|
Đất Nước, Quê Hương, Buồn...
Chắc
các bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tác giả nội dung bài viết này không
được cái may mắn như các bạn đang sống trong thế giới tự do.
Tôi đang sống trong một nông trường tại đại lục Trung Quốc, nơi mà cha
ông tôi đã sinh ra, rồi từ bỏ quê hương ra đi làm ăn sinh sống ở Việt
Nam. Cha tôi lớn lên ở đất nước Việt Nam, lấy mẹ tôi là người Việt, và
chỉ sinh được một mình tôi, nâng niu chiều quý như vàng như ngọc, nên
mới đặt tên tôi là Ngọc Kim. Tôi chỉ được sống sung sướng có mười năm.
Mẹ tôi mất khi tôi mới lên mười và từ đó là cảnh gà trống nuôi con.
Theo nguồn gốc, tôi là con gái người Hoa nhưng tôi hoàn toàn không
biết
Theo nguồn gốc, tôi là con gái người Hoa, nhưng tôi hoàn toàn không
biết Hoa, không biết viết ngay cả tên mình bằng tiếng Hoa. Tôi theo học
trường phổ thông thông Việt Nam và chẳng bao giờ nghĩ mình là người
Trung Quốc. Sau khi học xong trung học, tôi xin vào làm ở một nhà máy
Hải Phòng.
Tôi sống chan hòa với các bạn Việt Nam, cùng tham gia tập tự vệ, và cùng được kết nạp vào Đoàn Thanh Niên.
Tôi sống thoải mái vui tươi trong tình nghĩa đồng bào, bè bạn. Nhưng
cũng có lúc thoáng buồn khi nghĩ đến mẹ mất sớm, bố tôi đang là ông chủ
hãng buôn xuất cảng nay hạ xuống làm một chân "bảo vệ" cho một cơ quan.
Ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, người ta dùng danh từ "bảo vệ" để chỉ
những người làm công việc gác cổng, trông nom kho tàng, tài sản những
cơ quan nhà nước. Cũng như người ta khéo đặt tên cho những anh, những
chị nấu cơm trong quân đội hoặc cơ quan là "anh nuôi", "chị nuôi" để
khích lệ những con người suốt ngày làm việc với nồi, niêu, bát đĩa.
Khi tôi đã lớn khôn, tôi hiểu rằng cha tôi có những nỗi buồn khó nói.
Ông âm thầm chịu đựng một mình, sợ nói ra lại bị quy là thành phần bất
mãn. Ông cũng không muốn mang lại nỗi buồn cho tôi nên cũng không bao
giờ tâm sự cùng con gái.
Tôi đã sống hồn nhiên như những
con chim non tung tăng bay nhảy trên những lùm cây xanh lá dưới ánh
nắng mặt trời của những buổi sáng mùa xuân nắng đẹp. Tôi nào có biết
bão tố của cuộc đời đang ập đến sau lưng.
Một hôm, tôi được
Đảng ủy nhà máy gọi lên văn phòng và tuyên bố rằng tôi là người Hoa, từ
nay không được tham gia đội tự vệ, không được sinh hoạt Đoàn. Tôi cảm
thấy như có ai đánh mạnh vào thái dương, choáng váng chừng như muốn quỵ
xuống. Nhưng không, tôi vẫn đứng trơ trơ, không khóc và cũng không nói
một lời. Tôi từ từ gỡ tấm huy hiệu đoàn viên đặt trên bàn trả lại cho
Đảng ủy và lầm lũi ra về. Tôi thôi việc từ ngày đó vì biết rằng có đến
làm cũng chẳng vui gì, và chắc gì người ta cho tôi làm nữa, vì cuộc
chiến tranh ở biên giới Việt - Hoa đã nổ, và luồng gió độc bài Hoa đã
dấy lên ở khắp mọi nơi.
Ngày xưa, khi hai nước cộng sản
thân nhau, người ta đã đặt ra bài hái có những lời ca như sau: "Việt
Nam, Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông; mối tình hữu nghị sáng như
trời đông". Nhưng bây giờ họ giết nhau, một bài hái mới chống Trung
Quốc đã được lưu hành rộng rãi:
"Quân xâm lược Trung Quốc dã man, chúng chà đạp lên mảnh đất tiền phương. Máu đã đổ trên những vùng biên giới
yêu thương...".
Cơn gió lốc hiểm độc của thù hận và chia rẽ
dân tộc quét đi những mảnh lớn dân cư gốc Hoa trên bản đồ miền Bắc Việt
Nam. Những người dân gốc Hoa thuộc tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn là những
nạn nhân đầu tiên của trận bão đời đó. Cảnh chia ly mới đau khổ làm
sao, vì bao đời nay những người Việt gốc Hoa sống bên nhau với tình cảm
đồng bào, bè bạn. Phần đông họ lại có quan hệ máu mủ họ hàng với nhau,
nên khi thấy những người Hoa dìu cha mẹ già, bồng bế con thơ, gồng gánh
xách mang từ bỏ chốn chôn nhau cắt rốn, sinh sống đã bao đời để chạy
loạn, nhào về với "Tổ quốc Trung Hoa". Họ tự ví như từ cái lồng tre
chui vào cũi sắt, để lại những mãnh đất mà họ đã đổ mồ hôi cuốc cày
tưới bón, nhìn những cây lúa đang trổ bông mà như muốn níu chân người
trở lại. Họ đã khóc khi phải xa nhau và cảm thấy xóm làng trở nên trống
trải, mất đi cái ấm áp nhộn nhịp vui tươi của những ngày mùa.
Chiến tranh biên giới tháng 2-1979 bùng nổ. Người ta đồn rằng quân
Trung Quốc đã đánh bất ngờ và đã tiêu diệt sư đoàn 308 chủ lực quân
oanh liệt của cộng sản Việt Nam. Người ta nói rằng quân Trung Quốc tàn
sát dã man, giết cả đàn bà con trẻ và phá hết những gì là công trình
xây dựng trong khu vực chúng chiếm đóng. Người ta còn cho biết thêm
rằng không thể tin được những cán bộ gốc Hoa, vì nhiều người đã phản
bội, làm gián điệp cho Trung Quốc, dẫn lối chỉ đường để tiêu diệt quân
Việt Nam. Thế là lửa cháy lên, đầu rơi, máu đổ!
Làn sóng
căm thù hừng hực dâng lên. Bộ đội, công an tỉnh Quảng Ninh, nơi chiến
tranh đang bốc lửa, ập đến từng nhà, bắt trói những người Hoa còn lại ở
Đông Triều mang đi. Những người chưa bị bắt chạy xuống Hải Phòng. Như
tiếng bom nổ trong tim, người Hoa ở hai thành phố lớn nhất ở miền Bắc
lau khô nước mắt, sau khi đã khóc suốt đêm khuya, đem đồ đạc ra chợ
trời bán vội bán vàng, hối hả đóng thuyền chuẩn bị ra khơi "chạy loạn".
Có nhiều người hăng hái tuyên bố: "Tôi sẽ về với tổ quốc tôi [Trung
Quốc], dù có phơi nắm xương tàn trên quê nội cũng cam lòng". Nhưng cũng
có nhiều người chẳng muốn ra đi, họ nói:
"Từ Việt Nam chạy về Trung Quốc có khác gì từ cái lồng tre chui vào cũi sắt!",
vì vậy, họ đã chọn con đường ra biển để tìm tự do. Tự do hay là chết, chứ không có lồng
tre và cũi sắt. Nhưng than ôi, không phải ai cũng biết như vậy và làm
được như vậy. Những người quá nghèo làm sao có đủ tiền chung đóng tàu
to thuyền lớn ra biển cả. Tai hại hơn là họ nghe theo lời tuyên truyền
lừa phỉnh của đại sứ quán Trung Quốc: Nào là -- về nước sẽ được ưu đãi, sẽ
được phân phối công tác theo khả năng chuyên môn, sẽ được định cư theo
yêu cầu và theo nguyện vọng của đồng bào.
Tin tức người Hoa
về nước được tiếp đón ân cần ở các chiêu đãi sở vùng giáp giới Việt
Nam, được phát quần áo mới, được học tập, ăn uống tốt v. v... đã khích
lệ những người do dự chưa muốn rời bỏ đất nước Việt Nam trở về tổ quốc.
Trong lúc đó, công an Việt Cộng lùng bắt những người Hoa tình nghi làm
tay sai cho Trung Quốc, bỏ lỏng trật tự trị an, thả sức cho bọn lưu
manh, mất dạy làm nhục người Hoa còn lại, những người tha thiết nhất
đối với dân tộc Việt Nam thì lại là những người bị nhục nhiều nhất. Đó
là những người như tôi, thực chất là một người Việt Nam nhưng trong giờ
phút lịch sử ấy, hạn chế ở nông trường, không ai được ra làm ăn ở thành
phố.
Thế rồi họ buông ra những lời ruồng xã có tính cách nhục mạ như "quân Tàu ô", "thằng Tàu",
"con Tàu", thằng bán táo dầm"... và những tên thiếu giáo dục, những kẻ
có hiềm khích cũ với người Hoa tha hồ được phép lăng mạ, chửi rủa và
khủng bố đánh đập.
Tôi đã ở lại Việt Nam vào những giờ phút
kinh hoàng đó. Nhưng tôi vẫn chưa muốn ra đi. Tôi khóc nói với bố tôi:
"Con không biết một câu tiếng Trung Quốc, con chẳng quen ai ở bên đó,
con không muốn về...". Tôi không về thì bố tôi cũng không thể bỏ tôi mà
đi được, và tôi cũng không nỡ lòng nào để bố tôi chịu đau khổ, nhục
nhằn trước làn sóng dư luận độc ác, trước sức thúc ép của công an chính
quyền, nên tôi đã quyết định rời khỏi đất nước Việt Nam, quê mẹ của tôi.
Hai bố con âm thầm mang hoa và lễ vật ra nghĩa trang Phi Liệt để giả từ
mẹ tôi đang an nghỉ ngàn thu trong lòng đất Việt, và biết bao giờ mới
lại được về đây thắp nén hương thơm cầu nguyện cho hương hồn mẹ phiêu
diêu nơi cõi Phật. Tôi đã khóc nhiều và nói chuyện nhiều với mẹ tôi,
với nấm mồ cỏ xanh bao bọc mà sao cảm tưởng như đang nằm gọn bên người
như hồi còn bé dại, nói thầm thì rất lâu với hương hồn người đã khuất.
Mặt trời đã ngả về tây, một làn gió nhẹ làm xào xạc lá cây mà tôi tưởn
như mẹ tôi đã hiện về đứng đó. Đôi mắt người hiền dịu làm sao, người
vuốt ve mái tóc của tôi, dặn tôi phải theo bố, trông nom giúp đỡ cho
bố, như thế mới là con có hiếu. Tôi được bố tôi dìu ra khỏi nghĩa trang
để trở lại Hải Phòng chuẩn bị cho cuộc hành trình không hẹn ngày trở
lại.
Tôi đã ra đi trong nước mắt tiễn đưa của họ hàng bên
mẹ, của những đứa bạn thân và nước mắt của chính mình. Tôi đã đến chào
những gia đình Việt Nam quen thân, có người vừa khóc, vừa dúi cho một
món tiền nho nhỏ, có người cho một cái phao, vài chiếc mù-xoa, và ai
cũng cầu chúc cho bố con tôi "thượng lộ bình an", "thuận buồm xuôi gió".
Tôi quên làm sao được mẹ tôi, một người mẹ Việt Nam dịu hiền, nhân hậu,
đã thương quý tôi hơn chính cả đời mình. Tôi quên sao được những khuôn
mặt hiền lành, tình bạn chân thành của những người Việt Nam chân chính.
Tôi quên sao được quê hương tôi, thành phố Hải Phòng rực màu hoa
phượng, nơi tôi đã được sinh ra, khóc ba tiếng chào đời, chào cuộc đời
Việt Nam đã nâng dắt tôi đi từng bước một để rồi đến lúc này đây, tôi
bước xa hơn, xa nơi mẹ hiền còn nằm lại đó, xa bao bạn hữu từ thuở ấu
thơ, xa mái trường xưa nơi tôi đã từng ngày cắp sách đến nghe thầy cô
dạy cho cách sống, cách làm người. Xin giả từ Hải Phòng bến cảng, những
bến Bính, Xi-măng, Thượng Lý, Lạc Viên, những cầu Rào, Cầu Tre, Hồng
Bàng, Mê Linh, Quang Trung, Trại Câu, Cầu Đất... Những phố xá, những
ngôi nhà, những mái trường hiền lành xinh xắn của quê tôi, con sông Cấm
nối liền thành phố với biển khơi, đưa những con tàu của thế giới bên
ngoài vào thăm đất Việt. Nhà Hát Lớn vẫn còn đây, nơi cách chiến sĩ của
đội nam bắc Thành Tô đã anh dũng hy sinh trong những ngày đầu Hải Phòng
kháng chiến. Đây là vườn trẻ với Cung Thiếu Nhi, nơi ngày xưa cha mẹ
tôi đã đưa tôi đến cho tập cưởi trên những con ngựa bằng gỗ quay tít
mù, vừa thích vừa sợ...
Tôi đã âm thầm đi khắp mọi nơi, âm
thâm từ biệt từng con đường góc phố của quê hương thân yêu, tấc cả
những gì ở đây, ở mảnh đất Việt Nam thân thương này sẽ mãi mãi là những
kỷ niệm không bao giờ phai nhạt ở trong tôi.
Tôi trở về đất nước Trung Hoa, quê nội của ông cha và lòng bồi hồi nhớ đến mấy câu thơ của người bạn thân đã về từ trước:
Tôi đã về đây Quảng Tây Hợp Phố,
Mảnh đất nghèo nhưng sao thấy thân thương.
Tôi đã đi trên những con đường,
Nơi cha ông tôi từng in dấu gót...
Trung Quốc cũng nghèo, chẳng hơn gì Việt Nam, nhưng một công dân chân
chính của một đất nước thông thường không bao giờ chê đất nước của
mình, cũng như những đứa con hiếu thảo không bao giờ chê cha mẹ nghèo,
có chăng là họ tự chê mình chưa giỏi, chưa làm được gì để báo hiếu mẹ
cha, xây dựng đất nước thân yêu giầu mạnh. Nếu họ có trách là trách
những kẻ cầm quyền, nắm vận mệnh dân tộc trong tay đã lái con thuyền
quốc gia lại đì ngược với trào lưu xã hội để mang lại những gian khổ
nhục nhằn cho cả dân tộc.
Những đứa con tha hương từ đất
Việt trở về, cũng có những tình cảm đáng quý đối với đất nước Trung
Quốc. Họ cũng muốn đem tài năng và trí tuệ của mình làm rạng rỡ cho non
sông, đất nước, nhưng hỡi ôi! Liệu làm được gì, khi người ta đem xếp
tài năng vào một xó, gom toàn bộ những người Hoa về nước vào các nông
trường xa xôi hẻo lánh, bắt những "thiên tài" phải làm quen với cuốc
cày, đồng ruộng. Tất cả đều làm ruộng ở nông trường, đó là quốc sách
của Trung Quốc dùng để đối phó với những trái tim yêu nước muốn làm một
cái gì để đóng góp phần nhỏ bé của mình xây dựng một nước Trung Hoa
hùng cường.
"Các anh bảo anh là người Hoa, cộng sản Việt
Nam đuổi các anh đi; nhưng về nước, Trung Quốc lại bảo các anh là người
An Nam, lại còn nghi trong các anh có những tên gián điệp cộng sản Việt
Nam gài vào. Vì chính sách bảo vệ đất nước, xin các anh miễn kêu ca,
hãy cắn răng mà vác cuốc ra đồng làm ruộng. Chúng tôi không thiếu nhân
tài, nhiều nhân tài Trung Hoa chính gốc còn nằm co ở nhà chờ xin
việc...".
Những âm hưởng đó cứ dội mãi vào thính giác của
tôi. Đó là những lời bàn tán của những đứa con đã từng tuyên bố dù về
nước có phải làm kiếp trâu ngựa, phơi nắm xương tàn trên quê nội cũng
cam lòng, nhưng nay thì bất mãn thật sự với quốc sách "lồng tre cũi
sắt" của Trung Quốc. Có một trí thức trẻ từ Việt Nam về
không làm được ruông nên được "trên" chiếu cố cho đi chăn trâu, và anh
đã từ bỏ cuộc đời bằng cách tự sát, không đủ sức chịu đựng để thực hiện
câu nói nổi tiếng cộng sản trẻ tuổi Nicolai Astropski, tác giả cuốn
Thép Đã Tôi Thế Đấy. Câu đó như sau: "Hãy sống ngay cả khi cuộc sống đã
trở nên không thể nào chịu đựng được nữa".
Đứng về phương
diện nào đó thì câu nói có phần đáng được ngợi khen. không những hàng
trăm ngàn người dân gốc Hoa từ Việt Nam trở về phải sống "cuộc sống
không thể nào chịu đựng được nữa trong bức màn sắt", mà gần một tỷ dân
Trung Quốc đã phải chịu đựng như vậy từ lâu rồi. Có điều là họ không
chỉ có âm thầm chịu đựng mà còn âm thầm đấu tranh, phản kháng, đòi từng
bước cải thiện dân sinh. Đó là ly do vì sao có Đặng Tiểu Bình và chính
sách cải cách của cộng sản Trung Quốc, chứ không phải là "Trung Quốc có
"sĩ, nông, công, thương" mà Việt Nam chỉ có "sĩ, nông và công". Trung
Quốc có những thương nhân giỏi buôn bán thì bao giờ cũng linh động,
không thể giáo điều được". Đó là những lý giải thật hàm hồ của một học
giả Việt Nam cho rằng vì sao Trung Quốc có Đặng Tiểu Bình, có cải cách
mà Việt Nam không có.
Tất cả những người bị đè nén, áp bức
ở thế giới cộng sản đều phải tự vùng lên đấu tranh thì mới có được
những thay đổi trong chính sách cai trị khắc nghiệt của cộng sản. Những
cải cách bước đầu của cộng sản Trung Quốc hoặc cộng sản Liên Xô đều là
do kết quả đấu tranh của chính người dân các nước đó mang lại. Với ý
niệm đó, nên những người Hoa về nước cũng đã từng đấu tranh để đòi cải
thiện đời sống cho chính họ.
Có những người là gốc giáo
viên, là thợ in, thợ điện, nên nhất định không chịu làm ruộng và hàng
ngày kéo lên bộ nông trường, cãi lý với lãnh đạo nông trường. Cuối cùng
ban "lãnh đạo" cũng phải thu xếp cho một ít người làm theo ngành nghề
cũ, nhưng chỉ hạn chế ở nông trường, không ai được ra làm ăn ở thành
phố.
Nhưng không phải ai cũng gặp may được "trên" xếp việc
theo ngành nghề. Tôi là một trong những số phận hẩm hiu đó. Vì vậy hai
bố con tôi ngày ngày vác cuốc ra đồng, cuốc ruộng đến chảy máy tay mà
năng suất vẫn chưa đạt chỉ tiêu như "trên" quy định. Làm vất vả mà ăn
thì không có gì, nên cái tuổi mười chín đang đô thanh xuân của tôi héo
khô như chiếc lá mùa thu vàng khô rụng xuống. Tôi ốm nặng vì không chịu
được phong sương, vì thiếu dinh dưỡng, vì đau buồn, vì phẫn uất. Nhưng
ốm mà nằm nhà thì càng chết vì sẽ bị vu cáo là "đấu tranh lảng công" và
họ sẽ thực hiện lý luận kinh tế học của Mác - Lê "không làm không ăn",
có nghĩa là họ sẽ cắt sổ gạo. Không có gạo ăn thì sẽ chết vì đói trước
khi chết vì bệnh. Muốn được sống thì người bệnh phải cố mà lết lên lên
y tá bộ nông trường, nhắm chặt mắt lại, mặc kệ cho họ nghe, họ sờ, họ
mó. Và kệ thay họ muốn tiêm thứ thuốc gì cũng được, sau đó cố năn nỉ
xin cho được giấy ốm để được nghỉ lao động. Có thế thì mới không bị cắt
gạo và còn được hưởng chút tiền nghỉ ốm. Nhưng bọn cán bộ y tế cũng
tinh quái lắm, chẳng cho ai được nghỉ lấy quá hai ngày, thường cứ cách
một ngày là phải lên khám lại. Khi họ thấy ai còn nói to được, còn đỏ
được mặt lên cãi nhau với họ khi họ lợi dụng làm càn sờ mó lung tung,
không chịu cho giấy nghỉ ốm. Đối với những "con bệnh ngoan cố" đó họ
trả lời như tát vào mặt: "Đồ lười biếng, không chịu lao động, giả vờ ốm
để ăn công không của nhà nước mà không biết xấu hổ à!...".
Những loại cán bộ y tế "lương y như từ mẫu" ở Trung Quốc và trong chế
độ cộng sản Việt Nam sao mà giống nhau thế. Tôi không lạ gì những tên
cán bộ y tế như vậy nên đành mang bệnh trong người, phải vác cuốc ra
đồng để rồi có một hôm tôi bị nôn ra máu, ngã quỵ trong vũng nước bùn,
chết đi trong một khoảng khắc sau được bà con tiếp cứu mới trở về lại
với thế giới người sống. Từ đó cha tôi không cho tôi ra đồng, bắt phải
ở nhà đi kiếm củi trên rừng và nuôi gà, trồng rau. Riêng cha tôi, ông
cứ nghĩ rằng mình dù đã tuổi cao nhưng vốn dĩ là người tráng kiện vẫn
có thể quen dần với lao động cấy cày. Nhưng mọi việc đã trái ngược với
ước vọng của ông. Cha tôi bị ốm nặng và đã qua đời, để lại một mình tôi
bơ vơ trên dương thế.
Sau khi cha mất, tôi cũng chẳng còn
thiết sống, và dù có muốn sống cũng không biết lấy gì để sống. Hỏa
thiêu và an táng cha tôi xong, tôi đóng chặt cửa buồng và toan quyên
sinh bằng một sợi giây thừng đã chuẩn bị sẵn. Nhưng ở đâu cũng vậy, có
lắm kẻ bất nhân thì cũng có nhiều người lương thiện. Những bà con tỵ
nạn Việt Nam cùng nông trường đã đến cứu tôi, họ mang cho tôi đủ thứ và
phân công nhau canh gác, không cho tôi có dịp quyên sinh nữa.
Có người khuyên tôi nên lấy chồng để có chỗ nương tựa, nhưng tôi lại
rất sợ nói đến chuyện này. Vì bố tôi mới mất, trên đầu còn mảnh khăn
tang, đạo làm con chưa làm tròn chữ hiếu, còn đâu dám nói tới chuyện
xuất giá. Hơn nữa, chính sách hạn chế sinh đẻ thực hiện một cách thô
bạo ở Trung Quốc làm tôi phát sợ. Có những cặp vợ chồng vì đã "trót" đẻ
thêm một đứa con đã bị công an đến tận nhà bắt mang về bệnh viện
"hoạn". Có người bị buộc phải phá thai và đã chết ngay trên bàn phẩu
thuật của bệnh viện. Có những cặp vợ chồng chỉ vì không có con trai, đẻ
được mỗi đứa con gái và bị cấm đẻ tiếp, sinh cãi nhau để rồi người vợ
phải thắt cổ tự tử... Nhìn thấy mà ghê. Tôi chưa có gan đem cả cuộc đời
còn trong trắng của mình nhận vào vũng bùn hôi tanh đó. Tôi phản kháng
kịch liệt những ai dụ dỗ tôi lấy chồng, và xua đuổi tất cả những anh
chàng "nhà quê mê gái" và những anh "lẩu pản" trẻ tuổi từ Hồng Kông lao
về đại lục tìm vợ. Mọi người cho tôi là gàn gở, là tự cao. Có kẻ "ăn
không được thì đạp đổ" đã tung dư luận bảo tôi bị bệnh tâm thần, điên
dở.
Kể ra họ cũng có lý, bởi vì sau khi cha tôi mất, tôi
hay cười nói bất thường, người lúc nào cũng như ngây như dại. Có lần
soi gương, tôi thấy giật mình vì tôi cũng chẳng nhận ra tôi nữa. Tôi
nhìn lại tấm ảnh chụp hồi ở Việt Nam mới hai năm trước đây so với tôi
giờ này như hai người khác biệt. Đâu còn nữa cô Ngọc Kim duyên dáng đẹp
tươi, mái tóc xanh dài, mượt mà óng ả, phủ xuống đôi má hồng mơn mởn
của cái tuổi dậy thì mười bảy. Còn đâu nữa đôi mắt nhung đen thoáng vẻ
mơ buồn nhưng rất nên thơ đã vô tình làm nhiều trái tim xao xuyến khi
đón nhận một cái nhìn thật hồn nhiên của người con gái chưa biết gì đến
hương vị của tình yêu. Giờ đây, đôi mắt ấy vẫn còn đẹp, vẫn có lực hấp
dẫn đối với các chàng trai, nhưng sao nó buồn sâu thẳm, làm những con
người cương nghị nhất cũng cảm thấy lòng dạ xót xa. Đôi má hồng mơn mởn
của hai năm về trước nay được thay vào đôi má gầy xanh, lưỡng quyền nhô
cao. Đôi môi đỏ thắm thuở nào nay được thay bằng một màu đen nhạt như
tố cáo cảnh nghèo hèn không dinh dưỡng của một chứng bệnh hiểm nghèo:
đau tim, thiếu máu...
Hỡi các chàng trai, xin hãy để tôi yên. Nếu có lấy tôi về cũng chỉ mang thêm gánh nặng, trong lúc chính
các anh cũng phải còng lưng vì lao động nhọc nhằn như kiếp ngựa trâu ở
những nông trường tăm tối. Nếu có thương nhau thì hãy để cho nhau tự do
và giúp nhau bằng tình bạn.
Có một việc tôi không bao giờ
sao lãng là việc thắp hương trên bàn thờ cha mẹ và ngồi im lặng chiêm
ngưỡng chân dung người, nói chuyện thầm thì với hương hồn người đã
khuất, trong lúc tôi có thể quên đi mọi sự kể cả việc ăn uống. Tôi cầu
nguyện, mong cho cha mẹ được gặp lại nhau, sống vui như những ngày tôi
còn thơ ấu ở Việt Nam, và ước gì bên kia thế giới của loài người có một
thiên đường dành cho những linh hồn lương thiện như cha mẹ tôi. Nhiều
đêm nằm mơ thấy cha mẹ tôi đến đón và tôi sung sướng gọi tên người,
vùng dậy chạy theo... Nhưng đó chỉ là một giấc mơ, giấc mê sảng của
người đang ốm nặng.
Tôi không muốn chết, nhưng cũng không
còn muốn sống, vì thấy cuộc đời sao tăm tối thê lương. Trong những lúc
tâm hồn yếu đuối, tôi đã được những bàn tay đôn hậu của đồng bào cùng
cảnh ngộ nâng đỡ tôi lên. Họ cũng nghèo thôi nhưng tình nghĩa thật
nhiều, họ cho tôi từng nắm gạo để nấu cháo. Có người dám hy sinh cả con
gà nuôi để dành Tết mang giết thịt để bồi dưỡng cho tôi. Tôi đã sống
bằng tình thương của đồng bào tỵ nạn mình như vậy cho đến lúc tôi có
được những cứu cánh mới. Đồng bào đã tranh đấu thật quyết liệt với "cấp
trên" và họ buộc phải chấp nhận cho tôi vào làm ở nhà máy của nông
trường, một nhà máy do chủ người Hồng Kông bỏ tiền xây dựng. Tin có
việc làm như một luồng gió mát làm dịu đi những vết bỏng của trái tim
đang rỉ máu. Rồi sau đó là những lá thư từ thế giới tự do bay về như
những con chim én bay về khi mùa đông giá lạnh đã qua đi nhường chỗ cho
một mùa xuân mới. Những lá thư, rồi kèm theo là những món tiền nho nhỏ
của bạn bè từ Canada, từ Mỹ, từ Anh Quốc gửi về khuyến khích tôi, giữ
tôi dừng lại trước cái hố diệt vong của cuộc đời.
Nhựa sống
của lứa tuổi hai mươi không dễ gì tàn lụi, héo khô. Nó như một thân cây
mang trong mình những sinh lực vô biên đã hiên ngang trỗi lên làm nứt
rạn những tảng băng cứng trong mùa đông giá lạnh, và khi gặp hơi ấm của
mùa xuân, nó đã nẩy lộc, đâm cành, khai hoa, kết quả.
Nào
tôi có ước gì hơn, chỉ mong sao có được việc làm hợp với khả năng và
sức khỏe, để có thể tự nuôi sống mình, không phải phiền lụy đến ai. Và
giờ đây tôi đã có việc làm, tôi bắt đầu thấy vui trong lao động. Tôi đã
có tiền lương, lại thỉnh thoảng có tiền tiếp tế từ nước ngoài gởi về
nên cuộc đời bắt đầu xanh tươi trở lại.
Tôi vui mừng đón
những người thân từ nước ngoài về thăm, và được người nhà đưa đi chơi,
du ngoạn những danh lam, thắng cảnh ở Trung Quốc.
Tôi
đã được đi thăm những dinh thự nguy nga của cung đình triều vua ở Bắc
Kinh, đứng trên Vạn Lý Trường Thành để phóng tầm mắt ra tận nơi xa xăm,
hình dung những trận đánh của quân Ngoại Mông hung hãn xung phong bằng
ngựa chiến để liên tưởng tới những danh tướng quân Nguyên Mông, những
Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt và con cháu hắn đã tàn phá Trung Quốc
rộng lớn, cưỡi trên lưng con sư tử Trung Quốc ngái ngủ nên bị kẻ thù
chinh phục. Nhưng thật kỳ lạ thay, sao những tướng sĩ của quân Nguyên
Mông lại thua đau khi vấp phải sức kháng cự của một dân tộc anh hùng
giòng Lạc Việt!
Tôi cũng được đi thăm Quế Lâm, một trong
những nơi nổi tiếng sơn thủy hữu tình củad đất nước Trung Quốc. Ta có
thể ngồi trên thuyền máy đi dọc tren dòng sông dài hàng trăm cây số và
cảnh núi non hai bên quả như thiên thai trong trần thế. Đất nước Trung
Quốc cũng như đất nước Việt Nam đều rất đẹp, thiên nhiên đã ưu đãi hai
nước Việt - Trung, cộng với công trình sáng tạo của dân tộc nên đã có
được những thắng cảnh đẹp, vừa nên thơ vừa hùng tráng.
Một
trong những nơi để lại trong tôi những kỷ niệm đó là chuyến đi thăm
thắng cảnh huyện Phú Sơn, thuộc tỉnh Phúc Kiến. Đó là một hòn đảo bây
giờ đã gắn liền với đại lục bằng một con đường dài lấp eo biển. Cảnh ở
đây sao so được với Quế Lâm, với Bắc Kinh, nhưng nó lại có những nét
đặc thù mà không nơi nào có được. Nơi đây có một miếu nhỏ quanh năm
hương khói, đó là một hiện tượng mới lạ trong cái xã hội cộng sản vô
thần. Ở đây cũng có một đoạn trường thành giả, dường như đó là biểu
tượng của nhà cầm quyền Trung Quốc nhắc nhở mọi người là phía trước
mặt, bên kia Biển Đông, hạm đội của quân Đài Loan có thể tấn công vào
lục địa bất cứ lúc nào. Một cảnh thiên nhiên được du khách chú ý nhiều
là một tảng đá khổng lồ, to nặng hàng trăm tấn nhưng chỉ gắn liền với
mặt đất bằng một trụ nhỏ, trông thật chênh vênh, tưởng như chỉ cần dùng
sức của mấy người đẩy mạnh là lăn tòm xuống biển. Ấy vậy mà hải quân
Trung Quốc đã dùng tàu chiến móc dây cáp định kéo tảng đá xuống biển mà
không sao kéo được. Người dân địa phương trọng vọng tảng đá này như một
vị thần linh, đã ngang nhiên đứng giữa trời như thách thức bạo quyền.
Trên tảng đá có khắc bốn chữ Hán lớn "Nam Thiên Nhất Trụ". Không ai
biết những chữ này do ai khắc, và từ bao giờ, nhưng chữ rất đẹp, ăn rất
sâu vào tảng đá, không ai có thể cạo đi được. Đó là một kỳ quan nho nhỏ
mà nhiều du khách từ khắp nơi tò mò muốn biết. Nhưng điều gây sự hấp
dẫn cho những du khách từ khắp nơi đến đây còn vì một lý do khác: Đứng
trên đảo này vào những ngày trời đẹp, có thể nhình thấy ở xa xa một vệt
dài mờ mờ huyền ảo, đó là đảo Đài Loan, mảnh đất của tự do.
Đứng trên bờ biển Phú Sơn, tỉnh Phúc Kiến, dùng ống nhòm của anh họ tôi
ở Canada về cho mượn, tôi đã nhìn rõ hơn đảo Đài Loan, niềm ước vọng
của nhiều người dân đại lục Trung Quốc. Chính ở nơi đây, trên hòn đảo
Phú Sơn này đã xảy ra trận tập kích bất ngờ của quân Đài Loan đổ bộ vào
đại lục, tiêu diệt quân canh phòng bờ biển của Trung Quốc và đã mang
theo toàn bộ dân cư của đảo này về Đài Loan. Đó là một hòn đảo mà Trung
Quốc không bao giờ quên. Và người dân lục địa cũng không bao giờ quên.
Họ mong ước có thêm nhiều trận tập kích như vậy nữa để tạo điều kiện
làm rạn nứt những bức tường thép đang ngăn cách họ với thế giới tự do,
để có một ngày nào đó họ có thể phối hợp với lực lượng tự do dân chủ ở
nước ngoài đập tan gông xiềng đang xiết chặt trên đầu cổ họ.
.................
2008
Lấy trong blog của CSU Yahoo 360
|
|
No comments:
Post a Comment