Pháo Binh VNCH
Binh Chủng Pháo Binh
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Pháo Binh VNCH Hành Khúc
*
*
--
-
~
.........................................
47
https://i682.photobucket.com/albums/vv190/doublenguyennguyen/doublenguyennguyen009/p105_zpsntwx4ngb.jpg
48
https://i682.photobucket.com/albums/vv190/doublenguyennguyen/doublenguyennguyen009/QDQG07_zpsjck2k0ke.jpg
Hồi Ký:
Ngày Tháng Quân Trường
Nhân đọc bài viết và xem hình ảnh họp mặt của khóa 3/72 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức làm tôi chợt nhớ đến hôm nào hát câu: "Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu" dưới ngọn cờ khóa sinh của quân trường Thủ Đức. Lần theo ký ức, đi ngược dòng đời, tôi cũng ráng ôn lại những hình ảnh thân thương đầy kỷ niệm hôm nào và ghi lại dưới đây dù không được đầy đủ lắm.
Ngày tháng của năm '70 tôi trình diện trung tâm 3 tuyển mộ và nhập ngũ để được sắp xếp theo học khóa 6/70 Sĩ Quan Ttrừ Bị. Bây giờ sau hơn ba mươi năm có lẽ các bạn cùng khóa đã tản lạc mỗi người một nơi hay đã vĩnh viễn nằm xuống trên quê hương đất mẹ. Có người đã làm ông nội, ông ngoại. Có người cũng còn độc thân tại chỗ sau vài lần gẫy đổ hôn nhân.
Tựu trung số mệnh của từng người khác nhau tuy nhiên phận làm trai trong cuộc chiến mấy ai tránh khỏi những nghiệt ngã của cuộc đời. Tội nghiệp nhất là các bạn đã mất đi một phần thân thể trong chiến tranh giờ này phải sống nghèo nàn đói rách nơi quê nhà.
Tại Trung Tâm 3, chúng tôi phải trải qua một kỳ thi gọi là "Trắc nghiệm tâm lý" để hướng dẫn ngành nghề chuyên môn mà sau khi tốt nghiệp các khóa sinh sẽ về binh chủng đó như Pháo Binh, Truyền Tin, Quân Cụ v. v… Ngoài ra mọi người được cấp phát quân trang, quân dụng. Chỉ vài tuần kế đó bọn tôi đã có mặt tại trung tâm huấn luyện Quang Trung (Tôi nhớ không lầm là thiếu tướng Hoàng Văn Lạc làm chỉ huy trưởng) để học giai đoạn đầu gọi là khóa Dự Bị Sĩ Quan. Vị đại đội trưởng cán bộ là Đại Úy Nhơn nghe nói ông tốt nghiệp khóa 18 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Sau khi đã thụ huấn xong ba tháng quân sự ở nơi này, chúng tôi được chuyển về trường Bộ Binh Thủ Đức còn có tên là Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức.
Không khí hôm tốt nghiệp rất vui vì ít ra cũng qua được giai đoạn 1 của chương trình, nhất là tôi và một vài bạn được cấp bằng 'thiện xạ ưu hạng'. Trên túi áo đeo lủng lẳng huy hiệu thiện xạ xem cũng oai ra phết nên tôi nở lỗ mũi lắm.
Mấy chiếc xe nhà binh chở chúng tôi lên Thủ Đức để chính thức nhập học khóa 6/70 SQTB vừa ngừng lại trước sân Vũ đình Trường. Bửng xe chưa kịp mở ra, chúng tôi gặp ngay các khuôn mặt lạnh lùng sắt thép, chẳng một chút cảm tình cùng tiếng la hét rầm trời của các huynh trưởng:
– "Các anh có ba mươi giây để xuống xe, xếp hàng".
Mọi người nhớn nhác, xanh cả mặt. Lỗ mũi của tôi xẹp như bong bóng xì hơi. Lập tức ai nấy lật đật nhảy xuống mang theo túi quân trang còn gọi là "Sắc ma ren"...
Sau màn điểm danh là chúng tôi được lệnh vác sắc ma ren chạy chào sân.
– "Các anh chạy theo tôi, một hai, một hai, một hai… Nhanh lên, sao chạy chậm vậy?"
Tiếng của các huynh trưởng hét bên tai, điếc cả con ráy. Mọi người nối đuôi chạy theo huynh trưởng khóa đàn anh. Cái túi to tổ bố nặng vài chục ký càng lúc càng nặng dần trên vai theo số vòng sân. Chúng tôi rớt lộp độp dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời. Người nào mặt cũng đỏ gay, mồ hôi tuôn xối xả riêng mấy ông huynh trưởng thì ung dung như đang dạo chơi vì có vác đồ như chúng tôi đâu mà mệt…
Rồi thì bài học sơ khởi nhập môn cũng chấm dứt. Một số anh em ngất xỉu thì được đưa lên bịnh xá, số còn lại chỉ có nước lết đi mà chân run cả lên muốn đứng không vững.
Những tuần huấn nhục
Tôi được xếp vào Trung Đội 363 (Trung Đội 3 của Đại Đội 36). Vị đại đội trưởng khóa sinh là Đại Úy Nguyễn Thành Một. Ông có vóc người to lớn bệ vệ, dáng dấp của một con nhà võ... Sau này tôi được biết ông là con trai của thầy hiệu trưởng Nguyễn Thành Xuân trường tiểu học Xóm Củi, nơi mà tôi đã có 5 năm đèn sách thời thơ ấu, thảo nào ngay từ ngày đầu tiên tôi thấy nét mặt của ông có nét giống thầy hiệu trưởng. Mặc dù vậy trong thời gian học tôi cũng không rõ ông có phải là con ông đốc trường Xóm Củi hay không, cho đến lúc mãn khóa do sự tò mò tôi hỏi ông thì mới biết. Trung Úy Trung là đại đội phó kiêm Trung Đội Trưởng 362, riêng Thiếu Úy Nhựt, trung đội trưởng Trung Đội 361 dáng người hơi nhỏ con nhưng tài bắn súng Colt thì hết sẩy. Tôi có dịp thưởng thức những phát súng bá phát bá trúng của ông vào những lon bia không tại các bãi bắn của trường. Chuẩn Úy Bằng là trung đội trưởng của chúng tôi, dường như ông trước chúng tôi vài khóa (khóa 1/70). Ông có vóc người ốm và cao. Phải nói tướng ông giống các tay cao bồi miền viễn tây.
Trong lúc huấn nhục, chúng tôi có tên là ‘tân khóa sinh’. Các tân khóa sinh nhất cử nhất động đều không qua khỏi cặp mắt quan sát của những huynh trưởng. Điểm khác lạ của khóa 6/70 SQTB thường xuyên là các huynh trưởng lại là khóa 1/71 Sĩ Quan Đặc Biệt vì khỏi học khóa căn bản quân sự tại Quang Trung (Tất cả là quân nhân tại ngũ) nên mặc dù tên khóa là 1/71 nhưng các bạn ấy vào Thủ Đức trước nên nghiễm nhiên trở thành huynh trưởng của chúng tôi. Đi học tại lớp học hay ra bãi học địa hình, chiến thuật, vũ khí, tất cả đều phải súng cầm tay vì không dây đeo, đầu tiên là súng garant sau đổi qua M-16, vai mang cặp các tân khóa sinh vừa đi vừa hát những bài hùng ca đã được học sẵn theo tiếng ca của huynh trưởng. Chúng tôi chỉ có ba mươi giây để ăn nên đôi khi vào bàn ăn chưa kịp ngốn xong một chén cơm là phải đứng dậy. Bạn nào chậm trễ thì bị phạt không nhảy xổm cũng bị hít đất. Trong quân trường mỗi cái hít đất được gọi là "Cái bơm". "Anh làm cho tôi năm mươi cái bơm đi" nghĩa là phải làm năm mươi cái hít đất. Dường như hình phạt dành cho các tân khóa sinh đều bắt đầu thấp nhất từ con số năm mươi cho đến một hoặc hai trăm do đó bị xỉu dài dài.
Giai đoạn huấn nhục không ai được thăm nuôi hoặc đi phép cả. Cách xếp chăn màn, gối phải đúng cách, hầu như chúng tôi ngủ lúc nào cũng mặc quân phục và đôi giày không rời khỏi chân vì tiếng còi tập họp bất thần. Ai không có mặt sau một phút thì bị phạt ngay. Khi chà láng các mô đất chung quanh doanh trại bằng gà mèn, tân khóa sinh phải làm đúng ý các huynh trưởng. Ngoài ra bất thần gặp huynh trưởng mà không kịp chào hay chào nhỏ tiếng vẫn bị phạt. Đôi khi mấy ông khóa đàn anh cắc cớ bắt chúng tôi hôn lên cây bã đậu đầy gai như hôn người tình. Mặt không bị rỗ quả là may phước.
Lễ gắn alpha
Rồi thì những tuần huấn nhục cũng qua đi. Lễ gắn alpha được tổ chức một cách trang trọng tại Vũ Đình Trường của trường dưới sự chủ tọa của trung tướng Phạm Quốc Thuần, chỉ huy trưởng. Nghe nói khóa tui học có vài người không đủ tiêu chuẩn thể lực để tiếp tục theo học nên bị gạt tên. Buổi lễ được chọn vào đêm tối dưới ánh đuốc lung linh, không khí thật trang nghiêm. Dưới sự điều hợp của vị sĩ quan chủ lễ. Những tiếng hô thật hùng dũng:
– "Súng chào... bắt; Đem súng.... xuống"...
Vang động cả một góc trời.
Các nghi lễ như chào quốc quân kỳ, hát quốc ca, một phút mặc niệm để tưởng nhớ các anh hùng đã vị quốc vong thân trong tiếng kèn, tiếng nhạc khiến mọi người thấy lòng chùn xuống pha lẫn một chút nôn nao háo hức lạ kỳ, chờ đợi giây phút thiêng liêng sắp đến.
Sau diễn từ, huấn thị của vị chỉ huy trưởng là thời khắc trang trọng nhất. Tiếng hô thật lớn từ máy vi âm:
– Quỳ xuống các tân khóa sinh!
Chúng tôi đồng loạt quỳ chân phải xuống. Vì được tập dượt trước nên mọi cử động rất đồng nhất Kế đến các huynh trưởng tiến vào vị trí hành lễ. Mỗi người rút từ túi quần sau của các tân khóa sinh cầu vai alpha lần lượt gắn lên vai chúng tôi. Sau khi nhìn thấy các huynh trưởng làm xong nhiệm vụ, viên sĩ quan chủ lễ hô lớn:
– Đứng dậy các sinh viên sĩ quan!
Chúng tôi đứng dậy với một niềm vui khó tả.
Lúc này, các huynh trưởng vui vẻ bắt tay chúng tôi chúc mừng các tân khóa sinh từ nay thực sự là một sinh viên sĩ quan của trường Bộ Binh Thủ Đức.
Những hình phạt khó quên
Trong thời kỳ là sinh viên sĩ quan có lần tôi và một anh bạn đồng trực phòng bị phạt kỷ luật vì một lý do là khi đi học quên kiểm soát phòng để một SVSQ bỏ quên ổ bánh mì trên giường. Cái kẹt của tụi tôi là sự kiện này bị phát hiện bởi thiếu Tá Tảo (Tiểu Đoàn Trưởng khóa sinh) khi ông đi khám doanh trại của các SVSQ. Đại úy đại đội trưởng bị khiển trách nặng nề. Khi vừa từ bãi học quân sự về cả hai chúng tôi được lệnh trình diện tức tốc gặp mặt sĩ quan cán bộ. Thế là tôi mới biết rõ nội vụ và bị phạt thay đổi y phục đại lễ trong vòng 30 giây.
Mặc dù được sự giúp đỡ của các bạn chung phòng là chuẩn bị các thứ sẵn sàng nhưng tôi vẫn bị trễ 50 giây, cứ mỗi giây là được thay thế bằng một cái hít đất mà phải hít đất đúng thế là ngực phải đụng đất. Vừa xong, tay chân còn bải hoải thì lại nhận lịnh thay đồ tiểu lễ, lại bị trễ cả phút lại phải đền bồi bằng 60 cái nhảy xổm, xong lại thay lại bộ quân phục tác chiến súng đạn đầy đủ cũng tiếp tục trễ lãnh nhồi thêm cả trăm cái nhảy xổm rồi lại đổi y phục bị phạt tiếp cuối cùng thì tôi không thể nào đứng nổi nữa. Mắt đổ đom đóm và khụy luôn tại chỗ. Tội nghiệp các bạn chung phòng phải dìu hai đứa về, xức dầu xoa bóp các thứ mới hồi phục lại. Phải nói, đây là hình phạt nhớ đời hơn hoặc tương đương với những hình phạt mà tôi đã trải qua trong thời kỳ tân khóa sinh. Đôi khi hồi tưởng lại tôi còn ớn cả xương sống!
Trực tuyến và ứng chiến Sài Gòn
Các đại đội sinh viên sĩ quan thường thay phiên nhau trực tuyến phòng thủ trường và đôi khi được điều động đến giữ an ninh khu vực đài ra đa và nhà máy điện phụ cận. Năm đó khóa 6/70 chúng tôi lại nhận nhiệm vụ về ứng chiến Sài Gòn cùng lúc với khóa 5/70 vào dịp Tết để đề phòng những cuộc tấn kích như hồi Tết Mậu Thân xảy ra. Nhân dịp này tôi có ghé thăm nhà vào tối 30. Gặp lại người thân rất mừng nhưng khi nhìn lại những đồ cúng bày trên mâm có dĩa cải xào nấm đông cô với tóc tiên, bánh tổ mà người Tàu thường gọi là "Phát Cao" khiến tôi không ngăn được dòng nước mắt khi nhớ lại người mẹ hiền của mình vì bà đã mất vào năm ‘67 nghĩa trước đó khoảng hơn ba năm.
Những lời giải thích về tục lệ cúng kiến của người Hoa vào đêm giao thừa của mẹ tôi lúc sinh tiền còn văng vẳng bên tai. Tôi ăn vội buổi cơm "đoàn viên" với ba tôi và các chị em rồi lật đật lên đường. Tôi cũng ngẫu nhiên gặp lại hai người bạn học cùng lớp thuộc khóa 5/70 trên tuyến đường ứng chiến ở Sài Gòn: Phước và Tuấn. Tôi nhớ rất rõ là các khóa chúng tôi được phân biệt bằng màu nền của bảng tên trên áo như khóa 6/70 chúng tôi thì nền vàng chữ đỏ và khóa 5/70 thì là nền đen chữ đỏ. Cổ áo mỗi người được may huy hiệu bằng vải với alpha nhỏ mà chúng tôi thường gọi là con cá vì hình dáng giống hình chú cá nhỏ
Sinh viên sĩ quan Quách Xuân Sơn trong bộ quân phục tại bãi tập
Các món ăn chơi
Theo tôi biết nghĩa đen của chữ ‘ăn chơi’ là ăn qua loa. Bữa ăn chơi là ăn không phải để no bụng bởi vậy có vài nhà hàng quảng cáo: "Ăn chơi ngon hơn ăn thiệt" nhưng rất nhiều người dùng chữ này một cách bóng bẩy hơn như "Ăn chơi xả láng", ý muốn nói tiêu xài vung vít không cần biết ngày mai. Ăn chơi gần như đồng nghĩa với ăn uống và chơi bời.
Trong quân trường khi nói đến các món ăn chơi thì ai nấy đều không khỏi rùng mình vì các món này rất ư là khó nuốt. Thường thì các món ăn chơi ở Thủ Đức gồm có:
"Bò hòa lực": Những SVSQ phải trang bị súng ống đầy đủ, bò trườn sát đất dưới làn mưa đạn đại liên phía trên dường như về sau đã bỏ môn này vì rất nguy hiểm.
"Đoạn đường chiến binh": Mọi người phải trang bị đủ quân trang cấp số đạn với súng, chạy, nhảy tường, leo dây, bò dưới kẽm gai, súng dơ cao nhảy lỗ bánh xe đến đích trong một khoảng thời gian tối thiểu. Những người nào không xong phải bắt đầu lại hay có thể bị phạt.
"Đu giây tử thần": Các SVSQ phải từng người nắm chặt cái ròng rọc được móc trên dây cáp treo từ đầu ngọn đồi cao nhất đến ngọn đồi thấp đối diện, ở giữ là cái hồ nước lớn. Một huấn luyện viên giữ chặt anh SVSQ bên ngọn đồi cao nhất khi tiếng loa hô:
– "Sẵn sàng... Go!"
Thì lập tức đẩy anh này đi. Đến giữa hồ khi thấy cây cờ hiệu của anh Huấn Luyện Viên bên kia bờ phất xuống thì lập tức anh SVSQ phải buông tay ra và để thân hình rơi xuống nước sao cho đúng cách đã được chỉ dẫn. Khi từ dưới đáy hồ trồi lên thì có mấy anh HLV có sẵn trên cái xuồng phao gần đó vớt đưa vào bờ. Khóa tôi có một anh biên tập viên cảnh sát được gửi theo học quân sự khi rớt xuống lại bất tỉnh luôn làm mấy ông HLV lặn liền xuống nước, vớt lên cấp cứu, cũng may sau đó anh hồi phục có lẽ anh rơi không đúng cách nên đập ngực xuống trước....
Diễn hành ngày quân lực
Tất cả các thế cơ bản thao diễn từ các thế quay súng 360 độ, súng chào, động tác đưa súng lên vai, đi đều bước, quay trái, quay phải, đàng sau quay không một người SVSQ nào lại không thuần thục. Hàng tuần các đại đội phải diễn hành trên sân Vũ Đình Trường dưới sự quan sát của các vị sĩ quan cán bộ trong tiếng trống và tiếng quân nhạc rất hùng hồn. Tuy nhiên trong những lúc tập dợt ở sân đại đội có nhiều cảnh thật tức cười xảy ra như khi có lịnh:
– "Bên trái... quay".
Khóa tui phải làm lễ tốt nghiệp trễ hơn thời hạn ấn định vì có nhiệm vụ phải tham gia diễn hành Ngày Quân Lực 19 tháng 6.
Sinh Viên Sĩ Quan được tuyển chọn đi diễn hành phải có vóc dáng cao lớn, nhất là toán thủ kỳ và được huấn luyện ráo riết. Sau Ngày Quân Lực thành phần diễn hành được khen ngợi vì đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, không bị lỗi nào cả, đi đứng thẳng hàng, đúng nhịp, đầu hướng về khán đài trung ương đồng loạt khi đi qua...
Sau ngày quân lực, thành phần diễn hành được khen ngợi vì đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Phải nói là không có lỗi nào cả, đi đứng thẳng hàng, đúng nhịp, đầu hướng về khán đài trung ương đồng loạt khi đi qua...
Lễ mãn khóa
Sau những lần thi khảo hạch về vũ khí, đạn dược, thể lực, địa hình, chiến thuật có kết quả. Khóa chúng tôi ngoại trừ vài người bị rớt ra trung sĩ còn lại đều chuẩn bị ngày lễ tốt nghiệp ra trường với bằng trung đội trưởng bộ binh. Buổi lễ được cử hành rất trọng thể tại sân Vũ Đình Trường với sự tham dự rất đông quan khách có cả thân nhân của các SVSQ. Mỗi sinh viên sĩ quan hiện diện đều mặc y phục đại lễ. Sinh viên thủ khoa là anh bạn ở chung đại đội với tôi: Vũ Quang Dũng. Anh đã được các sĩ quan cán bộ tập dợt mấy ngày trước. Hôm đó Dũng mang kiếm chỉ huy và vinh dự được tổng thống gắn cấp bậc trên cầu vai dưới sự chứng kiến của tướng Thuần. Tôi vẫn nhớ như in tiếng hô dõng dạc của vị sĩ quan chủ lễ:
– Quỳ xuống các sinh viên sĩ quan!
Mọi người đồng loạt quỳ xuống, đầu gối chân phải chạm đất. Mũ "casque" cầm trên tay. Sau khi được gắn cấp bậc chuẩn úy xong xuôi thì tiếng hô từ máy phát âm:
– Đứng dậy các tân sĩ quan!
Tất cả nhất tề đứng dậy với cảm giác thật sung sướng pha lẫn chút xúc động.
Buổi lễ chấm dứt giữa tiếng reo hò vang dậy của các tân sĩ quan với mũ nón tung lên không báo hiệu vừa kết thúc những tháng ngày đổ mồ hôi, sôi con mắt tại một lò luyện thép đầu đời trong quân ngũ.
Khóa 6/70 có một số không ít các công chức (Trong đó có sư huynh Lư khải Minh, kỹ sư Phú Thọ, Mạc Đĩnh Chi ra trường năm 1966), giáo chức do nhiệm sở gửi đi học dường như các bạn đó được gửi về sở làm trở lại còn các anh em cảnh sát được đơn vị cảnh sát đến nhận và gắn lon đại úy thay vì chuẩn úy như bọn tôi.
Các thành phần nào về các ngành như pháo binh, quận cụ, công binh, truyền tin thì được sĩ quan đại diện trường đến nhận. Tôi về pháo binh, được mấy ngày phép và chờ đáp phi cơ ra Nha Trang để chuẩn bị thụ huấn khóa sĩ quan căn bản pháo binh tại trường pháo binh Dục Mỹ. Riêng các anh em còn lại theo thứ tự đậu cao, thấp chọn đơn vị bộ binh ở các vùng hay tình nguyện gia nhập lực lượng tổng trừ bị gồm có Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân…
"Đoàn Pháo Binh Việt Nam luôn tiến tới,
Ta hiên ngang ngày ngày bốn phương trời.
Và từ nơi hậu phương đến tiền tuyến,
Khắp núi sông vang rền bao lời ca...."
Đây là một đoạn trong bài "Pháo Binh Ca" mà có thể nói không bao giờ quên trong suốt cuộc đời binh nghiệp của tôi và cả cho đến lúc này nghĩa là 3/4 năm sau ngày 30 tháng tư năm 1975.
Thụ huấn khóa sĩ quan căn bản Pháo Binh (Trường Pháo Binh Dục Mỹ)
Bọn tôi tháp tùng chuyến máy bay quân sự C-119 ra phi trường Nha Trang.
Có lề đây là lần đầu tiên được ngồi trong thân máy bay nên tôi có cảm giác thật khó tả nhất là lúc máy bay cất cánh hay bị rớt xuống một cách đột ngột khi gặp vùng không khí loãng khiến ruột gan tôi lộn ngược lên. Phải nói tôi có chút lo âu vì không biết tương lai sắp tới như thế nào nhất là phải xa gia đình một khoảng thời gian khá lâu. Sáu tháng tới đây tôi sẽ ở một nơi mà những ngày phép không thể về để gặp gia đình như lúc còn ở Thủ Đức và vấn đề học hành như thế nào là một vấn đề khác nữa.
Máy bay hạ cánh tại sân bay thì không bao lâu sau, viên sĩ quan hướng dẫn đã liên lạc về trường.
Chúng tôi được chở trên chiếc GMC về Dục Mỹ. Khi đi ngang qua chếc Cầu Đá lớn tôi không thể không ngạc nhiên khi nhìn thấy những kiến trúc Chàm xa xưa với những ngôi tháp tạc hình mặt người loang lổ vì gió bụi thời gian. Những cánh đồng ruộng hình xoắn ốc trên các ngọn đồi chung quanh, phong cảnh thật đẹp, tôi có chút ngây ngất với những cơn gió đồng thật mát thổi vào người pha lẫn mùi lúa chín.
Đến trường, sau màn điểm danh chúng tôi được đưa về phòng ốc.
Nơi chúng tôi ở là một nhà được cất gần bên tường rào của trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ. Mỗi khóa sinh được ngủ trên mỗi tầng của giường gỗ hai tầng. Việc leo lên xuống phải nhờ vào cái thang xếp bên giường vì một khóa không có bao nhiêu khóa sinh nên bọn tôi hầu như đều biết tên lẫn nhau. Thời gian đó đại tá Hồ Sĩ Khải là chỉ huy trưởng của trường riêng vì thời gian quá lâu tôi không còn nhớ tên vị tiểu đoàn trưởng khóa sinh nhưng tôi nhớ vị đại úy đại đội trưởng khóa sinh là Đại Uý Trần Công Thụ (Xin phép đại úy cho tôi được kính cẩn nêu tên thiệt của đại uý ở đây). Đại Úy Thụ gốc người miền Bắc, rất hiền và là một quân nhân gương mẫu. Sau này khoảng năm ‘73 ông đã về làm trưởng ban 3 ở đơn vị tiểu đoàn pháo binh mà tôi là sĩ quan tiền sát. Tôi có đi nhờ xe ông về thăm nhà trong ngày Tết và hai thầy trò có chụp chung một tấm hình mà sau này đã thất lạc, tôi không biết để ở đâu. Riêng bức hình dưới đây là lúc tôi chụp khi đang là khóa sinh SQCB/PB.
Tất cả các môn học ở trường Pháo Binh đều mới mẻ đối với tôi ngoại trừ môn địa hình thì cũng giống như lúc học ở Thủ Đức chỉ khác là đi sâu vào chi tiết hơn như cách xác định tọa độ nhờ vào sự giúp đỡ của "Gà" nhà. Riêng môn học về "Quân Xa" tương đối đặc biệt đánh động óc tò mò của tôi vì có lẽ Pháo Binh xử dụng xe cộ cùng hơi nhiều nên cách học tu bổ và bảo trì quân xa được mang ra giảng dạy. Các danh từ chuyên môn về Pháo Binh đã lần lượt đi sâu vào trí óc của mọi người trong các bài học hàng ngày như biểu xích, cọc nhắm, độ giạt, quạt hướng tầm, xạ bảng… v..v..
Hàng ngày chúng tôi phải dùng đến xạ biểu để tính toán về tầm xa, góc độ bắn, thuốc nạp. Thường thì thuốc nạp càng nhiều thì tầm bắn càng xa nhưng nạp 7 là mức tối đa của thuốc nạp, không thể nào nhiều hơn nữa. Các dụng cụ chúng tôi thường xài đến là thước đo biểu xích dùng để tính nhanh mà không cần xạ biểu.
Tôi nhớ không lầm thì nhà toán học Nguyễn Xuân Vinh có bài thơ "Tình Toán Học" cũng khá nổi tiếng, riêng Pháo Binh cũng có một nhà thơ không có tên nhưng để lại bài thơ "Tình Pháo Thủ" trong quyển xạ biểu, tiếc rằng tôi nhớ chỉ có một đoạn:
Anh say đắm nhìn em qua phương giác,
Hai tâm hồn một độ giạt như nhau.
Điểm nhắm xa anh có sẵn tự hôm nào,
Còn chờ đợi cân bằng biểu xích.
------------------
Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ,
Em nằm xõa tóc đợi chờ anh.
(Vô danh)
Có lẽ hai câu thơ này các khóa sinh của trường Đồng Đế (Nha Trang) đều thuộc lòng vì hình dạng của dãy núi bao quanh trường nhưng riêng dãy núi có hình dáng của một thiếu phụ trong tư thế nằm xõa tóc có thể thấy rất rõ từ các bãi tập ở trường Pháo Binh đôi lúc những buổi sáng khi nắng vừa lên, chúng tôi thấy mây trời lãng đãng tạo nên một phong cảnh thật nên thơ.
Mỗi ngày chúng tôi được xe nhà binh chở đến bãi tập, mỗi người mang theo chiếc ghế xếp để ngồi học. Nhiều khi xe chạy ngang các đơn vị khóa sinh của trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân đang súng cầm tay, ba lô bao cát nặng trĩu, vừa chạy đều nhịp vừa la:
– "Một hai , một hai...",
người nào người nấy toát cả mô hôi, tụi tôi thường chỉ chỏ và nói nhỏ nhau nghe:
– "Thiên đàng, địa ngục hai bên...."
Ý muốn nói là chúng tôi được ngồi trên xe, sướng như ở thiên đàng còn các bạn phía dưới như là ở địa ngục vậy đó. Trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ nằm sát cạnh trường Pháo Binh ngoài nhiệm vụ huấn luyện các tân binh B.Đ.Q. còn có trách niệm huấn luyện và cấp bằng viễn thám cho quân nhân của các đơn vị bộ binh. Nghe nói các chiến sĩ được gửi về học tại đây không được mang cấp bậc và chỉ mặc áo với miếng vải nhỏ màu sắc khác nhau may trên cổ áo, không biết khóa học viễn thám kéo dài bao lâu, riêng khóa sĩ quan căn bản pháo binh chúng tôi dài khoảng sáu tháng. Thường thì những ngày nghỉ cuối tuần chúng tôi hay tập họp ba bốn anh em thuê xe ra Nha Trang chơi, mướn khách sạn ngủ đêm. Bây giờ bãi biển Nha Trang không biết thế nào chứ hồi đó tôi thấy bãi biển nơi này rất đẹp và có nhiều nhà hàng sang trọng với các cô tiếp viên hết sẩy.
Trò chơi trẻ con
Tôi rất thích bản nhạc "Đám Cưới Đầu Xuân"của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, trong đó có đoạn: "Trò chơi trẻ con, em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu...."
Ở trường Pháo Binh chúng tôi có dịp chơi "Trò chơi trẻ con" mà hồi nhỏ bọn này đã chơi qua là lấy giấy bạc ở trong bao thuốc lá cuộn vào viên thuốc nạp vo kín một đầu và đầu kia để hở. Xong lấy một cây nhang cháy đỏ dúi vào đầu hở. "Phụt" nguyên cái khối nhỏ bay như hỏa tiễn, trông cũng vui mắt lắm. Sau này không biết sáng kiến của ai thêm một trò chơi mới nữa làm kinh động đến cán bộ của trường là - dồn chặt thuốc nạp vào bi đông nhựa có đục sẵn một lỗ nhỏ rồi lấy cây nhang cháy đỏ dúi vào, xong chạy đi núp.
-- "Đùng"...
Một tiếng nổ long trời lở đất y hệt như lựu đạn, làm cán bộ của trường phải xanh mặt chạy đến...
Về sau cái trò chơi này bị nghiêm cấm vì do mảnh vỡ cùng hơi nổ từ bi đông sẽ gây thương tích cho người đứng gần đó và cũng để đề phòng những vụ nổ do đối phương tập kích mà không biết... nhưng tôi nhớ không lầm thì hôm mãn khóa lại nổ thêm một lần nữa và có lẽ vì thấy ngày ra trường nên không ai bị trừng phạt.
Những thứ bảy, chủ nhật trong trại tôi thường ghé quán tạp hóa của Thượng Sĩ Chín mua khẩu phần đồ hộp Mỹ. Tôi thích nhất là món bánh bông lan và cà phê. Ngoài ra tôi cũng hay ghé câu lạc bộ để thụt bi da đôi khi cá độ bằng một, hai ly cà phê sữa đá. Bọn chúng tôi cũng ra những quán cà phê nhạc gần trường để nhâm nhi vài ly cà phê nóng nhất là vào những buổi tối trời se lạnh.
Các buổi học về điều chỉnh tác xạ nhất là khi chỉnh những quả đạn khói rơi trúng mục tiêu ở bãi bắn khiến tôi thích thú. Những câu: "Về trái.... về phải... xa hơn... gần lại..... Bắn.... trả lời...." hầu như nằm sẵn trên cửa miệng mọi người khi nói qua ống liên hợp. Đây chỉ là bước đầu mà sau này tôi có dịp lặp lại không biết bao nhiêu lần trong suốt cuộc đời làm sĩ quan tiền sát viên.
Ra trường
Bao nhiêu tháng ngày tôi luyện từ ba quân trường đã cho tôi một số vốn kiến thức căn bản, một thể lực cần thiết để bước vào chiến trường. Tôi thấy lo âu về một tương lai đang mở ra trước mặt, tuy nhiên; hình ảnh hào hùng của một đại úy Pháo Binh Nguyễn Văn Đương vừa tự sát trên chiến trường Hạ Lào trong bài ca "Anh Không Chết Đâu Anh" như loáng thoáng bên tai đã xua tan phần nào nỗi ưu tư trong đầu... Tôi hãnh diện và tự hào về binh chủng Pháo Binh của mình.
Quách Xuân Sơn
Anaheim, 06/07th /2009
Tạp Bút Mạc Ðĩnh Chi
http://vulieu.net/board/index.php?action=vthread&forum=3&topic=3540
45
46
.............................................
Pháo binh QLVNCH giai đoạn sôi động 1970-1973
* Pháo binh các Sư đoàn và Quân đoàn trong các trận chiến lớn:
Theo tổ chức và phối trí lực lượng Pháo binh tại các đại đơn vị Bộ binh, mỗi Sư đoàn Bộ binh có 1 tiểu đoàn 155 ly, từ 3 đến 4 tiểu đoàn Pháo binh 105 ly; mỗi tiểu đoàn Pháo binh 105 ly gồm 3 pháo đội (mỗi pháo đội có 6 khẩu đội) yểm trợ trực tiếp cho một trung đoàn Bộ binh trong suốt thời gian hành quân. Là những đơn vị hỏa lực chính của các Sư đoàn, các tiểu đoàn Pháo binh đã sát cánh cùng các đơn vị bộ chiến trong tất cả các trận chiến khốc liệt nhất, để yểm trợ hỏa lực cho đơn vị bạn trong phòng thủ cũng như trong tấn công. Sau đây một số chiến tích của các đơn vị Pháo Binh trong giai đoạn sôi động nhất của cuộc chiến Việt Nam:
Tại chiến trường Quảng Trị, trong cuộc chiến Mùa Hè 1972, khi cộng sản bắc Việt tung 45 ngàn quân vượt sông Bến Hải tổng tấn công cường tập vào các tiền cứ VNCH ở Tây và Tây Bắc tỉnh Quảng Trị vào cuối tháng 3/1972, cùng với các phi vụ không yểm của Không quân Việt Mỹ, các pháo đội 105, 155 của Pháo binh TQLC và Sư đoàn 3 BB tại các căn cứ hỏa lực trọng điểm đã yểm trợ mạnh mẽ các đơn vị bộ chiến trong nỗ lực chận đứng các đợt tấn công ồ ạt của cộng quân.
Tại mặt trận Tây Nam Thừa Thiên, trong tháng 4/1972, khi Cộng quân tung hai trung đoàn bao vây cứ điểm Bastogne (do tiểu đoàn 2/54 phòng ngự và Checkmate (cao điểm 342, do tiểu đoàn 1/54 phòng ngự), các pháo đội 105 và 155 ly của Pháo binh Sư đoàn 1 BB đã tập trung hỏa lực tác xạ yểm trợ cho hai tiểu đoàn 1 và 2/54 BB giữ vững phòng tuyến trong hơn 1 tháng.
Tại chiến trường Nam-Tín-Ngãi (Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi), trong cuộc chiến Mùa Hè 1972, Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh đã yểm trợ hỏa lực cho trung đoàn 5 Bộ binh tại mặt trận Quế Sơn. Cuối tháng tháng Giêng 1973, khi CSBV tung quân tấn công cường tập hải cảng Sa Huỳnh, vi phạm lệnh ngưng bắn của Hiệp định Ba Lê (có hiệu lực từ 8 giờ sáng ngày 28 tháng 11/1972), bộ chỉ huy Pháo binh Sư Đoàn 2 BB đã điều động cùng một lúc 2 tiểu đoàn Pháo binh 105 và 155 ly đồng bộ yểm trợ trực tiếp cho Trung đoàn 5 Bộ binh và Liên đoàn 1 Biệt Động Quân 12) phản công tái chiếm Sa Huỳnh, tổng số đạn tiêu thụ trong trận đánh này lên đến trên 200 ngàn quả, mở một kỷ lục cho Pháo binh QL. VNCH.
Tại chiến trường cao nguyên, liên tiếp trong hai mùa hè 1971, 1972, Pháo binh Quân đoàn 2 đã yểm trợ mạnh mẽ cho các tiền cứ biên phòng tại Tây Bắc Kontum trước các đợt tấn công ồ ạt của CSBV. Cũng tại chiến trường này, tháng 4/1971, Pháo binh Nhảy Dù VNCH đã mở trận hỏa công yểm trợ cho Lữ đoàn 2 Nhảy Dù giải tỏa áp lực của CSBV quanh căn cứ Hỏa lực 6. Tháng 4 năm sau (1972), tại cụm phòng tuyến Charlie và Delta do hai tiểu đoàn thống thuộc Lữ đoàn 2 Nhảy Dù trách nhiệm, Pháo binh Nhảy Dù đã yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị trú phòng đẩy lùi được nhiều đợt tấn công của cộng quân.
Pháo binh Nhảy Dù
Tại chiến trường Miền Đông Nam phần và chiến trường Căm Bốt, trong hai năm 1970 và 1971, Pháo binh Sư đoàn 5, Sư đoàn 18 và Sư đoàn 25 Bộ binh và các tiểu đoàn Pháo binh thống thuộc Quân đoàn 3 đã lập chiến tích trong các cuộc hành quân quy mô Toàn Thắng do Quân đoàn 3 tổng chỉ huy. Riêng trong chiến dịch Toàn Thắng 42 khởi đầu cho các cuộc hành quân tổng truy kích các đơn vị CSBV trên đất Cam Bốt, trong đội hình của hai chiến đoàn 318 và 333 có các tiểu đoàn Pháo binh 105 ly, Pháo binh đội 155 ly của Quân đoàn 3, và Sư đoàn 18, Sư đoàn 5. Các đơn vị Pháo binh nói trên đã yểm trợ hỏa lực cho các trung đoàn 43, 48/Sư đoàn 18 Bộ binh và Liên đoàn 3 Biệt Động quân trong suốt cuộc hành quân.
Tại chiến trường Miền Tây thuộc vùng trách nhiệm của Quân Đoàn 4, các tiểu đoàn Pháo Binh của Sư Đoàn 7, Sư Đoàn 9, Sư Đoàn 21 Bộ binh đã yểm trợ cho các trung đoàn Bộ binh chận đứng cuộc tấn công lớn của CSBV trong hai năm 1971, 1972 và những tháng đầu của năm 1973 tại Định Tường, Kiến Phong, Kiến Tường, Châu Đốc, Hà Tiên, Chương Thiện… Riêng trong trận chiến tại An Lộc hè 1972, khi Sư Đoàn 21 Bộ Binh được điều động từ Miền Tây lên Bình Long để giải tỏa áp lực của cộng quân trên Quốc Lộ 13, tiếp ứng cho lực lượng tử thủ An Lộc, các tiểu đoàn Pháo Binh Sư Đoàn 21 Bộ Binh đã tham chiến với hỏa lực mạnh mẽ, và trong các trận kịch chiến giữa các đơn vị VNCH và Cộng Sản Bắc Việt tại Suối Tàu Ô, một thành phần của Pháo Binh Sư Đoàn 21 đã mở các trận hỏa công yểm trợ cho đơn vị bạn giữ vững trận địa.
* Pháo binh VNCH tại các căn cứ hỏa lực:
Trong hai năm 1970 và 1971, Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam đã lần lượt chuyển giao các căn cứ hỏa lực cho các đơn vị VNCH. Do địa hình và địa thế chiến trường, trước năm 1970, Liên quân Việt-Mỹ đã xây dựng các cụm tuyến hỏa lực dọc theo các khu vực miền núi ở Vùng 1 Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật, chỉ riêng tại chiến trường Trị Thiên đã có hơn 20 căn cứ hỏa lực từ phía Bắc đèo Hải Vân đến phía Nam khu Phi Quân sự.
Căn cứ hỏa lực có nhiệm vụ cung ứng hỏa lực Pháo binh nhanh nhất và có hiệu quả nhất cho các lực lượng bộ chiến. Tại Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật, các đơn vị Pháo binh đã được bố trí theo hai cách: một là các vị trí dã chiến cấp thời. Vị trí này gồm một vài khẩu 105 ly không giật, mỗi khẩu được trực thăng Chinook CH-47 không vận tới hoặc được và một vận tải xa 2.5 tấn rưỡi kéo đến. Một vị trí Pháo binh được chuẩn bị kỹ càng hơn khi yểm trợ một căn cứ hỏa lực và đây là cách thứ hai, được áp dụng cho các căn cứ hỏa lực tại chiến trường Vùng 1, nhất là chiến trường Trị Thiên.
Để giúp bạn đọc muốn tìm hiểu về sự tổ chức, vai trò và khả năng yểm trợ của các căn cứ hỏa lực, dựa theo tài liệu của Pháo binh VNCH và Hoa Kỳ và một số bài viết trên tạp chí KBC, chúng tôi xin lược trình mô hình của một căn cứ Pháo binh yểm trợ hỏa lực kiểu mẫu được xây dựng và tổ chức như sau:
Căn cứ hỏa lực là một tiền đồn bán thường trực gồm 1 pháo đội 6 khẩu 105 ly không giật với đầy đủ vũ khí và hệ thống phòng thủ. Được xây xen kẻ với các đơn vị Bộ binh, các khẩu Pháo binh ở căn cứ bắn những trái 33 pounds với tầm sát hại chu vi 30 mét và bắn xa tới 11 km ở bất cứ thời tiết nào. Tại một số căn cứ trọng yếu, thông thường được tăng cường bằng những khẩu đội 155 ly không giật để cung cấp tầm tác xạ cao hơn.
Khi đơn vị Bộ binh bạn hành quân cách xa các căn cứ Pháo binh này thì đôi khi căn cứ được tăng cường thêm vài khẩu đội 175 ly. Do phải yểm trợ cho nhiều đơn vị Bộ binh nên thường các căn cứ hỏa lực được xây dựng ở trung tâm trong khu vực các đơn vị Bộ binh phòng ngự hoặc hành quân để có thể bắn yểm trợ tứ phía và các căn cứ hỏa lực này có thể yểm trợ lẫn nhau.
Về địa thế, các địa điểm để xây cất căn cứ hỏa lực Pháo binh phải được chọn ở nơi quang đảng, tránh xa các nơi cây to lớn. Lựa chọn này có hai mục đích: một là địch quân không xâm nhập lén lút phá hoại căn cứ, hai là để Pháo binh có thể bắn ở góc độ thấp nhất. Tuy nhiên đôi khi không có địa thế quang đảng, căn cứ Pháo binh được xây giữa rừng sâu sau khi đã khai quang một chu vi khá rộng. Để có thể có một địa điểm quang đảng tối thiểu và phòng thủ chu vi dễ dàng hơn, các sĩ quan Công binh chiến đấu cắm một cây cọc ở trung tâm rồi vạch một vòng tròn có đường kính 40 thước. Bên trong cái vòng tròn này, Công binh xây một đài quan sát, một bộ chỉ huy và các hầm hố chứa đồ tiếp liệu và đạn dược.
Làm việc với quân nhân Pháo binh, các sĩ quan công binh phối hợp xây các ụ gắn 6 khẩu 105 ly theo địa hình và phương hướng như ngôi sao năm cánh. Chung quanh các ụ súng này được một bức tường bao cát phòng thủ, các ụ đạn… Trong số 6 khẩu 105 ly, các pháo thủ và anh em công binh còn đặt bốn ụ súng cối 81 ly và đào các hầm ăn sâu với nhau bằng giao thông hào rộng 5 thước dọc theo chu vi để các binh sĩ Bộ binh phòng thủ căn cứ đặt các súng đại liên, súng phóng lựu và súng cá nhân. Kế tiếp các sĩ quan công binh dùng một sợi dây khác thường dài 75 mét và làm một vòng tròn bên ngoài vòng tròn chính.
Thường vòng tròn này không tròn như vòng tròn trước vì địa thế đất đai bất thường. Dọc theo vòng tròn thứ hai này, họ giăng các cuộn kẻm gai dày dặc, gài mìn claymore và lựu đạn chiếu sáng. Họ chọn một điểm thích hợp nhất để làm trạm gác và cổng ra vào, để đơn vị Bộ binh phòng thủ ứ ra ngoài đi kích, thám sát khu vực bên ngoài căn cứ. Mỗi căn cứ hỏa lực Pháo binh cũng có một bãi đáp trực thăng. Các pháo thủ tại căn cứ thi hành ba nhiệm vụ:
* Nhiệm vụ thứ nhất là bắn quấy rối và ngăn chận vào các mục tiêu mà bộ phận tình báo nghi ngờ có địch quân hoạt động.
* Nhiệm vụ thứ hai là bắn vào mục tiêu địch dọn đường cho Bộ binh tấn công và chiếm mục tiêu. Mục đích của nhiệm vụ này là phá các ổ mìn bẫy của địch quân và phân tán địch không cho tập trung trước khi lực lượng bộ chiến tấn công mục tiêu.
* Nhiệm vụ thứ ba là yểm trợ hỏa lực Pháo binh trực tiếp cho các đơn vị Bộ binh đang giao tranh với Cộng quân.
Về hệ thống chỉ huy, một căn cứ hỏa lực thông thường được chỉ huy bởi sĩ quan bộ binh hoặc pháo có cấp bậc cao nhất, trên thực tế chiến trường, tại các căn cứ do 1 tiểu đoàn phòng ngự thường có 1 pháo đội Pháo binh yểm trợ do một đại úy giữ chức pháo đội trưởng do đó chỉ huy trưởng căn cứ thường là vị tiểu đoàn trưởng Bộ Binh có cấp bậc thiếu tá hoặc trung tá. Trong trường hợp căn cứ phòng thủ do tiểu đoàn Bộ Binh phụ trách là tiền cứ, không phảo là căn cứ hỏa lực, khi có giao tranh, mọi yêu cầu hỏa yểm sẽ do vị chỉ huy chiến trường quyết định, sau đó các yếu tố pháo yểm sẽ được vị sĩ quan tiền sát gọi về căn cứ hỏa lực gần nhất.
Với ba nhiệm vụ chính là:
– Tác xạ quấy rối địch,
– Tác xạ vào mục tiêu trước khi đơn vị bộ chiến đổ quân,
– Tác xạ yểm trợ cho đơn vị bạn đang giao tranh,
Nên căn cứ hỏa lực đã rất hữu hiệu trên chiến trường Việt Nam, nhất là tại chiến trường Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật.
https://vietbao.com/a49146/phao-binh-vnch-giai-doan-soi-dong-1970-1973
...................................................
a
b
c
g
44
Pháo Binh Việt Nam Cộng Hòa
Tài Liệu Sưu Tầm
Pháo Binh (PB) Việt Nam được thành hình vào đầu thập niên 1950. Thoạt đầu các pháo đội tác xạ biệt-lập được thành lập. Sau đó những pháo đội này được kết hợp thành các Tiểu đoàn pháo binh. Dưới đây là những pháo đội biệt lập đầu tiên thành lập tại Bắc Việt ngày 1 tháng 11 năm 1951: # Tiểu Đoàn 5 Pháo Binh, thành lập ngày 1 tháng 7 năm 1952. Đơn vị này do tiểu đoàn Pháo Binh Liên Hiệp Pháp số 1/41 RAC chuyển sang. # Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Việt Nam thành lập ngày 1 tháng 11 năm 1952 tại Bắc Việt. # Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Việt Nam thành lập ngày 1 tháng 2 năm 1953 tại Trung Việt. # Tiểu Đoàn 4 Pháo Binh Việt Nam thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1953 tại Cao Nguyên Trung Việt. # Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Việt Nam thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1953 tại Nam Việt. Mỗi tiểu đoàn Pháo Binh có có một Bộ tham mưu, một pháo đội chỉ huy và công vụ, và ba pháo đội tác xạ. Tổng cộng quân số trong Tiểu đoàn gồm có 410 người được trang bị 12 khẩu đại bác 105-ly. Năm 1953, Pháo Binh vị trí được thành lập do quyết định của Hội Đồng Cao Cấp Việt Pháp vào ngày 24 tháng 2 năm 1953. Thông thường, mỗi tổ chức pháo binh vị trí miền gồm có một ban chỉ huy 17 người (một Sĩ quan cấp Tá, hai Sĩ quan cấp Úy, 5 Hạ sĩ quan, và 9 Binh sĩ). Một ban chỉ huy của pháo đội chỉ huy có 19 người (một Sĩ quan cấp Úy, bốn Hạ sĩ quan và 14 Binh sĩ), nhiều Trung đội bán lưu động với mỗi Trung đội gồm 36 người (một Sĩ quan, 5 Hạ sĩ quan, và 30 Binh sĩ). Nhiều Trung đội cố định với mỗi Trung đội 17 người (4 Hạ sĩ quan và 13 Binh sĩ). Mỗi khẩu đội cố định có 7 người. Pháo binh vị trí đã sử dụng những loại đại bác lỗi thời và hết sức phức tạp. Có cả thảy 173 khẩu mà có tới những 5 loại như sau: # Đại bác 105-ly loại HM-3: 11 khẩu. # Đại bác 88-ly: 122 khẩu. # Đại bác 75-ly: 29 khẩu. # Đại bác 90-ly: 7 khẩu. # Đại bác 138-ly: 4 khẩu. Kể từ tháng 9 năm 1953, tất cả các tiểu đoàn pháo binh hiện hữu được hệ thống hóa vào các liên đoàn Bộ binh (tổ chức mỗi Liên đoàn gồm có một Bộ chỉ huy, Đại đội chỉ huy công vụ, ba Tiểu đoàn Bộ binh, một Tiểu đoàn pháo binh 105-ly, một pháo đội 155-ly, một phân đội Truyền tin, một đơn vị Công binh), và vì sự xuất hiện của các Liên đoàn Bộ binh mà những Tiểu đoàn được thành lập sau đó đã mang những danh hiệu theo một thứ tự khác với những Tiểu đoàn tiền lập: # Tiểu Đoàn 22 Pháo Binh thành lập ngày 1 tháng 12 năm 1953 tại Huế, trực thuộc thành phần cơ hữu của Liên Đoàn 22 Bộ Binh (BB). # Tiểu Đoàn 33 Pháo Binh thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1954 tại Bắc Việt, trực thuộc thành phần cơ hữu của Liên Đoàn 33 BB. # Tiểu Đoàn 34 Pháo Binh thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1954 tại Bắc Việt, trực thuộc thành phần cơ hữu của Liên Đoàn 34 BB. # Tiểu Đoàn 12 Pháo Binh thành lập ngày 15 tháng 8 năm 1954 tại Nam Việt, là đơn vị trừ bị dự định sẽ bổ sung vào Liên Đoàn 12 BB. Nhưng thật sự chỉ có các Liên đoàn Bộ binh 11, 21, 31, 32, và 41 được thành lập. Còn các Liên đoàn Bộ binh số 12, 22, 33, và 34 bị cắt bỏ. Trước sự kiện này, trong số bốn tiểu đoàn tân lập, chỉ có ba Tiểu đoàn được duy trì. Còn Tiểu Đoàn 33 Pháo Binh được giải tán ngày 1 tháng 3 năm 1955.
Liên Đoàn Nhảy Dù cũng thành lập một đại đội súng cối 106-ly. Đến năm 1960 đổi thành Pháo Đội Súng Cối Nhảy Dù. Cũng phải nói thêm là từ khi ngưng chiến, các đơn vị pháo binh vị-trí lần lượt bị giải tán cho đến tháng 3 năm 1955 thì công cuộc giải tán này hoàn tất. Ngày 16 tháng 3 năm 1955, Pháp chuyển giao Trung Tâm Huấn Luyện Pháo Binh Phú Lợi cho Quân đội Việt Nam Quốc Gia. Pháo Binh Việt Nam lúc bấy giờ có 9 Tiểu đoàn và một Trung tâm Huấn luyện phân phối như sau: # Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh đồn trú tại Bình Thủy. # Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh đồn trú tại Đông Hà. # Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh đồn trú tại Nha Trang. # Tiểu Đoàn 4 Pháo Binh đồn trú tại Pleiku. # Tiểu Đoàn 5 Pháo Binh đồn trú tại Quảng Ngãi. # Tiểu Đoàn 6 Pháo Binh đồn trú tại Sông Mao. # Tiểu Đoàn 12 Pháo Binh đồn trú tại Dĩ An. # Tiểu Đoàn 22 Pháo Binh đồn trú tại Huế. # Tiểu Đoàn 34 Pháo Binh đồn trú tại Mỹ Tho. Năm 1954, Pháo Binh Việt Nam có quân số 4,248 người, gồm 163 Sĩ quan, 732 Hạ sĩ quan và 3,453 Binh sĩ. Bắt đầu tháng 10 năm 1954, các chức vụ Tiểu đoàn trưởng pháo binh mới được bắt đầu giao cho Sĩ quan Pháo Binh Việt Nam. Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1954, trước một quân số pháo binh càng ngày càng gia tăng cần được quản trị và huấn luyện một cách chu đáo, phái bộ thanh tra đã phải đặt riêng ra hai phòng thuộc lãnh vực thanh tra của họ để chuyên phụ trách về Pháo Binh Việt Nam. Hai phòng đó là: phòng tổ chức theo dõi những vấn đề liên quan đến tổ chức đơn vị, thực hiện quân số, vật liệu, thăng thưởng và kỷ luật, và phòng nghiên cứu tổng quát theo dõi những vấn đề liên quan đến việc sử dụng đơn vị, huấn luyện đơn vị và cá nhân, kinh nghiệm sử dụng vật liệu và kiểm soát điều hành. Trước đà tiến triển của các đơn vị Pháo binh và cũng để cho các Tư lệnh Quân khu Việt Nam có thể sử dụng được các đơn vị này một cách dễ dàng, ngày 3 tháng 5 năm 1954, các bộ chỉ huy Pháo Binh quân khu được thành lập, nhưng vẫn do Sĩ quan Pháp điều khiển vừa với tư cách cố vấn vừa là chỉ huy trưởng Pháo Binh cho quân khu liên hệ. Việc tổ chức này được áp dụng cho cả các Binh chủng Thiết Giáp, Công Binh, và Xa Binh. Nhưng đến cuối tháng 1 năm 1955, tất cả các bộ chỉ huy Binh chủng của Quân khu này đều bị giải tán. Tiếp sau đó một cơ quan thanh tra các Binh chủng tại Bộ Tổng Tham Mưu được thành lập vào tháng 3 năm 1955, trong đó có Binh chủng Pháo Binh. Chính cơ quan thanh tra này đã khai sinh ra bộ chỉ huy Pháo Binh cũng như Thiết Giáp, Công Binh và Xa Binh, kể từ ngày 1 tháng 12 năm 1955. Chỉ huy trưởng Pháo Binh Việt Nam đầu tiên là Trung Tá Bùi Hữu Nhơn đảm nhiệm chức vụ vào tháng 8 năm 1955. Do kế hoạch quân số của quân đội phát triển đến 150,000 người, ngành pháo binh đang từ 9 Tiểu Đoàn gia tăng thành 11 Tiểu Đoàn, trong đó có một Tiểu Đoàn pháo binh 155-ly đầu tiên được thành lập. Tiểu Đoàn 34 nhận lãnh đại bác 155-ly và rời miền Nam để ra đồn trú tại Đà Nẵng. Tháng 8 năm 1955 quân đội Việt Nam Quốc Gia có bốn sư đoàn dã chiến (mỗi sư đoàn khoảng 8,000 người), 6 sư đoàn khinh chiến (mỗi Sư đoàn khoảng 5,000 người). Mỗi Sư đoàn dã chiến có một bộ chỉ huy sư đoàn và một Tiểu Đoàn pháo binh 105-ly. Đầu năm 1956 Pháo binh tăng thêm hai đơn vị là các Tiểu đoàn 23 và 25 được thành lập liên tiếp trong các ngày 1 tháng 1 và 1 tháng 2, cũng như ba Tiểu đoàn 155-ly là các Tiểu đoàn 35, 36, và 37. Trong lúc đó để hòa nhịp với sự tái tổ chức của Quân đội, một số đơn vị Pháo Binh đã được cải danh như sau: # Tiểu Đoàn 2 PB tại Đông Hà đổi thành Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh, trực thuộc Sư Đoàn 1 BB. # Tiểu Đoàn 5 PB tại Quảng Ngãi đổi thành Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh, trực thuộc Sư Đoàn 2 BB. # Tiểu Đoàn 6 PB tại Sông Mao đổi thành Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh, trực thuộc Sư Đoàn 3 BB. # Tiểu Đoàn 3 PB tại Nha Trang đổi thành Tiểu Đoàn 4 Pháo Binh, trực thuộc Sư Đoàn 4 BB. # Tiểu Đoàn 1 PB tại Bình Thủy đổi thành Tiểu Đoàn 21 Pháo Binh, trực thuộc Quân Khu 1. # Tiểu Đoàn 12 PB tại Dĩ An đổi thành Tiểu Đoàn 27 Pháo Binh, trực thuộc Quân Khu 1. # Tiểu Đoàn 22 PB tại Huế đổi thành Tiểu Đoàn 26 Pháo Binh, trực thuộc Quân Khu 2. # Tiểu Đoàn 4 PB tại Pleiku đổi thành Tiểu Đoàn 24 Pháo Binh, trực thuộc Quân Khu 4. # Tiểu Đoàn 34 PB tại Mỹ Tho được tân trang đại bác 155-ly và di chuyển ra Đà Nẵng. Cuối năm 1958, mười Sư đoàn Bộ binh kể trên được tái tổ chức thành bảy Sư đoàn: 1, 2, 5, 7, 21, 22, và 23 với quân số là 10,500 người cho mỗi Sư đoàn. Quân số của các đơn vị Pháo Binh cũng được gia tăng. Mỗi Sư đoàn Bộ binh có một Bộ chỉ huy pháo-binh Sư-đoàn, một Tiểu đoàn pháo binh 105-ly, và một Tiểu đoàn súng cối với 27 khẩu 106-ly. Năm 1961, Sư Đoàn 9 BB được tăng cường một Tiểu đoàn pháo binh (số 9) và một Tiểu đoàn súng cối (cũng số 9). Sư Đoàn 25 BB được tăng cường một Tiểu đoàn pháo binh (số 25) và một Tiểu đoàn súng cối (cũng số 25). Cả hai Sư đoàn đều có một Bộ chỉ huy pháo-binh Sư-đoàn. Riêng Bộ Chỉ Huy Pháo Binh của Sư Đoàn 9 đã cùng với hai Tiểu đoàn di chuyển vào Sa Đéc. Còn Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn của Sư Đoàn 25 BB thì di chuyển về Hậu Nghĩa. Năm 1964 các Tiểu đoàn súng cối được tân trang với đại bác 105-ly. Như vậy mỗi Tiểu đoàn Pháo Binh được trang bị 18 đại bác 105-ly. Tháng 8 năm 1965, Quân đội thành lập thêm Sư Đoàn 10 BB. Như vậy, Binh chủng Pháo Binh có thêm một Bộ chỉ huy pháo binh Sư-đoàn và hai Tiểu đoàn pháo binh 105-ly. Sau trận chiến Tết Mậu Thân năm 1968, pháo binh Sư-Đoàn gồm: — Một Bộ chỉ huy pháo binh Sư-đoàn — Một Tiểu đoàn đại bác 155-ly — Ba Tiểu đoàn đại bác 105-ly — và mỗi Tiểu đoàn đều được trang bị 18 khẩu đại bác. Một số đơn vị Pháo Binh sau đó lại được tái tổ chức và cải danh như sau: # Tiểu Đoàn 34 PB được sát nhập vào Sư Đoàn 1 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 10 Pháo Binh. # Tiểu Đoàn 20 PB vừa được thành lập đã được bổ sung cho Sư Đoàn 22 Bộ Binh. # Tiểu Đoàn 35 PB được sát nhập vào Sư Đoàn 5 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 50 PB. # Tiểu Đoàn 32 PB được sát nhập vào Sư Đoàn 18 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 180 PB. # Tiểu Đoàn 38 PB được sát nhập vào Sư Đoàn 25 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 250 PB. # Tiểu Đoàn 45 PB được sát nhập vào Sư Đoàn 22 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 220 PB. # Tiểu Đoàn 39 PB được sát nhập vào Sư Đoàn 23 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 230 PB. # Tiểu Đoàn 33 PB được sát nhập vào Sư Đoàn 7 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 70 PB. # Tiểu Đoàn 34 PB được sát nhập vào Sư Đoàn 9 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 90 PB. # Tiểu Đoàn 36 PB được sát nhập vào Sư Đoàn 21 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 210 PB. Năm 1971, Pháo Binh thành lập 5 Tiểu Đoàn pháo binh với các đại bác 175-ly cơ động (Quân Đoàn 1 được ba Tiểu đoàn, Quân Đoàn 2 được 1 Tiểu đoàn, Quân Đoàn 3 được một Tiểu đoàn). Cuối năm 1971, pháo binh Tiểu khu được thành lập, phần lớn cố định tại các các vị trí cạnh quận lỵ để yểm trợ lãnh thổ hay di chuyển theo yểm trợ các cuộc hành quân ngắn hạn của các Tiểu khu. Mỗi Tiểu khu có một ban pháo binh tiểu khu chuyên phối hợp hỏa lực yểm trợ cho Tiểu Khu. Số lượng đại bác tùy thuộc vào nhiệm vụ và lãnh thổ của mỗi Tiểu Khu. Tổng số tất cả pháo binh Tiểu Khu là 176 Trung Đội. Đầu năm 1972, Sư Đoàn 3 BB được thành lập. Pháo Binh lại thành lập thêm một Bộ chỉ huy pháo binh Sư-đoàn. Lúc đó Tiểu Đoàn 48 PB (với đại bác 155-ly) được sát nhập vào Sư Đoàn 3 BB và cải danh thành Tiểu Đoàn 30 PB. Ngoài ra, thêm ba Tiểu đoàn pháo binh khác cũng được thành lập là 31, 32, và 33.
Tính đến tháng 4 năm 1975 Pháo Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có Bộ Chỉ Huy Pháo Binh tại Sài Gòn, Trường Pháo Binh tại Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ ở Ninh Hòa, bốn Bộ chỉ huy pháo binh Quân-đoàn tại Đà Nẵng, Pleiku, Biên Hòa, và Cần Thơ. Ngoài ra, có tổng cộng là 11 Bộ chỉ huy pháo binh Sư-đoàn tại Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, An Sơn (Bình Định), Ban Mê Thuột, Long Khánh, Lai Khê, Củ Chi, Mỹ Tho, Sa Đéc, và Sóc Trăng.
Mỗi pháo binh Sư-đoàn có một Tiểu đoàn đại bác 155-ly và ba Tiểu đoàn 105-ly. Lực lượng pháo binh trực thuộc mỗi Quân đoàn gồm có ba Tiểu đoàn pháo 105-ly, ba Tiểu đoàn pháo 155-ly, năm Tiểu đoàn pháo cơ động 175-ly, và bốn Tiểu đoàn pháo binh phòng không. Cũng cần nói thêm là lúc đó hậu cứ của Pháo Binh Nhảy Dù và Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến đều nằm tại Sài Gòn (các đơn vị pháo của Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến chỉ có đại bác 105-ly và không có đại bác 155-ly hay 175-ly). Tài Liệu Sưu Tầm https://hoiquanphidung.com/showthread.php?20600-Ph%C3%A1o-Binh-VNCH |