KIẾN TRÚC SƯ XÂY DỰNG CỐ CUNG (TQ)
Nguyễn Chính Viễn
Đến du lịch Trung quốc, có thể bạn đã biết đến những công trình to lớn tại Bắc Kinh như: Tử Cấm Thành, Càn Thanh Cung, Thành Trì Bắc Kinh, Điện Phụng Thiên, các phủ triều đình… Nhưng các bạn có thể chưa biết tác giả của các công trình đó là ai? Xin thưa: Các công trình to lớn tại Trung Quốc đó là do ông Nguyễn An (1381-1453) người mang dòng máu Việt Nam với tài năng, trí thông minh và niềm đam mê công việc cao cả đã xây dựng lên những công trình đồ sộ và tráng lệ được người đời nể phục. Người tổng công trình sư này đã làm nên một kiến trúc lẫy lừng; đó là cố cung Bắc Kinh hay còn được gọi là Tử Cấm Thành, một di sản bằng gỗ bậc nhất thế giới đã được Unesco công nhận.
Nguyễn An là người Hà Đông (Hà Nội ngày nay) từng làm quan triều Trần, Hồ. Ông bị bắt trong số sang làm Thái Giám vào thời nhà Minh, sau khi nhà Hồ bị quân Minh đánh bại. Khi ở Trung Quốc, tên của Nguyễn An là A Lưu. Trong số thái giám phục vụ ở cung vua, Minh Thành Tổ thấy Nguyễn An giỏi toán học, có tài năng hơn người về kiến trúc xây dựng, lại liêm khiết hiếm thấy nên tin dùng. Nguyễn An với khả năng sáng tạo kiến trúc đô thị, tài tính toán xuất xắc đã được chọn làm tổng công trình sư thành Bắc Kinh mới (Cố Cung) sau khi Chu Đệ lên ngôi. Nguyễn An đã chỉ huy và xây dựng nên một Tử Cấm Thành uy nghi trong vòng 17 năm. Trong đó có 13 năm chuẩn bị, tính toán những con số để thiết kế công trình, thu thập vật liệu và nhân công… quá trình xây dựng và lắp ráp hoàn thành chỉ có ba năm.
Theo Sử sách Trung Quốc: Kinh thành ký thắng của Dương Sĩ Kỳ có viết:
“Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng.”
Ông đã thiết kế Cố Cung theo quan niệm vũ trụ trời tròn, đất vuông. Nơi ở của nhà vua là vị trí trung tâm, kiến trúc tráng lệ, phong cảnh tuyệt trần. Thiên An Môn – Cổng trời bình yên rất nổi tiếng đã được thiết kế một nơi xa nhất ở phía Nam. Năm 1421, ba điện lớn là Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa cùng với cung Càn Thanh, Khôn Ninh bị cháy. Nguyễn An lại một lần nữa được giao xây dựng lại và chưa đầy một năm ông đã hoàn thành kiến trúc Tử Cấm Thành tuyệt mỹ như hiện tại. Sau khi trùng tu Cố Cung công trình kiến trúc vẫn là bằng gỗ, nhưng cải tiến phương pháp phòng hỏa hoạn. Trong Cố Cung có bốn dãy nhà bên trong bằng đá, bên ngoài trông như nhà cửa, toàn bộ bên trong đều do những phiến đá tạo thành, đây là tường phòng hỏa do kiến trúc sư Nguyễn An dày công thiết kế. Trong các khuôn viên của Cố Cung, tổng cộng đặt 308 chiếc vạc lớn, bên trong vạc quanh năm đều chứa đầy nước dùng để phòng hỏa. Đến mùa đông, cho người đốt lửa ở dưới để giữ cho nước ấm không bị đóng băng. Cố Cung là công trình kiến trúc cung điện cổ đại được bảo tồn nguyên vẹn nhất và lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Nguyễn An là người hết lòng vì công việc, tận tụy, cần mẫn, thanh bạch, liêm khiết. Năm 1456, đê sông Hoàng Hà bị vỡ, quan phủ trong vùng chắn không được, vua Minh lại phái Nguyễn An đi, chẳng may ông bị bệnh và mất dọc đường (thọ 75 tuổi). Trước khi mất, Nguyễn An trăn trối: Không cho xây lăng mộ như những người có công thời ấy thường làm, mà nên đem toàn bộ của cải của ông góp vào quỹ công, để phát chẩn cho dân bị lụt Sơn Đông. Hiện nay Cố cung – Bắc Kinh là một trong những điểm du lịch Trung quốc thu hút nhiều khách, du lịch quốc tế đến thăm viếng ngắm cảnh. Tử Cấm Thành - Kho báu lịch sử và văn hóa Trung Hoa hay còn gọi là Cổ Cung (theo cách gọi ngày nay), nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh trước đây, là cung điện của 24 triều vua từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Các cung điện đồ sộ trong Tử Cấm Thành được bắt đầu xây dựng vào năm thứ bốn đời vua Vĩnh Lạc - vị hoàng đế xuất xắc nhất của triều Minh, và là một trong những vị vua lỗi lạc của Trung Quốc (tức là năm 1406), và hoàn thành sau 14 năm (tức là năm 1420).
Vào thời xưa, hoàng đế tự cho mình là chân mệnh thiên tử (con của trời), vì thế họ có quyền lực tối cao. Họ cho rằng, cung điện của họ ở mặt đất là “bản sao”, được xây dựng giống hệt như Thiên Cung trên trời, nơi mà chỉ có các vị thần sinh sống. Một nơi thiêng liêng như thế này thì không thể để những người dân thường lui tới, chính vì vậy cái tên Tử Cấm Thành đã ra đời. Chữ “Tử” trong câu “Tử cẩm thành” có nghĩa là “màu tím”, lấy ý theo thần thoại: Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Trời, vua là con Trời nên nơi ở của vua cũng gọi là “Tử”, “Cấm Thành” là khu cấm dân thường ra vào.
Kiến trúc xa hoa, lộng lẫy của Tử Cấm Thành là biểu tượng của sự đỉnh cao trong kiến trúc nói chung, và là công trình tiêu biểu cho nền kiến trúc truyền thống của Trung Quốc. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, nơi đây thực sự đã trở thành kho báu lịch sử và văn hóa Trung Quốc, và được công nhận là một trong năm cung điện quan trọng nhất thế giới. Trong suốt năm 1961, Tử Cấm Thành được coi là một di tích lịch sử vô cùng quan trọng, được chính phủ Trung ương Trung Hoa bảo tồn và gìn giữ đặc biệt.
Năm 1987, UNESCO (Tổ chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc) công nhận Tử Cấm Thành là di sản văn hóa thế giới. Tử Cấm Thành là một quần thể kiến trúc bằng gỗ quy mô nhất thế giới nằm trên diện tích 72 ha, có tổng số 150.000 mét vuông sàn; có 90 sân và cung điện, 8.704 phòng, và 980 tòa nhà; xung quanh có tường thành cao 10m bao bọc, ven ngoài tường có hào nước rộng 52m. Bốn góc thành có bốn tháp canh, bốn mặt thành có bốn cửa ra vào đối diện nhau: Ngọ Môn (phía Nam), Thần Vũ Môn (phía Bắc), Đông Hoa Môn (phía Đông), Tây Hoa Môn (phía Tây). Các kiến trúc quan trọng của Cố Cung đều nằm trên một đường trục Nam - Bắc ở chính giữa. Hai bên là các kiến trúc phụ đối xứng nhau. Trong thư viện Trung Quốc có rất nhiều sách và tài liệu ngay cả truyện mô tả rằng thành Bắc Kinh cũng như nhiều cung điện trong Tử Cấm Thành được thiết kế và xây dựng bởi một người Việt Nam. Đó là ông Nguyễn An một quan thái giám bị quân Minh bắt khi họ xâm lược Việt Nam dưới thời Hồ Quý Ly. Cửa Ngọ Môn, cửa chính để vào Cố Cung nằm ở phía Nam trên trục chính. Khi vào cửa Ngọ Môn, trước mặt là một quảng trường có con sông Kim Thủy chảy ngang qua hình dây cung. Chính giữa có năm chiếc cầu bằng đá trắng lớn, hai bên cầu và hai bên sông đều có lan can bằng đá trắng. Cửa Thái Hòa cửa lớn của ba điện lớn ở Tử Cấm Thành, đằng trước có bảy gian dựng trên một nền đá cao. Ở hai bên phía trước có con sư tử đồng ngồi ở bệ đá. Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất của Tử Cấm Thành, không chỉ vì vị trí của nó ở trung tâm Tử Cấm Thành mà về hình thể kiến trúc, về trang trí và các mặt khác đều đứng hàng đầu trong quần thể kiến trúc đó. Trang trí ở điện Thái Hòa phần lớn là hoa văn hình rồng.
Trong điện Thái Hòa có sáu cây cột giữa sơn son thếp vàng với hình những con rồng vàng lượn khúc. Ở trần nhà, trên đầu sáu cây cột được thiết kế tạo dáng như hình một cái giếng hình vuông rồi dần dần thu nhỏ lại, từ hình vuông chuyển thành hình bát giác và trên cùng vẽ hình một con rồng lượn khúc mặt nhìn xuống dưới, phía trước là một khối thủy tinh hình tròn. Bệ rồng của nhà vua là một ngai vàng đặt trên bục gỗ dưới cây cột vàng. Từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, người ta cộng lại tất cả có 12.654 hình con rồng uốn lượn trong mọi tư thế. Đường vào Cung Càn Thanh, đây là cung lớn ở phía sau Tử Cấm Thành, nơi ở của nhà vua và hoàng hậu. Ở đây còn là nơi vua tiếp kiến các đại thần và giải quyết công việc hàng ngày. Sân rồng của Cung Càn Thanh có hai cửa Đông Tây mang tên Nhật Tinh và Nguyệt Hoa, tượng trưng cho Nhật, Nguyệt. Phần phía sau cùng ở Tử Cấm Thành là Ngự Hoa Viên mà trong các sách Việt Nam thường gọi là Vườn Thượng Uyển. Vườn Thượng Uyển được xây dựng vào năm 1417, trong có điện Thọ Hòa. Đây là nơi cảnh sắc thiên nhiên ngập tràn, khác hẳn với sự nguy nga tráng lệ của các cung điện trong Tử Cấm Thành. Hình ảnh rực rỡ của sân trong Tử Cấm Thành. Giữa cái trong xanh của trời và nước là một tòa tháp tại góc phía Tây Bắc Tử Cấm Thành. Trần cung điện trong Ngự Hoa Viên được thiết kế tỉ mỉ đến từng chi tiết. Vẻ đẹp đằm thắm của một con kênh bên bờ Tử Cấm Thành. Hai con sư tử mạ vàng trước Cung Ninh Thọ. Và chín con rồng uốn khúc bảo vệ cung Ninh Thọ.
Không tự hào sao được khi Việt Nam chúng ta có người tài giỏi như Nguyễn An....
Nguyễn Chính Viễn
Sưu tầm
|
No comments:
Post a Comment