|
Ngọc đẹp từ tiền kiếp
Ngọc được ưa chuộng ngay từ buổi bình minh của nhân loại. Loài người
lúc đó đã biết dùng loại đá rất cứng này để làm rìu, dao, mặt nạ, đồ thờ
tự. Mãi đến 1863, nhà khoáng vật học người Pháp, Alexis Damour mới khám
phá ra jadeite và nephrite là hai khoáng chất hoàn toàn khác nhau, dù
có cùng đặc tính là cứng hơn thép. Từ đó, mỗi giới sử dụng tên gọi khác
nhau. Khoa học phân biệt jadeite và nephrite. Với nghệ sĩ, chuyên viên
chạm khắc, người vẽ kiểu, họ phân biệt jadeite jade - ngọc cứng và
nephrite jade - ngọc mền - để chọn dụng cụ và quí kim thích hợp. Chủ
tiệm nữ trang hay giới buôn bán mập mờ gọi chung chung là jade. Người
Tàu gọi là “cẩm thạch” cho tất cả những viên đá xanh có thể chạm khắc.
Thị trường Việt cũng gọi theo: Ngọc, ngọc bích, cẩm thạch cho tất cả
những viên đá xanh xanh đến từ Trung Quốc.
Jadeite được khai thác từ Burma, San Benito/California, Guatamala, Japan,
Kazakstan, Russia, Southern Rhodesia và Taiwan. Hiện nay, Canada là
nguồn cung cấp nephrite cho thế giới nữ trang và cổ ngoạn. Giữa những
người buôn bán đá quý, chỉ cần nói xuất xứ của khối đá, thì biết ngay đó
là nephrite hay jadeite, không dám xí gạt như với các xuân thì mua sắm
nữ trang.
Rủ nhau buôn đá ngọc?
Cách
buôn bán đá ngọc cũng khá ly kỳ. Mỗi năm, Myanmar Gems Empire bán ra
những tản đá rất lớn, phải chuyên chở bằng tàu hàng, cho những dealer
quốc tế. Mua bán thế này không khác gì đánh bài. Vì chỉ được xem những
khối ngọc này từ một lỗ nhỏ xíu đục bằng búa sơ sơ bên ngoài. Người mua
không hề có ý niệm gì về màu sắc, giá trị bên trong: Sẽ là một khối ngọc
xanh jadeite đáng giá hay chỉ là một khối đá trắng lốm đốm những vết
nâu như rỉ sắt. Các tay buôn ngọc mua theo bản năng và thời vận. Có thể
trúng lớn, cũng có thể mất đi hàng trăm ngàn đô la trong nháy mắt.
Những
khối lớn từ Siberia, Alaska, Korea, British Columbia dễ mua bán hơn vì
thường ngọc xẻ từ những khối đá khổng lồ. Những khối đá này được chở tới
Trung Quốc, vì chỉ nơi đây, mới có người thợ cực kỳ khéo biết mài dũa,
và đồng thời Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Khối đá sẽ được chia thành những miếng nhỏ hơn. Miếng có mầu đẹp nhất
được chọn làm nữ trang. Ngoài ra được đục đẽo mài dũa thành thắt lưng,
kẹp tóc, trâm cài, lọ hoa, trái cây, linh vật, bát đĩa, bình trà, ly
tách… nhất là tượng Phật Bà, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc. Người Tầu tin
rằng tượng Phật Bà bằng ngọc để trong phòng làm sạch không khí và làm
tan biến mối giận hờn. Thật hư ra sao, Phật Bà làm thinh không nói.
Tượng “Emerald Buddha”
Tượng Emerald Buddha ở ngôi đền hoàng gia Thái Lan phra Kaeo, Bangkok, Thailand thật sự là một khối “ngọc” tuyệt vời.
Theo truyền thuyết, pho tượng này được khám phá ở quận Chiang Tai, miền
bắc Thái Lan. Vôi vữa rớt xuống để lộ ra một bức tượng toàn hảo, xanh
biếc. Từ đó bức tượng được đặt tên là “Emerald Budda”, người Thái gọi là
Phra Kaew Morakot, có tên chính thức là Phra Phuttha Maha Mani Ratana
Patimakorn. Nhiều giả thuyết khác nhau về xuất xứ của pho tượng Phật
này, nhưng không có lý giải hoàn toàn. Giả thuyết hay được nhắc nhất,
pho tượng có xuất xứ từ Ấn Độ, làm bằng đá quí từ châu Phi. Hoàng gia
Campuchia tặng cho vua Thái năm 1434. Chiến tranh với Burma khiến pho
tượng thất lạc, sau cùng được thấy lại như trên. Pho tượng hiện nay được
giữ tại ngôi chùa Phra Kaew của Hoàng gia Thái. Tuy chỉ cao 45 cm, bức
tượng được coi như quốc bảo. Một năm ba lần, khi nhà vua làm lễ thay áo
bằng vàng ròng cho tượng, đó là dấu báo hiệu trời đất vào mùa: Mùa nóng,
mùa mưa và mùa lạnh. Hai bộ áo vàng khi Phật không dùng, được bày tại
Grand Palace cho dân chúng chiêm ngưỡng.
Phật Ngọc Thiêng, “Sacred Emerald Buddha”
Năm
1994, một khối crystal (thạch anh) 3,600 carat, 720 gram, có màu
emerald – xanh biếc như vỏ chai – vô cùng hiếm có, tìm thấy ở Phi châu.
Không ai nỡ cắt thành mảnh nhỏ nhưng cũng phân vân không biết làm gì.
Tháng 9 -1994, khối thạch anh được mang tới Thái Lan, nơi rốt cuộc được
chọn để tạc thành tượng Phật. Thợ châu Âu là bậc thầy trong nghệ thuật
chạm khắc tượng và nữ trang, nhưng không quen với ý niệm Phật giáo. Thợ
Trung Quốc và thợ Miến Điện (Burmese) rất cao tay nghề nhưng mức độ an
ninh không bảo đảm. Rốt cuộc, Aung Nyein, 36 tuổi, trúng tuyển. Aung
người Burma, sinh sống ở Thái từ 16 năm, có 20 năm trong ngành tạc
tượng.
Aung
khởi đầu bằng tạc tượng mẫu trên một khối aquamarin, sau đó mới đo, vẽ,
mài, dũa trên khối thạch anh với những mũi khoan nhỏ xíu. Dần dần, khối
đá vô tri dưới bàn tay tài hoa như thoắt có linh hồn. Pho tượng được
chạm trong tư thế Phật đứng, tương truyền lời nhắc nhở của Phật cho
chính gia đình của người “Hãy ngưng gây gỗ”. Một buổi chiều tháng Hai
năm 2006, Aung hoàn thành pho tượng. Được đánh bóng lần cuối cùng,
phiến đá như có đời sống mới. Dường như đức Phật mở bừng mắt sắp bước
ra tái ngộ nhân gian. Tuyệt phẩm độc nhất trên đời này có tên “Sacred
Emerald Buddha”. Cả hai Gem Research Swiss Lab và Gemological Lab Thai
trân trọng kết thúc hồ sơ, công nhận pho tượng có kích thước 154 x 66.5 x
43mm, nặng2620 carat (524 gram) được chạm từ một khối thạch anh màu
emerald thiên nhiên, hoàn tất ngày 17 tháng 3 năm 2006. Những đồ cổ
ngoạn đều có tên tuổi, xuất xứ rõ ràng như thế cả. Pho tượng hiện vẫn ở
lại nước Thái, trong sưu tập riêng, chủ nhân ẩn danh.
Polar Pride của Canada
Giờ này tượng Phật đang viếng Việt Nam. Trong vòng 10 tuần lễ, kể từ
ngày 13 tháng Ba đến ngày 10 tháng Năm, năm nay, Việt Nam có duyên lành
đảnh lễ pho tượng nặng 4 tấn rưỡi, cao 3m5. Phật sẽ viếng Đà Nẵng, Vũng
Tàu, Sài Gòn, Hóc Môn, Đồng Tháp trước khi đi Úc, Đài Loan, Tân Tây Lan
và Hoa Kỳ.
Không
biết tự bao giờ, trời đất đã tặng cho Canada một thềm nephrite thật
lớn. Thềm ngọc này như công chúa ngủ trong rừng mãi đến năm 1955, thời
điểm “đi tìm ngọc”, giống như California Gold Rush năm 1848. Mỏ
nephrite thuộc British Columbia, cách thành phố Juneau-Alaska, 100 dặm
về phía đông. British Columbia tự nó đã là một viên ngọc biếc với dãy
quần đảo sơn xanh ngắt đội mũ tuyết trắng xóa chiếm tới 75% diện tích
toàn tỉnh. Trong năm, công nhân chỉ có thể làm việc chừng 60 cho đến 90
ngày hè, khi nhiệt độ từ 72o đến 83o F. Mỗi năm, Jade West xuất cảng
khoảng 100 tấn nephrite sang Trung Quốc.
Nephrite
của British Columbia thuộc loại tuyệt hảo, giá cả lại đứng đắn vì không
bị làm giá trời ơi đất hỡi kiểu thương mại người Tầu, nghĩa là thêm
thắt “miếng ngọc này lên nước vì đây là kẹp tóc của Từ Hi hồi còn hái
dâu”…
Mảnh
Polar Jade dưới đây, rất cứng đến nỗi loại búa có 16 răng, dùng riêng
trong ngành khoáng chất, cũng chỉ dùng khoảng hai ngày là… gẫy. Màu ngọc
cũng thuộc loại khó tìm. Website của Jade West cho thấy mảnh ngọc này,
178 đô la, kích thước 9x25 cm chiều dầy không rõ, nhưng thường không quá
0.8mm - được mô tả là độ trong vắt đến có thể nhìn xuyên qua. Thường
một kg nephrite chỉ khoảng từ vài đô la đến 100 đô la là đắt nhất, trong
khi Burmese jade có thể lên tới hàng ngàn một carat, đôi khi đắt hơn cả
kim cương. Nên giá tiền 178 chỉ cho một mảnh nephrite nằm vừa bàn tay,
phải là tuyệt đẹp.
Năm
2000 công ty tìm được một khối đá khổng lồ hội đủ ngọc tính: độ cứng
rất cao, màu sắc thuần khiết đến nỗi được đặt tên Polar Pride. Điều gây
chấn động, Polar Pride nặng tới 18 tấn. Giám đốc Kirk Makepeace, khôn
ngoan và khiêm nhường, quyết định không xẻ khối đá này thành mảnh nhỏ
làm nữ trang hay đồ cổ ngoạn, mà “để cho thế giới quyết định, bởi đây là
một tặng vật của thiên nhiên, báu vật chung của loài người, nơi xứng
đáng nhất là viện bảo tàng”.
“Phật Ngọc cho Hòa Bình Thế Giới”
Ở
một nơi xa, trong giấc mơ, Lạt Ma Zopa Rinpoche đã thấy một khối ngọc
sáng trên xứ Canada. Lạt Ma khuyến khích phật tử phát tâm khởi xướng tìm
khối ngọc ấy và dựng một pho tượng, ước mong ánh sáng của Phật ngọc sẽ
mang niềm an lạc, ngăn chận những hủy hoại tàn phá, kể cả chiến tranh.
(1)
Ông
bà Ian Green, người Úc, qui y từ 35 năm, là chủ tịch Hiệp Hội Đạt Lai
Lạt Ma ở Úc đã thuận duyên với công trình bắt nguồn từ giấc mộng của vị
Lạt Ma. Tuy vậy diễn tiến ra sao, giá cả thế nào, được hoàn toàn bảo
mật, khác với những lưu vật khác, có lẽ vì tôn trọng tính linh thiêng
của tôn giáo và sự kín đáo của những người tặng giữ. Trong trao đổi
riêng, Makepeace cho hay toàn thể khối ngọc được chở tới Thái Lan, Jade
West không giữ lại một mảnh nào.
Polar
Pride bắt đầu một cuộc hành trình đầy vinh dự: Khối đá được vận chuyển
từ Van Couver tới Bangkok tháng 12 năm 2006. Sau nhiều năm phân vân và
chọn lựa, rốt cuộc tượng Phật tại bảo tháp Mahabodhi ở Bodh Gaya, Ấn Độ,
được chọn vì tín đồ đã quen với dáng ngồi, nét mặt, nụ cười của pho
tượng này. Dẫu vậy, không phải thợ nào cũng tạc tượng được, nhất là
tượng Phật.
Sau khi đã thử chạm khắc nhiều mô hình, đầu năm 2008, công ty Jade
Thongtavee của ông Boonthong Yotharvut bắt tay vào việc chạm khắc hai
pho tượng. Pho nhỏ cao 1 mét đi tặng nước Thái, pho lớn 3 mét rưỡi,
chính là Phật Ngọc cho Hòa Bình Thế Giới. Cuối năm 2008, hai pho Phật
ngọc hiện ra, loang loáng bóng, xanh thăm thẳm như mời gọi ai có cơ
duyên chăm chú nhìn sẽ tìm thấy trái tim của Phật. Khối đá vô tri từ đây
mang trọn niềm kiêu hãnh của nghệ thuật chạm khắc và hào quang của thế
giới tâm linh. Chỉ riêng về nghệ thuật, pho tượng đẹp đến những ý tình
ngỗ nghịch lắm cũng tự cúi đầu, rung động trước tài hoa của người nghệ
sĩ.
Dù
pho tượng to lớn nặng 4 tấn rưỡi và cao 3m5, diễn từ khiêm nhường của
ông Ian Green tràn đầy Phật tính. Không nhắc đến tiền nong, không khoe
khoang bừa bãi, không cả một lời nào nói về mình, chỉ nhắc đến những ân
nhân. Ông đã vịn một lúc mấy cái “không” của Phật. Nhân đọc thân phụ ông
đã dâng tặng 50 mẫu đất thành lập trung tâm Phật giáo ở Úc, lòng riêng
lại thắc mắc về sự tranh chấp giữa chính quyền và giáo hội Thiên Chúa
Giáo ở Việt Nam, giữa giáo hội Phật giáo và Thiên Chúa giáo, về đất đai ở
Thái Hà, Tháp Bảo Thiên… Sự thật ở đâu? Ngàn năm trước, đất ấy của ai?
Ai được quyền chia chác, phủ toàn quyền mấy ông Tây, hay tư bản đỏ mấy
ông Ta? Cả Phật lẫn Chúa, lẫn chính quyền đâu có đổ máu ở chốn đó để
ngày nay tranh giành quyền sở hữu trên mảnh đất của dân Việt?
Nụ cười của Phật
Chúng
sinh đã quen với Phật, mày ngài cong vút, mắt cúi nhìn, miệng hơi cười,
lời giảng hơn hai ngàn sáu trăm năm vẫn văng vẳng cho ai tìm kiếm “Ta
không cứu ai, hãy dùng pháp của ta mà tự định đoạt đời mình”. Không cứu
nên không dọa, không thưởng phạt, không kết tội, không tha tội, không dụ
dỗ, không ép buộc, không hứa hẹn, không tranh giành, không gây chiến.
Bởi Phật là người. Người là Phật. Chỉ khác, người là Phật chưa thành.
Lấy làm lạ chưa có ngành nào của Phật giáo mang tên “Mười Không”.
Có
lẽ những lưu dân người Việt miền Nam thế kỷ 19 đã rất gần gũi với Phật
tính này, nên một tuồng Hát Bộ có tên “Người Đi Đòi Nợ Phật” (2), cho
nhân vật Trương Ngáo tàng tàng túm áo đòi nợ Phật. Ngáo dậm chân thình
thịch đòi “anh Phật” trả đủ vốn đủ lời “Bớ anh Phật, sao anh chẳng trả
tiền, cố lên đây mà trốn, cho nên vợ tôi nó đánh nó chưởi tôi…”.
Trong
cuốn Mùi Hương Trầm của Nguyễn Tường Bách (3), đệ tử của Phật là Purma
vẽ Người năm 40 tuổi. Bức tranh này hiện lưu giữ tại viện bảo tàng
London. Khuôn mặt Phật thoáng tư lự của một triết gia cô đơn, hơn là
giáo chủ tôn giáo như người đời cứ gán cho người để hưởng ké chút hào
quang từ bàn thờ thờ cung thánh. Khuôn mặt ngài giống nét mặt người
Nepal bây giờ. Phật có lông mày rậm, tóc dợn, tai quả có lớn hơn người
thường chút đỉnh.
Không
hiểu bàn tay đầu tiên nào đã tạc bức tượng Phật tươi cười? Có lẽ là lúc
tâm người và tâm Phật gặp nhau trong ước mơ muôn đời của cõi nhân sinh:
sống hạnh phúc, chết bình an. Phật có thật không? Sao Phật biết hết nỗi
bất an? Làm sao Phật có lời giải đáp cho ngàn ngàn tâm sự? Ai có thể
hiểu được nửa trang, nói chi tới mười ngàn pho kinh đồ sộ? Phật có giải
cứu không hay chính ý nghĩ ngay lành trong tâm tư hàn gắn vết thương?
Phật rõ như vậy nên Phật phân vân không biết có nên giảng thuyết không
nữa kia. Phật vì vậy chỉ mỉm cười. Nụ cười muôn thuở như một cái biển
nghiêng xuống bến nhân gian, chứa hết u minh u tối u sầu mà con người
nghẹn ngào dâng tặng dưới bệ sen. Từ 2633 năm rồi, thông điệp của Phật
thật rõ ràng “Không Sợ, Không Phiền, Không Trách, Không Buồn”. Quan niệm
này của Phật giáo được André Gide đồng cảm trong cuốn Khung Cửa Hẹp
- mà đoạn văn rất đẹp vẫn còn trong ký ức, duy tự trách lúc đó còn
quá nhỏ để nhớ dịch giả là ai – “Trong đêm tối, tôi ngước nhìn trời cao
và thề nguyền tôi sẽ yêu trái đất khổ đau này cho đến chết, và sẽ không
từ chối bất cứ một gánh nặng trách nhiệm trên vai.”
Cổ
sử đầy dẫy những tin tưởng mơ hồ nơi ông thần bà thánh, nhưng dẫn tới
những hậu quả có thực. Trước công nguyên, miền đất Israel, nơi dân
Juda/Do Thái cư ngụ lúc đó, thuộc về đế quốc La Mã nổi tiếng huy hoàng
và khét tiếng kiêu căng. Khi một người bình dân, ông thợ mộc Jesus lại
tự cho mình là God, Thượng Đế, và cấm dân mình không tôn thờ các thần
khác, kể cả thần sấm, thần sét thần mặt trời mặt trăng, thì đám toàn
quyền La Mã ngạo mạn tức nổ đom đóm mắt. Vì La Mã vốn thờ Jupiter, thần
sấm sét, là biến thân của thần Zeus mượn đỡ từ thần thoại Hy Lạp. Mâu
thuẫn niềm tin này dẫn đến cái chết của Jesus trên thập tự. Ai giết Chúa
Jesus vẫn là câu hỏi lớn: Người Do Thái hay người La Mã, hai bên đổ lẫn
cho nhau. Nếu nghe người Do Thái trả lời mới thấy hết nỗi oan khiên của
họ: họ bị La Mã vu oan tội giết lãnh đạo, rồi bị lùng diệt và ghét bỏ.
Trên thực tế điều này dẫn đến hai hậu quả rất oái oăm: Dân Do Thái bị
dân La Mã giết không gớm tay, nhưng chính Constantin lại là hoàng đế La
Mã đầu tiên mang giáo lý của Jesus vào La Mã, biến Cựu Ước của Do Thái
bị biến thành Tân Ước của tín đồ Ki Tô giáo La Mã. Năm 2003, “hoàng đế”
George Bush tuân lệnh quan tể tướng Dick Chiney, thành công trong việc
truy lùng và treo cổ “hoàng đế” Saddam Hussein. Năm 2008, ông G. Bush ra
đi trong hân hoan của cử tri. Người kế vị ngai vàng, có tên Barack
Hussein Obama II, một cái tên có hơi hướng Hussein. Khó giải thích những
oái oăm, tàn nhẫn của lịch sử, chỉ biết dựa vào nụ cười của đức Phật
cho người sống tạm yên lòng và học bài học nhân quả. Còn hàng triệu
triệu người chết có yên lòng không, là một câu hỏi thuộc loại xa xỉ
phẩm.
Mối duyên xưa?
Cuộc
đời Phật và Chúa, nếu có vĩ đại, là do “tính người”, không phải “tính
thần thánh” như những bài giảng đóng băng ca tụng các giáo chủ tôn giáo.
Cả hai điều bị lăng mạ, bị ném đá. Phật mất vì bệnh kiết lỵ. Chúa chết
vì bị đóng đinh. Bài học từ nỗi mất/còn, sinh/tử, có thể là “Bớt ác thì
bớt đau, bớt tranh chấp thì bớt hủy diệt”. Tranh chấp càng lớn, hủy diệt
càng nhanh. Có khi tự hủy diệt ngay trên những thành công, hoặc ngược
lại. Từ thế kỷ thứ 9, Phật giáo bị tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo hủy diệt
trên miền đất chính nơi người sinh ra, cũng chỉ vì Phật giáo đã được
vương quyền Ấn Độ quá mức nuông chiều. Hai tượng Phật to lớn ở Bamiyan,
đóa hoa cuối cùng của Phật giáo trên miền đất Hồi giáo, bị Taliban cho
nổ tung năm 2001. Chế độ cộng sản ở Liên Sô, ở Đông Âu sụp đổ ngoài sức
dự liệu. Chế độ tư bản Hoa Kỳ hấp hối sau những thập niên oanh liệt.
Những sụp đổ ấy, không chừng là những duyên lành, tiếp nối mối những
duyên xưa từ trăm, ngàn năm trước, mở đầu cho một chu kỳ mới.
Việt
Nam không góp ngọc, không góp thợ, duyên xưa nào khiến Việt Nam là đất
nước đầu tiên hạnh ngộ nụ cười của Phật Ngọc cho Hòa Bình Thế Giới? Có
phải đó là mối duyên xưa mà hai vương triều Lý - Trần di tặng cho con
dân nước Việt? Hay tại những dân tộc sống trên đất Việt đã chịu nhiều
hủy diệt; đã bị xâm chiếm và đã đi xâm chiếm; đã bị người giết, đã giết
lẫn nhau và đã giết những dân tộc khác? Nếu chiêm bái nụ cười chỉ để ê a
xin xỏ mà quên những mối duyên xưa và liên hệ nhân quả ấy, sự chiêm bái
này nằm rất xa ý nghĩa nụ cười của Phật, thuở ban đầu.
Trần Thị Vĩnh-Tường California, 22-3-2009
Chú thích:
(1) http://www.jademine.com/jade_blog/2008/04/polar-pride-boulder.html
(2) Nguyễn văn sâm phiên âm và chú giải – Trương Ngáo - Viện Việt Học, California 2008 (3)
Nguyễn Tường Bách – Mùi Hương Trầm NXB Trẻ - Sài Gòn 2002. Cuốn sách
ghi hành trình trên đất Phật, từ Tây Tạng, qua Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy
không thuyết pháp, văn phong như thoảng hương.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
No comments:
Post a Comment