Hồi Ký:
CUỘC ÐỔ BỘ TRONG LÒNG ÐỊCH
Tác Giả:
Trung Tá Nguyễn Ðăng Hòa
Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 1/Quái Điểu
Từ trái sang phải TĐP/TĐ1, Ban 3 kiêm ĐĐTCH, ĐĐT Việt và TĐT/TĐ1
Dù đang là mùa hè nhưng trời Huế vẫn còn sương mù, một làn khói mỏng giăng đầy, bao phủ cả một vùng Vân Trình rộng lớn. Trên cánh đồng vừa mới gặt, mùi rạ thơm thoang thoảng, nếu có thêm vài cô thôn nữ xinh xắn của mẹ Việt Nam nữa là ta đã có một hình ảnh đồng quê thanh bình của bao năm cũ... Gia đình Quái Điểu hơn 700 tay súng đã sẵn sàng tại bãi bốc chờ lên trực thăng đi vào đất địch. Những chàng Kinh Kha thời đại đang ưu tư về cuộc đời và đang chờ đón một tương lai không mấy rạng rỡ.
Đúng 7 giờ sáng, chiếc trực thăng UH-1B của chỉ huy đáp xuống cạnh nhà thờ 2 chuông Điền Môn, bốc tôi và cố vấn Mỹ bay thẳng ra biển Đông. Để tránh phòng không địch, trực thăng đã phải bay trên biển và ở cao độ vừa tầm cho chúng tôi quan sát thành phố Quảng Trị và quận lỵ Triệu Phong, nơi Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu sẽ phải đổ bộ để tái chiếm.
Quận Triệu Phong nằm về phía Đông Bắc cổ thành Quảng Trị khoảng 2 cây số, là quê hương của tên đồ tể Lê Duẩn, môn đệ kế vị già Hồ đã về chầu Diêm Vương. Vì vậy không dễ gì địch để chúng tôi tái chiếm lại Triệu Phong.
Những túi lửa B.52 chiều ngang 1 cây số và chiều dài 3 cây số được lóe lên từng chập, và khi
các chùm bom chạm đất thì lửa bốc cháy cùng những tiếng nổ phụ rền vang một góc
trời... Tại đây địch cũng sẵn sàng nghênh đón chúng tôi. Đơn vị bạn gần nhất vẫn
còn ở tuyến sau Mỹ Chánh mịt mù. Chúng tôi sẽ phải nhảy trên đầu địch, đánh thọc
sâu vào lòng địch, bóp ngay yết hầu chúng, buộc chúng phải nhả Cổ Thành Quảng
Trị mà chúng đã chiếm giữ hơn ba tháng qua. Sư Đoàn Dù đã gặp phải muôn vàn khó
khăn và thiệt hại nặng nề khi tái chiếm Quảng Trị.
Có lẽ thượng cấp quên đi cửa ngõ Triệu Phong, nơi mà Việt cộng phải giữ với bất cứ giá nào,
để bảo vệ huyết lộ dẫn ra Cửa Việt bằng đường bộ và đường thủy dọc theo sông Thạch
Hãn. Nhờ huyết lộ này mà chúng có thể tiếp tế cũng như tải thương và thay quân
rất dễ dàng.
Đúng 12 giờ 5 phút ngày 11/7/72, ngày mà suốt đời tôi không bao giờ quên được. Trước khi
lên máy bay, Tướng Trưởng và Tướng Lân đến bắt tay và chúc chúng tôi thành
công. Lời nói của Tướng Lân, Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến như một luồng
điện chạy dài theo xương sống tôi:
— Danh dự này, tôi giao cho anh và Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến.
Riêng Đại Tá Bảo, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 147 nhìn chúng tôi như một người cha nhìn những
đứa con thân yêu đang đứng bên bờ vực thẳm. Ông rơi nước mắt nói với tôi lời
giã biệt:
— Mày cố gắng giữ gìn anh em, khuyên họ nên đọc kinh cầu nguyện theo đạo giáo của họ!
Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến với biệt danh Quái Điểu được trực thăng bốc từ nhà thờ 2
chuông Điền Môn bay ra Triệu Phong, bất thần đổ trên đầu địch, giữa những đám
ruộng trước quận lỵ. Tuy bãi đáp đã được B.52 "dọn cỏ" suốt hai tiếng đồng
hồ, với 33 phi vụ đã cày nát từ Đông Hà đến Quảng Trị, mà gia đình Quái Điểu vẫn
được con cháu Bác và Đảng dàn chào long trọng. Súng phòng không 23 và 37 của địch
bắn lên như pháo bông.
Đại Đội 4 Tiểu Đoàn 1 do Đại Úy Trịnh Văn Thềm chỉ huy, lãnh nhiệm vụ đổ bộ trước. Hai
chiếc trực thăng khổng lồ CH.54 chạm đất một cách bất ngờ nên thoát được phòng
không địch. Có 32 chiếc trực thăng đổ quân, gồm 17 chiếc CH-53 (loại Chinook Mỹ
dùng để cứu con tin tại Iran) chở được 60 người và CH-46 loại Chinook chở được
20 người. Chiếc tôi đi bị lãnh bốn viên phòng không, tưởng chừng như rớt. Vừa rời
khỏi trực thăng, tôi đã được chào mừng bằng một trái 57 ly không giật, vì chung
quanh tôi là một rừng antenne truyền tin. Tôi bị thương ở đùi phải, máu ướt đẫm.
Viên Trung Úy Hải Quân Mỹ bị lòi ruột ra ngoài trông thật khiếp, nhưng vẫn còn
sống. Đau đớn cho Tiểu Đoàn chúng tôi là một chiếc trực thăng bị rớt và nổ tung
sau đó 2 phút lại chở nguyên Trung Đội Quân Y, 60 người chỉ sống sót 12 trong
đó có Bác Sĩ Hoàn. Ông đã lao được ra ngoài cửa cấp cứu, nhưng phải hai ngày sau
mới bò về được Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn với thân hình cháy phỏng nặng. Chúng tôi
không lấy được xác những người bị chết vì chiếc máy bay này thuộc Bộ Chỉ Huy Tiểu
Đoàn và đã mang theo 47 trái mìn chống chiến xa và tất cả đã tan tành theo chiếc
máy bay. Đáng lẽ tôi đã gởi xác theo chuyến đó rồi, nhưng tới phút chót cố vấn
Mỹ lại rủ tôi đi trên chiếc CH-46 để khi xuống bãi thoát ra thật nhanh, tránh
được phòng không địch.
Cuộc đổ bộ này đã được báo chí xem như cuộc đổ bộ Inchon tại Đại Hàn năm xưa.
Cửa ngõ Triệu Phong, nơi mà Việt cộng phải giữ với bất cứ giá nào,
để bảo vệ huyết lộ dẫn ra Cửa Việt bằng đường bộ và đường thủy dọc theo sông Thạch
Hãn. Nhờ huyết lộ này mà VC có thể tiếp tế, tải thương và thay quân.
Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu chúng tôi sẽ phải nhảy trên đầu địch, đánh thọc
sâu vào lòng địch, bóp ngay yết hầu chúng, buộc VC phải nhả Cổ Thành Quảng
Trị mà chúng đã chiếm giữ hơn ba tháng qua.
Tr. Tá Nguyễn Ðăng Hòa
Vừa bị thương. Người cố vấn Mỹ còn cho tôi biết trong số 32 máy bay trực thăng, có 29 chiếc trúng đạn và hai chiếc rớt, một nổ tại chỗ và một rớt ngoài biển. Cuộc đổ bộ này đã được báo chí xem như cuộc đổ bộ Inchon tại Đại Hàn năm xưa. Tướng Lân được triệu về Dinh Độc Lập để thuyết trình về cuộc đổ quân cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Mọi người hồi hộp theo dõi bước chân của bầy Quái Điểu gan lì.
Cánh đồng Triệu Phong đã trở thành bãi chiến trường khốc liệt. Xe tăng Việt cộng phối hợp
với bộ binh của chúng bắt đầu rời vị trí phòng thủ để rượt đánh chúng tôi, và
những chiếc trực thăng vũ trang "Cobra" của phe ta đã táo bạo săn đuổi
chúng như những con diều hâu hung dữ. Riêng Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu lúc bấy giờ
tan tác như bầy gà lạc mẹ, mạnh ai nấy đánh, dùng chiến thuật cá nhân phối hợp
từng tổ nhỏ cố bám lấy bờ sông Vĩnh Định là chi nhánh của sông Thạch Hãn để làm
điểm tựa, giữ lấy mạng sống mong manh. Hai con sông này đã nuôi dưỡng quận lỵ
Triệu Phong, làm cho nó trở nên trù phú và sầm uất nhất tỉnh Quảng Trị, giờ đây
đang ôm ấp che chở cho những toán Quái Điểu lạc bầy.
Nhờ vào súng M.72 chống chiến xa ta đã bắn hạ được một số xe tăng địch, có những chiếc bốc
cháy cách xa ta chỉ 50 thước, làm cho anh em an tâm hơn và tin tưởng vào loại
vũ khí cá nhân hiện đại và tối tân này, mỗi Đại Đội chỉ được trang bị 12 trái
thôi. Những hố bom trở thành vị trí chiến đấu lý tưởng cho binh sĩ mình. Họ đứng
thẳng, tì súng vào miệng hố nhắm vào từng đợt sóng biển người của bọn Việt cộng
khát máu mà bắn.
Đại Đội 1 của Đại Úy Bồng Sơn đã dùng con sông Vĩnh Định như một chỗ tựa tốt để chống trả từng đợt xung phong của địch cũng như yểm trợ cho các Đại Đội 2, 3 và chỉ huy còn đang phơi mình trên bãi đáp. Kết quả sơ khởi Đại Đội 1 đã tịch thu 10 cây súng 37 ly phòng không của địch đã đặt hàng ngang tại bìa làng.
Trời đã vào đêm, bóng tối đồng lõa với tội ác của địch qua những đợt "cắn lén"
nhưng cũng là người bạn chân tình che chở cho chúng tôi, hạn chế tầm quan sát của
địch nên chúng chỉ dùng pháo đe dọa vu vơ. Đến 10 giờ Tiểu Đoàn mới nắm được
tay nhau, lập thành một phòng tuyến tạm thời. Chỉ còn Đại Đội 4 của Đại Úy Thềm
bị cô lập phải tự phòng thủ bảo vệ riêng, nhưng xét về mặt chiến thuật thì rất
có lợi cho Tiểu Đoàn. Một cái chốt khổng lồ làm tiền đồn cho đơn vị tại Chợ
Sãi, dùng Pháo Binh và Hải Pháo ngăn chận sự di chuyển của địch từ Cổ Thành Quảng
Trị qua quận Triệu Phong, cũng như quan sát được thủy lộ dẫn ra Cửa Việt. Chiếm
và giữ được Triệu Phong thì sớm muộn gì tỉnh Quảng Trị cũng sẽ trở về vùng đất
Tự Do.
Thường thường đánh nhau với những đơn vị chính quy tuy chém giết thả giàn "mạnh được yếu
thua" nhưng thích hợp với người quân tử. Một cuộc chiến tranh quy ước, có
lúc đánh lúc nghỉ, ăn uống, tiếp tế, tải thương, thay đổi lối đánh cho phù hợp
trận liệt, rồi trở lại đánh tiếp. Nhưng với bọn Việt cộng, các cấp chỉ huy của
chúng có được đào tạo ở một quân trường nào đâu! Đã vậy đầu óc lại bị Bác Đảng
nhồi nhét hận thù đầy ắp nên chúng chỉ biết hăng say chém giết... từ chú du kích nhỏ bé
không biết gì gặp lúc đàn anh chết nhiều quá, cũng nhảy ra thay thế chỉ huy. Vì
vậy Việt cộng chỉ biết dùng một chiến thuật rừng với lối đánh lén, cắn lén!
|
Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến với huy hiệu Quái Điểu
|
Triệu Phong lúc bấy giờ là vùng địch kiểm soát nên họ có nhiều lợi thế hơn ta. Chúng rình rập,
tấn công không ngơi nghỉ cốt làm cho quân ta mệt, tinh thần căng thẳng, quân số
tiêu hao dần mòn. Nếu không có tinh thần cao và khả năng điêu luyện sẽ bị chúng
đốn ngã dễ dàng. Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu đang đi trên đoạn đường chông gai ấy. Đến
11 giờ đêm quân ta tạm ngưng chém giết, mọi người lục ba-lô lấy cơm sấy ra
nhơi. Ngồi trong hố cá nhân, chẳng cần cấp chỉ huy ra lệnh hay kiểm soát đôn đốc,
ai nấy cũng đề cao cảnh giác và sẵn sàng lâm chiến vì đã quá quen thuộc với những
đòn đen tối hạ cấp của lũ chuột Việt cộng.
Đêm khuya yên tĩnh, bỗng có tiếng la hét vang dội từ phía Chợ Sãi, nơi Đại Đội 4 của Đại
Úy Thềm phòng thủ riêng. Một đoàn xe tăng địch với đèn pha sáng trưng, dàn hàng
ngang cùng bộ binh chạy theo bên hông xe vừa bắn vừa hô xung phong. Tôi đã chuẩn
bị trước các yếu tố tác xạ tiên liệu Pháo Binh và Hải pháo, 42 khẩu pháo 105 ly
nhả đạn cùng lúc và liên tục cộng với hàng ngàn trái hải pháo loại 500 cân Anh
khổng lồ, khi nổ chụp lúc chạm nổ, trút lên đầu địch.
Vặn tần số truyền tin nội bộ của Đại Đội 4 tôi theo dõi trận đánh, nghe các Trung Đội Trưởng
liên lạc với Đại Đội Trưởng lòng tôi yên tâm được phần nào và cảm phục sự gan
lì của họ. Trên máy PCR. 25 vang lên giọng nói bình tĩnh của Thiếu Úy Tánh khi
anh liên lạc với Đại Úy Thềm:
— Thần Phong hãy yên tâm, chiếc tăng đầu còn cách chúng tôi 100 thước, tôi đã ra lệnh
từng tổ ba người sẵn sàng M.72 nghênh chiến... Hiện giờ chiếc gần nhất chỉ còn
khoảng 50 thước, chờ kết quả, sẽ có một số "cua rang muối" (chiến xa
địch) để tặng Thần Phong và Hương Giang (danh hiệu của tôi).
Thiếu Úy Tánh nói tiếp trong sự hồi hộp của tôi:
— Tôi bắn thử một viên M.72 chống chiến xa, kết quả tuyệt vời, chính tôi cũng không ngờ đạn
vừa ra khỏi nòng là một tiếng nổ long trời, con cua trước mặt tôi đã nổ tung và
bùng cháy.
Tất cả các Trung Đội đều an tâm và phấn khởi, từng tổ tam tam chế đã dùng M.72 cải tiến để
đưa đoàn cua của Bác vào chảo rang. Đại Đội trưởng đã gọi máy về Tiểu Đoàn tặng
tôi có đến hàng chục con cua. Riêng Hạ Sĩ Ích, Tiểu Đội phó dùng M.79 phóng lựu,
một mình anh đã rang ba con cua ngon lành.
Song song với Đại Đội 1 và 4, sự chiến đấu gan dạ của Đại Đội 2 của Đại Úy Duật và Đại Đội 3
do Trung Úy Vàng Huy Liễu chỉ huy đã tạo sức mạnh vô song cho gia đình Quái Điểu.
Sư Đoàn 312 của Việt cộng với quân số gấp 10 lần hơn đã không nuốt được Tiểu
Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến kiên cường.
Qua hai ngày song đấu, địch đã được tăng viện nhưng không vì thế mà áp đảo được quân ta. Cấp Chỉ Huy Việt cộng đã đánh giá sai lầm về Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu, và cho đấy là một miếng mồi ngon chúng chỉ cần nhe nanh là đã nuốt chửng được ngay. Việt cộng đâu ngờ gặp phải một miếng mồi lửa, tạo nên bởi sự đoàn kết sắt đá, gắn bó keo sơn cùng sự chiến đấu bền bỉ gan dạ của anh em binh sĩ ta. Và chúng cũng không lường được lòng yêu nước tràn đầy của những người lính Việt Nam Cộng Hòa trước sự tồn vong của đất nước. Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu đã tổ chức được vị trí phòng thủ kiên cố bằng máu xương và sức mạnh tinh thần của mình cộng với sự yểm trợ hùng hậu mà chưa bao giờ Quân Lực Hoa Kỳ xử dụng trên chiến trường Việt
Nam.
Tôi đang liên lạc trên hệ thống Không Lực để nhờ họ đánh phá căn cứ Ái Tử, (nơi mà địch
đang đặt Bộ Chỉ Huy và căn cứ hỏa lực để yểm trợ cho chiến trường Quảng Trị) bằng
những trận rải thảm B.52 tạo nên những biển lửa khổng lồ đốt cháy tham vọng
điên cuồng của bọn cộng sản cướp nước bạo tàn, thì Trung Sĩ Ngữ cận vệ trung
tín nhất của tôi chạy vào báo:
— Trình Thiếu Tá, Trung Úy Kỳ thuộc Đại Đội Viễn Thám vừa bắt được hai nữ du kích Việt cộng, tịch
thu hai khẩu súng "các-bin" tại nhà mình đang đóng quân!
Thì ra căn hầm cư trú của hai "cô bé" du kích chỉ cách hầm đóng quân của tôi và cố vấn Mỹ độ 10 thước, trong vòng 24 giờ qua các cô muốn giết chúng tôi lúc nào chẳng được. Vì thế tôi đến gặp hai cô và được biết họ cũng như hầu hết thanh thiếu niên Quảng Trị bị kẹt lại sau khi quân ta rút về tuyến Mỹ Chánh đã bị Việt cộng đoàn ngũ hóa và trang bị thành tổ "dân quân chiến đấu". Hai cô còn cho biết họ là nữ sinh trường trung học Nguyễn Hoàng và có người anh cả là Đại Tá làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi liền cởi trói, bảo lãnh hai cô và gia đình họ rồi hứa sẽ đưa ra vùng tự do sau cuộc đổ bộ này. Từ đó hai cô là những người phục vụ đắc lực cho đơn vị tôi về tình hình du kích tại địa phương. Nhờ vậy mà chúng tôi đã thanh lọc và bắt giữ cũng như tịch thu rất nhiều tài liệu và vũ khí.
Thế mới hay, trong cuộc chiến, yếu tố "tranh thủ nhân tâm" cũng quan trọng không kém, và còn tiết kiệm được xương máu anh em.
Sau 15 ngày chiến đấu quên ăn quên ngủ, Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên đã giao tiếp được với Tiểu
Đoàn chúng tôi nhưng cách nhau bằng con sông Vĩnh Định. Vì không dùng được trực
thăng nên tôi phải nhờ đơn vị bạn này tải thương bằng những bè chuối buộc dây kéo qua sông!
|
Phù hiệu binh chủng Thủy Quân Lục Chiến VNCH
|
Sau đó Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu được đưa về Huế, chúng tôi như những người về từ cõi chết, râu tóc rậm rạp như người rừng, mắt sâu như vực thẳm, tiều tụy như những bệnh nhân lâu ngày. Chúng tôi những người lính Thủy Quân Lục Chiến đã dành phần đời trai trẻ của mình cho những chuyến đi dài không mệt mỏi: từ tuyến đầu của con sông Thạch Hãn, được chọn làm giới tuyến ngăn địch cho đến vùng đầm lầy sông Ông Đốc, chặng đường cuối của quê hương hoặc lặn lội vùng biên giới Miên Lào với núi rừng trùng điệp... với một mục đích duy nhất là bảo vệ quê hương thân yêu khỏi lọt vào tay quân cộng sản khát máu, bạo tàn.
Nguyễn Ðăng Hòa
_______________________________
Phúc thân mến.
Hồi ký của ông Nguyễn Đăng Hòa có vài điểm sai về nhân sự và chiến thuật.
*** ĐĐ1 lãnh nhận nhiệm vụ đổ đầu tiên chớ không phải ĐĐ4, vì đổ bộ sau cùng nên khi landing zone bị pháo kích nặng
thì pilots không thể đáp được đúng mục tiêu, nên ĐĐ4 phải phòng thủ riêng rẽ.
*** Nhân sự Đại Úy Duật lúc đó là TB3, Bồng Sơn ĐĐ1, Trúc Giang tức Trung Úy Dương Văn Tươi ĐĐ2, Trung Úy Vàng
Huy Liễu ĐĐ3, Trịnh Văn Thềm ĐĐ4, Th/Tá Nguyễn Cao Nghiêm TĐ Phó.
*** ĐĐ1 tịch thu 10 khẩu Phòng không không phải địch đặt ở bìa làng mà đặt rất sát bờ sông, cách chỉ có khoảng 2 mm, mục đích của sự đặt sát bờ sông là để tránh được phi, pháo của ta, địch căn cứ vào thói quen của chúng ta, là đâu có ai yêu cầu đánh bom và bắn pháo vào giữa dòng sông, nên chúng tương kế tựu kế khai thác thói quen của chúng ta để tránh được nhiều thiệt hại, cũng như vũ khí tịch thu được không phải chỉ toàn 37mm phòng không đâu, mà trong số đó quá bán là loại 12.7mm.
Mong rằng bạn sẽ nắm vững được những chi tiết của trận đánh đầy máu lửa này.
Bồng Sơn - Ngày ấy thời chinh chiến.
Nguồn: http://bongsonbui.blogspot.com/2014/08/trieu-phong-chien-ia-loang-mau_99.html
No comments:
Post a Comment