Saturday, April 7, 2018

Thương Quá Anh Lính Nghĩa Quân

 

Thương Quá Anh Lính Nghĩa Quân

- Truyện ngắn của Phạm Đào Nguyên

Photo:

 

https://youtu.be/pifwLE0EG70

 



Thương Quá Anh Lính Nghĩa Quân

Phạm Ðào Nguyên

Chuyến xe về Trung chật ních, người chất như nêm, dưới cái nắng gay gắt của tháng năm, mọi người nhễ nhại mồ hôi. Ngày 28-4, năm 1975, Tùng cùng với một số đồng đội tới được cuối đường tự do, đó là Sài gòn, Thủ đô Miền Nam nước Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng sau cái lệnh đầu hàng 30-4, mọi người bỏ cuộc. Bây giờ anh không còn cách chọn lựa, hoặc bung lựu đạn chết như mấy người lính độc thân hồi ở Nha Trang, hay trở về cùng vợ con. Tất cả ba mươi triệu đồng bào, và khoảng hai triệu quân, cán chính, thì có nghiã lý gì một tên nghĩa quân quèn như anh, Tùng nghĩ.

Từ quốc lộ I vào nhà khoảng 10 phút nhưng anh thấy xa vô cùng, bước chân nhẹ như đi trong gió, lòng nghĩ ngợi miên man, gia đình có xảy ra chuyện gì không? Vợ anh sinh chỉ được một tuần thì anh đi. Thằng bé cứ đưa hai tay lên qúa đầu, nên vợ anh cười nói, thằng bé này tên Dũng mà không dũng tí nào, hình như nó có khuynh hướng đầu hàng. Nếu chia đất thì anh vào Nam, anh dẫn theo một đứa, để nó hít thở không khí tự do, còn em ở lại nuôi con chờ tìm cơ hội, em sẽ dẫn con vào Nam gặp lại anh. Bây giờ em không thể đi được. Tùng nghe như nghẹn lời, anh đi bỏ lại đàng sau biết bao nhớ thương, trách nhiệm, nghiã tình. Anh trách mình không làm tròn bổn phận, trách nhiệm giữ nhà, giữ làng nên mới có ngày này. Lỗi tại anh.

Anh nghĩ lại năm 1954 người miền Bắc bỏ vào Nam như anh bây giờ, cứ mong một ngày về giải phóng, gặp lại gia đình, nhưng anh đi có trở lại không? Lệnh rút quân thì liên tục từ đơn vị này tới đơn vị khác. Tiếng chó sủa ở đầu xóm, cắt đứt giòng tư tưởng của anh, anh đã đi vào giữa hai hàng tre che mát. Sắp đến nhà, vào ngõ, con chó Mực chạy ra sủa mừng ăng ẳng, liếm tay anh, rồi nhãy cỡn lên khỏi đầu. Tùng vỗ nhẹ lên đầu con Mực, bước vội vào sân, vợ anh ngồi chờ sẵn ở đà cửa. Nàng không mừng, không cười như anh nghĩ, nàng im lặng nhìn anh.

– Có gì không em ? Anh lo cho vợ sinh còn yếu, chứ phần anh, kiến trong miệng chén có bò đi đâu. Anh chấp nhận số phận. Vừa bước vào hiên, anh thấy hai hàng nứơc mắt của Liên, vợ anh, chảy dài xuống má.

– Sao vậy em? Nàng nói trong nước mắt.

-Tại sao anh lại về, anh nói vùng bốn dễ gì mất, có ông Hưng, ông Nam gì đó, chắc chắn giữ miền Nam đến cùng. Em ở lại nuôi con, chờ anh, nếu anh chết là cùng, tại sao lại trở về. Nếu không chết thì trốn biệt trong Nam, thay họ đổi tên tìm cách làm ăn. Năm, mười năm sau nhắn tin để gặp nhau, anh về thì chỉ còn có cách đi tù, và không biết bao giờ trở lại.

– Mẹ, con út, và hai đứa nhỏ đâu?

– Mẹ qua đồng, cô Út đi làm công tác thanh niên. Từ ngày đó đến giờ chúng nó bắt út đi làm công tác liên miên, còn hai đứa nhỏ ngủ. Hôm 29-3 đến 5-4, chúng nó cột ba bốn ông cán bộ xã, ấp, trung trưởng nghiã quân, vào một dây. Bốn năm lùa như vậy, dẫn đi ngoài quốc lộ, thấy thật nản lòng. Thà là nó bắn chết thì không thảm bằng cột dắt đi, súng dí trước dí sau thấy mà tủi mà hận. Miệng thì nó nói “Hoà hợp hoà giải,” nhưng chúng nó khủng bố tinh thần mọi người.

– Nếu anh biết mất hết miền Nam, thì tại sao anh không dừng quân ở đồn, đánh một trận cuối cùng cho hết đạn, rồi chết đi. Hai mươi năm sau, em sẽ hãnh diện mà nói với con rằng, cha con chết ở ngày cuối cùng khi cọng sản chiếm quê mình, Liên nghẹn ngào. Thằng bé ngủ yên trên tay mẹ, nước mắt mẹ chợt rớt trên má con, nóng hổi làm nó thức giấc. Tùng vịn vai vợ an ủi, “Cả ba chục triệu người chứ có phải một vài người đâu, mà em lo quá.”

– Em không lo làm sao được, vì trước sau gì anh cũng phải đi tù. Anh tưởng về nhà là ở nhà với vợ với con, hay lại làm cho mẹ, em, cả nhà phải sống phập phồng lo sợ. Con thì có mẹ và em với bé Mai lo nuôi nấng dạy dỗ. Nó chưa xử bắn ai, nhưng chúng nó đánh lén, giết lén ban đêm. Liên khóc làm anh nát cả lòng, anh an ủi,

– Không có gì đâu mà em lo nhiều như vậy, vì Bắc Nam đều người Việt chứ có phải Tàu Tây gì mà sợ chứ. Để anh đến nhà ông thôn trưởng báo cáo là anh đã về. Buổi cơm chiều, mẹ anh, cô út Mai đi làm công tác cũng về, tất cả im lặng nôn nao lo sợ. Con anh, Minh lên năm tuổi và Trí ba tuổi, chúng nó chưa biết gì nên vòi vĩnh với ba. Tiếng Liên gắt con làm anh se lòng, nàng chưa bao giờ la con lớn tiếng, dù nó làm nhỏ, hay khóc nhè. Có lẽ Liên sợ qúa cho anh đêm nay, nên hể có tiếng động là nàng thót ruột, nước mắt chảy. Anh làm tất cả công việc nhà với Mai, rôì dẫn con đi tắm, để Liên khỏi thấy mặt anh mà nghĩ ngợi. Đêm xuống anh bồng cu Dũng vào lòng, nhìn nó thật lâu, nó giống anh nhiều nhất trong ba đứa cọn

Bóng đêm buông xuống, phủ trùm lo sợ trong lòng mọi người, không ai dám mở lời. Một tối im lặng, đáng sợ. Sau tối đội du kích thôn đến hỏi anh, và rồi nữa khuya công an và du kích xã vào nhà cật vấn. Anh bình tỉnh, ôn tồn trả lời tất cả câu hỏi hắc búa, và cuối cùng chúng nó dặn, sáng ngày mai anh ra xã trình diện.

Cả đêm anh buồn lo, đúng như vợ nghĩ, tại sao mình không trốn ở Cà mau, Đồng tháp mà sinh sống? Đêm thật dài với anh, anh nghĩ ngợi vu vơ, Liên nói đúng, anh vụng về trở về rồi biết tính sao đây? Về nhìn lại ba đưá con và mẹ già, rồi ra sao thì ra, bây giờ nước mất, thì nhà tan. Trăm mối tơ vò, ở Sài gòn anh không hề nghĩ tới ngày này. Khi đối diện với sự thật, cứ nghĩ có họ cùng mình, không lẽ nó giết hết hai triệu người sao? Nên anh về. Bây giờ ra đi, thì nó hành tội cả nhà, nó truy lùng khắp nơi thì gia đình khó khăn, và anh cũng khó trốn thoát được. Cứ lo nghĩ miên man cả đêm, mệt qúa anh liều, nên gần sáng anh cũng thiếp đi trong giấc ngủ muộn.

Tùng mới học xong tiểu học, anh phải ở nhà làm ruộng giúp mẹ nuôi hai em. Khi cha anh chết mẹ có bầu con út. Cha anh bị Việt cộng bắt ban đêm, đi mất không về lại, và không có một nấm mồ. Nhớ ngày bị bắt đi, làm ngày giỗ, mẹ anh vất vả nuôi con, nên anh tình nguyện ở nhà giúp mẹ nuôi em. Anh có nhìêu biệt tài, mà ăn khách nhất là nói chuyện rất có duyên. Nhất là cái miệng khi cười, hàm răng đều như bắp. Trúc, em kế học xong lớp 12, có tú đôi, đi lính Đà lạt, ra trường chọn binh chủng dù, mới gần hai năm sau ngày ra trường, anh thăng trung úy. Về làng, ai cũng khen anh trung úy trẻ đẹp trai, và hào hùng. Anh chưa có người tình, nhưng có lắm người thương. Anh chết ở Lào trận Lam sơn 719, không còn xác, không có một nấm mồ như cha anh. Mẹ anh khóc thảm thiết, và những người con gái quen biết anh, đều nhớ thương anh.

Còn Tùng đi lính giữ làng, để có cơ hội ở gần mẹ, gần vợ con. Anh cưới vợ trước khi đi lính. Mấy tháng sau anh lên tiểu đội trưởng, anh yêu làng quê của anh, anh đi làm lính đúng như câu giết giặc giữ nhà. Trung đội anh giữ đồn, hằng ngày cứ khoảng 10:00 giờ sáng, thì họ sắp xếp chia phiên nhau một toán ở lại giữ đồn, toán khác về nhà giúp gia đình và làm việc đồng án. Lương lính nghiã quân chỉ đủ một bữa tiệc. Chiều chiều vào khoảng 3:00-4:00 giờ anh lại chuẩn bị vào đồn. Thỉnh thoảng trung đội anh phối hợp với Địa phương quân trong vùng, đi hành quân có khi trong ngày hay lâu hơn vài ngày thì về. Một năm sau anh lên trung đội trưởng, lính của anh là anh em trong làng có ai xa lạ đâu, nên tính mạng cua anh là tính mạng của họ. Họ thương anh còn hơn ruột thịt. Với chiến lược, chiến thuật hành quân, từ lúc còn là tiểu đội trưởng, lính anh an toàn và luôn gặp may, họ giết giặc và lấy nhiều chiến lợi phẩm hơn ai hết.

Tuy ít học nhưng anh thích đọc sách, nhờ mớ sách của Trúc, thường thì sách Việt văn. Anh mê quyển Việt Nam Thi Văn Giảng Luận của Hà như Chi, anh mê Tam quốc Lã quan Trung, tiểu thuyết của Duyên Anh, kiếm hiệp Kim Dung. Năm 67 Mỹ đóng đồn ở núi Việt, anh đặt bài vè lục bát, dân trong làng ai cũng thuộc hát như một bài đồng giao:

Từ ngày Mỹ đến Phan Rang,
Chín hòn núi Việt Mỹ sang đóng đồn.
Để mà bình định nông thôn,
Mở vòng đai đến tiền đồn nỗng Mây.
Hầm rác Mỹ đổ tại đây,
Hằng ngày xe chở củi cây ván thùng
Đồ ăn của Mỹ dư dùng….

Tuy anh không được liệt kê trong danh sách các hổ tướng như những trung đội trưởng già : Nhất Qúy, nhì Nhân, tam Tân, tứ Phòng..v.v. giàu kinh nghiệm, khét tiếng làm cho cộng sản vỡ mật khi nghe danh, nhưng anh và cùng những người lính trẻ can cường, trung đội anh cũng làm cộng quân mất vía. Họ gan lì, can đảm chiến đấu, đúng với phương châm, ‘‘Chúng ta giết giặc giữ nhà, giữ làng.’’ Ngoài ra anh còn có tài ca hát, nên nhiều cô gái, dân làng thích anh mê anh qua giọng ca, tiếng hát nhất là cải lương. Mỗi lần anh trong đồn xuống giọng một câu là các cô im lặng để nghe, ngay cả bọn nằm vùng.

Chị Liên nhỏ hơn anh 5 tuổi, cũng xong lớp năm, chị có nước da trắng như dân Âu châu, không ai biết từ đâu vì gia đình chị đều da vàng. Chị mê anh Tùng hồi chị còn nhỏ, qua mấy câu vọng cổ. Chị giỏi giang hơn người. Từ ngày về làm dâu bác Thạnh, chị nhờ anh làm thêm mấy cái chái nuôi heo nái. Trên giàn chuồng heo chị nuôi thêm mấy bầy gà mái đẻ, còn nuôi thêm 10 con vịt để lấy trứng, hằng ngày vịt ra sông và chiều về. Ít nhất mỗi ngày chúng đẻ được 5, 6 trứng. Mảnh vườn hai sào phía sau nhà, được trồng rau lang nuôi heo, chị còn trồng dặm thêm cải, có khi đậu xanh. Một hàng chuối lùn quanh vườn sây trái, rũ cả cây. Phân heo bón trồng gì cũng tốt. Nhìn thấy vườn chị ai cũng khen.

Còn anh đi làm lính, anh làm tròn bổn phận của mình, chưa một lần thất trận, trận nào anh và trung đội anh luôn chiến đấu hào hùng. Đã bao lần chúng đánh đồn anh, chúng đều thất bại. Nhớ những cái tết năm 68, 72, là lần tụi Việt cộng chết bỏ xác lại rất nhiều. Tết 72, hôm ấy đồn chỉ có anh cùng mười người ở lại, anh chia một số anh em về cúng tổ tiên. Chiều xuống anh cho lính đặt mìm tự động, mìn bấm, và gài lựu đạn chung quanh đồn. Đến 12:00 giao thừa, chúng mò vào, chúng chết lủ khủ. Mặt mày thân hình đều bôi đen như hắc, còn tám tên không kéo được, vì xác vắt chặt trong bờ rào, máu me lai láng khắp nơi. Anh và mười người lính nằm yên chờ giặc, họ cầm chặt những quả lựu đạn chờ đợi. Những loạt súng máy xuyên qua lỗ chu mai tóe lửa, chập chờn như những làn sao xoẹt phất phơ trong trời đêm.

Nhờ có tài ca hát, nói chuyện có duyên nên không những nhiều cô gái mê anh, mà người lớn cũng thích anh, thương anh. Anh đứng đắn, vui tính, mọi người trong làng đều là họ hàng bà con xa gần năm bảy đời dính dấp. Anh vui vẻ, họ thương anh nên khi có Cộng về, thì thế nào sáng sớm các cô, các bà giả bộ đi chợ ghé ngang đồn, báo anh biết bằng ký hiệu, như tằng hắng, hay dở cái nón, làm dấu, rớt miếng trầu dặn dò anh.

Hằng năm Tết đến, trung đội anh thường tổ chức ca hát, có sự góp mặt các thanh thiếu niên trong làng, có cả những gia đình liên hệ với cộng sản. Văn nghệ và cúng tết do các anh tổ chức, bà con không những trong làng mà dân các nơi cũng đến coi rất đông. Có rất nhiều mạnh thường quân cho tiền trung đội anh ăn tết, mua sắm. Nhất là những màn kịch được bà con vừa coi, vừa khóc, vừa cho tiền làm phước. Năm nào trung đội anh cũng vui với dân chiến đấu, và họ đã thành công mỹ mãn.

Một trận đánh để đời của anh, và anh bị cật vấn, khủng bố liên tục cả tuần sau khi ở Sài gòn về. Khoảng cuối tháng giêng năm 75, đồn anh đóng chỉ có hai tiểu đội, một tiểu kia phải đi đóng chốt. Phận sự trung đội anh là chận trục giao liên của giặc cả vùng lớn, trước đây chỗ này nó đánh tiêu cả đại đội chủ lực. Thế mà giao cho anh, đã bị đánh nhiều lần, nhưng lần này chúng điều động cả tiểu đoàn muốn tiêu diệt toàn bộ, san bằng trung đội anh. Nhờ địa thế hiểm trở, nằm ngay giữa dốc, phía trên là bải cát trống rộng bao la, phía dưới là một ngôi làng nhỏ. Anh cũng đã có nhận tin từ nhân dân, và của tình báo nên anh phòng bị rất kỹ. Cứ đến tối là anh cho cài mìn dày mấy vòng từ xa đến gần. Anh luyện lính bắn 60 cải tiến, đợt này anh thành công lớn. Anh còn xin thêm lựu đạn về dự trữ, nếu chúng đông quá xông vào, thì anh em chỉ dùng lựu đạn tử chiến, và tử thủ.

Anh là một đàn anh gương mẫu và gan dạ, nên mấy chú lính trẻ khoái anh lắm. Họ vui vẻ kiên nhẫn chờ giặc đến. Và chúng nó đã đến. Những vòng đai lựu đạn, mìn tự động, mìn bấm liên tục nổ rền như khúc nhạc quân hành đang vang dậy cả một góc trời. Anh kêu pháo binh và máy bay chiến đấu đến yểm trợ. Hai chiếc chiến đấu cơ vần vũ trên bầu trời đen, vừa thả trái sáng, vừa bắn trên đồi cát trống, khi giặc cộng rút chạy. Anh kêu pháo binh bắn sát vòng đai hàng rào, anh đã chuẩn bị tọa độ sẵn sàng chờ dập địch. Trận chiến xãy ra từ mười hai giờ mười lăm phút (12:15) đến sáng. Tên nào bò vào thì lựu đạn đón chờ, chỉ có lựu đạn trị chúng là hữu hiệu mà thôi, thằng nào chạy ra thì có pháo binh và phi cơ oanh tạc. Chúng tiêu cả một tiểu đoàn bỏ xác tại trận có đến trăm tên.

Vừa bảy giờ sáng, ông Tỉnh trưởng đáp máy bay đến thị sát ngay tại mặt trận. Anh và lính không bị thương hay thiệt hại nặng, vài anh bị thương nhẹ như ù tai, tức ngực vì bom nổ gần, còn súng lớn súng nhỏ nằm la liệt. Ông Tỉnh trưởng làm lễ khen thưởng ngay tại mặt trận và gắn huy chương cho các chiến sĩ Nghĩa quân anh hùng. Tùng được huy chương và là chiến sĩ xuất sắc. Thôi thì dân, xã, ấp, quận đem cho heo, gà, tiền bạc khao quân linh đình, rộn ràng. Các trường trung tiểu học khắp nơi trong quận đến ủy lạo chiến sĩ. Những bài vè, bài ca chiến thắng, được dân đặt ra ca hát vang. Họ ca ngợi những chiến sĩ nghiã quân can trường, với những chiến công oanh liêt. Người dân ca tụng lan truyền từ làng trên xóm dưới. Mới mấy tháng trước đây, ôi tình nghiã, khí thế oai phong lẫm liệt, đơn vị nhỏ của anh nay còn đâu.

Sáng hôm sau, anh chưa đi ra xã thì có ngay một tên chính trị viên tiểu đoàn bại trận tới hỏi. Nó quần quật kết tội anh đã giết hàng mấy trăm chiến sĩ cách mạng trong nghề đánh giặc mướn của anh. Anh không chấp nhận tội giết người, anh tự vệ. Anh đóng đồn, làm người lính anh không thể để mất đồn, mất đồn chỉ có chết, cho nên muốn sống còn, anh và đồng đội chiến đấu hết mình để bảo vệ phần đất anh trách nhiệm. Anh không có tội. Thằng Trí khi nghe hai bên to tiếng thì khóc thét, nên chị Liên sai Mai dẫn về gởi bên nhà ngoại. Cho dù nó có giết anh, thì cũng còn mấy đứa con, chị nghĩ vậy.

Hơn 12 giờ trưa, càng nói tên chính trị viên nóng máu, anh cũng chẳng vừa, thì chị Liên tới mời ông cán bộ cùng dùng bưa cơm trưa với gia đình vì đã đến bữa. Chị ôn tồn chào mời cốt là giải vây những ức của chồng, vì ông ta và Tùng to tiếng. Tên chính trị viên từ chối, nó đi rồi, anh thở ra mệt mỏi bảo vợ, em và gia đình ăn cơm đi, anh thấy mệt. Anh ra võng nằm mà nghĩ, nếu bức lắm thì chết thôi, chỉ thương cho vợ con khổ sở. Cơn gió thoảng làm anh mát lòng, anh thiu thiu ngủ thì tên chính trị viên trở lại. Nó quần vũ anh mãi tới chiều. Anh mệt ngầm cảm thấy đắng miệng, anh nói:

– “Chúng tôi thắng là nhờ phi cơ và pháo binh yểm trợ kịp thời, còn thật ra chúng tôi chỉ nằm yên cố thủ giữ đồn mà thôi.”

Anh nói tiếp

– Hôm nay tôi cảm thấy mệt hơn trận đánh hôm đó, mặc dầu hôm đó tôi đương đầu với cái chết. Ra chiến trường, tôi không giết anh thì anh giết tôi, không ai chối chạy điều đó được, và anh cũng vậy. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, tự nhiên tôi phải làm sứ mạng của tôi, là đi lính giữ làng. Còn anh từ đâu tới tìm tôi để giết, thì tôi phải đánh, rồi ai chết mặc ai?

Những bài hát đồng giao lan truyền trong dân gian, ca ngợi chiến công lẫy lừng của anh, càng làm anh thêm nặng tội. Năm ngày liên tục, ngày nào cũng có hết người này tới người nọ tới khủng bố, mệt mỏi, ban đêm anh phải đi ngủ ở những nhà quen. Ngày thứ năm người cán bộ chính trị lại đến nữa, anh dõng dạt tuyên bố,

– “Tôi sống ở miền Nam, tôi phục vụ chính nghĩa tự do, tôi có trách nhiệm với tôi, gia đình tôi và lý tưởng của tôi, cũng như các anh phục vụ lý tưởng của anh. Hôm nay tôi là người chiến bại, nếu các anh cho là tôi có tội, thì hãy đem ra sân bắn, để gia đình vợ con tôi chôn, còn không, các anh hãy để yên cho tôi sống với gia đình ít ngày rồi tôi đi tù. Tôi mệt mỏi lắm rồi, không muốn tranh luận ai được ai thua, ai có tội hay không có tội nữa”.

Anh ở nhà được một tuần thì đi tù. Sau 8 năm tù, tháng ba năm 83 anh được tha. Ở nhà vợ và mẹ anh đã làm thêm căn nhà ngang bằng ngói, vật liệu anh sắm sẳn từ trước. Hai phòng lồi cho Trí Dũng, Mai và Minh. Hai phòng trong, một cho Liên và một cho mẹ anh, nhưng mẹ thường ngủ nhà trên bên bàn thờ cha. Anh về, ngày đầu anh ngỡ ngàng, con anh cũng ngỡ ngàng. Thằng cu Dũng lúc đầu nó ôm anh, thương anh, quấn quít, nhưng đến chiều vài người hàng xóm, chọc ghẹo nó rằng:

– Tên này vừa đen, vưà ốm, vừa già mày coi trong hình có giống ba mày không? Hay là tên CS vào dụ dỗ mẹ mày để kiếm cơm đó. Thằng bé đâm ra nghi ngờ, tới bữa ăn nó nhìn anh chằm chặp, anh bỏ thức ăn vào chén, nó gắp bỏ ra. Anh hỏi:

-Sao con không ăn?

– Ông không phải ba tôi, ông đến dụ dỗ mẹ tôi thôi. Ban đêm anh vào buồng, thì nó kéo anh ra, rôì khóc thét lên, la lớn là, “Ông đến dỗ mẹ tôi.” Nó đem hình ba nó ngày xưa và ông bây giờ ra so, không giống. Nó khóc, anh ôm nó vào lòng khóc theo, nó vùng vẫy. Anh thương nó, thương anh vô cùng, con không nhìn được cha, tủi cho anh, buồn cho con. Anh thương anh, thương con vô vàn. Thấy anh khóc, Minh, Trí la em, nhưng cu Dũng nói,

– Bác Ba nói, “Ông ấy” tức Tùng cho bánh, cho kẹo anh chị, nên anh chị nhìn ông là ba, chứ thật ra ông không phải ba mình đâu.

Bà nội bảo là ba nó đấy, nó cũng không chịu tin, nó vẫn còn khóc nên anh ra ngoài phãn ngủ một mình. Nó nhất định ngủ bên mẹ, giữ mẹ không cho ông ấy vào buồng. Anh nghĩ ngợi cả đêm, làm sao anh có thể nói hết với con. Nó nào biết anh đi tù, chỉ có mình bé Minh biết vì lúc đó nó đã năm tuổi, và đã vài lần theo mẹ thăm anh. Ngay cả cu Trí cũng không biết anh đi đâu, phong phanh nghe mẹ kể ba đi tù, vì ngày xưa ba là lính Ngụy. Nó không hề biết Ngụy là gì, nhưng nó không hỏi. Nó yên lặng chứ không hung hăng như Dũng. Từ đó anh làm việc và yên lặng không tỏ thân mật với vợ trước mặt con.

Nói với nó thế nào? Giải thích làm sao? Anh đã đi đâu 8 năm bây giờ mới xuất hiện, anh buồn vô cùng. Đêm hôm sau, mẹ anh dụ cu Dũng ngủ với nội nhà trên, bà cho bánh nó, nhưng khi sực nhớ tới mẹ nó và ông khách lạ, nó vùng dậy chạy phăng phăng đi giữ mẹ. Ai nghe qua, hay nhìn cảnh ấy thì cười, nhưng riêng anh thì rất buồn, người xót xa nhứt là anh. Anh nghe lòng quặn đau. Ai hiểu nỗi lòng anh bây giờ, anh thương mình, thương con vô cùng vì con không nhận được cha. Một đoạn lịch sử làm đau lòng đứa bé, làm nó hồ nghi?

Anh nghĩ, từ sau năm 54, miền Nam giàu có, trù phú, có chính phủ với lực lượng quân đội hùng mạnh, nếu mọi người dân từ đàn bà đàn ông đều có trách nhiệm với bản thân mình, với tổ quốc mình, và với tự do mình có được, thì làm sao ta mất nước. Anh là một tên lính chỉ biết chiến đấu, tuân lịnh nhưng rốt cuộc đàn anh đâu, người chỉ huy anh đâu? Họ làm gì, họ có đáng để cho anh tuân lịnh không? Anh cứ nghĩ gia đình anh vẫn sống một đời thanh bạch bên ruộng lúa nương khoai. Dù ngay cả khi Mỹ đến đóng quân gần nhà. Gia đình anh sống hiền hoà với nếp sống cũ, có ai chết đói đâu? Từ năm 1954 trở về sau, đời sống người dân đi lên, từ khá lên giàu… nhưng bây giờ tang tóc, trở về tận cùng của nghèo khó.

Ý nghĩ anh rất đơn giản, nếu mọi người công dân đều có trách nhiệm với tổ quốc thì làm sao mất nước. Tại sao Đài Loan, Đại Hàn họ giữ được phần đất nhỏ của họ, được tự do hạnh phúc. Có lần anh được đi Đài Loan ba tháng, người dân ở đó họ tự trọng, kỹ luật anh thấy mà mê. Ước gì quê mình mọi người ý thức được như vậy! Tiếc thay cơ cấu chính quyền tham ô, bản thân cấp lãnh đạo thì thân không tu, gia không tề, mà cứ lo tính chuyện trị quốc bình thiên hạ, nên cớ sự mới thế nầy. Đảo chánh, tranh dành lãnh đạo, mà bản thân lại không đủ khả năng lãnh đạo mới làm khổ 30 triệu dân. Vừa tủi thân anh, thẹn với mình, với con, với đất nước, với những người đã chết, đã hy sinh, anh vẫn nhớ những chiến sĩ Nghĩa quân ở trong trại tù, vẫn anh dũng, vẫn khí tiết trước quân thù. Như anh Phan Dế, Ðồng Phước Hoàng, Phạm Mau, Vũ thái Quỳnh, Phan Hữu Trai, đã hào hùng khí khái chống đối. Tôi hãnh diện được làm bạn với các anh, cùng được chung binh chủng Nghiã quân anh hùng với các anh. Xin nghiêng mình kính cẩn chào vĩnh biệt các anh!

Dù quên tên anh nhưng hình ảnh hào hùng của anh vẫn hiện ra thật rõ, nhớ buổi trưa hôm đó, anh đã khí khái chỉ tay vào mặt tên gác cổng, la lớn, “ Mày, tên cộng sản làm gì mà đứng đó, mày xuống mau không, tao không tha cho mày đâu, quân khát máu.” Bạn bè thương mến anh, ôm anh, đồng đội chạy theo anh thật đông, nên nó không bắn được anh. Anh đã hiên ngang can trường, không dễ gì có được so với hạng người thiếu tư cách, quy lụy ngay cả là kẻ không ở trong tù. Có người cho anh là thất phu, võ biền, nhưng với tôi, anh là một anh hùng, không cần sống trong nô lệ, xiềng cùm. Các anh chống cộng không vì miếng đỉnh chung, vì lòng yêu nước các anh có thừa, và lòng tự trọng của anh rất cao. Một chắp tay, một cái cúi đầu ngưỡng mộ, và xin được chia sớt phần hãnh diện với các anh. Những anh hùng vô danh cho tự do, dân chủ.

Tùng thương mình, thương vợ, thương con vô cùng. Người đàn bà quê mùa mộc mạc ấy, đã đi bên cạnh anh và đã hy sinh cho anh bao tháng năm dài. Nàng nuôi nấng dạy dỗ con cái, chờ đợi héo hon để lo cho anh trong tù, không một lời than oán. Dần dà cu Dũng cũng nhận anh là cha, vì từ nó đi học về, thấy bên nội bên ngoại mang quà bánh tới mừng cho ba nó. Ngày nào anh cũng có khách đến thăm, bà con bạn bè cũ, rồi nó nhìn thấy anh phải đi trình diện công an. Chiều đến anh dẫn anh em Trí, Dũng đi đá banh, đi tắm, tối coi bài cho con học, anh kể chuyện kiếm hiệp cho con nghe. Anh hát cải lương, kể chuyện cổ tích, rồi nó mê anh, và chấp nhận anh. Hôm nay anh ôm hai con vào lòng mà hôn, mà thương. Anh nằm giữa, hai đứa bé nằm hai bên anh nghe anh kể chuyện tù, những cơ cực thảm thương của người dân mất nước, mất tự do. Dũng ôm anh hôn, anh hạnh phúc tràn trề, vì anh còn có một gia đình, anh mãn nguyện vô cùng.

Với con, anh là một người cha có bản lĩnh đem tình thương để cảm hóa, và chinh phục con cái, dẫn dắt con vào bờ yêu thương, với vợ anh là người chồng gương mẫu để vợ kính yêu, và với mẹ, anh là người con chí hiếu. Anh là một người đàn ông có khả năng, có bản lĩnh lèo lái một gia đình trong lúc ngả nghiêng, tan tóc, dù anh chỉ xong bậc tiểu học. Với gia đình, tổ quốc anh không thẹn với lòng.

Gần hơn tháng nay, bây giờ chờ cho con ngủ xong, anh vào với vợ, anh ôm vợ vào lòng mà khóc, mà thương. Anh biết nỗi lòng chờ đợi của vợ anh gần chín năm dài. Ngày xưa vợ chồng chung chăn thì vui, bây giờ anh lại khóc. Ân tình của vợ anh đơn thuần, giản dị quá, nhưng đủ thương yêu trọng tình nghiã vợ chồng. Chị vừa thương, vừa mê và qúy trọng chồng.

– Mẹ chồng, nàng dâu, em chồng như ruột thịt, trong ấm ngoài êm, anh cảm ơn em. Ngoài chút tình thương yêu em, anh còn biết ơn em nhiều lắm, Liên ơi. Tên em là Liên, em một đóa sen qúy nhất trong lòng anh, mà anh đã yêu thương tự thuở nào.

Sau hơn tám năm không gối chăn, không vợ chồng, anh ôm vợ vào lòng mà hôn. Rồi tiếng rên khe khẻ của vợ, và tiếng anh thiết tha gọi vợ, nho nhỏ hai tiếng “mình ơi.” Ngoài kia, gió xuân nhẹ hôn lên cành lá, như chúng đang thì thầm chuyện ái ân của vợ chồng anh. Anh nói khẻ vào tai vợ anh mượn câu thơ của cụ Tản Đà nói với bóng để tặng em đêm nay, “mình với ta tuy hai mà một ta với mình tuy một mà hai.: Anh thương anh và thương em vô cùng, chúng ta là nạn nhân của một cơ chế khủng bố mà chẳng ai dám nói.

– Quảng đời còn lại anh sẽ dành tình thương yêu và chung vai gánh vác với em, chúng mình bên nhau để lo lắng cho con. Nhìn lại, anh còn hạnh phúc hơn nhiều người, anh còn có một gia đình ấm êm. Và cũng từ đó anh gọi vợ bằng ‘Mình.’ ‘Mình ơi,’ dù hai tiếng mình ơi đã xa xưa thuộc về cổ ngữ nhưng nó êm đềm và ấm áp làm sao, phải không em... phải không Liên?


Phạm Ðào Nguyên