Friday, May 14, 2021

TRẬN ĐÁNH THÁNG 3/75 QUÂN KHU I

TRẬN ĐÁNH THÁNG 3/75 QUÂN KHU I





(Mũ Xanh Phạm Vũ Bằng)

Sau mấy tháng làm Địa Phương Quân “trấn thủ lưu đồn” tại xã Triệu Phong, Đông-Bắc tỉnh Quảng Trị, TĐ9/TQLC di chuyển tới làng Gia Đẳng-Quảng Trị để dưỡng quân. Gia Đẳng là một làng đánh cá ven biển vì vậy khí hậu ấm áp khô ráo khiến chúng tôi thoải mái hơn là tại Triệu Phong, tuy nhiên một tuần lễ sau, khoảng đầu tháng 3/1975 tôi nhận lệnh thuyên chuyển về Bệnh Viện Dã Chiến Sư Đoàn TQLC và bàn giao chức Trung Đội Trưởng QY TĐ9/TQLC cho một bác sĩ mới ra trường.

Vì không thích về Bệnh Viện Dã Chiến Sư Đoàn TQLC và hơn nữa vì cảm nhận được tình hình chiến trận đã đến lúc căng thẳng, tôi tình nguyện về Đại Đội Quân Y Lữ Đoàn 258/TQLC và tôi được tạm thời bổ nhiệm làm y sĩ điều trị tại Lữ Đoàn này vào ngày 08/3/1975 mà không ngờ tôi sắp bước vào một cuộc gió tanh mưa máu đang ập đến toàn thể Quân Đoàn I.

Ngày 8/3/1975 tôi trình diện Đại Đội Quân Y Lữ Đoàn 258/TQLC, đại đội này đóng chung với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 258/TQLC tại làng Mỹ Thủy- Quảng Trị. Làng Mỹ Thủy tọa lạc tại phía Nam Gia Đẳng mấy cây số, cũng giống như tất cả các làng đánh cá ven biển tỉnh Quảng Trị, làng này có những hàng dương liễu yểu điệu trong gió, cát trắng, biển xanh hiền hòa, nước trong nhìn tận đáy, nếu không có chiến tranh thì nơi đây sẽ là một điểm du lịch nên thơ, chỉ huy Đại Đội Quân Y là Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Lê Minh, dưới quyền ông là BS Nhi và BS Duy. Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258/TQLC là Đại Tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ Đoàn Phó Trung Tá Huỳnh Văn Lượm, nguyên Tiểu Đoàn Trưởng TĐ9/TQLC của tôi.

Phòng thủ tỉnh Quảng Trị lúc đó thì:

– Phía Bắc có Lữ Đoàn 369/TQLC.
– Phía Tây có Lữ Đoàn 147/TQLC.
– Phía Đông là Lữ Đoàn 258/TQLC.

Ngày 8/3/1975 Trung Đoàn Bình Trị Thiên Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tấn công một vị trí của của Tiểu Đoàn 4 TQLC- Đồi 51 phía Tây Bắc Sông Bồ, đồng thời một lực lượng Việt Cộng (VC) khác uy hiếp ấp Hiền Lương khoảng 2 cây số Tây Bắc Mỹ Chánh, sáng hôm sau, ngày9/3/1975, Tiểu Đoàn 4 TQLC và Thiết Kỵ phản công, chỉ trong một buổi sáng, hai lực lượng CSBV bị đẩy lụi,chạy trốn về phía núi để lại hơn 100 xác chết cùng vũ khí, phe ta có 10 TQLC hy sinh. Chúng tôi đứng tại cổng Lữ Đoàn 258/TQLC xem Thiết Kỵ xuất quân buổi sáng, cứ tưởng sẽ có một trận đánh gây cấn không ngờ buổi trưa đã thấy họ đi về.

Ngày 13/3/1975, được tin Ban Mê Thuột thất thủ, tôi buồn bực đi lên BCH/LĐ thì gặp Trung Tá Lượm, ông mời tôi ăn trưa và tâm sự:

- “Cái” chiến lược đem hai Sư Đoàn Tổng Trừ Bị ra Quân Khu I để giữ đất không khá được, VC gom quân để đánh chỗ này, chỗ khác... mà Tổng Trừ Bị lại bị giam tại Quân Khu I, cho nên ta mất Phước Long và Ban Mê Thuột, đất QK I có mất một phần mà quân còn thì mình chiếm lại được, quân mất thì làm sao giữ đất!

Trầm ngâm Tr/Tá Lượm giải thích thêm:
- Hai Sư Đoàn Dù và TQLC có hậu cứ tại Saigon và Thủ Đức nơi gần phi trường và hải cảng, nếu Việt cộng tập trung quân đánh ở bất cứ nơi nào tại Miền Nam thì chỉ vài ngày đến một tuần là cả hai sư đoàn có thể tăng viện cho vùng đó.

- Từ sau năm 1972 cả hai Sư Đoàn Dù và TQLC bị giam tại Quân Khu I vì vậy khi Vìệt cộng đánh Phước Long tháng 12/74 và Ban Mê Thuộc 3/10/75 mình không có quân Tổng Trừ Bị tiếp viện cho nên mất hai nơi này.

Ông tiếp:

- Sử dụng Tổng Trừ Bị như Địa Phương Quân làm tinh thần chiến đấu binh sĩ sa sút, hơn nữa Tổng Trừ Bị đang ở thế chủ động trên chiến trường trở thành thế bị động trên những cứ điểm mà địch biết rõ, và khi một đạo quân đã căng ra để giữ đất muốn rút đi tiếp viện một chỗ khác thì rất khó vì địch sẽ truy kích, cản đường... nhiều khi không rút được, mình đã bị trúng kế “diệu hổ ly sơn” rồi!

Trung Tá Lượm còn nói về nhiều vấn đề khác nhưng không liên quan đến bài viết này, riêng câu “mình bị trúng kế điệu hổ ly sơn rồi” làm tôi suy nghĩ suốt 40 năm qua, không biết ai là kẻ tung kế này?

Trong những năm 1966, 1967, 1968 CSBV mỗi năm đều tung quân ra quấy phá Quân Khu I, chúng đã bị các đơn vị Tổng Trừ Bị Dù và TQLC từ hậu cứ tại Saigon và Thủ Đức tới Quân Khu I trong thế chủ động đánh đuổi chúng vào rừng núi, sau chiến thắng Tổng Trừ Bị rút về hậu cứ để nghỉ-bổ xung quân số và sẵn sàng cho những trận chiến khác.

Năm 1968 (Mậu Thân)chúng đánh lớn và thua lớn, thiệt hại nặng nề. Theo wikia.org thì -- trong năm 1968 có 181.149 tên VC và CSBV bị giết, khiến chúng phải dưỡng quân ba năm. Đến năm 1972 CSBV gom góp đám thanh niên mới lớn tại Miền Bắc rồi nướng trên 100.000 quân trong trận 1972 Mùa Hè Đỏ Lửa tại Miền Nam.

Tóm lại, từ 1966 đến 1972 với chiến pháp Tổng Trừ Bị sẵn sàng tại hậu cứ chờ quân CSBV xuất đầu lộ diện bất cứ nơi nào tại Miền Nam VN thì ta mang quân Tổng Trừ Bị khỏe mạnh, trong thế chủ động đến tiêu diệt quân CSBV đang mệt mỏi, đã lộ diện và ở thế bị động, chiến pháp này đã thành công, VNCH đã chiến thắng CSBV tại khắp mặt trận. Vì vậy muốn chiếm Miền Nam thì phải bó tay hai Sư Đoàn Dù và TQLC, điều này người “bạn đồng minh” Mỹ biết rất rõ.

Năm 1971, tên Kissinger bí mật đến Tầu, dọn đường cho năm 1972, Kissinger và Nixon qua thăm Trung Cộng chính thức, không biết chúng ăn bả gì của Tầu mà sau đó ngoài mặt Mỹ vẫn là đồng minh của VNCH nhưng sau lưng họ đã bí mật liên kết với Tầu Cộng và tay sai là CSBV để triệt hạ Miền Nam VN, sự phản bội này đã dần dần được giải mã.Theo Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng trong chương “Mở Cửa Bắc Kinh, Đóng Cửa Saigon” của cuốn sách “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” thì từ năm 1971, sau khi qua Trung Cộng tên Kissinger đã xui Nixon bán đứng VNCH cho Trung Cộng và tay sai là CSBV, khi Nixon sợ mất mặt nước Mỹ, tên Kissinger đã hiến kế: “Cứ đổ cho VNCH là bất lực và yếu kém (incompetence)”, từ đó chúng đã thực hiện dần dần kế hoạch làm suy yếu VNCH!

Năm 1971, Sau khi qua Trung Cộng, tên Kissinger đã xui Nixon bán đứng VNCH cho Trung Cộng và tay sai là CSBV, khi Nixon sợ mất mặt nước Mỹ, tên Kissinger đã hiến kế:
“Cứ đổ cho VNCH là bất lực và yếu kém (incompetence), từ đó chúng đã thực hiện dần dần kế hoạch làm suy yếu VNCH!”. Rồi họ 'giam" hai Sư Đoàn Dù và TQLC tại Quân Khu I, Tổng Trừ Bị VNCH đang ở thế chủ động biến thành bị động.

Bước đầu tiên là “giam” hai Sư Đoàn Dù và TQLC tại Quân Khu I, Tổng Trừ Bị VNCH đang ở thế chủ động biến thành bị động giữ đất trong các cứ điểm đã lộ rõ. Thật vậy, sau chiến thắng của VNCH trong Mùa Hè Đỏ Lửa, CSBV bị kiệt quệ, chúng đã phải ký Hiệp Định Paris 1973, Quân Khu I yên tĩnh, cớ sao lại phải giữ hai Sư Đoàn Tổng Trừ Bị tại đây? Tổng Thống Thiệu, người có thẩm quyền điều động Tổng Trừ Bị và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (Tư Lệnh Quân Khu I) người nhận và có thể cũng là người đã yêu cầu giữ Tổng Trừ Bị tại Quân Khu I, là hai người có liên quan, không biết trong bóng tối Người Mỹ có dính dáng gì đến quyết định này không?

Sử dụng Tổng Trừ Bị như Địa Phương thì Quân Tổng Trừ Bị đang ở thế chủ động trên chiến trường trở thành thế bị động, vì trên những cứ điểm mà địch biết rõ, và khi một đạo quân đã căng ra để giữ đất, thì khi muốn rút đi tiếp viện một chỗ khác, rất khó vì địch sẽ truy kích, cản đường, thế là bị trúng kế “diệu hổ ly sơn” rồi! Đó là kế hoạch làm suy yếu VNCH.
Sau khi mất Phước Long và Ban Mê Thuột, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu họp với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Khu I ngày 13/3 và 19/3/1975 tại Saigon để tái phối trí lực lượng. Không ai biết rõ nội dung hai buổi họp này! Đã có nhiều bài viết về các buổi họp, nhưng không sát với thực tế, nên tôi đã lấy tin tức từ Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải là người gần với Tướng Trưởng nhất và Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Trưởng Kế Hoạch và Cố Vấn của Tổng Thống Thiệu, cả hai đều viết giống nhau, và theo hai nhân chứng này thì Quân Khu I (QKI) đã được tái phối trí như sau:

1. QKI trả Sư Đoàn Nhẩy Dù lại cho Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH.

2. QKI giữ lại Sư Đoàn TQLC để cùng với ba Sư Đoàn Bộ Binh cơ hữu 1, 2, 3 và Biệt Động Quân - Thiết Kỵ co cụm tử thủ ba cứ điểm: Huế, Đà Nẵng, Chu Lai, nếu vì lý do gì không giữ được cả ba cứ điểm trên thì bằng mọi giá phải giữ Đà Nẵng.

Hồi ký của Đại Tướng Cao Văn Viên TTMT/QL/VNCH viết về phiên họp ngày 19/3/1975 giữa Tổng Thống Thiệu và Trung Tướng Trưởng như sau:

Tướng Trưởng trình bày kế hoạch với hai giải pháp:

Kế hoạch thứ nhất:

Nếu Quốc Lộ 1 (QL1) còn sử dụng được, quân ông sẽ rút từ Huế về Đà Nẵng và từ Chu Lai về Đà Nẵng.

Kế hoạch thứ hai:

Nếu QL1 bị cắt, các lực lượng sẽ rút vào ba cứ điểm là Chu Lai, Huế, và Đà Nẵng, nhưng Huế và Chu Lai chỉ là hai nơi tập trung quân để cuối cùng thì rút về Đà Nẵng bằng đường biển. Đà Nẵng sẽ là điểm phòng thủ chính do bốn Sư Đoàn Bộ Binh và bốn Liên Đoàn BĐQ đảm nhận.

Trong tinh thần trên, Sư Đoàn Nhẩy Dù rời Quân Khu I vào hạ tuần tháng 3/1975.

Ngày 16/3/1975 LĐ369/TQLC rời Quảng Trị đến Thượng Đức Quảng Nam để thay thế Nhẩy Dù.

Ngày 18/3/1975 LĐ258/TQLC (trong đó có tôi) rời Mỹ Thủy - Quảng Trị đến Nam Thừa Thiên để bảo vệ Quốc Lộ 1 Huế-Đà Nẵng.

PHÒNG THỦ CỨ ĐIỂM THỪA THIÊN- HUẾ:

Để viết phần này, tôi dựa vào tài liệu từ phỏng vấn và hồi ký của:

- Đại Tá TQLC Nguyễn Thành Trí - Tư Lệnh Lực Lượng Tây Bắc Huế.
- Wipekida Sư Đoàn 1 Bộ Binh VNCH.
– Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Ngọc Đỉnh Y Sĩ Trưởng Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh.
– Và phỏng vấn những người liên quan khác.

Lưu ý: Tôi chỉ kể quân chính quy của hai bên, không nói đến các lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát của VNCH, các lực lượng Du Kích, Đặc Công của CSBV.

Lực Lượng VNCH Tại Thừa Thiên-Huế:

1- Tây Bắc: LĐ147/TQLC, LĐT là Đại Tá Nguyễn Thế Lương, gồm:

bốn Tiểu Đoàn 3, 4, 5, 7/TQLC,
một Đại Đội Viễn Thám, TĐ 2 Pháo Binh TQLC,

Liên Đoàn 14BĐQ gồm:

ba tiểu đoàn và
một Đại Đội Viễn Thám.

Tất cả các lực lượng trên được chỉ huy bởi Đại Tá TQLC Nguyễn Thành Trí.

2- Tây Nam: SĐ1BB gồm 4 trung đoàn và 1 Đại Đội Hắc Báo, 1 Đại Đội Trinh Sát, các thành phần yểm trợ như 3 tiểu đoàn pháo binh 105 ly, 1 tiểu đoàn pháo binh 155 ly, Thiết Đoàn 7 Kỵ Binh.

3- Yểm Trợ:Yểm trợ cho toàn mặt trận Thừa Thiên-Huế là Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh gồm Thiết Đoàn 20 Chiến Xa có 51 chiến xa M48 mới tinh, (nên nhớ chiến xa M48 là khắc tinh của chiến xa CSBV T54), Thiết Đoàn 17 Kỵ Binh gồm khoảng 100 chiếc M113 và M41, các Tiểu Đoàn Pháo Binh 155 Ly.

Các lực lượng kể trên được gọi là Quân Đoàn I Tiền Phương và được chỉ huy bởi Trung Tướng Lâm Quang Thi, ông cũng là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I. Đây là 1 đạo quân thiện chiến hàng đầu của Quân Lực VNCH, đạo quân này sẽ đánh bại bất cứ lực lượng CSBV nào.

4- Nam Thừa Thiên và Quốc Lộ 1:

- Liên Đoàn 15 BĐQ gồm các Tiểu Đoàn 60, 61, 94 BĐQ. Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 15 BĐQ đóng tại Phú Bài. Liên đoàn này trải quân sâu về phía Tây cách Quốc Lộ 1 khoảng 5 cây số.

- Lữ Đoàn 258/TQLC gồm TĐ1 và TĐ8 ém quân ven QL1 từ Bắc Cầu Truồi đến Cầu Đá Bạc- Phú Lộc. BCH LĐ258 đóng tại phía Bắc Sông Truồi cùng với Đại Đội B Viễn Thám, Tiểu Đoàn trừ 1 Pháo Binh 105 Ly.

Lực Lượng CSBV Tại Thừa Thiên-Huế:

Lưu ý: Tôi chỉ kể quân chính quy, không kể du kích địa phương, đặc công.

Theo tài liệu Wikipedia CSBV thì lực lượng Chính Quy CSBV tấn công vùng Huế-Thừa Thiên gồm:

- Sư Đoàn 324 với ba trung đoàn, Sư Đoàn 325 với hai trung đoàn, một trung đoàn đã tăng phái cho mặt trận Ban Mê Thuột và yểm trợ cho cả ba mũi tấn công Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có Lữ Đoàn Xe Tăng 203, Lữ Đoàn Pháo 164, Sư Đoàn Phòng Không 673.

TƯƠNG QUAN QUÂN SỐ CỦA HAI BÊN TẠI CHIẾN TRƯỜNG HUẾ THỪA THIÊN:

Tôi chỉ kể những tiểu đoàn chính quy tác chiến. Nên nhớ 1 tiểu đoàn Bộ Binh quân số khoảng 500-600 binh sĩ. Tiểu Đoàn TQLC có quân số khoảng 700. 1 tiểu đoàn CSBV quân số khoảng 300-400 binh sĩ.

- VNCH: Tổng cộng 24 tiểu đoàn tác chiến gồm:.

LĐ147/TQLC (4 tiểu đoàn).
Liên Đoàn 14BĐQ 3 tiểu đoàn.
SĐ1BB gồm

4 trung đoàn mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn như vậy là 12 tiểu đoàn.
LĐ258/TQLC có 2 tiểu đoàn.
Liên Đoàn 15BĐQ 3 tiểu đoàn.


- CSBV: Tổng cộng 15 tiểu đoàn gồm Sư Đoàn 324 có 3 trung đoàn mỗi trung đoàn 3 tiểu đoàn, Sư Đoàn 325 có 2 trung đoàn, mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn.

TRẬN ĐÁNH TRÊN QUỐC LỘ 1 HUẾ - ĐÀ NẴNG - NAM THỪA THIÊN.

(Từ phần này đến những đoạn sau, tôi viết dựa theo kinh nghiệm của chính tôi, phỏng vấn những quân nhân tham dự trận chiến thuộc Lữ Đoàn 258 TQLC và Liên Đoàn 15 BĐQ, riêng với Thiếu Tá Đỗ Thanh Quang - Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 61BĐQ và Đại Tá TQLC Nguyễn Năng Bảo-LĐT/LĐ258/TQLC lúc đó. Tôi đã phỏng vấn họ 10 năm trước, khi tôi viết bài “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi”.

Phía CSBV tôi dựa theo hồi ký của tên Thiếu Tướng Nguyễn Đức Huy lúc đó là Phó Tư Lệnh-Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 325 CSBV, điều cần phải nêu ra là hồi ký của tất cả bọn cán binh CSBV đều được viết theo đơn đặt hàng của Ban Chính Huấn CSVN, nên có nhiều khoác lác bịa đặt, tôi chỉ lấy ra những phần hợp lý)

Ngày 18/3/1975, LĐ258/TQLC rời Mỹ Thủy- Quảng Trị, đoàn xe dài đưa chúng tôi ra QL1, khi qua cầu Mỹ Chánh thì “được” CSBV chào đón bằng mấy trái cối 82 ly, nhưng không có thiệt hại. Chúng tôi qua Huế mà lòng bồi hồi thương tiếc vì linh cảm rằng đây là lần cuối cùng. Địa điểm đóng quân mới của LĐ258 tại phía Nam Tỉnh Thừa Thiên, từ phía Bắc Cầu Truồi đến Phú Lộc.

Tr/Tá Huỳnh Văn Lượm - Lữ Đoàn Phó cho biết Lữ Doàn có nhiệm vụ:
- Bảo vệ giao thông và tiếp tế trên Quốc Lộ 1 phía Nam Thừa Thiên.
- Làm thành phần cản hậu nếu Quân Đoàn I Tiền Phương rút về Đà Nẵng.
Cùng nhiệm vụ với LĐ258/TQLC có Liên Đoàn 15BĐQ, bộ chỉ huy đóng tại Phú Bài các tiểu đoàn đóng sâu trong núi phía Tây còn, TQLC thì ém quân ven Quốc Lộ 1, tuyến phòng thủ từ Bắc Sông Truồi đến Phú Lộc.
Tuyến phòng thủ của Lữ Đoàn 258/TQLC

Quân rút thì dân cũng chạy theo, người dân Quảng Trị-Huế đã có quá nhiều kỷ niệm đau thương với CSBV, năm Mậu Thân 1968 CSBV đã chôn sống trên 5.000 người dân Huế bao gồm cả đàn bà và học sinh. Năm 1972 CSBV đã xả súng tàn sát mấy ngàn dân Quảng Trị gồm thường dân, đàn bà trẻ em khi họ bỏ trốn khỏi vùng giao tranh trên “Đại Lộ Kinh Hoàng”, chiến pháp của CSBV là “Tam Dân”.

- Dùng dân lành làm bia đỡ đạn,
- Dùng dân để lấy lương thực,
- Dùng dân để lấy tin tình báo,

Vì vậy khi dân chạy trốn thì bị chúng khủng bố và tàn sát dã man.

Từ ngày 18/3/1975 đến ngày 21/3/1975 người dân Quảng Trị-Huế đã bỏ nhà cửa ruộng vườn, theo Quốc Lộ 1 chạy về Đà Nẵng, họ dùng tất cả phương tiện xe hơi, xe gắn máy, xe đạp và đi bộ để chạy giặc đầy trên Quốc Lộ 1, bất kể ngày đêm. CSBV không bỏ lỡ cơ hội này nên các dàn đại pháo 130ly của chúng đã xả đạn không thương tiếc vào đoàn người, nhiều người trúng đạn ngã gục nhưng những người phía sau vẫn hoảng loạn đạp lên những người xấu số để đi, chính quyền địa phương Quân Đoàn I hầu như bỏ rơi họ, tôi không thấy các toán y tế săn sóc sức khỏe cho dân, tôi cũng không thấy các toán an ninh cảnh sát thanh lọc lũ đặc công CSBV đang trà trộn trong dânđể lọt vào Đà Nẵng, Lữ Đoàn 258TQLC đã tự động làm công tác “dân sự vụ”, các toán Quân Y săn sóc sức khỏe, cứu thương, cung cấp lương thực cho dân, các binh sĩ thì mai tang những người xấu số.



MX Phạm Vũ Bằng


-----------------------------------------------------------------




Bờ biển Thuận An: Pháp trường cát! Phạm Vũ Bằng

Ngày 18 tháng 3, 1975, Lữ Đoàn 258/TQLC di chuyển từ Quảng Trị về đèo Phước Tường, nằm trên QL.1, phía Bắc đèo Hải Vân để bảo vệ an toàn đoạn trục lộ nguy hiểm này hầu cho các đơn vị QLVNCH từ QT và Huế rút về Đà Nẵng. Trong thời gian này LĐ.258 đã giao tranh nhiều lần với địch nhưng vẫn giữ vững vị trí, bảo toàn trục lộ đèo Phước Tường để chờ các đơn vị bạn từ phía Bắc rút qua, nhưng cho đến sáng ngày 25 tháng 3 chúng tôi được lệnh rút khỏi đèo Phước Tường.
Lệnh này làm chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên, bởi QL.1 đoạn chạy qua đèo PT là con đường bộ duy nhất tương đối an toàn để triệt thoái các đơn vị bạn phía Bắc về ĐN, nếu bỏ đoạn đường này đi chẳng khác chi là “khai tử” họ!

Hay là thượng cấp đã có kế hoạch khác, đổi hướng ra biển Đông chăng? Tuy kinh ngạc nhưng là thuộc cấp, là y sĩ của LĐ và là đơn vị chuyên môn nên chúng tôi không có quyền, không có thời gian để thắc mắc, việc trước mắt là thương binh.

Tôi được lệnh mang các thương binh về Tổng Y Viện Duy Tân (ĐN) bằng đường bộ vì trực thăng không thể đáp được. Thương binh được chở trên 3 xe GMC có một Trung Đội TQLC bảo vệ, rời đèo PT vào lúc 6 giờ sáng ngày 25 tháng 3, 1975, vì đường đi khó khăn nên đến mãi 8 giờ tối mới về được đến Đà Nẵng.


Bác sĩ Phạm Văn Lương (Hình)

Chúng tôi đến Tổng Y Viện Duy Tân vào lúc 9 giờ tối, cả một vùng trời đất tối đen, trừ phòng nhận bệnh phía sau cổng chính vẫn còn ánh đèn hắt ra, một số y tá đang săn sóc thương binh, tôi nhận ra trong số đó có Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Lương, người hùng ôm lựu đạn chống tham nhũng năm xưa và nay tuy là trưởng khu giải phẫu của TYV nhưng vì thiếu y sĩ nên anh tham gia công tác nhận và lựa thương. Anh hứa sẽ săn sóc các thương binh TQLC thật chu đáo để tôi trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu (anh Lương đã bị Việt cộng bắt và sau đó anh tự tử trong tù).

Sau khi công tác tải thương về Tổng Y Viện Duy Tân vừa hoàn tất vào lúc 9 giờ 30 đêm 25 tháng 3 năm 1975 thì qua máy truyền tin C.25 tôi nhận được lệnh phải trình diện Tiểu Đoàn Quân Y/TQLC ngay lập tức.

Đến 10 giờ đêm tôi mới về đến cổng căn cứ nằm trong phi trường Non Nước. Không như những nơi khác, ở đây, cổng căn cứ được canh gác cẩn mật, đèn rực sáng, nhiều lớp hàng rào kẽm gai kéo chặn ngang cửa, những quân cảnh TQLC trang bị khí giới đầy đủ, ngoài ra còn có 2 xe jeep gắn súng đại liên, tất cả trong tư thế sẵn sàng.

Bệnh viện dã chiến của SĐ/TQLC là một cái “hangar” lớn nằm phía tay phải sau cổng căn cứ. Tại đây đèn đuốc còn sáng, người ra kẻ vào tấp nập. Tôi gặp hầu hết các anh em y sĩ của bệnh viện Lê Hữu Sanh, Thủ Đức, họ chào hỏi tôi vui vẻ và cho biết vì sư đoàn không có đủ phương tiện tải thương về căn cứ Sóng Thần, Thủ Đức, nên anh em phải ra Đà Nẵng để săn sóc thương binh tại chỗ.

Tôi nhìn vào dẫy hangar rộng lớn kê đầy giường bệnh, có đến 5, 6 trăm giường đầy ắp thương binh, đó đây các toán y sĩ và y tá đang chăm chú làm nhiệm vụ săn sóc anh em. Dù đã quá quen với nhiệm vụ cấp cứu nơi chiến trường, nhưng trước tình trạng quá tải, lại thiếu thốn y cụ và phương tiện tải thương về bệnh viện những trường hợp quá nặng khiến anh em y sĩ căng thẳng, phải miệt mài, tiết kiệm từng giây từng phút chiến đấu với tử thần hầu cứu lấy đồng đội.

Tôi trình diện Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Văn Thế, tiểu đoàn trưởng TĐ/QY. Trong khi tôi đứng nghiêm chào anh thì anh lại chăm chú quan sát chiếc áo giáp loang lổ vết máu mà tôi đang mặc. Sau khi biết chắc đó là máu thương binh chứ không phải tôi bị thương, anh không bắt tay như thường lệ mà nhẹ nhàng vỗ vai tôi, đôi mắt mệt mỏi nhưng cảm động nhìn “thằng em” vừa thoát chết trở về. Anh nhẹ nhàng bảo tôi để nón sắt lên bàn anh và ngồi xuống ghế đối diện rồi chậm rãi nói:

- “Hiện giờ Lữ Đoàn 147/TQLC đang bị kẹt tại cửa Thuận An, không biết vì lý do gì mà tàu HQ không vào đón. Ngày mai SĐ/TQLC sẽ mở một cuộc hành quân về phía Bắc đèo Hải Vân để giải tỏa cho LĐ/147. Nhiệm vụ của Bằng là chỉ huy một đơn vị QY/TQLC và 5 xe tải thương của Liên Đoàn 71/QY tăng phái để yểm trợ cho đơn vị tấn công. Mọi tiếp liệu về thuốc men, y cụ, lương thực thì Đại Úy Sanh, sĩ quan trợ y tiểu đoàn đã lo sẵn.”

Tôi nhận nhiệm vụ anh Thế giao cho với một tâm trạng nửa mừng nửa lo. Mừng vì tôi sẽ được tham dự vào cuộc hành quân giải cứu đơn vị bạn; Lo vì tôi biết đơn vị tấn công sẽ gặp rất nhiều khó khăn với địa thế phía Bắc đèo Hải Vân và chắc chắn họ sẽ chịu nhiều tổn thất nên không biết một mình tôi có thể săn sóc cấp cứu cho một số lớn thương binh không.

Đúng 6 giờ sáng ngày 26 tháng 3, 1975, các y tá TQLC đã sẵn sàng trình diện tôi với đầy đủ lương thực, thuốc men và y cụ cứu thương. Tôi rất yên tâm và phân chia họ thành 3 toán với nhiệm vụ cụ thể rõ ràng; Toán thâu lượm thương, toán cấp cứu, toán tải thương và không quên nhắc lại cho họ biết truyền thống của Quân Y nói chung và của TQLC nói riêng là không bỏ sót bất cứ một thương binh nào. Tôi cũng lưu ý họ phải kiểm soát, lau chùi vũ khí cá nhân và hết sức thận trọng yểm trợ cho nhau khi tiến lên cấp cứu thương binh vì địch quân thường nhắm bắn sẻ các toán quân y tá hầu làm giảm tinh thần chiến đấu của các anh em khác.

Toán xe tải thương tăng phái cũng đã có mặt, tôi kiểm soát xe và xăng nhớt thấy đầy đủ nhưng trang bị cá nhân của họ thì quá sơ sài, không nón sắt áo giáp! Tải thương trên đường đèo Hải Vân mà tài xế bị thương thì hậu quả khôn lường nên tôi yêu cầu Đại Úy Sanh cung cấp cho họ nón sắt và áo giáp.

Toán Quân Y của chúng tôi đã sẵn sàng tại chỗ để lên đường hành quân. Đến 11 giờ sáng thì lệnh hành quân được hủy bỏ mà tôi không được biết lý do nhưng toán Quân Y của chúng tôi lại nhận nhiệm vụ khác. Chúng tôi được lệnh đến ngay bến tầu Quân Vận ĐN (tôi không nhớ tên) để đón anh em thương binh Lữ Đoàn 147/TQLC vào lúc 1 giờ.

Khoảng 2 giờ chiều, một chiếc LCM từ từ cập bến, khi tấm bửng tầu mở ra, tôi rất mừng ứa nước mắt thấy lại những chiếc áo rằn ri quen thuộc nhưng cũng buồn ứa nước mắt khi thấy 3 tử sĩ được anh em khiêng ra trước tiên. Họ được bọc poncho cẩn thận và được đặt ngay ngắn trên cầu tầu. Nhìn các tử sĩ này mà lòng tôi buồn tê tái! Một trong 3 tử sĩ này là Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam, tiểu đoàn phó TĐ.4/TQLC, còn 2 người kia vì lâu ngày nên tôi không còn nhớ tên (nhưng chắc chắn không có tên Đại Úy Tô Thanh Chiêu, một đại đội trưởng thuộc TĐ.4 tử trận cùng lúc với Thiếu Tá Nam). Các anh sẽ được đưa vào nhà xác Đà Nẵng.

Theo sau 3 poncho “bọc thây” là các thương binh, đầu tiên là Đại Tá Nguyễn Thế Lương, lữ đoàn trưởng LĐ.147 được các y tá dìu xuồng cầu tầu, ông bị thương ở chân nên di chuyển rất khó khăn. Sau ông là 2 bác sĩ Rậu và Khoa cùng các y tá đi cùng với các anh em bị thương, người được đồng đội dìu, người được khiêng cáng, có tất cả khoảng hơn 100 thương binh. Tôi nhanh chóng phân loại và đưa anh em lên đoàn xe tải thương để chuyển về bệnh viện dã chiến TQLC trong căn cứ Non Nước. Sau hết là mấy trăm binh sĩ thuộc đủ mọi tiểu đoàn đã bị “kẹt” tại bờ biển Thuận An. Trông các anh mệt mỏi bơ phờ nhưng ánh mắt rực lên sự tức giận.


Thủy Quân Lục Chiến tại biển Thuận An, Huế (Hình)

Tất cả mọi thành phần trên chiếc LCM này được chở về căn cứ Non Nước và tôi được biết đây là chiếc tàu duy nhất chở anh em TQLC bị kẹt tại bờ biển Thuận An trở về Đà Nẵng. Cảm khái trước sự hy sinh cao cả của 3 đồng đội tôi đã gặp trên cầu tầu, mà trong thâm tâm, tôi nghĩ sự hy sinh của anh em có phần oan uổng nên tôi làm một bài thơ để kính tặng các anh:

“Anh nằm đây vô tư không mộng mị,
Nợ non sông anh mới trả hôm qua.
Anh ra đi khi nước nhà nghiêng ngả,
Chúng tôi còn, mang nặng hận núi sông,
Tôi với anh, những người chưa quen biết,
Đưa tay chào lòng đau mãi khôn nguôi!”


Chiến tranh như một cơn bão lửa tàn phá tất cả, nhưng rồi lửa cũng phải tàn, cuộc binh đao rồi cũng qua đi, nhưng những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra sẽ còn tồn tại mãi theo dòng lịch sử. Chiến đấu bảo vệ quê hương của quân nhân là việc hệ trọng, đó không phải là một “ván cờ” mà binh sĩ không phải là những quân cờ để người chỉ huy, người chơi cờ thí tốt bắt xe! Bắt xe không được thì xóa bàn làm lại!

Gần đây trong hồi ký của một vị tướng, ông đã dùng câu văn của một tác giả người Ý để ám chỉ chiến tranh Việt Nam như ván cờ mà ông quên chính ông là người cũng có phần trách nhiệm không nhỏ đối với những “con tốt” đã bị thí oan uổng!

Một người lính nằm xuống sẽ kéo theo tang tóc cho hằng trăm người liên hệ. Trong 20 năm của cuộc chiến VN, chỉ tính riêng quân đội của cả 2 bên Nam Bắc đã có tới gần 2 triệu tử sĩ! Hậu quả của cuộc chiến vẫn còn đến bây giờ và sẽ còn tồn tại vài thế hệ nữa. Một ngàn năm sau, nếu nước Việt vẫn còn, chưa bị Trung Cộng tiêu diệt thì người Việt Nam sẽ nhỏ lệ đau buồn khi đọc đến những trang sử của cuộc chiến này.

Phải chăng chúng ta mất nước chỉ vì có những cấp, tuy mang danh chỉ huy, lãnh đạo, nhưng lại mải mê “chơi cờ” mà quên đi lời dạy của Đức Trần Hưng Đạo: “Nếu có giặc đến thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được giáp giặc? Mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu?”

Ngày nay, khi đã “bình chân như vại” tại hải ngoại, đọc lại hồi ký của những Mũ Xanh còn sống sót tại bãi biển Thuận An năm xưa, hồi tưởng lại những gì mà các anh em thương binh mà tôi đã đón và săn sóc ngày 26 tháng 3, 1975 thuật lại và kết hợp với những gì mắt thấy tai nghe khi tôi còn phục vụ ở Đại Đội Quân Y LĐ.258 trên đèo Phước Tường, tôi có vài thắc mắc nêu lên với mục đích hoàn toàn mong ước lịch sử được sáng tỏ mà không hề có ý phỉ báng hay chỉ trích một cá nhân nào.

Tại sao Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I không rút quân theo đội hình từ Huế về đèo Hải Vân (ĐN) trên QL1? Vào thời điểm của cuộc rút quân, đoạn đường này còn được bảo vệ bởi Liên Đoàn 5/BĐQ, Lữ Đoàn 258/TQLC và LĐ 468/TQLC? Cả đoạn đường dài vẫn an toàn ngoại trừ một vài cái chốt nhỏ cấp Trung đội như tại địa điểm cầu Đá Bạc. Những chốt này không đáng quan tâm đối với TQLC và LĐ.1 Kỵ Binh.

Nếu giới chức có thẩm quyền BTL/QĐ/TP rút quân theo đội hình trên QL.1 thì quý vị ấy chắc chắn đã mang về Đà Nẵng, không những LĐ147/ TQLC mà còn có SĐ.1/BB, LĐ.1/KB, LĐ 14-15/BĐQ và các tiểu đoàn Pháo Binh. Đây là những đơn vị hàng đầu của QLVNCH và nếu được như thế thì hẳn cuộc chiến tại QK I sẽ thay đổi hay cũng tránh được thiệt hại lớn, nhất là đối với các TQLC dọc theo bờ biển Thuận An.

Tối 24 tháng 3, 1975, Bộ Tư Lệnh TP/QĐI ra lệnh cho LĐ.147, trang bị nhẹ, đoạn chiến với những Sư đoàn của CSBV để di chuyển về tập trung tại cửa biển Thuận An, nhưng QĐ đã không chuẩn bị và sử dụng những phương tiện có sẵn trong tay như Quân Vận, Công Binh và Hải Quân để yểm trợ cho LĐ.147/TQLC. Quân Đoàn có nghĩ đến khả năng truy kích của những Sư đoàn CSBV không?

Vùng bãi biển Thuận An là một bãi cát trống trải bao quanh tứ bề là nước và nước! Phía trước là biển Đông, phía sau là Phá Tam Giang, đầm Thanh Lâm, đầm Hà Trung, phía Bắc là cửa Thuận An, phía Nam là cửa Tư Hiền. Vùng biển nước này được bảo vệ bởi 2 duyên đoàn và một giang đoàn, những đơn vị này đã rút đi trước khi LĐ.147 tới cửa Thuận An. Ai đã ra lệnh cho họ rút đi? Bởi vì nếu các đơn vị này còn hiện diện tại vùng trách nhiệm thì quân truy kích của CSBV không thể nào vượt qua được Phá Tam Giang và cửa Thuận An để bao vây và tấn công LĐ 147/TQLC.

Sáng 25 tháng 3, 1975, trong khi LĐ.147 dừng quân tại bãi biển, trật tự an ninh còn tốt vì quân truy kích CS chưa tới trong khi đó thì ngoài khơi có chiếc LST 801 và một đoàn 5 chiếc LCM nhưng không có một chiếc tầu nào vào đón TQLC! Lý do?

Chỉ huy là tiên liệu, nếu nói rằng LST 801 không vào sát bờ được để đón TQLC thì tại sao lại không dùng những tàu nhỏ hơn có khả năng vào sát bờ? Và còn những LCM thì sao? Rồi sau đó thì ai ra lệnh cho những tầu này bỏ đi, xuôi Nam? Theo nguyên tắc chỉ huy thì những đơn vị này chỉ nhận lệnh trực tiếp từ BTL Hải Quân vùng I Duyên Hải hoặc BTL/QĐI mà thôi.

Đêm tối 25 tháng 3, 1975, quân truy kích của CSBV đã tới, phía Bắc chúng vượt qua cửa Thuận An, phía Tây qua bến phà Tân Mỹ, vượt phá Tam Giang, chiếm các đồi cao, bao vây LĐ.147/TQLC. Chúng được trang bị hùng hậu, đủ mọi loại vũ khí từ đại bác không giật 75 ly, súng cối 61 và 82 ly, hỏa tiễn tầm nhiệt AT.3, v.v… Trong khi anh em TQLC chỉ còn súng cá nhân M.16 trong tình trạng thiếu đạn, thiếu nước thiếu lương thực, thiếu tất cả để chống trả và chuyện gì đã xẩy ra chắc không cần phải nói thêm làm chi cho đau lòng. Cuộc “tàn sát” kéo dài từ chiếu tối 25 tháng 3 cho tới rạng sáng 27 tháng 3 thì toàn bộ Lữ Đoàn 147 còn lại bị chúng bắt!

Điều đặc biệt khó hiểu là suốt trong thời gian chiến đấu trong tuyệt vọng này, anh em TQLC không hề được tiếp tế đạn dược và lương thực! Không hề được yểm trợ hỏa lực nào của hải pháo và không yểm? Trong khi đó thì “tầu cỡi ngựa xem hoa” ngoài khơi và trực thăng, A.37, thì… đã bay về trời! Đã bay đi trước khi địch đến.

Nên nhớ rằng vào thời điểm này HQ và KQ vẫn còn nguyên vẹn và người có thẩm quyền ra lệnh cho các đơn vị này thi hành nhiệm vụ là giới chức cao cấp BTL Quân Đoàn, là của tư lệnh HQ Vùng I Duyên Hải, là của tư lệnh SĐ.1 KQ chứ không phải các cấp chỉ huy của TQLC, một lực lượng tăng phái. Xin quý tư lệnh Tiền Phương, Không Quân, Hải Quân Vùng I giải thích sự kiện kỳ cục này.

Sau khi Đại Tá Nguyễn Thế Lương, LĐT/LĐ.147, bị thương, Thiếu Tá Phạm Cang TĐT/TĐ7được đề cử xử lý thường vụ LĐT/LĐ.147 (và sau cùng Th/Tá Cang bị VC bắt) đã ghi lại chi tiết mọi diễn biến trong thời gian LĐ kẹt trên bãi biển Thuận An, xin trích:

“Đây là một trận chiến vô cùng phức tạp chưa từng thấy trong chiến tranh. Không phòng tuyến rõ ràng, số người dân và các đơn vị bạn di chuyển theo TQLC quá đông, không phân biệt được ai là bạn ai là địch, mỗi khi nghe súng nổ thì họ chạy hỗn loạn, gây khó khăn cho TQLC. Một khu vực chưa đầy một cây số vuông nhưng hơn 3,000 người trong đó. Khi TĐ.7 đưa M.113 lên tấn công thì địch pháo kích, tôi bị thương vì mảnh 82, tuy nhiên TĐ.7 đã chiếm được một số cao điểm nhằm giữ an toàn cho phía mặt biển để Lữ Đoàn dùng làm bãi đáp hầu thực hiện kế hoạch Alpha, rút quân bằng Hải Quân VN vào lúc 12 giờ đêm.
Kế hoạch xuống tàu theo thứ tự như sau: BCH/LĐ + TĐ.2PB, TĐ.4, TĐ.3, TĐ.5 và cuối cùng là TĐ.7.

Đêm 14 âm lịch, trăng sáng vằng vặc, không gian đắm chìm trong không khí vô cùng ngột ngạt, mọi người đang chờ đợi, không nghe một tiếng động hay chỉ vì tiếng sóng gầm thét át tiếng người.

Như kế hoạch Alpha đã vạch ra, 12 giờ đêm đã điểm, rồi 1 giờ, 3 giờ sáng… các con tàu vẫn không vào bờ (!). Xa xa ngoài khơi ánh đèn tàu vẫn còn đó nhưng mọi vật như bất động. Trong đêm, địch đã vượt cửa Thuận An, tăng cường quân số quyết tấn công LĐ.147 và ngăn không cho xuống tàu. Vì thế vào lúc 8 giờ sáng 26 tháng 3, một LCM vào đón thương binh và BCH/LĐ thì địch đã sử dụng hỏa tiễn tầm nhiệt và đại bác 12.7 tác xạ vào điểm tập trung và tàu HQ nên tàu phải rút ra, đem theo được một số thương binh. Đây là chiếc tàu duy nhất bất ngờ cập bờ và cũng vội vàng xa bờ!

Nếu đêm qua (25 tháng 3) kế hoạch Alpha được thi hành thì ít nhất một nửa Lữ Đoàn có thể thoát khỏi khu vực này để lên tàu. Nhưng không rõ vì LÝ DO gì mà không thực hiện được?” (MX Pham Cang, Tuyển tập 21 năm chiến trận của TQLC).

Một thiếu tá tiểu đoàn trưởng mà còn “không rõ vì lý do gì” mà tàu HQ không vào đón như kế hoạch Alpha đã đề ra thì một người lính chuyên môn như tôi làm sao hiểu nổi lý do! Nhưng với một căn bản quân sự sơ đăng tôi hiểu rằng nếu chờ tới sáng, mục tiêu rõ ràng và địch quân đã được tăng cường, đã “thế bắn nằm thủ thế,” hướng hỏa tiễn vào tàu thì coi như “vô kế khả thi,” rút đi là phải, để lại pháp trường cát!

Ngày 27 tháng 3, 1975 là ngày kết thúc LĐ.147/TQLC một cách đau thương! Số phận của SĐ.1/BB, LĐ.1 Thiết Kỵ, LĐ.14/ BĐQ và các lực lượng ĐPQ+NQ phía Bắc đèo Hải Vân chắc chắn cũng không khá hơn!

Như vậy chỉ trong vòng hai ngày, cả một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất Quân Khu I đã bị tan rã một cách vô lý khó hiểu.

Pháp trường cát, theo định nghĩa, là nơi người bị bắn bị trói tay, bịt miệng bịt mắt để toán hành quyết bắn mà những người đứng xem không có một hành động can thiệp nào. Cái pháp trường cát này, năm xưa ông Tướng NCK đã lập ra tại trung tâm thành phố Sài Gòn để xử bắn một tên gian thương làm hại đất nước. Cái pháp trường cát đó cả nước đều biết nhưng rất nhiều người Miền Nam Tự Do đã không biết có một pháp trường cát thứ hai tại một bãi cát xa xăm vùng địa đầu giới tuyến vào tháng 3 năm 1975 mang tên “Bãi Biển Thuận An.”

Trong những ngày cuối cùng của “Tháng Ba Gãy Súng” đau buồn ấy, người bị đưa ra pháp trường cát đẫm máu này không phải là tội phạm mà trái lại, lại là những đứa con ngoan của mẹ Việt Nam. Những đứa con này đã bỏ gia đình, bỏ tuổi thanh xuân đầy mộng đẹp, bỏ ăn bỏ ngủ để ngày đêm chiến đấu bảo vệ Miền Nam Tự Do trong suốt 20 năm dài. Những người này là hằng ngàn TQLC của Lữ Đoàn 147/TQLC thuộc các TĐ 3, 4, 5, 7 và TĐ.2/PB.
Ai là người đã đem họ ra pháp trường cát này?

“Bến Tân-Mỹ phà xưa không trở lại,
Đầm Hà-Trung lặng lẽ tiễn anh qua.
Phá Tam-Giang sao muôn đời sầu thảm,
Máu Thủy-Thần nhuộm đỏ sóng Thuận An!”


Tôi viết đoạn hồi ký này để kính tặng các đồng đội TQLC cũng như các anh BB, các anh hùng đơn vị bạn đã bị hy sinh oan uổng trên bờ biển Thuận An. Ước mong linh hồn các anh được thanh thản nơi cửa Phật hoặc đất Chúa.

Người xưa có nói “nhất tướng công thành vạn cốt khô”! Vậy thì những ông… không thành công thì cần bao nhiêu vạn cốt khô?

Để kết thúc những ngổn ngang tâm sự, những câu hỏi không, chưa có người trả lời, tôi xin ghi lại, cũng tâm sự của một người lính mũ xanh, hiện còn ở trong nước, tháng 3 năm xưa đã cùng đồng đội ngồi lại trên bãi cát bên bờ biển Đông để cùng rút chốt, chia nhau một trái lựu đạn! Nhưng anh đã kém may mắn hơn đồng đội, đành lê kiếp sống tàn tạ như người xa lạ trên chính quê hương mình. MX Đoàn Văn Tuấn viết:

“Một mùa đại giỗ nữa của gia đình anh em Mũ Xanh lại đến. Đã trên bao năm trôi qua mà sao vẫn nhớ mãi cái cảnh những người lớn chơi trò trẻ con! Họ ngồi quây quần bên nhau, úp lá khoai môn lên trái mãng cầu. Những lời bình thản:

“Ê, từ từ đã mày, chờ thằng Toàn đang chạy đến tham gia kia kìa.”

Rồi sau đó… “bùm”!!!

Trời ơi! Đó là thực tế của bạn bè anh em chúng tôi, những người lính Mũ Xanh kiêu hùng nhưng họ đã phải đi nhặt những viên đạn để chống trả với quân thù! Dùng hàm răng làm vũ khí và sau cùng thì đành trở về với tuổi thơ, ngồi xúm lại trên bãi cát trắng bờ biển Thuận An miền Trung thơ mộng. Trời vẫn xanh, biển vẫn rì rào lời mời gọi. Đường về! Ôi quá xa.

“Bùm,” những thân người đổ vật ra! Anh em ta đã về nhà, về với đất mẹ thân yêu. Một thực tế mà trên thế giới ít một nước nào có. Sự tự sát tập thể không khác gì với những huyền thoại của những người võ sĩ đạo của xứ Phù-Tang. Tinh thần bất khuất ấy vẫn sống mãi trong ký ức những người còn lại.

Hôm nay ngồi đây, tôi viết những dòng này gửi đến các anh, đến bạn bè, những người lính MX năm xưa để chúng ta cùng cúi đầu dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã nằm xuống tháng 3, tháng gió lớn của gia đình Mũ Xanh.

https://hung-viet.org/images/file/YTUJEjVj0wgBALpw/bacsiphamvanluong.jpg

MX Phạm Vũ Bằng

Nguồn: https://hung-viet.org/p19a20765/bo-bien-thuan-an-phap-truong-cat



https://i870.photobucket.com/albums/ab261/mayman11/marine%20.jpg

No comments:

Post a Comment