Nhật Ký: ĐOẠN ĐỜI QUÂN NGŨ
Bác sĩ HOÀNG
THẾ ĐỊNH
Năm 1970, một hôm vừa ở bệnh
viện về nhà, tôi chợt thấy trên bàn một bì
thư, nơi gởi là Cục Quân Y Bộ Quốc Phòng; bên
trong bì là giấy gọi tôi trưng tập vào Quân Y Quân
Lực Việt Nam Cọng Hòa.
So với các binh chủng tác chiến thì
Quân Y được coi như là "lính kiểng". Là một
trong những đơn vị yểm trợ, Quân Y phải
theo chân các binh chủng tác chiến và không ít người hy
sinh trên chiến trường. Riêng khóa trưng tập QY
1970, gọi "lính kiểng" cũng không ngoa: mới vào
Quân Trường Thủ Đức mà trên ve áo chúng tôi đã
mang quân cấp bậc trung úy, làm các sinh viên sĩ quan cùng trường
phải chào chúng tôi mỗi lần đi ngang. Cùng năm đó,
hai người em của tôi, một là em ruột, một là
con ông chú, đều là giáo sư cũng được gọi
thi hành nghĩa vụ và cùng ở Quân Trường Thủ Đức,
báo hại hai chú ấy, mỗi lần đến thăm tôi
đều phải đứng nghiêm, chào kính rồi xưng
tên họ, cấp bậc...
Các khóa sinh viên sĩ quan thì phải
qua đến 9 tháng học quân sự, với mọi bài học
quân sự và thực tập gắt gao mới được
trở thành một sĩ quan. Khóa Y-Sĩ Trưng Tập chúng
tôi chỉ kéo
dài 9 tuần lễ.
Với thời gian ngắn ngũi ấy, các lớp học
chỉ là căn bản, chúng tôi cũng đi học ở
các bãi tập, cũng bò dưới hỏa lực, ném lựu
đạn, tháo ráp súng Carbine và M16 và tập bắn, đáng
nhớ đời có lẽ là ai trong chúng tôi cũng nhớ
lúc bắn thử M60 từng loạt và từng viên một...Cuối
khóa, chúng tôi cũng có thi ra trường trên lý thuyết và bắn
thi hai loại súng cá nhân kể trên. Ra trường chúng tôi được
phát bằng tốt nghiệp với thứ hạng đàng
hoàng. Rời Quân Trường Thủ Đức là đến
học về Hành Chánh Quân Y tại Trường Quân Y ở
Sàigòn. Sau 5 tuần, mọi học viên được triệu
tập trong một phòng để chọn đơn vị
tùy theo thứ tự tốt nghiệp từ Quân Trường
Thủ Đức và Hành Chánh Quân Y. Dù tôi đã tốt nghiệp
hạng 5 cho 2 trường lớp kể trên, khi được
gọi lên bảng đã viết sẳn những đơn
vị thuộc mọi binh chủng, tôi đã chọn Sư
Đoàn 1 Bộ Binh để được gần vợ
con, dù biết rằng Sư Đoàn 1 đang trấn giữ
các hai tỉnh địa đầu giới tuyến là Quãng
Trị và Thừa Thiên mà chiến cuộc đang sôi sục
giữa quân ta với Cọng quân. Tôi cầm giấy tờ
về Tiểu Đoàn 1 Quân Y thuộc Sư Đoàn 1 Bộ
Binh, trình diện xong là nhận Sứ Vụ Lệnh ra tỉnh
Quãng Trị với chức vụ Đại Đội Phó
Đại Đội 11 Quân Y thuộc Trung Đoàn 1 Bộ
Binh và được đưa ngay ra hậu cứ Trung Đoàn
đóng tại làng La Vang. Chân ướt chân ráo thực sự
bước vào Quân Đội, thấy mọi thứ đều
xa lạ. Vừa gặp Đại Đội Trưởng
ĐĐ11 QY (đã quá vãng) là bạn cùng trường Y Khoa
Huế, tôi thấy yên tâm phần nào. Tuần đầu, tôi
làm quen với trạm xá của Đại Đội cùng tất
cả y tá, dược tá...và được đưa đi
giới thiệu với các sĩ quan các phòng, ban thuộc hậu
cứ Trung Đoàn. Khi nhìn sơ đồ tổ chức
Trung Đoàn, tôi mới nhận ra anh bạn học cùng 2 lớp
Đệ Tam và Đệ Nhị trường Quốc Học,
anh Võ Toàn. Anh Toàn bây giờ đang là Thiếu Tá Tiểu Đoàn
Trưởng Tiểu Đoàn 3 thuộc Trung Đoàn 1. Khi tôi
ngõ lời với một vị sĩ quan ban 4 có gia đình ở
gần nhà chúng tôi trongThành Nội, anh ta đã bắt máy gọi
để cho tôi nói chuyện với Thiếu Tá Toàn; khổ
nổi tôi chưa quen với lối xưng hô trong quân ngũ,
cứ mãi xưng hô mày tao với cấp chỉ huy làm mọi
người trong phòng quây mặt đi để dấu
cười. Sau 2 tuần học việc tại hậu cứ,
tôi được đưa đến căn cứ Nancy là
tiền doanh của Trung Đoàn 1 Bộ Binh, tôi đã quen biết
cách chào kính khi đứng trước Trung Tá Nguyễn Văn
Điềm, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 1 Bộ
Binh. Cũng như tất cả các sĩ quan khác, mỗi buổi
sáng tôi đều đến họp tại trung tâm hành quân
trong một hầm kiên cố và đầy tiện nghi máy móc
liên lạc bằng vô tuyến và hữu tuyến cũng như
bản đồ hành quân với những cao điểm, căn
cứ... tôi chỉ biết ngồi im lặng nghe thuyết
trình. Ở đây được ba ngày,Trung Tá Điềm gọi
tôi và nói:
- Tôi được tường trình là thời
gian ngắn vừa qua tại trạm xá, bác sĩ đã cứu
sống một binh sĩ xem như đã tắt thở. Vậy
bác sĩ cứ về lại hậu cứ lo chữa bệnh
cho anh em. Tôi nhờ trời ít khi đau ốm, cảm cúm lắc
nhắc thì đã có mấy y tá ở đây. Khi nào cần tôi
sẽ gọi bác sĩ.
Thế là tôi lại sửa soạn quân
trang trở về lại hậu cứ La Vang, hằng ngày
chỉ lo việc trạm xá Trung Đoàn. Hơn tháng sau, tôi
lại nhận được lệnh Tiểu Đoàn
Trưởng TĐ1 QY gọi trở về Mang Cá, hậu cứ
Sư Đoàn. Về sau, tôi nghe một vị sĩ quan hành
chánh Tiểu Đoàn cho biết là vị Đại Đội
Trưởng ĐĐ11 QY đã gởi tôi lại Tiểu Đoàn
QY với lý do hậu cứ không cần phải 2 bác sĩ.
Tại Tiểu Đoàn 1 QY, tôi được
giao làm y-sĩ điều trị trạm xá Sư Đoàn.
Thời gian nầy tôi được làm quen với Thiếu
Tướng Phạm Văn Phú. Nguyên trước, anh rễ
tôi là sĩ quan huấn luyện nhảy dù trong Lực
Lượng Đặc Biệt và Tướng Phú cũng đã
qua chương trình huấn luyện đó. Ở Sàigòn,vợ
của Tướng Phú là bạn chơi cờ Mạc
Chược với chị ruột tôi, vì vậy hai gia đình
quen thân. (Để biết về Mạc Chược, xin đọc
bài "Ma-Tước tức Mạc Chược" của
cùng tác giả trong Tập San nầy). Nhiều đêm, sau giờ
làm việc và để giãm bớt căng thẳng,Tướng
Phú thường tiêu khiển bằng môn cờ Mạc
Chược, ông gọi điện thoại mời tôi sang
dinh Tư Lệnh chơi cờ khi biết tôi không phải
trực hành chánh hoặc chuyên môn tại Tiểu Đoàn QY.
Tướng Phú mới tập chơi cờ và lại ông chỉ
thích đạt những ván cờ lớn, nên ít khi được
thắng . Bà Phú thì mỗi khi chồng bận điện
thoại là ngồi vào thế chỗ, bà có lối đánh quân
cờ bằng tay trái rất điệu nghệ và đẹp
mắt. Có khi vợ chồng ông Tướng đùa nghịch
dành nhau để được đánh cờ, làm hai vị
sĩ quan Sư Đoàn và tôi được dịp cười
vui.
Vài tháng sau, do tình hình chiến sự đòi
hỏi, sau khi họp bàn với các vị tư lệnh Quân
Đoàn, Tổng
Thống Nguyễn
Văn Thiệu ra lệnh mở đầu Hành Quân Lam Sơn
719 hầu ngăn bước Cọng quân xâm nhập Miền
Nam Việt Nam theo đường Hạ Lào. Hành Quân 719 được
phối hợp do nhiều binh chủng thiện chiến như
Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thiết Giáp và Sư Đoàn
1 BB. Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn
1 QY cử một bác sĩ hiện dịch vừa ra trình diện
dẫn theo một Trung Đội Quân Y theo Bộ Tư Lệnh
Sư Đoàn Hành Quân đóng lại Khe Sanh. Một tuần
sau, Tiểu Đoàn Trưởng Quân Y gọi tôi và cấp sứ
vụ lệnh để tôi lên thay vị bác sĩ đang
theo Sư Đoàn. Lần đầu tiên hành quân, tôi bỡ
ngỡ không biết phải làm gì trước. Buổi sáng
đầu tiên ở đây, tôi theo chân các sĩ quan trưởng
các phòng, ban, cùng các Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn
yểm trợ đến họp ở Trung Tâm Hành Quân Sư
Đoàn. Buổi họp được Thiếu Tướng
Phạm Văn Phú chủ tọa, sĩ quan Phòng Hành Quân và các
ban lần lược thuyết trình. Sau buổi họp, vị
Đại Tá Tư Lệnh Phó, Đại Tá Chung gọi tôi
ngồi lại, ông nói:
- Bác sĩ mới lên thay ông
bác sĩ kia à?
- Thưa Đại Tá vâng.
- Bác sĩ có biết vì sao tôi
gởi trả ông ta về lại Tiểu Đoàn Quân Y không?
Ấy là vì ông ta từ chối chở binh sĩ tử thương
trên xe Hồng Thập Tự Thế bác sĩ nghĩ sao?
- Thưa Đại Tá, trong
Hành Chánh Quân Y thì quả là như vậy, nhưng tôi nghĩ
là trong hành quân, chúng ta phải linh động.
Ông Đại Tá Tư Lệnh
Phó đứng giậy vỗ vào vai tôi:
- Tôi tin tưởng ở bác
sĩ! Bác sĩ cần gì cho công tác của mình không?
- Thưa Đại Tá, theo tình
hình chiến sự, tôi thấy cần có một phòng giải
phẫu an toàn cho thương binh và binh sĩ Quân Y.
- Được rồi! Công
Binh sẽ giúp bác sĩ.
Ra khỏi phòng hành quân, lững
thửng về lại lều vải. Trời Khe Sanh lâm râm
mưa, đất đỏ dẽo quẹo dính chặt đôi
giày lính của tôi xuống đất.
Sáng hôm sau, khi ở Trung Tâm
Hành Quân về, tôi đã thấy toán Công Binh đang ủi
đất khu dành cho Quân Y chúng tôi. Thiếu Tá Tiểu Đoàn
Trưởng Công Binh, một người em con dì ruột tôi
vừa lái xe trờ tới, anh đến bắt tay tôi và nói:
- Anh à, nằm trong lều vải
không ổn rồi, tụi nó pháo kích đều đều,
nguy hiểm lắm, anh và toán Quân Y nên ở dưới hầm.
Thế anh cần hầm nổi hay chìm?
- Tôi cần hai hầm chìm và
càng rộng càng tốt, vì tôi sẽ phải thiết kế
một phòng giải phẩu cùng thuốc men và toán Quân Y trong
môt hầm, còn hầm kia cho thương bệnh binh. Có được
không chú?
- Được mà, anh đừng
ngại.
Thế là toán Quân Y chúng tôi có
hai hầm lớn làm bằng những tấm nhôm cứng hình
nửa ống cống, phía trên chất đầy bao đất.
Chúng tôi được an toàn và yên tâm lo cho thương bệnh
binh hằng ngày tải bằng trực thăng từ bên
kia biên giới. Chiến sự
Ngày càng nặng
nề, qua thuyết trình, tôi cũng biết được
tổn thất của địch cũng như bên quân ta,
nhất là những cao điểm Đồi 30 và 31 do các tiểu
đoàn Dù trấn giữ. Cứ nhìn số chuyến bay tải
thương tới cũng biết mức độ ác chiến
như thế nào. Những hôm đó, bản doanh của Nhảy
Dù ở một ngọn đồi khác, phòng giải phẫu
do bác sĩ Trần Đông A làm việc liên tục ngày đêm.
Một hôm, lượng rocket và đại pháo rót vào Khe Sanh
nhiều hơn mọi khi, đồng thời các chuyến
bay chở hầu hết là thương binh Tiểu Đoàn
39 Biệt Động Quân. Chúng tôi phải nhường chỗ
nằm cho thương binh chật đầy hai hầm, một
số phải để nằm trên những tấm ván
trong lểu vải. Tôi chạy từ hầm nầy qua hầm
khác rồi tới lều vải để lựa thương,
thương binh nào thấy cần giải phẩu tại
chỗ, tôi làm ngay, môt số ngoài khả năng chửa trị
tại chỗ cần chuyển về Bệnh Viện Tiểu
Khu Quãng Trị hoặc Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương,
tùy mức độ bệnh. Hôm đó, khá nhiều thương
binh cần chuyển, tôi đến gặp những phi công
trực thăng Mỹ xin chuyển gấp, tôi nói với
anh phi công xin lưu ý đến hai anh BĐQ bị thương
nặng; một hạ sĩ với ruột lòi cả ra
ngoài đã được bó kín với chiếc khăn lông
tẫm dịch chuyền mặn và anh sĩ quan với vết
thương do đạn xuyên vế chân phải, dù đã được
băng bó kỹ lưỡng, máu vẫn tiếp tục chảy
xuyên qua lớp vải dày của cán xuống sàn trược
thăng, mặt anh ta tái nhợt. Tôi nghĩ anh bị đứt
mạch máu chính của chân phải. Anh sĩ quan níu tay tôi và
trao cho tôi chiếc áo giáp anh đang đắp ngang ngực:
- Bác sĩ chạy lui chạy
lại nguy hiểm quá, tụi nó pháo kích ào ào mà bác sĩ không
có gì che thân.
Tôi cảm ơn vừa mặc
áo giáp vào và nói lời chúc may mắn cho tất cả thương
binh. Trực thăng cất cánh. Trên đường trở
lại hầm làm việc, một anh y tá hỏi:
- Hôm nay toàn là thương
binh BĐQ, thế bác sĩ của họ đâu?
Tôi an ủi:
- Không biết họ phối
hợp ra sao, thôi cứ thấy thương binh là làm, anh em
cố gắng đi, tôi sẽ hỏi phòng hành quân sau.
Nhịp độ ác chiến
không thấy giãm sút chút nào, toán Quân Y chúng tôi làm việc không
ngừng nghỉ, anh em y tá còn chia nhau để đi ăn,
riêng tôi có ngày chỉ được ăn vào buổi tối.
Ở đây, ngoài việc chửa cho lính mình lại còn cứu
mạng cho một sĩ quan Việt Cọng; y bị mãnh đạn
ghim vào phổi phải mặt tím ngắc do thở không được,
tôi đã giải phẩu làm phổi giả cứu sống
anh ta (xem bài viết của cùng tác giả: "Quãng Đời
Y Và Nghiệp" trang 116 trong Đặc San Gia Đình ATBĐ
Seattle-Washington State 2011). Buổi họp hôm sau tại Phòng
Hành Quân, tôi được biết anh sĩ quan VC đó là
người duy nhất được sống sót ở chân
đồi khi cả tiểu đoàn Việt Cọng của
anh ta bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn.
Một buổi sáng như mọi
ngày, trong khi tôi đang duyệt xét vết thương của
thương binh dưới hầm, một nhóm sĩ quan
bước xuống, môt lúc sau tôi mới nhận ra là TrungTá
Nguyễn Văn Điềm, vừa từ Hạ Lào đáp
trực thăng về Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn 1 Bộ
Binh để họp bàn kế hoạch đồng thời
thăm thương bệnh binh thuộc Trung Đoàn 1 Bộ
Binh. Trên đường tiễn Trung Tá Điềm đến
trực thăng, ông đừng chân cười nói:
- Bác sĩ may mắn thật!
Bác sĩ biết sẽ có cuộc hành quân nầy hay sao mà bỏ
tôi về Sư Đoàn?
Tôi chưa biết trả lời
sao thì ông nói:
- Tôi đùa thôi! Bác sĩ chăm
sóc binh sĩ tốt lắm. Tôi phải đi đây!
TrungTá Điềm lên trực
thăng bay về hướng Hạ Lào. Tôi trở về hầm,
nghĩ về những lời Trung Tá Điềm nói; ông trách
tôi hay chăng? Về sau, khi trở lại hậu cứ
Mang Cá, tôi mới hiểu lời của ông: Số là khi nhận
lệnh sửa soạn Hành Quân 719, anh bạn bác sĩ Đại
Đội Trưởng Đ11 QY gọi Tiểu Đoàn 1
QY xin 1 bác sĩ ĐĐ Phó để theo Trung Đoàn hành
quân. Bác sĩ Quát, một bác sĩ hiện dịch, người
thay thế tôi ở chức vụ ĐĐ Phó. Tại Hạ
Lào, trong lúc hỗn loạn, bác sĩ Quát bị Việt Cọng
bắt, may nhờ anh ấy mạnh, xô ngã tên VC rồi chạy,
tụi nó nén lựu đạn chày theo, may mà không nỗ. Bác
sĩ Quát thoát nạn, tâm thần bị giao động mạnh.
TrungTá Điềm gởi anh ta trở về Tiểu Đoàn
1 QY.
Cuối cùng thì cuộc chiến
Hạ Lào cũng chấm dứt với tổn thất cho
cả hai bên. Sau nầy, thống kê Mỹ
cho biết thiệt
hại nhân mạng của Cọng quân gần gấp đôi
phía VNCH. Vài tuần sau, Quân Lực VNCH rầm rộ tổ
chức mừng chiến thắng Hành Quân Lam Sơn 719.
Trước Kỳ Đài tại Phú Văn Lâu Huế, Đại
Tướng Cao Văn Viên chủ tọa lễ mừng cùng
tưởng thưởng sĩ quan và binh sĩ Sư Đoàn
1 Bộ Binh. Toán Quân Y chúng tôi được nhiều huy chương,
riêng tôi được Đại Tướng Cao Văn Viên
gắn huy chương Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Vàng,
trong khi Y Sĩ Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ
1 QY chỉ nhận Sao Bạc. Tướng Phú được
thăng Trung Tướng và bổ nhiệm vào Quân Đoàn 2.
Chuẩn
Tướng Lê Văn Thân thay Tướng Phú làm Tư Lệnh
Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Sau cuộc đọ sức cam
go tại Hạ Lào, là thời gian yên lắng vì cả hai bên
lo dưởng quân và bổ sung quân số bù đắp lại
hao hụt. Chỉ vài tháng sau, chiến cuộc sôi động
trở lại, những cuộc hành quân kế tiếp được
phối hợp giữa Việt Nam và Mỹ: Hành Quân 720, 810
nhằm truy tìm và diệt Cọng quân quanh vùng giới tuyến.Tôi
được chỉ định tham dự cả hai cuộc
hành quân, nhưng không như lần trước phải theo
Sư Đoàn, tôi chỉ dẫn toán Quân Y đến ở
trong Bệnh Viện Giải Phẫu Số 18 của Mỹ
(18th. Surgery Hospital) đóng tại Làng Ái Tử thuộc tỉnh
Quãng Trị (Xin đọc "Quãng Đời Y Và Nghiệp"
của cùng tác giả). Chúng tôi có khu ở riêng, ăn uống
thì chung với binh sĩ Mỹ. Làm việc chung với họ
nhưng toán QY chúng tôi chỉ săn sóc thương bệnh
binh của mình. Riêng về giải phẫu thì tôi làm việc
chung với bác sĩ Mỹ, tôi giải phẫu thương
binh VNCH thì bác sĩ Mỹ phụ tôi, ngược lại tôi
phụ họ khi bác sĩ Mỹ giải phẫu lính Mỹ.
Sau hai cuộc hành quân nầy, tôi lần lược được
hai huy chương Bạc và Đồng.
Chỉ sau hơn một năm,
tôi được thăng quân hàm Đại Úy và giử chức
vụ Đại Đội Trưởng ĐĐ 10 QY kiêm
Y-Sĩ Trưởng Trạm Xá Sư Đoàn 1 BB.
Năm 1972, Tỉnh Quãng Trị
do Sư Đoàn 3 Bộ Binh trấn giữ. Sư Đoàn nầy
được thành lập từ Trung Đoàn 51 của Sư
Đoàn 1 BB và tuyển thêm quân số cho 2 trung đoàn. Việt
Cọng tập trung quân số gấp bội phía VNCH tiến
chiếm Quãng Trị. VC cố ngăn không cho dân chúng Quãng Trị
chạy về hướng Thừa Thiên nên đã tàn sát dân lành
tạo nên thãm cảnh "Đại Lộ Kinh Hoàng" trên
Quốc Lộ 1. Sau vài tuần giao tranh cam go, dành dựt từng
tất đất, từng góc phố, các Lữ Đoàn Thủy
Quân Lục Chiến đã tiến chiếm lại Quãng Trị.
Dù thành phố đã trở thành bãi gạch vụn, nhưng
dân chúng cũng đã mau chóng trở lại xây dựng xóm làng
với mọi trợ giúp của chính quyền và Thủy Quân
Lục Chiến.
Năm 1973, Bộ Tư Lệnh
Sư Đoàn 1 chuyển từ Đồn Mang Cá về Căn
Cứ Giạ Lê, trước là môt căn cứ của Quân
Đội Mỹ. Ngoài nhiệm vụ tại Tiểu Đoàn
QY, tôi còn một thành viên trong Ban Thanh Tra Sư Đoàn do Đại
Tá Lê Quang Thị (vừa qua đời năm trước đây),
cùng với một số sĩ quan các phòng, ban Sư Đoàn
đi thanh tra tất cả đơn vị thuộc Sư
Đoàn và yểm trợ. Đại Tá Thị xưa là Hiệu
Trưởng và là giáo viênTrường Tiểu Học Gia Hội
khoảng thời gian 1949-1954 mà tôi đã học ở đó.
Dù qua mấy chục năm, thầy vẫn nhận ra tôi.
Song song với Thanh Tra Sư Đoàn, là ĐĐ Trưởng
QY, tôi còn phải một mình thăm viếng và thanh tra các
Trung Đội QY yểm trợ y vụ cho 4 Tiểu Đoàn
Pháo Binh, 1 Thiết Đoàn và Trung Tâm Huấn Luyện. Một
hôm tôi lái xe đếnTiểu Đoàn Pháo Binh đóng ở làng
An Đô, đến chiều khi trở về, một chiếc
xe GMC trúng phải mìn nằm trơ 4 bánh lên trời. VC đã
đặt mìn từ tối qua, buổi sáng khi tôi đi ngang
đã may mắn không chạm phải. Lần khác vào đầu
năm 1974, lúc lên Bastogne thăm viếng một Trung Đội
QY yểm trợ Tiểu Đoàn Pháo Binh, tôi đã gặp lại
anh bạn Võ Toàn bấy giờ đã thăng Trung Tá và giữ
chức Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 1 BB thay Đại
Tá Nguyễn Văn Điềm về làm Tư Lệnh SĐ1.
Chúng tôi đã vào ăn trưa trong Lăng Minh Mạng vừa
ôn chuyện xưa ở Trường Quốc Học năm
nào. Sau đó, khi chiến cuộc sôi động trở lại
với nhiều
bất lợi
về phía chúng ta. Anh Võ Toàn đã được thăng cấp
Đại Tá về tham mưu cho Chuẩn Tướng Nguyễn
Văn Điềm ở Sư Đoàn 1. Đầu năm
1975, Quãng Trị lại mất vào tay giặc và VC đang uy
hiếp và chiếm dần các quận quanh Thành Phố Huế.
Sáng ngày 25 tháng 3, Tiểu Đoàn 1 QY chúng tôi được
lệnh chuyển lên Bệnh Viện Trung Ương Huế
gần như bỏ trống. Bác Sĩ Bùi Hữu Út Tiểu
Đoàn Trưởng TĐ1 QY bấy giờ là bạn học
Y Khoa Huế khóa trước tôi, đang nhận lệnh Sư
Đoàn. Được giao trọng trách như là Tiểu Đoàn
Phó, tôi đi quan sát các phòng của bệnh viện dự trù
trường hợp dùng điều trị thương bệnh
binh ở đây, ngang qua phòng mỗ, một người đàn
bà níu tay tôi xin cứu con bà sinh khó; dù trong tình thế cấp
bách, tôi đã giải phẩu sản phụ và mẹ con
đều được an toàn. Khi tôi trở lại với
anh em thì được bác sĩ Út cho biết được
lệnh rút tất cả về Thuận An. Con đường
nhỏ dẫn về làng Tân Mỹ, bên nầy bãi biển Thận
An đầy ắp đủ tất cả các loại xe,
kể cả M113, chúng tôi phải lách khỏi đám đông,
lái xe trên triền đường nghiên đến 30 độ,
cuối cùng chúng tôi cũng đến được bến
phà Tân Mỹ khi trời đã sậm tối. Những đơn
vị đến đây sớm đã lần lược
qua bãi biển Thuận An. Phần lớn quân và dân đều
bị tắt nghẽn tại Bến Phà Tân Mỹ. Một
số tàu thủy ở đây không dám đến gần bến
phà chỉ sợ dân chúng và binh lính tràn lên quá tải không thể
ra khơi được, họ cho tàu đậu giữa
Phá Thuận An để người nào có khả năng lội
ra được thì lên tàu. Một anh hạ sĩ quan trong đơn
vị đề nghị tôi cỡi bộ đồ trận
với các giấy tờ... để trên một cái thùng xốp
rồi cùng anh bơi ra tàu, anh hạ sĩ quan vừa đẩy
thùng xốp vừa bơi, tôi bơi theo anh ta. Anh hạ sĩ
quan nhờ có sức khỏe, bơi nhanh đến tàu
trước tôi và được một vài người trên
tàu kéo anh ta và thùng lên. Khi tôi chỉ còn cách chừng 10 mét thì
tàu rồ máy chạy, tôi vội dạt xa tàu vì sợ chân vịt
tàu quất phải, rồi lội trở lại bến phà.
Lúc đó tôi mới cảm thấy cái lạnh của nước
trong đêm cuối tháng 3. Thấy tôi run cầm cập, anh
binh nhì phục dịch vẫn theo tôi từ bao lâu, lục
ra một bộ áo quần dân sự trao cho tôi. Trong tình huống
chạy giặc như vậy nhưng không một ai gây huyên
náo hoặc chạy loạn; dường như mọi người
đã quá thấm mệt và buông tay cho số phận. Quanh tôi,
chỉ nghe vài tiếng rì rào bàn tán và tất cả lại
im lặng sau những loạt súng cối rót về bến
phà. Một anh sĩ quan pháo binh vẫn ngồi sau lưng tôi
từ chiều bỗng nói:
- Tụi nó dùng súng cối có
nghĩa là họ đã khá gần nơi đây!
Không biết bấy giờ
anh em trong đơn vị đang ở đâu, yôi lặng
lẽ đi tìm xem những ai còn ở đây, bỗng thấy
một chiếc tàu đang yên lặng, chậm rãi tiến
đến gần chiếc phà quân đội đậu tại
bến phà từ trước lâu rồi, hai bóng đen từ
tàu đang móc đuôi tàu với chiếc phà, tôi nhanh chóng nhảy
lên phà rồi kéo tay anh binh nhì vẫn theo tôi cùng lên. Tàu và phà
ra giữa giòng Phá, một vài chiếc ghe dân sự được
thuê giá cao, phóng theo, nhưng không sao bắt kịp. Tàu chúng tôi
ra đến cửa biển Thuận An thì nghe tiếng súng
cối và cả đại pháo nã xuống bến phà, qua ánh
lữa lóe sáng, tôi thấy ở đó nhốn nháo hỗn loạn.
Một số đạn súng cối bắn theo tàu chúng tôi,
nhưng đều rơi xuống nước. Tàu kéo phà cập
bến tại sông Hàn Đà Nẵng trưa 26 tháng 3 1975, tôi
nhìn về hướng bắc nơi có Tỉnh Thừa Thiên
và Thành Phố Huế mà giờ đó Cọng Quân đã chiếm
tràn ngập. Tôi đi bộ tìm nhà người chị vợ
mà vợ con tôi đã ở đó từ hơn 2 tuần
trước. Dù đã có vé máy bay đi Sàigòn từ sớm, vợ
tôi quyết định ở lại chờ tôi. Sáng hôm sau,
27 tháng 3 1975, anh hạ sĩ quan cùng lội ra tàu với tôi ở
Phá Thuận An đến chào tôi và trao trả lại cho tôi
bộ quân phục và cái ví. Tôi vô cùng ngạc nhiên và cảm
động về hành động đẹp đẽ của
người thuộc cấp. Khi tôi cảm ơn anh và ngõ ý
biếu anh một ít tiền vì tôi biết lương tiền
hạ sĩ quan không thể nào đủ cho cả gia đình,
nhất là hoàn cảnh chiến tranh nầy, anh nói:
- Bác sĩ đừng lo, tôi
và vợ xoay xỡ cũng tạm được. Tôi và anh
em trong đơn vị rất mến bác sĩ.
Khi tôi hỏi anh ta về
anh em trong đơn vị, anh cho biết khá đông anh em và
bác sĩ Út đều vào được Đà Nẵng rồi
anh cho tôi địa chỉ mọi người sẽ gặp
mặt trưa hôm đó. Khi anh ấy đi rồi, tôi mỡ
ví ra thấy tất cả giấy tờ cùng số tiền
mấy nghìn đồng và 2 lượng vàng mà vợ tôi đã
cẩn thận dặn tôi khi hữu sự cần đến,
vẫn y nguyên. Đặc biệt là anh hạ sĩ quan đã
sấy khô giấy tờ, tiền bạc kể cả giấy
gói vàng và nhất là cái ảnh của con gái tôi . Vợ tôi và
tôi đều xúc động nhìn mọi thứ trong ví đều
như cũ. Vợ tôi nói:
- Trong thời buổi nầy
mà có những con người không tham lam như anh ta thật
khó kiếm. Có dịp, mình nên giúp người ta.
Trưa hôm đó, tôi mượn
chiếc xe đạp đến đúng địa chỉ
đã ghi thì chỉ gặp vài anh em trong đơn vị đang
đứng chờ bác sĩ Út đi đâu vẫn chưa về.
Đến chiều, vợ chồng tôi đi gặp chị
Vẻ, vợ của Đại Tá Võ Toàn để mong biết
tình hình. Chị Vẻ là bạn học cũ với vợ
tôi, chị cũng không biết gì hơn chúng tôi. Chúng tôi chào
chị Vẻ ra về, ngang đến cửa thì Đại
Tá Toàn đang bước nhanh lên tầng cấp gác lầu.
Anh bắt tay tôi rồi nói:
- Xin lỗi bạn Định,
mình phải đi bay với Tướng Điềm bây giờ.
Nói rồi anh bước vào
nhà cũng nói vội vã với vợ:
- Anh vào rữa mặt rồi
đi ngay, em lấy cho anh bộ áo quần khác.
Tôi không ngờ đó là những
lời cuối cùng mà Đại Tá Võ Toàn nói với tôi và với
vợ anh. Hôm đó, chiếc trực thăng chở Tướng
Nguyễn Văn Điềm và Đại Tá Võ Toàn đã trúng
đạn Việt Cọng và rơi tại Sa Kỳ Quãng Ngãi.
Lúc vợ chồng tôi về
đến nhà đã nghe bà chị vợ tôi đã mua được
vé máy bay đi Sàigòn cho tôi. Giai đoạn đó mà có được
vé đi khỏi Đà Nẵng quã như là trúng số độc
đắc. Mua được vé là do chị vợ tôi có
quen biết với ông bà Mân, Chi Cuộc Trưởng Hàng Không
Việt Nam Đà Nẵng. Trong câu chuyện, bà Mân đã than
thở với chị vợ tôi về việc chồng bà đang
lên cơn đau bụng vì quá lo lắng, không tìm đâu ra bác
sĩ lúc đó, bệnh viện cũng không ai làm việc...
chị vợ tôi nói sẽ nhờ tôi khám và điều trị
giúp ông, thế là bà Mân cho xe đến đón tôi. Suốt ngày,
ông anh cột chèo lại mở Radio nghe Đài Phát Thanh BBC
tường trình về tiến quân của Việt Cọng,
tôi vừa bực tức vừa lo lắng đến an
nguy của Đà Nẵng, đến khi thấy chiếc xe
hơi của Chi Cuộc Hàng Không VN ở Đà Nẵng
đến, tôi ra xe đi ngay. Ông Mân bị chứng đau
gan từ lâu, da cũng như tròng trắng mắt đã vàng
như nghệ. Tôi chích thuốc giãm đau và uống các loại
thuốc về gan. Bà Mân đề nghị gia đình tôi dọn
vào ở trong Chi Cuộc Hàng Không để vừa giúp chữa
trị bệnh của chồng bà thường đau đớn
vào ban đêm, vừa kịp thời ra xe cùng gia đình bà và
nhân viên Hàng Không VN Đà Nẵng ra phi trường khi có máy
bay. Ngay hôm đó, gia đình tôi vào ở trong Chi Cuộc Hàng
Không. Bà Mân đã nhờ người giọn sẵn cho gia đình
tôi một phòng rộng rãi đầy tiện nghi. Suốt
ngày, bà Mân không hề rời máy Motorola, liên lạc và không ngừng
kêu cứu Sàigòn. Bà cũng báo cho Sàigòn biết tình hình Đà
Nẵng đang bị VC tấn công tới tấp. Qua loa phát
âm, tôi nghe được là Sàigòn sẽ gởi máy bay DC6 ra Đà
Nẵng đón nhân viên vào Sàigòn. Tối 28 tháng 3 1975, sau khi khám
và chích thuốc cho ông Mân, tôi trở lại phòng. Vào lúc 2 giờ
sáng ngày 29 tháng 3, gia đình tôi mới vừa chợp mắt
sau mấy ngày quá mõi mệt và căng thẳng tinh thần,
bỗng từ ngoài đường, tiếng đám đông
người la hét với tiếng xe gầm rú cùng tiếng
xích sắt rít, kéo hai cánh cửa sắt của Chi Cuộc Hàng
Không VN đỗ sầm làm làm rung chuyển cả toà nhà, rồi
nhiều tiếng chân chạy rần rật vào bên trong. Các
con tôi hoãng sợ ôm chầm lấy chúng tôi, cả nhà đang
lo lắng nhìn quanh. Bỗng tôi cảm thấy đôi mắt
cay xè, tôi biết ngay là họ đã dùng lựu đạn
cay. Tôi vội mở cửa hông nhà đẩy vợ con tôi
ra khỏi căn phòng đang ngập khói hơi cay. Tôi lo kiếm
nước tẫm ướt khăn lông hầu lau mặt
và mắt mấy đứa con. Sợ bọn cướp tấn
công, tôi bảo các con im lặng dù mắt cay muốn khóc. Chừng
10 phút sau, tiếng ồn đã vơi dần, khi khói cay đã
hết, chúng tôi vào lại phòng. Cậu con trai của ông bà Mân
gõ cửa phòng, cậu nói nhỏ:
- Họ đã phá cửa trước
vào hốt sạch hàng hóa của hành khách gởi. Bác sĩ và
cả nhà đừng sợ, họ đi hết rồi.
Cậu con trai con ông bà Mân
khoảng 12 tuổi hướng dẫn gia đình tôi bước
ra cửa sau nhà. Trong đêm tối, một chiếc xe
thường dùng chở hành khách của Hàng Không VN không bật
đèn chầm chậm trờ tới, trên xe đã có sẳn
mấy gia đình công nhân của Chi Cuộc. Khoảng 5 ,6
gia đình khác cũng đang im lặng đi tới, anh tài
xế dùng bật lửa hướng dẫn họ lần
lược lên xe. Trời không lạnh lắm, nhưng trong
tình trạng lo lắng,nên mọi người đều run
cầm cập. Con trai ông bà Mân nhờ tôi giúp tãi những thùng
két đạn bên trong tôi nghĩ là đựng vàng. Sẳn
chiếc cán chổi dựa tường, tôi lấy chuồi
vào tay cầm 2 thùng rồi mỗi người một đầu
cán đi tòng teng làm cán oằn xuống ở giữa. Cuối
cùng cậu nhỏ và tôi cũng đưa được 4
thùng nặng kịch lên xe và để dưới chỗ
ngồi của hai hàng ghế gần tay lái dành cho gia đình
ông bà Mân. Hai ông bà chỉ có hai đứa; trai lớn 12 tuổi
và đứa gái mới 9 tuổi. Hai băng kế là gia đình
tôi. Người tài xế kiểm soát từng gia đình trên
xe rồi từ từ cho xe chuyển bánh. Ông Mân ôm bụng
đầu tựa vào lưng ghế phía trước. Bà Mân
vẫn tiếp tục liên lạc với Sàigòn suốt đoạn
đường đi. Xe đang đi về hướng
phi trường Đà Nẵng. Đến nơi thì trời
mới hừng sáng, xe không thể vào phi trường vì tất
cả các cửa ra vào đều bị đóng kín và lố
nhố người đang lăm le súng giữ cửa, thêm
nữa xe đủ loại vô chủ, bỏ ngỗn ngang
khắp vòng đai quanh hàng rào phi trường cản hết
lối đi. Qua máy Motorola, tôi nghe giọng nói của nhân viên
Tổng Cục Hàng Không VN từ Sàigòn nói với bà Mân là một
máy bay DC6 sắp đáp xuống sân bay. Máy bay đang trên đà
đáp xuống thì súng máy đủ loại hướng về
chiếc máy bay, chiếc máy bay lượn thêm hai vòng rồi
bay mất dạng. Bà Mân giọng đã khàn, nói như thét vào
máy. Ông Mân ngẩn đầu dậy nói:
- Không xong rồi!
Bà Mân chỉ huy:
- Anh tài! Kế hoạch 2!
Anh tài xế dạ một
tiếng rồi đánh xe một vòng hướng về
hướng Tiên Sa. Tôi đoán chừng là Tổng Cuộc ở
Sàigòn gởi tàu thủy đến bờ Tiên Sa nếu không
đi được bằng đường hàng không. Quang
cảnh đường dẫn đến Tiên Sa không khác gì
ở phi trường; xe cộ với bánh lún sâu trong cát ngã
nghiên; hàng hóa, giày dép vung vãi khắp nơi. Xe vừa đi vào
bãi cát, hàng loạt đạn pháo kích rít gió ào ào rót xuống,
tiếng nỗ chát chúa, đoàn người đang đi bỗ
nhào xuống cát ẩn núp rồi lại chạy tiếp. Hầu
hết gia đình công nhân của Chi Cuộc Hàng Không Đà Nẵng
đều hấp tấp xuống núp dưới xe. Tôi không
thấy gia đình ông bà Mân ẩn núp nơi nào. Gia đình tôi
chưa kịp xuống xe vì năm đứa con khi nghe tiếng
nổ hoảng sợ ôm lấy ba mẹ. Một số gia đình
công nhân Chi Cuộc trở lại xe, xe vẫn đang nổ
máy, anh tài xế cho xe lui một đoạn rồi quay mũi
xe hướng trở lại thành phố Đà Nẵng. Nhìn
cục diện ở Tiên Sa, tôi nghỉ rằng khó mà kiếm
được tàu hay ghe ở bãi biển, nên gia đình tôi
vẫn ngồi lại trên xe. Khi xe đang chạy trên đường
phố Đà Nẵng, có mấy người xin xuống, xe
dừng lại, gia đình tôi cũng xin xuống theo, vì từ
chỗ dừng đến nhà chị vợ tôi trên đường
Đống Đa không bao xa. Khi bước đến bên cửa
lên xuống bên hông xe, một bao tải lớn chắn ngang
lối đi, tôi dẫm lên bao tải để xuống xe
mới biết bên trong toàn là giấy bạc, gia đình tôi
trở lại nhà bà chị vợ. (Mấy ngày sau, tôi gặp
lại ông Mân, bấy giờ ông đã đi đứng lại
bình thường. Ông Mân cho tôi biết trong bao tải trên xe
chứa 6 triệu đồng, là tiền hành khách mua vé; ông
còn nói là bà con ai còn giữa vé máy bay, cứ đem vé lại
để lấy lại tiền). Khoảng 8 giờ sáng 29
tháng 3 1975, khi gia đình chúng tôi vừa về đến nhà
thì gia đình người bà con anh chủ nhà ra đi, bảo
là đã thuê được ghe.
Đến chiều, gia đình ấy
trở lại, ông chủ gia đình đó kể rằng đứa
con dâu đang mang thai trèo lên dây thừng để lên tàu cao,
chịu không nỗi nên buông tay. Tôi nghe câu chuyện quá bu#7891;n,
lặng lẽ ra ngồi ghế xếp dưới mái hiên
trông ra đường. Trước nhà là một công viên với
những cây đại thụ cao, một anh lính đầu
trần đang thất thểu trên đường bên kia công
viên, bỗng anh hét lên và đập mạnh khẩu súng M16
nhiều lần vào gốc cây bên đường, từng mãnh
của cây súng văng vung vãi, anh lính vừa đi vừa tiếp
tục hét đến khãn cả tiếng...Một lúc sau, cũng
bên kia công viên, một chiếc xe hơi kiểu du lịch màu
trắng chạy chậm rồi dừng lại, các cửa
kiếng đều kéo lên kín, nhưng tôi vẫn thoáng thấy
hai ghế trước và băng sau đều có người
lố nhố. Khoảng 10 phút sau, một ánh lửa lớn
bỗng bùng lên bên trong xe, đồng thời một tiếng
bùm khô khan vang lên. Chiếc xe lúc lắc một hồi rồi
im lặng. Tim đập nhanh, tôi hốt hoãng đứng giậy,
nhưng nghỉ lại mình chẳng giúp gì được,
tôi buông người xuống ghế. Lửa trong xe vẫn
còn cháy chừng 5 phút rồi tắc ngấm, cửa kính đen
cả khói. Tất cả đều im lặng. Những
người qua đường nhìn chiếc xe một lát rồi
cúi đầu đi thẳng. Ai cũng đang mang nỗi
buồn và mối lo cho tương lai sắp đến của
mình. Tôi không biết bao nhiêu người tự tử trong
xe; có thể là trọn một gia đình. Đó là chiều
29 tháng 3 năm 1975. Hai sự kiện chấn động tột
độ diễn ra trước mắt mà tôi đành như
một người bàng quan; anh lính và gia đình trong xe hơi
biểu lộ sự chán chường thất vọng của
mình bằng một sự đập phá; người thì
đập nát cây súng đã một thời vào sinh ra tử bên
mình và cả một gia đình bấy lâu vẫn hạnh phúc
thì giờ phải hũy bỏ cả mạng sống của
họ.
Sáng hôm sau, 30 tháng 3, tôi đến
bệnh viện Đà Nẵng mong làm được việc
gì hữu ích. Một số bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh
viện cũng đã trở lại làm việc. Họ tự
động lập một ban điều hành để phân
nhiệm cho mọi người. Tôi tình nguyện chọn phòng
Nhi Đồng khi không ai nhận. Hai cô y tá và tôi lo xếp dọn
lại phòng ốc với bàn ghế, giường nằm và
dụng cụ ngỗn ngang với sàn nhà vấy đầy
nước, giấy tờ cùng bao nylon...Bệnh nhân trẻ
em được cha mẹ mang đến ngồi chờ
chật cả phòng đợi. Khi mọi thứ đã khá tươm
tất, bệnh nhân tràn vào chiếm giường bệnh.
Trẻ em phần lớn mắc chứng tiêu chảy, sưng
phổi và lên Sởi (Sưởi). Có vài bà mẹ bồng trên
tay đứa con đã chết mà không biết vì đã qua
nhiều ngày không thuốc men. Chúng tôi làm việc không ngừng,
không có thì giờ ăn trưa, đến 7 giờ chiều
tôi mới rời bệnh viện. Chúng tôi được cấp
một giấy chứng nhận làm việc bệnh viện
để tiện đi đường hoặc trình bộ
đội xét nhà vẫn thường xuyên xẫy ra. Sau 3 ngày
làm việc, sáng mồng 1 tháng 4, loa phóng thanh vừa đặt
khắp thành phố ban hành lệnh tập trung những
người trong chính quyền và quân đội Miền Nam
tại một nơi trước là M.A.C.V của Mỹ.
Khi mọi người đã ngồi chật cả sân
ciment, 2 anh bộ đội đóng cửa và từ trong một
phòng xuất hiện nhiều bộ đội, tất cả
đều lăm le khẩu súng AK 47 rãi đều quanh chúng
tôi. Cái khung cảnh mà tất cả chúng tôi ngồi đầy
giữa đất và phía bậc thềm cao để một
cái bàn và một chiếc ghế độc nhất sẽ
thấy tái diễn nhiều lần trong những trại tù
về sau nầy. Rồi họ tuyên bố là chúng tôi sẽ
được chuyển đến một nơi để
học tập cải tạo, một cụm từ rất
xa lạ với chúng tôi lúc đó. Tôi lo vợ con tôi khi không
thấy tôi trở về sẽ hoãng hốt nghĩ rằng
tôi đã bị thủ tiêu như sự kiện đã xẩy
ra trong dịp Tết Mậu Thân. Tôi đứng dậy
đến trình giấy làm việc bệnh viện của
tôi với anh bộ đội chỉ huy và xin về để
bàn giao công việc và họ đã để tôi ra khỏi vòng
rào. Về đến nhà, tôi không còn tinh thần để làm
việc nữa vì biết không sớm thì muộn rồi cũng
sẽ phải đi "học tập cải tạo",
những chữ hoa mỹ đó mà về sau, hơn môt triệu
người Miền Nam và bản thân tôi đều biết
thực chất còn tệ hơn một "nhà tù khổ
sai", vì ngoài khổ dịch và giam đói, chúng tôi sống
mà không biết lúc nào bị bọn cai tù xách vào rừng giết
rồi vất xác chẳng hay như trường hợp
hai anh Sang và Minh tại tiểu trại 3 Ái Tử. Thế là
ngày hôm sau, gia đình tôi thuê xe trở về lại Huế
để rồi cuối cùng vào ngày 1 tháng 6 năm 1975 cũng
lên đường vào tù cùng với anh bạn trẻ lối
xóm, anh Dương Đình Long (đã quá vãng sau khi đã định
cư tại California Mỹ).
Cuộc đời quân ngủ
của tôi như vậy đó, ngày vào quân đội thì có mà
ngày chấm dứt thì không, hoặc đúng ra là chấm dứt
bằng một thãm cảnh cùng với một quân đội
thiện chiến mà buông súng quy hàng, để rồi hàng
triệu người cùng tuổi như tôi, bị chôn vùi tuổi
trẻ, cái tuổi của sức sống vương lên, cái
tuổi để xây dựng gia đình, vun đúc sự
nghiệp. Nhìn lại, với 5 năm trong quân ngủ mà trả
10 năm trong tù Cọng Sản, trở về nhà với đủ
thứ bệnh, khổ cho người vợ đau lòng chăm
sóc. Vậy mà khi tuổi bước qua bên kia ngọn đồi
(top of the hill) lại được sống tự do trên
đất nước nầy với đầy đủ
vợ và các con cháu. Một điều sung sướng nữa
là suốt gần hai chục năm nay, tôi còn được
gặp gỡ các chiến hữu, các cựu tù của tôi ở
khắp nhiều tiểu bang. Hóa ra cuộc đời như
dòng sông, có lúc quanh co khúc khỉu, bão tố, bùn lầy... mà
cũng có lúc lại được song suốt ngữa mặt
nhìn trời xanh biếc. Chỉ ước mong một điều
là vận mạng đất nước rồi ra cũng
giống dòng sông, sẽ được trong xanh, tươi
mát và thong dong tự do chảy chứ không ứ đọng
và đục ngầu màu máu như hiện tại.
|
No comments:
Post a Comment