Hoàn cảnh gia đình của tôi từ nhỏ lúc tôi vừa tám tuổi đã mất cha. Vì thời buổi chiến tranh, người anh của tôi cũng như bao nhiêu thanh niên cùng lứa tuổi đã vào bưng biền kháng chiến chống Pháp từ năm 1945, cho đến năm 1948. Một đêm bão bùng mưa gió đã phủ xuống gia đình tôi. Đêm đó có vài người mặc đồ đen đến gõ cửa nhà tôi và bắt Ba của tôi đem đi. Và mãi mãi ba tôi không còn trở về nữa. Má của tôi đi tìm kiếm thăm hỏi tin tức của ba tôi. Sau mấy tháng trời, má của tôi mới biết được tin ba và anh của tôi đã bị bọn Cộng Sản đem đi thủ tiêu với lý do ba và anh tôi là tín đồ đạo Cao Đài.
Gia đình tôi còn lại bốn anh em. Người Anh lớn đã có gia đình rồi nên ở riêng. Nhà của tôi ở tại làng Xuân Hiệp chỉ cách quận lỵ Thủ Đức khoảng 3 cây số, nơi đây có dòng suối Xuân Trường uốn mình chảy ngang qua ngôi đình làng và xuyên qua Quốc Lộ 1 xuôi về hạ nguồn ngang qua trước nhà của đại văn hào Nguyễn Văn Vĩnh. Lúc đó vùng này đã trở thành vùng mất an ninh, má của tôi đành phải rời xa đất đai, đem ba anh em tôi ra chợ Thủ Đức để lo buôn bán tảo tần kiếm sống nhưng vẫn không đủ ăn. Người anh kế tôi mới có 12 tuổi, may mắn được người quen giới thiệu vào giúp việc cho một quán cà phê. Ông chủ quán cà phê thấy anh tôi siêng năng chịu khó làm việc nên tôi cũng được ông chủ cho vào làm luôn trong tiệm của ông. Hai anh em tôi cố gắng đi làm để giúp cho đứa em nhỏ có đủ phương tiện học hành (Sau này em tôi Lê Đình Thành, tốt nghiệp kỹ sư trường Kỹ Thuật Phú Thọ và là giáo sư trường Kỹ Thuật Cao Thắng), còn tôi và anh tôi thì chỉ đi học tư trong những giờ thích hợp.
oOo
Lúc thơ ấu tôi rất ngưỡng mộ các vị danh tướng trong lịch sử Việt Nam như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt, v. v... như kim chỉ nam cho cuộc đời. Do đó tôi rất mong muốn được học võ nghệ, và cũng mong sau này có dịp đóng góp được phần nào cho quê hương như câu Quốc Gia hưng vong, thất phu hữu trách.
Tôi nhập môn Võ Lâm Tân Khánh
Qua sự giới thiệu của ông Ngoại tôi với vị võ sư Nguyễn Văn Đại là Cậu bà con bên ngoại nên tôi và người anh kế của tôi được võ sư nhận làm đệ tử sau buổi lễ bái sư.
Vì hoàn cảnh khó khăn của thời điểm 1950 Quân đội Pháp bị kháng chiến quân Việt Minh tấn công khắp nơi. Chúng ra lệnh cấm không cho dân chúng tập võ. Võ sư phải lén dạy võ cho thanh niên trong làng chia ra nhiều nơi nhiều nhóm. Vì vậy hai anh em chúng tôi chỉ học võ trong những đêm có trăng còn những đêm trăng mọc trễ thì đốt đèn dầu. Trung bình học được khoảng 15 ngày trong một tháng.
Anh tôi Lê Đình Trị sanh năm 1937 lớn hơn tôi ba tuổi, hai anh em tôi đều rất say mê võ thuật, về sức khỏe mặc dầu là tôi nhỏ tuổi hơn nhưng không chênh lệch bao nhiêu so với anh tôi.
Những đêm học võ, chúng tôi cỡi xe đạp chở nhau từ nhà ở tại chợ Thủ Đức vào làng Bình Phú nơi nhà Thầy khoảng 3 cây số đường làng và học võ từ 6 giờ chiều cho đến 11 giờ đêm chúng tôi mới chở nhau về bằng xe đạp.
Phương pháp huấn luyện là 2 giờ đầu học tập đường thảo (Bài quyền) giờ còn lại là tập song đấu, mỗi đầu giờ được nghỉ giải lao khoảng 10 phút. Với bản tánh say mê và háo thắng của tôi trong lúc tập song đấu đã thường làm cho anh tôi bị trúng đòn hơi nặng, có lúc thầy tôi phải cho ngưng đấu để anh tôi uống giấm pha đường cho đỡ đau.
Một cuộc khảo sát bất ngờ của thầy.
Sau hai tuần trăng (2 tháng) chúng tôi mới học vỡ lòng bài quyền Đồng Nhi. Hôm nay chúng tôi vừa vào đến nhà thầy, ông gọi hai anh em tôi đến gần và nói:
- “Hôm nay hai đứa bây theo Cậu đến chỗ này.”
Rồi ông dẫn anh em tôi đi theo bờ ruộng mía quanh co khoảng 1 cây số thì đến một căn nhà bỏ hoang giữa ruộng mía. Khi bước vào trong căn nhà, tôi nhìn thấy tranh tối tranh sáng khoảng hai ba chục người ngồi xung quanh một ngọn đèn dầu. Khi thấy ba thầy trò tôi vào tất cả đều đứng lên cúi đầu chào vị võ sư, ông ra dấu cho tất cả ngồi xuống rồi ông chậm rãi giới thiệu anh em tôi là học trò nhỏ nhất mới nhập môn với tất cả mọi người và cũng giới thiệu tên của những sư huynh của chúng tôi. Lúc đó tôi hồi hộp quá nên không còn nhớ rõ tên các người đó chỉ nhớ có một tên người trưởng tràng là Nguyễn Văn Hương 18 tuổi, vì tôi được nghe thầy thường khen anh Hương là giỏi nhất trong tất cả các võ sinh của ông, trong thâm tâm anh em tôi đều ái mộ nên nhớ rất rõ và cũng rất mong có ngày được gặp anh Hương.
Với dáng điệu trầm hùng võ sư Đại ra lệnh:
- “Hương bước ra!”
Anh Hương lên tiếng “dạ” rồi bước ra giữa khoảng trống.
Võ sư Đại ra lệnh tiếp:
- “An bước ra!”
Tôi giật mình vì bất ngờ. Hơi chần chờ, Võ sư Đại nhắc lại:
- “An bước ra!”.
Tôi “dạ” rồi bước ra sân, Võ sư ra lệnh:
- “Hai đứa song đấu!”
Tiếng lệnh song đấu đó đã làm cho tôi chới với. Trời! Thật sự tôi học Đường Thảo còn chưa nhuần nhã thì làm sao mà dám song đấu với một sư huynh, trưởng tràng của môn phái? Tôi lo lắng vô cùng nhưng cũng đành phải tuân lời thầy.
Tôi và anh Hương cùng bái tổ rồi bỏ bộ thủ thế thì tôi đã bị lọt vào thế hạ phong rồi.
Ghi chú: Môn võ thuật Tân Khánh khi học tập đều được huấn luyện quyền cước và chiến thuật cùng lúc, thí dụ như khi bước ra sân đấu ta phải chiếm vị trí thượng phong dồn địch thủ vào thế hạ phong. Có nghĩa là vào sân đấu phải chiếm vị trí trên gió địch thủ ở vị trí dưới gió, khi giao đấu địch sẽ bị bất lợi vì bụi bặm bay vào mắt mũi của mình. Ban ngày có ánh sáng mặt trời thì Thượng phong ánh sáng mặt trời ở phía sau lưng của ta còn địch thủ ở thế Hạ phong bị ánh sáng mặt trời chói thẳng vào mắt không thấy đường. Ban đêm cũng giống như ban ngày Thượng phong là ánh sáng ở phía sau lưng ta và địch Hạ phong sẽ bị chói mắt.
Tôi hoang mang vì bị ánh sáng ngọn đèn dầu chói vào mắt, những bóng người bao vây chung quanh ẩn hiện lẫn với bóng anh Hương, sau khi đảo bộ anh Hương phóng thẳng quả đấm vào mặt tôi một tiếng “bốp”. Cùng lúc với tiếng “bịch” vang lên, má bên phải của tôi đã lãnh cú đấm như sấm sét, mắt tôi hoa lên như có nhiều đốm lửa tung tóe. Tôi bị sức dội thối lui mấy bước. Và ngược lại bóng anh Hương theo tiếng “bịch”, cũng văng ra xa khoảng hai thước té ngồi xuống đất.
Võ sư Đại ra lệnh tiếp tục đấu. Trong lúc đó tôi chưa kịp hoàn hồn, anh Hương đã vào thế, tôi cũng đảo bộ theo.
Anh Hương chuyển đổi phương vị từ trái qua phải và bất thần như cơn gió lốc tung một quả đấm vào má trái của tôi, tôi cũng không tránh né kịp nên lại lãnh thêm một quả thôi sơn. Nhưng lạ lùng là anh Hương lại cũng nhận một cú đá do phản ứng tự nhiên của tôi văng ra té ngồi xuống đất một lần nữa.
Võ sư Đại mỉm cười gật đầu mấy cái ra chiều thỏa thích, ông cho ngưng trận đấu và bảo tất cả võ sinh thu dọn rồi giải tán. Võ sư dẫn anh em tôi về nhà nhưng ông không nói lời nào cả, đêm đó anh em tôi được ông cho nghỉ tập để về sớm.
Trên đường về nhà, tôi đưa tay xoa nhẹ trên hai gò má nơi mà anh Hương đã tặng hai quả đấm còn sưng vù. Anh em tôi hỏi nhau và lấy làm lạ về những việc đã xảy ra vừa rồi, vì anh em tôi thật tình chưa học được căn bản về võ thuật chút nào cả vì mới nhập môn và còn quá nhỏ, tôi thì mới có 10 tuổi còn anh Trị anh của tôi cũng mới có 13 tuổi. Câu hỏi tại sao cứ quanh quẩn trong đầu tôi.
Thứ 1: Tại sao đêm nay ông võ sư lại tập họp tất cả võ sinh khắp nơi về mà không thấy các anh đó tập võ hoặc song đấu với nhau.
Thứ 2: Tại sao lại chỉ định anh Hương, trưởng tràng nổi tiếng giỏi nhất trong hàng đệ tử song đấu với tôi là đệ tử nhỏ nhất và mới nhập môn. Và chỉ đấu một trận duy nhất?
Với tinh thần tôn sư trọng đạo anh em tôi không dám hỏi gì cả nếu ông thầy không muốn nói ra. Suốt năm đầu chúng tôi được học về quyền cước, anh em chúng tôi rất cố gắng tập luyện bộ pháp di hành, nhanh, mạnh và phản ứng nhập tâm qua cách luyện tập với tám trái bưởi treo chung quanh.
Hai năm sau, chuyên tập về Côn (Roi) và Siêu Đao. Đến giai đoạn này anh em tôi phải đi về quê tìm mua cây Tầm Vông (đực) đặc ruột vừa tầm tay để đem về luyện tập khoảng 20 đến 30 mươi cây cho mỗi năm.
Phương pháp luyện tập để cho bàn tay chịu đựng được sức đàn hồi. Tập chịu đựng sức dội ngược của ngọn roi giáng thẳng đầu roi cấn xuống đất, lúc đầu mới tập bàn tay chịu không nổi bị bung sút ra, bàn tay bị tê thốn đôi khi bị tét da chảy máu dầm dề. Tập chịu đựng với va chạm mạnh của ngọn roi mà bàn tay vẫn giữ được ngọn roi, lần hồi không còn bị sút văng ra như lúc mới tập nữa. Chúng tôi lần lần nhuần nhuyễn hơn lanh lẹ hơn, và luyện tập chiêu thức Tám lượng chống ngàn cân để đỡ ngọn roi của địch, v.v.
Rồi về sau những ngọn roi bị đập cấn gãy càng lúc càng nhiều với những lúc tập luyện song đấu roi, tiếp theo là tập ngọn roi đâm với những trái vú sữa non hư rụng, anh em tôi gom lại và đem rải trên sân để thực tập ngọn roi đâm cho chính xác, chúng tôi cố gắng mong sẽ tiến đến đỉnh cao của võ thuật là tinh thần hợp nhất vì ý tưởng phát sinh ra hành động.
Thời gian 3 năm lần lượt trôi qua, anh em tôi đã học xong một bộ võ thuật gồm có Quyền, Cước, Đoản, Trường Côn và Siêu Đao. Trong thời gian 3 năm, thỉnh thoảng anh Hương trưởng tràng cũng có đến giúp thầy để chỉ dẫn thêm cho anh em tôi.
Nhưng có một ngày anh Hương đi chợ Thủ Đức gặp tôi cũng đang đi chợ. Anh Hương và tôi rất vui mừng anh Hương cùng tôi kéo nhau vào tiệm nước uống cà phê, sau khi thăm hỏi vài câu, anh Hương nói:
- “Có một việc mà từ lâu tôi muốn hỏi chú nhưng không có dịp”.
Tôi hỏi:
- “Anh muốn hỏi việc gì vậy?”
Hương nghiêm mặt:
- “Xin chú cho tôi biết cái đêm đầu tiên tôi và chú gặp nhau trong ngôi nhà hoang trong ruộng mía đó, tôi và chú đã đấu với nhau”.
Hương ngưng lại trầm ngâm như hồi tưởng hình dung lại trận đấu rồi tiếp:
- “Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa biết khi tôi tấn công chú lúc đó chú đã dùng chiêu thế gì phản lại mà tôi không thể đỡ được vậy?”
Tôi nhìn anh Hương trả lời:
- “Tôi xin nói thật với anh, lúc song đấu với anh thì tôi mới nhập môn mới có 2 tuần trăng (2 tháng) tôi chưa biết cũng như chưa hiểu gì về võ nghệ cả, thật sự là tôi chưa thuộc lòng đường thảo nữa đó anh.”
Anh Hương ngạc nhiên trợn tròn đôi mắt:
- “Chú nói sao? Chú nói thiệt chứ?”.
Tôi gật nhẹ đầu và nói:
– “Đêm đó khi nghe thầy kêu tên tôi ra đấu với anh, tôi bấn loạn vì tôi được biết anh là trưởng tràng, là người giỏi nhất trong hàng đệ tử của thầy. Anh cũng đã thấy tôi không tránh né gì được hết nên đã bị anh đánh trúng mặt hai lần…”.
Anh Hương ngắt lời tôi với vẻ ẩn ức:
– “Nhưng tôi bị chú phản lại một cú đá, chẳng những là một mà lại tới hai lần. Thật tôi không thể nào tưởng tượng nổi…”
Tôi nói:
– “Thật tôi cũng không hiểu lúc đó tôi phản ứng ra làm sao đó anh. Tôi xin anh cũng đừng để tâm mà buồn tôi.”
Anh Hương giật mình vì biết anh nóng nảy đã gay gắt với tôi, anh xin lỗi tôi rồi yên lặng suy nghĩ. Bỗng anh mỉm cười như tỉnh ngộ anh ôm vai tôi rồi nói:
– “Chú An à! Tụi mình thì không biết nhưng thầy mình biết và có lẽ trận đấu đó là để thầy xác định nhận xét của thầy về khả năng của chú đó!”
Anh Hương cười rồi tiếp:
- “Xin chúc mừng cho chú!”
Lúc đó tôi mới chợt nghĩ ra lời nói của anh trưởng tràng về việc làm của thầy trong đêm đấu võ!
Anh Hương đã vào quân ngũ và kể từ đó chúng tôi không còn gặp lại nữa vì “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”.
Trong suốt thời gian ba năm học võ, chúng tôi được võ sư Đại dạy phần lý thuyết trong những giờ nghỉ giải lao về chiến thuật, chiến lược, địa hình và giải thích phân thế các đòn trong Đường Thảo Quyền, Cước, Côn và Siêu Đao một cách khéo léo tiềm ẩn qua các mẫu chuyện, qua các trận trao đổi võ thuật của chính ông và thầy của ông với các bậc võ sư danh tiếng thời bấy giờ ở khắp nơi từ các tỉnh miền Đông cho đến sáu tỉnh miền Tây Hậu Giang. Nhưng vì lúc đó tôi còn nhỏ quá nên không thấu hiểu được ẩn ý của ông Cậu tôi (mãi cho đến khi tôi được huấn luyện thêm về môn Thái Cực Đạo của Đại Hàn Tae Kwon Do tại võ đường khối Cận Vệ phủ Tổng Thống tôi mới hiểu được thâm ý của ông thầy.)
Những điểm đặc biệt riêng của môn phái Tân Khánh Bà Trà như sau:
• Chỉ sử dụng duy nhất một thế “ĐINH” tấn. Khi sử dụng sẽ biến đổi “Lặn, Mọc” tùy theo tiến hay thối.
• Môn Côn (Roi) và Siêu đao đều dùng thế đỡ “Tám lượng chống ngàn cân”.
• Thế tấn công “Cương mãnh” xuyên tâm mục tiêu (không bị hạn chế trong thế tấn)
• Ngọn Côn là căn bản chính của binh khí (18 môn binh khí). Có lẽ vì bị cấm học võ và dùng binh khí bằng sắt cho nên các võ sư ngày xưa đã tập trung vào ngọn roi và quyền cước để dễ qua mắt bọn điềm chỉ?
• Tùy theo khả năng thiên phú, người học võ Tân Khánh có thể biến tất cả những vật có trong tay đều trở thành binh khí.
oOo
Mộng ước trở thành Người Nhái
Hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha và nghèo khổ của gia đình, lúc đó tôi thì còn quá nhỏ mà lại tứ cố vô thân chẳng có ai hướng dẫn và giúp đỡ, tôi phải tự mình tìm cách để vươn lên. Sau khi đã học võ thuật, mộng ước sau này được trở thành Người Nhái của tôi cứ lớn lần theo năm tháng. Cho đến năm 1956. Tôi suy nghĩ nếu muốn hoàn thành tâm nguyện thì phải tự tạo điều kiện cho mình, vì Người Nhái là phải biết bơi lội thật giỏi, phải có sức khỏe dẻo dai và phải chiu đựng nhiều thử thách gian khổ và nhất là phải kiên nhẫn trì chí, v.v... Tôi quyết định theo đường hướng của mình vạch ra.
Tôi xin vào hội đoàn Bơi Lội Thanh Long tại Chi Thanh Niên Quận Thủ Đức. Nhưng tôi bị từ chối vì tôi không có người giới thiệu, mặc dầu có người biết tôi! Chỉ một bước đầu mà đã có khó khăn. Nhưng tôi đã tự nói với mình dầu cho trở ngại cỡ nào tôi cũng phải tự tạo điều kiện để đạt cho được mục đích. Tôi đến hồ bơi Cộng Hòa gặp ông chủ hồ bơi để đóng tiền hàng tháng và xin ông vui lòng giúp đỡ cho tôi được vào hồ bơi lội lúc 5 giờ sáng, vì hồ bơi đến 8 giờ sáng mới mở cửa. Ông chủ hồ bơi thấy tôi ham thích bơi lội nên cũng đồng ý. Tôi bắt đầu tự đặt chương trình tập luyện thử xem mình có thể vượt qua được hay không?
Bắt đầu:
Ngày Thứ Hai = Bơi 100 thước môn Ếch
Thứ Ba = Bơi 200
Thứ Tư = Bơi 400
Thứ Năm = Bơi 800
Thứ Sáu = Bơi 1,600
Thứ Bảy = Bơi 3,200
Tôi rất vui mừng vì mình đã cố gắng vượt qua được, tôi tiếp tục giữ 3,200 thước làm chuẩn như là phần khởi động cho mỗi ngày tập và tập thêm phần tập bơi tay riêng, bơi chân riêng. Cái khó khăn nhất là tôi không biết mình tập dượt nó có tiến triển gì không, bởi vì tôi không có ai giúp bấm giờ. Thôi thì đành chịu vậy! Tôi tập dượt được khoảng 6 tháng thì đến ngày lễ Song Thất năm 1957. Chi Thanh Niên Quận tổ chức tranh giải Vô Địch Bơi Lội Toàn Quận. Tôi đến ghi tên Độc Lập vì tôi không phải là Hội viên của các hội đoàn Bơi Lội.
Đến ngày tranh giải gồm có các hội đoàn Bơi Lội Thanh Long, Hội Bơi Lội trường La San, v.v.. Các lực sĩ của các Hội được săn sóc viên thoa dầu nóng cho ấm. Huấn luyện viên dặn dò. Thôi thì đủ thứ. Còn tôi thì đứng gần đó để chờ một mình vì tôi chẳng có ai ủng hộ hay cổ võ cho tôi cả. Bắt đầu tranh các môn như bơi Tự Do, bơi Ngửa và đến phiên tôi bơi Ếch 100 thước. Tôi đã thắng các lực sĩ của các hội đoàn qua vòng loại và vòng chung kết, khoảng cách gần nửa mặt hồ giữa tiếng hoan hô cổ võ của các khán giả đi xem. Các Trưởng Đoàn của các Hội Bơi Lội ngạc nhiên. Sau khi kêu tên tôi nhận lãnh giải Vô Địch Toàn Quận, các anh Trưởng Đoàn có đến nói chuyện và mời tôi gia nhập Hội, tôi từ chối vì thấy vào hội đoàn phải đi họp hành theo điều lệ nội quy, mà tôi không có giờ để nghỉ ngơi vì còn phải đi làm.
Đơn độc dự tranh giải Vô Địch Bơi Lội toàn quốc Việt Nam
Tôi tiếp tục thao dượt dự tính sẽ tranh giải cao hơn cấp Quận là cấp Tỉnh vì đã có thông cáo trên các báo chí, Bộ Thanh Niên Thể Thao sẽ tổ chức Giải Vô Địch Bơi Lội toàn quốc vào dịp lễ Quốc Khánh 26-10-1957. Các lực sĩ phải có thành tích là phải thắng liên tục từ cấp Tỉnh hay cấp đô thành Sài Gòn, rồi tranh giải cấp Khu (gồm 5 tỉnh) và sau cùng là cấp toàn quốc.
Tôi hơi lo lắng vì biết các lực sĩ của các Hội Bơi Lội của đô thành và Gia Định là giỏi nhất trong toàn quốc. Nhưng vì muốn thực hiện mộng ước của mình để sau này có đủ khả năng theo học Người Nhái nên tôi đi ghi tên tại Ty Thanh Niên đô thành. Lúc ghi tên không phải hội viên của các Hội Bơi Lội, ông thư ký đã gạn hỏi tôi mấy lần vì ông ta lấy làm lạ có lẽ ông nghĩ: Ở đâu lại có thằng nhỏ lạ này không biết khả năng tới đâu mà dám ra tranh giải với các lực sĩ nổi tiếng của đô thành? Nhưng ông cũng cho tôi ghi tên độc lập. Đáng lẽ tôi phải ghi tên ở Ty Thanh Niên Gia Định nhưng vì tôi không biết Ty Thanh Niên Gia Định ở đâu, mà chỉ biết có Ty Thanh Niên đô thành ở đường Hiền Vương (vì tôi là một chú nhỏ nhà quê mà!).
Tôi càng cố sức tập dượt nhiều hơn vì biết mình sẽ gặp nhiều khó khăn hơn với các lực sĩ có kỹ thuật và thành tích cao, có huấn luyện viên nhiều kinh nghiệm chỉ dẫn. Nhưng với lòng hăng say quyết thắng tôi muốn được trực diện tranh tài.
Đến ngày tranh, tôi phải thức dậy lúc 5 giờ sáng, điểm tâm một chén cơm nguội sơ sài rồi ra chợ Thủ Đức đón xe đò đi xuống bến xe An Đông Chợ Lớn, gần Hồ Bơi đô thành, tôi thay đồ bơi lội xong đi lên thành hồ bơi. Xung quanh hồ đã đông khán giả và quan khách. Tôi nhìn mặt hồ bơi mà lo lắng vì là lần đầu tiên tôi mới tới đây.
Hồ bơi này khác với hồ bơi mà tôi thường tập dượt, vách thành chỗ trở đầu rất cao, tôi chưa biết khi trở đầu phải làm thế nào? Loa phóng thanh của ban giám khảo lần lượt kêu tên các lực sĩ tranh tài từng bộ môn và ban giám khảo tuyên bố sẽ áp dụng luật thi của Quốc Tế. Riêng về môn tranh bơi Ếch, các lực sĩ khi lội đến bờ hồ, hai tay phải chạm thành hồ, nếu người nào chỉ chạm thành hồ một tay sẽ bị loại vì không đúng luật. Khi chạm thành hồ rồi thì phải xoay người lại đầu phải thẳng hướng đàng trước rồi mới lội đi, và cấm không được nhào ngửa lại khi tay chạm thành hồ. Chỉ được bơi một đạp chân và một quạt tay dưới mặt nước mà thôi, nếu lực sĩ nào vi phạm sẽ bị loại.
Ngày hôm nay chỉ tranh vòng loại vì lực sĩ quá đông. Mỗi lần lội là tám người, ban giám khảo chỉ chọn hai người về nhất và nhì được vào tranh chung kết trong tuần lễ sau. Tôi suy tính, vì chưa biết hết luật lệ và hồ bơi lạ nên tôi quyết định sẽ cố gắng lội về hạng nhì trong vòng loại này để được tuyển vào tranh chung kết mới quan trọng. Ban giám khảo cũng là các huấn luyện viên của các Hội Bơi lội, nên khi đến môn Ếch, ban giám khảo thấy chỉ có tên tôi là độc lập nên họ sắp lực sĩ giỏi lội vòng đầu với tôi để họ xem khả năng của tôi. Vì tôi đã có chủ ý nên chỉ lội thật đúng luật và về nhì, thua lực sĩ về nhất tới nửa mặt hồ. Tôi xem toán lực sĩ lội vòng sau và tôi đã biết cách trở mình. Tôi được tuyển vào vòng chung kết của giải Vô Địch đô thành trong cuối tuần lễ tới. Tôi trở về hồ bơi lo tập lại cách trở mình cho nhuần nhã để chuẩn bị tranh vòng chung kết. Ngày tranh vòng chung kết, các đấu thủ của tôi họ không còn để ý đến tôi nữa, vì họ thấy tôi thua đến nửa mặt hồ quá xa trong vòng loại, nên nói năng rất vui vẻ. Tiếng còi hiệu của trọng tài vừa ré lên, tôi phóng mình xuống nước bơi thật nhanh vì tôi đã tập nhuần nhã cách trở mình khi đến bờ hồ. Đấu thủ đã thắng tôi trong vòng loại bất ngờ khi tôi bơi vượt qua mặt, anh ta cố hết sức theo tôi đến mặt hồ thứ ba thì anh đã đuối sức. Tôi đã về nhất ở mặt hồ thứ tư, bỏ anh về nhì khoảng cách gần nửa mặt hồ…. Với niềm vui cảm xúc khi đoạt giải Vô Địch cấp đô thành, nhưng đường đi vẫn còn nhiều chông gai vất vả với hai chặng tranh tài càng lúc càng khó khăn. Tôi còn phải tiến lên, còn phải cố gắng thật nhiều mới mong đạt thành.
Cái trở ngại mà tôi gặp phải là đơn độc một mình, không ai chỉ bảo, hoặc bấm giờ khi tập luyện. Tôi không biết được kỷ lục của mình hàng ngày có tiến triển gì không? Ngoài giờ tập dượt ra, tôi còn phải lo nghỉ ngơi để đủ sức làm việc suốt đêm nơi quán cà phê (vì tôi muốn có giờ để tập dượt nên xin đổi việc làm về đêm.) Nhiều khi tôi tự mỉm cười một mình, vì các lực sĩ khác họ có đủ phương tiện cơm áo bạc tiền nên mọi thứ cần thiết họ đều có, họ tranh giải Vô Địch để hãnh diện với bạn bè v. v... Còn tôi nghèo nàn, mọi thứ đều không. Tôi chỉ có một ý chí kiên cường và sự chịu đựng gian khổ. Các lực sĩ khác, họ tập luyện có một thì tôi phải tập luyện cực khổ mấy lần hơn. Nhưng đó lại là ý muốn của tôi tự tìm cách để thắng mình. Lúc nào tôi cũng tự an ủi lấy mình “nếu ta chịu đựng được thì mới mong có ngày hoàn thành lý tưởng của mình mà đã nhiều tháng nhiều năm mong đợi…”
Cách hai tuần lễ sau là ngày tranh Vô Địch cấp Khu tại hồ bơi Chi Lăng Gia Định gồm có năm tỉnh miền Đông. Các tay vô địch của các Tỉnh sẽ về đây tranh tài. Các lực sĩ của đô thành cho tôi biết tôi sẽ tranh với lực sĩ Nguyễn Phú Đức, vô địch tỉnh Gia Định, thành tích rất cao, kỷ lục vô địch 100 thước Ếch là 1 phút 27 giây. Còn tôi thành tích vô địch đô thành là 1 phút 32 giây. Tôi biết sẽ gặp những địch thủ rất khó thắng nổi, nên tôi phải tập luyện nhiều giờ hơn. Và qua hai tuần lễ khổ công luyện tập, tôi cảm thấy có tiến bộ nhưng cũng không dám chắc.
Đến ngày đi tranh, tôi đến hồ bơi Chi Lăng cũng là lần đầu tiên tôi biết hồ bơi này. Thấy hồ bơi này lại khác với các hồ bơi đô thành, hai đầu hồ bơi để trở mình lại có một khoảng trống, vách hồ bơi sát với mặt nước, tôi không biết phải chạm tay bằng cách nào cho đúng? Tôi nghĩ là phải áp dụng lại chiến thuật cũ, là phải chịu thua vòng loại trước, chỉ cần được chọn vào vòng chung kết, để tôi xem lại cách trở mình của các lực sĩ khác và rút kinh nghiệm. Tôi nghi ngờ ở nơi đây ban giám khảo cũng sẽ cho tôi bơi tranh với anh Nguyễn Phú Đức vì tôi là lực sĩ độc lập, và ban giám khảo sẽ sắp đặt cho tôi và anh Nguyễn Phú Đức tranh vòng loại đầu để họ có dịp xác định khả năng của tôi. Nếu tôi có thể thắng Nguyễn Phú Đức trong vòng loại thì họ sẽ chỉ bảo cho Nguyễn Phú Đức biết những ưu và khuyết điểm của tôi để Nguyễn Phú Đức có thể khai thác mà thắng tôi….
Đến giờ tranh, quả thật như tôi đoán, anh Nguyễn Phú Đức và tôi được sắp xếp gần nhau để tranh vòng loại đầu. Kết quả là Nguyễn Phú Đức thắng tôi khoảng nửa mặt hồ trong vòng loại, tôi xem vòng loại kế các đấu thủ bơi tranh, và tôi đã nắm vững cách chạm tay vào mặt hồ rồi! Ban giám khảo tuyên bố kết quả cuộc thi vòng loại xong, các lực sĩ ra về tuần sau sẽ tranh chung kết giải Vô Địch cấp Khu. Trên đường về, tôi nghĩ cách phải tập như thế nào để có thể đoạt giải. Nguyễn Phú Đức anh được sự huấn luyện theo phương pháp và kỹ thuật bơi lội mới nhanh hơn và ít mất sức hơn, còn lối bơi của tôi đã quá lỗi thời rồi, vì tôi không có khả năng và phương tiện để học hỏi, chỉ bắt chước theo cách lội của các phim ảnh đã quá xưa. Nhưng bây giờ không có thời giờ để mình sửa đổi kịp nữa! Thôi thì đành cố đem hết sức mình để tranh lần này vậy.
Đến ngày tranh vô địch vòng chung kết cấp Khu, tôi đến hồ Chi Lăng với chiếc khăn tắm, đã thấy ban tổ chức trưng bày trên bàn các chiếc Cúp Vô địch cấp Khu, chiếu sáng chói lấp lánh dưới ánh sáng của mặt trời. Anh Nguyễn Phú Đức đang khoe với các bạn của anh: Chiếc cúp này một chút nữa tao sẽ lãnh! Khi anh quay đầu lại thấy tôi đang đứng chấp tay sau lưng. Anh hơi ngượng cúi đầu chào tôi, tôi cũng cúi đầu chào lại, tôi thầm nghĩ anh Nguyễn Phú Đức nói như vậy cũng đúng, vì anh đã thắng tôi trong vòng loại gần nửa mặt hồ rồi nên không còn e dè gì nữa!
Lần lượt các môn bơi đã tranh, bây giờ đến môn 100 thước Ếch giữa tôi và anh Đức là gay cấn, vì là hai tay vô địch của hai vùng nổi tiếng trong toàn quốc là Sài Gòn và Gia Định. Tất cả các ông trong ban giám khảo đều đứng dậy để cổ võ cho anh Nguyễn Phú Đức. Lượt tranh này có bốn vô địch của vòng loại, tôi và Đức được sắp sát đường dây để dễ dàng theo dõi. Sau tiếng còi hiệu, tôi và Đức phóng mình xuống nước, Đức bơi theo lối mới một đạp chân dưới nước, một quạt tay khi nổi lên như Kình Ngư vượt sóng ào ạt, còn tôi thì bơi theo kiểu xưa, chân và tay cùng quạt một lúc phải chờ cho bớt trớn lướt mới ngóc đầu lên thở nên nhìn giống như chiếc tàu lặn, không động sóng… anh Đức và tôi đều đem hết sức ra tranh, vì Đức ỷ y nên khi tôi bơi vượt qua Đức, Đức vội vã rượt theo tôi thì đã muộn rồi. Khi về đến điểm cuối, tôi cũng chỉ hơn anh Đức một cái vói tay mà thôi. Đức và tôi đều lả người, ngâm mình dưới nước để lấy lại sức. Nhưng khi ban giám khảo tuyên bố kết quả lại là Nguyễn Phú Đức về nhất còn Lê Đình An về nhì? Bỗng có tiếng phản đối Ban Trọng Tài và Giám Khảo là thiên vị, tiếng la ó của khán giả vang lên:
- “Anh bên này thắng! Anh bên này thắng!”
khán giả chỉ tay vào tôi. Lúc đó có mấy anh mặc quân phục đi đến bàn của ban giám khảo phân trần và yêu cầu ban giám khảo phải chấm điểm cho công bằng. Sau vài phút bàn thảo, ban giám khảo tuyên bố xin lỗi khán giả vì có sự lầm lẫn của đồng hồ bấm giờ, và xin tuyên bố lại Lê Đình An về nhất với số giờ 1 phút 21 giây 5/10 sao. Nguyễn Phú Đức về nhì với số giờ 1 phút 22 giây….
Sau khi lãnh giải Vô Địch bơi lội với chiếc cúp danh dự, tôi nhìn về phía khán giả cúi đầu chào với ánh mắt biết ơn các anh quân nhân đã giúp tôi có được danh dự này, khi tôi đi ra ngoài các anh quân nhân bước đến vỗ vai tôi và khen ngợi. Tôi ngỏ lời cám ơn các anh. Khi ra về lòng tôi cảm thấy hơi buồn. Các ông giám khảo đã vì tình riêng mà làm mất lẽ công bằng. Có lẽ các ông biết tôi đi dự tranh mà không có Trưởng Đoàn đại diện và cũng không có bạn bè hay người thân nào theo giúp đỡ nên mới xử thiên vị ép tôi như vậy!
Chỉ còn một bước nữa là đến tột đỉnh danh dự của ngành bơi lội là vô địch toàn quốc mà tất cả các lực sĩ đấu thủ đều ao ước. Với một tháng tập dượt thêm mới đến ngày tranh, tôi cảm thấy phấn chấn mặc dầu rất khổ cực.
Hôm nay là buổi tranh tài của các vô địch khắp nước từ Bến Hải đến Cà Mau về đây để dự thi. Bắt đầu ban trọng tài và giám khảo giới thiệu thành phần quan khách và các mạnh thường quân bảo trợ giải thưởng cho cuộc tranh Vô Địch Bơi Lội toàn quốc đến tham dự. Lần này ban tổ chức tuyên bố lực sĩ các môn bơi phải tranh vòng loại và vòng chung kết cùng một ngày, vì lý do lực sĩ ở các nơi về quá đông, cho nên Ban Tổ chức không thể cung ứng nơi ăn chốn ở đầy đủ, nên phải tổ chức rút ngắn thời gian lại! Tôi suy tính khi tranh vòng loại tôi phải về nhì như hai lần trước để dưỡng sức cho vòng chung kết. Sự việc đã xảy ra đúng như dự tính của tôi, sau khi qua vòng loại và thắng vòng chung kết bộ môn lội Ếch 100 thước, với thành tích là 1 phút 16 giây.
Buổi lễ phát giải thưởng Vô Địch Bơi Lội toàn quốc 1957, do Ông Bộ Trưởng Thanh Niên Thể Thao Trần Chánh Thành chủ tọa tại sân Vận Động Phan Đình Phùng. Các Lực sĩ Vô Địch gồm có các anh Phan Hữu Dõng, Nguyễn Văn Phân, Trương Kế Nhơn, Dương Văn An và tôi Lê Đình An.
oOo
Tham gia Phong Trào Lực sĩ Thẩm Mỹ và Cử Tạ Việt Nam
Sau khi tôi đã chiếm giải vô địch bơi lội toàn quốc Việt Nam, tôi thực hành dự tính kế tiếp là phải tập cho có sức mạnh bằng cách tham gia Phong Trào Thể Dục Thẩm Mỹ và Cử Tạ Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Thành Nhơn sáng lập. Giáo sư Nguyễn Thành Nhơn là anh ruột và cũng là huấn luyện viên của lực sĩ Nguyễn Công Án khi còn du học tai Pháp. Lực sĩ Nguyễn Công Án đã từng chiếm giải Lực sĩ Đẹp Nhất Thế Giới vào năm 1955 và 1957.
Tôi bắt đầu tập tạ năm 1958. Mỗi ngày tôi phải đạp xe đường dài khoảng 14 cây số từ Thủ Đức xuống phòng tập Trung Ương tại số 203 đường Võ Tánh Phú Nhuận, để được Giáo sư Nguyễn Thành Nhơn huấn luyện phương pháp tập tạ. Sau hai năm tập tạ, tôi tốt nghiệp khóa huấn luyện viên Thể Dục Thẩm Mỹ, phụ trách Huấn Luyện phòng tập tại Trung Ương Phong Trào Thể Dục Thẫm Mỹ, buổi sáng từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa….
Buổi Thi Lực sĩ Đẹp (Thẩm Mỹ) 1961 tại Ty Thanh Niên Đô Thành. Góc đường Hai Bà Trưng và Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Là lần cuối cùng. Vì sau đó Bà Cố vấn Ngô Đình Nhu đã cấm vì cho là “Công xúc tu sĩ”.
oOo
Tôi tham dự khóa Huấn Luyện Săn Bắn Cá Dưới Biển Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Thành Nhơn huấn luyện và tham gia tranh giải Săn Bắn cá năm 1960 (sau này khi vào Hải Quân, tôi tranh giải săn bắn cá cho Đoàn Hải Quân, đã chiếm ba giải vô địch 1961, 62 và 1965).
Giáo Sư Nguyễn Thành Nhơn Chủ Tịch Tổng Cuộc Săn Bắn Dưới Biển VN và
Đội Hải Quân đoạt giải Vô Địch.196-1962 và 1965.
oOo
Nhìn lại đoạn đường mà tôi đã cố gắng, kiên nhẫn vượt qua không biết bao nhiêu là trở ngại, tôi nghĩ đã có nhiều hy vọng để đạt được điều mơ ước của mình!
Năm 1961, lại xảy ra một việc rất khó lựa chọn là vì tôi đã đến tuổi động viên. Tôi rất mong muốn tình nguyện vào binh chủng Hải Quân, nhưng vào Khóa Sĩ Quan thì tôi không đủ điều kiện về bằng cấp. Vì hoàn cảnh của gia đình, nên việc học của tôi không liên tục, tôi chỉ học được tới Đệ Tứ Trung Học mà thôi.
Hai người bạn thân là Nguyễn Văn Định, thư ký của phòng tập Trung Ương và Đỗ Cao Luận em ruột của Đại Tướng Đỗ Cao Trí, hai anh rủ tôi cùng ghi tên nhập khóa 14 Sĩ Quan Bảo An, vì điều kiện chỉ cần Chứng Chỉ Đệ Tứ Trung Học. Tôi suy tính mãi hơn một tháng đã qua, hai bạn tôi đã nộp đơn rồi mà tôi vẫn chưa quyết định. Vì giấc mộng trở thành Người Nhái tôi đã ôm ấp, và tôi đã cố công tạo dựng cho mình những thành tích như đã nêu phần trên, bây giờ mà đổi hướng đi vào binh chủng khác. Thì tôi không đành lòng. Cuối cùng tôi quyết định đi theo con đường mà mình đã chọn từ hồi còn thơ ấu là tình nguyện đầu quân vào binh chủng Hải Quân khóa Tân Binh Thủy Thủ để sau này hy vọng được tuyển chọn về học khóa Người Nhái.
Tôi ghi tên tình nguyện đầu quân nơi phòng Tuyển Mộ tại đường Thi Sách ngày 4-10-1961 khóa 26 Thủy Thủ Chuyên Nghiệp. BTL/HQ/Phòng Quân Huấn (PQH) gởi khóa sinh Tân Binh lên TTHL/Quang Trung để học căn bản quân sự. Sau khi mãn khóa căn bản quân sự, BTL/HQ/PQH gởi chúng tôi xuống các chiến hạm để thực tập về hải nghiệp.
Thực tập hải nghiệp trên chiến hạm HQ 225 “Nõ Thần”
Sau đó chúng tôi được đưa ra TTHL/HQ/Nha Trang nhập khóa chuyên nghiệp. Sau 4 tháng huấn luyện, tôi mãn khóa với bằng chuyên nghiệp Vận Chuyển. Khóa 26 được tàu đưa về tạm trú tại Trại Bạch Đằng 2 để chờ lệnh thuyên chuyển ra đơn vị. Vài ngày sau tôi nhận lệnh thuyên chuyển về Bộ Chỉ Huy Hải Trấn, Liên Đội Người Nhái.
Tôi rất vui mừng vì đó là kết quả của bao nhiêu năm trải qua biết bao là khó khăn vất vả, để tự tạo cho mình có được một quá trình đạt thành ước mơ từ khi tôi còn nhỏ mà BTL/HQ/Phòng Nhân Viên đã nhìn thấy qua hồ sơ cá nhân của tôi, và mặc dầu đây chỉ là bước đầu.
Nhưng có một việc mà tôi không biết và cũng không ngờ là từ hồi nhỏ, khi tôi thấy được tấm hình một tổ Người Nhái trên tờ báo Pháp vào năm 1950, đã làm cho tôi say mê… mãi cho đến bây giờ Binh Chủng Hải Quân vẫn chưa có Quyết Định thành lập đơn vị Người Nhái.
Vì theo tài liệu thành lập Hải Quân VNCH. Nếu tính thời gian năm 1950 lúc đó thì còn Hải Quân của Pháp, mãi cho đến ngày 20 tháng 8 năm 1955 Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mới ban hành Nghị Định thành lập Hải Quân VNCH.
Tôi trình diện Trung Úy Lâm Nhật Ninh, Liên Đội Trưởng LĐNN. Trung Úy Ninh cho biết hiện đang huấn luyện hai khóa Biệt Hải tại Đà Nẵng, còn LĐNN thì còn đang chờ Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH chấp thuận cho thành lập. Trung Úy Ninh giao việc bí thư LĐNN cho tôi tạm giữ. Vài ngày sau Trung Úy Ninh đem một số trợ huấn cụ ra Đà Nẵng để tiếp tục huấn luyện khóa 2 Biệt Hải.
Năm 1963, sau khi huấn luyện khóa 2 Biệt Hải xong, toàn ban huấn luyện trở về Sài Gòn.
Trong thời gian này tôi đã nhận được văn thư của BTTM/QLVNCH, chấp thuận cho Bộ Tư Lệnh Hải Quân thành lập LĐNN, tôi trình cho Trung Úy tất cả các văn thư tôi đã nhận. Trung Úy LĐT duyệt lại hết văn thư và giao lại cho tôi và bảo tôi xem lại Bản Điều Lệ và Nội Quy thành lập LĐNN để biết và lưu vào hồ sơ.
Sau khi tôi xem xong tôi cảm thấy có một vài điểm không được công bằng cho Người Nhái.
(Trong điều lệ ghi:…
– Sau khi đậu Khóa Người Nhái, hàng năm, mỗi 6 tháng định kỳ đều phải khám sức khỏe và trắc nghiệm lại thể năng. Nếu nhân viên không còn đủ tiêu chuẩn NN thì sẽ trả về Hải Quân….
– Nhân viên NN thi hành công tác nếu chẳng may hy sinh, mất tích hay bị thương tật thì hồ sơ sẽ đưa trả về Ban Xã Hội Hải Quân giải quyết như các quân nhân HQ mà không được hưởng đặc ân chi cả….
Tôi nghĩ những điểm này không công bằng vì NN đã hy sinh mạng sống trong những công tác hiểm nghèo mà khi bị thương tật hay mất tích v. v. gia đình của NN không được hưởng sự đền bù xứng đáng, không khác gì vắt chanh bỏ vỏ.)
Hôm sau tôi đem những điểm trong Bản Điều Lệ và Nội Quy ra bàn thảo với Trung Úy Lâm Nhật Ninh. Trung Úy nói những điểm này là do Bộ TTM đã sửa lại. Tôi đề nghị Trung Úy làm văn thư trình lên BTL/ HQ can thiệp với Bộ TTM để giúp cho quân nhân Người Nhái khỏi bị thiệt thòi, vì những điểm đó bạc đãi nhân viên Người Nhái…. Trung Úy Liên Đội Trưởng lắc đầu và cho tôi biết rất khó khăn lâu nay bây giờ mới được Bộ TTM chấp thuận cho thành lập đơn vị Người Nhái, bây giờ mình không thể xin gì được nữa. Tôi đành làm thinh mà lòng buồn vời vợi….
Sau khi được chấp thuận cho thành lập LĐNN, Bộ TLHQ chỉ thị Trung Úy LĐT mở khóa 1 huấn luyện Người Nhái tại TTHL/HQ Nha Trang. Tất cả Ban HLNN lo chuẩn bị trợ huấn cụ. Còn tôi thì quyết định không xin ghi tên nhập học, lại làm đơn xin trở về Hải Quân, vì tôi thất vọng bởi các điều khoản ghi trong Nội Quy. Trung Úy LĐT không chịu ký cho tôi về Hải Quân mà khuyên tôi, nếu tôi không muốn học thì cứ ở lại đây để giúp cho Ban HL, vì Trung Úy LĐT biết tôi hiểu biết nhiều về kỹ thuật Người Nhái. Sau khi suy nghĩ tôi đồng ý làm bí thư cho đơn vị phụ giúp cho ban huấn luyện khóa 1 NN tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang.
Sau khi mãn khóa huấn luyện, tất cả di chuyển về Sài Gòn. Vài tháng sau, Bộ Tư Lệnh Hải Quân thi hành chỉ thị của Bộ TTM. Trung Úy Liên Đội Trưởng và đa số NN khóa 1 tình nguyện tăng phái cho Sở Phòng vệ Duyên Hải, và di chuyển ra Đà Nẵng.
Trung úy Lâm Nhật Ninh bàn giao chức vụ Liên Đội Trưởng lại cho HQ Trung Úy Phan Tấn Hưng. Vài tuần sau BTL/HQ phổ biến văn thư đến tất cả các đơn vị Hải Quân để tuyển mộ quân nhân Hải Quân tình nguyện theo học khóa 2 Người Nhái. Ban huấn luyện NN lo sắp đặt chương trình và lãnh trợ huấn cụ.
Trung úy Phan Tấn Hưng sau khi nhận bàn giao chức vụ Liên Đội Trưởng, xem lại hồ sơ nhân viên phục vụ tại Đơn vị NN, Tr/Úy Hưng gọi tôi vào văn phòng và hỏi lý do tại sao tôi đủ điều kiện học khóa NN mà lại không học? Tôi trình bày vì có vài điều khoản trong Nội Quy và Điều Lệ không công bằng cho NN nên tôi không muốn học. Sau khi tôi chỉ các điều khoản đó, Tr/Úy Hưng nói để Tr/Úy xem lại. Vài ngày sau gọi tôi vào văn phòng Tr/Úy Hưng cho tôi biết là đồng ý với tôi vì các điều khoản đó thiệt thòi và bất công cho NN. Tr/Úy Hưng khuyên tôi nên học khóa 2 NN và hứa sẽ làm văn thư xin điều chỉnh lại cho đơn vị sau khi mãn khóa. Sau khi suy nghĩ tôi ghi tên theo học khóa 2 NN.
Khóa sinh tình nguyện theo học NN từ các đơn vị HQ lần lượt về trình diện và được đưa đi khám sức khỏe, và phải qua phần trắc nghiệm thể năng rất gay go mệt nhọc trong vòng 1 tuần lễ để thử sức chịu đựng của khóa sinh.
Trắc nghiệm bơi lội: Thứ hai, bơi 200 thước tính giờ; đến ngày thứ bảy, phải bơi được 1,000 thước, tính giờ.
Trắc nghiệm chạy bộ: Thứ hai, chạy 1 giờ; đến ngày thứ bảy, khóa sinh phải chạy được bốn giờ liên tục, vượt qua các chướng ngại vật, vượt đường cát, chạy nhanh, đường quanh co v. v...
Tất cả khóa sinh về trình diện hơn 400 người, sau hai tuần lễ trắc nghiệm chỉ còn lại là 120 người. Tất cả khóa sinh và Ban HL di chuyển ra TTHL/HQ Nha Trang vào mùa Đông năm 1964, để nhập khóa. Tất cả khóa sinh chúng tôi đều hồi hộp lẫn lo âu. Chương trình HL rất nặng nhọc cực khổ, đòi hỏi khóa sinh phải dẻo dai chịu đựng, không được bỏ bất cứ một giờ học nào, nếu khóa sinh nào bỏ học vì lý do bệnh thì sẽ bị trừ điểm, và cũng là lý do duy nhất dành cho khóa sinh. Ngoài lý do bệnh khóa sinh nghỉ sẽ bị loại khỏi khóa và được đưa trả về đơn vị gốc.
KHÓA HUẤN LUYỆN NN BẮT ĐẦU.
Ngày đầu tiên sau phần thể dục, Thượng sĩ 1 Đào Ngọc Kỳ, Trưởng ban Huấn Luyện giới thiệu chương trình khóa học. Và bắt đầu vào chương trình qua các môn, thực tập bơi bằng chân nhái với ống thở băng ngang qua biển, chèo xuồng cao su Zodiac, chạy bộ đường trường, đường cát, đường sỏi đá và đường núi. Thực tập đột kích, phục kích và phản phục kích, thực tập xử dụng chất nổ phá hoại v. v.. Khóa sinh được HL trong bốn tuần lễ đầu cho đủ sức để bước vào tuần lễ Địa Ngục. “Tuần lễ Địa Ngục”... Chỉ nghe qua chúng tôi cũng đã hình dung được sự kham khổ khó nhọc vô cùng. Nhưng chúng tôi vừa được trang bị với câu Những gì người khác không làm được, Người Nhái phải làm được.
Thể dục “Người Nhái”
Tuần lễ Địa Ngục của Người Nhái.
Tất cả các nơi trong khu vực trại của khoá sinh đều được căng những tấm biểu ngữ màu đen tang tóc với những dòng chữ rất “ân cần” như Mời các bạn khoá sinh vào thăm tuần lễ Địa Ngục. Nào là Quỷ Môn Quan đang chờ các bạn. Và Các bạn hãy tranh đấu với bản thân để vượt qua khổ ải này thì mới lột xác trở thành Người Nhái. Tấm thực đơn nơi phòng ăn cũng được đổi món hàng ngày với các món ăn toàn là họ hàng của Người Nhái như: Ếch chiên bơ, Nhái xào lăn, Cóc Tía nấu canh chua, Nòng nọc lăn bột chiên v.v. Khóa sinh thầm bảo nhau phải hết sức cố gắng nếu vấp ngã thì coi như mộng ước tan thành mây khói.
Khai mạc: 5 giờ sáng còi tập họp. Trưởng Ban Huấn Luyện giới thiệu chương trình trong tuần lễ này tất cả khóa sinh đều phải thi đua tranh thắng với tình đồng đội, mỗi xuồng cao su là một đội. Điều lệ tranh đua, nếu xuồng nào về áp chót và chót thì phải tự động vào thế nhận phạt. Và các bạn được ngủ 7 giờ trong một tuần bắt đầu từ 12 giờ đêm sau buổi ăn khuya, các bạn sẽ được huấn luyện viên hướng dẫn.
Thể dục NN là căn bản cho sức khỏe hàng ngày đều phải tập luyện, tiếp theo là khoá sinh tranh môn Trò Chơi Thuyền Trên Bãi Cát. Nghe thì hấp dẫn nhưng không phải vậy. Tất cả các Đội đều đội trên đầu chiếc xuồng cao su đã sẵn sàng trên lằn mức. Sau tiếng còi của HLV các đội tranh nhau vượt chướng ngại vật trên đường đua để về trước nên đã đụng nhau té lăn trên bãi cát nóng. Cố gắng giành nhau về trước, nhưng vẫn có hai xuồng về sau, và được HLV cho vào thế 20 cái hít đất với chiếc xuồng cao su trên lưng nặng khoảng 200 ký. Và cứ tiếp tục hết tranh đua môn này thì lại tiếp theo môn khác. Quần quật cho đến giờ ăn trưa, khoá sinh có 15 phút để ăn và nghỉ. Chúng tôi phải ăn thật nhanh để còn lo vệ sinh cá nhân và nằm dưỡng sức không dám nói chuyện với nhau vì sợ hết giờ. Sau đó lại tiếp tục tranh đua các môn khác do HLV chỉ dẫn.
Tuần lễ này lại gặp phải thời tiết mưa bão liên miên (bão Lucy kéo dài suốt tuần lễ Địa Ngục.) Khi bóng đêm chìm xuống, người dân xóm Chutt thỉnh thoảng lại thấy qua những lằn sét chớp lên trong cơn mưa, ẩn hiện một đoàn người như bóng ma, âm thầm lặng lẽ miệt mài trong bóng đêm chịu đựng gian khổ. Có đêm phải chèo xuồng vượt sóng dưới cơn thịnh nộ của biển cả. Ngọn sóng cao từ 3 dến 4 thước sầm sập ập vào những chiếc xuồng đầy nước. Có chiếc lạc tay chèo lái bị sóng đánh bay lên bãi cát. Các khóa sinh cố đẩy xuồng vượt sóng ra khơi thật không phải là chuyện dễ dàng. Có chiếc đang vượt ra lại bị sóng đánh lật ngược chiếc xuồng, một khoá sinh không may bị xuồng đè lên bị trật cả khớp xương sống, HLV chở vào nhà thương nên đành bỏ cuộc.
Cũng tuần lễ Địa Ngục này tôi bị trợt chân trong khi vượt đường núi, té xuống gành đá, tôi chống tay trên san hô ngón tay cái bị tét một đường dài, đau nhức vô cùng vì trong san hô có chất nhớt tiết ra rất độc, tôi phải cố chịu đựng ôm ngón tay càng lúc càng sưng lên, tôi chịu đựng trong 3 giờ vượt núi mới được nghỉ và tự lo săn sóc cho mình vì đây là tuần lễ Địa ngục mà (cho đến bây giờ ngón tay cái của tôi vẫn còn vết thẹo xẻ đôi vòng tròn hoa thị, sau khi lành lại đã biến thành hai vòng hoa thị.)
Ban đêm thì cũng tranh đua tìm phương hướng, phục kích, đột kích, phản phục kích. Đến 12 đêm, khoá sinh được ăn cháo và bắt đầu ngủ, khoảng 15 phút sau HLV thổi còi ra lệnh: khoá sinh tập họp, quân phục quần đùi áo trận, giày bên phải boot, bên trái là dép, 2 phút sau tập họp. HLV chờ sẵn ngoài sân đón các khoá sinh ra trễ và 20 hít đất vào thế. Đoàn người khập khễnh chạy ra bãi biển trong mưa gió và ngâm mình dưới nước biển lạnh căm căm. Vài phút sau, chạy lên bờ hú gió kêu mưa vang trong bầu trời mùa đông lạnh lẽo. Nhận thấy khoá sinh đã đuối sức, HLV dẫn chạy về trại cho ngủ tiếp. Và cứ như vậy khoá sinh ngủ được 15 phút lại được đánh thức với lệnh của HLV mà thi hành. Suốt đêm cộng lại ngủ được 1 giờ mà thôi. Vì quá sức chịu đựng nên có một số khoá sinh đã tự động xin bỏ cuộc.
Các môn huấn luyện trong tuần lễ Địa Ngục như sau đây:
• Thực tập chất nổ trên bờ, chất nổ dưới nước.
• Phá hoại trên bờ, phá hoại dưới nước.
• Đột kích, phục kích, phản phục kích.
• Phòng thủ trên bờ, phòng thủ dưới nước.
• Giết lính gác, bắt tù binh, giải thoát tù binh.
• Thu thập tin tức tình báo tác chiến.
• Bơi trên mặt nước, lặn dưới mặt nước ban ngày và ban đêm.
• Đội xuồng vượt chướng ngại vật.
• Chèo xuồng vượt sóng, ban ngày và ban đêm.
• Chạy bộ vượt đèo, vượt núi, chạy bộ đường cát, sình lầy ngày và đêm.
• Thả và vớt bằng xuồng cao su.
• Thám sát trên bờ, thám sát dưới nước.
• Lặn sâu, lặn xa, lặn có bình hơi và không có bình hơi.
Mỗi ngày đều bắt đầu bằng một giờ thể dục Người Nhái và tiếp theo là chạy bộ 30 cây số đường trường, rồi lội 4 hải lý (1 hải lý là 1,852 thước) 1,852 th x 4 hl =7,408 thước. Tất cả vệ sinh thường thức đều hủy bỏ hết, vừa ăn xong là tiếp theo giờ cận chiến trên bãi cát nóng, gồm các thế võ Việt Nam, Judo, Jiu Jitsu, Karate, Aikido và Teakwondo…. Tập luyện những thế võ giết địch không gây tiếng động.
Liên tục như vậy cho đến ngày thứ sáu, chúng tôi đã trải qua khổ nhục:
• 2 lần bơi từ bãi TTHL/HQ qua Hòn Lớn và trở về điểm Cầu Đá (khoảng cách 7,450 thước một lần).
• 2 lần đi dây Tử Thần bên TTHL/Biệt Động Quân.
• 2 lần chèo xuồng cao su quanh Hòn Lớn v.v..
Tất cả khóa sinh chúng tôi đều mệt mỏi dật dờ. Có anh đã ngủ gục trong lúc chèo xuồng vì đuối sức. Nhưng mọi sự việc rồi cũng trôi qua.
Hôm nay là ngày cuối cùng của tuần lễ Địa Ngục, khóasinh chúng tôi lên tinh thần vì chỉ còn buổi hành xác 4 giờ chạy bộ là chúng tôi được “mở ngục”. Đúng 5 giờ sáng, tập thể dục xong, khóa sinh ăn điểm tâm và bắt đầu chạy từ TTHL/HQ dọc theo bãi biển vòng qua thành phố Nha Trang rồi chạy về Cầu Đá, vòng qua núi Lớn xuống Đồng Bò và trở về TTHL/HQ đúng 12 giờ trưa là chấm dứt.
Một khóa sinh gặp rủi ro khi đang chạy, anh bị sụp lỗ trên đường làm anh bị trật gân chân, đau quá nhưng cũng cố lê lết về đến trại thì đã quá giờ ấn định nên bị loại, anh ôm đầu tuôn rơi nước mắt.
oOo
Chấm dứt tuần lễ Địa Ngục, tất cả khóa sinh đều vui mừng nhưng không còn sức để reo hò mà tất cả đều nằm lăn ra ngủ vùi. Sau tuần lễ này cân đo lại mỗi khoá sinh đều sụt mất từ 4 cho đến 5 ký lô. Và nhân số khóa sinh đã rơi rụng từ đầu khóa là 120 người, đến sau tuần lễ Địa Ngục chỉ còn lại khoảng 40 người….
Bắt đầu khóa sinh học qua phần chuyên môn cao cấp tiếp theo như:
• Lặn sâu với bình hơi thở
• Thực tập đo nước lập Thủy Đạo
• Cập nhật hải đồ qua các phương pháp Bình Hành và Tác Chiến
• Thực tập chất nổ TNT, C4, v.v... các phương pháp và công thức khác nhau và các cách phá hoại để chận đường tiến quân, tạo chướng ngại vật để cản trở đường di quân của địch bao nhiêu phần trăm v.v...
• Thực tập Hải bàn và địa bàn của Bộ binh.
• Huấn luyện cận chiến võ thuật chiến đấu dưới nước v.v...
Thực tập Đột Kích. Ngày và đêm
Hôm nay là ngày đầu tiên thực tập nhảy không có dù từ trực thăng xuống biển từ ngoài khơi bơi vào bờ để phá hoại.
Thời tiết biển động cấp 3, cấp 4, sóng cao và gió thổi mạnh. 8 giờ sáng, 2 chiếc trực thăng của TTHL/KQ đáp xuống bãi biển trước TTHL/HQ. Chúng tôi đã sẵn sàng, một chiếc chở 6 khóa sinh bay lên trước để thử tốc độ gió. Khóa sinh Hồ Văn Khếnh được chỉ định nhảy trước vì anh đã được huấn luyện trong khóa Biệt Hải tại Đà Nẵng rồi. Trực thăng bay lượn một vòng rồi hạ thấp xuống lần còn cách mặt nước khoảng 20 thước, anh Khếnh đã đứng trước cửa hông của trực thăng sẵn sàng chờ khi hạ thấp còn chừng 10 thước thì đúng độ nhảy. Theo quy luật 30-30 nghĩa là -- trực thăng bay cách mặt nước 30 feet với tốc độ 30 Knots (30 Miles/giờ hay là 30 dặm/giờ), bỗng chiếc trực thăng bị hụt gió nên giật mạnh về một bên, anh Khếnh bất ngờ bị văng ra khỏi trực thăng vì mất thăng bằng chới với rớt xuống biển chìm luôn, khóa sinh chúng tôi vội nhào xuống biển tìm vớt, nhưng vì biển động mạnh đã cuốn xác anh ra xa.
Tạm ngưng chương trình huấn luyện, chúng tôi lo tìm kiếm xác anh Khếnh. Qua đến ngày thứ ba, toán ca nô đã vớt được xác của anh trôi qua gần tới Hòn Bãi Miếu. Khi khám nghiệm thi thể, bên hông anh bị gãy hết mấy xương sườn vì bị đập xuống mặt nước. Tang lễ tiễn đưa anh Khếnh ra nghĩa trang Khánh Hòa.
Ngày hôm sau chúng tôi bắt đầu thực tập nhảy trực thăng trở lại. Tiếng trực thăng bay vòng qua xóm Chutt làm kinh động người dân họ chạy ra xem chúng tôi đang thực tập. Họ lo sợ xôn xao bàn tán vì thấy tai nạn vừa xảy ra mà sao chúng tôi còn dám tập? Nhưng cuộc thực tập của chúng tôi ngày hôm đó đã thành công.
Lần lượt các môn học và thi mãn khóa. Tôi đậu Thủ khoa của khóa 2NN. Khóa sinh chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm. Điểm lại khóa sinh đậu bằng chỉ còn lại 33 người (gồm 2 Sĩ Quan và 31 Hạ Sĩ Quan/ĐV.) Thật là gian nan!
Ngày lễ mãn khóa được ấn định vào tháng 1/65. Khóa sinh được nghỉ ngơi một tuần trước khi làm lễ mãn khóa. Trung úy Hưng giao cho tôi trách nhiệm vẽ Phù Hiệu cho đơn vị.
Tôi nghĩ tới bức hình vẽ một tổ Người Nhái và trái thủy lôi, đã làm cho tôi say mê và đã giúp tôi đạt được ước vọng trở thành Người Nhái như ngày hôm nay. Tôi vẽ hình trái Thủy Lôi đó vào giữa phù hiệu và màu đen của trái Thủy Lôi tượng trưng cho sự nguy hiểm, và cũng có ý nghĩa để tang cho tất cả Người Nhái anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc.
BUỔI LỄ MÃN KHÓA 2 NGƯỜI NHÁI tại TTHL/HQ/NT
Hôm nay16-1-1965, là ngày trọng đại của khóa sinh chúng tôi. 5 giờ sáng anh em đã có mặt nơi diễn trường, cùng lo xếp đặt vật liệu, dụng cụ biểu diễn. Nơi khán đài các toán Sinh viên sĩ quan Hải Quân lo chuẩn bị dàn chào danh dự, và kiểm soát các hàng ghế của quan khách. Đúng giờ khai mạc, Đại Tướng Nguyễn Khánh Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đến, Tư Lệnh Hải Quân Đề Đốc Chung Tấn Cang cùng với Hải Quân Trung Tá Nguyễn Đức Vân Chỉ Huy Trưởng TTHL/HQ, ra tiếp đón quan khách.
Bắt đầu làm lễ, khóa sinh Thủ khoa bước ra khỏi hàng quân tiến lên giữa hàng quay mặt về hướng khóa sinh, dõng dạc hô to: Khóa sinh! Quỳ! Dưới hàng quân Khóa sinh hô to đáp lại: Xuống! Và tất cả khóa sinh đồng quỳ xuống, Thủ Khoa xoay người lại, hướng về phía quan khách rồi quỳ xuống, đưa tay thẳng về trước, đọc lời tuyên thệ Trung thành với Tổ Quốc, từng câu một, và khóa sinh cùng lập lại. Khi dứt lời tuyên thệ, Thủ Khoa đứng lên và bước tới ba bước, đứng nghiêm chào.
Đại Tướng Nguyễn Khánh bước đến trước Thủ khoa trao bằng Danh Dự rồi trở về khán đài. Thủ khoa xoay trở lại trước hàng quân, dõng dạc hô to Người Nhái… Đứng. Khóa sinh hô to đáp lại: Lên! Và kể từ giờ phút đó Khóa sinh đã trở thành Người Nhái.
Cuộc biểu diễn những kỹ thuật đặc biệt của Người Nhái
Bắt đầu các cuộc biểu diễn các môn như: Cận chiến, đột kích, phục kích, đổ quân từ ngoài khơi lội vào bờ phá các chướng ngại vật, phá hủy các công sự phòng thủ. Rồi bơi ra khơi so hàng dưới nước rồi tàu chạy đến kéo vớt lên với kỹ thuật đặc biệt của NN.
Tổ NN đổ quân bằng trực thăng để Người Nhái lặn đến mục tiêu phá hủy tàu ngoài khơi, do tôi và NN Nguyễn Đức Nguyên biểu diễn. Sau khi lặn đến đặt chất nổ dưới lườn ghe (tượng trương cho chiếc tàu), tổ của tôi lặn thẳng vào bờ biển và chạy đến trước khán đài. Đứng nghiêm chào thì là đúng giờ khai hỏa, chất nổ C4 đặt dưới lườn ghe phát nổ và chiếc ghe tan tành theo cột nước khổng lồ tung lên không trung.
Ảnh từ trái qua: Đại Tướng Nguyễn Khánh, Tổng Tư Lệnh QL/VNCH.
Ảnh giữa: Quan Khách chụp ảnh lưu niệm. Khóa 2 NN
Ảnh Phải: Phó Đề Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân
Sau buổi biểu diễn mãn khóa, Người Nhái chúng tôi được lệnh phải biểu diễn thêm một lần nữa tại Vũng Tàu theo chỉ thị của Đại Tướng để cho Hội Đồng Quân Lực và Nội Các Chánh Phủ xem, vì Đại Tướng cho biết rất thích cuộc biểu diễn của Người Nhái vừa rồi!
oOo
Riêng về phần tôi, những mơ ước ngày còn thơ ấu, nay đã trở thành sự thật. Sự thành công mà tôi đã phải trả một giá thật đắt, thật gian nan nếu tôi không đủ nghị lực, kiên nhẫn thì chắc không có được như ngày hôm nay. Và sự thành công này cũng đầy hiểm nguy trùng trùng điệp điệp cho đời tôi đang mở ra trước mắt vì nhiệm vụ Người Nhái là phải thi hành công tác đặc biệt trong nhiều lãnh vực, v.v... Với lòng tự tin Người Nhái chúng tôi qua câu “Những gì người khác không làm được, Người Nhái phải làm được” để tự khuyên mình cố gắng nhiều hơn để hoàn thành mọi công tác do cấp trên giao phó.
HUẤN LUYỆN VIÊN NGƯỜI NHÁI
Năm 1965, Sau khi mãn khóa 2 NN, Liên Đội Người Nhái di chuyển ra căn cứ Hải Quân Cát Lở Vũng Tàu. Vào cuối năm BTL/HQ gởi văn thư cho LĐNN mở khóa huấn luyện cho một toán LLĐB gồm 5 người gốc Miên ở Hậu Giang để thi hành công tác bí mật ở Nam Vang.
Huấn luyện viên gồm có: Nguyễn Đức Nguyên (Trâu cổ) Nguyễn Văn Cang (Cang Mão) Huỳnh Ngọc Sâm (Sâm khùng), Nguyễn Văn Đạt (Đạt gồ) và tôi (An trâu nước).
Các khóa sinh ưu tú của LLĐB đã được tuyển chọn gởi đến. Nhưng sau hơn một tuần huấn luyện các khóa sinh LLĐB đã gởi thư xin đơn vị cho bỏ khóa học vì không theo nổi. Nhưng vì nhu cầu cần thiết của công tác nên BTL/LLĐB gởi công điện cho BTL/HQ yêu cầu giảm bớt phần huấn luyện chỉ cần học 1/3 chương trình huấn luyện mà thôi.
Sau khi mãn khóa, toán LLĐB trở về đơn vị. Và khoảng một năm sau báo chí loan tin chánh phủ Nam Vang kiện VNCH lên tới Liên Hiệp Quốc lý do là đã huấn luyện Biệt Kích đưa qua phá hoại Cam Bốt.
Nhân đây tôi xin lược qua nhiệm vụ huấn luyện viên NN là phải tập luyện cho các khóa sinh nếm mùi khổ nhọc, nhẫn nại để đi đến thành công. Vì Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu để sau này tung ra công tác tại các toán trên 4 Vùng Chiến Thuật, khắp 5 vùng Duyên Hải.
Nhưng khi nói đến huấn luyện viên Người Nhái thì phải biết các anh có sức chịu đựng hơn người vì các anh này là thành phần ưu tú trong các khóa học cũng như công tác và cũng từng trải qua các trận chiến. Ngoài chương trình huấn luyện chính, các anh còn đem kinh nghiệm của bản thân để giúp cho các khóa sinh hiểu biết thêm.
Khi huấn luyện nếu các khóa sinh thi hành không đúng lệnh thì huấn luyện viên cũng tự động VÀO THẾ 20 đến 50 cái hít đất với khóa sinh, nhiều khi cùng lúc phạt hết khóa sinh này lại đến khóa sinh khác, khi cộng lại người huấn luyện viên hít đất đến cả ngàn cái trong buổi huấn luyện. Các môn huấn luyện khác HLV luôn luôn hướng dẫn và cùng thi hành với khóa sinh chớ không phải chỉ tay năm ngón, vì thế nên các khóa sinh trong khi thụ huấn đều gọi các huấn luyện viên là HUNG THẦN. Còn các Huấn Luyện Viên khi vào khóa thì cũng giống như đang học thêm một khóa NN.
Mục đích sử dụng hình phạt trong lúc huấn luyện chính yếu là:
1. Phải TỰ GIÁC khi mình lầm lỗi, phải tự động phạt mình để tự mình sửa chữa lỗi lầm, phải cẩn trọng trong mọi công việc, vì khi đi công tác mà lầm lỗi chỉ một lần thôi thì đã về bên kia thế giới rồi (không có lần thứ hai) như ngành Phá hoại dưới nước UDT, tháo gỡ chất nổ EOD, v.v..)
2. Phạt hít đất hay những hình phạt khác đều có tính cách là tạo thêm sức khỏe, sự chịu đựng dẻo dai và nhẫn nhục cho khóa sinh, nhưng huấn luyện viên vẫn phải đi đầu! Nếu đem so sánh với các quân trường khác thì chúng ta sẽ thấy khác biệt, vì các quân trường đều áp dụng hình phạt kỷ luật, huấn luyện viên hoặc huynh trưởng chỉ ra lệnh cho khóa sinh hay sinh viên thi hành mà thôi, mục đích chính là tạo cho khóa sinh, sinh viên sĩ quan sợ kỷ luật mà tuân hành (vì người viết bài đã tốt nghiệp khóa 5/70 SQĐB Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức).
Được trui rèn trong lò “Luyện thép” của Người Nhái (South Vietnam Navy SEALS) nên khi đi công tác hành quân, Người Nhái cảm thấy những khó khăn gặp phải đều không bằng trong lúc thụ huấn cho nên họ rất tự tin, và dĩ nhiên nếu NN có can trường xông pha oanh liệt nơi chiến trường thì chúng ta phải hiểu rằng huấn luyện viên của Người Nhái còn cao hơn họ một bậc!
NN Lê Đình An