Friday, May 28, 2021

I và Y sau ngày 30/4/75

 




I và Y - Trước và Sau 1975


HỒNG ĐỨC

Ngay sau ngày 30/4/75, tất cả thầy trò miền Nam đều ngạc nhiên trước một sự kiện và đa số lại thích thú với sự kiện này: sự kiện thay tất cả những chữ “y” bằng “i” nếu không gây đổi âm. Ví dụ “nước Mĩ, Hoa Kì, mĩ thuật, í kiến” và “li thủy tinh, quí vị, tí toáy”.

Ngày nay có một số người vẫn tưởng rằng hồi đó người ta cho thay tất cả “y” bằng “i” kể cả “Thúy” thành “Thúi”. Xin thưa ngay để mọi người rõ rằng cái lỗi thô thiển đó không thể có dù cho những người làm giáo dục ở bất cứ đâu trong bất kỳ thời nào có dốt đến đâu đi nữa. Nó vô lý. Người ta đã chỉ thay khi nào có thể thay mà thôi. Và người ta có cái lý của người ta.

Sau này kiểu “chơi” như thế đã không còn nữa và thậm chí bị sửa lại bằng một nghị định gì đó của bộ Giáo Dục Và Đào Tạo Việt Nam: Bộ này yêu cầu không được viết “qui” mà phải sửa thành “quy” và Hoàng Phê với Vũ Xuân Lương có “quy tắc” sau:[1]

“Nhất loạt viết khuôn vần /-i/ bằng I (trừ tên riêng) trong các âm tiết H-, K-, L-, M-, T- (nhất loạt viết HI, KI, LI, MI, TI, giống như viết BI, CHI, DI, v.v.; không nên viết HY, KY, LY, MY, TY, cũng như không ai viết BI thành BY, CHI thành CHY, v.v.)”

Nhưng uy tín của Hoàng Phê và Vũ Xuân Lương không biết đến đâu mà trên báo chí và sách vở trong nước vẫn thấy “mỹ thuật”, “ký sự”, “lý tưởng”, “hy vọng”... tức là “y” vẫn tùy hứng xuất hiện.[2]

Còn ở các trung tâm Việt Ngữ hải ngoại bây giờ, dựa vào cuốn “Việt Nam Tự Điển” của hội “Khai Trí Tiến Đức” in năm 1931 ở Hà Nội và các hội nghị chính tả của Miền Nam những năm 1950 và 70, người ta lại kêu gọi sử dụng lại cái ý tưởng viết toàn bộ âm [i] bằng “i”.

Và ngày trước, học sinh trung học ở Sài Gòn học chính tả ra sao? Hãy xem quan điểm rất thoáng của nhà văn và nhà giáo Thế Uyên[3] khi ông dạy cho học sinh lớp 6:[4]

“Cách phân biệt I và Y

Hai nguyên âm này đã gây ra rất nhiều tranh luận trong mấy chục năm gần đây. Xét về phương diện chính tả, có ba trường hợp chính cần để ý:

* I và Y thay cho nhau được: quíquý, vịvỵ...

* I và Y thay cho nhau được, nhưng thói tục không chấp nhận: iêuyêu, iênyên.

* I và Y không thay nhau được vì làm thay đổi cách phát âm cùng nghĩa của chữ: tay (tay chân) và tai (tai mũi), hai (số hai) và hay (truyện hay)...

Trong khi chờ đợi cơ quan thẩm quyền công bố các quy tắc sử dụng hai nguyên âm này, về phương diện chính tả, ta cần nhớ rằng chỉ có thể bỏ qua trường hợp đầu mà thôi. Hai trường hợp sau, nếu dùng lầm, là kể như có lỗi.

Qui tắc hướng dẫn: ít khi I được dùng làm chữ cái đầu tiên của một chữ.”

Đã từng có quan điểm của một số nhà ngữ âm cho rằng “y” đóng vai trò “bán nguyên âm” chứ không phải “nguyên âm thuần túy”. Quan niệm này có được có thể vì những nhà ngữ âm đó thấy ở chữ Anh, Pháp gì đó, mẫu tự “y” thường là một bán âm: như “yes”, “you”, “yeux”, “yaourt”... bèn “nhập khẩu” vào tiếng Việt và kết luận chắc như đinh đóng cột: “y” là bán âm. Rồi họ không cho viết “ly kỳ” nữa vì trong đó không có nguyên âm.

Họ quên mất rằng khi ở cuối chữ, “y” tiếng Anh lại là nguyên âm: “wrongly”, “silly”, “fuzzy”, thậm chí trong “Y a-t-il” của tiếng Pháp chẳng hạn, “y” cũng là nguyên âm mang âm [i] rất cứng. Và trong từ “physics/physique” thì “y” của vần chính là bán nguyên âm chắc? Cần biết rằng bán nguyên âm “y” có cách phát âm [j] tương đương âm của chữ “d” của người Miền Nam.

Lối phiên âm chữ “you” của Anh thành “iu” hoàn toàn là sản phẩm của những người sống sau bức màn sắt, chưa hề một lần được nghe tiếng nước ngoài. (Nếu dùng chữ Việt để phiên âm, nó phải bắt đầu bằng “d” chứ không phải bằng “i”. Nhưng khốn thay sau bức màn sắt “d”, “gi” và cả “r” lại được phát âm cùng một cách là [z]: Zời ôi, xong zồi, zễ zàng. Thế nên nếu phiên là “du” thì họ đọc thành “zu” là cái sở thú mất.[5])

Ngay trong tiếng Việt, chữ “yêu” phải đọc là “iêu”, phần đầu của tiếng có cách phát âm giống hệt “im” hay “ỉa” (xin lỗi không tìm được ví dụ khác), chứ không hề đọc là [jêu] (là âm của chữ  “dêu”) hay [jiêu] (là âm của “diêu”). Suy ra “y” = “i”. Trong chữ “tay” hay “tuy”, “y” vẫn có âm [i], nó là nguyên âm.

Vậy cái lý không được viết vần đơn “y” vì nó là bán nguyên âm đã rõ ràng là phi lý.

Và hình như trong khi tạo dựng bộ ký tự để phiên âm tiếng Việt, tiền nhân đã không hề sử dụng tới khái niệm bán nguyên âm. Thế nên tiếng Việt ngày nay có 12 chữ nguyên âm (trong đó có “y”, dĩ nhiên). Tiền nhân đã chỉ có một qui ước là bên cạnh thuộc tính âm của nó là [i], “y” còn làm nguyên âm phía trước ngắn lại: nguyên âm nào có “y” phía sau thì sẽ ngắn lại, hơi gắt một chút.

Ví dụ: Nếu bảo “ă” là “a ngắn” (hay như giáo sư Lê Ngọc Trụ gọi là “a gắt”), và bảo “w” là “u ngắn” (ngắn đến độ trở thành bán nguyên âm), ta có:

tay = tăi; loay hoay = loăi hoăi; quay = quăi

túy lúy = twí lwí

Trường hợp “ây”:

“â” chính là “ơ ngắn”. Lẽ ra phải viết “ơy” thì tiền nhân lại viết “ây”. Thành ra “cây” đúng ra phải viết là “cơy” hoặc “câi”

Cũng có thể giải thích việc “y” đi sau “â” nhưng không làm “â” ngắn lại là vì “â” vốn ngắn rồi, “y” không còn tác dụng nữa. Vậy “ây” = “âi”: “quấy” = “quấi” (mới nhìn thì thấy hơi chướng mắt), khác với “quới”.

Đến đây người viết chợt nhớ tới một ý kiến phản bác nhận định của học giả An Chi “ă” và “â” là “a ngắn” và “ơ ngắn”. Ý phản bác đó hỏi rằng nếu đã viết được là “tăi” thì tại sao lại còn đẻ ra “tay”... Mới đọc kẻ hèn này cũng hơi ngỡ ngàng, ừ nhỉ... Nhưng đây lại là một kiểu nghĩ “lấy thúng úp voi”, hệ thống kí hiệu trong lãnh vực nào cũng có trường hợp nhiều ký hiệu dùng để chỉ cùng một hiện tượng. Lấy ví dụ hệ thống ký âm âm nhạc, dấu sol thăng và dấu la giáng là hai dấu để chỉ cùng một cao độ trên cây đàn piano. Nếu không hiểu gì về nhạc pháp thì bảo những người tạo ra ký âm pháp là điên hay dốt gì đó. Có biết đâu người ta ghi lúc này lúc khác là để người đọc dễ nhận ra cung nhạc khi diễn tấu. Trong lãnh vực chính tả Việt Ngữ, có thể trước đây tiền nhân đã có ý đồ gì đó nhưng sau không khai triển nên bỏ qua[6], chỉ dùng một kiểu phiên là đủ. Như chữ “quả” có thể viết là “cỏa”, chữ “cười” viết là “kười”, hoặc như “phương pháp” viết là “fương fáp” vẫn được nhưng nay chúng ta chỉ dùng có một kiểu đó thôi.

Trở lại với qui ước “y làm nguyên âm phía trước ngắn lại”: điều này dẫn tới hai hệ lụy:

(1) Chỉ viết “y” nếu muốn làm nguyên âm trước nó ngắn lại. Suy ra không dùng “y” khi không cần thiết. Và kết quả là: iêu nhau, iến tiệc, iểu điệu, chim iểng, iết hầu, iêng hùng, iếm thế, iểm trợ, Iên Thế (phải phiên như vậy vì chữ Quốc Ngữ có sau tên này), đê Iên Phụ, iên ngựa, i học, nước Í, í kiến, ỉ lại, Ỉ Thiên Kiếm, thế ỉ dốc, kí sự, li kì, quí vị (qu+í chứ không phải q+úi)...

(2) Muốn làm nguyên âm trước âm [i] ngắn lại thì viết âm [i] đó bằng “y”. Suy ra khi “y” đứng một mình thì nó không làm cái gì ngắn lại cả, và vẫn là âm [i]. Và kết quả là tùy hứng, như hiện nay.

Ngày nay có vẻ người ta thích khuynh hướng thứ hai hơn. Tại sao lại như vậy? Xin thưa, rõ ràng dùng “y” tự do thì họ có thể nói được nhiều điều qua qui ước chính tả riêng, rồi dần thành trường phái, rồi có thể trở thành qui ước chung, hợp với mong muốn của con người là mọi sự trở nên chính xác hơn, đẹp hơn và tiện lợi hơn. Viết “yêu” là vì đầu từ có một chữ dài thì trông vừa mắt hơn, viết “y phục” để bảo rằng đây là chữ Hán Việt, khác với “i hệt” là từ thuần Việt, “ỉ ôi” khác với “ỷ lại”, “một bút ký” khác với “một kí (lô) bút”, “tỷ lệ” khác “tỉ đồng”, “lý do” khác “lí ngựa ô” và “lí lắc”. Và họ viết “quý” vì “y” hợp qui tắc Hán Việt của họ hơn.

Nhưng họ vẫn viết “bỉ nhân”, “bỉ ổi” “nước  Bỉ” chứ không viết “bỷ”; viết “dĩ nhiên”, “Dĩ An”, chứ không viết “Dỹ”, tức là lại áp dụng luật thuần “i” sau các phụ âm “b”, “ch”, “d”, “đ”, “gh”, “kh”, “n”, “nh”, “ph”, “r”, “th”, “tr”, “x”.

Xét đến đây thì phải nói Vũ Xuân Lương dù gì cũng đã đúng trong qui tắc về “i” và “y” đơn âm, xin trích:

“Khi “I” đứng một mình làm thành một chữ (hoặc một âm tiết), thì: nếu là chữ Hán-Việt, nên viết “Y”, chắng hạn viết Y KHOA, Ỷ THẾ, Ý KIẾN, ..., không viết I KHOA... Í KIẾN...; nếu là chữ thuần Việt, nên viết “I”, chẳng hạn viết Ỉ EO, Í ỚI... không viêt Ỷ EO, Ý ỚI...”

Thế nhưng khi cho viết “ý kiến”, “y khoa”, chắc chắn Vũ Xuân Lương không đặt vấn đề “bán nguyên âm” đối với “y”. Mà ở đây rõ ràng là để phân biệt một cái gì đó khác hơn là âm. Cũng trong cái ý muốn phân biệt này mà người ta viết “ngựa hí” và “hý lộng quỷ thần” vân vân. Chỉ tiếc là sao Vũ Xuân Lương lại không thấy cái khuynh hướng muốn phân biệt Hán Việt với Việt thuần khi người ta viết “kĩ” hay “kỹ”, “mĩ” hay “mỹ”... Đã mở lối được cho một chữ sao không mở luôn cho hai chữ để trả sự phong phú của tiếng Việt lại như cũ.

Người ta không viết “thy sỹ” hay “phy đạo” là vì từ xưa đến giờ tự điển viết khác, nên người ta không dám đó thôi. Những gì còn để ngỏ thì người ta tận dụng theo lí lẽ riêng của người ta.

Đó là các thói quen và qui tắc chính tả cũ mới.

Nhận xét về cách dùng “i” và “y” xưa nay vẫn gặp:

- Trường hợp không có phụ âm đầu: Đúng là “y” dùng cho chữ Hán Việt: ý kiến, ỷ lại, Ý Đại Lợi, Y Nhã... Còn “i” dùng cho chữ không phải Hán Việt: I-nha-xiô, I-nê, i hệt, sức ì, ì xèo, í ẹ, í ới, lợn ỉ, ỉ ôi, đi ị...

- Với những phụ âm đầu là “b, ch, d, đ, g, gh, kh, n, ngh, nh, p, ph, r, th, tr, x,” thì không thấy ai dùng “y” dù cho có là chữ Hán Việt hay không. Các chữ lấy làm ví dụ dưới đây chỉ là tiêu biểu cho mỗi loại nghĩa của chúng.

B:        hòn bi, bi ai, bi-da, bi ký, chì bì, phân bì, bì heo, li bì, bí mật, bí lối, quả bí, bỉ ổi, bỉ nhân, nước Bỉ, bĩ cực thái lai, cái bị, bị thương, quai bị, thủ bị, chuẩn bị.

Ch:        chi tiết, cái chi, chi tiêu, nhân chi sơ, địa chi, chì, chì (giỏi), chì bì, chí khí, con chí, chí tôn, sợi chỉ, đình chỉ, chỉ một, chỉ trỏ, chiếu chỉ, chăm chỉ, chị em.

D:        di chuyển, du di, sa-di, di chúc, dì cháu, dủ dỉ dù dì, dí dỏm, dú dí, dủ dỉ dù dì, dĩ lỡ, dĩ nhiên, dạn dĩ, Dĩ An, dị thường, giản dị.

Đ:        đi đứng, đì (đè), đù đì, đì đùng, đĩ thõa.

G:        chim gi đá, cái gì, gỉ (rỉ) sét.

Gh:        ghi chú, ghi-đông, Tân Ghi-nê, ghì chặt, ghị lại.

Kh:        khi dễ, khi nào, cười khì, không khí, vũ khí, khí tiết, con khỉ, Cửu trùng án kiếm khỉ đương tịch, dụ khị.

N:        cái ni, Ni-tơ, Ni-giê-ri-a, ni cô, ni tấc, mũ ni, nằn nì, nì (nè), nỉ, năn nỉ, nị, cà-ri-nị, tí nị.

Ngh:        nghi ngờ, dung nghi, uy nghi, đền nghì, nghỉ ngơi, nghỉ (hắn), nghĩ ngợi, nghị lực.

Nh:        nhi đồng, Ô Mã Nhi, kính nhi viễn chi, nhì, nhì nhằng, lí nhí, nhí nhảnh, ừ nhỉ, tâm nhĩ, nhị, Nhị Hà, đàn nhị, tế nhị, nước mắm nhĩ.

P:        số pi, Pi-ta-go, tả-pí-lù.

Ph:        phi lý, phi cơ, phương phi, hoàng phi, béo phì, phì phèo, Hoàng Su Phì, phí phạm, phí tổn, thổ phỉ, phỉ báng, phỉ phui, béo phị.

R:        như ri, gà ri, Rù Rì, rì rào, rì rầm, Phan Rí, rò rỉ, rỉ tai, hoen rỉ, rỉ rả, rầu rĩ, rầm rĩ, rị mọ, bí rị, rị (giữ = ghị).

Th:        thi ca, thi cử, thi hài, thi hành, thì, thì giờ, thì thầm, thì thọt, thì thào, bố thí, thí sinh, thí mạng, thủ thỉ, thỉ (mũi tên), thị lực, thị oai, thị vệ.

Tr:        tri thức, tri phủ, Na-tri, tu trì, trì kéo, trì trệ, (ao), trí thức, trí trá, bệnh trĩ, chim trĩ, trị, thịnh trị.

X:        xi mạ, ba xi đế, Phan-xi-cô, công-xi heo, xi em bé, trét xi, xù xì, xì hơi, xầm xì, lì xì, xí được, ba xí ba tú, nhà xí, xí xọn, xấu xí, xí-mại, dương xỉ, xỉ (răng), xỉ quặng, xị rượu, xá-xị, bí xị, (nhưng ô-xy, nên sửa lại là ô-xi, hay giữ nguyên oxy)

Nhưng khi bắt đầu bằng “s, v, k, l, h, m, t, qu” thì những chữ Hán Việt thường được viết với “y” và vẫn có một số chữ lấn cấn:

S:        ca sỹ, sỹ diện, hạ sỹ, sỹ phu, Sỹ Nhiếp: cây si, si mê, đen sì, sỉ nhục, sĩ diện, ca sĩ, sĩ quan, sĩ phu, Sĩ Nhiếp.<

V:        tường vy, vỹ nhân, vỹ tuyến, long vỹ; vi vu, ti-vi, vi cá, bởi vì, trị vì, làm vì, yêu vì, ví von, cái ví, cái vỉ, van vỉ, vĩ tuyến, vĩ nhân, vị tha, vị tất, vị giác, thiên vị, quý vị, vi lượng, hành vi, vô vi, tường vi, chu vi.

K:        phổ ky, cầm kỳ, quốc kỳ, ký danh, ký sinh, kỷ niệm, ích kỷ, kỷ hà, kỷ luật, thế kỷ, Kỷ Hiểu Lam, Đắc Kỷ, kỹ sư, kỹ nữ, kỵ mã, đố kỵ; Ki-tô, cái ki, ki bo, cu ki, tàu hũ ki, cầu Băng Ki, kì cục, kì ghét, cực kì, kì đà, kí lô, kí đầu, kí-ninh, kỉ trà, kĩ lưỡng, kị giỗ, kiêng kị.

L:        biệt ly, hải ly, Hồ Quý Ly, lý thuyết, hải lý, lý tưởng, huyện lỵ; thác Cam Li, I-ta-li, cái li, li tấc, lì lợm, lì xì, lí lẽ, lí lắc, lí con sáo, liên lỉ, kiết lị, xá lị.

H:        Hy Mã Lạp Sơn, hy vọng, hy hữu, hy tế, hý viện, hoan hỷ, Tự quân chi xuất hỹ Hi-ma-lay-a, hi-drô, hi hi, hì hì, ngựa hí, hỉ mũi, hỉ hả, hỉ (hả) hậu hĩ, xảo ngôn lệnh sắc thiển nhân.

M:        mỹ thuật, nga my, nga mi, mi (mày), mi mắt, mi (hôn), lễ mi-sa, mì sợi, bánh mì, khoai mì, nhu mì, mí mắt, bật mí, tỉ mỉ, củ mỉ cù mì, mĩ miều, mĩ mãn ủy mị, lừa mị.

T:        ty học chánh, rượu ty, ty thể, nhị tỳ, tỳ kheo, đạo tỳ, tỳ bà, tuổi Tý, tỷ lệ, tỷ tỷ, tỵ nạn, tuổi Tỵ, tỵ khổng (lỗ mũi); ti tiện, cái tu ti, liền tù tì, tì (đồng), tí tẹo, cái tí, tò te tú tí, giả tỉ, một tỉ, tỉ như, tĩ (đít), tắc tị.

Qu:        quy tụ, kim quy, quy tắc, hải quỳ, quỳ hoa bảo điển, quý nhân, quỷ thần, thủ quỹ, quỹ đạo, quỵ lụy; bích qui, ắc-qui, con sâu qui (họ cuốn chiếu), quì gối, quí báu, quí (ba tháng), quỉ thần, quĩ đen, ngã quị, quị lụy.



Khi Vũ Xuân Lương nói “nhất loạt viết HI, KI, LI, MI, TI...”, quả nhiên là vì năm phụ âm đầu này có vấn đề về “y” và “i”. Nhìn lại bảng tổng hợp trên, trường hợp “sỹ” và “vy”, “vỹ” có vẻ như không thống nhất dùng “y” hay “i” khi là Hán Việt. Có vẻ như các nhà in và nhà xuất bản ngày trước đã sắp chữ sai trong hai trường hợp này. Còn lại đúng năm trường hợp Vũ Xuân Lương yêu cầu viết “i” thay “y”. Thực ra là sáu, phải kể cả “qu” vào nữa: Đã có những phân biệt khá rõ ràng (mặc dù vẫn có vài từ dùng lẫn lộn) trong cách dùng “y” với 6 phụ âm đầu “K, L, H, M T và Qu”: Đó là dùng “y” khi viết chữ Hán Việt, dùng “i” cho các chữ không phải “Hán Việt”.

Kể từ ngày ra cuốn tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức rồi các hội nghị chính tả ở Miền Nam nêu qui ước thống nhất thành “i” đến nay vẫn tồn tại những chữ “y” trong trường hợp riêng khá nhất quán (Hán Việt) chứng tỏ những người làm văn hóa đã và đang ra sức làm giàu thêm cho chữ Việt và vẫn đi theo cái khuynh hướng ban đầu của tiền nhân khi họ tạo ra bộ chữ Việt, mà hồi đó là sự phân biệt giữa “quốc” cho từ gốc Hán (quốc gia, quốc thể, quốc tế, liên hiệp quốc...), với “cuốc” cho các từ mang nghĩa khác (cuốc đất, chim cuốc, cuốc bộ...) của tiền nhân.

Còn việc tránh dùng “y” khi mang dấu nặng vì dấu nặng này bị che khuất cũng là một lý do khiến người ta chọn “i”. Nhưng lập luận như thế sẽ khiến tất cả thành “i” hết. Vì không lẽ viết “huyện lị” mà lại viết “phi lý”, phải là “phi lí” mới nhất quán. Kết quả là không cần phân biệt “y” đơn Hán Việt nữa. Cứ viết “i phục”, “í kiến”... như trên đã thấy. Nếu muốn phân biệt Hán với Việt thì giữ “y” còn nếu không thì trả tất cả về “i”.

Trái lại, có ý kiến cho rằng phải viết tất cả các chữ đơn âm [i] bằng “y” vì như thế mới đẹp và rõ ràng; chữ “i” chỉ có một nét, lại nhỏ bé, dễ gây ngộ nhận với một ký hiệu gì đó khác. Và lúc này ta có: y học, ỷ lại, ý ẹ, đi ỵ, ỳ ra đấy... Điều này cũng đưa tới kết quả bỏ hẳn phân biệt Hán và Việt.

Bất kỳ ý nào trong hai ý trên và kể cả ý của Vũ Xuân Lương (trong đề nghị “i” đi với phụ âm) cũng đưa đến hệ quả là cái nguồn gốc Hán của tiếng Việt dần dần được xóa khỏi những sản phẩm văn hóa của người Việt. Điều này xấu hay tốt chưa rõ (có lẽ phải tham khảo ý kiến những người làm công tác bảo tồn bảo tàng văn hóa) nhưng rõ ràng là công khó của cả một tầng lớp sĩ phu (hay sỹ phu) trong cả thế kỷ bỗng chốc ra tro.

Các trường Việt Ngữ ở hải ngoại đã chọn con đường dễ đi cho trẻ con học tiếng Việt (và dễ dạy cho thầy cô của chúng vốn cũng yếu về chính tả và ngữ nghĩa), nhưng lại không tính chuyện đường dài. Sau này khi các em lớn lên và đọc thấy “lý tưởng”, “kỹ sư”, “mỹ thuật” trong các tác phẩm văn học thay vì “lí tưởng”, “kĩ sư”, “mĩ thuật” thì cái cảm giác bất ngờ nó cũng giống như cảm giác của kẻ hèn này sau năm 1975 gặp trường hợp ngược lại. Hỏi có hiểu không thì đương nhiên là hiểu chứ vì ai mà chả biết “i” và “y” cùng âm [i]. Nhưng mà rồi cũng sẽ giống như kẻ hèn này bây giờ, đến lúc đó các em sẽ không chấp nhận và bảo rằng viết “y” là sai. Các em sẽ bảo nó sai về mặt nào thì không rõ, nhưng các em sẽ tìm ra nhiều lý do để bảo rằng nó sai: thẩm mỹ, ngữ âm gì đó chẳng hạn, hay vì trong từ điển không có, vân vân... Mà các em sẽ không biết rằng những người dùng tiếng Việt làm tiếng Mẹ Đẻ có cách phát triển di sản của cha ông một cách rất sáng tạo và tài tình. Đến khi biết ra thì các em sẽ mang nặng mặc cảm tự ti là mình đã đứng ra khỏi dòng văn hóa Việt, và mặc lấy cái cảm giác rằng mình đã trở thành một đứa con ghẻ của Mẹ Việt Nam. Hãy nghĩ lại và làm lại vì chúng ta là người đi trước, và vẫn còn kịp để mà sửa. Mà sửa cũng dễ: chép lại đoạn trích sách “Quốc Văn Lớp 6” của Thế Uyên trên đây, còn các thầy cô giáo thì nên trau giồi thêm vốn Hán Việt của mình.

Việc sửa cho tất cả âm [i] phải được viết bằng “i” nếu được áp dụng sẽ trở nên một tiền lệ tạo thói quen sửa chữ lại cho đúng âm, mặc kệ giá trị văn hóa hay lịch sử của chữ, tiền lệ này sẽ kéo theo việc phải viết tất cả “gi” thành “d” vì hai âm này có cùng cách phát âm (là [z] ở miền Bắc và [j] ở miền Nam). Rồi tương lai các chữ “r” cũng sẽ sửa thành “d” ở miền Bắc và thành “g” ở miền Nam...; Rồi nguyên âm kép “ay” sẽ biến thành “ây” hết... nhiều lắm lắm!

Lại nữa nếu cứ nhất định phải sửa quy tắc chính tả thì hãy bảo người Anh sửa chữ “receive” hay “believe” lại thành “receeve” và “beleeve” trước đã. Hay bảo họ bỏ chữ “p” trong “empty” đi vì nó đâu có mang âm gì. Còn nếu muốn giản tiện cho chữ Việt thì trước tiên cũng hãy bảo người Anh bỏ bớt chữ “masculine” đi, cứ thay bằng chữ “male” chứ để làm gì hai chữ khác nhau mang cùng nghĩa như vậy. Rõ ràng kiểu cải cách đang bàn chỉ là kiểu “phú quý thụt lùi”.

Nói đi thì phải nói lại: thực ra ở Mỹ, “colour, labour...” đã bị sửa thành “color, labor” và “centre, litre” thành “center, liter” làm cho chữ Anh và chữ Mỹ đã khác nhau chút đỉnh. Nhưng nếu muốn bắt chước Mỹ thì hãy xem kỹ lại hoàn cảnh và quá trình cải cách của Noah Webster hồi đầu thế kỷ XIX trước đã.

Để kết thúc những lan man về chuyện i ngắn i dài này, nhân sau khi xem qua trang diễn đàn của các em học sinh chuyên Vật Lý Việt Nam[7] bàn chuyện “vật lý” và “vật lí”, kẻ hèn này xin được nhắc lại là chính tả là quy ước xã hội, nó là một yếu tố đóng góp vào những đặc điểm văn hóa của dân tộc, và nó thuộc về bộ môn xã hội chứ không thuộc về khoa học như bộ môn ngữ âm hay âm vị học. Các quy ước chính tả chỉ được hình thành bởi người sử dụng chữ viết xuyên suốt theo bề dầy lịch sử của một dân tộc. Việc võ đoán áp đặt chính tả chỉ nói lên ý muốn “mặc đồng phục” cho mọi thứ của những người duy ý chí tôn thờ chủ nghĩa giáo điều, mà lịch sử đã chứng tỏ họ luôn làm sụp đổ các nền văn minh của nhân loại.



Hồng Đức

25/11/2007[8]

Tái bút:

Theo đuôi các ý tưởng viết lại chữ Việt xuất hiện rầm rộ gần đây (chữ Việt đa âm tiết, chữ Việt không dấu thanh,... và kể cả cái ý tưởng viết “ph” thành “f”, “c” thành “k” và “d” thành “z” đã có từ những năm 1920), kẻ hèn này cũng mày mò sáng chế và khẳng định rằng có thể bỏ hẳn “q”thay hẳn “y” bằng “i” trong mọi trường hợp mà không thêm gì vào hệ thống chữ Việt.

Như đã biết (xem các ký hiệu phiên âm quốc tế), thêm dấu trăng vào đầu chữ “a” sẽ làm âm [a] của nó ngắn lại. Nay khi cần làm nguyên âm nào ngắn lại ta cứ việc thêm dấu trăng lên đầu nó.

Trong tiếng Việt, trừ “y” đơn ra thì chỉ có 10 vần có “y”, xin được cải cách như sau:

cũ        mới     thí dụ:

ay        ăi        mắi băi (máy bay)

ây        âi        lẩi bẩi (lẩy bẩy)

uy        ŭi        cŭị lŭị, cŭính cŭít (quỵ lụy,                       quýnh quýt)

              iên ổn (yên ổn)

oay       oăi       loăi hoăi (loay hoay)

uây       uâi       tầi huầi (tầy huầy)

uyu       ŭiu       khúc khŭỉu (khúc khuỷu)

uya       ŭia       đêm khŭia (đêm khuya)

uyê       ŭiê       hŭiên thŭiên (huyên thuyên)

yêu       iêu       iểu điệu (yểu điệu)

Và tất cả “q” sẽ được viết là “c”, như: cuốc gia, cŭiên góp, cŭên sót, cóa đáng, vun cuén, cỏa cŭiết, cŭỉ cŭiệt, cuen thuộc...

Còn nếu ai không thích chữ “ŭ” thì có thể thay nó bằng chữ “w” cũng là một con chữ hiện đại đấy. Và sẽ có: kwả kwiết, kwái, kwanh kwẩn, kwá kwắt, twiệt diệu, hwiền bí, wi kwiền, Bà Kwẹo...

Ôi! Cuốc gia tŭiệt vời, cuê hương iêu dấu, sau những chặng đường khúc khŭỉu của lịch sử, sau những loăi hoăi trong đêm hôm khŭia khoắt tưởng chừng tŭiệt vọng, ngằi năi dân ta đã có được một thứ chữ ŭiên bác, không tầi huầi cuê mùa như trước.



Hồng Đức

Dec 01 2007



[1] Đọc được ở http://vietlex.com/lib/compuLinguistics/quytacbodau.htm

[2] Xin đọc bài “Suy nghĩ về chính tả, đọc “Quy tắc đặt dấu thanh trong tiếng Việt” của Vũ Xuân Lương” của Hồng Đức

[3] Thế Uyên tên thật là Nguyễn Kim Dũng (sinh năm 1937), giáo sư, nhà văn, dịch giả, chủ trương Nhà Xuất Bản Thái Độ, Saigon. Sau 1975 đi tù cải tạo, hiện sống tại Seattle, Hoa Kỳ.

[4] Trích “Quốc Văn Lớp 6” của Thế Uyên do Thái Độ xuất bản tại Sài Gòn năm 1972, trang 18.

[5] Về cái tật này, có một câu nhại giọng khá nổi tiếng: “Hao a zờ zú”!

[6] Có thể cái ý đồ đó chỉ đơn giản là muốn giảm bớt dấu trên đầu chữ cho nó sáng sủa: “mắi” nhiều dấu hơn “máy”. Nhưng “ớy” và “ấy” thì cũng nhiều dấu như nhau, sao lại chọn “ấy” mà không là “ớy”? Câu hỏi này còn bỏ ngỏ.

[7] http://www.vatlyvietnam.org/forum/showthread.php?t=253

[8]
Revised Nov 30 ’07.





 

---------------------------------

 



LUẬT CHÍNH TẢ VIẾT “Y” VÀ “I”

1) Viết “i” cho tất cả những phụ âm sau đây, bất kể chữ Hán-Việt hay thuần Việt:

B, CH, D, Đ, GH, KH, N, NGH, NH, P, PH, R, S, TH, X, và V, ngoại trừ một số tên riêng chọn dùng, như Sỹ, Vy, Thy….

2) Viết “i” cho chữ thuần Việt và “y” cho chữ Hán-Việt sau các phụ âm sau đây:

K, L, H, M, T và QU.

Chữ “y” luôn được dùng khi đi đôi với phụ âm “qu”.

Chữ “i” chỉ sử dụng với phụ âm "qu" khi từ đó có nguồn gốc từ tiếng ngoại quốc hay phiên âm từ tiếng nước ngoài.

Hồng Đức

 

- Chữ Y đứng một mình sau S lẽ ra đều phải là I (ngắn).

Thí dụ:

- bác sĩ, ca sĩ, sĩ diện, binh sĩ, sĩ khí.

- vô sỉ, sỉ nhục,

Quốc Sỉ (dấu hỏi, = nỗi nhục của tổ quốc)

Quốc Sĩ (dấu ngã, = nhân sĩ của quốc gia)

Doãn là đám mây = Doãn Sĩ là kẻ sĩ

Doãn Quốc Sĩ = kẻ sĩ của quốc gia


Hồng Đức

 

====================================

 

Nguyên Tắc Đánh Dấu Chữ "I" và "Y"

 


Chữ "I" và "Y" và Nguyên Tắc Đánh Dấu





(Bài dành cho các bạn trẻ và các thầy cô giáo dạy lớp Việt Ngữ ở hải ngoại).

Khải Chính - Phạm Kim Thư

Nhiều bạn trẻ ta thán rằng khi viết văn, một số người có khuynh hướng đổi "y" thành "i" trong các trường hợp như "Bắc Mỹ" thành ra "Bắc Mĩ," "Quý Mùi" thành ra "Quí Mùi," và "thế kỷ" thành ra "thế kỉ," v.v...
Họ yêu cầu tôi viết bài để giúp họ hiểu rõ tại sao lại có những trường hợp như thế. Chính vì thế, chúng tôi mới có động lực để viết bài "Cách Sử Dụng 'i' và 'y' trong Tiếng Việt".

Muốn hiểu rõ về cách ghép vần với nguyên âm "i" hay "y" và phương pháp đánh dấu trong tiếng Việt, trước hết chúng ta cần ôn lại về các chữ cái (mẫu tự) cũng như các nguyên âm và phụ âm.

I. Nguyên âm và Phụ âm trong Tiếng Việt

Chữ "i" là chữ cái (tự mẫu) thứ 9 trong 23 chữ cái của tiếng Việt và "y" là chữ cái cuối cùng trong 23 chữ cái của tiếng Việt.
23 chữ cái của tiếng Việt gồm có:
a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n, o, p, q, r, s, t, u, v, x, y.

Trong 23 chữ cái này, có 6 nguyên âm chính (a, e, i, o, u, y).

và 17 phụ âm đơn (b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x).

Bốn nguyên âm "a, e, o, u" trong số 6 nguyên âm chính "a, e, i, o, u, y" này, còn có thêm các dấu nữa (ă, â, ê, ô, ơ, ư), nên bốn nguyên âm này trở thành 10 nguyên âm:
a, ă, â, e, ê, o, ô, ơ, u, ư.

Chính vì lý do này mà tiếng Việt có tất cả 12 nguyên âm:
a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, y.

Ngoài 17 phụ âm đơn, tiếng Việt còn có các phụ âm kép.

Các phụ âm kép do hai hay ba phụ âm đơn làm thành (ch, gh, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr) hoặc do một phụ âm đơn và một nguyên âm chính (i hay u) làm thành (gi, qu).

Chính vì thế, tiếng Việt có tất cả 28 phụ âm:
b, c, ch, d, đ, g, gh, gi, h, k, kh, l, m, n, ng, ngh, nh, p, ph, q, qu, r, s, t, th, tr, v, x, và 12 nguyên âm: a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, y.

II. Cách Sử Dụng Nguyên Âm "I" và "Y"

Tùy theo mỗi vần và theo nghĩa của mỗi chữ, có những trường hợp ta chỉ được dùng "y" hay "i" để viết, chứ không thể dùng "i" để thay thế cho "y" hay dùng "y" để thay thế cho "i" được.

Ở một số trường hợp khác, trong cùng một chữ, có người viết bằng "i" có người viết bằng "y" như trong trường hợp "quí" hay "quý" chẳng hạn.
Tuy nhiên, theo phong tục tập quán, hầu hết các nhà văn thường viết các chữ với nguyên âm "y" hơn là "i", khi các chữ này có cùng một nghĩa và phát âm giống nhau.
Lý do chính là vì các chữ có nguyên âm "y" trông có vẻ lịch sự, kính trọng, quý mến, trang nhã, mỹ thuật, và đầy tình cảm hơn những chữ viết bằng nguyên âm "i," chẳng hạn như trong trường hợp của nhóm chữ "quý văn hữu," "quý ông quý bà," "quý quan khách," "quý bạn," "quý vị," "quý chiến hữu," hay "quý cụ,"v.v...

A. Những Trường Hợp Có Thể Dùng "I" hay "Y" Cũng Được

Tùy theo tập quán hay thói quen, có người dùng "i" hay "y" để viết cùng một chữ.
Dù là được viết dưới dạng bằng nguyên âm "i" hay "y," nhưng khi được đọc lên thì chữ này vẫn có cùng một âm thanh và cùng một nghĩa.

Thí dụ:
— Ì ạch, ỳ ạch;
— ì ra, ỳ ra;
— i như, y như; v. v...

- Hi hữu, hy hữu;
du hí, du hý;
hí đài, hý đài;
hí hởn, hý hởn;

hửng, hý hửng;
hí họa, hý họa;
hí kịch, hý kịch;
hí viện, hý viện;
hí trường, hý trường;
báo hỉ, báo hỷ;
hoan hỉ, hoan hỷ;
hỷ tín, hỉ tín; v.v...

- Kí cóp, ký cóp;
kì cạch, kỳ cạch;
kì cọ, kỳ cọ;
một li, một ly (millimeter), v. v...

- Mỹ lệ, mĩ lệ;
mỹ cảm, mĩ cảm;
mỹ mãn, mĩ mãn;
mỹ miều, mĩ miều;
mỹ nữ, mĩ nữ;
mỹ nghệ, mĩ nghệ;
mỹ nhân, mĩ nhân;
mị dân, mỵ dân; v. v...

- Ti tiện, ty tiện;
ty tiểu, ti tiểu;
tự ty mặc cảm, tự ti mặc cảm;
ty
trưởng, ti trưởng; năm tý, năm tí;
tỳ bà, tì bà;
tỳ nữ, tì nữ;
tỳ tướng, tì tướng;
thị tỳ, thị tì;
tỳ thiếp, tì thiếp;
tỳ vết, tì vết;
tỳ vị, tì vị;
tỉ dụ, tỷ dụ;
một tỉ đồng, một tỷ đồng;
tỉ lệ, tỷ lệ;
tỉ mỉ, tỷ mỉ;
tỷ muội, tỉ muội;
tỉ như, tỷ như;
tỉ số, tỷ số;
tỉ thí, tỷ thí;
tỉ trọng, tỷ trọng;
năm tỵ, năm tị;
tỵ nạn, tị nạn;
tị nạnh, tỵ nạnh; v.v...

- Qui, quy (con rùa);
nội qui, nội quy;
chính qui, chính quy;
vu qui,
vu quy;
qui chế, quy chế;
qui củ, quy củ;
qui định, quy định;
qui hàng, quy hàng;
qui hồi, quy hồi;
qui luật, quy luật;
qui mô, quy mô;
qui nạp, quy nạp;
qui phục, quy phục;
qui tắc, quy tắc;
qui thuận, quy thuận;
qui tiên, quy tiên;
qui tội, quy tội;
qui tụ, quy tụ;
qui ước, quy ước;
qui y, quy y;
quí báu, quý báu;
quí danh, quý danh;
quí hóa, quý hóa;
quí hồ, quý hồ;
quí hữu, quý hữu;
quí khách, quý khách;
Quí Mùi, Quý Mùi;
quí nhân, quý nhân;
quí nữ, quý nữ;
quí ông, quý ông;
quí phái, quý phái;
quí phi, quý phi;
quí quốc, quý quốc;
quí san, quý san;
quí tòa, quý tòa;
quí tộc, quý tộc;
quí trọng, quý trọng;
quí tử, quý tử; quí
vật, quý vật;
quí vị, quý vị;
quì gối, quỳ gối; quì lạy, quỳ lạy;
quỉ
kế, quỷ kế;

quỉ quái, quỷ quái;
quỉ quyệt, quỷ quyệt;
quỉ sứ, quỷ sứ;
quỉ thần, quỷ thần;
thủ quĩ, thủ quỹ;

ngân quĩ, ngân quỹ;
ký quĩ, ký quỹ;
quĩ đạo, quỹ đạo;
quị lụy, quỵ lụy...

Ghi Chú:

* Khi viết văn, nhiều người chỉ ghép phụ âm kép "qu" với nguyên âm "y."
Tuy nhiên, trong vài quyển Việt Nam Tự Điển, tác giả chỉ đề cập trường hợp của các chữ do phụ âm kép "qu" ghép với nguyên âm "i" mà thôi.
Còn về phụ âm kép "qu" ghép vời nguyên âm "y" thì các tác giả chỉ ghi:
"quy, xc qui; quý, xc quí; quy,ø xc quì; quỷ, xc quỉ; quy,õ xc quĩ; quỵ, xc quị".
(chữ "xc" là viết tắt của "xem chữ").

Có quyển tự điển lại ghi:
"quy (qui),"
"quý (quiù),"
"quỳ (quiø),"
"quỷ (quỉ),"
"quỹ (quiõ)," và
"quỵ (quị)."

Điều này có nghĩa là ta dùng "y" hay "i" để viết chữ có cùng một nghĩa cũng được.

* Trong trường hợp danh từ riêng như tên thành phố, tên nước, hay tên người, v. v... nếu các chữ đã được viết bằng "i" hay "y" thì ta không được quyền tự ý thay đổi như trong trường hợp của tên thành phố hay tên người sau đây:

☛ Thị xã Qui Nhơn,
Mỹ Quốc,
Mỹ Châu,
tỉnh Mỹ Tho,
Mị Châu (con gái vua Thục An Dương Vương lấy Trọng Thủy, con của Triệu Đà),
Mị Nương (con gái vua Hùng Vương),
GS. Doãn Quốc Sỹ, và
CH Trần Thy Vân, v.v...

* Khi đánh các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng lên chữ "quy" hay "qui," chúng ta phải đánh dấu lên trên nguyên âm "y" hay "i" vì chữ "u" trong chữ phụ âm kép "qu" đã cùng vơiù "q" để biến thành phụ âm kép chứ không còn là một nguyên âm nữa.

Trong trường hợp phụ âm kép "th" ghép với vần "ui" hay "uy" thì các dấu phải đánh lên nguyên âm thứ nhất:

"úi" (thúi) và
"úy" (thúy).

Nếu nguyên âm thứ 2 (thứ hai) có dấu sẵn như "uê" hay "uơ" thì các dấu phải đánh lên nguyên âm thứ hai này:

"uế" (thuế) và
"uở" (thuở).

Xin xem tiếp phần "III" nói về Nguyên Tắc Đánh Dấu Trong Tiếng Việt ở dưới đây.

B. Những Chữ Chỉ Được Viết với Nguyên Âm "I"

1. Những Chữ Có Các Vần Sau Đây Chỉ Được Viết với Nguyên Âm "I":
ai, ia, ich, iêc, iêm, iên, iêng, iêp, iết, iêu, im, in, inh, ip, it, iu, oai, oi, ôi, ơi, ui, uôi, ưi, ươi, v.v...

- Ai: Ai oán, thất bại, cải dạng, chài lưới, dai dẳng, khán đài, gái tơ, âm giai, hài lòng, khai giảng, tương lai, mái nhà, van nài, ngái ngủ, lải nhải, lẽ phải, quái kiệt, rải rác, sai bảo, tai vạ, thái độ, từng trải, vai trò, tiêu xài, v.v...

- Ia: Ỉa đái, bia miệng, địa chỉ, đôi hia, trông kìa, khía cạnh, lia lịa, mỉa mai, cái nĩa, nghĩa cử, tứ phía, chầu rìa, sỉa xuống, tia sáng, cái thìa, tría lịa, hú vía, xỉa răng, v.v...

- Ich: Ích lợi, bích chương, chích thuốc, xê dịch, mục đích, hích nhau, đả kích, khiêu khích, lý lịch, tĩnh mịch, chật ních, nghịch ngợm, nhúc nhích, phình phịch, cũ rích, sình sịch, diện tích, sở thích, chỉ trích, xích đạo, v.v...

- Iêc: Xanh biếc, chiếc thuyền, cá diếc, điếc tai, liếc mắt, mắng nhiếc, thương tiếc, ấm thiếc, công việc, xem xiếc, v.v...

- Iêm: Châm biếm; chiêm ngưỡng, bao diêm, điềm lành, hiếm hoi, kiếm hiệp, liêm sỉ, niêm luật, truyền nhiễm, chuyện phiếm, siểm nịnh, tiêm thuốc, thiêm thiếp, viêm lương, Xiêm La, v.v...

- Iên: Biên bản, chiến tranh, diễn thuyết, điên đảo, hiên ngang, kiên cố, xui khiến, liên bang, miền xuôi, nghiên cứu, tất nhiên, luân phiên, trước tiên, thiên vị, triền miên, viên mãn, xiên xẹo, v.v...

- Iêng: Biếng nhác, chiêng trống, chết điếng, tháng giêng, hiêng hiếng, kiêng khem, khiêng vác, liểng xiểng, súc miệng, nghiêng ngửa, riêng biệt, siêng học, hòm siểng, mang tiếng, linh thiêng, xiềng xích, v.v...

- Iêp: Ngọc diệp, trùng điệp, hiếp đáp, duyên kiếp, khiếp sợ, tầy liếp, cơ nghiệp, nhiếp ảnh, trực tiếp, thiệp mời, v.v...

- Iêt: Biết điều, chiết cây, diệt vong, giết giặc, kiệt lực, tinh khiết, quyết liệt, miệt mài, ác nghiệt, nhiệt huyết, quân phiệt, chạy riết, siết chặt, trinh tiết, kiến thiết, triết lý, viết văn, Việt Nam, xiết chặt, v.v...

- Iêu: Phát biểu, chiếu cố, cái diều, điêu luyện, hiếu đễ, kiêu ngạo, cô liêu, văn miếu, nồi niêu, phì nhiêu, phiêu bạt, bún riêu, siêu nhân, tiêu chuẩn, thiếu phụ, thủy triều, xiêu vẹo, v.v...

- Im: Im lặng; bím tóc, con chim, dìm thuyền, him híp, kim chỉ, lim dim, mỉm cười, con nhím (dím), chiếu phim, rim cá, trái sim, tìm tòi, chú thím, v.v...

- In: In sách, bịn rịn, chín chắn, gìn giữ, kín đáo, mịn màng, nín hơi, nghìn đời, nhịn nhục, đèn pin, phin cà phê, nước rịn ra (nhỏ ra, rỉ ra), tin cậy, năm thìn, vịn cớ, xin lỗi, v.v...

- Inh: Inh ỏi, binh lính, chính giữa, dinh dưỡng, đỉnh chung, hình ảnh, kinh đô, khinh bỉ, linh thiêng, minh bạch, an ninh, nghinh chiến, nhinh nhỉnh, má phính, rình mò, sinh khí, tinh khiết, thính giả, vĩnh biệt, xinh đẹp, v.v...

- Ip: Lừa bịp, chíp chíp, dịp may, híp mắt, kịp thì, nhịp điệu, v.v...

- It: Ít ỏi, bịt miệng, chi chít, đá đít, hít hơi, đen kịt, khít khao, lít nước, mịt mờ, con nít, đông nghịt, quịt nợ, ríu rít, đen sịt, xa tít, thin thít, con vịt, xịt thuốc, v.v.
- Iu: Ỉu xịu, bận bịu, chịu khó, dịu dàng, hiu hắt, kĩu kịt, líu nhíu, níu lại, nhíu mắt, phụng phịu, ríu rít, tiu nghỉu, thiu thối, trìu mến, víu vào, bé xíu, v.v...

- Oai: Oai hùng, choai choái, đoái hoài, khoái chí, loài vật, năm ngoái, ngoại cảm, mệt nhoài, soái phủ, toại nguyện, thoải mái, xoai xoải, v.v...

- Oi: Oi bức, thầy bói, cõi Phật, chọi gà, theo dõi, đòi nợ, gọi dạ bảo vâng, giỏi giang, hói đầu, khỏi bệnh, lòi tói, mỏi mệt, nòi giống, ngòi bút, nhoi nhói, rọi đèn, soi gương, củ tỏi, thói đời, trói buộc, vòi nước, xoi bói, v.v...

- Ôi: Ôi chao! Bối rối, cỗi rễ, chồi cây, dồi dào, đôi khi, gội đầu, giồi phấn, hối cải, khôi phục, lôi thôi, mối tình, nối dõi, ngồi xuống, nhồi thịt, phối hợp, rối loạn, sôi nổi, tối cao, thôi thúc, trôi chảy, vội vã, xối xả, v.v...

- Ơi: Ới trời ơi! Bơi lội, dời đổi, đời người, giới thiệu, hơi thở, khởi hành, lợi hại, mới tinh, nơi chốn, ngợi khen, phơi phới, rời khỏi, sợi dây, tơi bời, thời sự, trời biển, vời vợi, xới đất, v.v...

- Ui: Ủi quần áo, búi tóc, cúi đầu, chùi tay, dùi trống, đui mù, giúi tiền, húi tóc, khui thùng gạo, lui lủi, mui xe, nùi lửa, ngùi ngùi, nhủi vào lỗ, phủi bụi, rủi ro, sui gia, túi bụi, thui thủi, trụi lủi, vui vẻ, xui khiến, v.v...

- Ưi: Khung cửi, chửi mắng, gửi thư, ngửi hơi, v.v...

- Uôi: Buổi sáng, cuối cùng, chuỗi hạt, duỗi chân, đuôi ngựa, muối mặt, nuôi dưỡng, nguôi giận, ruổi theo, suối vàng, tuổi tác, xuôi lòng, v.v...

- Ươi: Quả bưởi, cưới hỏi, dưới nước, lười biếng, mười mươi, người ta, rười rượi, lò sưởi, tươi cười, v.v...

2. Những Chữ Sau Đây Chỉ Được Dùng Nguyên Âm "I" Bằng Cách Ghép Phụ Âm Đơn với Nguyên Âm "I."

-"B-i": Bi ai, hòn bi, bí ba bí bô, bí mật, quả bí, vận bí, say bí tỉ,
li bì, so bì, phong bì, bì bạch, bì phu,
bỉ sắc tư phong, bỉ thử, bỉ mặt,
bĩ cực,
bị tù, bị động, phòng bị, bị gậy, bị té, v.v...

- "D-i": Di cư, Di Đà, di tích, man di, tru di, di ngôn, di hài, di họa, di truyền, di vật, dí vào, bẹp dí, dì ghẻ, dỉ tai, bất đắc dĩ, khả dĩ, dĩ nhiên, dĩ vãng, kỳ dị, dị đoan, dị nghị, v.v...

- "Đ-i": Đi bộ, đi đời, đi cầu, đi đứt, đi thi, đi tu, đi vắng, đi đò, lờ đi, bỏ đi, lẹ đi, đi lẹ, làm đi, đì đẹt đì đùng, đĩ điếm, v.v...

- "G-i": Gí mũi vào, can gì, có gì đâu, v.v...

- "H-i": Khóc hi hi, cười hi hỉ, ngựa hí, hí hởn, hí hoáy, hí hởn, hí hửng, hì hà hì hục, cười hì hì, hỉ mũi, hỉ hả, v.v...

- "K-i": Ki lô mét, một kí, kì kèo, kị (cụ), ki cu một mình, v.v...

- "L-i": Li bì, nhỏ li ti, lí la lí lô, lí nhí, lì lợm, lì xì, v.v...

- "M-i": Mi (mày), mi (nốt đàn), lông mi, mí mắt, bánh mì, Mị Châu, mị dân, Mị Nương, v.v...

- "N-i": Chỗ ni chỗ nớ (chỗ này chỗi kia), ni cô, nỉ non, nỉ (dạ, len), v.v...

- "R-i": Khóc như ri, làm ri (làm thế này), nước chảy ri rỉ, nhỏ rí, xanh rì, rì rầm (thì thầm), chậm rì rì, mưa rì rào, mưa rỉ rả, rỉ từng giọt, rỉ tai, rỉ hơi, v.v...

- "S-i": Cây si, si tình, ngu si, gắn si, đen sì, bán sỉ, liêm sỉ, sỉ nhục, sỉ vả, văn sĩ, kẻ sĩ, sĩ tử, sĩ hoạn, sĩ phu, nghệ sĩ, sĩ quan, binh sĩ, sĩ diện, sĩ khí, v.v...

-"T-i": Tôn ti trật tự, kẻ tôn người ti, ti hí, ti ma (để tang ba tháng), ti toe, ti trúc, ti hí, ti tỉ tì ti, tí hon, một tí, tí nhau, tí teo, tí tẹo, tí xíu, tí ti, tí tị, tí nữa, tí chút, tí tách, tí toe tí toét, cậu bé Tí, tí xíu, tì tích, tì hưu, tì tì, tì tay xuống, ngọc tỉ, tỉ tê, lòi tĩ, ganh tị, ghen tị, tị tẹo, v.v...

- "V-i": Vi cá (vây cá), vi trùng, vi hành, chu vi, hiển vi, huyền vi, hành vi, vi hiến, vi âm, vi vu, vi vút, cái ví, ví von, ví bằng, ví dụ, ví như, trị vì, tại vì, nể vì, vì đâu, vì rằng, bởi vì, làm vì, thay vì, vì thế, vì vèo, vỉ đập ruồi, thủ vĩ, vĩ tuyến, vĩ đại, vĩ đạo, vĩ đại, vĩ nhân, vĩ tuyến, ngôi vị, vô vị, quý vị, bài vị, tự vị, vị chi, tì vị, vị lai, vị tha, vị chi, mùi vị, gia vị, vị giác, vị hôn thê, vị kỷ, vị lai, vị lợi, vị nể, vị tất, vị thành niên, vị trí, vị vong nhân, v.v. ..

- "X-i": Xi đái, gắn xi, xi măng, chuồng xí, xí gạt, xí nghiệp, cờ xí, xí chỗ, xí phần, xí xóa, xí xa xí xô, xì hơi, xì xào, xì dầu, xì gà, xì xằng, xì xụt, xì xụp, xì xồ, bạch xỉ, xỉ mũi, xa xỉ, xỉ vả, xị mặt ra, v.v...

3. Những Chữ Sau Đây Chỉ Được Dùng Nguyên Âm "I" Bằng Cách Ghép Phụ âm Kép với Nguyên Âm "I."
"Ch-i": Làm chi vậy, tứ chi, hình chữ chi, thập nhị chi, chi thu, chi nhánh, chí khí, chi lan, tạp chí, chí hiếu, chí cuối, con chí, hạ chí, bút chì, chỉ chỏ, chỉ biết, sợi chỉ, tôn chỉ, chứng chỉ, cấm chỉ, Giao Chỉ, điểm chỉ, chỉ bảo, chỉ số, chỉ trích, chị em, v.v...

"Gh-i": Ghi chép, ghi nhớ, ôm ghì, v.v...

"Kh-i": Khi xưa, khinh khi, khi không, khi quân, khi đi, không khí, khí cụ, khí cốt, tức khí, tinh khí, khí cầu, khí hậu, khí phách, khí quản, khí tiết, khí tượng, khí huyết, khí khái, khí sắc, khí vật, đồ khí gió, cười khì, ngủ khì, con khỉ, khỉ khô, v.v...

"Ngh-i": Nghi hoặc, nghi lễ, tiện nghi, nghi gia, nghi ngút, nghí ngoáy, vô nghì, nghỉ ngơi, nghĩ ngợi, lo nghĩ, hữu nghị, quyết nghị, nghị lực, nghị luận, v.v...

"Nh-i": Nhi đồng, nhí nhảnh, hạng nhì, nhì nhằng, to nhỉ, đẹp quá nhỉ! Nhĩ mục(tai mắt), mộc nhĩ, nhị đào, đệ nhị, nhị tì, Nhị Độ Mai, Nhị Hà, v.v...

"Ph-i": Chánh phi, phi mỡ, phi cơ, phi tang, phi mã, phi chiến, phi đạn, Phi Châu, Phi Luật Tân, phi tần, phi phàm, phi lý, phí phạm, phát phì, phì cười, phì nhiêu, phì phà phì phèo, thở phì phì, phỉ lòng, thổ phỉ, phỉ báng, phỉ chí, phỉ sức, phỉ nhổ, phỉ vào mặt, phị mặt ra, v.v...

"Th-i": Thi cử, thi sĩ, Kinh Thi, con nhà thi lễ, dòng dõi thi thư, thi hài, cỏ thi, thi ân, thí sinh, thí nghiệm, bố thí, thí mạng, thí phát, thí dụ, đói thì ăn, thì giờ, dậy thì, cây thì là, thì ra, thì thầm, thì thọt, thì thùng, hồ thỉ, quả thị, dấu hoa thị, thị vệ, thị giác, thị thực, thị uy, kỳ thị, thị hiếu, yết thị, thị dục, Phạm Thị Thu, miệt thị, thị phi, đích thị, thị vệ, thị nữ, thị xã, v.v...

"Tr-i" Bạn tri âm, bố trí, tri giác, trí mạng, tri phủ, trí sĩ, trí tuệ, thông tri, trí thức, trí trá, bảo trì, duy trì, đan trì, trì giới, trì hoãn, phù trì, thành trì, trì trọng, trụ trì, ấu trĩ, bệnh trĩ, chim trĩ, bình trị, cai trị, giá trị, trị liệu, trị tội, trị thủy, v.v...

C. Những Chữ Chỉ Được Viết với Nguyên âm "Y"

1. Những Chữ Có Các Vần Sau Đây Chỉ Được Viết với Nguyên Âm "Y":

- ay, ây, oay, uây, uy, uya, uych, uyên, uyêt, uynh, uyt, uyu, yên, yêt, và ynh.

- Ay: Áy náy, tụi bay, cay cú, ăn chay, day dứt, dạy bảo, đáy nồi, gay gắt, giày dép, hay chữ, khay nước, lay động, may mắn, nảy mầm, ngay thật, nhay nháy, dao phay, quay mình, ray rứt, say mê, tay chân, thay đổi, trảy (hái) quả mơ, vay nợ, xảy ra, v.v...

- Ây: Cái ấy, bây giờ, cây cảnh, cây đàn, chầy cối, dây thép, đây này, gây gổ, giây phút, hây hây, lầy nhầy, mấy quyển sách, nẩy mầm, ngây ngất, nhầy nhụa, phây phây, quây quần, rầy rà, sẩy đàn, tầy trời, thầy mẹ, trẩy hội, vây cánh, xây nhà, v.v...

* Trường hợp sau đây là ngoại lệ, vì chữ viết và đọc khác nhau nhưng có cùng một nghĩa:
- quải gánh, quảy gánh, hay quẩy gánh (đều có cùng một nghĩa là gánh trên vai).

- Oay: Cái khoáy, loay hoay, nghí ngoáy, xoay vần, v.v...

- Uây: Khuây khỏa, ngoe nguẩy, v.v...

- Uy: Uy danh, cung thương giốc chủy vũ, duy ngã, huy hiệu, khuy áo, lũy tre, nguy cấp, suy nhược, tuy nhiên, thủy chung, truy tố, cổ xúy, v.v...

- Uya: Thức khuya, v.v...

- Uych: Ngã uỵch, huých nhau, huỳnh huỵch, v.v...

- Uyên: Uyên bác, chuyên cần, duyên dáng, huyên náo, khuyên bảo, luyến ái, nguyên chất, nhuyễn thể, bệnh suyễn, tuyên dương, thuyên chuyển, truyền thống, xuyên tạc, v.v...

- Uyêt: Chuyết kiến (ý kiến thô thiển của tôi), duyệt binh, huyết mạch, khuyết điểm, nguyệt liễm, tuyệt diệu, thuyết phục, điểm xuyết, v.v...

- Uynh: Huynh đệ, khuynh hướng, luýnh quýnh, v.v...

- Uyt: Huýt sáo, lườm nguýt, xuýt chết, v.v...

- Uyu: Khuỷu tay, khúc khuỷu, ngã khuỵu, v.v...

- Yên (qu + yên): Quyên sinh, quyến thuộc, quyền lợi, chính quyền, lưỡng quyền, quyền quý, quyển sách, ống quyển, v.v...

- Yêt (qu + yêt): Cương quyết, bí quyết, hành quyết, quyết nghị, xảo quyệt, v.v...

- Ynh (qu + ynh): Mừng quýnh, cây quỳnh, quỳnh bôi, quỳnh tương, v.v...

2. Những Chữ Sau Đây Chỉ Được Dùng Nguyên Âm "Y" Đứng Một Mình hay Đứng Đầu Mỗi Chữ:

● Nguyên Âm "Y" Đứng Một Mình:

Y đến rồi, y án, vàng y, qui y, chuẩn y hay y chuẩn, y hẹn; y hi, y sĩ, qui y, y theo, ý chí, ý định, ý nhị, ý kiến, ý nghĩa, ý thích, ý tứ, ý vị, ỷ mình, ỷ lại, ỷ lại, ỷ quyền, béo ỵ, v.v...

● Nguyên Âm "Y" Đứng Đầu Mỗi Chữ:

Yêm hoạn (hoạn quan), yếm thế, yểm bùa, cái yếm, yểm trợ, v.v.; Yên Đổ (Nguyễn Khuyến), bình yên, yên hà, yên xe, yên đổ (tửu sắc yên đổ), yên trí, yến tiệc, yến oanh, yến sào, v.v.; con yểng; yết hầu, yết kiến, niêm yết, yết thị, yết hậu (lối thơ mà câu cuối cùng chỉ có một chữ), v.v.; yêu cầu, yêu chuộng, yêu đạo, yêu quái, yêu vận, phái yếu, yếu điểm, yếu tố, chết yểu, yểu điệu, yểu tướng, v.v...

3. Những Chữ Sau Chỉ Được Dùng Nguyên Âm "Y" Bằng Cách Ghép Phụ Âm Đơn với Nguyên Âm "y."

-"H-y": Hy Lạp, hy vọng, hy sinh, hy hãn, hý lộng, hý ngôn, hỷ lạc, hỷ nộ, hỷ sự, v.v...

- "K-y": Ký âm, bi ký, chữ ký, ký danh, ký giả, ký hiệu, ký lục, nhật ký, ký quỹ, ký sinh trùng, ký sự, ký tên, ký túc xá, ký thác, thư ký,
ù
ký ức, Bắc Kỳ, cầm kỳ thi họa, kỳ cục, kỳ cùng, cực kỳ, kỳ cựu, kỳ diệu, kỳ duyên, kỳ đà, kỳ đài, đến kỳ, kỳ đồng, kỳ được, kỳ ghê, kỳ hạn, kỳ hào, hiếu kỳ, học kỳ, kỳ khôi, kỳ khu, kinh kỳ, kỳ lạ, kỳ lão, kỳ lân, kỳ lưng, kỳ mục, Nam Kỳ, kỳ ngộ, phân kỳ, kỳ phùng địch thủ, kỳ quặc, kỳ quái, kỳ quan, quốc kỳ, kỳ thị, kỳ thú, kỳ thực, Trung Kỳ, kỳ vọng, kỷ cương, ghế trường kỷ, ích kỷ, kỷ luật, kỷ lục, kỷ niệm, kỷ nguyên, tự kỷ, thế kỷ, kỷ yếu; kỹ càng, kỹ nghệ, làm kỹ, kỹ nữ, ngủ kỹ, kỹ nhé, kỹ sư, kỹ thuật, nhà có kỵ (ngày giỗ), đố kỵ, kỵ binh, kỵ gió, kỵ mã, kỵ nhau, kỵ sĩ, v.v...

- "L-y": cái ly, ly biệt, quẻ ly, hồ ly, ly bôi (chén rượu uống lúc chia tay), ly dị, ly gián, ly hương, ly khai, ly kỳ, ly tán, giáo lý, lý ngư, cố lý, hành lý, đào lý, lý lẽ, lý hóa, lý lịch, lý sự, lý tài, lý thuyết, lý trí, lý tưởng, lý trưởng, mạ lỵ, bệnh kiết lỵ, v.v...

- "M-y": Bắc Mỹ, Mỹ Châu, Mỹ Quốc, Mỹ kim, hoa mỹ, mỹ sắc, thẩm mỹ, Mỹ Tho, mỹ thuật, mỹ tục, mỹ từ pháp, mỹ tửu, mỹ xảo, mỹ vị, mỹ viện, mỹ ý, v.v...

- "T-y": Ty mật thám, công ty, tỳ tạng, tỳ kheo, tỳ vị, tỷ đối, tỵ hiềm, v.v...

III. Nguyên Tắc Đánh Dấu trong Tiếng Việt:

☛ Nếu một chữ có phụ âm đơn hay phụ âm kép ghép với một nguyên âm, thì các dấu phải đánh vào nguyên âm đó:

■ bé, tá, phò mã, khỉ, xạ thủ, v.v...

☛ Nguyên âm "u" và "i" trong phụ âm kép "qu" và "gi" đã cùng với phụ âm "q" và "g" để biến thành phụ âm kép chứ không còn là một nguyên âm nữa..

Chính vì thế mà hai phụ âm kép này ghép với một hay hai nguyên âm thì các dấu phải đánh vào nguyên âm ở ngay sau phụ âm kép này:

■ quý, quí, quá, quà, quả, quỹ quạ, già, giá, giữa, giác, giải, giả, v.v...

☛ Nếu trước hai nguyên âm mà có phụ âm đơn hay kép và sau hai nguyên âm này lại không có phụ âm nào thì các dấu phải đánh vào nguyên âm thứ nhất như:

■ chùa, chúa, thúy, thùy, thúi, lũy, gào, góa, bùa, của, bùi, chúa, khói, khảo, khóa, lìa, trào tráo, khéo, khỏe, khóe, chúi, thủy, và trụy, v.v...

☛ Trong một chữ có hai hay ba nguyên âm mà một nguyên âm đã có dấu sẵn như:
ă, â, ê, ô, ơ, ư, v. v... thì các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng phải đánh vào nguyên âm đó:

■ thuế, thuấn, thuyền, thuở, uyển chuyển, chữa, suyễn, diễm, truyện, diệu, v. v...

☛ Nếu hai nguyên đều có dấu cả như "ư và ơ" thì các dấu phải đánh lên nguyên âm thứ hai:

■ tướng lãnh, thường lệ, thưởng phạt, dưỡng khí, thượng lộ, v. v...

☛ Nếu trong một chữ chỉ có hai nguyên âm mà trước và sau hai nguyên âm này đều có phụ âm đơn hay kép thì các dấu phải đánh vào nguyên âm thứ hai:

■ đoán, khoáng, khoát, khoét, toàn, khoảng, loãng, loạng choạng, v. v...

☛ Khi một chữ tận cùng bằng ba nguyên âm, thì các dấu phải đánh lên nguyên âm ở giữa như:

■ thoái thác, ngoẻo cổ, cười, bải hoải, khúc khuỷu, choãi chân, hải ngoại v. v...

IV. Tổng Kết

Những điều chúng tôi trình bày trên đây là có ý định giúp các bạn trẻ ở hải ngoại có tài liệu học hỏi về cách ghép vần với nguyên âm "i" và "y" cùng với cách đánh dấu tiếng Việt.

Việc ghép vần và đánh dấu tiếng Việt hết sức là quan trọng. Chúng ta cần phải học hỏi và nghiên cứu mới thấu đáo được.
► Có thấu đáo được cách ghép vần và đánh dấu tiếng Việt thì mới giỏi tiếng Việt.
► Có giỏi tiếng Việt ta mới xứng đáng là người Việt và mới có cơ hội học hỏi về lịch sử, phong tục và truyền thống của tổ tiên.
► Có như thế thì nước Việt của chúng ta mới thoát khỏi ách Cộng Sản.
► Có thoát khỏi ách Cộng Sản, nước ta mới hùng cường và toàn dân mới được hưởng dân chủ, tự do, nhân quyền, âm no và hạnh phúc muôn đời.

Canada, 2003

Khải Chính Phạm Kim Thư

 



Quốc ngữ tiếng Việt là một ngôn ngữ ghi âm được tất cả các âm của một tiếng nói.
Có tới 165 tiếng nguyên âm những mẫu tự liên quan đến cách phát âm nên rất dễ đọc nên nhiều người biết đọc, biết viết và dễ truyền bá rộng rãi cho mọi người. Đó là một ưu điểm.
Vào thời đại máy điện tử, tiếng Việt có mẫu tự la tinh, hóa ra việc này lại có nhiều lợi điểm thêm. Trong khi các nước có lối viết chữ vuông, viết chữ trùng điểu của thời trước đang phải dò dẫm tìm ra cách phiên âm quốc tế chữ viết của họ, thì người Việt chúng ta đã tiến trước hơn 200 năm rồi.
Đây là ưu thế của chữ quốc ngữ tiếng Việt.

 

 

Chữ "Sĩ" của trước 1975

SĨ và SỸ

Nếu theo con đường học hành, chữ đầu tiên thường gặp là sĩ số trên bảng đen để điểm danh.

Bước vào cửa ải đầu tiên gọi là  sĩ tử, chịu khó phấn đấu sẽ thành thạc sĩ rồi lên tiến sĩ và tột đỉnh trong lãnh vực nghiên cứu là tiến sĩ khoa học.

Học thành tài mà đóng góp với đời bằng kiến thức thì xưa là  sĩ phu, còn nay là  nhân sĩ

Người có học thường được gọi là  kẻ sĩ. Được thế giới công nhận thì thành  viện sĩ.

Nếu theo đường binh nghiệp bước đầu là  chiến sĩ hay  binh sĩ.

Tiếp tục phấn đấu sẽ thành hạ sĩ quan từ hạ sĩ lên trung sĩ rồi thượng sĩ. Chịu khó phấn đấu tiếp sẽ thành sĩ quan.

Đánh giặc dũng cảm thì được gọi là dũng sĩ. Chẳng may chết trận sẽ nằm trong số tử sĩ. Nếu hy sinh một cách vinh quang sẽ được phong là liệt sĩ.

Đi theo con đường chính trị thì bước đầu chỉ là tay chân trên bàn cờ thế sự gọi là sĩ tốt.

Tiếp theo thành kẻ nấp sau lưng bầy mưu tính kế gọi là  mưu sĩ. Lên đến đỉnh trở thành nghị sĩ, cụ thể hơn là hạ nghị sĩ hoặc thượng nghị sĩ.

Còn theo ngành nghệ thuật thì người làm thơ gọi là thi sĩ, viết văn sẽ là văn sĩ (ưu ái phụ nữ nên có chữ nữ sĩ mà không có nam sĩ), người sáng tác nhạc gọi là nhạc sĩ còn hát (nhạc) thì được gọi là ca sĩ.

Chán đời xuất thế sẽ là ẩn sĩ, đi tu thì thành tu sĩ. Theo đạo của Lão tử sẽ là đạo sĩ  còn theo các đạo khác sẽ thành giáo sĩ.

Khi sức khỏe hơn người gọi là lực sĩ, ra ta cứu giúp người bị nạn hiếp đáp thì gọi là hiệp sĩ,còn chẳng may vào bệnh viện sẽ có các bác sĩ và y sĩ  “phục vụ”.

Ta được các nha sĩ chăm sóc nhiều hơn, vì các bộ phận trên thân thể người ta chỉ có từ một đến hai cái và hoạt động rất bền, ngoại trừ răng có tới 32 cái x 2; do đó, phải thay hết một lượt răng sữa nên răng phải được chăm sóc luôn.

Người ta nên có sĩ diện, nhưng không lo học và làm mà chỉ nghĩ mình hay sẽ là “đại sĩ”.




Chúng ta chê Việt cộng ngu {*}, tại sao chúng ta phải theo cách của chúng để 'cải cách tiếng Việt' từ tiếng Việt trong sáng'' đến 'tiếng Việt u minh' của chúng?

{*} Ngu trong cách xây dựng, nhưng 'thiên tài' trong cách phá hoại và giết chóc (việt cộng).

 


 

Đọc thêm

►► Cách Bỏ Dấu Tiếng Việt -- Trước và Sau 1975
https://vuonlenmai.blogspot.com/2019/04/cach-bo-dau-tieng-viet-tren-trang-web.html


►► Âm và Chữ --- Trong Tiếng Việt (Trước và Sau 1975)
https://vuonlenmai.blogspot.com/2020/06/am-va-chu-trong-tieng-viet-truoc-va-sau.html




►► Tên Mẫu Tự - Tiếng Việt (Trước và Sau 1975)
https://vuonlenmai.blogspot.com/2020/04/tieng-viet-ten-mau-tu-xin-ke-hau-qui-vi.html




►► Đánh Vần Tiếng Việt - Trước và sau 1975
https://vuonlenmai.blogspot.com/2020/06/anh-van-tieng-viet-truoc-va-sau-1975.html




►► I và Y / i Ngắn và y Dài - Trước và Sau 1975
https://vuonlenmai.blogspot.com/2020/06/tieng-viet-i-va-y-hong-uc-ngay-sau-ngay.html




►► I và Y / i Ngắn và y Dài - Trước và Sau 1975

Nguyên Tắc Đánh Dấu Chữ "I" và "Y"

 

◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙ — ◙

 

Đọc thêm những cách "cải cách ngôn ngữ trong tiếng Việt" của Việt cộng để hiểu tại sao người ta ta thán như bọng về nỗi buồn tiếng Việt. Sau đó sau 45 năm, người ta bắt đầu lo lắng cho tương lai thế hệ sau, tiếng Việt đã dần trở thành 'Tàu lai' hay 'tào lao'.



Nỗi Buồn Tiếng Việt Thời Cộng Sản
https://caybut2.blogspot.com/2016/11/noi-buon-tieng-viet-thoi-cs12082015vi.html

 

No comments:

Post a Comment