn hóa, đặc tính văn hóa, lịch sử phát triển văn hóa và hình thái văn hóa khác nhau. Đặc tính của văn hóa học so sánh là thông qua nhận thức biện chứng giữa tính đồng nhất và tính dị biệt (còn gọi là tính sai dị biệt) giữa các nền văn hóa khác nhau ấy có thể phát hiện, nắm bắt được quy luật phát triển của văn hóa, phương pháp so sánh nét đặc thù chứ không phải là so sánh hình thức. Đây chính là sự thống nhất giữa bản thể luận, phương pháp luận và thực tiễn của văn hóa học so sánh”. Trong nghiên cứu văn hóa so sánh hẳn nhiên đã có tính xuyên văn hóa (cross-culture).
Trong văn hóa so sánh, không gian, thời gian và chủ thể văn hóa (tộc người/nhóm tộc người chủ thể của một nền văn hóa) là các đối tượng nghiên cứu chính. Để làm rõ nội dung, luận án này tập trung so sánh các “mô típ đặc thù của các vùng” giữa văn hóa Bách Việt và các khu vực lân cận do các yếu tố điều kiện môi sinh – điều kiện kinh tế truyền thống và quá trình lịch sử – xã hội quy định nên. Theo cách phân chia này, ta lại có hai tiểu loại nghiên cứu khác nhau, gồm (1) so sánh loại hình; và (2) so sánh lịch sử.
Các xu hướng nghiên cứu này ít nhiều được các tác giả trên thế giới triển khai theo và bước đầu đạt được những thành quả đáng khích lệ. Toynbee trong bộ Nghiên cứu lịch sử (2002) qua quá trình nghiên cứu lịch sử các xã hội, đặc biệt là các nền văn minh trọng tâm của thế giới (Hy Lạp cổ, Ai Cập cổ, Do Thái cổ, Ấn Độ và Trung Hoa v.v.) triển khai nhiều trường hợp so sánh các tổ hợp văn hóa kiểu “nhất nguyên đa phân”. Chẳng hạn, đó là trường hợp sự phân lập văn hóa chủng Ấn-Âu trong văn hóa châu Âu, Ba Tư và Ấn Độ thời cổ đại; sự phân lập các nền văn hóa bản địa ở Bắc Mỹ – Trung Mỹ – Nam Mỹ thời cổ-trung đại; sự phân lập Kitô giáo thành Công giáo La Mã và Chính thống giáo thời đầu CN; sự phân lập của các giáo phái Hồi giáo ở bán đảo Ả Rập, vùng Lưỡng Hà, Ba Tư và Bắc Phi từ thế kỷ. VII về sau; sự tan rã của đế quốc Ottoman thời trung cổ và sự hình thành tính đa dạng của dòng văn hóa này trải rộng theo không gian v.v.. Trong tất cả các trường hợp ấy, tác giả nhấn mạnh vai trò tương tác của hai yếu tố môi trường sinh thái và quá trình lịch sử – xã hội cụ thể.
Tại khu vực bắc Đông Nam Á, sự đa phân văn hóa của cộng đồng người Tày- Thái gốc Bách Việt sau quá trình thiên di từ cao nguyên Vân Quý xuống đã từng là tâm điểm nghiên cứu của không ít các tác giả. Các công trình tập trung nhiều nhất vào mảng so sánh văn hóa dân gian (thần thoại, sử thi, thơ ca) của các cộng đồng Lào, Lào-Thái (ở Lào), Thái, Choang (Trung Quốc), Thái Shan (Miến Điện), Thái Ahom, Thái Khăm-ti (Ấn Độ), Thái Tây Bắc, Tày, Nùng (Việt Nam), Thái Yuan, Thái-Siêm (Thái Lan) v.v. Các tác giả đi từ nhiều cách tiếp cận khác nhau so sánh các dị bản truyền khẩu của một dang thức cụ thể, qua phân tích so sánh đã tìm ra quá trình hình thành, thiên di của cộng đồng Tày-Thái vào cuối thiên niên kỷ I sau CN và quá trình thích nghi, hòa nhập của họ ở nơi ở mới (Đông Nam Á).
Tác giả Phan Đăng Nhật [2010] dùng lý thuyết hóa thạch ngoại biên để tiến hành nghiên cứu so sánh bộ sử thi Chàng Chương anh hùng (Khủn Chưởng, Khun Chương, Thạo Hùng) của cư dân Thái Tây Bắc, Thái tây Nghệ An (Việt Nam) và Lào-Thái (đông bắc Lào) đã chứng minh sống động lịch sử thiên di của cộng đồng này từ Vân Nam xuống phía nam, cùng mang theo bộ sử thi, song tại khu vực trung tâm hoặc gần trung tâm, bộ sử thi có xu hướng giản lược hóa, trong khi bộ phận cư dân di cư sâu về phía ngoại diên lại bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trong những năm gần đây, người Trung Quốc xây các đập thủy điện lớn tại Vân Nam đã trực tiếp ảnh hưởng đến điều kiện môi sinh và văn hóa các cộng đồng cư dân trung hạ lưu sông Mê- kông, xu hướng nghiên cứu so sánh nguồn cội các cộng đồng hậu duệ Bách Việt (Tày-Thái-Lào-Choang-Việt) và Môn-Khmer (Môn, Khmer, Kui, Mnông v. v...) lại trở nên rất sôi nổi.
Nhiều hội thảo quốc tế được mở ra (ví dụ hội thảo châu Hồng Hà tháng 11/2010 (Vân Nam, Trung Quốc); hội thảo so sánh văn hóa Lan Thương-Mê- kông (tháng 12/2010, Tp. Hồ Chí Minh) và nhiều hội nghị tương tự được mở ở Thái Lan, Campuchia đã phần nào nói lên thực trạng ấy. Các nghiên cứu trong các hoạt động này, theo chúng tôi, có ý nghĩa đặc biệt bởi chúng đã góp phần so sánh đặc trưng văn hóa của các cộng đồng cư dân hậu duệ Bách Việt tại Nam Trung Hoa và Đông Nam Á lục địa, qua đó đã ít nhiều nhấn mạnh đến vai trò của môi sinh và lịch sử xã hội khác nhau ở từng địa phương đã góp phần “đúc khuôn” các phong cách văn hóa chuyên biệt.
Ở Trung Quốc, hầu như không có công trình chuyên khảo nào tiến hành nghiên cứu so sánh tổng thể các dòng chảy hậu duệ của văn hóa Bách Việt dưới góc nhìn xuyên văn hóa. Từ thập niên 1980 đến nay, họ đã xuất bản hàng chục sách chuyên khảo nhưng đại đa số đều là nghiên cứu các vấn đề lịch sử, kinh tế, văn hóa Bách Việt ở bên trong lãnh thổ của họ (xem Tài liệu tham khảo). Dù vậy, ta vẫn có thể tìm thấy một ít bài viết (sách chuyên khảo) tiến hành so sánh văn hóa truyền thống của các dân tộc hậu duệ Bách Việt ở Nam Trung Hoa như Choang, Đồng, Thái, Bố Y.. với các tộc người bản địa ở đảo Đài Loan hay với các dân tộc nhóm Tày-Thái ở Đông Nam Á như Tày, Nùng ở Việt Nam Shan ở Lào, Thái Lan hay Miến Điện v.v... Tiêu biểu là Tạ Thế Trung [2004] với cuốn Luận thuật quốc tộc: Trung Quốc với bối cảnh Bắc Đông Nam Á, tìm hiểu phân tích so sánh các cổ tục Bách Việt như phụ tử liên danh (bố con nối họ, nối tên), tùng mẫu cư (ở nhà vợ, matrilocal), tùng thê mẫu cư (ở nhà mẹ vợ, sororalocal), tùng cữu cư (ở nhà cậu, avuculocal) v.v., nhất trí với quan niệm coi trọng môi trường sinh thái là nền tảng để con người xây dựng cấu trúc xã hội và tư tưởng của mình. Dù vậy, tác giả này đứng ở góc nhìn dân tộc học trong nghiên cứu, trong đó tập trung chính yếu ở mối quan hệ “Hoa-Di hợp nhất” bắt đầu từ thời Tần-Hán trở về sau.
Đa phần các công trình nghiên cứu so sánh văn hóa Bắc – Nam lấy phối cảnh Nam Trung Hoa đều lấy tộc người Hoa Hạ-Hán làm trung tâm. Tiêu biểu có thể kể công trình Địa lý lịch sử, nhân văn Lĩnh Nam: nghiên cứu so sánh các hệ dân Quảng Phủ, Khách Gia và Phúc Lão của Tư Đồ Thượng Kỷ [2001]. Tác phẩm này lấy chất nhất nguyên của văn hóa Trung Nguyên trong văn hóa các hệ dân người Hán ở Hoa Nam (cụ thể là Quảng Phủ, Khách Gia và Phúc Lão) và tính tương đồng của điều kiện môi sinh Hoa Nam làm nền tảng để nghiên cứu so sánh văn hóa trong các bối cảnh lịch sử – xã hội riêng của từng nhóm. Đương nhiên, cách tiếp cận chính là lịch sử văn hóa.
Nhìn xa hơn lên phía Bắc, những công trình nghiên cứu so sánh mối quan hệ văn hóa các tộc trên cao nguyên Mông Cổ và người Hoa Bắc cũng rất sôi nổi, nhất là khía cạnh chất du mục hay bán nông bán du của các cộng đồng tộc người nơi đây.
Nhà văn Khương Nhung với tiểu thuyết Tô-tem sói (狼图腾 Lang đồ đằng) là một thí dụ điển hình, đã mạnh dạn kết luận tính chất du mục phương Bắc của văn hóa Hoa Hạ – Hán thời kỳ tiền Nam tiến. Các công trình nghiên cứu này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng tôi, bởi chúng cung cấp một bức tranh đối trọng với văn hóa Bách Việt, nhờ thế các luận điểm, luận cứ được triển khai mang tính thuyết phục hơn. Sự thay đổi hoặc sự khác nhau về điều kiện môi sinh và lịch sử – xã hội dẫn đến sự biến thiên của nếp tư nghĩ và cơ cấu xã hội.
Trong trường hợp văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam, sự khác biệt về điều kiện địa lý sinh thái giữa đồng bằng sông Hồng và vùng Lưỡng Quảng là một trong các yếu tố quan trọng dẫn đến tính dị biệt trong nguồn cội văn hóa. Trong quá trình sinh tồn, các cộng đồng Bách Việt tại hai địa phương này tiếp tục tự điều chỉnh để thích nghi tốt nhất với điều kiện phát triển lịch sử xã hội mỗi bên.
Cuối cùng, hai dòng văn hóa khác biệt nhau hình thành từ một nguồn gốc chung: văn hóa truyền thống ở Việt Nam và vùng văn hóa Hoa Nam.
Nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với các cuộc chiến tranh xâm lược và cai trị đã dần che khuất yếu tố nguồn cội. Như một hậu quả tất yếu, người Hoa Nam đã không còn nhớ nổi về một thành phần tổ tiên họ đã từng là người Bách Việt, và dòng chảy văn hóa Hoa Nam mà họ đang thụ hưởng mang đậm màu sắc Bách Việt.
Trong nghiên cứu văn hóa so sánh, loại hình văn hóa cũng là một trong những mảng nội dung quan trọng. Loại hình văn hóa được tiến hành phân loại dựa vào căn nguyên lịch sử và văn minh của văn hóa, đặc trưng văn hóa chủ yếu và mối quan hệ giữa nó với các nền văn hóa khác. Tác giả đại diện cho xu hướng nghiên cứu này là nhà nghiên cứu Spengler (1880-1936) trong tác phẩm Sự suy tàn của thế giới phương Tây. Các tác giả về sau chịu ảnh hưởng của Spengler phải kể đến Toynbee (trong Nghiên cứu lịch sử) và Samuel Hungtington (1927-2008, trong Sự va chạm giữa các nền văn minh) trong việc phân định các hình thái văn hóa thế giới và mối quan hệ tương tác giữa chúng. Có thể nói, việc tiến hành so sánh loại hình văn hóa giữa hai đối tượng khác nhau đã được nhiều tác giả đặt nền tảng quan trọng. Do vậy, hướng triển khai so sánh hai đối tượng chia sẻ cùng một căn nguyên văn hóa không phải là điều quá mới mẻ, song như chúng tôi đã nhấn mạnh, việc áp dụng nó vào nghiên cứu căn nguyên văn hóa Việt Nam chưa từng có tiền lệ.
1.2 Cơ sở thực tiễn
Trong phần này chúng tôi tiến hành định vị văn hóa vùng Lĩnh Nam theo tục không gian, thời gian và chủ thể để làm nền tảng tiến tới nghiên cứu nội hàm và các mối quan hệ bên trong và bên ngoài của vùng văn hóa này.
1.2.1. Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam nhìn theo không gian
a. Về các khái niệm Bách Việt, Lĩnh Nam
(1) Khái niệm Bách Việt
Tên gọi Bách Việt (百越) xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn Lã Thị Xuân Thu (Hoài Quân)
“Dương Hán chi nam, Bách Việt chi tế..” (杨汉之南,百越之际..), dùng để chỉ cộng đồng nhiều nhóm cư dân nông nghiệp người Việt cư trú từ vùng Dương Tử xuống đến tận Bắc Đông Dương thời kỳ tiền-sơ sử.
Cuốn Hán Thư (Cao Đế Kỷ) viết “Việt hữu bách chủng” (Người Việt có đến trăm chủng 越有百种).
Cuốn Hán Thư (Địa Lý Chí) dẫn: “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, hơn bảy, tám ngàn dặm, người Việt ở lẫn với nhau, mỗi nhóm đều có chủng tính riêng của mình”.
Thời ấy, các sử quan phương Bắc sử dụng nhiều tên gọi mang ý nghĩa phiếm diện để gọi cộng đồng này như Nam Man (南蛮), Tam Miêu (三苗) hay Miên Man (苗蛮).
Cuốn Dật Chu Thư (thiên Vương Hội Giải) có ghi chép rằng từ thời Thương Thang, vùng phía đông đã có nhiều nhóm người Thù Châu (仇州), Cửu Di (九夷), Thập Man (十蛮), Việt Âu (越沤)... cư trú, còn hướng nam lại có Âu (瓯), Đặng (邓), Quế Quốc (桂國), Tổn Tử (损子), Sản Lí (产里), Bách Bộc (百濮), Bách Khuẩn (百菌) sinh sống.
Tất cả các sử liệu này đều làm nổi bật một nhận định chung: Bách Việt là một cộng đồng cư dân đa dạng, sinh sống vùng đông nam và nam hạ lưu sông Dương Tử.
Thời Tây Chu còn có cuốn Trúc Thư Kỷ Niên (Bamboo annals) có ghi sự kiện “Vu Việt lai tân” (于越来宾, Khách Vu Việt đến viếng) vào năm thứ 24 đời vua Chu Thành Vương, tức khoảng 1040 trCN [Tưởng Bính Chiêu.. 1998: 2].
Người Trung Hoa còn gọi cộng đồng Bách Việt bằng hai tên gọi khác là Dương Việt và Di Việt.
Cuốn Chiến Quốc Sách có ghi sự kiện Ngô Khởi “Nam công Dương Việt” (tấn công Dương Việt phía Nam) thời Sở Điệu Vương (楚悼王). Cuốn Sử Ký cũng viết “Từ Cửu Nghi, Thương Ngô đến dân Đạm Nhĩ phía nam có phong tục giống với vùng nam Dương Tử, đều là dân Dương Việt”(12), thiên Thái Trạch Truyện 蔡泽传 cũng có viết “Nam thu Dương Việt”…
Tại Trung Quốc còn có thuyết cho tên gọi Bách Việt (Bai’yue) xuất phát từ ngôn ngữ Việt cổ, theo đó “Bách” (Bai) là âm đọc lệnh đi của chữ “Bu” hoặc “Pu”, tức “người”, do vậy Bách Việt chính là “người Việt” [Tăng Chiêu Toàn.. 2004: 23- 33].
Bên cạnh cũng có quan điểm cho tên gọi Bách Việt là phiếm định, chỉ chung chung các cộng đồng phi Hán ở phía nam sông Dương Tử. Cơ sở của thuyết này là từ “Bách”, tức trăm, dùng để diễn tả số nhiều, và do vậy “Bách Việt” là để chỉ nhiều cộng đồng sắc tộc khác nhau chứ không phải chỉ một cộng đồng chung. Đến nay, thuyết này có rất ít tác giả đồng thuận, bởi vì các khoa học chuyên ngành trong suốt mấy thập niên qua đã dần giải mã Bách Việt, xác định khá hoàn chỉnh diện mạo văn hóa tập đoàn này.
Ngoài tên gọi Bách Việt, Di Việt, Dương Việt gọi chung, sử sách Trung Hoa còn gọi tên một số vùng đất (bộ bộc) hay quốc gia phương Nam bằng các tên
符 娄,
Thù Châu (仇州),
Âu Thâm (沤深),
Cửu Di (九夷),
Thập Man (十蛮),
Việt Âu (越沤),
Âu Đặng (瓯邓),
Quế Quốc (桂国),
Tổn Tử (损子),
Sản Lý (产里),
Cửu Khuẩn (九菌) v.v...
Luận án chúng tôi không nhằm đi vào các tên gọi này mà xem xét cộng đồng Bách Việt dưới hệ thống phân vùng và tiểu vùng dựa vào các tiêu chí vị trí địa lý và đặc trưng văn hóa tộc người. Theo Meacham [1983: 148-149] và nhiều nhà khoa học khác, cộng đồng Bách Việt nằm ngoài vùng văn minh Trung Hoa, do vậy Bách Việt không tham gia trực tiếp vào sự ra đời của “văn minh Trung Hoa cổ đại”.
=================================
Muốn lấy lại phải có chiến tranh xung đột đổ máu. Mà càng hiện đại chiến tranh cướp đất chỉ có dùng tới vũ khí hủy diệt hàng loạt nguyên tử để giải quyết thôi b có dám để con cháu mình bị tàn sát hết k mà đòi tranh đất với TQ? Bạn mà có bản lĩnh trời phú chống dc TQ thì đất nc trong nhiều năm đã dc nhờ. K biết đến mấy đời con cháu nhà b nữa mới sinh ra dc ng sẽ lãnh đạo vn đủ tầm đưa đất nc ngồi ngang cơ với TQ cứ mơ đi vì k ai đánh thuế ước mơ nhưng thực tế giống như một con kiến đang tìm đường lên trời vậy!
Show less
Người mường và người kinh có gốc là người Việt Mường cổ. Nói hung là người Kinh và người Mường bây giờ là hai nhánh của người Việt Mường. Cứ nghĩ thể cho dễ hiểu một gốc xa xưa của người mường là vùng núi phía Bắc Việt Nam. Bao gồm Quảng Đông và Quảng Tây. Vốn lưỡng Quảng là của Việt Nam. Có ngày lấy lại thôi.
Mường - Kinh xưa kia chung nhà sản xuất 😂Nhưng do chiến tranh, di dân chạy loạn nên tách rời rồi do nhiều yếu tố khác nữa nên dần hình thành phong tục tập quán và tiếng nói khác nhau?
Bạn yên tâm đi. Người Việt Nam ngay cả khi đánh nhau sắp chết mà nghe TRUNG QUỐC mà đem quân qua đánh thì lúc đấy 54 dân tộc cầm tay nhau và đứng lên cầm súng. để bảo vệ đất nước. mà nói thật nếu ngày đó xảy ra thì tôi tin chắc TRUNG QUỐC sẽ thảm bại và sẽ sụp đổ. Nghĩ sao đụng đến VIỆT NAM. nó chưa đủ tuổi 5
REPLY
Người Việt thì tất nhiên là gien / di truyền của người Việt rồi. Bạn lên mạng tìm lịch sử Việt đi. Tuy Việt Nam không mạnh bằng Trung Quốc nhưng kỹ thuật từ xa xưa toàn đi trước Trung Quốc. Người Trung Quốc là những kẻ ăn cướp kỹ thuật. Ngay cả Tử Cấm Thành của nó cũng là kiến trúc của người Việt Nam làm ra đó bạn. Chẳng qua Việt Nam quá hiền mà thằng Trung Quốc quá là mất dạy.
QUẢNG ĐÔNG VÀ QUẢNG TÂY LÀ NƯỚC VIỆT TRƯỚC KIA BỊ DÂN TỘC HÁN CHIẾM VÀ ĐỒNG HÓA NÊN NÓ GIỐNG NHAU
Nhưng chính phủ Trung quốc nó lại tiêm vào đầu người dân nó rằng -- Việt Nam là của nó bạn ạ, nên dân 'tung của' nó lại cứ nghĩ vậy mới buồn chứ. 😅 Cháu mình đi Đài Loan ba năm, nó nói người Đài Loan họ nói với nó là -- tao với mày cùng chung tổ tiên đấy.
Lịch sử của các nước và lịch sử thế giới còn giữ lại nhứng thứ có thể đảo ngược mà. Dân Trung Quốc là một lũ ngu sống trong cái AO của chính phủ nó đào ra thôi. Sẽ có ngày TRUNG QUỐC sẽ sụp đổ với cái cách NHÀ NƯỚC nó làm nên tội ác đối với nhân loại. Nghịch Thiên thì Thiên Diệt.
LỊCH SỬ VIỆT NAM được rất nhiều nước CHÂU Á đem vào học đó bạn. VÌ thế Bạn nên tự hào về đất nước mình. Còn Trung Quốc muốn diệt nó thì phải học VIệt Nam.
Mình là người Quảng Đông đây, sinh ra ở Quận 6 Chợ Lớn, đó là khu người Hoa đông nhất Việt Nam đó bạn. Nếu có dịp thì ghé chơi, mình nghĩ nơi đó có thể học giọng miền Nam dễ hơn đó. Cảm ơn những videos bạn làm về Việt Nam My origin is Cantonese. I was born in Viet Nam and live in district 6, Chợ Lớn town where almost people is Cantonese. If you get the chance to visit there, i think that help you more eassier to learn the south VietNam accent. Thank you for your videos about VietNam. vice ver·sa /ˌvīs(ə) ˈvərsə/
Learn to pronounce
Đúng! Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang, Hồ Nam xưa kia cũng đều là đất Bách Việt (của người Việt).
Rồi khi bị đô hộ từ thời Hán nên anh em không biết gốc gác nhau. 1000 năm sau thì người Lạc Việt thoát Hán, mà khi đó Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang, Hồ Nam bị chịu thêm 2000 năm nữa trong hán hóa, tẩy não. Đâu phải một sớm một chiều mà tỉnh ngủ. Trong khi thế giới ai cũng biết lịch sử này. Mà người Quảng Đông nhờ thoát ra khỏi Trung Quốc, sang nước Anh thì mới học và biết được lịch sử của người Quảng Đông này.
@Lê Khac Son: Chinese borrowed 60% from "old" Vietnamese (literature) use in Han-Viet.
Chính xác là người Hán mượn 60% chữ Việt cổ chứ không phải người Việt cổ mượn chữ Hán. Người Việt có trước người Hán, người Hán đến vùng Trung Nguyên đánh chiếm và lấy đất của người Việt, người Hán ăn cắp văn hóa người Việt làm của mình và người Việt đồng hóa người Hán. Đến đời nhà Đường thì chữ Việt-Hán bị thay đổi nhiều, vì từ nhà Đường nhà Tùy, nhà Hồ, nhà Nguyên và nhà Thanh đều là gốc giống dân du mục nên tiếng Hán Việt pha nhiều Thanh ngữ (Mandarin) (Nhà Thanh).
cụ thể miền nam tây nam chỉ lười phát âm chữ ch và tr. các kiểu thui chứ k đọc sai kiểu ông đâu trong miền Nam và fdi khắp TP HCM tới Cần Thơ chã ai đọc tin là tưn hết :) .
Người quảng đông là vài bộ lạc trong cộng đồng bách việt bị đô hộ cả 1000 năm rồi. Mất gốc rồi. Bộ tộc lạc việt của vua hùng âu việt của thục phán an dương vương mới ko chịu khuất phục mà có nước Việt Nam ngày nay. Đó là lý do tiếng Việt gần giống tiếng quảng.
"reporter" in Vietnamese is "ký giả", which sounds more similar to Cantonese and Korean. It's just that "phóng viên" is more colloquial than "ký giả" in Vietnamese.
Another word for "reporter" in Vietnamese is "ký giả", which sounds more similar to Cantonese and Korean. It's just that "phóng viên" is more colloquial than "ký giả" in Vietnamese.
Quảng Đông, Quảng Tây, Chiết Giang là vùng đất của người Bách Việt cổ.
175 REPLY Hide 62 replies
Trịnh Duy Vàng 1 year ago
Phúc Kiến của tộc Mân Việt nữa bác, tộc Mân Việt của vua Trần
31 REPLY
626 Lê 1 year ago
Vậy cả bắc mỹ của người da đỏ đấy. Kêu Mỹ trả thì có trả không. Cả châu á, ai trả cho mông cổ. Chẳng lẽ người Hy Lạp đòi lại châu âu (La mã)_
17 REPLY minh lê 1 year ago
Nhưng sao giống giọng người miền nam vậy...
3 REPLY Nam 1 year ago
@minh lê ông này học tiếng miền Nam mà
7 REPLY Viết Nhật Lê 1 year ago
Bách Việt cổ là tập hợp rất nhiều bộ lạc với hàng chục Phương ngữ (dialects) lẫn Ngôn ngữ (Languages) khác nhau, trong đó tiếng Kinh là 1 ngôn ngữ. Không phải mọi người sống vùng Bách Việt khi đó đều là người Kinh, các bạn nên hiểu như vậy.
29 REPLY K-Reaction Funny 1 year ago
Đã bảo là vùng đất ngày cưa nó như vậy nên việc Tiếng nói có gì đó gần gũi là điều bt chứ có ai bảo đòi lại đất đâu,mấy ông bị ngáo à,đọc xem có chữ nào đòi lại đất k
10 REPLY
Thực ra tiếng Việt giống tiếng Quảng là bởi vốn dĩ tiếng Trung ngày xưa có phát âm giống với tiếng Quảng hơn là tiếng Quan Thoại ngày nay. Đặc biệt là tiếng miền Nam thì cực kỳ giống, thời chúa Nguyễn rất nhiều người Hoa đã tị nạn sang Việt Nam và định cư ở đó, dần dà số lượng của họ phát triển ngày càng lớn và ảnh hưởng lên người Việt. Các bạn hãy để ý một số chi tiết như cách gọi Ba, Má hay Tía đều xuất phát từ tiếng Hoa, cách phát âm chữ Q thường khá giống với âm G hay việc đọc chữ V thành Dz do trong tiếng Hoa không có âm V, hay khi bạn xem một bộ phim chưởng Hồng Kông hay kiếm hiệp Trung Quốc gì đó sẽ thấy người miền Nam lồng tiếng hay hơn hằn người Bắc. Đương nhiên là mình không có ý nói người miền Nam là gì của người Hoa nhưng rõ ràng, sự ảnh hưởng của người Hoa lên người Việt ở miền Nam là rất lớn. Sau năm 1975 người Hoa bị trục xuất khỏi Việt Nam khá nhiều nên đã gây ra thiệt hại không út về kinh tế nhưng cũng nhờ đó mà tầm ảnh hưởng của họ bị giảm đi đáng kể.
Show less 15 REPLY
1 REPLY 626 Lê *)
Thứ nhất: người ta có nói đòi đất gì ở đây không hả bạn. Mà liên hệ sang người da đỏ, mông cổ, hy lạp. *) Thứ hai: sự thật lịch sử nó là vậy thì người ta nói vậy. Chả nhẽ vì vùng đất ngày nay bị chiếm rồi thì không được nhắc đến??? Như thế sẽ mất gốc sớm đấy bạn. Quan niệm như bạn thì Hoàng Sa, một phần Trường Sa cũng không cần phải nhắc đến nhỉ.
9 REPLY
Tuan Hiep Duong 11 months ago
chipi zinzi *) Thứ nhất: người ta có nói đòi đất gì ở đây không hả bạn. Mà liên hệ Lào, Cam... ở đây. *) Thứ hai: sự thật lịch sử nó là vậy thì người ta nói vậy. Chả nhẽ vì vùng đất ngày nay bị chiếm rồi thì không được nhắc đến??? Như thế sẽ mất gốc sớm đấy bạn. Quan niệm như bạn thì Hoàng Sa, một phần Trường Sa cũng không cần phải nhắc đến nhỉ.
3 REPLY
Tuan Hiep Duong 11 months ago
Viết Nhật Lê Đã trải qua hàng nghìn năm biến động rồi bạn ạ. Nên không thể giữ được ngôn ngữ chung đâu bạn. Việt Nam bây giờ chính là tập hợp tinh hoa của người Việt (Bách Việt) qua hàng nghìn năm đấy bạn. Một vùng lãnh thổ rộng lớn (vùng Hoa nam ngày nay) thực chất là đất người Việt bị người Hán chiếm qua hàng nghìn năm. Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang, Hồ Nam, Hồ Bắc... đều đã từng là đất của người Việt. Nhà Triệu (nước Nam Việt, do Triệu Đà sáng lập) là một trong những triều đại chính thống của dân tộc đã được ghi vào rất nhiều tư liệu từ xưa đến nay như: Bình Ngô Đại Cáo, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư... Đấy là sự thật hiển nhiên.
- Thứ nhất: Về mặt khảo cổ: Khảo cổ học ngày nay đã tìm được trống đồng ở vùng Lưỡng Quảng giống hệt (cả hình dáng lẫn hoa văn) ở miền bắc Việt Nam
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%91ng_%C4%91%E1%BB%93ng http://www.vietnamplus.vn/phat-hien-trong-dong-dong-son-2000-nam-tuoi-o-timor-leste/358392.vnp) Như vậy dân tộc sở hữu nền văn hóa này ở một vùng rất rộng lớn (miền bắc Việt Nam + Lưỡng Quảng + 1 số vùng khác...). Dân tộc đó được gọi là Bách Việt (người Kinh).
- Thứ hai: Về mặt lịch sử: Người Việt (con cháu Thần Nông, Kinh Dương Vương) đã sống rất lâu đời ở phía nam TQ ngày nay. Mời tham khảo thêm Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (sách sử nhé):
http://thuvienso.bvu.edu.vn/bitstream/TVDHBRVT/4546/1/Dai%20viet%20su%20ky%20toan%20thu.PDF https://lambamblog.wordpress.com/2010/08/05/c%C6%B0-s%E1%BB%B9-tr%E1%BA%A7n-d%E1%BA%A1i-s%E1%BB%B9-linh-d%E1%BB%8Ba-th%E1%BB%9Di-vua-tr%C6%B0ng/
https://www.youtube.com/watch?v=YhUcMpKuDnE
Hai Bà Trưng đánh quân Hán không chỉ ở miền bắc Việt Nam ngày nay mà cả ở Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Nam, một số vùng khác... thuộc TQ ngày nay. Khi hai bà mất người dân tại đây lập đền thờ. Mời đọc đến trang 22 Kỷ thuộc Đông Hán năm Quỹ Mão (năm 43): Phần cuối có ghi rõ người dân địa phương ở vùng Lưỡng Quảng có đền thờ hai bà đấy. Còn muốn tận mắt chứng kiến thì mời sang Trung Quốc tự tìm hiểu. Còn không muốn mất công thì gặp trực tiếp GS Trần Đại Sỹ (con cháu nhà Trần).
- Thứ ba: về mặt nhân chủng học người ta đã chứng minh người Việt Nam ngày nay (người Kinh) gần gũi người vùng Hoa Nam (TQ) hơn là giữa người Hoa Bắc và Hoa Nam của TQ. Có thể tham khào link sau:
https://www.nature.com/articles/s41598-017-12813-6?fbclid=IwAR3FROtcjIdWgX1qP8e1pMKqOcxQb5HMHm0SyR7VkK8cAF7y0_WP4NV0Hz4
Nếu lười đọc hoặc không nghiên cứu sâu về lĩnh vực này thì xin trích luôn phần cuối: "From an anthropological point of view, the overall scenario is that present-day Vietnamese have a dual ethnic origin: a major component coming from South of China, superimposed to a minor component originating from a Thai-Indonesian composite. The Nam tiến has probably been key for the configuration of the genome architecture of present-day Vietnamese." Như vậy nghiên cứu này kết luận người Việt (người Kinh) có gen gần gũi với người người vùng Hoa nam (nay thuộc TQ). Tất nhiên họ không phải người Hán. Còn phần ít liên quan đến Chăm pa, Khơ Me, Thái Lan, Indonesia.... Việc mở mang bờ cõi về phía nam (một phần miền trung, miền nam Việt Nam ngày nay) là nguyên nhân của việc này.
- Thứ tư: Thực tế nhé: Đã từng sang Quảng Châu và thấy rằng: người dân ở đây chả khác gì người Việt mình về ngoại hình. Khi họ nói từ "Quảng Châu" thì chúng ta nghe không khác gì chúng ta phát âm về địa danh này. Còn nếu người Hán (Hoa Hạ) phát âm nó sẽ là: guangzhou. Và tiếng người Lưỡng Quảng nói ngày nay họ gọi là Việt Ngữ nhé. Đơn giản: Lạc Việt, Âu Việt, Mân Việt, Đông Việt, Dương Việt, Điền Việt, Ư Việt... là địa danh để chỉ vùng miền của người Việt sinh sống trong các nhà nước sơ khai: Xích Quỷ, Văn Lang, Nam Việt... Được chứ bạn!
REPLY Chưa chắc Tiếng Việt đã vay mượn từ TQ đâu bạn. Mà có thể là ngược lại đấy bạn. Bây giờ mới có thể kết luận chắc chắn được: Ngày xưa học lịch sử dân tộc theo sách giáo khoa là quá ít và sai lệch... Và người Việt (người Kinh) thời cổ (thời Kinh Dương Vương, vua Hùng, Hai Bà Trưng...) không phải mặc khố, sống trong hang, phải là chân giao chỉ (ngón cái tõe ra như con khỉ)... Mà thực chất toàn là thông tin sai lệch do chính người Hán tẩy não người Việt hàng nghìn năm gây ra. Rất nhiều! rất nhiều! thành tựu người Việt đã bị người Hán ăn cắp mà không hề biết. Con cháu sau này nhìn thấy văn hóa (chùa chiền, miếu mạo...), chữ nho ... thì đều nói là do ảnh hưởng của Trung Quốc (người Hán). Sau đây là minh chứng rằng người Việt có chữ viết từ rất lâu rồi (trước cả thời người Hán lập quốc). Thật hổ thẹn cho thế hệ sau (phần lớn) đều nhầm tưởng bị ảnh hưởng của Tàu (Trung Quốc, Hán), rồi ghét chính nền văn hóa, chữ viết của mình! Ps: Có thể tham khảo các nguồn phía dưới.
- Tại sao vua Càn Long nhà Thanh đổi hai chữ "Nam Việt" của vua Gia Long Nguyễn Ánh thành "Việt Nam"?
Nam Việt (Lưỡng Quảng) và Việt Nam
Ngày xưa lãnh thổ Quảng Đông và Quảng Tây nằm trong lãnh thổ của bắc Việt, và nó là lãnh thổ của người Việt chúng ta, cả hai vị vua gần đây và sau là vua Quang Trung Nguyễn Huệ và vua Gia Long Nguyễn Ánh. Cả hai vị vua này đều có khát vọng lấy lại mảnh đất đó, nhưng mà cuối cùng lấy không được.
|
Dưới thời nhà Thanh lúc đó Quảng Đông và Quảng Tây (lưỡng quảng) có cái tên là Đông Việt và Tây Việt. Vì vậy, khi vua Gia Long lên ngôi, ông đặt tên nước là "Nam Việt" là để tạo căn bản có cơ sở để đòi lại hai miếng đất này (lưỡng quảng) Quảng Đông có cái tên là "Đông Việt" và Quảng Tây là "Tây Việt".
Nam Việt (Lưỡng Quảng) và Việt Nam
Bản đồ thời Tần Thủy Hoàng thôn tính Bách Việt và Lưỡng Quảng và Việt Nam
Vua Quang Trung muốn lấy lại hai mảnh đất này khi Càn Long trị vì. Vua Càn Long có người em gái mới mười mấy tuổi, thì vua Quang Trung đã cầu hôn cô em gái của vua Càn Long, mà của hồi môn là hai mảnh đất Quảng Đông Quảng Tây, vua Càn Long nhà Thanh đã đồng ý. Chuyện đang tiến hành thì vua Quang Trung bị mất nên kế hoạch đó hoàn toàn tan rã.
Sau đó nội tình trong nước ta có cuộc thay vua đổi chúa, tranh đoạt quyền lực.
|
Ngày hôm nay nước chúng ta có cái tên là "Việt Nam" cũng bắt nguồn từ cái khát vọng lấy lại từ hai miếng đất này.
----------------------------------------------------------
| |||
Thực hư về thời kỳ Hồng Bàng trong truyền thuyết dân tộc Việt Nam?
https://youtu.be/6cUAw9K3Ymg
Tóm tắt 1000 năm Bắc thuộc - Ảnh hưởng từ các vương triều Trung Quốc, Chăm Pa, Chân Lạp đến Việt Nam
https://youtu.be/Hz59Sd6xqVU
Tại Việt Nam thì Thần Nông được xem là thủy tổ của người Việt.
Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, phần lời tựa của Ngô Sĩ Liên chép: "Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam–Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương".
Theo Đại Việt sử ký toàn thư:
"Vua Đế Minh là cháu ba đời của Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất 2897 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, sinh một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua."
8 months ago (edited) Bối CẢNH LỊCH SỬ, XÃ HỘI THỜI ĐẠI VUA ĐẾ MINH
Nhờ sự phát triển rực rỡ của nền nông nghiệp dưới thời đại Thần Nông Đế Viêm*, xã hội Miêu, Viêm mà về sau gọi là Bách Việt đã có những phát triển vô cùng khởi sắc trên nhiều lãnh vực. Cư dân nông nghiệp sinh tụ đông đảo, đời sống an lạc, sung túc… Thời gian này tương ứng với giai đoạn giữa của thời kỳ văn hóa Bắc Sơn, kể từ 7.000 đến 1.000 năm trước Công nguyên).
* Thời đại Thần Nông Đế Viêm:
Thời kỳ 1 – Từ vua Thần Nông Đế Viêm đến cháu ba đời là vua Đế Minh từ năm 3118 đến 2879 tr.CN kéo dài 239 năm.
Thời kỳ 2 – Từ vua Đế Minh chia nước cho hai con lập thành hai triều đại Xích Thần (Bắc Miêu) và Xích Quỷ (Nam Miêu).
A – Triều đại Xích Thần:
– Đế Nghi 2.879 – 2.813/tr.CN
– Đế Lai 2.813 – 2.704/tr.CN
– Đế Du Võng 2.704 – 2.636/tr.CN
B – Triều đại Xích Quỷ:
– Kinh Dương Vương 2879 – (?) tr,CN
– Lạc Long Quân năm (?) – 2.704/tr.CN
Một vài khó khăn mới của xã hội Miêu tộc
Xã hội nông nghiệp Miêu tộc, sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Đất nước vốn không có biên giới, nên đồng ruộng lan tràn hết đồng bằng này qua đồng bằng khác. Sự phát triển nông nghiệp rộng ra về mọi phía, nhất là về phía Nam, nhờ vùng này khí hậu ẩm ướt, ấm cúng, mưa thuận gió hòa… khiến việc liên lạc giữa trung ương và các tộc địa phương, mỗi ngày một trở nên khó khăn, chậm chạp. Việc điều động nhân dân thực hiện những công tác công ích, không thể thích ứng với đường lối lãnh đạo của chế độ Liên minh Bộ tộc, mà đứng đầu là những vị vua gọi là Thiên tử*
* Thiên tử: Khi sử gia nổi danh nhất Trung Hoa, Thái sử công Tư Mã Thiên (thuộc một dòng họ chuyên viết sử từ thời nhà Chu đến thời cực thịnh nhà Hán) tả lại cuộc chiến tranh Hoa–Miêu tại Trác Lộc năm 2704 tr.CN, ông gọi người lãnh đạo các bộ lạc du mục Hoa tộc là Cộng chủ, trong khi đó ông gọi người lãnh đạo liên minh Xích Quỷ là Cổ Thiên tử Xi Vu.
Tại sao ông ấy không gọi Hiên Viên là Thiên tử?
Cho tới giai đoạn này, Hoa tộc chỉ là những bộ lạc du mục gọi là hậu. Tù trưởng bộ lạc gọi là hậu chủ. Từng đoàn, từng lũ, man rợ y như các giống du mục khác trên thế giới thời đó, họ kéo nhau đi tìm đất sống. Họ xâm nhập đất Bắc Miêu và gặp sự chống cự của cư dân nông nghiệp Miêu tộc, họ liền họp nhau “công kênh” một hậu chủ hùng mạnh nhất là Hiên Viên lên làm “Cộng chủ” (chữ của Tư Mã Thiên) để gọi người lãnh đạo các hậu. Như vậy có nghĩa là họ chưa lập quốc, chưa xưng vua, xưng vương, xưng đế gì cả. Họ chỉ là một đám Rợ du mục cường bạo, dã man mới tập trung lại…
Như vậy danh hiệu Thiên tử là danh hiệu của các vị vua Miêu tộc đã có từ rất lâu về trước, chứ không phải của Hoa tộc.
Năm 1959, mặc dù chính quyền Trung Hoa Cộng sản không công bố, nhưng báo chí Đài Loan có đăng một bản tin, xuất phát từ các nhà khoa học khảo cổ ở bảo tàng viện Hồ Nam. Bản tin cho biết, họ tìm được tại di chỉ khảo cổ Xinqlang (Tân Cương), phía Đông hồ Động Đình khoảng 50 km, những miếng đất sét nung hình chữ nhật, có ghi những chữ chân chim và họ giải đoán là bảng ghi những con số thu hoạch nông nghiệp và chăn nuôi của những quý tộc xã hội Miêu.
Họ xác định những mảnh đất nung này có niên đại 4.600 năm tr. CN + 100. Việc phát giác những cổ vật tiền sử ở Xinqlang đã xác nhận trước khi “văn minh!” du mục Hoa tộc tràn tới thì Nam Miêu đã có văn minh chữ viết.
trung công 1 year ago
1000 năm bắc thuộc giặc hán đã mị dân tổ tiên chúng ta để dễ bề cai trị.
Chúng mị dân người việt và người hán là anh em, chúng đốt hết sách sử, phá hết chùa chiền để con cháu người việt k còn nhớ đến gốc tích. Khoa học hiện đại đã phân tích bộ gen của người việt và kết luận người việt có tổ tiên riêng, không chung huyết thống với người hán.
39 Thái tử Sin TV
thai nguyen 10 months ago Chắc gì đã biết ai đồng hoá ai? tết âm lịch còn tranh cãi nhau về nguồn gốc kia kìa 2
sdadas dsahd sdadas dsahd 9 months ago Kẻ thắng viết lịch sử 1
viết chinh nguyễn 5 months ago @thai nguyen TẾT ÂM LỊCH LÀ PHONG TỤC CỦA NGƯỜI VIỆT. KHỔNG TỬ CÓ NÓI TRONG KINH THƯ: "TA KHÔNG BIẾT TẾT LÀ GÌ, CHỈ BIẾT NÓ LÀ TẬP TỤC CỦA NGƯỜI PHƯƠNG NAM(BÁCH VIỆT) NHẢY MÚA ĐIÊN CUỒNG, CẢ QUAN VÀ DÂN ĐỀU ĐÙA VUI" THỜI KHỔNG TỬ VIỆT NAM CHƯA BỊ XÂM CHIẾM ĐẤY, KHỔNG TỬ TỪNG QUA PHƯƠNG NAM VÀ CA NGỢI DÂN TỘC PHƯƠNG NAM TRONG KINH THI 6
Quang Trần 1 year ago Thần nông là người Việt đúng 100% rồi người Hán nói Thần nông từ phương nam đi lên mà . Rất mến mộ tác giả có kiến thức rất sâu về Bách Việt và có tâm huyết làm sáng tỏ lịch sử hào hùng về Bách Việt ta đã bị Hán tộc đánh cắp. Cảm ơn tác giả rất nhiều, tuy nhiên để logich khoa học về vấn đề này rất mong được gặp gỡ trao đổi có thể làm rõ thêm một số tình tiết làm bằng chứng.
23 Thái tử Sin TV
Xuân Khải Nguyễn 1 year ago Con rồng, lịch mặt trăng cũng là sản phẩm của nền văn minh lúa nước :)
Lee Tiến 1 year ago Bản chất của Hán tộc là cướp đất, bành trướng và ăn cắp, đổi trắng thay đen...đến nay vẫn thế " non sông dễ đỗi bản tính khó dời ".
Minh Lê 11 months ago Vn cũng thế thui đừng chửi họ vn mà có vua giỏi vậy thì bây giờ cả đông nam á đã thuộc về ta rùi 2
HoangSa Le 2 months ago Việt Nam nào cũng thế? Loại con cháu tạp chủng. Thời Trần nước Việt được coi là hùng mạnh nhưng có đi xâm chiếm đâu, tất cả những vụ mở rộng lãnh thổ là những cuộc chiến bắt buộc. Những nước mà bị Việt tộc mở rộng lãnh thổ là những nước chuyên đi rình mò cướp bóc lợi dụng cứ khi nào nước Việt suy yếu, nội bộ lục đục là chúng nó xâm lấn cướp bóc tận thành Thăng Long thì biết chúng nó to gan đến mức nào.Năm lần bảy lượt đánh cảnh cáo chưa thèm xoá sổ khỏi trái đất, nhưng đúng thật “Giang Sơn dễ đổi bản tính khó dời “ đến lúc không nhịn được nữa lại “ Thiên thời địa lợi nhân hoà “ thế là một ngày đẹp trời không còn bọn cơ hội, sống bằng nghiệp cướp phá, chúng đã bị tổ tiên Việt tộc xoá sổ. 2
Quân Ngang 1 month ago @HoangSa Le Ôi cảm ơn những dòng bình luận vàng ngọ của người anh em, sau này gặp mấy thằng con cháu tạp chủng kiểu vậy thì xin phép được mươn lời người anh em vả vỡ mồm chúng nó 1
Pinned by Thái tử Sin TV Thái tử Sin TV 11 months ago
Tại Việt Nam thì Thần Nông được xem là thủy tổ của người Việt.
Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, phần lời tựa của Ngô Sĩ Liên chép: "Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam–Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương".
Theo Đại Việt sử ký toàn thư:
"Vua Đế Minh là cháu ba đời của Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất 2897 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, sinh một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua."
18
SK channel 8 months ago (edited) Bối CẢNH LỊCH SỬ, XÃ HỘI THỜI ĐẠI VUA ĐẾ MINH
Nhờ sự phát triển rực rỡ của nền nông nghiệp dưới thời đại Thần Nông Đế Viêm*, xã hội Miêu, Viêm mà về sau gọi là Bách Việt đã có những phát triển vô cùng khởi sắc trên nhiều lãnh vực. Cư dân nông nghiệp sinh tụ đông đảo, đời sống an lạc, sung túc… Thời gian này tương ứng với giai đoạn giữa của thời kỳ văn hóa Bắc Sơn, kể từ 7.000 đến 1.000 năm trước Công nguyên).
* Thời đại Thần Nông Đế Viêm:
Thời kỳ 1 – Từ vua Thần Nông Đế Viêm đến cháu ba đời là vua Đế Minh từ năm 3118 đến 2879 tr.CN kéo dài 239 năm.
Thời kỳ 2 – Từ vua Đế Minh chia nước cho hai con lập thành hai triều đại Xích Thần (Bắc Miêu) và Xích Quỷ (Nam Miêu).
A – Triều đại Xích Thần:
– Đế Nghi 2.879 – 2.813/tr.CN
– Đế Lai 2.813 – 2.704/tr.CN
– Đế Du Võng 2.704 – 2.636/tr.CN
B – Triều đại Xích Quỷ:
– Kinh Dương Vương 2879 – (?) tr,CN
– Lạc Long Quân năm (?) – 2.704/tr.CN
Một vài khó khăn mới của xã hội Miêu tộc
Xã hội nông nghiệp Miêu tộc, sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Đất nước vốn không có biên giới, nên đồng ruộng lan tràn hết đồng bằng này qua đồng bằng khác. Sự phát triển nông nghiệp rộng ra về mọi phía, nhất là về phía Nam, nhờ vùng này khí hậu ẩm ướt, ấm cúng, mưa thuận gió hòa… khiến việc liên lạc giữa trung ương và các tộc địa phương, mỗi ngày một trở nên khó khăn, chậm chạp. Việc điều động nhân dân thực hiện những công tác công ích, không thể thích ứng với đường lối lãnh đạo của chế độ Liên minh Bộ tộc, mà đứng đầu là những vị vua gọi là Thiên tử*
* Thiên tử: Khi sử gia nổi danh nhất Trung Hoa, Thái sử công Tư Mã Thiên (thuộc một dòng họ chuyên viết sử từ thời nhà Chu đến thời cực thịnh nhà Hán) tả lại cuộc chiến tranh Hoa–Miêu tại Trác Lộc năm 2704 tr.CN, ông gọi người lãnh đạo các bộ lạc du mục Hoa tộc là Cộng chủ, trong khi đó ông gọi người lãnh đạo liên minh Xích Quỷ là Cổ Thiên tử Xi Vu.
Tại sao ông ấy không gọi Hiên Viên là Thiên tử?
Cho tới giai đoạn này, Hoa tộc chỉ là những bộ lạc du mục gọi là hậu. Tù trưởng bộ lạc gọi là hậu chủ. Từng đoàn, từng lũ, man rợ y như các giống du mục khác trên thế giới thời đó, họ kéo nhau đi tìm đất sống. Họ xâm nhập đất Bắc Miêu và gặp sự chống cự của cư dân nông nghiệp Miêu tộc, họ liền họp nhau “công kênh” một hậu chủ hùng mạnh nhất là Hiên Viên lên làm “Cộng chủ” (chữ của Tư Mã Thiên) để gọi người lãnh đạo các hậu. Như vậy có nghĩa là họ chưa lập quốc, chưa xưng vua, xưng vương, xưng đế gì cả. Họ chỉ là một đám Rợ du mục cường bạo, dã man mới tập trung lại…
Như vậy danh hiệu Thiên tử là danh hiệu của các vị vua Miêu tộc đã có từ rất lâu về trước, chứ không phải của Hoa tộc. Năm 1959, mặc dù chính quyền Trung Hoa Cộng sản không công bố, nhưng báo chí Đài Loan có đăng một bản tin, xuất phát từ các nhà khoa học khảo cổ ở bảo tàng viện Hồ Nam. Bản tin cho biết, họ tìm được tại di chỉ khảo cổ Xinqlang (Tân Cương), phía Đông hồ Động Đình khoảng 50 km, những miếng đất sét nung hình chữ nhật, có ghi những chữ chân chim và họ giải đoán là bảng ghi những con số thu hoạch nông nghiệp và chăn nuôi của những quý tộc xã hội Miêu.
Họ xác định những mảnh đất nung này có niên đại 4.600 năm tr. CN + 100. Việc phát giác những cổ vật tiền sử ở Xinqlang đã xác nhận trước khi “văn minh!” du mục Hoa tộc tràn tới thì Nam Miêu đã có văn minh chữ viết.
trung công 1 year ago 1000 năm bắc thuộc giặc hán đã mị dân tổ tiên chúng ta để dễ bề cai trị. Chúng mị dân người việt và người hán là anh em, chúng đốt hết sách sử, phá hết chùa chiền để con cháu người việt k còn nhớ đến gốc tích. Khoa học hiện đại đã phân tích bộ gen của người việt và kết luận người việt có tổ tiên riêng, k chung huyết thống với người hán
39 Thái tử Sin TV thai nguyen thai nguyen 10 months ago
Chắc gì đã biết ai đồng hoá ai? tết âm lịch còn tranh cãi nhau về nguồn gốc kia kìa
2
sdadas dsahd 9 months ago
Kẻ thắng viết lịch sử 1
viết chinh nguyễn 5 months ago
@thai nguyen TẾT ÂM LỊCH LÀ PHONG TỤC CỦA NGƯỜI VIỆT. KHỔNG TỬ CÓ NÓI TRONG KINH THƯ: "TA KHÔNG BIẾT TẾT LÀ GÌ, CHỈ BIẾT NÓ LÀ TẬP TỤC CỦA NGƯỜI PHƯƠNG NAM(BÁCH VIỆT) NHẢY MÚA ĐIÊN CUỒNG, CẢ QUAN VÀ DÂN ĐỀU ĐÙA VUI" THỜI KHỔNG TỬ VIỆT NAM CHƯA BỊ XÂM CHIẾM ĐẤY, KHỔNG TỬ TỪNG QUA PHƯƠNG NAM VÀ CA NGỢI DÂN TỘC PHƯƠNG NAM TRONG KINH THI
6 Quang Trần 1 year ago
Thần nông là người Việt đúng 100% rồi người Hán nói Thần nông từ phương nam đi lên mà. Rất mến mộ tác giả có kiến thức rất sâu về Bách Việt và có tâm huyết làm sáng tỏ lịch sử hào hùng về Bách Việt ta đã bị Hán tộc đánh cắp. Cảm ơn tác giả rất nhiều, tuy nhiên để logich khoa học về vấn đề này rất mong được gặp gỡ trao đổi có thể làm rõ thêm một số tình tiết làm bằng chứng. 23
Thái tử Sin TV
1 year ago Con rồng, lịch mặt trăng cũng là sản phẩm của nền văn minh lúa nước :)
14
Lee Tiến 1 year ago Bản chất của Hán tộc là cướp đất, bành trướng và ăn cắp, đổi trắng thay đen... đến nay vẫn thế " non sông dễ đỗi bản tính khó dời". 30
2
Việt Nam nào cũng thế? Loại con cháu tạp chủng. Thời Trần nước Việt được coi là hùng mạnh nhưng có đi xâm chiếm đâu, tất cả những vụ mở rộng lãnh thổ là những cuộc chiến bắt buộc. Những nước mà bị Việt tộc mở rộng lãnh thổ là những nước chuyên đi rình mò cướp bóc lợi dụng cứ khi nào nước Việt suy yếu, nội bộ lục đục là chúng nó xâm lấn cướp bóc tận thành Thăng Long thì biết chúng nó to gan đến mức nào. Năm lần bảy lượt đánh cảnh cáo chưa thèm xoá sổ khỏi trái đất, nhưng đúng thật “Giang Sơn dễ đổi bản tính khó dời “đến lúc không nhịn được nữa lại “Thiên thời địa lợi nhân hòa“ thế là một ngày đẹp trời không còn bọn cơ hội, sống bằng nghiệp cướp phá, chúng đã bị tổ tiên Việt tộc xóa sổ.
i Việt Nam thì Thần Nông được xem là thủy tổ của người Việt.
Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, phần lời tựa của Ngô Sĩ Liên chép: "Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam–Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương".
Theo Đại Việt sử ký toàn thư:
"Vua Đế Minh là cháu ba đời của Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất 2897 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, sinh một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua."
Bối CẢNH LỊCH SỬ, XÃ HỘI THỜI ĐẠI VUA ĐẾ MINH
Nhờ sự phát triển rực rỡ của nền nông nghiệp dưới thời đại Thần Nông Đế Viêm*, xã hội Miêu, Viêm mà về sau gọi là Bách Việt đã có những phát triển vô cùng khởi sắc trên nhiều lãnh vực. Cư dân nông nghiệp sinh tụ đông đảo, đời sống an lạc, sung túc… Thời gian này tương ứng với giai đoạn giữa của thời kỳ văn hóa Bắc Sơn, kể từ 7.000 đến 1.000 năm trước Công nguyên).
* Thời đại Thần Nông Đế Viêm:
Thời kỳ 1 – Từ vua Thần Nông Đế Viêm đến cháu ba đời là vua Đế Minh từ năm 3118 đến 2879 tr.CN kéo dài 239 năm.
Thời kỳ 2 – Từ vua Đế Minh chia nước cho hai con lập thành hai triều đại Xích Thần (Bắc Miêu) và Xích Quỷ (Nam Miêu).
A – Triều đại Xích Thần:
– Đế Nghi 2.879 – 2.813/tr.CN
– Đế Lai 2.813 – 2.704/tr.CN
– Đế Du Võng 2.704 – 2.636/tr.CN
B – Triều đại Xích Quỷ:
– Kinh Dương Vương 2879 – (?) tr,CN
– Lạc Long Quân năm (?) – 2.704/tr.CN
Một vài khó khăn mới của xã hội Miêu tộc
Xã hội nông nghiệp Miêu tộc, sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Đất nước vốn không có biên giới, nên đồng ruộng lan tràn hết đồng bằng này qua đồng bằng khác. Sự phát triển nông nghiệp rộng ra về mọi phía, nhất là về phía Nam, nhờ vùng này khí hậu ẩm ướt, ấm cúng, mưa thuận gió hòa… khiến việc liên lạc giữa trung ương và các tộc địa phương, mỗi ngày một trở nên khó khăn, chậm chạp. Việc điều động nhân dân thực hiện những công tác công ích, không thể thích ứng với đường lối lãnh đạo của chế độ Liên minh Bộ tộc, mà đứng đầu là những vị vua gọi là Thiên tử*
* Thiên tử: Khi sử gia nổi danh nhất Trung Hoa, Thái sử công Tư Mã Thiên (thuộc một dòng họ chuyên viết sử từ thời nhà Chu đến thời cực thịnh nhà Hán) tả lại cuộc chiến tranh Hoa–Miêu tại Trác Lộc năm 2704 tr.CN, ông gọi người lãnh đạo các bộ lạc du mục Hoa tộc là Cộng chủ, trong khi đó ông gọi người lãnh đạo liên minh Xích Quỷ là Cổ Thiên tử Xi Vu.
Tại sao ông ấy không gọi Hiên Viên là Thiên tử?
Cho tới giai đoạn này, Hoa tộc chỉ là những bộ lạc du mục gọi là hậu. Tù trưởng bộ lạc gọi là hậu chủ. Từng đoàn, từng lũ, man rợ y như các giống du mục khác trên thế giới thời đó, họ kéo nhau đi tìm đất sống. Họ xâm nhập đất Bắc Miêu và gặp sự chống cự của cư dân nông nghiệp Miêu tộc, họ liền họp nhau “công kênh” một hậu chủ hùng mạnh nhất là Hiên Viên lên làm “Cộng chủ” (chữ của Tư Mã Thiên) để gọi người lãnh đạo các hậu. Như vậy có nghĩa là họ chưa lập quốc, chưa xưng vua, xưng vương, xưng đế gì cả. Họ chỉ là một đám Rợ du mục cường bạo, dã man mới tập trung lại…
Như vậy danh hiệu Thiên tử là danh hiệu của các vị vua Miêu tộc đã có từ rất lâu về trước, chứ không phải của Hoa tộc. Năm 1959, mặc dù chính quyền Trung Hoa Cộng sản không công bố, nhưng báo chí Đài Loan có đăng một bản tin, xuất phát từ các nhà khoa học khảo cổ ở bảo tàng viện Hồ Nam. Bản tin cho biết, họ tìm được tại di chỉ khảo cổ Xinqlang (Tân Cương), phía Đông hồ Động Đình khoảng 50 km, những miếng đất sét nung hình chữ nhật, có ghi những chữ chân chim và họ giải đoán là bảng ghi những con số thu hoạch nông nghiệp và chăn nuôi của những quý tộc xã hội Miêu.
Họ xác định những mảnh đất nung này có niên đại 4.600 năm tr. CN + 100. Việc phát giác những cổ vật tiền sử ở Xinqlang đã xác nhận trước khi “văn minh!” du mục Hoa tộc tràn tới thì Nam Miêu đã có văn minh chữ viết.
========================================
084. 🌟 Bách Việt và quá trình Nam tiến của người Bách Việt
(Suy ngẫm từ công việc gom nhặt đồ rơi của người Bách Việt)
Danh xưng Bách Việt để chỉ chung các bộ tộc gắn kết với nhau về khía cạnh dân tộc học giữa các nhóm Việt khác nhau. Điểm nổi bật và bao trùm nhất được các nhà nghiên cứu đồng ý, đó là đặc tính trồng lúa nước của người Việt. Trồng lúa nước dẫn đến sự ra đời các xã hội (làng xóm) định cư theo các địa vực thích hợp với phát triển lúa nước, bộ dụng cụ làm ruộng lúa, sản xuất và chế biến lúa nước. Sau hết là hệ thống ngôn ngữ và lễ hội dân gian cùng gắn bó với lúa nước. Sự khác biệt của những người Việt trồng lúa nước đã tạo ra những phân định sau này với các nhóm tộc khác ở phía tây nam thượng nguồn sông Dương Tử như người Di, Bộc. Các nhóm này ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa chăn nuôi du mục và trồng ngũ cốc khô cạn (ý dĩ, kê, mạch…). Nhà nhân chủng học C.B. Laptev đã cho rằng lịch sử tộc Việt bắt đầu với làng trồng lúa Hà Mẫu Độ có độ tuổi từ 6-7 ngàn năm trước.(1) Phân bố của các nhóm trong khối Bách Việt theo đặc tính văn hóa khảo cổ lúa nước đó là ở trung và hạ lưu sông Trường Giang, ở lưu vực các dòng sông Đông Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam gồm lưu vực Sông Hồng, Sông Mã và Sông Cả.
Trong lịch sử, người Ư Việt vùng cửa sông Trường Giang đã từng tạo lập một nhà nước Việt từ rất sớm, khoảng nửa đầu thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên. Nước Việt này nổi danh với ông vua Câu Tiễn nếm mật nằm gai để đổi bại thành thắng đưa nước Việt Cối Kê của mình vươn lên hàng bá chủ chư hầu nhà Chu. Đây cũng là vùng nổi danh thủy chiến với những vũ khí sắc bén và độc đáo: kiếm, qua, giáo và rìu chiến được chạm khảm danh xưng Việt Vương Câu Tiễn chi bảo kiếm. Vùng đất Triết Giang, địa bàn chính của Việt Vương Câu Tiễn sau này gắn với địa danh Đông Việt hay Đông Âu trong khối Bách Việt.
Phía nam Triết Giang, trên lưu vực Sông Mân đổ ra biển ở Phúc Kiến (Fujian) là vùng phân bố của những người trồng lúa Mân Việt. Trải dài theo lưu vực các sông nhánh chảy từ Ngũ Lĩnh đổ vào các hồ hay đổ thẳng vào sông Trường Giang là nơi phân bố của khối Dương Việt mà trung tâm của khối nằm ở vùng Trường Sa (Hồ Nam).
Đây là một khối Việt lớn và rất quan trọng trong vận trình chung của toàn khối Bách Việt. Bởi lẽ nó nằm ở giữa Hoa Nam có trách nhiệm gắn bó và chuyển giao giữa thế giới Việt với thế giới các tộc phi Hoa Hạ khác ở về phía tây (Sở, Bộc, Ba, Thục, Dạ Lang…). Về phần nguồn gốc tổ tiên người Việt ở phía nam lại mang đậm tính truyền thuyết, thần thoại bắt đầu từ Kinh Dương Vương ở hồ Động Đình, có liên quan mật thiết đến khối Dương Việt này. Địa bàn của người Lạc Việt bao trùm toàn bộ vùng nam Ngũ Lĩnh gồm lưu vực sông Tây Giang, Châu Giang, Lô Giang, Thao Giang (Sông Hồng), Đà Giang, Mã Giang, Lam Giang.
Đối với lịch sử Bách Việt thì từ khoảng giữa thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên diễn ra hai hiện tượng nổi bật: trước hết, nhiều nhóm Việt nổi lên trở thành các nhà nước tham gia vào các hoạt động chiến tranh và phát triển trong khu vực. Trong đó rõ rệt nhất là nước Ngô của dòng họ nhà Phù Sai, nước Việt của dòng họ nhà Câu Tiễn (thời Xuân Thu-Chiến Quốc)(2) và sau này, nước Nam Việt của dòng họ Triệu (thời Tần Hán). Những tiểu quốc khác thuộc thế giới Bách Việt trong thời kỳ hậu Chiến Quốc có thể kể ra như Đông Âu (Đông Việt), Tây Âu (sau nhập với Văn Lang thành Âu Lạc), Mân Việt và có thể cả Điền, Ai Lao và Dạ Lang nữa. Sau này, có một làn sóng di chuyển dân cư rất rõ ràng từ khối Bách Việt xuống phía nam. Sự hình thành nhà nước Âu Lạc là một chứng tích rõ rệt nhất của sự chuyển dịch và hợp quần của một bộ phận khối Việt Tây Âu ở thượng nguồn Sông Lô, Sông Hồng xuống hạ và trung lưu các dòng sông này, nhập cùng với nhóm Lạc Việt bản địa tạo nên nhà nước Âu Lạc do Thục Phán An Dương Vương đứng đầu. Để giải thích họ “Thục” của An Dương Vương, sách sử cho rằng ông là dòng dõi nhà Thục, ám chỉ nguồn gốc Quý Châu, Tứ Xuyên của vị thủ lĩnh Tây Âu này. Gần đây xuất hiện bằng chứng khảo cổ học liên quan đến sự hiện diện của văn hóa Ai Lao (Bảo Sơn, Vân Nam, Trung Quốc) tại Yên Bái và thậm chí đến tận Đồng Nai (Việt Nam).
Điều này góp phần giải thích ghi nhận trong truyền thuyết cũng như thư tịch về mối quan hệ giữa Thục Phán với Ai Lao. Trước đây, do nhận thức về bản chất văn hóa Bách Việt còn yếu kém nên nhiều người nhầm lẫn rằng công cuộc chuyển dịch đó đơn giản chỉ là sự bành trướng của văn hóa Hán. Nhưng từ những thập niên cuối của thế kỷ 20 và nhất là gần đây nhờ những bằng chứng khảo cổ nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, trong đó có không ít học giả Trung Quốc, đã nhận rõ những yếu tố văn hóa Việt độc lập. Như vậy cho phép ta tách ra trong văn hóa Đông Sơn các giai đoạn phát triển sớm-muộn và đặc tính khu vực khác nhau. Trong đó, nhiều yếu tố văn hóa mà trước đây thường được các nhà nghiên cứu gọi là “phong cách Hán”, thực chất chính là các yếu tố Bách Việt phương bắc, hình thành do giao lưu cọ sát giữa các nền văn minh Bách Việt sớm với các nền văn minh Hoa Hạ trước Hán.(3) Đồng thời khi giao lưu hoặc di chuyển xuống phía nam họ đã mang theo và vô tình lan truyền những yếu tố văn hóa Hoa Hạ.(4) Từ đó pha trộn với các nền văn hóa Bách Việt thuần túy phương nam (Đông Sơn, Điền…) tạo ra một dạng hình văn hóa mới, thường được giới nghiên cứu gọi là các dạng hình của văn hóa “Lĩnh Nam” hay văn hóa Yi, Yueh. Sự xuất hiện các dạng hình văn hóa Lĩnh Nam đó gắn với quá trình bành trướng văn hóa Hoa Hạ thông qua cục diện thời Chiến Quốc.
Ở Việt Nam tác động văn hóa nói trên bắt đầu đậm nét từ khi nhà Tần đem quân xâm chiếm và đặt quận huyện ở Lĩnh Nam (221-208 trước Công nguyên) và nhất là khi nước Nam Việt mất vào tay nhà Hán (111 trước Công nguyên). Từ đó xuất hiện sự biến dạng ở bộ đồ đồng Đông Sơn cả về số lượng và nghệ thuật – đặc biệt trong bộ vũ khí, đồ trang sức, đồ lễ nghi. Nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu tán thành sử dụng thuật ngữ “Giao Chỉ” thay cho Đông Sơn nhằm làm rõ đặc tính Đông Sơn trong giai đoạn này.(5)
Quả là sức ép từ các đời đế chế Trung Nguyên đã đóng vai trò không nhỏ trong việc đẩy dần quý tộc, thủ lĩnh Bách Việt đi dần về phía nam. Nền văn hóa Bách Việt phương bắc, tức những nơi cận kề tiếp giao trực tiếp với văn hóa Trung Nguyên đương nhiên ít nhiều in dấu ấn Hoa Hạ. Trên thực tế, kể từ sau thế chiến 2, nhiều hội nghị khoa học và công trình nghiên cứu đã nhận rõ những dạng hình văn hóa giao lưu mang tính trung gian giữa hai nền văn minh: lúa ở phương nam (Bách Việt – Trường Giang) và kê mạch ở phương bắc (Trung Nguyên – Hoàng Hà) như Hoài thức (Huai style), văn hóa Sở, văn hóa Ngô-Việt, văn hóa Nam Việt… Vì vậy cần nhận thức rõ rằng, sự lan tỏa của văn hóa Bách Việt xuống phía nam là một hiện tượng văn hóa độc lập và không phải lúc nào cũng gắn với sự bành trướng của các đời đế quốc Trung Hoa cổ đại, nhất là ở những thiên niên kỷ I, II trước Công nguyên, trước khi nhà Tần nam chinh.
Ví dụ, vào năm 316 trước Công nguyên, nước Tần đánh chiếm Ba Thục ở vùng Tứ Xuyên ngày nay, lập ở đây hai quận thuộc Tần. Nơi đây đã từng có nền văn minh rực rỡ với văn hóa Tam Tinh Đôi và Kim Sa trong suốt thời Thương, Chu. Vì thế, quận phía bắc chịu ảnh hưởng đậm nét của Tần, quận phía nam vẫn gần như còn nguyên do các quý tộc Thục cai quản. Trước nguy cơ mất dần quyền lực, một số quý tộc Ba Thục đã liên kết với các thủ lĩnh Điền, Việt ở phía nam tạo lập ra những trung tâm văn hóa mới. Khảo sát con đường di chuyển của các vũ khí Ba Thục trong đó điển hình nhất là qua và kiếm, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra hai nhánh phát triển của nền văn minh Ba Thục xuống phía nam. Một hướng tây nam vào Vân Nam và một hướng nam tiến vào Quý Châu, Quảng Tây tác động vào Dạ Lang và khối Tây Âu. Những ảnh hưởng từ Tứ Xuyên này không tác động trực tiếp đến văn hóa phương nam mà qua các nền văn hóa trung gian.
Biến động lớn trực tiếp tác động đến thế giới Bách Việt Lĩnh Nam là sự kiện xảy ra trong khoảng những năm 221-214 trước Công nguyên, khi nhà Tần cử 50 vạn quân nam chinh. Đó thực sự là cuộc bành trướng mở rộng lãnh thổ của một đế quốc Hoa Hạ xuống phương nam. Những người tham gia cuộc nam chinh đó là binh sĩ, tướng lĩnh Hoa Hạ mà Triệu Đà, Nhâm Ngao là những người như vậy. Khi này chưa thể có khái niệm Hoa Bắc, Hoa Nam, bởi lẽ phương nam vào thời Chiến Quốc chưa tồn tại thực sự những cộng đồng Hoa tộc. Thay thế vào đó, chỉ có khái niệm Bách Việt, Lĩnh Nam (vùng núi phía nam) hoặc Giang-Hà (phía bắc gọi sông là Hà, phía nam gọi sông là Giang). Cuộc giằng co của các thủ lĩnh Việt với quân Tần đã được nhắc đến rất rõ trong thư của Hoài Nam tử Lưu An gởi Hán Văn Đế vào đầu thế kỷ 2 sau Công nguyên. Có lẽ trong hoàn cảnh bị o ép bởi quân Tần, các thủ lĩnh Tây Âu đã liên kết với các thủ lĩnh Lạc Việt để thành lập nhà nước Âu Lạc. Sau nhiều năm giành giật, đến năm 214 trước Công nguyên, các thủ lĩnh người Tây Âu, Lạc Việt ở vùng đất mà sau này trở thành ba quận của nhà Tần hoặc buộc phải đầu hàng quân Tần để thành quan lại của Triệu Đà hoặc phải chạy về phía tây và phía nam tạo nên những trung tâm quý tộc Đông Sơn miền núi. Tình trạng này càng rõ nét hơn khi Triệu Đà dùng áp lực quân sự thâu tóm Âu Lạc vào khoảng những năm 180-179 trước Công nguyên.(6)
Giả thuyết trên còn được củng cố bởi một số bằng chứng khảo cổ học về những kiếm lưỡi sắt cán đồng và nồi đồng kiểu văn hóa Khả Lạc ở vùng Quý Châu (Trung Quốc). Miền núi hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An là nơi phân bố những di vật khảo cổ học thời Đông Sơn có liên quan đến văn hóa Dạ Lang. Vùng này cũng đồng thời gắn với đền thờ An Dương Vương và tàn dư tộc người liên quan đến Dạ Lang, Văn Lang được ghi chép trong sách sử đời Hán. Những chứng cứ đó đã làm hé mở khả năng theo dõi con đường di chuyển của những thủ lĩnh Âu Lạc, những người đã không chấp nhận lệ thuộc Nam Việt, tìm đường đi về phía nam. Đây cũng là một trong những con đường di chuyển của trống đồng Đông Sơn vào Tây Nguyên, Nam Bộ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.(7)
Biến động chính trị tạo nên một làn sóng di chuyển Bách Việt về phía nam nữa là cuộc hành quân của Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức nhà Tây Hán xâm chiếm và giải thể nhà nước Nam Việt vào năm 111 trước Công nguyên. Cuộc hành quân này đã lôi cuốn cả quân đội Dương Việt cũ ở Trường Sa quận và Dạ Lang vào cuộc. Như đã biết, tuy Triệu Đà lập ra nhà nước Nam Việt nhưng chính trị và văn hóa Nam Việt thực chất là một nền chính trị độc lập và một nền văn hóa phi Hán.(8) Danh sách phong thưởng đối với những quan tướng Nam Việt theo nhà Hán trong Tiền Hán thư cho thấy một số quý tộc Nam Việt thuận theo nhà Hán, nhưng một số khác đã đưa gia quyến, bộ tộc chạy về phía nam, như trường hợp Lữ Gia và Triệu Kiến Đức. Hai vị này đã bị những người theo nhà Hán bắt và giết chết.
Biến động chính trị lớn tiếp theo liên quan đến di tản của các thủ lĩnh Việt tộc về phía nam là cuộc hành quân của 10 vạn quân do Phục Ba tướng quân Mã Viện nhà Đông Hán xuống Giao Chỉ, đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 43 sau Công nguyên. Cuộc chống trả của nghĩa quân Hai Bà Trưng diễn ra chủ yếu ở vùng đồng bằng Sông Hồng. Sau khi thất bại, nhiều thủ lĩnh Lạc Việt chạy vào vùng núi Cửu Chân cùng Đô Dương, thủ lĩnh Lạc Việt ở Cửu Chân chống Hán. Cuộc hành quân của Mã Viện đã vào tận Cửu Chân đẩy tàn quân Hai Bà Trưng lùi sâu vào miền núi phía tây và phía nam đất Thanh-Nghệ.
Thực tiễn lịch sử trên cho phép nhìn nhận các tàn tích văn hóa Đông Sơn, pha trộn với những những tàn tích đồ đồng Sở, Ngô, Việt, Ba Thục, Điền, Dạ Lang. Ngay cả một số đồ Trung Nguyên thực thụ (như trường hợp chiếc tước thời Xuân Thu trong sưu tập KQC). Sự pha trộn này ở mỗi vùng nhất định và từng giai đoạn cụ thể như là dấu tích lan tỏa của văn hóa Bách Việt dưới sức ép quân sự-chính trị của các đời đế quốc Trung Hoa chứ không phải đơn giản là ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Hán.
Sau đây chúng ta sẽ từng bước dõi theo dấu vết của các cuộc di chuyển này. Theo chúng tôi, bằng chứng không thể chối cãi về sự giống nhau giữa những thanh kiếm chôn theo người chết ở khu mộ Khả Lạc (Quý Châu, Trung Quốc) với những thanh kiếm đào được ở vùng núi Thanh-Nghệ mà sưu tập KQC đang sở hữu bốn chiếc. Đây là loại kiếm lưỡi sắt, thảng hoặc cũng có lưỡi đồng. Điểm khác biệt lớn nhất với các loại kiếm khác là ở phần chuôi đúc bằng đồng có chốt hãm để giữ phần lưỡi sắt hay đồng tra vào sau. Dưới đốc của phần cán đồng này phổ biến trang trí một hình thuyền cong với những hình người thể hiện bằng cách đúc thủng lỗ. Các hình thuyền này khá mỏng và gắn với đốc kiếm bằng hai hay ba trụ đỡ. Phần tay cầm bằng đồng thường có những hình kỷ hà chìm sâu như gấm hoa.
Theo thống kê, cho đến nay trên đất Trung Hoa rộng lớn mới chỉ phát hiện được chưa đến 20 chiếc, trong đó phần lớn từ các mộ táng ở Khả Lạc. Một vài chiếc khác được thông báo tìm thấy rải rác ở Vân Nam và Quảng Tây. Những kiếm này hiện cũng chưa từng thấy ở vùng Bắc Bộ Việt Nam nhưng lại thấy rất nhiều ở vùng miền núi Bắc Trung Bộ, từ Thanh Hóa đến Nghệ An. Vùng tập trung nhất là khu vực thượng lưu Sông Hiếu, thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp (Nghệ An). Theo thống kê, người ta đã phát hiện ở Việt Nam khoảng 50 thanh kiếm loại này. Vậy lý do gì đã dẫn đến phân bố kiểu kiếm như vậy ở hai vùng cách xa nhau hàng ngàn cây số?
Câu trả lời có thể nhắc lại tóm tắt ở đây rằng những thanh kiếm đó chính là bằng chứng của những thủ lĩnh Tây Âu Lạc đã tham gia cuộc nam tiến dưới trướng của An Dương Vương Thục Phán sau khi bị Nam Việt gây sức ép.
Trong số những địa điểm tập trung đồ đồng liên quan đến những người Đông Sơn gốc Tây Âu Lạc đó, cho đến nay mới chỉ có duy nhất địa điểm Làng Vạc là được khảo cổ học nghiên cứu kỹ lưỡng. Ba đợt khai quật khảo cổ học ở đây cho thấy tại vùng đồi núi thượng nguồn Sông Hiếu khá hoang vu và xa các trung tâm Đông Sơn đương thời bỗng trở thành một khu mộ táng chôn cất nhiều thủ lĩnh, quý tộc Đông Sơn Âu Lạc. Các ngôi mộ này có niên đại kéo dài từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 sau Công nguyên.(9) Một vùng khác cũng tập trung đồ đồng Âu Lạc, đó là vùng bán sơn địa thượng nguồn Sông Chu, Sông Mã của tỉnh Thanh Hóa, như Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Như Xuân. Kiểu mộ táng và đồ đồng chôn theo ở đây khá giống với vùng Làng Vạc. Đặc biệt sự tồn tại những thanh kiếm và nồi đồng mang phong cách văn hóa Khả Lạc càng củng cố thêm giả thuyết cho rằng chủ nhân những khu mộ này có liên quan đến tàn quân Âu Lạc, Nam Việt và có thể cả tàn quân khởi nghĩa Hai Bà Trưng nữa.
Rải rác ở vùng núi Bắc Trường Sơn thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và các tỉnh Tây Trường Sơn của Lào cũng đã phát hiện nhiều trống đồng kích thước lớn, có cóc trên mặt trống. Đây là loại trống thuộc phong cách trống Hữu Chung và các trống ở Indonesia. Chiếc trống lớn đường kính 115cm hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là thuộc loại trống khai quật được ở vùng này. Sưu tập KQC cũng có một số chiếc như vậy, trong đó chiếc lớn có đường kính mặt 105cm. Niên đại của các trống này được cho là ở khoảng thế kỷ 1 trước và sau Công nguyên. Có thể chúng liên quan đến tàn quân Lạc Việt trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Dấu vết di chuyển của những người Âu Lạc này còn đi xa hơn nữa về phía nam. Nếu theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, những lưỡi kiếm ngắn chuôi tông đặc có dáng hình phần lưỡi như lá mía mang đặc trưng “kiếm kiểu Thục” của văn hóa Đông Sơn, thì phân bố của loại “kiếm” này hiện cũng tập trung ở vùng đất Thanh Hóa vào đến Quảng Ngãi. Khảo sát kỹ vị trí của các “kiếm” lá mía này trong khu mộ Sa Huỳnh ở Gò Mả Vôi (Quảng Nam), người ta thấy chúng quay mũi lên trên phía đầu người chết, như các kiếm trong mộ Khả Lạc chứ không cùng chiều với các mũi giáo hướng mũi nhọn xuống dưới.
Khu mộ táng Sa Huỳnh ở Gò Quê (Bình Sơn, Quảng Ngãi) là một di tích Đông Sơn – Sa Huỳnh ven biển. Bộ đồ tùy táng trong các ngôi mộ vò và mộ đất ghi nhận dấu ấn đậm nét của những người Âu Lạc đến từ vùng miền núi Thanh- Nghệ. Đồ tùy táng kim loại trong khu mộ này có tới 90% là đồ đồng Đông Sơn hoặc mang phong cách Đông Sơn, như rìu, dao găm, giáo, “kiếm lá mía”, thắt lưng, tấm che ngực… Trong số đó chiếc thạp đồng mang kiểu trang trí hoa văn Đông Sơn nhưng thay vì có một chân đế hình vành khuyên như các thạp Đông Sơn điển hình thì chiếc thạp này lại có bốn mấu nổi như cách làm đáy nồi của văn hóa Khả Lạc. Chiếc thạp này cùng với hàng chục lưỡi “kiếm lá mía” được xem như những dấu hiệu của tàn dư Tây Âu.
Những chiếc rìu có họng tra cán hình thang lồi đặc trưng cho đồ đồng Tây Nguyên và Đồng Nai tồn tại bên cạnh đồ đồng Đông Sơn ở Gò Quê gợi ý những người Đông Sơn Âu Lạc đã đến đây chung sống với những người Sa Huỳnh từ vùng Kon Tum Tây Nguyên theo dòng thượng nguồn sông Trà Bồng đi xuống.(10) Nơi được coi như quê hương gần nhất của những người Gò Quê chính là vùng phân bố dày đặc trống đồng Đông Sơn phong cách Tây Âu ở Đắk Lắk.
Sự tập trung trống đồng ở Tây Nguyên(11) là một hiện tượng rất có ý nghĩa trong việc dõi theo con đường di chuyển của những thủ lĩnh Âu Lạc. Tất nhiên, bên cạnh một số trống còn giữ khá nguyên vẹn tính chất Đông Sơn gốc, đa phần trống Tây Nguyên bắt đầu pha trộn những yếu tố bản địa của vùng miền núi cao nguyên này. Phát hiện trống ở Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Định, Nha Trang, Bình Dương và gần đây ở Bit Meas, Prohear (Campuchia) cũng như những trống cùng phong cách Bắc Trường Sơn và Tây Nguyên từ trước đó ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia đặt ra một cách nhìn khác về sự phân bố trống đồng ở Đông Nam Á. Đó không phải chỉ đơn thuần là con đường giao lưu buôn bán, mà còn thực sự là dấu vết của những cuộc thiên di lớn của người Bách Việt diễn ra trong những thế kỷ trước sau Công nguyên.
Khi bàn về hiện tượng săn đầu người trong văn hóa Đông Sơn tôi đã từng nhắc nhiều đến hình ảnh người hóa trang đứng cách điệu với hai tay dang rộng nắm hai biểu tượng đầu người. Hình ảnh này từng bắt gặp ở trên trống mà các nhà khảo cổ học Đan Mạch công bố phát hiện ở Thái Lan(12) cũng như trên một trống Đông Malaysia,(13) Đông Indonesia. Hình tượng này rất hiếm gặp trên các trống phát hiện ở miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc. Trái lại rất thường gặp trên các trống Tây Nguyên.(14) Trong số trống Tây Nguyên thuộc sưu tập KQC cũng gặp nhiều hình tượng người như vậy. Có thể dùng hình người này như một tiêu chí phân định cho một loại hình địa phương riêng biệt. Loại hình này, bằng con đường nào thì chưa rõ đã từ Tây Nguyên có mặt ở những vùng xa hơn đến tận những đảo Đông Indonesia.
Các hình nai, chim, voi, ngựa, hổ rất độc đáo xưa nay mới chỉ thấy trên những trống Đông Sơn muộn ở Indonesia như Kur, Sangeang thì nay thấy chúng ở nhiều đồ đồng Đông Sơn Giao Chỉ phát hiện ở vùng miền Tây Thanh- Nghệ vào đến Tây Nguyên. Sưu tập KQC sở hữu một số thạp, liễm đồng trang trí bởi những hình voi, ngựa, hổ rất gần gũi với những hình trên trống miền Đông Indonesia đó. Phong cách nghệ thuật trang trí các hiện vật trên được gọi là phong cách “Đông Sơn Tây Âu”(15) như muốn ám chỉ con đường lan tỏa trực tiếp của những người Bách Việt từ vùng núi cực Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam đi về phương nam sau những biến động chính trị trong vùng kể từ nửa sau thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.
Minh chứng sinh động nhất của cuộc di chuyển này có thể tìm thấy ở hiện tượng mộ thùng bằng gỗ khai quật ở Phú Chánh (Bình Dương, miền Nam Việt Nam). Những mộ này thường chôn theo trống đồng Đông Sơn, dụng cụ dệt vải kiểu Tây Âu – Điền, gương đồng Tây Hán muộn và rất nhiều vỏ cau bên trong.(16) Tôi tán thành quan điểm của Nguyễn Việt cho rằng chủ nhân những mộ táng này có liên quan chặt chẽ đến làn sóng nam tiến của những người Âu Lạc.(17) Những chiếc vò bằng gỗ ở Phú Chánh vẫn phảng phất chiếc quan tài độc mộc mà người Âu Lạc ưa dùng đồng thời cho thấy những ảnh hưởng của truyền thống mộ vò trong văn hóa Sa Huỳnh.
Một đặc trưng xuyên suốt trong nghệ thuật đúc đồng Tây Âu – Lạc Việt là cách dùng khuôn sáp và ảnh hưởng rõ nét của nghệ thuật đan lát với nghệ thuật đúc đồng và trang trí trên đồ đồng. Các quai trống làm từ khuôn in các sợi bện xoắn thừng như hình bông lúa, các vết in trên cán kiếm, trên các vòng ống bằng đồng như in từ chính các đồ đan lát. Đây là một dòng nghệ thuật chảy từ vùng Ba Thục qua Tây Âu dọc Sông Hồng xuống đồng bằng Bắc Bộ và phủ khắp miền Tây Thanh-Nghệ. Có thể nói nghệ thuật này trở thành đặc trưng đỉnh cao Đông Sơn ở Làng Vạc, in hằn đến tận đồ đồng thời Champa, Tây Sơn ở Tây Nguyên, thậm chí có thể lan tỏa đến cả truyền thống Bản Chiềng lưu vực Sông Mun (Thái Lan). Những chuông voi hình đầu trâu và chuông lục lạc trong sưu tập KQC cũng như chiếc chuông hình bầu dục có hình người rất độc đáo của sưu tập Bảo tàng Barbier-Mueller đều như được chế từ nguyên bản một vật mẫu bằng mây tre. Chất liệu bằng sắt pha ít đồng vẫn giữ nguyên được vệt in xoắn của các sợi thân cây rất mịn màng, tinh tế.
Điều đáng nói cuối cùng trong bài này là bộ sưu tập hàng ngàn chiếc qua đồng phát hiện ở miền Đông Nam Bộ trong đó có những chiếc qua lớn, trang trí vô cùng cầu kỳ và tinh xảo. Việc phát hiện một số lượng lớn qua đồng ở Nông trường Long Giao (Đồng Nai) đã được các nhà khảo cổ học nghiên cứu và kiểm chứng.(18) Từ đó, loại hình qua ở miền Đông Nam Bộ có tên chung là “qua đồng Long Giao”. Thực ra trước khi phát hiện kho qua đồng ở Long Giao, khảo cổ học đã từng khai quật được lẻ tẻ loại qua này ở Dốc Chùa (Đồng Nai), Bầu Hòe (Ninh Thuận). Chúng nằm trong khung niên đại một vài thế kỷ trước sau Công nguyên. Gần đây ở khoảng vùng đồi núi tiếp giáp giữa Đồng Nai, Phan Thiết và Bà Rịa-Vũng Tàu dân chúng đã phát hiện một kho qua đồng lớn lên đến hàng ngàn tiêu bản. Trong đó, ngoài một số ít qua lớn trang trí đẹp còn lại là những qua trơn trang bị cho lính chiến đấu. Sưu tập KQC cũng có 14 chiếc thuộc loại qua Long Giao nói trên. Những tiêu bản qua lớn không thực sự tiện dụng trong chiến đấu, lại được trang trí đầy khắp phần cán và đốc cho thấy chúng có thể chỉ là đồ nghi lễ trong một phủ đệ quý tộc, thủ lĩnh nào đó.
Nhưng sự đồng đều và rất có hiệu quả trong chiến đấu của hàng ngàn chiếc qua đồng còn lại cho thấy đây chính là vũ khí lợi hại của một đội quân có tổ chức và tính thống nhất cao. Có ý kiến cho rằng chúng có thể là sản phẩm thương mại. Nhưng quan sát bó vải bọc bên ngoài các cụm lưỡi và vết hằn cán gỗ cho thấy chúng được chôn cất như là một kho vũ khí chứ không phải kho hàng cho mục đích thương mại. Hơn nữa không thấy các qua này trong những mộ táng đương thời.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Việt(19) những qua đồng kiểu Long Giao chịu ảnh hưởng phong cách qua đồng văn hóa Ngô Việt chỉ thấy phát hiện ở vùng Điền Nam – Tây Âu (thượng du Sông Hồng) và ở miền Đông Nam Bộ. Trong khi đó, những người Tây Âu di chuyển xuống đồng bằng Sông Hồng lại không ưa dùng loại qua Ngô Việt đó mà là loại qua Ba Thục. Bằng con đường nào đó, những thủ lĩnh Tây Âu ưa chuộng dùng qua kiểu Ngô Việt trang trí tinh xảo, cầu kỳ mang đậm phong cách Điền Nam – Tây Âu đã theo đường biển đổ bộ vào vùng đồi núi ven bờ biển Đồng Nai – Phan Thiết – Vũng Tàu tạo lập ở đây một trung tâm văn hóa đồng thau mà qua đồng là một sản phẩm nhiều đến mức chưa bao giờ thấy trong lịch sử Trung Hoa cũng như lịch sử toàn vùng Đông Á và Đông Nam Á. Những nghiên cứu trong tương lai có thể xác lập ở đây một dạng hình nhà nước sớm mà khu mộ cự thạch ở Dầu Giây, Hàng Gòn có thể thuộc về những thủ lĩnh nhà nước có đội quân dùng các qua đồng đó.
Phát hiện hai hộp đồng dẹt hình chữ nhật làm theo kiểu da khâu của người du mục và 6 đôi chũm chọe cùng phong cách nghệ thuật trang trí với các lưỡi qua Long Giao ở gần Phan Thiết(20) hé mở mối quan hệ xa hơn với những chiếc bình dẹt kích thước lớn phát hiện ở Campuchia, Thái Lan, Indonesia.(21)
Loại hộp đồng dẹt hình chữ nhật này, theo chủ nhân nhà hàng Trống Đồng, nơi đang trưng bày một chiếc tương tự, được phát hiện ở vùng núi Yên Bái cùng với các đồ đồng Đông Sơn Tây Âu khác. Phát hiện ra mối quan hệ giữa qua đồng Long Giao với những bình dẹt nổi tiếng nhưng đầy bí ẩn ở vùng Nam Đông Dương và Indonesia cùng với hệ thống nhạc chuông tròn có hình đầu trâu kích thước lớn, dường như chỉ dùng cho nghi lễ vương triều ở vùng Tây Ninh, Bình Phước (Việt Nam) và Đông Bắc Campuchia. Phát hiện này cho thấy bóng dáng một nhà nước hùng mạnh đã từng bị lãng quên ở vùng này trước khi được sử sách ghi nhận trở lại với vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo.
Ngoài ra người ta còn thấy mối liên hệ rộng hơn của những người gốc gác liên quan đến truyền thống đúc đồng Tây Âu với những quý tộc đã được chôn cất trong mộ chum đá ở “Cánh Đồng Chum” bên Lào. Bởi sợi dây liên hệ giữa hình mặt người trên đầu có đội mũ ba chỏm nhọn phát hiện trên một chum đá rất giống với hình mặt người có ba chỏm nhọn (ở chân đỡ của một đồ nấu ba chân bằng đồng, dưới đáy có hình mặt trời, phát hiện ở Quảng Ngãi).(22) Cả hai cùng một phong cách nghệ thuật, kỹ thuật với các chuông nhạc tròn nói trên. Những người đội mũ ba đỉnh nhọn này từ lâu đã được coi như điển hình cho thần thánh và shaman trong văn hóa Sở thời Xuân Thu-Chiến Quốc. Mối liên hệ từ những hình đầu trâu, vòng xoắn như vậy còn cho phép tạo một bình tuyến văn hóa giữa các khu mộ trống đồng Bit Meas, Prohear (Campuchia), Tây Nguyên với thời đại đồng-sắt ở lưu vực Sông Mun, nơi phân bố văn hóa Bản Chiềng (Thái Lan).
Công việc gom nhặt những đồ rơi vãi của di dân Bách Việt về phía nam mới chỉ bắt đầu. Tuy vậy đã có thể nhận ra cuộc di chuyển đó không phải chỉ một đợt mà kéo dài trong hàng ngàn năm. Cũng không phải chỉ theo một tuyến độc nhất mà chắc chắn sẽ tỏa theo nhiều con đường khác nhau với ba trục chính: Mekong, Trường Sơn và Biển Đông. Nhờ sách vở và bộ sưu tập tôi nghiệm thấy truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đã phần nào dựa vào thực thể hiện hữu. Bọc trứng nở trăm con, chính là các bộ lạc Việt tộc rải rác ở phía nam sông Dương Tử. Văn Lang quê hương nước Việt, bắc giáp Động Đình Hồ, nam giáp nước Hồ Tôn, tây giáp Ba Thục, đông giáp biển là vùng đất rộng lớn bao trùm cả Hoa Nam và Bắc Việt Nam. Cư dân thời tiền sử ở Bắc Bộ đã không phải là một bộ tộc thuần chủng. Thời sơ sử, do di dân, văn hóa Đông Sơn lại đươc pha trộn thêm với các bộ tộc anh em phía bắc làm cho nền văn hóa bản địa thêm phong phú. Càng ngày tôi càng hiểu rõ nguồn gốc của tôi hơn và cảm thấy gần gũi thân thiết với dòng tộc Bách Việt rộng lớn của mình. Tất cả những điều trên đã được kiểm chứng khoa học và giải thích. Nhờ kiểm tra bộ gen (DNA)(23) của chính mình, được biết, tôi cùng nguồn gốc với một nửa số dân hiện đang sống trên đất Trung Hoa. Họ cũng như tôi, chính là những hậu duệ của tổ tiên Bách Việt thời xa xưa.
Kiều Quang Chẩn
CHÚ THÍCH
- Laptev, B., 2006, Tiền sử và lịch sử các dân tộc Việt: Khảo cổ học từ sơ kỳ thời đại đá mới đến sơ kỳ đồ sắt ở hạ lưu sông Trường Giang và Đông Nam Trung Hoa, Mat-xcơ-va.
- Nhiều nhà nghiên cứu xếp cả các nhà nước Sở, Ba, Thục vào thế giới Bách Việt. Có nhiều cơ sở khảo cổ học ủng hộ quan điểm này. Cũng như sau này, vào thời hậu Chiến Quốc có thể xếp cả nước Điền vào khối Bách Việt vậy. Cách trình bày ở trên phần nào còn chịu sự chi phối của cách phân định theo sử cũ, khi tách Sở, Thục, Ba, Điền sang nhánh phía tây (Tây Di, Tây Nam Di).
- Văn hóa Hán thực sự chỉ xuất hiện từ sau khi đế quốc Hán thay thế đế quốc Tần vào năm 207 trước Công nguyên. Với thời gian khoảng 400 năm tồn tại, nhà Hán đã thực sự xác lập một dân tộc gắn liền với một lãnh thổ quốc gia, trật tự xã hội và một nền văn hóa Hán kèm theo hệ thống ngôn ngữ, văn tự, văn hóa nghệ thuật. Thuật ngữ Hán không dùng cho các hiện tượng lịch sử trước đó, như Hạ, Thương, Chu, Xuân Thu, Chiến Quốc, Tần… Để phân định về tộc người thì nhóm cư dân Trung Nguyên nói chung thường được mệnh danh là Hoa Hạ, trong đó có nhiều nhóm tộc nhỏ hơn sau này trở thành các tiểu quốc chư hầu, như Ngụy, Triệu, Hàn, Tần, Tề, Lỗ… Trung tâm vận động của Hoa Hạ được coi như vùng Hà Nam và phụ cận, nơi xuất hiện các kinh đô cổ Ân Khư, Lạc Dương, Tràng An. Văn hóa Hán hiện đang là một đề tài nghiên cứu quốc tế lớn được Viện Khảo cổ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc chủ trì, bắt đầu từ năm 2002, cứ hai năm lại tổ chức một hội nghị quốc tế. Các nhà khoa học Việt Nam cũng thường xuyên tham dự các hội nghị này.
- Xem thêm Ma Chengyuan (ed.), 1997, Ngô Việt địa khu thanh đồng khí nghiên cứu luận văn tập, Bảo tàng Thượng Hải, Nxb Nhục mộc. Sái Xuyên Minh (ed.), 2006, Ngô Việt văn hóa đích Việt Hải đông truyền và lưu bố, Nxb Học lâm, Thượng Hải.
- Baptiste, P., 2008, De la culture de Dong Son a la domination chinoise: aspects de l’art du bassin du fleuve Rouge. Nguyễn Việt, 2008, “Nouvelles recherches sur la culture de Dong Son” trong Art Ancien du Vietnam, Collection Baur, Geneva, tr. 11-29. Barbier-Mueller J.P., 2008, Le Vietnam et la Civilisation de Dong Son – Un Introduction Historique. Nguyễn Việt, 2008, “Les Objets en Bronze Emblematiques de la Culture de Dong Son” trong Le profane et de Divin: Arts de L’Antiquite, Fleurons du Musee Barbier- Mueller, Hazan,
- Tiến sĩ Nguyễn Việt đã từng công bố chiếc thạp đồng khắc minh văn cho thấy có thể nó là của cải thuộc Triệu Đà khi ông còn làm Huyện lệnh Long Xuyên (khoảng 214 đến 208 trước Công nguyên). Điều lý thú là chiếc thạp này được xác nhận đào được ở vùng Xuân Lập (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cùng với nhiều trống thạp khác. Hai chiếc thạp tương tự hiện bày ở Bảo tàng Thanh Hóa và Bảo tàng Barbier-Muller (Geneva, Thụy Sĩ). Một chiếc nữa chôn trong mộ Nam Việt Vương ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Không thể có chuyện mộ Triệu Đà chôn ở Thanh Hóa được. Vậy vì sao lại phát hiện thạp Triệu Đà ở đó? Điều giải thích hợp lý nằm ở câu chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên: Triệu Đà dùng của cải dụ dỗ, áp phục Tây Âu Lạc… Rất có thể chiếc thạp đồng này nằm trong số “của cải” đã được dùng để “áp phục” các thủ lĩnh Tây Âu Lạc vào năm 180-179 trước Công nguyên. Khi di chuyển xuống phía nam, các thủ lĩnh Tây Âu Lạc đã mang theo và chôn ở miền Tây Thanh Hóa. Cũng tương tự như chiếc thạp “sinh đôi” với thạp này chôn trong mộ Triệu Muội – cháu ruột Triệu Đà, có thể là đồ do Triệu Đà trao tặng mà có. Sưu tập KQC cũng may mắn có một số tiêu bản có nguồn gốc gần gũi với nơi đã phát hiện những chiếc thạp nói trên. Đó là chiếc thạp đồng có thuyền Đông Sơn và hình tượng một “thầy phù thủy” rất giống với hình trên một số đồ đồng và đồ sơn then nước Sở thời Chiến Quốc. Ngoài ra còn một số liễm ba chân mang đậm nét Đông Sơn Tây Âu thời Giao Chỉ, trong đó đáng chú ý nhất là chiếc liễm có hình ba người gánh hươu và đồ nấu. Hình người gánh hươu buộc chân chổng ngược cũng đã từng xuất hiện trong đồ họa nước Sở. - Xem thêm Nguyễn Việt, 2010, Dấu vết văn hóa Dạ Lang ở Việt Nam, đã dẫn.
- Tây Hán Nam Việt quốc khảo cổ cập Hán văn hóa, Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc tế tại Quảng Châu, tháng 11/2008.
- Imamura, và Chử Văn Tần (ed.), 2006, The Site of Lang Vac, Tokyo-Hanoi.
- Nguyễn Việt, 2011, “Gò Quê – một đảo Đông Sơn giữa biển Sa Huỳnh”, tạp chí Cẩm Thành, số 64, tr. 17-28.
- Có rất ít thông tin chính thức về phát hiện trống đồng Đông Sơn ở Tây Nguyên. Tuy nhiên theo những nguồn thông tin không chính thức thì trống ở Tây Nguyên tập trung trong một số khu mộ ở Kon Tum và Đắk Lắk. Bản thân tôi đã được thông báo về một khu mộ táng ở vùng Đắk Lắk với các trống Đông Sơn để ngửa, bên trong có xương người (xem thêm Kiều Chẩn, 2006, trong tạp chí Xưa và Nay). Trống Tây Nguyên ước có đến hàng trăm chiếc trong đó có nhiều chiếc trang trí phong cách khá lạ.
- Sorensen P, 1988, Archaeology excavation in Thailand, Scandinavian Institute of Asian
- Kempers, , 1988, The kettledrums in Southeast Asia, MQRSEA, vol 10, tr. 557, plate 15.05.
- Nguyễn Đình Sử (ed.), 2010, Kho báu trống đồng cổ Việt Nam, tập 1&2, Hà Nội. Các trống 587, 590, ..
- Nguyễn Việt, 2010, Hà Nội thời Tiền Thăng Long, đã dẫn.
- Phạm Đức Mạnh, 2008, Trống đồng kiểu Đông Sơn (Heger I) ở miền Nam Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Bùi Chí Hoàng, 2010, Khảo cổ học Bình Dương, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Việt, 2010, The traces of Da Lang culture in Vietnam, đã dẫn.
- Khảo cổ học Đồng Nai, Nxb Đồng Phạm Đức Mạnh, 1985, “Qua đồng Long Giao (Đồng Nai)”, trong Khảo cổ học, số 1, tr. 37-68.
- Nguyễn Việt, 2011, Qua đồng Long Giao – Phân bố, loại hình, hoa văn, chức năng và nguồn gốc, CESEAP Publication Series No
- Sưu tập KQC trưng bày tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh năm
- Glover, , 2008, “Bronzes en marge de la culture de Dong Son” trong Art Ancien du Vietnam, Collections Bauer, Geneva, tr. 31-45.
- Nguyễn Việt và Lâm Dzũ Xênh, 2013, “Về một chiếc chậu đồng ba chân phát hiện ở Quảng Ngãi” trong Khảo cổ học, số 6/2013.
- Certificate of Y chromosome DNA testing by the Genographic project of National Geographic August 1st 2006, Chan Kieu Haplogroup O (M175).
Lúc đầu Viêm đế đứng chủ.
Sau đó Hoàng Đế mạnh lên, thắng Viêm Đế ở Bản Tuyền chiếm ngôi thống soái, Viêm đế chấp nhận vai trò phụ thuộc. Hoàng Đế cho gom đất và dân của bộ lạc thất trận và đặt ra vụ trò Tam Hoàng-Ngũ Đế cũng chỉ là diễn ngữ bịp bợm, trá hình, đánh tráo quyền hành với mục đích thâu gom chung các bộ lạc của Viêm Đế nhận Hoàng Đế và Viêm Đế cùng một chủng tộc vào một bộ lạc của Hoàng Đế để dân số tăng th êm sau đó quân số Hoàng Đế mạnh lên, thắng Viêm Đế rồi Hiên Viên lại cho ra đời chủ thuyết Hoa Hạ (Hoa Hạ là đế quốc trung tâm là cái rốn vũ trụ, là giầu, là đẹp (Hoa), các nước bốn phương khác là man di, là tà, là giặc, là rợ, cần phải noi theo, sống theo cách văn hóa của người và nước Hoa Hạ.
Hoàng đế tự tôn mình là chủ đế Hoàng tử Tôn Hiên Viên để ghép cùng chủng tộc với Viêm Đế với ý đồ hợp thức hóa cuộc chiếm đất xâm lăng của Hoàng Đế với mục đích nhận Hoàng Đế với Viêm Đế làm cùng chủng tộc để rồi cho ra đời thuyết Hoa Hạ là nơi Hoàng Tử Tôn có Hoàng Đế là chủ soái.
The reason Han think that their culture existed before the Viet because Han invaded Viet and destroyed Viet, and stolen part of the Viet cultures.
Ngô Việt Đồng Châu
1
2
3
Nước Nam Việt (trong đó có Việt Nam) trước khi Triệu Đà nhà Tần chiếm lĩnh
4
--
Bản đồ nước Nam Việt
Bản đồ khi Hán thu tóm các nước Nam Việt và chia Nam Việt thành chín quận
5
Hai nước Âu Lạc và Nam Việt
Nhiều người không cho Triệu Đà là người Việt. Triệu Đa ông là tướng nhà Tần, ông chỉ muốn tách ra khỏi nhà Tần cho riêng ông, tùng phục nhà Hán, và ông chưa bao giờ muốn làm người Việt, bằng chứng, ông cho di dân người nước Tần sang nước Nam Việt để quân bình dân số hay cho người Tần đông hơn người Nam Việt, và ông đã tạo chiến tranh Nước Nam Việt đánh nhau với Lạc Việt, Âu Việt thay vì cố gắng nuôi dưỡng sức mạnh cho nước Nam Việt và Âu Việt mạnh lên hơn để đánh nhà Hán, mà lại cho Nam Việt đánh với Lạc Việt để nòi Việt yếu đi, rồi cho di dân nhà Tần vào nước Nam Việt.
pic. Bai Yue and their descendents - rowling boat - the bronze drum pattern.
Pic. The bronze drum pattern of the Vietnamese rowling boat
Tạo chữ Viết là của Việt tộc và Bách Việt có từ trước đời nhà Hạ, nhà Thang, và tới nhà Chu.
Hán du mục thị tộc đã đánh cắp văn hóa của Việt tộc và tuyên bố đó là của họ. Hán tộc là con cháu của giống Hung, Hung Nô, Thổ (Trung Á), và Mông Cổ, tiên ti, Đông Hồ... Họ đã thống lĩnh qua Trung Á rồi họ bị tàn lụi vì thích gây chiến, tạo chiến tranh, sau cùng chỉ còn vài nhóm hậu duệ của họ, và nhóm này xưng là Hán, giống Hán du mục này chỉ còn một nhúm ít ỏi, họ cho tìm cách cấy giống và lai giống với Việt tộc, mượn văn minh định cư định canh của giống Việt tộc để cứu vãn văn hóa bạo phát và chóng tàn của nòi Hán, Hung, Hung Nô, Thổ, Mông... của họ còn sót lại.
Họ rất độc hại, chiếm được đất mới, họ tạo chiến tranh Bách Việt giết Bách Việt, Dương Việt giết Nam Việt và Nam Việt giết Lạc Việt, và sau cùng chúng mượn chủ thuyết cộng sản của Liên Sô để tiêu diệt giống Việt, Bắc Việt cộng giết Nam Việt cộng Nam Việt cộng giết Việt Nam cộng Hòa, để cuối cùng nay thì Tàu cộng sẽ diệt hết người Việt.
Bây giờ giống Hán đông và nhiều, mạnh và cường hơn giống Việt gấp bội.
The Han campaigns against Minyue
There were a series of three Han military campaigns dispatched against the Minyue state. The first campaign was in response to Minyue's invasion of Eastern Ou in 138 BC. In 135 BC, a second campaign was sent to intervene in a war between Minyue and Nanyue. After the campaign, Minyue was partitioned into Minyue, ruled by a Han proxy king, and Dongyue.
Dongyue was defeated in a third military campaign in 111 BC and the former Minyue territory was annexed by the Han Empire.[1]
The Han campaigns against Minyue were a series of three Han military campaigns dispatched against the Minyue state. The first campaign was in response to Minyue's invasion of Eastern Ou in 138 BC. In 135 BC, a second campaign was sent to intervene in a war between Minyue and Nanyue. After the campaign, Minyue was partitioned into Minyue, ruled by a Han proxy king, and Dongyue. Dongyue was defeated in a third military campaign in 111 BC and the former Minyue territory was annexed by the Han Empire.[1]
Background[edit]
Main article: Qin's campaign against the Yue tribes
The Han dynasty in 87 BC.
Southward expansion of the Han dynasty
• Minyue /Mân Việt
• Nanyue / Nam Việt
• Dian /Điền Việt
• Trung sisters /Ladies Trung (Lạc Việt)
The Qin dynasty's military incursions in the south of what is now China began a period of expansion that continued under the next dynasty, the Han.[2] After the fall of the Qin, Minyue was established in 202 BC, and Eastern Ou in 192 BC, with the support of the Han. They were rewarded with greater autonomy in return for their contributions to the revolt against the Qin. The local rulers of the Minyue region had also sided with Liu Bang's Han instead of Xiang Yu's Chu during the Chu–Han Contention, a civil war that ensued during the collapse of the Qin.[3][4]
Minyue was created by carving out the former Qin province of Minzhong, with Dongye as the capital, into a new kingdom ruled by Zou Wuzhu. A decade later, Zou Yao was granted control over Donghai, popularly referred to as Eastern Ou after the name of the kingdom's capital. The title was bestowed with a declaration by the Han emperor that "Zou Yan, the chief of Min, achieved great merit and his people supported the Han cause". The Han historian Sima Qian claims both rulers were descendants of Goujian, the 5th century BC ruler of Yue. The family had lost their status as rulers during the Qin's wars of unification, when they were demoted to local chieftains.[3][4]
Han–Minyue wars[edit]
Main article: Southward expansion of the Han dynasty
Initial military intervention[edit]
Mural showing cavalry and chariots, from the Dahuting Tomb (Chinese: 打虎亭汉墓, Pinyin: Dahuting Han mu) of the late Eastern Han dynasty (25-220 AD), located in Zhengzhou, Henan province, China.
In 138 BC, Minyue invaded the Eastern Ou, prompting Eastern Ou to request the intervention of Han forces. The Han court was divided over offering military support. The campaign was opposed by the Han commander-in-chief Tian Fen, who argued that warfare between the Yue tribes occurred frequently and the affairs of Yue were not the responsibility of the Han government.[2][5] The concept of Chinese centrality among nations persuaded the court to dispatch an army. In accordance with Chinese political philosophy, the ruler or Son of Heaven held a mandate that obligated the emperor to help smaller countries in need.[6] Otherwise, as the Han official Zhuang Zhu phrased it, "how could we treat the myriad kingdoms as our children?"[7][5]
A Han naval force led by Zhuang Zhu departed from Shaoxing in northern Zhejiang towards Minyue. The Minyue surrendered before the arrival of the Han troops,[1][5] and withdrew from Eastern Ou.[7] There were plans to move the residents of Eastern Ou to the area between the Huai River and Yangtze River,[1] following a request by the king of Eastern Ou.[8] Second intervention[edit]
Emperor Wu of the Han went to war with the Minyue.
In 135 BC, war broke out when Minyue invaded Nanyue. Zhao Mo, the king of Nanyue, asked for and received the military assistance of the Han. In 180 BC, Zhao had offered to submit as a vassal and the Han agreed, a decision that was partly based on Zhao's ancestral roots in northern China.[9] An army led by the generals Wang Hui and Han Anguo was ordered to invade Minyue. The campaign was cut short by palace infighting in the Minyue court. Panicked at news of an invasion, the younger brother of the Minyue king Zou Ying, Zou Yushan, conspired with the royal court to depose Ying. Yushan killed his brother with a spear, decapitated the corpse, and sent the head to Wang. The Han forces withdrew soon after.[9][10][11]
Zhao Mo was grateful for the speed of the intervention against Minyue. The Han official Zhuang Zhu was dispatched to meet with the Nanyue emperor, who expressed his gratitude.[9][11] Zhao sent his son, the prince Zhao Yingqi, to the Han capital at Chang'an, where he was to work for the Emperor.[9] In the aftermath of the campaign, Minyue had split into a dual monarchy, Minyue and Dongyue. Minyue was controlled by the Han through a proxy ruler, while Dongyue was independently ruled by Zou Yushan, the brother who deposed the former king during the invasion.[1]
Zou Chou was selected to fill the role of Han proxy ruler because he was the only member of the Minyue royal family who refused to take part in the war against Nanyue. However, his efforts to exert control over the people of Minyue were not successful. The subjects of the kingdom pledged their loyalty to Zou Yushan instead. Yushan declared himself king of Minyue without the consent of the Emperor Wu, the Han ruler. The emperor was informed of Yushan's actions, and recognized him as king of Dongyue instead of ordering a second invasion. Emperor Wu considered it a reward to Yushan for killing Zou Ying and ending the war. The assassination had prevented the Han from wasting any more resources on the conflict.[1][12] Dongyue had an uneasy relationship with the Han. In 112 BC, Han officials were killed in a military engagement with Dongyue.[1]
Third campaign and conquest[edit]
Western-Han miniature pottery infantry (foreground) and cavalry (background); in 1990, when the tomb complex of Emperor Jing of Han (r. 157 – 141 BC) and his wife Empress Wang Zhi (d. 126 BC) was excavated north of Yangling, over 40,000 miniature pottery figures were unearthed. All of them were one-third life size, smaller than the 8,000-some fully life size soldiers of the Terracotta Army buried alongside the First Emperor of Qin. Smaller miniature figurines, on average 60 centimeters (24 in) in height, have also been found in various royal Han tombs where they were placed to guard the deceased tomb occupants in their afterlife.[13]
As Han troops returned from the Han–Nanyue War in 111 BC, the Han government debated annexing Dongyue. Dongyue, under King Zou Yushan, had agreed to assist the Han campaign against Nanyue, but the Dongyue army never reached Nanyue. Yushan blamed the delay on the weather. The proposal to annex Dongyue was suggested by General Yang Pu, but was dismissed by Emperor Wu. The naval force arrived home without having attacked Dongyue.[14][15] Zou caught wind of Yang's request, and responded by revolting against the Han. Han forces were led by General Han Yue, General Yang Pu, commander Wang Wenshu, and two marquises of Yue ancestry.[5] The army crushed the rebellion and captured Dongyue in the last months of 111 BC, placing the former Minyue territory under Han rule.[14][16]
Historical records report that Minyue and Dongyue were emptied of people, and that its residents were deported to the territories between the Huai River and the Yangtze River. The alleged population transfer was a resumption of a policy that had been planned since 138 BC. The Han government considered the mountainous region difficult to control and was wary of trusting its residents. Modern historians doubt the event happened. The deportation of an entire kingdom is implausible, and nothing has been found to verify a migration of Han settlers to the Minyue region around the year 1, something that would have occurred had the area been abandoned while under Han control. There was only one town of Han settlers, Dongyue, in Minyue. Dongyue was built where the Min River meets the sea, around the time of Emperor Wu's reign. It is more likely that the assimilation of Minyue into Han Chinese culture through Han conquest happened later in the dynasty.[1] Historical significance[edit]
From one settlement in year 1, the Han Dynasty's involvement in the Minyue region grew into several counties.[1] There were many Chinese counties in the area by the 4th century AD. The Minyue had been culturally assimilated by the time the Han Dynasty collapsed, and Chinese civilization was undergoing a transition to the Three Kingdoms period of Cao Wei, Shu Han, and Eastern Wu.[17] Political upheaval in the north, such as Wang Mang's usurpation, had caused Han migrants to resettle in the south.[18] The Han Dynasty's military expansion widened its commercial ties in addition acquiring large amounts of new territories. The empire's conquest of Minyue and Nanyue spoke of its vast size that it bordered the ancient kingdoms of Southeast Asia. Economic ties with the Han and subsequent dynasties affected the trajectory of maritime trade of Southeast Asia, where goods have been excavated made in styles resembling that of the ancient Han Chinese. Maritime trade and the Silk Road also linked China with Ancient Rome, India, and the Near East.[19]
https://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%BC%A2%E5%B9%B3%E6%9D%B1%E8%B6%8A%E4%B9%8B%E6%88%B0
Hanping East Vietnam Battle
The war between the East and the East of Hanping was a battle in the south during the Han Dynasty of the Western Han Dynasty. At the beginning of the war, the Dongyue army won the victory of the Western Han army under the leadership of the generals such as Li Li, but the East Yue in the country Emperor "Zou Yu Shan is Yao Wang Zou ranks stocks and the Hou Yan Wu Yang after the killing, Fujian and the whole nation down the Han.
Main article: The Battle of Hanping Nanyue
BC 112 years (Yuan Ding five years), south of the country the prime minister Lu Jia coup, killing a South Vietnamese Aiwang Zhao and the Queen Mother's Liao , a separate new monarch. After hearing the news, Emperor Wu of the Han Dynasty dispatched troops to attack South Vietnam. Dong Yue Yu Shan letter Changan request of the Vietnamese troops following the 8000 East General House Boat Young servant offensive in South Vietnam. However, after Yu Shan marched to Jieyang , he stopped moving forward and secretly contacted South Vietnam. Until the Han army captured Panyu (Nan Yue Guodu), the East Vietnamese Army never participated in the war. Yang servant wrote a song to attack the country , but the Emperor Wu of the Han Dynasty was not allowed to use the "striker". He only ordered the generals to be in Yuzhang and Meiling.
In the autumn of the first 111 years [1] , Yu Shanwen Yang servant attacked Yu Yue, and he saw the Han army squadron on the border of Han dynasty. He was very angry, engraved the "Wu Di" seal and established himself as "East Vietnam Emperor". War process
After learning the news, Emperor Wu of the Han Dynasty decided to attack the country. He attacked the large-scale farmer Zhang Cheng and the son of the mountain, Hou Liu, who had retreated from the martial law, and dispatched a four-way army to attack the country. The first route Yang servant led, out of the martial arts, from the Chong'an watershed into the hustle; the second route Henghai general Han said to lead, out of the chapter, by the sea by the sea attack Dongye; the third route in the king Wang Wenshu led, through Meiling, into Daisy; the fourth route is the leader of the Ge boat, the general of the lower jaw, out of the evil, white sand, attacking the northeast.
In the face of the Han army's offensive, Yu Shan went to Hanyang to supervise the war and commanded the East Vietnamese Army to fight against the Han army. He sent the generals of the northern part of the country to guard the martial arts, defeated the number of troops in the building, and killed the elders. However, the Han army immediately counterattacked, and the generals of the building and the boat led the army to kill the generals of northern Fujian, forcing the East Vietnam Army to retreat. Soon, the four-way Han army entered Fujian.
In the unfavorable situation of the war, Yu Shantong soldiers adhered to the Tianshuiquan Mountain . Original stay in the Han Dynasty Hou Yan Wu Yang Feng Han-ting life back in Fujian and advised more than good to give up resistance, but I do not listen to the good. Wu Yang led the 700 soldiers of the Bengbu to capture Hanyang City, so that Yu Shan was enemies. In the face of the powerful offensive of the Han army, the Yue and the aristocrats were internally divided. Yu Shan was so lonely that he had to give up Quanshan and flee back to Yedu (now Fuzhou).
In the winter of the previous 111 years [2] , the more the Houyi and the Yueyu Wangju shares colluded, killing Yushan, and the department surrendered to General Henghai. After Yu Shan died, he was buried in Dongye. " Miaohou County ": "East Yue Wang Yushan, in Ning Chess."
After the death of the country, the southeast hills were officially included in the territory of the Han Dynasty regime. However, the government did not have strong control over the local area. The people in the country were moved to the area along the Yangtze River and the Huaihe River. At that time, Fujian was scattered in the rugged mountains of the forest, and it was difficult to station troops and administration staff. Only a small amount of the Central Plains immigrants from the Hai Lunan, enter Fujian , Ningbo, south from the southeast coastal areas thousands of miles, the residents are still basically in Fujian and people -oriented, later became Fujian Han.
1. ^ "Han Wu Di Ji Jiu" Yuan Ding six years autumn, East Vietnam Wang Yushan counter, attack and kill Han will be. The general of Henghai General Han said that Lieutenant Wang Wenshu out of Huiji, the general of the building ship Yang servant out of Yuzhang, hit it.
2. ^ "Han. Volume VI. The sixth emperor of the Wudi Period, Yuanfeng first year of October, Dongyue killed Wang Yushan. 诏曰: "East Vietnam is more difficult to resist, and it will be affected by the later generations, and its people will be moved between the Jianghuai." According to the "New China Three Thousand Years Calendar Day Search Form", Yuanfeng Yuannian October is equivalent to the Julian calendar from November 3 to December 2, 111 BC.
• 《史记》-《东越列传》
• "Han Shu" - "Southwest Yi, Two Guangdong and North Korea Biography"
• Hanping East Vietnam Battle
• Fujian ancient history
Wu Yang was the Dongyue national aristocrat who stayed in the Han Dynasty and was enshrined in the "Yue Yan Hou". During the reign of Emperor Wu of the Han Dynasty, the Dongyue Wang Yu and Yu Shan opposed the Han Dynasty as the "Wu Emperor". The Emperor Wu of the Han Dynasty ordered Wu Yang to return to the East and the State to persuade Yu Shan, but Yu Shan refused to let go. Thus, Wu Yang led seven hundred warriors, united with Wang Hao and rebuilt Yu Shan, and finally killed Yu Shan, and the country surrendered to the Western Han Dynasty and sealed the stone.
Wu Yang was the Dongyue national aristocrat who stayed in the Han Dynasty and was enshrined in the "Yue Yan Hou". During the reign of Emperor Wu of the Han Dynasty, the Dongyue Wang Yu and Yu Shan opposed the Han Dynasty as the "Wu Emperor". The Emperor Wu of the Han Dynasty ordered Wu Yang to return to the East and the State to persuade Yu Shan, but Yu Shan refused to let go. Thus, Wu Yang led seven hundred warriors, united with Wang Hao and rebuilt Yu Shan, and finally killed Yu Shan, and the country surrendered to the Western Han Dynasty and sealed the stone.
Han-Nanyue War is the Western Han period, Han destroyed south of the country in the war.
About 113 years ago [Note 1], Zhao Qi infants died, the posthumous title of "Yamashina South Vietnam"; Prince Zhao came to the throne, his mother Liao's become the Queen Mother. 113 years ago, the Han Dynasty sent Yasukuni few seasons ambassador to South Vietnam country, go tell encyclical Zhao and Liao Empress, mutatis mutandis, to let them go inside the princes of the Han Dynasty Chang'an worship Emperor; while life eloquent Jian Dafu final Army and brave people Wei Chen few seasons and other auxiliary Yasukuni envoy, Wei Wei Lu Bode the army stationed in Guiyang, with the collusion of the messenger. At this time, Zhao Xing is young, and the Queen Mother is a Central Plains person. The real power of the South Vietnamese country is actually in the hands of Lu Jia.
When the Queen Mother did not marry Zhao Yingqi, she once had a private connection with Anguo and her family. The Anguo was sent out in a small season. They were once again privately accommodating, and the South Vietnamese people did not trust the Queen Mother. The Empress Dowager felt the isolation of the ruling and opposition, feared that the turmoil would endanger his position, and wanted to rely on the power of the Han Dynasty to consolidate his position. He repeatedly persuaded Zhao Xing and the ministers to belong to the Han Dynasty. At the same time, through the messenger to the Han Wudi, requesting to compare the princes of the Han Dynasty, every three years to Changan to see the Emperor Wu of the Han Dynasty, and to remove the border between the South Vietnamese and the Han Dynasty. Emperor Wu of the Han Dynasty promised the request of the Empress Dowager, and gave it to the Nanyue National Culture, the Internal History, and the Lieutenant.And Da Fu and other officials to the official seal, the remaining official positions by the South Vietnamese state, this means that the Han Dynasty court directly appoint and dismiss senior officials of the South Vietnamese state.
Emperor also abolished the south of the country before the tattoo punishment and Rhinotomy and other brutal tortur, execute the law, like the Han Dynasty in the princes of the Han Dynasty. At the same time, the messengers sent to the South Vietnamese countries will stay in the town of South Vietnam and strive to stabilize the situation in the South Vietnamese country. After receiving the decree of Emperor Wu of the Han Dynasty, Zhao Xing and Empress Dowager prepared to dress up and prepare to go to Chang'an to see Emperor Wu of Han [2].
The relatives of the South Vietnamese country, Lu Jia, are more long-lived, from Zhao Wei and Zhao Yingqi, to Zhao Xing, who is assisted by them for three generations. There are more than 70 clan members who have served as officials in South Vietnam. They have a marriage with the South Vietnamese royal family. Their status is conspicuous, and they have won the trust of more people. Prestige exceeds Zhao Xing. Lu Jia strongly opposed the South China’s domestic Han Dynasty and repeatedly advised Zhao Xing, but Zhao Xing did not listen. This caused Lu Jia to have the idea of betrayal, and repeatedly refused to meet the Han Dynasty messenger. The Han Dynasty messengers all noticed Lu Jia, but due to the situation, they were not able to kill Lu Jia. Zhao Xing and the Empress Dowager were afraid that Lu Jia would first make a disaster. He arranged a banquet to feast the Han Dynasty messengers and Lu Jia, and wanted to kill Lu Jia and others by the power of the Han Dynasty messengers. In the banquet, the Empress Dowager pointed out that Lu Jia was unwilling to belong to the Han Dynasty, and wanted to anger the Han Dynasty messengers to kill Lu Jia. However, at this time, the younger brother of Lu Jia, who was a general, was battling outside the palace, and the messengers such as Anguo Shaoyu were hesitant and did not dare to start.
Lu Jia was aware of the murderousness, and immediately got up and went out of the palace. The Queen Mother was furious and wanted to throw Lu Jia with a spear and was stopped by Zhao Xing. After returning to Lujia, Lu Jia divided the soldiers led by his brother to arrange for his defense to strengthen his defense. He no longer went to see Zhao Xing and the Han Dynasty messengers, and secretly conspired with the DPRK Minister to prepare for a coup. Lu Jia knew that Zhao Xing had no intention of killing him, so he did not take action for several months, and the Queen Mother wanted to kill Lu Jia, and there was no such ability [3].
Emperor Wu of the Han Dynasty heard that Lu Jia did not obey Zhao Xing, and that Zhao Xing and the Empress Dowager could not control Lu Jia. The messengers sent were timid and incompetent. At the same time, they believed that Zhao Xing and the Empress Dowager had already been attached to the Han Dynasty, but Lu Jia was in trouble. not worth launching a campaign, so would send Johnson participation rate of 2,000 South Vietnamese ambassador to the country. Zhuang ginseng or not, Emperor reassignment Hanqian Qiu and the Queen Mother's brother Liao Liao music before an annual rate of 112 to 2,000 people go south of the country.
After Han Qianqiu and Yanle entered the South Vietnamese country, Lu Jia and others finally launched a coup. Lu Jia said to the Chinese people that Zhao Xing was too young. The Empress Dowager was once a Han Dynasty, and he had a traitor with the Han Dynasty messengers. He wanted to belong to the Han Dynasty and wanted to dedicate the treasure left by the First King to Emperor Wu of Han Dynasty and wanted to go to Chang'an. The Nanyue people sold to the Han Dynasty as slaves, and they did not care about the social relations of the South Vietnamese countries, but only the favor of the Han Dynasty emperors. Later, Lu Jia and his younger brother led the troops into the palace, killing the messengers of Zhao Xing, the Empress Dowager and the Han Dynasty [4].
War process
After Lu Jia killed Zhao Xing, Zhao Jiande , the eldest son of Zhao Yingqi and the wife of Nanyue, was the new king of South Vietnam. He also sent people to inform the princes of the Nanyue Kingdom, Wang Zhaoguang, and the counties under the Nanyue country. Official. At this time, Han Qianqiu ’s army entered the territory of South Vietnam and captured several border towns. Subsequently, the South Vietnamese people pretended not to resist, and provided food and diet, so that Han Qianqiu’s army marched smoothly. When it was 40 miles away from Panyu, South Vietnam suddenly sent troops to attack Han Qianqiu’s army and wiped them out. It makes the Lu Jia Han Dynasty envoy tally installed with a wooden box, along with a pretend letter of apology to Han, placed on Chinese and Vietnamese border, but troops kept strictly defensive fortress in all of South Vietnam border. After the Emperor Wu of the Han Dynasty learned it, he was very angry. On the one hand, he paid the relatives of the deceased, and on the other hand, issued a letter of the South Vietnamese country. [5]
In the autumn of the first 112 years, Emperor Wu of Han sent a sinner and a sailor south of Jianghuai with a total of 100,000 soldiers. The soldiers attacked South Vietnam in five ways. The first road appointed Lu Bode as General Fubo, and led the troops from Guiyang (now Lianzhou City , Guangdong Province ) along Lishui (now Lianjiang in Guangdong Province). The second way to appoint the main Grand Commandery Yang servant to General Building boats, from Yu Zhang County had closed along the cross Pu Zhen water down. The third and fourth road road appointment of two South Vietnamese surrender Han Zheng Yan and Tian armor were under General Li Ge boat and generals, led troops from Lingling departure (Xing'an County, Guangxi Zhuang Autonomous Region now North) and Zheng Yan The army went straight down the water, and the army of Tianjia went straight to the sky (now Ganzhou City, Guangxi Zhuang Autonomous Region ). The fifth way to Chi Yi Hou Ho left the use of Prachuab sinners and Yelang troops, ewe Ke down the river. But the Southwest and more reluctant to send troops to the country, even and blue monarch also defied and killed the messenger of the Han Dynasty and Qianwei County Prefecture. [6] [7] The ultimate goal of the five-way army is the capital of the southern city of Panyu. [8] [9]At the same time, the East Yue Yu Shan also petition to Emperor Qingzhan, and 8,000 troops to assist Yang servant offensive south of the country, but the East line to the King's army in Jieyang when it is no longer an excuse to encounter storms forward, but also secretly sent messengers Report to the South Vietnam. [10]
In the winter of the year, that is, in the winter of the first 112 years, Yang servant led the elite soldiers, first attacked the gorge, and then attacked Shimen (in Guangzhou, Guangdong Province) in the north of Panyu City, and seized the warships and food of the South Vietnamese country. Advancing south, defeating the leader of the South Vietnamese country, led tens of thousands of troops to await Lubold’s army. Lu Bode led the sinners who were detained. The road was far away. When he was with Yang Pu, he arrived at more than a thousand people and went on together. Yang servant led the army in front and attacked Panyu. Zhao Jiande and Lu Jia were both in the city. Yang servant chose favorable terrain and stationed the army in the southeast of Panyu. After dark, Yang servant led troops to attack Panyu City and set fire to the city. And Lu Bode is in the northwest garrison city, sent a messenger to summon somebody to surrender South Vietnamese, South Vietnamese Lu Bode heard so much about Wal-Mart, so have defected to the Lu Bode's, at dawn, the defenders of the city's most south of the country has been Lubrizol Germany surrendered. Lu Jia and Zhao Jiande saw that the situation was not good. Before the dawn, they led hundreds of subordinates to flee and took the boat to the west. After asking about the surrendering Nanyue people, Lu Bode learned about the whereabouts of Lu Jia and Zhao Jiande and sent troops to hunt them down. Finally, Zhao Jiande Lu Bode was the Captain Sima Su Hong captured, and the Lu Jia is the former South Vietnamese State Lang Sun are captured. [11]
The reign of the Han Dynasty in the second year of Emperor Wu of the Han Dynasty (the first 87 years) After Lu Jia and Zhao Jiande were desecrated, the counties and counties under the Nanyue State included Cangwu Wang Zhaoguang, Guilin County, and Wendai County, and the Jieyang County Commander Shi Ding surrendered to the Han Dynasty without fighting. Zheng Yan Hu Tian armor army, and what left the mobilization of Yelang troops yet to reach, south of the country have been put down. In this way, the South Vietnamese country founded by Zhao Wei was finally wiped out by the Han Dynasty after the 93-year and five-generation Nanyue kings. [12] When the news of the pacification of South Vietnam passed the Han Dynasty, Emperor went to inspect is Gou's County (now in Henan Yanshi way southeast), and was living in a left-eup County Tongxiang (now Shanxi Wenxi North), then Emperor Wu of Han Dynasty established Wenxi County in Tongxiang. 111 years ago in spring, Han Lu Jia will be put to death their heads presented to the Han Dynasty, the Han Dynasty was the line to Jixian New Township (now in Henan Xinxiang City East), so the Han Dynasty and the establishment of the new township in won Jia County. In the same year, Zhao Jiande was also executed, and his first high was hung on the northern foot of the Han Dynasty Imperial Palace. Later, Emperor Wu of the Han Dynasty set up the Sui and Tang Dynasties in Yizhou County (now Yunnan Province).Two counties in the northwest of Yongping County and Buwei (now northeast of Baoshan City, Yunnan Province ) migrated Lu Jia’s descendants and clan to the south. [13] [14] [15] [16] After the Nanyue Kingdom was settled, Emperor Wu of the Han Dynasty set up the South China Sea, Cangwu, Yulin, Hepu, Jiaozhi, Jiuzhen and Ninan seven counties. In the first 111 years, Yang Pu led the army from Xuwen County (now Guangdong Province) in Hepu County to cross the sea and occupied Hainan Island. The Han Dynasty set it as the two counties of the ear, the Zhuya, and the former seven counties belonged to the Department of Jiaozhou. [17]
Influence
The reign of the Han Dynasty in the second year of Emperor Hanping (2 years)
Politics
Vietnam (ie Jiaozhi, nine true county, rinan Tri-County) has now entered the North is a long period (Vietnam for the first time the North is a period, Vietnam's north is a second period, Vietnam is a North Third period), intermediate Although there were many uprisings and local separatists, it was not until 970 that Ding was the emperor that Vietnam officially re-disengaged from Chinese rule. Because the people served too heavy, Zhuya County (Dan ear County after incorporating) frequent local rebellion, 65 years after the establishment of the county, beginning yuan three years (46 years ago) Han Emperor adopted Jia donated the proposed waste Zhuya County. [18] [19]. Population.
After Zhao Xuan Zhongxing, according to Han in the Western Han Dynasty late Han Emperor Ping Yuanshi years (AD 2) statistics, the Lingnan region seven county population within the statistical range to reach 1,372,290 people [20] (ie South County, Yulin County, Cangwu County, Jiaozhi, Hepu County, nine true gun, rinan seven gun while Dan ear County, Zhuya County two counties had been abandoned in 46 BC) [21] Although rebellion often occurred in parts of Lingnan in the late Western Han Dynasty and the Eastern Han Dynasty. But the region's population Eastern Han Dynasty and the Western Han Dynasty still remain considerable, Emperor Shun of Han period Gogun population in statistics reached 1,114,444 people (including the only South County, Cangwu County, Hepu County, nine true county, rinan Gogun population). [twenty two].
Culture
According to the French scholar Oruso , the Vietnamese region still preserved a number of its own cultures during its first northern genus . At that time, the Yue people had broken tattoos . This short-haired habit was in the 10th century after the era. Habits such as chewing betel black teeth are also beginning to pass at this time. In the western part of Hanoi , there was a custom of brothers and wives (wife brothers married). Until the 3rd century, the Ming Dynasty bureaucrats had not been able to abolish this custom. The Luo more human social organization, places Luo Wang, Luo Hou, the Luo and other governance cent. These customs, the Qin Dynasty did not give changes, the South Vietnamese Zhao also followed the Qin Dynasty policy. [23] In the future , when the Western Han Dynasty ruled, it was also the rule of the old people. The dominance, economic interests, and living habits of the tribal chiefs (雒王,雒侯) remained unchanged. [twenty four]
In terms of marriage rules and regulations, Jiuzhen and other places are still in the form of dual marriage of the original clan system. This is in the eyes of the Central Plains people. "There is no marriage and ritual, each because of kinkyness, no suitable pair, no knowledge of the nature of the father and son, the couple's way." According to scholars Guo Zhenduo and Zhang Xiaomei , this is actually a model of dual marriage , which is primitive. A form of marriage in the matriarchal clan society in the social period . However, Ren Yan also believes that there is a need to change. Therefore, he has reformed the local marriage customs by "every 20 to 50 males and fifteen to forty females, all of which match each other. In order to help the marriage of the local men and women, the marriage of the local men and women will also be transferred to the patriarchal system. [25]
Culturally, Chinese rulers also attach importance to the introduction of the Central Plains culture. In Wang Mang , the mainland has adopted migration and exile Luo the strategy of people living together, "quite resettlement China sinners, so that inhabited their leisure, is a little-known language, gradually Jian Li of" Eastern Han Dynasty of tin light , either The governors of Yan and other districts are also committed to cultural promotion, "establishing schools and guiding the righteousness", [26] and then "leading the South China style, starting with the second guard." [27]
Technical economy.
In terms of economic production, the agricultural technology in Vietnam is relatively backward. For example, Jiuzhen County people only know how to shoot, do not know cattle farming, and use fire to burn the fields. To any extension of the Eastern Han Dynasty emperor in the early years served nine true prefect time, will teach the locals to make farm tools, local agricultural production is the improved. [28]
Comment
1. ^ The time of Zhao Yingqi's death, "Historical Records" and "Han Shu" are not clearly recorded. There are many inferences in later generations. This article takes "the first 113 years" (reference is [1] ).
Chiến tranh Hán - Nam Việt là một cuộc chiến tranh giữa nhà Hán và nước Nam Việt vào cuối thế kỷ thứ nhì (II) trước Công nguyên.
Bối cảnh lịch sử
Bản đồ khu vực khoảng 200 năm TCN.
Nước Nam Việt phía Tây giáp Dạ Lang và Câu Đinh, phía Đông giáp Mân Việt, phía Nam giáp với dãy Hoành Sơn, phía Bắc giáp nhà Hán.
Năm 221 TCN, sau khi Tần Thủy Hoàng thâu tóm Trung Nguyên, ông đã cho xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền phong kiến.
Tham vọng xâm chiếm lãnh thổ vẫn không dứt, Tần Thủy Hoàng tiếp tục sai Đồ Thư đem quân, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương đi đánh lấy Bách Việt, trong đó là một dải các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến ngày nay lập thành quận mà thống trị.
Sau khi nhà Tần mất, hình thành ba quốc gia của người Bách Việt là:
-- Đông Âu (trị ở Đông Âu, thành phố Ôn Châu tỉnh Chiết Giang ngày nay),
-- Mân Việt,
-- Nam Việt.
Năm 196 TCN, Hán Cao Tổ sai Lục Giả đi sắc phong Triệu Đà làm Nam Việt Vương.
Năm 191 TCN, nhà Tây Hán dưới thời Lã Hậu đóng cửa ải buôn bán với Nam Việt, ngăn chặn trao đổi đồ sắt, trâu cái, làm khó sản xuất nông nghiệp của Nam Việt, làm xấu quan hệ với Nam Việt. Triệu Đà bèn tuyên bố độc lập hoàn toàn khỏi nhà Hán, tự xưng hiệu là Nam Việt Vũ Đế. Triệu Đà cho rằng ngăn chặn buôn bán là do Trường Sa Vương ly gián, bèn phát binh đánh úp biên giới của nước Trường Sa. Cao Hậu lệnh cho Long Lự hầu Chu Táo đem quân đánh Nam Việt, vì quân sĩ không quen đất nước miền nam, quân mệt mỏi chẳng nên công. Khi Cao Hậu chết (180 TCN), nhà Hán bãi binh.
Hán Văn Đế kế vị, sai Thái trung Đại phu Lục Giả đem thư cho Triệu Đà. Khi nghe Lục Giả thuyết phục phải trái hơn thiệt, Triệu Đà đã quyết định bỏ danh hiệu Đế, quy phục nhà Hán và dùng lại hiệu Nam Việt Vương.
Năm 125 TCN, Mân Việt cử binh đến xâm phạm quận huyện biên giới của Nam Việt. Hán Vũ Đế dùng Đại hành Vương Khôi, Đại Nông lệnh Hàn An Quốc chia ra đem quân xuống phía nam đánh Mân Việt. Quân Hán chưa đến, em của Mân Việt Vương là Dư Thiện và họ hàng đại thần cùng giết Mân Việt Vương hàng quân Hán.
Năm 113 TCN, Hán Vũ Đế sai An Quốc Thiếu Quý đến Nam Việt, đem lệnh dụ Triệu Ai Vương, Cù Thái hậu vào chầu giống với chư hầu trong nước, lại lệnh Vệ úy Lộ Bác Đức đóng quân ở Quế Dương tiếp ứng.
Trong tập đoàn thống trị Nam Việt chia rẽ: Cù Thái hậu định cùng con trai Triệu Hưng (mới có 4 tuổi) chủ trương vào kinh chầu nhà Hán, cùng gửi thư lên Hán Vũ Đế, nguyện theo luật lệ của chư hầu trong nước, ba năm hầu cận một lần; Thừa tướng ba đời của Nam Việt là Lữ Gia hết sức phản đối, đôi bên đấu tranh dữ dội. Hán Vũ Đế lệnh cho Hàn Thiên Thu đem 2000 quân vào Nam Việt muốn giết Lữ Gia. Mùa xuân năm 112 TCN, Lữ Gia bèn viết cáo kêu gọi trong nước về hành động bán nước của Cù hậu, rồi giết Triệu Ai Vương, Cù Thái hậu, sứ giả nhà Hán và giết hết quân của Hàn Thiên Thu, lập riêng Triệu Kiến Đức làm vua.
Diễn biến
Xem thêm: Triệu Dương Vương, Lữ Gia, Tây Vu Vương, và Hán Vũ Đế
Vua Hán nghe tin Hàn Thiên Thu bị giết, sai Phục ba tướng quân Lộ Bác Đức xuất phát từ Quế Dương, Lâu thuyền tướng quân Dương Bộc xuất phát từ Dự Chương, Qua thuyền tướng quân Nghiêm[1] xuất phát từ Linh Lăng, Hạ lại tướng quân Giáp[2] đem quân xuống Thương Ngô, Trì Nghĩa hầu Quý[3] đem quân Dạ Lang xuống sông Tường Kha, đều hội cả ở Phiên Ngung.
Mùa đông năm 111 TCN, tướng nhà Hán là Dương Bộc đem 9000 tinh binh hãm Tầm Hiệp, phá Thạch Môn lấy được thuyền thóc của quân Triệu, kéo luôn cả các thuyền ấy đi, đem mấy vạn người đợi Lộ Bác Đức. Bác Đức cùng Bộc hội quân tiến đến Phiên Ngung.
Triệu Thuật Dương Vương và Lữ Gia cùng giữ thành. Dương Bộc tự chọn chỗ thuận tiện đóng ở mặt đông nam, Lộ Bác Đức đóng ở mặt tây bắc.
Vừa chập tối, Dương Bộc đánh bại quân Triệu, phóng lửa đốt thành. Bác Đức không biết quân trong thành nhiều hay ít bèn đóng doanh, sai sứ chiêu dụ. Ai ra hàng đều được Đức cho ấn thao và tha cho về để chiêu dụ nhau. Dương Bộc cố sức đánh, đuổi quân Triệu chạy ngược vào dinh quân của Lộ Bác Đức. Đến tờ mờ sáng thì quân trong thành đầu hàng. Triệu Dương Vương và Lữ Gia cùng với vài trăm người, đang đêm chạy ra biển.
Bác Đức lại hỏi những người đầu hàng biết chỗ ở của Lữ Gia, bèn sai người đuổi theo. Hiệu úy tư mã là Tô Hoằng (蘇弘) bắt được Kiến Đức, Quan lang của Nam Việt là Đô Kê (都稽; có bản chép là Tôn Đô) bắt được Lữ Gia.
Lữ Gia và vua Triệu sau đó đều bị quân Hán giết. Dựa trên hệ thống các đền, miếu, đình, chùa thờ Lữ Gia, phu nhân và các tướng lĩnh của ông rải rác trên khắp vùng đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, rất có thể cuộc kháng chiến chống nhà Tây Hán còn kéo dài đến năm 98 TCN.
Sau khi Phiên Ngung thất thủ, Tây Vu Vương (thủ lĩnh đất tự trị Tây Vu với trung tâm là Cổ Loa[4][5]) đã nổi dậy chống lại nguy cơ Bắc thuộc trước sự xâm lăng của nhà Tây Hán.[6] Tả tướng Hoàng Đồng (黄同) của hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân đã giết chết Tây Vu Vương để hàng Hán.[7]
Thương Ngô vương Triệu Quang cùng họ hàng với vua nhà Triệu, nghe tin quân Hán đến, xin hàng, được phong làm Tùy Đào hầu[8]; Huyện lệnh huyện Yết Dương là Sử Ðịnh (史定) hàng Hán được phong làm An Đạo hầu[9]; tướng nhà Triệu là Tất Thủ (畢取) mang quân ra hàng được phong làm Liêu hầu[10]; quan Giám quận Quế Lâm là Cư Ông (居翁) dụ 40 vạn dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân ra hàng được phong làm Tương Thành hầu[11]. Vậy là các xứ ở Nam Việt đều xin hàng. Nước Nam Việt mất.
Lãnh thổ nhà Hán thời Hán Vũ Đế.
Tại Nam Việt nhà Hán lập thành chín quận:
• Nam Hải (nay là tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc)
• Thương Ngô (nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc)
• Uất Lâm (nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) • Hợp Phố (nam Quảng Tây và tây nam Quảng Đông ngày nay)
• Chu Nhai (thuộc đảo Hải Nam ngày nay)
• Đạm Nhĩ (thuộc đảo Hải Nam ngày nay)
• Giao Chỉ (nay là miền Bắc Việt Nam và phía đông Quảng Tây)
• Cửu Chân (nay là ba tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh)
• Nhật Nam (từ Đèo Ngang đến Quảng Nam)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_H%C3%A1n-Nam_Vi%E1%BB%87t
Han conquest of Nanyue
https://en.wikipedia.org/wiki/Han_conquest_of_Nanyue The Han conquest of Nanyue was a military conflict between the Han empire and the Nanyue kingdom in modern Guangdong, Guangxi, and Northern Vietnam. During the reign of Emperor Wu, the Han forces launched a punitive campaign against Nanyue and conquered it in 111 BC.
See also: Southward expansion of the Han dynasty
To the regions south of China, Zhao Tuo had established himself as the King of Nanyue.[1][2] Zhao was a man whose ancestors originated from Zhengding, China.[2] The Han frontier in the south was not threatened and there was no indication that Zhao Tuo would encroach on Han territory.[1] In 196 BC, Emperor Gaozu sent Lu Jia on a diplomatic mission to Nanyue to officially recognize Zhao Tuo.[1] Nevertheless, relations between Han and Nanyue were sometimes strained.[3] Zhao Tuo resented Empress Lü's ban on exports of metal wares and female livestock to Nanyue.[3] In 183 BC, he proclaimed himself the "Martial Emperor of the South" (南武帝), which implied a perceived status on equal footing with the Han emperor.[4] Two years later, Nanyue attacked the Changsha Kingdom, a constituent kingdom of the Han empire.[4] In 180 BC, Lu Jia led a diplomatic mission to Nanyue.[3] During negotiations, he succeeded in convincing Zhao Tuo to give up on his title as emperor and pay homage to Han as a nominal vassal.[3]
Jade burial suit of King Zhao Mo
In 135 BC, King Zhao Mo of Nanyue appealed to the Han court for help against attacking Minyue forces.[5] The Han court responded swiftly and this led to Zhao Mo's agreement to send his son, Prince Zhao Yingqi, to serve in the palace at Chang'an.[6] Even though Nanyue neglected to pay regular homage to the Han court, the court had its attention focused on other commitments and was not set on forcing the issue.[5] At the Nanyue court in 113 BC, the Queen Dowager of Nanyue suggested incorporating Nanyue as a kingdom under the suzerainty of the Han empire, thus formally integrating the kingdom on the same terms as the other kingdoms of the Han empire.[6] She was Chinese herself and was married to Zhao Yingqi.[6] However, many Nanyue ministers opposed this suggestion.[6] Lü Jia was the primary Nanyue official to oppose the idea and he led the opposition against the Queen Dowager.[5] In 112 BC, the opposition retaliated violently and executed the Queen Dowager, a provocation that led to the mobilization of a large Han naval force into Nanyue.[5]
The Chinese forces comprised six armies, who traveled by sea, directly southward, or from Sichuan along the Xi River.[7] In 111 BC, General Lu Bode and General Yang Pu advanced towards Panyu (present-day Guangzhou).[5] This resulted in the surrender of Nanyue to the Han empire later that year.[5] Aftermath[edit]
Main article: First Chinese domination of Vietnam>
After the conquest of Nanyue in 111 BC, the Han empire established nine new commanderies to administer the former Nanyue territories.[5] Han control proceeded to expand further southwestward by military means after the conquest.[8] Following the conquest, the Han empire gradually extended its overseas trade with the various countries in Southeast Asia and around the Indian Ocean.[9]
汉平南越之战 / The Battle of South Vietnam with Hanping
漢平南越之戰 / The Battle of South Vietnam with Hanping. 漢朝南擴的一部分 / Part of the south-south expansion of the Han Dynasty The Battle of South Vietnam in Hanping
参战方 南越國 西漢 閩越國 / The war-party, South Vietnam, West Han, Vietnam.
世紀漢朝的擴張 日期 前112年 地点 岭南 结果 南越國亡,并入漢朝。The expansion of the Han Dynasty of the century The date of 112 years ago, The location of Lingnan resulted in the death of the South Vietnamese and the territorial was being occupied by Han military force into the Han Dynasty.
Yue/Viet /Bai Yue/ Nan Yue / Min Yue old time's customer
Y phục cổ truyền của người Việt, Bách Việt, Nam Việt và Mân Việt.
1
2
3
4
5
6
7
8
Thanh gươm của vua Câu Tiễn
9
-----------------------------------------------------------
Bách Việt (百越/百粵; bính âm: bǎi yuè) bao hàm các dân tộc Việt cổ chưa bị Hán hóa, đã từng sống ở vùng đất mà ngày nay thuộc lãnh thổ phía nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam giữa thiên kỷ I / thiên niên kỷ Thứ Nhất Trước Công Nguyên, vùng đất mà các dân tộc này đã sinh sống. Các chữ (越, 粵, 鉞) nghĩa là "Việt". Chữ "Bách Việt" được chép là trong Sử Ký (Ngô Khởi Truyện) của Tư Mã Thiên hoàn thành năm 91 Trước Công Nguyên [3].
Các sách cổ nói đến nhiều nhóm Bách Việt, trong đó có
Câu Ngô (句吳),
Ư Việt (於越),
Dương Việt (揚越),
Cán Việt (干越),
Sơn Việt (山越),
Dạ Lang (夜郎),
Điền Việt (滇越 / 盔越),
Mân Việt,
Lạc Việt (雒越),
Âu Việt (甌越 - hay còn gọi là Tây Âu - 西甌)...
Các bộ tộc Bách Việt này có văn hóa và ngôn ngữ gần giống nhau, nhóm bộ tộc này đều có chữ viết còn sơ khai tượng hình.
Từ năm 220-210 trước công nguyên Nhà Tần - Tần Thủy Hoàng đã đánh bại phần lớn các tộc Bách Việt. Sau đó, họ lại bị người nhà Hán chiếm. Duy có Lạc Việt và Âu Việt là là nhóm dân Việt tộc cư ngụ ở miền Bắc Việt Nam ngày nay không bị đồng hóa. Âu Việt là tổ tiên của người Tày-Nùng, Lạc Việt là tổ tiên trực tiếp của người Kinh ở Việt Nam ngày nay.
The Baiyue Tribe [1] has a consistent genetic origin [1], which originated in the Guangdong area about 30,000 to 40,000 years ago, and then gradually spread and merged with other tribes to evolve into different ethnic groups. The gap and the development of characters are relatively backward, so different myths and legends have formed. Baiyue was a relative to the Zhuxia Group from the Xia, Shang, and Western Zhou Dynasties. Refers to southern tribes that use the production tool (or weapon) of "戉". Widely distributed in the lower reaches of the great rivers in the southern part of the Asian continent. Its internal "castes", so it was called "Baiyue" during the Warring States Period.
百越部落 [註 1]擁有一致的遺傳學起源[1],大約於三、四萬年前發源於廣東一帶,而後慢慢擴散開來並與其他部族融合演變成不同的民族,加上地理隔閡及文字發展相對落後,故而形成不同的神話起源傳說。百越从夏、商、西周时期开始是一个相對於諸夏集團的他称。是指使用“戉”这种生产工具(或兵器)的南方部落。广泛分布于亚洲大陆南部大江大河的下游。其内部“各有种姓”,故战国时将之称为“百越”。[2]
--------------------------------------------------------
백월
위키백과, 우리 모두의 백과사전.
둘러보기로 가기검색하러 가기
백월(百越)은 고대 중국 대륙의 남방, 주로 화난이라고 불렸던 장강 이남에서 현재의 베트남에 이르는 광대한 지역에 살고 있던, 월나라의 여러 민족 중의 하나인 백월족의 총칭을 일컫는다. 월인(越人), 월족(越族) 이라고도 부른다. 혼혈되어 반한족화된 사람들 및 비한족 사람들을 모두 포함하며, 현대의 베트남과 연관은 있지만 동의어는 아니다.
개요[편집]
현재의 저장 성의 동안이 기원이라고 볼 수 있다. 언어는 고월어를 사용하였으며, 북방의 상고 한어를 사용하는 한족과는 언어가 달라 말은 통하지 않았다. 진나라 및 한나라 때에는 북방은 호(胡), 남방은 월(越)로 불렸으며, 월(越)은 남방 민족의 총칭이었던 말이었다. 광둥어(粵語), 간어(贛語), 우어(吳語), 민어(閩語)는 모두 백월의 백월어(百越語)와 관련이 깊다.
주나라가 등장하는 춘추시대에는 오나라와 월나라를 세운 민족이었다. 진나라 시황제의 중국 통일 후 그 제국의 지배하에 놓였다. 한나라 때에는 두 개의 월이라는 나라를 확인할 수 있다. 하나는 중국 남부, 현재의 광둥성, 광시성, 베트남에 걸쳐 존재한 남월이며, 다른 하나는 민강(閩江)(푸젠성의 강) 주변의 민월(閩越)이다. 이 시대 중국의 남방을 차지한 월인은 북방에서의 중국인에 의한 힘의 지배에 반발하여 자주 반란이 일어났다. 쯩 자매(徵氏姐妹)의 란은 현대에 전해지는 당시의 반란의 하나이다. 그 다음은 서서히 북방에서 남하하면서 월인의 일부는 중국인과 섞였고, 또 다른 일부는 산악의 고지나 구릉지대 등에 옮겨 궁핍하고 어려운 생활에 몸을 던지는 사람들로 분열되는 등의 월인의 생활권에는 큰 변화가 일어났다. 북부 베트남은 중국의 지배가 약해지면서, 939년에 최초의 민족 왕조인 응오 왕조가 오권에 의해 세워졌다. 월나라를 잃고서, 점차 월인으로서의 정체성을 잃어 갔지만, 현재에도 광둥성 일대의 방언인 광둥어를 월어(粵語)이라고 부르며, 광둥성 차량 번호판에는 월(粵)이라고 표기되고 있으며, 또 베트남을 한자로 월남(越南)이라고 써 나타내고 있는 것들은 모두 월나라의 흔적이다.
월인 관련 명칭[편집]
중국의 역사서나 문헌에 대해서는, 월인에 관한 기술은 월(越), 월(鉞), 월(粵)(중국 한자), 백월(百粵)로서 나타난다. 월(越), 월(粵), 월(鉞)은 모두 현대 병음에서 yuè로 발음된다.
같이 보기
--------------------------------------------------------------------------
Moon 백월
Baekwol (百越) is China's ancient southern continents, mostly angry called as the Yangtze River in the south of the current Vietnam living in a vast area ranging, May kingdom refers to one of a number of generic back-woljok nation. Moonin (越 人), also known as moon tribe (越 族). It includes both mixed and anti-Hanan people and non-Han people, and is associated with but not synonymous with modern Vietnam.
Overview [ edit ]
This is the origin of the present Zhejiang province. The language used was Kowol, and the language was different from that of the Han Chinese, which used northern Chinese. During the Qin and Han Dynasty, the northern part was called Ho and the southern part was called Moon, and the month was the general term of the southern people. Cantonese (粵語), ganeo (贛語), Wu (吳語), croaker (閩語) are all closely related to the bag woleo (百越語) of baekwol.
During the Spring and Autumn Period, the Zhou Dynasty emerged as the people who set up the Onara and the Moon. After the Qin emperor's reunification of China, it was under the control of the empire. In the Han Dynasty, we can identify two months. One is southern month, which spans southern China, the present Guangdong province, Guangxi province, and Vietnam, and the other is the Minwol around the Mingang River. The Chinese, who occupied southern China during this time, frequently rebelled against the rule of power by the Chinese in the north. The column of Sister 쯩 is one of the uprisings of modern times. Afterwards, there was a big change in the life of the Moon, such as the southern part of the land, which was mixed with the Chinese, and the other part was transferred to the highlands and hills of the mountains and divided into people who were throwing themselves into needy and difficult life. woke up. As northern Vietnam weakened the dominance of China, the nation's first dynasty in 939 years Ngô Dynasty has five built by. Losing the moon, gradually losing its identity as a moon, but even today, Cantonese, the dialect of the Guangdong province, is called the Chinese language. The words 써 南) are all traces of the moon.
Related title [ edit ]
In Chinese history books and literature, the description of the moon person appears as moon, moon, moon (Chinese kanji), and moon. The month, month, and month are all pronounced yuè.
Source: https://ko.wikipedia.org/wiki/%EB%B0%B1%EC%9B%94
-------------------------------------
Bakyied
跳到导航跳到搜索
nyenz Bakyied
Bakyied dwg aen lizsij minzcuz youq baihnamz Cunghgoz caiqlij Yiednamz, bauhamz Ganhvied, Yangzyied, Dungh'ouh, Minjyied, Namzyied, Saeouh caiqlij Loyied dengj.
https://zh.wikipedia.org/wiki/%E7%99%BE%E8%B6%8A
Baiyue
Baiyue (Bat Viet (Viet. Bách Việt), Chinese trade. 百越, pinyin: bǎiyuè, pall.: Baiyue, literally: “one hundred yue”) is a term meaning ancient Chinese and non-Chinese tribes living in the south of modern China and in the north of Vietnam from the first millennium BC. e. and until the end of the first millennium AD; they allegedly spoke Yue [1] [2]. In the Period of the Battle of the Kingdoms, the word "Yue" meant the kingdom of Yue, in Zhejiang. The later kingdoms of Mingyue and Nanyue are considered Buyuys. Chinese scribes portrayed the Yuesans as barbarians, who covered bodies with tattoos and lived in primitive societies, did not use bows, did not ride horses and chariots. Baiue is compared to the lost tribes of Israel, as Chinese historians speculate on their history [3]. Those scholars who associate the bayue with the South Chinese peoples face problems in interpreting hieroglyphs, and those who consider the bayue to be Vietnamese often express nationalist views [3]. Many South Chinese and North Vietnamese peoples are considered to be descendants of Bayue or having connections with them [3] [4].
Baiue, among others, are the ancestors of modern Vieta. Since “yue” is the Chinese pronunciation of the Vietnamese word “Viet,” then “Bai Yue” can be translated into Russian as “one hundred yue” and as “one hundred Viet”. This name is probably associated with the ancient Vietnamese legend about the origin of the first hundred clans of viet from the 100 sons of the hero of the sovereign dragon Lac Long Kuan and his wife - the mountain fairy Au Ko [5].
https://ru.wikipedia.org/wiki/%D0%91%D0%B0%D0%B9%D1%8E%D1%8D
百越
https://zh.wikipedia.org/wiki/%E7%99%BE%E8%B6%8A
> Baiyue
https://en.wikipedia.org/wiki/Baiyue
................................................
Non-Hán occupied and habitatted in Hoàng Hà River before Hán Chinese came.
Thực chất chỉ có Nghiêu, Thuấn có thể coi là bán thực bán huyền (semi-historique). Trong đó, Nghiêu và Thuấn còn được gọi là Nhị Đế, cùng với Hạ Vũ, người sáng lập ra nhà Hạ, là được vị vua.
Chuyên Húc (顓頊).
Đế Cốc (帝嚳).
Đế Nghiêu (帝堯).
Đế Thuấn (帝舜).
Thượng thư tự (尚書序) cho là Thiếu Hạo là Đế vương nhưng bị thay thế tên khác, đó là Hoàng Đế.
Sách của nước sở, gọi là Sở Từ (楚辭) nói đến Ngũ Đế như là các vị thần ở các phương:
· Thiếu Hạo (đông)
· Chuyên Húc (bắc)
· Hoàng Đế (trung)
· Phục Hi (tây)
· Thần Nông (nam)
Sách Lễ ký (禮記) đồng nhất Ngũ Đế với Ngũ Thị (五氏), bao gồm:
· Hữu Sào thị (有巢氏)
· Toại Nhân thị (燧人氏)
· Phục Hi thị (伏羲氏)
· Nữ Oa thị (女媧氏)
· Thần Nông thị (神農氏)
Hoàng Đế (黃帝) là ông vua ngoại tộc chỉ xuất hiện sau thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ ba.
Vị Hoàng đế Trung Quốc đầu tiên trong lịch sử là Tần Thủy Hoàng, người đã tạo danh hiệu mới cho các vị quân chủ, vì ông cho rằng -- Chữ “Vương” đã có từ thời nhà Chu và đã bị các chư hầu của nước Sở lạm dụng xưng quyền, nên mới chọn lại tên mới là “Hoàng đế”, vì vậy, danh từ “Hoàng đế” chỉ mới có khi bắc đầu được từ Hán, và Hán văn là [皇帝].
Chữ viết Hán Tự này được tạo ra bằng cách lấy các chữ viết trước đó từ các triều đại Nhà Hạ, Nhà Thương, và nhà Chu, và kết hợp các danh hiệu Hoàng (皇) của Tam Hoàng với Đế (帝) của Ngũ Đế.
VÔ ĐỀ SÁNG CHỦ NHẬT 6/9/2020
https://www.youtube.com/embed/1zgOc2sgtCk
Bách Việt
Lạc Việt, Mân Việt
Ngày hôm nay nước chúng ta có cái tên là "Việt Nam" cũng bắt nguồn từ cái khát vọng lấy lại từ hai miếng đất này.
bài hát Hỏi Cung Trăng
问 问月歌 Song
Ask The Moon
https://youtu.be/7xIupHTg8sw
|
Shang bị gọi là Sở! Còn một phần Shang khác đã bị Chu lấy đất
Phân tích và suy xét, sẽ thấy rằng -- Shang 商 vẫn tồn tại, và Shang bị gọi là Sở! Còn một phần Shang khác đã bị Chu lấy đất đó là một phần của Shang, như vậy có nghĩa là nước Shang bị đổi tên và tách ra, và Chu sợ rằng Shang còn tồn tại sẽ đòi đất, và cũng sợ dân chúng của Shang đã mất sẽ phục quốc, cho nên phải thêu dệt tội ác cho vua tên "Trụ 受" còn gọi là Đế Tân - 帝辛... trở thành một ông vua dâm ô ác độc, và kết quả là... cứ lâu lâu thêm một thời gian thì "Trụ" vương lại có thêm một hình thức dâm ô ác độc để dân gian kể cho nhau nghe chơi... và rồi lâu dần thì đủ để thành một truyện "Phong Thần" rất hấp dẫn trong dân gian... Đó là cách diễn giải lịch sử độc quyền của Chu để gạt hẳn văn hóa có sẵn của Văn-Lang hay Shang 商 qua một bên. .............................................. Nước Shang 商 bị tách rời ra, và rồi bị đổi tên khác -- là (Sở 楚). Shang bị gọi là Sở! Còn một phần Shang khác đã bị nhà Chu lấy đất, một sự cướp nước một cách 'nhẹ nhàng', 'kín đáo' chính vì nhà Chu lấy đất của Shang, sợ một phần của Shang còn tồn tại sẽ đòi đất, sẽ phục quốc, nên nhà Chu phải thêu dệt tội ác cho vua tên "Trụ 受", khiến người dân oán ghét và khinh bỉ. Sách sử ngày nay cho rằng Sở 楚 là một nước nào đó chư hầu của nhà Chu như bao nhiêu nước chư hầu khác, nhưng nước Sở chính là Shang / nhà Thang, nhà Thương/商 bị Chu cướp đất. Sở không phải chư hầu của nhà chu mà là Nước Shang 商 bị Chu tách rời ra và bị đổi tên khác. |
Có lần tôi bị choáng khi nghe một cán bộ CA nói "Việt Nam từ Trung Quốc mà ra" Giờ đọc bài này mới hiểu.Thì ra chẳng có khoa học,nghiên cứu gì cả mà chỉ là âm mưu dâng đất nước cho giặc tầu , "Việt Nam từ TQ mà ra" thì nay trở về với TQ là hợp lý quá,thật là một lủ khốn khiếp âm mưu thâm độc biến dân ta trở thành mất nguồn cội để dễ dàng dâng đất nước cho ngoại bang Phan duy kha hãy chết đi đừng nên sống nhục người VIỆT mà không biết sử VIỆT.Thích làm con dân Tầu thì qua Tầu mà ở đừng ở đây nói bậy.
Trả lờiXóachúng ta cần cảnh giác với những âm mưu thâm độc xảo quyệt này,hay thời gian giao đất gần kề nên bọn bán nước tìm cách lừa phỉnh nhân dân bằng chiêu mới.Rất cám ơn tác giả phản biện chính xác
4
Năm ngọn núi gắn liền văn hóa Đạo giáo và bốn ngọn núi gắn liền với văn hóa Phật giáo ở Trung thổ của Xích Thần và Xích Quỷ vùng Trung Nguyên của Bách Việt.