Sunday, January 6, 2019

Nhớ Về Trường Sơn

 

blue corner.jpg




Nhớ Về Trường Sơn



Biệt Kích (hình)


Nguyễn Hữu Thọ

Lời mở đầu: Từ trước đến nay đã có nhiều sách, bài được viết dưới thể loại Hồi Ký về các trận đánh lẫy lừng của các Quân, Binh Chủng thuộc QLVNCH; các trận đánh và các địa danh đã được ghi vào chiến sử của VNCH và các nước khác trên thế giới; những chiến trận này được thực hiện bởi những đại đơn vị, ít nhất cũng là cấp Đại Đội. Nhưng rất ít bài mô tả những cuộc hành quân cấp toán (4,6 người) của các Toán Trinh Sát Tiểu Khu, Trung Đoàn, Sư Đoàn Bộ Binh, Sư Đoàn Nhẩy Dù, TQLC, các toán Delta của LLĐB... và lại càng hiếm hoi hơn là các Toán Lôi Hổ, thuộc Sở Liên Lạc và Sở Công Tác trực thuộc Nha Kỹ Thuật/TTM. Các Toán này âm thầm hành quân len lỏi trong các Căn Cứ Địa của Cộng Sản bên kia biên giới của Việt Nam, thuộc vùng đất Lào và Cam Bốt, giữa rừng già heo hút của dãy Trường Sơn chập chùng. LẺ LOI và ÂM THẦM, đó là tính chất hành quân của các người lính Biệt Kích có tên gọi nghe hiền lành: NHA KỸ THUẬT. Ngoài ra còn các chàng Người Nhái Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải và các bậc đàn anh thuộc “Sở Bắc” (SB) đã từng nhảy xâm nhập ra đất Bắc vào những năm đầu của thập niên 60, điển hình như “Người Tù Kiệt Xuất: Đ/Úy Nguyễn Hữu Luyện”.

Hầu như ít người biết đến cái tên NHA KỸ THUẬT. Tên gọi này nghe rất hiền lành như một đơn vị lo về cơ khí, máy móc hoặc về ngành nghề có tính cách chuyên môn. Hoặc nếu có người biết đôi chút thì họ đều nghĩ rằng đơn vị Nha Kỹ Thuật thuộc Phòng 7 Tổng Tham Mưu. Tất cả những hiểu biết ít ỏi này cộng thêm với những giai thoại được thổi phồng tạo thành một huyền thoại cho các chàng BIệt Kích này.

Bài này được viết theo lời đề nghị của Ban Biên Tập báo LÝ TƯỞNG của Không Quân VNCH, tiếp theo một bài được tôi kể lại về một lần tôi bị SA.7 bắn rớt ở mặt trận Quảng Đức vào cuối năm 1973, cũng đăng trên tập san này, số 3/2004. Phi vụ này tôi bay cùng với Pilot Bắc Đẩu 65 trên phi cơ L.19 của Phi Đoàn 118/SĐ6 Không Quân. Những chi tiết liên quan đến các đơn vị thuộc Nha Kỹ Thuật trong bài này được tôi trình bày theo những hiểu biết sẵn có của cá nhân tôi cũng như những mô tả các lần nhảy toán là do chính bản thân tôi tham dự. Những thiếu sót ngoài tầm hiểu biết của tôi, xin các Niên Trưởng cũng như các chiến hữu cùng chung đơn vị bổ sung thêm để xóa tan những hiểu biết lệch lạc về đơn vị Nha Kỹ Thuật.


Indy, Tháng Tư Đen 2005.

Cho những anh em mang CAR15, Swedish K, mìn chống chiến xa, dây bắt tù binh, đạn dược, lương khô, gạo sấy, lội bộ ngày đêm xâm nhập trên núi rừng Bắc Việt, những mật khu trong Nam và đặc biệt cho những Chiến Sĩ VNCH chiến đấu anh dũng vì lý tưởng Tự Do đã vĩnh viễn nằm xuống trên quê hương thân yêu.

@ @ @

Sau 13 chuyến nhảy toán, tôi được Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Chiến Đoàn 2 Xung Kích gọi lên và chuyển tôi qua đi bay với chức vụ là Sĩ Quan Tiền Không Sát. Sở dĩ có vụ này là vì trong thời gian đi toán, tôi thường hàng đêm la cà ở Câu Lạc Bộ để nhậu nhẹt với bạn bè và đùa với mấy em chiêu đãi viên cho vui. Trong số bạn bè này có vài người Mỹ, họ cũng là quân nhân của Liên Đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ mà ngành hoạt động của chúng tôi là một phần trong kế hoạch của Mỹ dưới tên là MACV-SOG (Military Assistant Command Vietnam of Studies & Observation Group). Trong lúc giao tiếp hay vui chơi nhậu nhẹt, tôi cũng talk líu lo với họ nên có một vài sĩ quan biết được, cho nên khi đơn vị cần một Sĩ Quan Tiền Không Sát, anh này đã đề nghị tôi. Thế là từ đó tôi chấm dứt “nghề” nhảy toán, chuyển qua “nghề” bay bổng.

Cho những anh em mang CAR15, Swedish K, mìn chống chiến xa, dây bắt tù binh, đạn dược, lương khô, gạo sấy, lội bộ ngày đêm xâm nhập trên núi rừng Bắc Việt.

Photo:
Ngày bắt đầu nghề mới, tôi đi bay với một sĩ quan Tiền Không Sát đương nhiệm bằng chiếc U.17 của Phi Đoàn 110. Anh này hướng dẫn cho tôi cách nhìn trên địa hình và bản đồ, cách liên lạc vô tuyến với hệ thống vô tuyến trên phi cơ (FM, UHF, VHF), rồi nào là đồng hồ cao độ, la bàn điện, la bàn từ, nào là đồng hồ tốc độ, đồng hồ RPM, chân trời giả với viên bi... ôi thôi tùm lum tà la. Và sau một chuyến thử gió, khi đáp xuống tôi cầm một bọc đầy ắp. Làm sao mà chịu nổi khi ngồi trên phi cơ cứ hết xoay bên này rồi lại ngó bên kia đến chóng mặt rồi các bố pilot cứ chống cánh quay vòng vòng để tôi quan sát; tôi thấy nghề này coi bộ không khá với tôi rồi đó. Tối hôm đó tôi mệt nhoài vì nôn ọe tới mật xanh, mật vàng.

@ @ @

Thời gian “huấn luyện”, tôi phải theo các “thầy” đi bay với U.17 để tập liên lạc với toán dưới đất, tập chấm tọa độ khi toán cần xác định điểm đứng, rồi trong những chuyến thả và rước toán, tôi monitor trên vô tuyến để biết cách thức điều khiển và hướng dẫn phi cơ (Trực Thăng, gunship, Cobra, Khu Trục) khi thả hoặc rước toán. Từ trên cao nhìn xuống thấy cảnh thả hay rước toán với những hoạt động nhịp nhàng của phi cơ O.2, Cobra, Trực Thăng H.34 khiến tôi liên tưởng tới thời gian trước đây, khi tôi được thả chắc cũng giống như thế này vì bài bản thì cũng như nhau mà thôi.
Từ trên cao, tôi nhìn thấy Cobra bay lượn vòng quanh bãi (LZ) với cánh quạt một bên được sơn trắng cho dễ quan sát, rồi sau đó là chiếc H.34 chở toán tiến theo trục để vô bãi rồi đáp xuống. Tôi đặt ống nhòm nhìn thấy toán nhảy ra chạy vô bìa rừng v. v... Lúc đó tôi có cảm giác thật an toàn khi ngồi trong phi cơ trong khi các bạn bè bắt đầu cho bảy ngày lặn lội trong rừng.
Qua liên lạc giữa toán và phi cơ, tôi nghe giọng nói của Toán Trưởng báo cáo toán xuống đất an toàn bằng một giọng nói chỉ phát bằng hơi gió.


Loại phi cơ Skyraider A1E rất thích hợp với công tác hơn vì thời gian ở trên vùng lâu và được trang bị dồi dào hơn phản lực cơ A37.

Sau vài ngày huấn luyện như thế, tôi được chuyển qua bay với L.19 (O.1) cũng của PĐ-110, có nghĩa là chỉ có tôi và Pilot và cũng có nghĩa là tôi phải làm việc một mình với nhiệm vụ là liên lạc với các toán hành quân ở những mục tiêu gần Căn Cứ Xuất Phát vì L.19 đâu có khả năng bay xa. Dạo này tôi đã quen quen nên không bị say sóng nữa, nhờ đó cảm thấy đỡ mệt vì “rải truyền đơn”. Tuy thế, lúc nào đi bay tôi cũng phải thủ một túi giấy cho chắc ăn.

Cũng nói sơ qua về binh chủng của tôi một tí!

Thiệt ra tôi cũng không hiểu danh từ “Lôi Hổ” từ đâu mà có và có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi tôi về đơn vị thì biết là mình đang ở Lôi Hổ và tôi cũng hãnh diện khi mọi người biết tôi là Lôi Hổ. Nghe tên thì có vẻ dữ dằn, ghê gớm thật, cộng thêm những huyền thoại: Nào là trước khi đi nhảy được lãnh tiền tử trước, nào là lính này có nhiệm vụ nguy hiểm và gan góc là: “Chó chạy đường mòn”, có nghĩa là khi vô căn cứ địch, tụi tôi có nhiệm vụ chạy trên đường mòn để dụ địch xuất hiện rồi kêu máy bay tới dội bom... Nào là lính loại này: “Sáng ăn phở ở Hà Nội, chiều uống cà phê ở Sài Gòn” v. v... Ôi thôi! Đủ thứ huyền thoại được tạo nên bởi những người xung quanh, cộng với các bố lính Biệt Kích “nổ” thêm cho ra vẻ ta đây... rồi các đơn vị bạn không biết nhiều về tụi tôi lại cho chúng tôi thuộc “Phòng 7” của Bộ Tổng Tham Mưu, có vẻ như là “phản gián”; hoặc là điệp viên 007 không bằng! Mà quả thật tụi tôi là “gián điệp” thật! Vì với Việt cộng, chúng gọi tụi tôi là “điệp”, có nghĩa là gián điệp mỗi khi toán tụi tôi được thả xuống. Tôi cũng có góp phần trong vụ “nổ” này: Số là... Hồi mới ra trường, trong một lần về phép Sài Gòn sau một chuyến hành quân, tôi đi chơi bị một toán Tuần Cảnh Hỗn Hợp / Combined Military Police chận xét giấy tờ dọc đường, trong đó có vài ba chàng sinh viên sĩ quan Thủ Đức. Tôi bèn không đưa Chứng Chỉ Tại Ngũ hay Căn Cước Quân Nhân gì cả, mà đưa cho các chàng này coi thẻ toàn tiếng Mỹ, trong đó có tên, cấp bậc bằng tiếng Anh và một dọc số Serial Number, cuối hàng số này là ba chữ CIA, thế là các chàng nhìn tôi với vẻ khâm phục. Thật ra, tấm thẻ này chỉ là thẻ cấp phát cho các Biệt Kích Quân để ra vào cổng doanh trại mà thôi, tôi lên văn phòng Đại Đội Thám Sát của Mỹ lấy một tấm, bỏ vô máy chữ gõ như đã nói ở trên, và cũng chỉ có thế mà thôi chứ đâu có dán hình ảnh gì.

Sau cuộc chính biến 1.11.1963 , Sở Bắc được tách rời khỏi binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, lấy tên là Sở Khai Thác thuộc Bộ Tổng Tham Mưu và vẫn duy trì các công tác đặc biệt. Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên là Đại Tá Trần Văn Hổ. Cơ Quan MAAG, Cố Vấn Quân Sự Hoa Kỳ được cải danh xưng là MACV. Yểm trợ và cố vấn cho Sở Khai Thác được gọi là MACV-SOG (Studies and Observation Group) hay Special Operations Group với nhiệm vụ thi hành kế hoạch OP34A (Operation Plan) trên vùng đất Bắc Việt.
Gọi là binh chủng chứ thật ra đơn vị chúng tôi được coi như tương đương cấp Trung Đoàn so với Bộ Binh, có tên gọi nghe rất là hiền từ, trái ngược hẳn với nhiệm vụ mà chúng tôi phải đảm trách: “Sở LIÊN LẠC/NHA KỸ THUẬT”, nghe có vẻ như là lính văn phòng, chỉ chạy lông nhông để liên lạc các đơn vị với nhau hay mang công văn, văn thư cho các nơi.

Xuất xứ của Sở từ hồi nào thì tôi không rõ, vì tôi đáo nhậm đơn vị mới sau này năm 1969. Trong khi theo tôi nghe nói thì Sở Liên Lạc được thành lập từ lâu lắm rồi và mãi gần đây, theo bài viết trong bản tin “Gia Đình Nha Kỹ Thuật” của Th/Tá Emile, nguyên là Chánh Văn Phòng của Đại Tá Đoàn Văn Nu, Giám Đốc Nha Kỹ Thuật, tôi mới biết rõ thêm về xuất xứ của Sở Liên Lạc và Nha Kỹ Thuật.

@ @ @

Tiền thân của Sở Liên Lạc là Sở Khai Thác Địa Hình, trực thuộc Phủ Tổng Thống, do cố Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy, chuyên phụ trách về tình báo quốc nội cũng như quốc ngoại dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cố Vấn Ngô Đình Nhu hay Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong cơ cấu tổ chức của Sở, Phòng E hay Phòng 45 chuyên đặc trách các hoạt động thu thập tin tình báo tại miền Bắc Vĩ tuyến 17 với các hệ thống tình báo nằm vùng hay xâm nhập từ miền Nam hay từ Đệ Tam Quốc Gia. Phòng E hay 45 sau còn được gọi là SB (Sở Bắc).

Vào đầu năm 1963, Sở Khai Thác Địa Hình được biến cải thành Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt với hai đơn vị nòng cốt là Liên Đoàn 77 và Liên Đoàn 31 cũng do Đại Tá Lê Quang Tung làm Tư Lệnh... Sở Bắc vẫn còn tiếp tục hoạt động, nằm trong cơ cấu tổ chức của BTL/LLĐB và vẫn duy trì phối hợp với cơ quan Combined Studies của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ.
Sau cuộc chính biến 1.11.1963, Đại Tá Lê Quang Tung bị sát hại, LLĐB (Lực Lượng Đặc Biệt) đã được chỉ huy bởi một số tướng lãnh và được dời về Nha Trang... Kể từ lúc này, Sở Bắc được tách rời khỏi binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, lấy tên là Sở Khai Thác thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, và vẫn duy trì các công tác đặc biệt.
Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của đơn vị này là Đại Tá Trần Văn Hổ. Cơ Quan MAAG, Cơ Quan Cố Vấn Quân Sự Hoa Kỳ được cải danh xưng là MACV và một bộ phận yểm trợ và cố vấn cho Sơ Khai Thác được gọi là MACV-SOG (Studies and Observation Group) hay Special Operations Group với nhiệm vụ thi hành kế hoạch OP34A (Operation Plan) trên vùng đất Bắc Việt.

Hồn Ma Biên Giới
http://youtu.be/JTgLor9B4PA
Sở Liên Lạc cũng được thành lập vào thời gian này và cũng trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu (SLL/TTM). Sở này đảm trách các công tác xâm nhập ngoại biên trên đất Lào và Cam Bốt. Các toán thám sát được gọi là Lôi Hổ (Thundering Tiger) có nhiệm vụ:
– Thám sát ghi nhận dấu vết hoạt động của địch.
– Phá hoại các mục tiêu trọng yếu của địch.
– Chỉ điểm các mục tiêu cho Không Quân oanh kích v. v...

Ngoài ra trong các chuyến hành quân nhảy toán, nhiệm vụ bắt sống tù binh cộng sản là công tác hàng đầu cần phải thực hiện bất cứ lúc nào có thể được, vì tù binh là nguồn tin tức quý giá với tính chất xác thực và sớm nhất trong lãnh vực khai thác tin tức tình báo. Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Sở Liên Lạc là Đại Tá Hồ Tiêu gốc Sư Đoàn Dù. Liên tiếp những vị Chỉ Huy sau đó cũng đều từ Sư Đoàn Nhảy Dù chuyển qua.

Bộ Chỉ Huy SLL (Sở Liên Lạc) đặt tại Sài Gòn, ngay cạnh sân banh Quân Đội ở Tân Sơn Nhứt và ba Chiến Đoàn đồn trú tại các khu vực khác nhau thích hợp với khu vực mục tiêu mà mỗi Chiến Đoàn đảm trách:

- Chiến Đoàn 1/SLL (CCN) đồn trú tại “Đà Nẵng”.
- Chiến Đoàn 2/SLL (CCC) “Kontum” (Còn được gọi là B.15).
- Chiến Đoàn 3/SLL (CCS) “Ban Mê Thuột” (được gọi là B.50).

Song song với các Chiến Đoàn này, MACV-SOG cũng có cơ sở hành quân cấp toán riêng rẽ, cùng đồn trú chung một doanh trại với Chiến Đoàn, mà chúng tôi gọi đơn vị Mỹ lá “Phía Đối Nhiệm”. Tên gọi của Mỹ là:

- CCN (Command and Control North).
- CCC (Command and Control Central).
- CCS ( Command and Control South).

Có nghĩa là hai đơn vị Mỹ - Việt cùng chia nhau khu vực trách nhiệm để thả toán vô những mục tiêu được cả hai Bộ Chỉ Huy phối hợp chọn lựa. Sơ đồ tổ chức là như thế, còn thành phần tham dự thì hầu hết chỉ là Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Cán Bộ, tức là lính của QLVNCH chính quy đàng hoàng, có số quân, có Chứng Chỉ Tại Ngũ.
Riêng hàng ngũ binh lính thì được tuyển chọn tại địa phương nơi trú đóng và được gọi là Biệt Kích Quân (SCU), tức là lính do Mỹ trả lương, không thuộc quân số của QLVNCH và được gọi theo danh từ thông dụng là Biệt Kích Mỹ. Ngoài một số lớn là người dân địa phương đầu quân vào Biệt Kích, còn có một số khác là lính đào ngũ từ các đơn vị của QLVNCH tình nguyện đầu quân vào đơn vị chúng tôi. Thì cũng “lọt sàng xuống nia” thôi chứ đâu có mất mát đi đâu mà sợ.

Mỗi Chiến Đoàn gồm:
1 Đại Đội Thám Sát từ 10 đến 12 toán
1 Đại Đội An Ninh
3 Đại Đội Trừ Bị

Mỗi toán Thám Sát có từ 10 đến 12 người được chỉ huy bởi:
1 Sĩ Quan Toán Trưởng
1 Hạ Sĩ Quan Toán Phó và
10 Biệt Kích Quân.

Một Ch/Úy ra trường với khả năng là Trung Đội Trưởng, nhưng khi về binh chủng này chỉ huy chỉ có một Tiểu Đội mà thôi nhưng là một tiểu đội thiện chiến với khả năng trinh sát, kinh nghiệm hành quân trong rừng rất dày dạn.
Tuy quân số là như thế nhưng mỗi lần hành quân chỉ tham dự có từ sáu đến tám người mà thôi. Lý do: Thay phiên nhau nghỉ. Vả lại, với hình thức hành quân cấp toán trong rừng Trường Sơn thì đi càng ít càng tốt và càng thuận tiện cho phương tiện trực thăng khi thả và rước.

Đã có lần tôi dẫn toán đi nhảy chỉ có bốn người, nghĩa là tôi, toán phó và hai người lính Biệt Kích Quân nữa mà thôi. Lần đó chúng tôi không mang theo máy truyền tin PRC.25 như mọi lần mà mang một loại máy liên lạc cũng băng tần FM nhưng chỉ có kích thước khoảng 8cm x 12cm, bỏ rất gọn trong túi áo trận. Nghe thì có vẻ “hiu hắt” thật nhưng chúng tôi di chuyển rất thuận lợi, êm thắm, nhanh chóng, chui rúc cũng dễ dàng.
Nhiệm vụ của toán Lôi Hổ là thám sát, theo dõi, tìm kiếm dấu vết hoạt động của Việt cộng chứ đâu phải để nghênh chiến, nên đi càng ít càng khỏe và lỡ có tao ngộ chiến, hay nếu bị địch theo dõi ngay từ đầu thì Toán nổ súng xong là dzọt ngay, rồi sau đó giao lại cho Không Quân làm việc với Việt cộng ở dưới đất.
Nhiệm vụ của chúng tôi cũng tương tự như các toán Delta của binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, chỉ khác phạm vi hoạt động là – các toán Delta chỉ nhảy trong nội địa, còn chúng tôi nhảy bên kia biên giới Việt-Miên-Lào.

* Chiến Đoàn 1 Xung Kích: hay CCN (Command and Control North), đảm trách khu vực hoạt động vùng Thượng và Trung Lào, khu vực này rất hiểm trở vì toàn núi rừng dày đặc, lội cũng mệt mà vấn đề tìm bãi đáp (LZ) cũng khó.

* Chiến Đoàn 2 Xung Kích: hay CCC đảm trách khu vực Hạ Lào bao gồm vùng Tam Biên, và Đông Bắc Cam Bốt với Căn Cứ địa 701 và 702. Doanh trại đóng tại thành phố Kontum, Căn Cứ Xuất Phát (CCXP) thì tùy từng mục tiêu, thường là Dakto, Đức Cơ, Plei D'reng hay Lệ Minh. Đây là các trại biên phòng của Lực Lượng Đặc Biệt mà chúng tôi sử dụng làm Căn Cứ Xuất Phát để xâm nhập qua bên kia biên giới vì các trại Lực Lượng Đặc Biệt đều có sân bay để các loại phi cơ vận tải có thể đáp tiếp tế, do đó trực thăng và phi cơ quan sát của chúng tôi dư khả năng sử dụng. Tại đây cũng có nhiên liệu và đạn dược để refill sau mỗi chuyến vượt biên giới để thả hay rước toán.

Tôi không biết tên gọi B.15 được xuất phát từ đâu và từ bao giờ, nhưng ở Kontum khi được nói đến tên gọi này là mọi người, quân cũng như dân, đều biết đó là tên đơn vị Lôi Hổ đồn trú tại Kontum, bên kia sông Dakbla, từ hướng Pleiku đi lên trước khi vào thành phố Kontum. Tôi thuộc CĐ2XK/SLL, kể từ ngày ra trường cho đến khi bị thương vì SA.7 mới thuyên chuyển về CĐ1XK/SLL, lúc này đang đồn trú tại Biên Hòa, khoảng 4/74 cho đến ngày “sập tiệm”.
Tính ra tôi đã phục vụ ở CĐ2XK/SLL được hơn 5 năm. do đó tôi am tường hoạt động của đơn vị này nhiều hơn.

* Chiến Đoàn 3 Xung Kích: hay CCS, đảm trách vùng Bắc Cam Bốt trở xuống. Căn Cứ Xuất Phát là trại Tiêu A Ta và Quản Lợi.

Vào khoảng năm 1964-65, Sở Khai Thác được cải danh là Sở Kỹ Thuật/TTM và sau đó không bao lâu Sở này được nâng lên là Nha Kỹ Thuật/TTM, được chỉ huy bởi một Giám Đốc, có cấp số tương đương là Tư Lệnh Sư Đoàn.
Danh xưng này chỉ là vỏ bọc của tên gọi được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đặt là “Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ”. (Unconventional Warfare Headquarter). Nha Kỹ Thuật lúc đó gồm các Sở như:

- Sở Liên Lạc
- Đoàn 11 và Đoàn 68
- Sở Không Yểm (liên quan đến Không Quân)
- Sở Phòng Vệ Duyên Hải (liên quan đến Hải Quân và Người Nhái)
- Sở Tâm Lý Chiến (Đảm trách các Đài Phát Thanh Mẹ Việt Nam, Gươm Thiêng Ái Quốc và các nghiệp vụ về Tâm Lý Chiên)
- Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng tại Long Thành.
- Sở Công Tác (Gồm Đoàn 11 và Đoàn 68 đã có từ trước, cộng thêm Đoàn 71, 72, 75 mới thành lập vào khoảng năm 1971 sau khi binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt giải tán.

@ @ @

Sau vài tuần huấn luyện, tôi được thả “solo” trong một chuyến thả toán. Tôi phải đảm trách toàn bộ công việc từ A đến Z. Trong “phi vụ” đầu tiên. Đương nhiên tôi cũng hơi bối rối nhưng mọi chuyện trôi qua suông sẻ. Từ đó, coi như tôi là một Sĩ Quan Tiền Không Sát chính thức của đơn vị.

Trong giai đoạn này, vào thời điểm 1970 – 1972, đơn vị chúng tôi còn hoạt động chung với Mỹ nên toàn bộ đều được MACV-SOG yểm trợ; từ vũ khí, quân trang, quân dụng đến tiền công tác phí, kể cả toàn bộ phương tiện yểm trợ cho các chuyến hành quân. Ngoài số lương chúng tôi lãnh theo tiêu chuẩn của QLVNCH thuộc binh chủng Dù (có thêm tiền phụ cấp Bằng Nhảy Dù), mỗi tháng chúng tôi còn lãnh thêm một số tiền gọi là “công tác phí” mà tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu nhưng vào thời đó, số tiền lương lãnh hàng tháng cao hơn các bạn cùng cấp bậc ở Bộ Binh rất nhiều, gần gấp đôi. Còn các Biệt Kích Quân thì lãnh lương trực tiếp của Mỹ.

Vì chúng tôi phải nhảy vào những vùng hoạt động của địch ở bên kia biên giới nên phương tiện vận chuyển và yểm trợ phải là Không Quân:
- Phi Đoàn 219 Trực Thăng,
- Phi Đoàn Quan Sát 110 (hai Phi Đoàn này đồn trú ở Đà Nẵng),
- Phi Đoàn Quan Sát 114 ở Nha Trang.

Cứ sau hai tuần biệt phái thì thay đổi biệt đội một lần.

Các pilot của Biệt Đội cũng được hưởng tiền công tác phí, cứ mỗi lần vượt biên giới là mỗi người trong phi hành đoàn lãnh 3000 đồng; riêng trực thăng nếu trong một lần vượt biên giới mà làm hai nhiệm vụ, nghĩa là hai lần đáp là lãnh gấp đôi. Do đo các nhân viên phi hành thuộc PĐ-219 sống rất đế vương. Trong các canh sập xám hàng đêm, ăn thua được chung theo cách đó cọc tiền cho nhanh chứ hơi đâu mà ngồi đếm từng tờ cho mất thì giờ. Phương châm “Thì giờ là cờ bạc” được triệt để áp dụng.

Các phi vụ Khu Trục thì tùy theo từng nhu cầu và tùy theo khu vực hành quân, các Trung Tâm Không Trợ sẽ điều động đưa đến cho chúng tôi. Ứng trực thường trực nhất thì có PĐ-530 thuộc Sư Đoàn 6 Không Quân VNCH. Trong trường hợp cấp bách, đôi khi chúng tôi sử dụng các phi vụ của Mỹ xuất phát từ Đệ Thất Hạm Đội đang ứng trực trên không phận hoặc điều động Khu Trục Phản Lực từ Thái Lan. Các phi vụ này đều thông qua yêu cầu của FAC Mỹ mà chúng tôi bay cùng.

Ngoài phi cơ quan sát của PĐ-110, đơn vị tôi còn được tăng phái mỗi ngày hai phi cơ quan sát của Mỹ là Phi Cơ Quan Sát O2 và OV.10. Hai Phi Đoàn này đồn trú trong phi trường Pleiku và chỉ cất cánh lên Kontum để bốc Tiền không Sát khi được gọi.

Phi cơ OV.10 là loại Phi Cơ Quan Sát tối tân và lợi hại hơn O.2 vì hoạt động bởi hai động cơ bán phản lực, được trang bị Minigun và phóng lựu cùng với hai dàn phóng rocket. Vì vùng Hạ Lào nhiều rừng núi nên loại phi cơ này hoạt động rất hữu hiệu, nhất là trong trường hợp toán bị đụng, phi cơ OV-10 có thể bắn yểm trợ trong những giây phút đầu tiên để uy hiếp tinh thần địch trong khi chờ Khu Trục đến yểm trợ.
Năm 1971, trong chiến dịch Lam Sơn 719 ở vùng Hạ Lào, các Quan Sát Viên của PĐ-110 được tăng phái cho Mỹ để bay với pilot Mỹ trên phi cơ OV-10, các anh đã kể lại rằng - nó nhào lộn khiến chịu không nổi, phải “rải truyền đơn”.

Khu vực Hạ Lào này được giao phó cho các toán Mỹ phụ trách, thỉnh thoảng mới có toán Việt Nam hành quân. Quân nhân Mỹ vốn to con nên mỗi lần đi nhảy, họ trang bị hỏa lực vũ khí rất mạnh. Cây Đại Liên M.60 mà họ cầm giống như cầm cây tăm. Ngoài ra có toán còn chơi súng cối 60 ly không có bàn tiếp hậu nên mỗi lần đụng độ thì Việt cộng chỉ có từ chết tới bị thương.

Thường thường các toán Mỹ được thả hay rước bằng phi cơ UH của Mỹ, do pilot Mỹ lái, các pilot này không chơi bạo như pilot 219, hơn nữa loại UH là loại tối tân hơn nên bay cũng phải theo bài bản hơn, do đó các toán Mỹ vẫn khoái được rước hay thả bởi PĐ-219 Queen Bee. Có một lần khi tôi còn đi nhảy toán, chiếc H-34 xuống thả toán thì bị chém cây nên nằm ỳ luôn, tụi tôi nhảy ra ngoài nằm xung quanh bãi để giữ an ninh, trong khi một chiếc H-34 khác nhào xuống, gác một bánh xe lên rotor của chiếc nằm dưới đất để phi hành đoàn leo lên.

Phi cơ H.34, có tên gọi là Sikorsky, là loại trực thăng bay bằng động cơ nổ nên nhiều khả năng “chịu đạn” hơn là UH, do đó, rất thích hợp trong nhiệm vụ thả, rước các toán. Loại phi cơ này chắc hẳn được sử dụng từ Đệ Nhị Thế Chiến nên trông có vẻ già cỗi, nặng nề, chậm chạp nhưng lại rất hữu dụng cho chúng tôi. Nhìn vào cockpit và nơi chở quân thấy sao bầy hầy, toàn dầu nhớt lem luốc, lọc xà lọc xọc; khi bay thì rung chuyển ầm ĩ. Có khi đang bay, chúng tôi bị dầu nhớt không biết từ đâu nhễu xuống đầu hay quần áo. Vì là loại phi cơ cổ lổ nên tôi thấy pilot vật lộn với nó hơi mệt hơn loại UH sau này. Có lần tại Căn Cứ Xuất Phát, một anh bạn pilot kêu tôi lên ngồi ghế Co-Pil rồi quay máy cất cánh; khi đủ cao độ, anh bạn kêu tôi cầm stick bay thử nhưng chỉ được vài phút là tôi trả lại cho hắn vì cần lái quá nhạy, nên mới lần đầu tôi giữ chưa quen khi nhích cần lái có một chút mà phi cơ lắc lư như đưa võng.

@ @ @

Đơn vị B.15 của chúng tôi có hai sân bay cho trực thăng. Một nằm ngoài doanh trại ở hướng Nam và một nằm trong doanh trại. Các H.34 của Biệt Đội 219 thường đậu trong sân này cho an toàn cả ngày lẫn đêm; còn phi cơ quan sát của Biệt Đội 110 thì đậu ngoài phi trường Kontum. Nhân viên phi hành và nhân viên kỹ thuật của hai Biệt Đội thì sống trong doanh trại chung với chúng tôi nên các sinh hoạt như ăn nhậu, bài bạc... đều sinh hoạt chung với nhau nên tình cảm gắn bó như cùng một đơn vị mặc dù khác quân chủng.
Mỗi khi trở lại Kontum sau hai tuần biệt phái ở các Chiến Đoàn khác mà nghe tin có thằng mất tích hay tử trận các bạn Không Quân cũng buồn như chính nỗi buồn của chúng tôi; hoặc có những lần nghe tin một pilot quen biết của PĐ-219 hay PĐ 110 bị bắn rớt trong một chuyến hành quân nào đó hay bị tai nạn đụng nhau bỏ mạng, chúng tôi cũng đau lòng, tiếc rẻ. Có khi ngồi câm lặng bên ly rượu, để mặc cho nước mắt tuôn rơi với những hồi tưởng thời gian sống bên nhau trước đây. Rồi cứ thế, ly này tiếp theo ly trước cho đến khi say mèm.
Hàng ngày, nếu có toán chuẩn bị xâm nhập, các pilot trực thăng Việt Nam cũng như Chỉ Huy Trưởng, Căn Cứ Xuất Phát, sĩ quan Tiền Không Sát cùng với Ban 2, 3 và Toán Trưởng, Toán Phó cùng tham dự tái thuyết trình để có cùng một khái niệm về cuộc đổ quân sắp thực hiện ngõ hầu phối hợp cho được nhịp nhàng. Sau đó ba chiếc trực thăng H.34 sẽ chở toán hành quân cùng với các thành viên của CCXP và toán trừ bị bay lên Căn Cứ Xuất Phát và nằm chờ.

Trong khi đó, tôi liên lạc với Phi Đoàn Quan Sát Mỹ ở Pleiku qua tần số vô tuyến để request phi vụ và hẹn giờ để bốc tôi tại Kontum... Khi phi cơ O.2 gần đáp, khoảng 10, 15 phút trước, pilot O.2 báo cho tôi biết, thế là tôi xách “đồ nghề” lên xe ra phi trường.
Tuy là Bộ Binh, nhưng với nhiệm vụ “bay bổng”, tôi cũng được trang bị như một Quan Sát Viên Không Quân chính hiệu. Cũng áo lưới mưu sinh, nón bay, cũng mang dù để nhảy ra khi phi cơ gặp nạn. Về mục này thì Không Quân Mỹ rất cẩn thận hơn hẳn pilot Việt Nam. Trước khi lên phi cơ phải mặc dù đàng hoàng; dù này được cất giữ trong phòng điều hòa không khí hẳn hoi và được kiểm soát định kỳ đều đặn. Còn mấy bố pilot Việt Nam thì cũng xách dù ra phi cơ nhưng là để kê lưng chớ không bao giờ mặc vào theo đúng qui định. Có những lần bay về trễ nên phải đáp ở phi trường Pleiku vì trời tối, phi trường Kontum không có đèn đáp trên phi đạo; tôi vào barrack của pilot 02 ngủ tạm qua đêm; sáng hôm sau lên phi cơ về lại Kontum.

Khi bắt đầu ra đi bay, công việc của pilot Mỹ trước hết là vô phòng chứa dù để lấy dù cho mình, tôi cũng phải đi theo để lấy cho tôi. Ra đến bãi đậu phi cơ, họ lấy check list ra và làm thủ tục tiền phi rất là cẩn thận, họ bắt đầu check từ mục đầu tiên đến mục cuối cùng. Sau khi ngồi vào ghế lái cũng thế, họ cũng làm theo check list để kiểm soát các phi cụ trước khi quay máy. Bao nhiêu là nút, đèn đều được vặn thử, bấm tới bấm lui rồi mới ra hiệu cho kỹ thuật chuẩn bị cắm bình vào quay máy. Sau đó lại cũng theo check list để thử đồng hồ RPM, xăng, nhiệt độ nhớt máy, hạ flap lên xuống, thử tín hiệu đóng mở gear... ôi thôi, đủ thứ trước khi taxi ra phi đạo.
Mà đã ngồi lên phi cơ là phải có helmet đàng hoàng chứ không được sử dụng headset và phải mặc dù đầy đủ, pilot có quyền từ chối không bay với bạn nếu bạn không tuân hành luật lệ an phi quy định.

Trong khi đó, nếu đi bay với pilot quan sát Việt Nam thì khi ra ụ, khỏi cần check list gì cả, ông quan pilot Việt Nam kéo hai cục gỗ chận bánh, đi một vòng vừa rờ rờ vừa ngó các bộ phận, gỡ các bao chụp che ống gió tốc độ v. v... là xong. Hay là tại vì chiếc O.1 hay U.17 quá đơn giản nên không có gì nhiều để phải coi theo check list cho khỏi “quên hay sơ sót”?

Trực thăng H.34 cũng thế, các ông quan tàu bay leo lên ghế ngồi xong là đưa tay vặn mở tùm lum nút một cách máy móc rồi quay máy. Nhìn giàn phi cụ ở các board trên đầu, trước mặt, ôi thôi sao mà đủ thứ nút, đủ thứ màu. Tôi nhìn mà thầm nghĩ làm sao mà nhớ cho hết công dụng hay chức năng của chúng? Ấy thế mà bay cứ phom phom mà lại còn bay đẹp nữa chứ!
Khi đã sống ở Mỹ, tôi mới thấy người Mỹ rất tôn trọng quy tắc, nhất là những nguyên tắc về an toàn trong mọi lãnh vực, lý do là để con người làm theo những quy định đó để khỏi bị tai nạn lao động hay nghề nghiệp có thể gây thương tật hay chết người. Từ đó, phải công nhận là phe ta có máu ẩu và chơi bạo. Mà cũng nhờ chơi bạo nên mới làm nên những kỳ tích cũng như những giai thoại nổi tiếng khiến Mỹ cũng phải kiêng nể.

@ @ @

Phi cơ O2 đáp xuống phi trường Kontum, thường đậu tại Parking của Air Viet Nam, tắt máy chờ tôi ra để thuyết trình sơ khởi về khu vực hoạt động, nhiệm vụ, những yêu cầu về yểm trợ v. v... Xong là leo lên phi cơ quay máy cất cánh, trực chỉ mục tiêu.

Từ phi cơ L.19, U.17, bây giờ ngồi trên phi cơ O.2 tôi thấy có nhiều sự khác biệt: phi cơ O.2 tối tân hơn, bay nhanh hơn, nhiều phi cụ hiện đại hơn, an toàn hơn và phi cơ cũng nặng nề hơn. Vị trí ghế ngồi của Quan Sát Viên ngang với ghế pilot nên quan sát mục tiêu và những hoạt động xung quanh và phía trước dễ dàng hơn là L.19 cũng như quan sát được những động tác khi cất cánh và đáp của pilot để mà học hỏi. Có lần tôi bay L19 với Bắc Đẩu 65 (Pilot PĐ-118, một nhân vật trong bài XÁ GÌ SA.7), khi cất cánh tại phi trường Kontum, tôi ngồi ghế sau của Quan Sát Viên, vậy mà Bắc Đẩu 65 bảo tôi tống ga tập cất cánh một mình hắn sẽ kềm cho tôi. Nhìn tới phía trước tôi chỉ thấy cái lưng của pilot mà thôi thì làm sao mà giữ phi cơ chạy thẳng theo phi đạo được nên tôi la lên:

– “Thôi đi cha! Làm như tôi là IP không bằng mà ông kêu tôi cất cánh khi ngồi ghế sau như vầy!”.

Với phi cơ O2, cũng có vài lần pilot Mỹ để tôi cất cánh và đáp tại phi trường Pleiku. Nhờ thường xuyên quan sát động tác khi cất và hạ cánh của pilot và phi cơ O2 là loại phi cơ có bánh mũi, nên cất cánh dễ dàng hơn và khi đáp cũng không đến độ “cóc nhảy”.

Với hai động cơ cánh quạt, một phía trước mũi và một phía sau đuôi, Phi cơ Quan Sát O.2 có tốc độ bình phi nhanh hơn, hình như 120 hay 140 miles/giờ (tôi không nhớ rõ), nhưng tôi cảm thấy có vẻ nặng nề mỗi khi cất cánh. Pilot loại phi cơ này thường bay chung với tôi hàng ngày. Qua nói chuyện, tôi được biết họ đã được chuyển từ các loại phi cơ fix-wing khác sang bay phi cơ O.2 như: B.52, C.130, F.102... có cấp bậc từ Thiếu Tá đến Trung Úy. Ngoài khả năng điều khiển phi cơ, họ còn kiêm luôn nhiệm vụ của một Quan Sát Viên để chấm tọa độ định điểm đúng khi toán yêu cầu, hướng dẫn khu trục oanh kích v. v... Do đó trong suốt thời gian làm việc với loại phi cơ này, tôi học hỏi được rất nhiều.

Các pilot Mỹ mà tôi bay cùng đã tận tình chỉ dẫn và giải thích cho tôi thế nào là lực G, thế nào là vertigo, các hoạt động của các phi cụ trên phi cơ như đồng hồ TACAN, hệ thống định vị trí hiện tại của phi cơ dựa theo tín hiệu từ một đài phát, kỹ thuật đáp theo hướng dẫn của đài kiểm soát qua những phi cụ của phi cơ... Kỹ thuật này được sử dụng khi trời mù, tầm nhìn bị hạn chế hoặc đáp đêm không đèn. Thỉnh thoảng trong những lần về đáp ở phi trường Pleiku họ vẫn thực tập ôn luyện mặc dù đang là ban ngày. Do đó, họ nhờ tôi quan sát phi cơ xung quanh trong khi họ cứ chăm chú vô phi cụ để điều khiển phi cơ hạ cánh, từ lúc còn cách xa phi trường quãng 10 mile cho đến khi approach rồi từ từ giảm cao độ, giữ đưng hướng heading với phi đạo cho đến cuối cùng là touchdown.
Trong khi chúng tôi đến trên vùng mục tiêu, tôi hướng dẫn cho pilot thấy được bãi đáp dự định sẽ thả toán và đồng thời quan sát toàn vùng để tìm xem có gì khả nghi hay không cũng như check thời tiết trên vùng; nếu thời tiết tốt, tôi sẽ gọi về CCXP để cho toán chuẩn bị lên đường, trong khi pilot gọi về Phi Đoàn Cobra để request phi vụ, cho điểm và giờ hẹn để họ đến gặp chúng tôi. Trong thời gian chờ đợi các phương tiện trên đường đến với chúng tôi, chiếc O.2 bay ra khỏi vùng để không tạo sự nghi ngờ cho địch ở dưới đất.

Tôi xin nói qua về giai đoạn chuẩn bị hành quân của toán: Sau khi toán được Ban 2, ban 3 thuyết trình về mục tiêu với nhiệm vụ, tình hình địch trong vùng, phương tiện yểm trợ v. v... Toán Trưởng phác họa sơ qua về ý định hành quân, lộ trình di chuyển của toán và đi Không Thám. Toán Trưởng sẽ đi với Tiền Không Sát bằng phi cơ U.17 lên vùng mục tiêu để quan sát khu vực sẽ hoạt động, tìm LZ chính, LZ phụ, đồng thời nếu có thể được thì chụp hình bãi đáp. Sau đó là chuẩn bị lãnh thực phẩm khô, vũ khí thích hợp với nhiệm vụ, quân trang, quân dụng cần thiết; nói chung là tất cả những gì toán cần cho cuộc hành quân (thí dụ nếu Toán Trưởng có ý định trang bị vũ khí Việt cộng thì toán sẽ lãnh súng AK, dây đạn, hoặc súng nhỏ có gắn hãm thanh dùng để bắt sống v. v...).
Trong thời gian tôi còn nhảy toán, tôi vẫn thích sử dụng AK, tuy hơi nặng hơn CAR.15 nhưng được cái là nếu có mưa gió hay súng bị ướt thì khi bắn vẫn không bị trở ngại tác xạ, kế đó là tiếng AK nổ nghe ròn rã và chát chúa hơn. Tôi vẫn thường dùng AK báng xếp, hình như là AK.49 thì phải. Cái tiện kế đó là khi mở khóa an toàn để tác xạ thì với AK chỉ cần kéo xuống một nấc là nổ liên thanh, còn CAR.15 thì phải kéo hai nấc.

Sau vài ba ngày chuẩn bị, đến ngày N, Toán Trưởng và Toán Phó sẽ tái thuyết trình với sự tham dự của Chỉ Huy Trưởng, Ban 2, Ban 3, Tiền Không Sát và các Trưởng phi cơ H.34. Toán trưởng sẽ thuyết trình về ý định di chuyển, hành động trong thời gian hành quân và có những yêu cầu về yểm trợ, cách thức thả như thế nào...
Trong buổi tái thuyết trình này, Toán Trưởng cũng trình bày hình ảnh bãi đáp mà mình đã đi không Thám chụp được để chiếc trực thăng thả toán có khái niệm về hình ảnh LZ sẽ đáp xuống.

@ @ @

Tất cả mọi phương tiện trên đường đến điểm hẹn và qua truyền tin, họ báo cho chúng tôi biết còn khoảng bao lâu nữa thì đến. Sau khi đã nhận diện được nhau và liên lạc vô tuyến với nhau tốt, phi cơ O.2 dẫn vào khu vực mục tiêu và bắt đầu làm việc. Tất cả các loại phi cơ tham dự đều monitor trên cùng một tần số UHF để theo dõi.

Trước hết, chúng tôi liên lạc với Cobra, báo cho họ biết là sẽ bingo chỉ cho họ thấy LZ sẽ thả toán xuống. Sau khi họ nhìn thấy phi cơ O.2, chúng tôi nhào xuống thấp, bay ngang LZ và lắc cánh để xác định đúng vị trí; nếu họ đã nhận ra được bãi đáp là nhào xuống bay vòng vòng quanh LZ để quan sát. Trong lúc này , ba chiếc H.34 vẫn còn ở trên cao. Lấy LZ làm tâm điểm, hai chiếc Cobra bay vòng vòng từ ngoài vào trong để quan sát xem tình hình hoạt động của địch ở dưới đất. Sau khi ghi nhận là an toàn, họ báo cho H.34 hạ cao độ để đáp. Chiếc H.34 số 1 có chở toán cắt ga, lượn vài vòng xoắn ốc trong thế rơi tự do, chỉ vài giây sau là đã xuống thấp, lấy lại vòng quay để vào trục vô bãi đáp để thả toán. Sau khi chạm đất, toán nhảy ra và chạy vào bìa rừng, thế là chiếc H.34 cất cánh bay lên cao cùng với hợp đoàn, làm orbit để chờ toán di chuyển. Sau khi toán báo cáo là an toàn, tất cả mới rời vùng chỉ còn lại chiếc O.2 là còn trên vùng đề ứng trực cho toán tiếp tục di chuyển. Sau khoảng nửa giờ, toán báo cáo an toàn trên đường di chuyển, chúng tôi mới rời vùng. Coi như đã xong nhiệm vụ thả toán, xâm nhập.

Phần nhiều các mục tiêu là ở phía Bắc Cam Bốt, cách xa biên giới hàng trăm dặm và chúng tôi không có đặt đài tiếp vận cho vùng này, nên ngày hai lần phải có phi cơ lên vùng để nhận báo cáo của toán. Thường thường phi cơ U.17 đảm trách công việc này; nếu ngày nào có toán đi Không Thám chuẩn bị nhảy thì vừa Không Thám vừa liên lạc luôn. Cách xa mục tiêu hàng chục dặm đã có thể liên lạc được với nhau nên sau khi nhận được báo cáo của toán, phi cơ U.17 bay thẳng luôn chứ không bay vòng vòng trên mục tiêu để có thể khiến cho địch nghi ngờ. Với giọng thì thào qua vô tuyến, người nhận phải chú ý lắng nghe lắm mới có thể ghi được nội dung công điện để chuyển về nhà. Nếu mọi chuyện vô sự thì coi như xong nhiệm vụ liên lạc, còn nếu toán có biến cố gì xảy ra thì tùy theo yêu cầu của toán để giúp đỡ ngay tức khắc như: định tọa độ đang đứng, tìm bãi đáp rồi cho hướng di chuyển đến, quan sát phía trước trên đường tiến quân của toán... Riêng trường hợp toán bị đụng thì tùy theo tình trạng hiện tại của toán để yểm trợ, những điều đầu tiên là báo về căn cứ để Bộ Chỉ Huy định liệu. Trường hợp nguy cấp hơn như bị thương, thất lạc... là TKS phải request phi cơ O.2 lên tiếp ứng ngay. Ngay khi cất cánh, chúng tôi request phương tiện yểm trợ để có thể cùng có mặt trên mục tiêu để kịp thời yểm trợ cho toán. Thông thường là phải mất khoảng một giờ, trong thời gian này phi cơ U.17 vẫn hiện diện trên mục tiêu để giữ liên lạc với toán cho đến khi TKS (Tiền Không Sát) bắt liên lạc được với toán thì mới rời vùng.

@ @ @

Căn Cứ Xuất Phát của đơn vị tôi đặt tại trại Lực Lượng Đặc Biệt Plei Djereng (sau được đổi tên là Lệ Minh), nằm phía Tây Pleiku gần biên giới Việt-Miên. Đây là một trong những trại biên phòng thuộc Toán A trong hệ thống tổ chức của binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt nằm dọc theo biên giới Việt-Miên-Lào. Lực lượng đồn trú khoảng một Tiểu Đoàn Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) được chỉ huy bởi sĩ quan, hạ sĩ quan Cán Bộ LLDB Việt Nam, phối hợp với sĩ quan, hạ sĩ quan, cán bộ LLĐB Hoa Kỳ.
Đơn vị chúng tôi được sắp xếp cho một góc trại với phòng ốc để làm Bộ Chỉ Huy nhẹ và nghỉ ngơi. Mỗi trại đều có một phi trường dùng cho các loại phi cơ vận tải đáp phi đạo ngắn như C.123, C.130 hay Caribou có thể đáp để tiếp tế hay chuyển quân. br>br> Như quý vị đều biết, trước đây những gì có dính dán đến Mỹ là rất đầy đủ, dồi dào về quân trang, quân dụng, thực phẩm, xăng dầu, đạn dược v. v... Vì thế tuy là một trại nằm sát biên giới nhưng không thiếu thứ gì cả, cho nên đơn vị chúng tôi đặt Căn Cứ Xuất Phát tại đây để tiện việc thả toán sâu trong đất Cam Bốt và để các loại phi cơ của đơn vị ứng trực hàng ngày hễ có đụng chuyện là có thể cất cánh ngay. Nhiên liệu và đạn dược cho phi cơ cũng đều có sẵn để sử dụng khi cần đến, khỏi phải bay về Pleiku.

Phi cơ O.2 (máy bay quan sát) dẫn vào khu vực mục tiêu, thì liên lạc với trực thăng võ trang Cobra, báo cho họ biết, xong O.2 nhào xuống thấp, bay ngang Landing Zone và lắc cánh để xác định đúng vị trí, lúc này ba chiếc H.34 (chở toán) vẫn còn ở trên cao. Hai chiếc Cobra bay vòng vòng từ ngoài vào trong. Khi ghi nhận là an toàn thì máy bay chở toán H.34 hạ cao độ để đáp.
Chiếc H.34 số 1 có chở toán cắt ga, lượn vài vòng xoắn ốc trong thế rơi tự do, xuống thấp, rồi lấy lại vòng quay để vào trục vô bãi đáp thả toán, toán nhảy ra chạy vào bìa rừng, thì chiếc H.34 cất cánh bay lên cao cùng với hợp đoàn. Khi được toán báo cáo là an toàn, thì tất cả mới rời vùng, chỉ còn chiếc O.2 là còn trên vùng để ứng trực cho toán. Chờ toán báo cáo an toàn trên đường di chuyển, thì coi như đã xong nhiệm vụ thả toán, xâm nhập.

Mỗi ngày nếu không có toán nào chuẩn bị xâm nhập thì các loại phi cơ đều bay lên CCXP để ứng trực. Trực thăng H.34 chở thêm toán ứng trực, BCH của CCXP gồm sĩ quan Chỉ Huy Trưởng, nhân viên truyền tin, vài người lo việc ẩm thực cho tất cả. Thông thường, nhiệm vụ của CCXP là theo dõi và ghi nhận những báo cáo của toán được chuyển về qua chiếc U.17 đi liên lạc với toán, rồi chuyển về Chiến Đoàn. Nếu hoạt động của toán đang hành quân vẫn bình thường an toàn thì sinh hoạt của CCXP rất là nhàn hạ.
Ngoài chiếc phi cơ quan sát đang bay để liên lạc với toán, tất cả nhân viên phi hành của các loại phi cơ khác chỉ có ăn, ngủ, binh xập xám... v. v... Với cảnh “tiền đồn heo hút” nơi biên giới thì đâu có gì hấp dẫn. Leo lên nóc hầm nhìn chung quanh chỉ thấy rừng núi. Nhìn về phía Đông, hướng về Pleiku, thì chỉ thấy đồng bằng ngút ngàn lô nhô vài ngọn đồi trọc thấp lè tè. Quay về hướng Tây, bên kia là vùng đất Cam Bốt với cây rừng rậm rạp, núi chập chùng về phía cực Bắc Cam Bốt. Ở đó địch có hai căn cứ: Căn Cứ 701 và 702 dùng làm nơi trú quân, huấn luyện, kho tàng vũ khí và lương thực; và đó cũng là mục tiêu để thả toán chúng tôi vào thám sát, ghi nhận dấu vết hoạt động của địch.

Ngoài ra chúng tôi còn có những mục tiêu dọc theo sông Tonlé Sap chạy ngoằn ngoèo về hướng Tây để theo dõi hoạt động chuyển quân của Cộng Sản Bắc Việt và Khờ Me đỏ. Mục tiêu xa nhất về hướng Tây Cam Bốt là sông Tonlé Kong, chảy theo hướng Bắc-Nam, nơi mà thỉnh thoảng cũng có thả toán để theo dõi hoạt động trên sông. Sở dĩ nói là xa nhất vì đến đây là tầm hoạt động cuối cùng của phi cơ H.34, toán được thả hay rước tại những mục tiêu này phải được thực hiện nhanh chóng vì lượng nhiên liệu không đủ để bay về nếu thời gian kéo dài thêm. Trong thời gian còn nhảy toán, tôi đã một lần xâm nhập vùng này. Chuyến hành quân thật là nhàn hạ như là đi picnic vậy! Sau hai ngày xâm nhập, toán tôi di chuyển ra tới bờ sông. Chúng tôi tìm một lùm bụi sát bờ sông để nằm quan sát. Suốt thời gian còn lại, chúng tôi quan sát hoạt động trên sông và bên kia bờ. Cảnh vật cũng giống vùng thôn quê Việt Nam; cũng tiếng người gọi nhau, thuyền chèo lên xuống bên kia bờ, cũng tiếng trâu bò rống, cũng những đụn rơm... những hình ảnh yên ả thanh bình. Còn phía bờ sông có chúng tôi hiện diện thì cũng yên lặng, chỉ thỉnh thoảng có tiếng súng nổ hình như chúng đi bắn chim chơi chứ không có hoạt động nào đáng kể. Bình lặng đến độ chúng tôi nấu nướng ngày ba bữa như là đang đi picnic, cũng lai rai cà phê thuốc lá. Tiếc là không có lưỡi câu để câu cá chơi giải khuây.

Hàng ngày chúng tôi lần lượt luân phiên cởi quần áo mò xuống nước ngâm mình lặn hụp tại chỗ cho mát. Lúc chuẩn bị hành quân, chúng tôi nai nịt rất là cẩn thận để đề phòng mọi thứ trong rừng: Nào là áo nỉ trong cùng để ban đêm chống lạnh mà không cần đắp mền, như vậy là ba lô nhẹ được thêm một tí vì không phải mang theo mền poncho liner; nào là băng keo quấn hai tay áo và hai ống quần để sâu, bọ, đỉa, vắt không chui vô người. Với những thứ lỉnh kỉnh như vậy, chúng tôi vẫn giữ y nguyên từ lúc lên phi cơ đi nhảy cho đến lúc trở về; có nghĩa là - suốt bảy ngày hành quân, chúng tôi không hề tắm rửa, đánh răng, rửa mặt v. v... cộng thêm với bùn đất lầy lội của rừng núi với những cơn mưa rừng tầm tã; có thể nói chúng tôi là loại lính ở dơ nhất của QLVNCH. Thế mà trong chuyến hành quân ven sông này chúng tôi được tắm rửa hằng ngày thì lý thú quá đi chứ phải không các bạn? Đi picnic chứ đâu phải đi hành quân!!

Trước đây khi còn đi toán, tôi cũng đã từng dẫn toán lên đây nằm ứng trực. Một ngày sinh hoạt ở CCXP, nếu mọi chuyện bình an vô sự, thì thật là dài và chán. Cứ nằm ngủ, thức dậy ăn, chơi domino, binh xập xám hay leo lên nóc lô cốt khi trời mát để nhìn trời hiu quạnh với rừng núi thăm thẳm về hướng biên giới. Đầu tháng rủng rỉnh tí tiền thì mua bia, rượu lên đây lai rai. Mồi nhậu có khi là thịt nai săn được, được chế biến đủ thứ: Xào lăn, bí tết, lúc lắc, ướp cà ri, nướng tái chanh v.v... Ôi thôi! Món nào cũng hấp dẫn để mà lai rai suốt ngày. Có những chiều mưa, ngồi trong hầm nhìn trời xám xịt, mưa cứ rả rích trong cảnh quạnh hiu của núi rừng, sao mà buồn thế! Tôi không cảm nhận được cái hay của bản nhạc “Chiều Mưa Biên Giới” chút nào cả. Không hiểu khi sáng tác bản nhạc này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có ngồi ở “tiền đồn heo hút” như tôi hiện nay hay không. “Sau cơn mưa”, đường sá đất đỏ lầy lội, trơn trợt; một bước chân nhấc lên kèm theo một đống sình đất đỏ nặng chình chịch dính theo giày, như vậy đó thì mê sao nổi!

Thỉnh thoảng vào cuối ngày, trước khi bay trở về Kontum; trực thăng H34 làm một chuyến đi săn nai. Phi cơ bay dọc theo suối, khi thấy bụi rậm nghi ngờ có nai thì hover, cây cỏ rạp xuống. nai sẽ phóng chạy. Thế là trực thăng cứ tà tà bay theo, cây đại liên cứ tà tà nã đạn cho đến khi con nai quỵ xuống; rồi dùng hoist câu về CCXP. Mọi người phụ khiêng vứt lên phi cơ cho được kín đáo để chở về Kontum.
Với Quân Chủng Không Quân, việc dùng phi cơ săn nai là điều cấm kỵ theo lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu vi phạm là lãnh tù như chơi, nhưng nơi chúng tôi ở là vùng đèo heo hút gió gần biên giới, có ma nào ngoài chúng tôi ra đây đâu mà phải sợ. Hơn nữa pilot 219 thì còn sợ ai! Nhưng dù sao thì kín đáo cũng vẫn hơn; rồi khi về đến Kontum, phi cơ đáp ngay trong trại thì còn an toàn nào hơn.

Vào đầu mùa mưa, nai thường mọc nhung non hoặc có “hà nàm” nên những món này rất có giá trị. Nhung nai được biếu làm quà cho Chỉ Huy Trưởng, còn “hà nàm” thì nấu cháo cho anh em, thịt xẻ ra thì chia nhau cho quân nhân đơn vị và gia đình để nhậu. Trong các canh xập xám, đôi khi các chàng pilot hứng chí nghêu ngao khi bài mình lớn hơn bạn bè:

– “Ngồi trên trực thăng nhìn nai chạy trốn, nhớ nhung nai nhớ cả hà nàm”.

Một đoạn của bản nhạc “Bông Cỏ May”.

Phần sinh hoạt của CCXP trên được kể lại với tình trạng toán vô sự. Còn khi toán báo cáo bị chạm địch thì sinh hoạt náo nhiệt hơn. Trước hết, mọi người đều hay tin này nên tất cả chăm chú theo dõi liên lạc giữa phi cơ U.17 đang trên vùng giữ nhiệm vụ trung gian liên lạc giữa toán và Bộ Chỉ Huy để biết tình trạng hiện tại của toán. Nếu Toán bị chạm địch và có thiệt hại như có người bị thương hay thất lạc thì tất cả đều chuẩn bị cất cánh để triệt xuất toán ngay. Nói là chuẩn bị nhưng cũng phải chờ phi cơ O.2 của Tiền Không Sát lên vùng mục tiêu để nắm vững tình hình rồi mới ra lệnh cất cánh.

Ngay khi nhận được báo cáo Toán bị đụng, Tiền Không Sát yêu cầu phi cơ O.2 cất cánh khẩn cấp. Sau 30 phút là TKS được bốc tại Kontum để bay lên vùng Toán đang hành quân. Trên đường đi, O.2 liên lạc trực tiếp với U.17 để biết rõ tình hình hiện tại của toán, tình hình địch chung quanh Toán... để kịp request khu trục yểm trợ cho Toán nếu cần và điều động trực thăng Cobra lên vùng để vừa yểm trợ tiếp cận cấp thời cho Toán đồng thời cover cho trực thăng H.34 xuống bốc toán. Do đó khi phi cơ O.2 đến trên mục tiêu thì mọi phương tiện yểm trợ đã được chuẩn bị sẵn sàng, cũng có thể là đang trên đường đến “Rendez- vous point”.

Gần đến mục tiêu, máy truyền tin của O.2 có thể nghe được Toán nên liên lạc trực tiếp với toán để nắm tình hình cụ thể và chi tiết: chạm địch như thế nào, bị thương hay thất lạc ra sao, tình trạng địch xung quanh v. v... Do đó khi đến trên mục tiêu, Tiền Không Sát đã nắm đủ các yếu tố để quyết định phương cách yểm trợ. Tuy đến trên mục tiêu nhưng đâu biết vị trí hiện tại của toán ở đâu nên ngay khi toán nghe được tiếng động cơ của O.2, toán sẽ biết được phi cơ đến từ hướng nào của Toán và hướng dẫn phi cơ hướng mũi về đúng vị trí của toán bằng phương thức 'giờ của đồng hồ', thí dụ: Tôi đang ở hướng 2 giờ của anh, thế là phi cơ đổi theo hướng 2 giờ của mình để hướng về toán và cứ thế cho đến khi phi cơ bay ngang đầu của toán thì toán báo cho biết là “Bingo, bingo”. TKS đã biết vị trí tương đối của toán nhưng để yểm trợ, Tiền Không Sát bắt buộc phải thấy rõ điểm đứng của toán nên bảo toán “đốt đèn” hay “soi gương”. Khi nghe lệnh này, Toán Trưởng sẽ lấy kiếng ra hướng về phi cơ lắc lắc. Từ trên phi cơ, với ánh sáng phản chiếu từ chiếc gương to như chiếc nia, TKS biết rõ vị trí hiện tại của toán và chấm tọa độ để báo về Bộ Chỉ Huy, đồng thời bảo toán “trải chiếu” ra để đánh dấu cho Cobra thấy được từng người đang quây quần xung quanh để đừng tác xạ nhầm vào quân bạn khi phải yểm trợ quá gần.

Mỗi thành viên trong toán Lôi Hổ được trang bị ngoài vũ khí còn có các đồ dùng để mưu sinh, cấp cứu khi bị thất lạc như: Panô hai mặt vàng và màu đỏ cam, kiếng chiếu, súng pen flare, địa bàn cá nhân. Toán Trưởng và Toán Phó được trang bị thêm máy PRC.9 cấp cứu. Máy này được sử dụng khi hữu sự như toán thất lạc, máy truyền tin PRC.25 bị mất hay hư hỏng. Máy cấp cứu này có khả năng liên lạc trên băng tần VHF và trên tần số S.O.S quốc tế với tất cả phi cơ nào bay ngang vùng dù phi cơ quân hay dân sự. Phi cơ nhận được tín hiệu SOS sẽ nhận báo cáo của người lâm nạn và báo về hệ thống của mình để tùy nghi. Các bạn sẽ hỏi rằng làm sao để biết được người lâm nạn là ai để mà tiếp cứu? Tôi không rõ về phía dân sự thì làm việc như thế nào, chứ mỗi mục tiêu mà Toán chúng tôi hành quân đều có một tên gọi, được gọi là Target Code. Chỉ cần nói Code này và người nhận chuyển về là Bộ Chỉ Huy biết ngay. Trong thủ tục request phi cơ Khu Trục cũng có mục báo tên mục tiêu để yểm trợ bằng code này.

Vòng Hoa Thương Tưởng
http://youtu.be/RamGop6NMH0


Riêng về kiếng “chiếu yêu”, nó chỉ là mảnh gương thủy tinh chữ nhật khoảng 12cm x 10cm x 3/4cm, được chế tạo sao cho khó vỡ khi có va chạm mạnh. Gương này thường được trang bị cho tụi tôi và nhân viên phi hành của Không Quân. Từ dưới đất, hướng về phía phi cơ đang bay trên trời, hơi ngược chiều ánh mặt trời, bạn lắc lắc chiếc gương; từ trên phi cơ sẽ thấy một vùng ánh sáng phản chiếu khá to giữa rừng cây xanh rậm để biết vị trí bạn đang ở đâu một cách dễ dàng. Còn panô, được gọi là “chiếu”, là mảnh vải nhựa plastic dày, kích thước khoảng 8 tấc x 5 tấc; một mặt màu vàng, mặt kia màu đỏ cam. Màu này nổi bật chói chang giữa rừng cây nên dễ nhận biết. Tụi tôi thường may lót mặt trong của mũ đi rừng, khi cần dùng đến là lộn ngược ra đội lên và ngồi quây quần tạo thành một vòng tròn cho phi cơ Cobra dễ phân biệt “phe ta” và “phe địch” khi yểm trợ tiếp cận.

Trong trường hợp Toán bị thất lạc, khi tôi lên vùng thì chỉ liên lạc được với nhóm có máy để nghe báo cáo tình trạng toán, còn người thất lạc thì đâu có gì để liên lạc nên tôi chỉ thấy ánh kiếng chiếu lên để báo cho phi cơ biết vị trí hiện tai. Trong trường hợp này tôi làm việc với nhóm có máy để lo bốc nhóm này ra trước rồi sau đó mới điều động phi cơ đến bốc người bị thất lạc. Vì không có máy để liên lạc với nhau nên tôi không thể nào phân biệt được là có bị địch uy hiếp hay không, do đó tôi cho Cobra bay thấp và quan sát ghi nhận dấu hiệu địch, sau đó báo cho chiếc H.34 vừa bốc toán lên đáp xuống lần nữa với sự yểm trợ chặt chẽ của Cobra để Toán Trưởng nhận diện người bị thất lạc hoặc nếu có bị uy hiếp ép buộc gọi phi cơ thì sẽ kịp thời phản ứng ngay.

Một lúc sau, đúng giờ hẹn ở “Rendez-vous point”, phi cơ Khu Trục sẽ liên lạc với FAC để hai bên thấy rõ nhau và bắt đầu công tác yểm trợ, tùy theo tình hình hiện tại của toán để yểm trợ khi toán yêu cầu. Phi công O.2 hướng dẫn điều chỉnh oanh kích với Khu Trục qua trung gian của Tiền Không Sát theo yêu cầu của toán và cũng tùy tình trạng mục tiêu để sử dụng loại bom thích hợp. Thường thường Khu Trục A1E trang bị bom 250 pounds và Napalm cùng đại liên 20 ly. Nếu chúng tôi thấy nhu cầu yểm trợ cần trang bị loại nào khác thì yêu cầu ngay khi gởi order cho Trung Tâm Không Trợ 2 (Peacock).

Loại phi cơ Skyraider A1E rất thích hợp với công tác của tụi tôi vì thời gian ở trên vùng lâu và trang bị dồi dào hơn phản lực cơ A37. Phi đoàn Khu Trục thường xuyên làm việc với chúng tôi trên địa bàn này là Phi Đoàn 530 thuộc Sư Đoàn 6 Không Quân danh hiệu là Jupiter hay Thái Dương. Những pilot phi đoàn này như: Đ/Uy Hà, Đ/Úy Thặng, Chỉnh, Độ... là những giọng nói quen thuộc trên vô tuyến khi làm việc với nhau và cũng chỉ quen nhau qua giọng nói mà thôi. Riêng Đ/Úy Hà thì ngày tôi còn đi toán, trong một phi vụ yểm trợ cho toán ở vùng Tam Biên, Phi cơ Đ/Úy Hà bị bắn nên phải nhảy dù, toán chúng tôi đã nhảy xuống để rescues gần trại Ben Het.

Trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, trong một phi vụ yểm trợ thanh phố Kontum, Phi cơ Đ/Úy Thặng bị bắn phải đáp khẩn cấp ở trên cồn cát sông Dakbla và bị cháy, mang đi vĩnh viễn người hùng của Phi Đoàn 530. Lúc đó hình như tôi đang bay trên L.19 trong một công tác khác, hay tin này trên vô tuyến nên tôi bay ngang chỗ crash, lắc cánh chào tiễn biệt.

Phải công nhận là A1E đánh rất đẹp và chính xác. Cứ cho đánh single để thấy hai chiếc luân phiên nhào lộn lao vào đánh. Nghe hai chiếc trao đổi vô tuyến với nhau:

– “Number 1 rolling!, Number 2 rolling!”

Hoặc:

– “Số 2 đánh dài hơn 50 mét! OK! Number 2 rolling!”

Rồi nhào xuống. Ngồi trên O2 nhìn thật là đã mắt!

Có những khi Toán không cần yểm trợ của Khu Trục, tôi cho Khu Trục làm orbit đợi cho đến khi bốc toán ra xong xuôi, phi cơ O2 dẫn đến một điểm ghi nhận là kho tàng nào đó của cộng sản để đánh cho hết bom hoặc đến free zone để làm B-52 thả ào một phát cho xong. Trên đường về, FAC Mỹ bay formation với hai chiếc Khu Trục để quay phim. Thật là đẹp! Sau A1-E là loại F-4 Phantom của một phi đoàn Mỹ nào đó mà tôi không nhớ danh hiệu, pilot Phi Đoàn này đánh cũng rất đẹp. Nhìn Khu Trục phản lực nhào lộn thiệt là khoái con mắt!

Sau phi tuần khu trục, các phương tiện đã tụ tập đông đủ, tôi báo cho Toán chuẩn bị an ninh bãi đáp để cho H34 xuống triệt xuất. Hai Cobra nãy giờ ở trên cao chờ đợi, bây giờ được lệnh xuống clear bãi. Chiếc sau theo chiếc trước bay vòng vòng quanh bãi để quan sát và sẵn sàng yểm trợ theo yêu cầu trực tiếp của Toán Trưởng qua tần số PRC25 của toán. Khi thấy bãi đáp an toàn, họ báo cho H34 xuống bốc toán ra. Ngồi trên O2 theo dõi diễn tiến và monitor qua các hệ thống truyền tin UHF, giữa các phi cơ với nhau, FM giữa toán và Cobra; tôi yên lặng để quan sát các phương tiện phối hợp nhau một cách nhịp nhàng trong công việc triệt xuất. Nhịp nhàng là vì chúng tôi đã làm việc với nhau thường xuyên nên hiểu rõ những gì cần làm trong những công tác này. Trường hợp LZ tốt, trực thăng đáp ngon lành thì toán leo lên phi cơ cũng ngon lành, đàng hoàng ngồi trên sàn phi cơ. Còn trường hợp bãi đáp xấu như: hẹp, có cây cao xung quanh nên trực thăng không thể chạm đất được. Trong trường hợp này Toán phải leo thang được thả xuống từ phi cơ trực thăng hay phải câu về.

Chuyến nhảy đầu tiên “thử gió” của tôi khi mới về đơn vị là tại vùng Hạ Lào. Vùng này nhiều núi nên kiếm bãi đáp rất khó. Sau bảy ngày hành quân an lành, tôi đi tìm bãi triệt xuất. Vì là chuyến đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm. Khi tìm ra được một chỗ trống, tôi hỏi các toán viên, đứa nào cũng nói tốt rồi ông thầy, yên chí đi. Đến khi triệt xuất, phi cơ H-34 len lỏi hoài cũng không đáp được nên phải thả thang dây xuống. Theo nguyên tắc, khi triệt xuất Toán Trưởng là người mang máy PRC-25 để trực tiếp liên lạc với phi cơ và là người lên sau cùng. Tôi cố bám từng nấc thang để leo lên, nhưng máy truyền tin ghì tôi ra phía sau nên tôi không thể nào leo lên thêm được. Tôi bèn móc khoen sắt chữ D vào thanh thang bằng nhôm để giữ người tôi lại, hai tay móc vào thanh thang và ghì lấy ót, cứ thế mà đong đưa cho đến khi về đến trại Ben Het mới đáp xuống để tôi leo lên phi cơ với toán; các toán viên xúm lại bóp tay chân tôi vì bị tê sau gần nửa tiếng đồng hồ ngồi trong tư thế đó.

Còn trường hợp câu thì tôi chưa được nếm mùi trong hành quân nhưng qua huấn luyện thì tôi đã được thực hành như sau: Trên mỗi dây ba chạc mang băng đạn và bi đông nước có hai cái khoen chữ D móc trên vai; trực thăng thả xuống một sợi dây dù cò khoen sắt ở đầu dây được cột thêm bao cát cho nặng, toán viên chỉ cần móc khoen của mình vào khoen của sợi dây. Khi tất cả đã móc xong thì ra hiệu cho phi cơ bốc lên, thế là tòn teng câu về. Lối câu này có phần nguy hiểm vì trực thăng phải chú ý bốc cao khỏi ngọn cây rồi mới bay tới, nếu không người được câu sẽ va vào thân cây. Khi lên trên không, các người được câu phải ôm lấy nhau để đề phòng trường hợp dây bị xoắn vì gió.

Những chuyện nhảy sau đó là vùng cực Bắc Cam Bốt, phần lớn là đồng bằng nên tìm bãi đáp dễ và tốt hơn nhiều. Khi ngồi được trên sàn phi cơ, tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm vì cả toán đã chấm dứt nhiệm vụ sau bảy ngày hành quân, chấm dứt những ngày lặn lội trong rừng già Trường Sơn, những đêm chui rúc giữa lùm bụi để tìm chỗ ngủ. Xin giã từ núi rừng Trường Sơn! Chắc chắn chẳng bao giờ chúng tôi trở lại chốn này và chắc cũng chẳng bao giờ có ai khác đặt chân đến đây! Trả lại sự yên lặng âm u của núi rừng cho ngàn đời sau.

@ @ @

Trường hợp trên là Toán bị chạm địch chỉ thất lạc nhưng không có ai bị thương. Nếu có người bị thương với vết thương nặng thì có thể coi như bỏ xác trong rừng là chuyện thường. Các bạn thử tưởng tượng một toán di chuyển trong vùng rừng núi chập chùng với quân số bốn hay sáu người, mà một người bị thương thì tình trạng di chuyển sẽ tệ hại như thế nào? Rồi nếu bị địch theo dõi nữa thì sẽ ra sao? Thật là thiên nan vạn nan... Trong cuộc đời nhảy toán tôi gặp hai trường hợp nguy khốn sau:

Phi cơ OV.10 là loại phi cơ quan sát tối tân và lợi hại hơn O.2 vì hoạt động bởi hai động cơ bán phản lực, được trang bị Minigun và phóng lựu cùng với hai dàn phóng rocket. Phi cơ OV 10 có thể bắn yểm trợ trong những giây phút đầu tiên để uy hiếp tinh thần địch trong khi chờ Chiến Đấu Cơ Khu Trục đến yểm trợ.

Vừa nhảy xuống qua được một đêm, ngày hôm sau di chuyển đến mục tiêu vẫn chưa ghi nhận được gì; đến chiều chúng tôi dừng quân chuẩn bị chỗ ngủ. Trong lúc chờ trời tối để ngủ, tôi đang ngồi ngắm cảnh rừng núi âm u trong buổi hoàng hôn mà nhớ nhung lung tung: nhớ phố phường, nhớ các cô em gái hậu phương, ngồi tính nhẩm xem còn bao nhiêu ngày nữa thì được triệt xuất v. v... Người biệt kích quân dần đầu ném cục đất về phía tôi và chỉ chỉ ngón tay về hường nghi ngờ có địch; tôi mang lại dây đạn và cầm súng lên hướng về phía đó; tôi chưa nhìn được bóng dáng chú Việt cộng nào thì nghe có tiếng súng nổ ở phía người đi đầu. Tất cả toán cùng vùng dậy nổ súng đồng loạt hướng về phía đó rồi dàn hàng ngang tiến về phía đỉnh. cách chỗ dừng quân khoảng 50 thước. Trời lúc này đã nhá nhem tối, đang cố bước lên dốc về phía đỉnh núi thì nghe một loạt súng nổ và nghe tiếng la của một toán viên:

– “Chết tôi rồi ông ơi!”.

Tôi cũng vừa chạy tới thì thấy người toán viên đang nằm lăn lộn; tôi bèn luồn tay vô dưới áo coi người này bị thương như thế nào thì ngón tay tôi lọt vô một lỗ sâu hoắm ở bên cạnh sườn ngang ngực, tôi biết ngay là vết thương rất nặng nên không thể nào mang theo được. Tôi không kịp lột một món gì đó để mang về làm bằng chứng và chạy tiếp theo anh em trong toán. Đêm đó chúng tôi di chuyển suốt đêm, hết trèo dốc lại tuột dốc để di chuyển ra xa khu vực chạm súng. Trời tối thăm thẳm, chúng tôi lần dò từng bước theo nhau, người sau theo người trước; lúc nào mệt thì ngồi dạng hai chân bám vào một thân cây để nghỉ và gục đầu vào thân cây để ngủ. Ngồi trên sườn núi, tôi nghe tiếng lội bì bõm của Việt cộng đang di tìm dọc theo suối, chúng vừa đi vừa nói chuyện nhưng nghe không rõ.

Nguyên ngày hôm sau di chuyển tương đối yên tĩnh, có lẽ đã ra khỏi “ổ kiến lửa”. Chúng tôi coi như mất điểm đứng vì di chuyển suốt đêm qua đâu có theo phương giác nào đâu; cứ chạy mệt thì ngồi nghỉ, rồi lại di chuyển tiếp tục, cứ thế mà chạy trong đêm đen, đâu có ước lượng gì được khoảng cách. Khoảng gần trưa thì báo cáo được tình trạng hiện tại của toán và xin phi cơ chấm điểm đứng cho toán. Trong lúc đang liên lạc truyền tin thì nghe có tiếng động, chúng tôi vội bố trí hướng về phía đó. Tôi nằm quay đầu ngược hướng với người Toán Trưởng, là Ch/úy Minh, tục gọi là Minh Lai; tôi quay đầu ra sau để nhìn xem tình hình như thế nào thì thấy Minh Lai ngồi bật dậy và nổ súng về hướng trước mặt hắn rồi quay người phóng vọt qua người tôi và chạy về hướng tay phải. Tôi cũng bật dậy và chạy về hướng trước mặt, Ch/Uy Tiếng và vài toán viên nữa chạy theo tôi, trong đó có người Hiệu Thính Viên. Chạy được khoảng 10 thước tất cả chúng tôi dừng lại; tôi thì thào hỏi Ch/Uy Tiếng:

– “Mày tính sao?”.

– “Mày là Toán Phó thì tùy mày quyết định.”

Tiếng trả lời. Tôi cầm máy cấp cứu PRC.9, lúc đó đang hoạt động, gọi cho Minh Lai nhưng không thấy trả lời, thế là tôi quyết định cho tất cả những người còn lại tiếp tục di chuyển.

Tôi xin mở ngoặc để giải thích tại sao tôi là Toán Phó cho Ch/Úy Minh: Ngày tôi là Toán Trưởng toán Sơn Lôi, trong chuyến hành quân đầu tiên, toán tôi được thả xuống mục tiêu khoảng 5 giờ chiều. Người Hạ Sĩ Quan toán phó góp ý:

– “Ông báo cáo là mình xuống bãi bị đụng để được bốc về ngay đi. Xâm nhập trễ như vầy rất là nguy hiểm”.

Thế là tôi làm theo. Sau đó toán được yểm trợ để được triệt xuất.

Theo kinh nghiệm của những người đi nhảy toán lâu năm, thì xâm nhập vào giờ trễ như thế rất nguy hiểm cho Toán vì trời sắp tối. Trong thời gian đầu vừa nhảy xuống, chúng tôi chưa nắm được tình hình khu vực như thế nào, nếu trong lúc di chuyển mà bị địch theo dõi hoặc chạm địch thì khó có được sứ yểm trợ tiếp cận và các phương tiện Không Quân không thể triệt xuất cấp tốc. Thông thường nếu vì bất cứ lý do gì mà cuộc đổ quân thực hiện ở thời điểm muộn như thế thì cuộc xâm nhập được hoãn qua ngày hôm sau. Hôm đó không hiểu sao nguyên tắc này không được tôn trọng trong khi tôi là lính mới nên không biết điều này.
Sau vụ này, Thiếu Tá CHT cho là tôi bị thuộc cấp mener nên đưa tôi qua làm Toán Phó cho Minh Lai và nhảy chuyến đầu tiên là bị như trên. Riêng Ch/Úy Tiếng thì là Sĩ Quan mới được thuyên chuyển về Kontum từ Chiến Đoàn 3 Xung Kích ở Ban Mê Thuột, lý do là “chống Mỹ cứu nước“ sao đó ở đơn vị cũ và cũng sẵn chuyến hành quân này nên CHT cho đi theo với tính cách Quan Sát Viên, do đó lần hành quân này, Toán có tới ba Sĩ Quan.

Trong lúc di chuyển, tôi báo cáo được tình trạng hiện tại của Toán: một Toán viên được ghi nhận là chết và Toán Trưởng mất tích và xin triệt xuất khẩn cấp. Toán được bốc về trong ngày. Khi tái thuyết trình về chuyến hành quân vừa qua, tôi và Tiếng tường thuật các chi tiết diễn tiến; đơn vị cho phi cơ bay lên vùng để tìm kiếm xem có dấu vết gì của người bị mất tích không vì cũng có thể phải lẩn trốn đâu đó nên chưa có dịp ra liên lạc với phi cơ đang bay tìm. Nhưng sau ba ngày, tôi và Tiếng dẫn một toán khác nhảy trở lại mục tiêu cũ để tìm kiếm và lấy xác nếu có thể... Và sau một ngày lặn lội, chứng tôi không thấy gì cả, chỉ thấy những dấu vết trên thân cây bị đạn do cuộc giao tranh vừa rồi mà thôi. Trong lúc toán nằm tại bãi đáp để chờ trực thăng đến triệt xuất, Toán lại bị theo dõi và chạm súng; vì nhờ các phương tiện đều đang chuẩn bị nên khu trục có thể yểm trợ ngay và lần này Toán Trưởng của Toán chúng tôi đi cùng bị một mảnh bom chém ngay bắp vế. Kết quả cuối cùng là - một chết mà không mang xác về được và một sĩ quan Toán Trưởng mất tích.

Lôi Hổ chết không người xây mộ,
Lá vàng rơi phủ lấy xác thân.


Hai câu thơ trên đã nói lên trọn vẹn thân phận của người lính Biệt Kích khi tử trận. Đó là điều không thể tránh được vì với công tác của chúng tôi, thân ai nấy lo có nghĩa là tự mình phải mang tất cả những gì mình cần dùng khi đi hành quân, đâu có ai mang hộ cho mình; do đó làm sao mà khiêng thêm một người bị thương nặng đến độ không di chuyển được, nhất là với địa thế núi rừng Trường Sơn và trong lòng căn cứ địch.

Chuyến hành quân thứ hai với quân số sáu người. Vào ngày thứ nhì, trong lúc đang dừng quân nghỉ mệt, người Toán Phó báo cho tôi biết có địch theo dõi; tất cả trong tư thế sẵn sàng. Bỗng một loạt súng nổ rền, tôi chồm lên nổ về phía nghi ngờ, rồi dzọt. Người Trung Sĩ Toán phó, tên là Bảo, báo tôi biết là bị thương. Tôi quay lại coi thì thấy anh ta bị thương nơi mông, tôi hỏi có chạy được không thì anh ta trả lời là được; thế là chúng tôi rút lui. Khi gom góp toán lại thì thấy một người vắng mặt, coi như tổng kết là một bị thương, một mất tích Chúng tôi tiếp tục rút lui trong cơn mưa tầm tả. Mưa rừng Trường Sơn dai dẳng, cứ rả rích mưa hoài, xung quanh được bao phủ một màn sương trắng đục, không khí lạnh phủ kín thung lũng một màn trắng xóa không còn nhìn thấy được gì cả. Chúng tôi cứ thế lần dò từng bước trơn trợt xuống triền dốc, lá vàng rơi rụng đã từ bao nhiêu đời phủ dày mặt đất bị bước chân trơn làm lộ từng mảng lớn. Tôi bảo toán viên gài mìn M.14 dưới những mảng trơn trợt đó và tiếp tục di chuyển. Trung Sĩ Bảo cứ cà nhắc di chuyển theo toán; phần bị thương, phần ướt đẫm nước múa nên trông cứ tái xám. Ở nhà đã biết tình trạng chúng tôi nhưng vì thời tiết quá xấu, mây mù và mưa, nên không thể đưa phương tiện vào triệt xuất chúng tôi được. Đêm đến, tôi cuộn chung poncho với Trung Sĩ Bảo ngõ hầu ấm áp được cho cả hai phần nào; bao nhiêu thuốc trụ sinh mang theo tôi đều xài cho Bảo. Nằm trên poncho mà cũng như không vì nước cứ lấp xấp vì mặt đất đều bị sũng nước mưa. Tôi trùm lại để đốt điếu thuốc hầu sưởi ấm cho Bảo phần nào.

Trọn sáng ngày hôm sau vẫn tiếp tục di chuyển; trời tương đối sáng sủa nhưng vẫn chưa tìm được bãi đáp. Chúng tôi hy vọng sẽ được triệt xuất trong ngày hôm nay vì thời tiết có vẻ sáng sủa, trời quang mây tạnh. Đang ngồi nghỉ mệt ở một triền núi, tôi bỗng nghe hai tiếng nổ âm vang giữa núi rừng, cách nhau khoảng vài ba giây, sau đó là một loạt súng AK. Thoạt đầu tôi nghĩ là địch pháo kích, nhưng người toán viên nói:

-- “Mìn Ch/Úy, mìn Ch/Úy”!

Tôi mới nhớ ra là mìn M.14 mình cho chôn hôm qua... Thế là cả toán chạy tiếp vì biết là địch đang theo dấu vết của chúng tôi. Chắc là có vài tên Việt cộng đang mò mẫm theo dấu vết do chúng tôi để lại rồi đạp phải trái mìn chống người M.14, kế đó ngã đè lên trái thứ hai nổ tiếp, rồi mấy tên đi cùng hốt hoảng nổ súng.

Mãi đến chiều hôm đớ phương tiện mới vào bốc chúng tôi ra, trong lúc đang làm việc với chúng tôi, phi cơ O.2 cũng thấy kiếng chiếu lên của người đang bị thất lạc và sau đó bốc luôn. Trung sĩ Bảo được chữa trị và sau đó chân đi hơi khập khiễng vì vết thương ở mông. Tôi hỏi người toán viên bị thất lạc về những gì đã xảy ra thì anh ta kể: “Sau khi nghe nổ súng thì anh ta dzọt thẳng, sau đó nhìn lại thì không thấy ai chạy theo nên anh ta kiếm chỗ trốn, chờ máy bay lên thì ra “chiếu kiếng”.

Image result for us army uh 1 helicopters drop special forces in the vietnam war
Trong hoạt động cấp Toán của chúng tôi, đi hành quân càng ít người càng nhiều thuận lợi: trực thăng chỉ đáp xuống LZ một lần và vì chở nhẹ nên đáp nhanh và dễ, Toán di chuyển ít gây tiếng động, tập trung gọn gàng, chui rúc dễ dàng và cùng nhau chạy cũng gọn; buổi tối kiếm chỗ ngủ cũng dễ vì có ít người nên lùm bụi nhỏ nào cũng chui vào được cả... Cũng vì ít người, từ bốn đến sáu người, nên nếu chẳng may có người bị thương nặng là coi như gởi xác lại trong rừng.
Tính theo tỉ lệ thì binh chủng chúng tôi có tỉ lệ tử trận thấp nhất vì nhiệm vụ của chúng tôi là thám sát, theo dõi chứ đâu phải là nghênh chiến; lúc nào cũng chỉ lẫn tránh, rình mò... bất đắc dĩ mới tao ngộ chiến. Mà khi tao ngộ, chúng tôi thường là người nổ súng trước rồi chạy vì trong rừng rậm, dù cho địch theo dõi cũng chỉ lần theo dấu vết hay theo hướng có tiếng động chứ khó mà trông thấy nhau. Trường hợp chúng tôi dừng chân ngồi nghỉ, địch đang đi theo, lò dò dẫn xác vào thì chỉ có ăn đạn thôi.
Những chỗ địch thường đóng quân là ở những nơi gần suối hay vùng đất phẳng, đồng bằng để tiện sinh hoạt và trồng trọt, còn chúng tôi di chuyển thì thường là trên triền núi nên có thể chỉ nghe tiếng động do sinh hoạt gây nên chứ khó mà gặp mặt.

Thông thường là như thế, nhưng nếu Toán được thả ngay “ổ kiến lửa” thì thôi, không còn gì để nói nữa vì có còn sống đậu để mà nói.

@ @ @

– “Hello! Xin lỗi có phải anh Nguyễn Hữu Thọ không ạ?”

– “Dạ vâng, tôi đây! Xin lỗi tôi được tiếp chuyện với ai?”

– “À! Anh có quen ai tên là Trương Thành Đạo không?”

– “Dạ biết chứ! Trương Thành Đạo trước ở B.15 mà!”

– “Thưa đúng vậy! Tôi là vợ anh Đạo.”

– “Ồ! Cô H. đó phải không?”

Thật là bất ngờ ngoài cả dự định! Từ năm 1982, sau khi tôi ra khỏi trại cải tạo đến nay tôi mới lại liên lạc được với cô H. Hai mươi hai năm rồi chứ ít gì! Tôi còn nhớ năm đó, khi vừa ra tù, tình cờ tôi gặp một người bạn cùng đơn vị, đang chạy xe ba bánh. Nó hỏi tôi còn nhớ cô H. vợ thằng Đạo không và cho tôi biết tin tức và địa chỉ. Tôi liền đến thăm thì được cho biết tin là bạn tôi đã chết trên đường vượt biên cùng với vợ con. Trên chuyến ghe chạy ra cửa biển để lên tàu lớn, ghe bị du kích chận bắt và nổ súng, trên ghe không ai bị đạn, chỉ có thằng bạn tôi lãnh một viên và chết tốt. Theo lời kể, nó cũng ra tù cùng một thời điểm với tôi, nghĩa là cũng đã gỡ 6.1/2 cuốn lịch, nhưng ở khác trại. Vài tháng sau có chuyến đi mà gia đình đã chuẩn bị từ trước nên đem nó theo. Bẵng đi từ đó, tôi không còn biết tin tức gì nữa về cô H. và hai cháu.

Trương Thành Đạo là một trong những sĩ quan về Sở Liên Lạc sau khi ra trường Bộ Binh Thủ Đức; nhưng nó thì về Ban Mê Thuột, còn tôi thì về Kontum. Vài tháng sau nó cũng chuyển về Kontum chung đơn vị với tôi là B.15. Chiến Đoàn 2 Xung Kích lúc đó thành lập 10 toán Việt Nam, tên các toán có chữ thứ hai là LÔI, chỉ khác nhau chữ đầu: Phong Lôi, Hỏa Lôi, Kim Lôi... Toán của Đạo là Thiên Lôi. Toán này có cái đặc biệt là sử dụng toán viên là cán binh Việt Cộng chiêu hồi, được tuyển dụng từ Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè. Theo tôi nhớ, toán này gồm ba hay bốn cán binh MTGPMN và một bộ đội CSBV. Với những người miền Nam, họ nói chuyện cởi mở trong khi chuyện trò, còn người cán binh miền Bắc thì có vẻ ngổ ngáo hơn. Thỉnh thoảng hắn nói to lên những lời thông báo trên loa báo động cho dân chúng biết máy bay Mỹ đang đến oanh tạc. Lúc đó tôi nghe những lời này và có cảm tưởng hơi quái đản vì không hề nghe thấy bao giờ trước đó. Sau 4/75, chắc hẳn các bạn cũng đã nghe trên loa phóng thanh những lời thông báo chua như dấm chứ gì!

Ngay khi nhận được báo cáo Toán bị đụng, TKS yêu cầu phi cơ O.2 cất cánh khẩn cấp. Sau 30 phút là TKS được bốc tại Kontum để bay lên vùng Toán đang hành quân. Trên đường đi, O.2 liên lạc trực tiếp với U.17 để biết rõ tình hình hiện tại của toán, tình hình địch chung quanh Toán...

Vì toàn là Chiêu Hồi nên Đạo chỉ có nhiệm vụ huấn luyện và tổ chức hành quân chứ không nhảy cùng với toán của mình như các toán khác. Các toán viên của toán Thiên Lôi cũng sinh hoạt bình thường như chúng tôi trong doanh trại. Tuy nhiên dưới mắt tôi lúc đó thì cũng hơi tò mò vì các thành phần chiêu hồi này. Một vài lần nói chuyện với họ, tôi cũng hỏi thăm về những sinh hoạt của họ trong đơn vị cộng sản trước đây; ngoài ra tôi cũng không chú ý đến công tác của toán này. Tôi chỉ nhớ khi tôi đi bay liên lạc hàng ngày, thì ngày hôm trước tôi thấy toán ở một vị trí, đến hôm sau thì họ đã ở cách chỗ ngày hôm qua hàng vài ba cây số. Và mỗi lần báo cáo, họ báo cáo rất to chứ không thì thào như chúng tôi. Thì ra với kinh nghiệm vượt Trường Sơn để xâm nhập vô miền Nam, họ đã quá biết tình hình hoạt động trong rừng của các đơn vị cộng sản nên khi quan sát những dấu vết còn để lại, họ biết là có hay không có người đang ở quanh đây nên họ không cần dè dặt như chúng tôi. Hơn nữa với tình hình ghi nhận như thế, họ cứ phom phom đi theo đường mòn trên đỉnh núi chứ đâu cần dò dẫm và băng rừng vượt núi theo phương giác như chúng tôi. Thả họ vô rừng như thả hổ về rừng, họ mặc sức tung hoành mà không cần huấn luyện kỹ càng như chúng`tôi đã được huấn luyện trước đây. Và cũng chính vì thế mà người toán trưởng không thể đi hành quân chung với họ. Tin thế nào được!

Thường thường, một mục tiêu có giới hạn trên bản đồ là sáu ô vuông, tức là một khu vực 36 cây số vuông. Khi nhận lệnh hành quân và nghiên cứu tình hình, nhiệm vụ, cũng chỉ trong giới hạn đó mà thôi. Thiết kế lộ trình di chuyển trong thời gian hành quân bảy ngày, chúng tôi di chuyển quanh quẩn khoảng vài cây số từ bãi đáp nhảy xuống cho đến bãi đáp triệt xuất. Bao nhiêu đó cũng đã quá mệt cho chúng tôi vì phải di chuyển vượt từ sườn núi này qua sườn núi khác, rồi băng rừng vượt suối. Có những khu vực rừng già thì di chuyển tương đối dễ, chỉ bị trơn trợt vào mùa mưa vì lá rụng dày đặc, chồng chất có lẽ từ thuở khai thiên lập địa cho đến ngày chúng tôi đặt chân đến. Còn gặp phải rừng tre thì chỉ có nước khóc ròng vì tre giăng chằng chịt, rồi gai góc, muỗi, vắt, dây leo, chúng tôi phải lần dò từng bước... làm sao mà di chuyển cho nhanh được! Có những loại gai rất là quái ác: nhìn nó to, cong như sừng trâu, mũi rất nhọn, quái ác là nó mọc ngược nên luôn luôn chực móc vào mọi vật khi tiến tới. Bị nó móc là phải dừng lại ngay vì nó giữ chặt không sao bước tới được, rồi mới từ từ gỡ ra đi tiếp; nếu lỡ trớn bước tới là áo quần bị rách ngay. Với các toán thì mục tiêu giới hạn là như thế; nhưng với toán Thiên Lôi thì không giới hạn vì như đã trình bày ở trên, giới hạn thế nào được khi thả họ xuống một nơi mà không có người đang sinh hoạt do đó họ đâu cần lần dò từng bước như chúng tôi. Quân phục và vũ khí của họ cũng được trang bị như của cán binh xâm nhập nên họ không ngại ngần khi tao ngộ chiến. Chắc hẳn cũng sẽ hỏi thăm nhau: “đồng chí thế này, thế kia...” rồi đường ai nấy đi chứ không cần nổ súng ngay như trường hợp chúng tôi gặp tao ngộ chiến. Đó cũng là một lợi thế trong loại công tác của chúng tôi mà không phải dễ dàng gì được huấn luyện hoặc giả dạng được vì còn tùy thuộc vào giọng nói, vóc dáng, những am tường về tình hình hoạt động của cộng sản trong đường dây xâm nhập v. v... Mặt mũi như tôi, đen đủi, để bộ râu mép rậm rạp và không có nét “răng hô mã tấu” thì làm sao mà tin được tôi là cán bộ cộng sản đang trên đường xâm nhập!

Về sau này, tôi cũng không còn nhớ vì lý do gì và kể từ lúc nào toán Thiên Lôi không còn hoạt động nữa và Trương Thành Đạo đã đảm trách một công việc khác của đơn vị, hình như là về Không Ảnh.

Cô H. đã nói với tôi là tình cờ đọc được bài viết trên báo Lý Tưởng viết về B.15 với tên ký là Lôi Hổ Nguyễn Hữu Thọ thì không còn nghi ngờ gì nữa nên đã gọi phone cho tôi theo như số phone tôi ghi trong bài. Và cũng từ đó tôi bắt liên lạc được với một người quen đã bặt tin từ 22 năm nay. Sau chuyến vượt biên thất bại, hậu quả là góa bụa, vài tháng sau có chuyến đi nữa, cô H. và hai con đi tiếp và thoát đến bến bờ tự do. Tự do mà cô đã phải trả bằng một giá quá đắt.

Lớp Lôi Hổ năm xưa, đã một thời quậy phá thị xã Kontum cũng dần dần già nua tàn lụi. Người ra đi mang kiếp lưu vong, không quê hương; kẻ ở lại vất vưởng trong muôn vàn khổ cực, nhìn những kẻ thắng đang tàn phá đất nước.
Cũng qua bài viết “Xá gì SA.7!” đăng trên Lý Tưởng số phát hành tháng 3/04, tôi cũng liên lạc được với BS Bùi Trọng Căn, Trưởng Ty Y Tế Pleiku qua sự giới thiệu của BS Nguyễn Gia Tiến, Bác Sĩ Không Quân, hiện đang ở Thụy Sĩ Rồi từ Bác Sĩ Căn, tôi liên lạc được với những người bạn bặt tin từ 40 năm nay. Và vui nhất là cũng nhờ BS Căn, tôi liên lạc được với Trung Úy Lê Nghĩa Dũng, Quân Vận Khu Pleiku là em của Bác Sĩ Lê Thiện Ý LLĐB/QK2., hiện đang ở Canada. Ngoài ra còn có anh Bun, PĐ-229 cũng gọi phone cho tôi để chuyện trở về những lần thả toán trước đây.

Năm 1999, trong lần về Cali để thăm Thủ Đô Tị Nạn, tôi được dịp gặp gỡ những bạn bè cùng binh chủng hoặc cùng đơn vị xưa kia. Ngoài hàn huyên và nhắc lại chuyện xưa tích cũ, có một chị vợ người bạn là dân Kontum, cho biết là vừa về Việt Nam và ra Kontum thăm gia đình, theo lời chị ấy thì doanh trại của B.15 trước đây, giờ không còn một dấu tích gì. Và cũng theo lời cô H. thì trong một chuyến về Việt Nam, theo ông anh lên Pleiku công tác, có ghé lên Kontum, cô không còn tìm được một dấu vết gì ngày trước. Mọi hình ảnh của B15 và phố phường của Kontum không còn lưu lại một tí dấu tích gì của gần 30 năm về trước. Tất cả đã đổi thay! Nếu có hỏi lớp người ở lứa tuổi 30, 35 hiện tại về B.15, ai cũng lắc đầu không biết nó là cái quái gì.

Tất cả giờ đây chỉ còn là ký ức và rồi cũng sẽ phôi pha cùng thời gian. Lớp lính tráng Lôi Hổ năm xưa, đã một thời ngang dọc, tung hoành trong núi rừng Trường Sơn, đã một thời quậy phá thị xã Kontum, nay cũng dần dần già nua tàn lụi theo năm tháng. Người ra đi mang kiếp lưu vong, không quê hương; kẻ ở lại ngậm đắng nuốt cay trong muôn vàn khổ cực; vất vưởng trong xã hội mà kẻ thắng trận đang tàn phá đất nước và rồi sẽ xuôi tay nhắm mắt, ôm theo nỗi tiếc nuối của một thời dọc ngang.

Tháng 4 Đen, 2004
Lôi Hổ Nguyễn Hữu Thọ
CĐ2XK/SLL/NKT/TTM
B15 – Kontum
18/04/2005
https://vietbao.com/a25803/nho-ve-truong-son





 

==================================




Chi Ro Bu

Những Người Bạn Thám Kích Của Chúng Tôi…
#b7c5a5


Biệt Kích Nùng



Charles Schwiderski
Thuộc Toán Cố Vấn MACV 24 Nhiệm kỳ 1967-1968
Nguyên cố vấn cho Thám Kích Cao Nguyên, Biệt Khu 24 QLVNCH, Kontum

Hà Kỳ Lam dịch
Lời người dịch: Trong chiến tranh Việt Nam trước đây, thế giới đã từng nghe danh những chiến trường như Khe Sanh, Plei Me, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả v.v. Nhưng có những trận đánh không tên và mức độ khốc liệt của chúng ít ai biết đến. Chi Ro Bu là một trận chiến trên Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, tuy ở qui mô nhỏ, nhưng độ khốc liệt của nó đã khiến cho một cố vấn Mỹ trong cuộc mỗi lần hồi tưởng lại phải sụt sùi rơi lệ. Được phép của tác giả thiên hồi ký này, Charles Schwiderski, người dịch xin hân hạnh chuyển ngữ gửi đến quí độc giả.

HKL.


Chi Ro Bu – Hai đại đội thám kích Cao Nguyên của Biệt Khu 24, QLVNCH, đại đội 403 và đại đội 406, trong đó có tôi và một viên cố vấn nữa tháp tùng, nhận lệnh lùng tìm tung tích trung đoàn 24 chính qui Bắc Việt trong vùng rừng núi trùng điệp Chi Ro Bu. Vùng núi Chi Ro Bu tọa lạc ở phía bắc tỉnh Pleiku, trong vùng giáp ranh với tỉnh Kontum, và nằm về phía đông quốc lộ 14 chạy từ Pleiku đến Kontum và tiếp tục về hướng Dak To.

Hầu hết lính thám kích là người Thượng, trong khi sĩ quan là người Kinh. Lực lượng thám kích là những đơn vị trinh sát chỉ trang bị nhẹ với súng trường M16, lựu đạn, súng phóng lựu M79, và vài vũ khí chống tăng nhẹ M72.

Sáng sớm ngày 19-8 chúng tôi lên xe rời hậu cứ Thám Kích tại thị xã Kontum trực chỉ một địa điểm trên QL 14, từ đó chúng tôi xuống xe biến vào núi. Hai đại đội thám kích được chỉ định chiếm hai mục tiêu khác nhau, tiến quân theo hai trục riêng rẽ nhưng song song với nhau. Ý niệm điều quân là, nếu đại đội nầy bị lâm nguy thì đại đội kia có thể tiếp cứu. Hai chúng tôi được chỉ định đi với đại đội 406. Tôi cảm thấy biết ơn về sự điều động đó, bởi vì vị đại đội trưởng của 406 là một anh chàng ba-gai nhưng là một sĩ quan xuất sắc.

Có tin cho hay Trung Đoàn 24 chính qui Bắc Việt dự định tấn công thị xã Kontum. Các đơn vị QLVNCH đang nổ lực lùng tìm Trung Đoàn 24 chính qui Bắc Việt trong thung lũng sông Dak Akoi phía đông bắc thị xã Kontum, nơi quân Bắc Việt đang chuẩn bị cho cuộc tấn công của họ. Bị áp lực của các đơn vị QLVNCH nầy, quân Bắc Việt đã di chuyển vào thung lũng Ia Tower, và rồi có lẽ đã bôn tẩu vào vùng núi Chi Ro Bu.

Binh sĩ và sĩ quan của hai đại đội thám kích tham dự cuộc hành quân đều biết rằng họ đang dấn thân vào một chiến trận có thể khốc liệt, tuy rằng công tác của thám kích không phải ăn thua với quân Bắc Việt. Họ chỉ có nhiệm vụ xác nhận sự hiện diện của địch và tìm vị trí của chúng để báo cáo lên thượng cấp.

Trước khi rời Kontum, tôi nhận thấy phần lớn quân nhân thám kích đều có vẻ căng thẳng và lo lắng, kể cả các sĩ quan. Do những điều loan truyền từ các đơn vị hoạt động trong vùng thung lũng sông Dak Akoi, những quân nhân thám kích đã xem cuộc hành quân này rất nghiêm trọng. Tôi đã làm cố vấn thám kích gần một năm nay rồi, và tôi chưa bao giờ thấy họ lo lắng như thế. Tôi thấy thám kích được cấp phát và mang theo đạn dược nhiều hơn thường lệ. Họ biết đây sẽ là cuộc hành quân không dễ ăn đâu. Sự lo âu của họ đã tác động đến tôi, vì cuối cùng tôi cũng mang thêm đạn, lựu đạn, và một cục pin dự trữ cho máy truyền tin.

Đoàn xe chở thám kích từ Kontum đến điểm xuất phát đã đến nơi vào khoảng gần trưa. Thám kích xuống xe, tập họp, và hai đại đội cùng tiến vào vùng hành quân để sau đó rẻ ra hai hướng, mỗi đại đội hướng về mục tiêu của mình. Vài cây số đầu tiên địa thế tương đối bằng phẳng. Chúng tôi đi qua vài ngôi làng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, cảnh tượng đã gieo vào lòng tôi một nỗi lo sợ mông lung, và tôi có thể cảm nhận chính điều đó trong lòng những người lính thám kích quanh tôi.

Địa thế bằng phẳng nhường lối cho những mô gò dưới chân núi, và những mô gò nhường lối cho những dốc núi cao. Bức màn che của cây lá khởi đi từ cỏ cây và vòm lá một tầng trên thế đất bằng phẳng đến vòm lá hai tầng ở các mô gò, đến rừng rậm với vòm lá ba tầng của núi cao dốc đứng. Dọc lối tiến quân chúng tôi thấy các đường mòn chạy từ các mô gò dưới chân núi và từ rừng rậm ra quốc lộ. Đây có thể là lộ trình quân Bắc Việt di chuyển ra quốc lộ để phục kích các đoàn xe quân đội Mỹ và QLVNCH di chuyển giữa Kontum và Pleiku. Khi chúng tôi tiến sâu vào rừng, chúng tôi tìm thấy những vị trí đóng quân tạm của quân Bắc Việt, có đầy đủ hố cá nhân và hầm đặt súng cộng đồng. Một cảm giác bất an dường như xâm chiếm hai đại đội thám kích.

Chúng tôi tiếp tục di chuyển và khi trời tối dần, hai đại đội bố trí đóng quân đêm như thường lệ. Sau khi thiết lập các điểm hỏa tập phòng thủ với pháo binh yểm trợ và liên lạc với phòng hành quân để hỏi xem có tin tức gì mới về tình báo hoặc về kế hoạch hành quân, tôi ra ngồi bên ngoài chiếc võng và tấm poncho che mưa nắng của mình và ngước nhìn trời sao. Các vì sao đêm ấy sao tuyệt vời thế, sáng thế, đẹp thế và an bình thế và tôi tự hỏi không biết mình có sẽ được bình yên trở về từ vùng núi đồi này không. Sau đó tôi chui vào võng và ngủ thiếp đi cho đến khi những tiếng người nói léo xéo làm tôi thức giấc. Trong đêm tối vài tên lính Bắc Việt lên tiếng nhục mạ thám kích chúng tôi, mà những quân nhân thám kích thì thừa kinh nghiệm không đáp lại để lộ vị trí của mình. Thậm chí có tên cán binh Bắc Việt nói được chút đỉnh tiếng Anh đã gào lên, “Mày sẽ chết sớm, thằng Mỹ” (“You die soon, Yankee”), vì biết có vài cố vấn Mỹ đi với thám kích. Hiển nhiên quân Bắc Việt đã biết thám kích đang ở đây. Tôi khẽ gọi xin pháo binh tác xạ vào hai điểm trong số những điểm hỏa tập tiên liệu, và những tiếng gào kia im bặt.

Bình minh ló dạng, cơm đã nấu chín, ăn uống xong, và hai đại đội lại rẻ ra, mỗi bên theo lộ trình của mình, tiến sâu hơn vào rừng núi Chi Ro Bu.

Đại đội 406 có vào khoảng bảy mươi lăm binh sĩ và hai sĩ quan. Trong ba đại đội thám kích, đại đội này xuất sắc nhất và tôi cảm thấy thoãi mái khi được biết mình sẽ đi với họ khi hành quân vào tận núi đồi Chi Ro Bu. Đỉnh cao 1128 thước hay là 3700 feet trên mặt biển là mục tiêu sắp tới của chúng tôi. Cho đến hôm nay chúng tôi chưa chạm trán với quân Bắc Việt nhưng chúng tôi biết họ đang theo dõi chúng tôi khi chúng tôi di chuyển xuyên qua cánh rừng rậm. Chúng tôi đang đi trong vùng vòm lá ba tầng nên tầm nhìn chung quanh chỉ độ mấy feet. Một anh chàng bộ đội Bắc Việt có thể ở khoảng cách một yard mà ta có thể không biết hắn ta đang ở đó. Rừng già, thâm u, và rất im vắng, quá im vắng.

Chúng tôi dừng lại nghỉ một lát, thử máy móc truyền tin, xem lại bản đồ và thấy hồ nghi điểm đứng của mình. Lát sau chúng tôi bắt đầu leo núi.

Chúng tôi biết quân Bắc Việt ở gần đâu đây, và chúng tôi biết họ đang quan sát, theo dõi chúng tôi nhưng chúng tôi có những mục tiêu phải thi hành. Chúng tôi gặp phải thế đất rất dốc, và có sự báo động từ đầu hàng quân chuyền lại phía sau. Tôi tiến lên phía trước mới hay toán đi đầu đã phát giác những bậc cấp dẫn lên núi, vài chỗ có cả lan can để vịn tay. Anh em thám kích biết ngay mình đang ở trong canh bạc, đối dầu với một lực lượng địch rất lớn. Chúng tôi không đi theo các bực cấp, sợ đụng mìn bẫy hay bị phục kích, nhưng băng rừng lên núi. Tại một điểm chúng tôi phát giác đường dây điện thoại giăng từ trên núi xuống. Vị đại đội trưởng thám kích gọi về Bộ Tư Lệnh Biệt Khu báo cáo những gì vừa tìm thấy, và nhận được lệnh tiếp tục tiến chiếm mục tiêu kế tiếp. Bất đắc dĩ, người đại đội trưởng ra lệnh tiếp tục di chuyển.

Chúng tôi tiếp tục leo núi, có cảm giác gần địch nhưng chưa đụng độ. Chẳng bao lâu chúng tôi lên đến đỉnh núi giống như một quả đồi hay một thế đất cao bên sườn của ngọn núi lớn Chi Ro Bu. Ngọn đồi này giống như một đường đỉnh ngắn. Có dấu vết cho thấy vùng này mới đây đã có người sử dụng, có thể là một đơn vị chính qui Bắc Việt đóng quân đêm. Đại đội dừng ở đây trên dãi đường đỉnh cụt ngủn để nghỉ mệt. Nhiều anh lính lấy cơm nắm, vắt từ cơm dư sáng nay, ra ăn. Nghỉ ngơi xong, chúng tôi tiếp tục leo núi.

Chúng tôi vừa rời cái đường đỉnh cụt ngủn được một lát thì một phát súng bắn vào tôi từ một khoảng cách gần đâu đây. Phát súng dường như chỉ hụt đầu tôi khoảng một phân inch. Thám kích dàn đội hình phòng thủ, nhưng chẳng thấy động tĩnh gì tiếp theo. Có vẻ như đoàn quân thám kích vừa đi qua gần vị trí canh gác của một lính Bắc Việt. Anh ta đợi một mục tiêu tốt, một người Mỹ như tôi (cao sáu feet hai inches, gần gấp đôi chiều cao của anh em thám kích quanh tôi, và nổi bật như ánh điện nê-ông chớp nháy) và nổ súng. Thật ơn phước, anh ta đã bắn trật và sau khi đợi ít phút cho thần kinh của tôi lắng xuống, chúng tôi lại lên đường.

Chúng tôi đâu có ngờ, khoảng hai tiếng đồng hồ sau khi tôi bị bắn tỉa, chúng tôi đang tiến vào một trận địa phục kích khéo léo của quân Bắc Việt. Chẳng ai biết rõ sự thể ra sao, nhưng theo suy đoán thì lực lượng Bắc Việt đã bố trí trận địa phục kích rộng lớn hình chữ U để chúng tôi bước vào và bị đánh từ ba hướng. Thành phần đi đầu nghi ngờ có gì không ổn và cả đoàn quân dừng lại. Khinh binh tiền sát và hai khinh binh nữa được lệnh tiến bước dò đường.

Khi họ đi tới thì mọi sự phơi bày ra hết, khu rừng rậm vang dội hỏa lực địch không sao tả xiết. Không tưởng tượng nỗi cái khối lượng hỏa lực mãnh liệt đổ về phía chúng tôi. Có cả vũ khí cộng đồng, vũ khí cá nhân, lựu đạn, hỏa tiễn B40. Không sao tiến tới trong lượng hỏa lực như vậy. Ba người lính thám kích đi dò đường đã chết ngay tại chỗ. Thật đáng buồn, chúng tôi không lấy xác họ được. Không đến được với chiến hữu của mình là cả một sự đau khổ đối với tập thể thám kích. Nhiều người tin rằng người chết phải được chôn cất, nếu không, vong linh họ cứ vất vưởng trong cõi trần này mãi mãi.

Chúng tôi đã khám phá sớm cuộc phục kích nhưng phải rút lui xuống núi để không bị tiêu diệt. Quân Bắc Việt hình như đang dồn quân và di chuyển để vây hai bên sườn chúng tôi khi thám kích triệt thoái xuống núi. Khi súng bắt đầu nổ tôi lập tức gọi pháo binh yểm trợ nhưng tác xạ của pháo binh dường như chỉ có tác động hạn chế đối với khối lượng hỏa lực của quân Bắc Việt. Đài trung ương tác xạ pháo binh duy trì một hàng rào hỏa lực phía sau và hai bên sườn chúng tôi, cầm chân quân Bắc Việt, khi chúng tôi di chuyển xuống núi.

Cuối cùng chúng tôi trở lại được cái đường đỉnh cụt ngủn. Cơ may duy nhất của chúng tôi là tìm cách cố thủ nơi nào có thuận lợi của thế đất cao và ngọn đồi này bên sườn dãy núi lớn cho chúng tôi địa thế cao đó. Không hiểu sao, quân Bắc Việt không truy kích, điều nầy giúp thám kích có thời gian thiết lập một vòng đai phòng thủ tốt và tận lực đào hầm hố. Chúng tôi đã lãnh thêm hai tử thương và một số bị thương nhẹ do hỏa lực dữ dội của địch, nhưng không mang theo được hai xác đồng đội xuống núi với chúng tôi. Gọi trực thăng tản thương là điều không thể được với rừng rậm tàng lá ba tầng và không có bãi đáp gần vị trí chúng tôi. Dù có bãi đáp đi nữa, hỏa lực quân Bắc Việt mãnh liệt như thế, một chiếc trực thăng đáp xuống hay bay là là trên mặt đất cũng sẽ lâm nạn.

Việc kể lại câu chuyện nầy thật rất khó khăn đối với tôi và sẽ còn khó khăn hơn nữa khi khơi dậy sự việc của ba ngày sắp tới. Vài người bạn tốt sẽ ra đi và tôi biết cố gắng moi ký ức từ trong óc mình, ở đó tôi cố đè nén bao lâu nay, sẽ khổ tâm và đau đớn. Tôi sẽ khóc như tôi vẫn luôn luôn rơi lệ mỗi khi ký ức đưa tôi về lại khoảng thời gian và không gian nầy.

Để phối hợp yểm trợ của Mỹ hiệu quả hơn, vị đại đội trưởng thám kích yêu cầu phân phối một cố vấn Mỹ bên phải hay mặt phía nam, và một cố vấn Mỹ bên trái hay mặt phía bắc của vòng đai đóng quân, với hướng trước mặt hay mặt phía đông đối diện núi Chi Ro Bu. Mặt sau hay mặt phía tây là hướng đi xa núi Chi Ro Bu. Ông ấy cùng với viên cố vấn kia bố trí ở mặt bắc của vòng đai và viên đại đội phó và tôi tìm một vị trí ở mặt nam tuyến phòng thủ. Chúng tôi may mắn gặp một thân cây to với một lổ bộng trong gốc từ đó có thể quan sát cả mặt phía đông và mặt phía nam của vòng đai phòng thủ. Lổ bộng dưới gốc cây gần giống như một pháo đài mà ít nhất chúng tôi có trần để che chở. Người lính mang máy truyền tin cho tôi và người lính hiệu thính viên của viên đại đội phó nhảy ngay xuống cái hố dưới gốc cây. Tôi hơi lo rằng hai cần ăng-ten tại một vị trí sẽ thu hút hỏa lực của quân Bắc Việt, nên đã phủ thêm mấy bụi cây để che chúng lại.

Lúc đầu tôi thấy sởn tóc gáy với ý nghĩ bò xuống cái lổ bộng trong gốc cây, tưởng tượng đến những con vật bò sát đang làm tổ trong ấy. Tôi đang suy nghĩ đến những con rắn rít đó thì có tiếng nổ “départ” thật rõ của súng cối và tôi quên ngay mọi con vật bò trườn và phóng xuống chỗ ở mới của tôi khi những quả đạn cối bắt đầu nổ trên vòng phòng thủ của chúng tôi.

Khi đạn cối nổ chung quanh, thì vòng đai phòng thủ của chúng tôi ở mặt đối diện ngọn núi lớn cũng bắt đầu nhận hỏa lực cá nhân của địch. Tiếp theo đó là một đợt tấn kích thăm dò nhỏ. Lực lượng thám kích liền đẩy lui quân Bắc Việt và may phước thật trận pháo kích cũng giảm dần rồi im bặt.

Vị đại đội trưởng thám kích liên lạc bằng vô tuyến với đại đội 403 và bảo họ tìm cách bắt tay với chúng tôi nhưng họ đang đụng nặng với quân Bắc Việt nên không thể di chuyển. Chúng tôi đành tự lực.

Trong ánh sáng nhá nhem, tôi thiết lập những điểm hỏa tập phòng thủ tiên liệu có đánh số với Đài Trung Ương Tác Xạ pháo binh. Nếu tôi cần pháo binh tác xạ tôi có thể yêu cầu bằng cách cho Đài Trung Ương Tác Xạ biết số của mục tiêu và mọi điều chỉnh, và thế là hỏa lực pháo binh sẽ đang trên đường đi. Viên cố vấn Mỹ tại tuyến phòng thủ mặt phía bên kia cũng làm tương tự.

Một phi công điều khiển oanh kích của không quân Mỹ trên chiếc máy bay nhỏ của anh ta vào tần số liên lạc với tôi và bảo nếu chúng tôi cần yểm trợ anh sẽ lên vùng. Chúng tôi đang bị hỏa lực đại liên cỡ lớn từ dãy núi lớn bắn xuống, nên tôi cho viên phi công tọa độ nơi tôi phỏng đoán địch đặt súng và anh ta nói sẽ xem có thể làm gì để giúp chúng tôi. Sau mấy phút, tôi thấy chiếc phi cơ điều khiển oanh kích bay tới và bắn trái khói vào dãy núi lớn, ngay tọa độ tôi cho anh ta. Rồi tiếp đến là tiếng gầm thét của máy bay phản lực khi chúng nhào xuống mục tiêu bốc khói do phi cơ điều khiển oanh kích để lại. Những màn nhào lộn này được tiếp nối bằng những tiếng nổ của bom do chúng thả xuống và bằng tiếng gầm khủng khiếp của động cơ phản lực khi chúng cất lên bay xa. Nhờ vậy hỏa lực đại liên hạng nặng đã im tiếng trong đêm. Tôi cám ơn viên phi công điều khiển oanh kích và anh ta bảo nếu cần yểm trợ xin cứ gọi.

Trong mấy tiếng đồng hồ sau đó chúng tôi không bị một trận tấn kích qui mô nào nhưng bị quấy rối thăm dò vì quân Bắc Việt muốn điều nghiên vị trí chúng tôi. Chúng tôi cũng bị nhiều đợt pháo kích bằng súng cối, cứ mỗi lần ít quả. Khi đêm dần tàn và bình minh sắp ló dạng quân Bắc Việt đánh mạnh ở mặt phía đông và phía bắc. Một loạt hỏa lực đạn cối dữ dội bắt đầu rơi trên vị trí chúng tôi kèm theo nhiều hỏa tiễn B40 do bộ binh Bắc Việt bắn, phần lớn đụng cây cối nổ tung rãi miễng nóng hổi khắp mặt đất.

Chiến trận ở mặt bắc của tuyến phòng thủ ác liệt, và lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam tôi mới nghe tiếng ré xé trời của kèn đồng và tu-huýt mà quân Bắc Việt dùng để thúc quân. Viên cố vấn Mỹ ở hướng đó đang điều khiển pháo yểm của Mỹ, và từ vị trí thuận lợi của mình, tôi điều hỏa lực pháo binh về mặt phía đông của phòng tuyến chúng tôi. Cuối cùng quân Bắc Việt rút lui, bỏ lại trên sườn đồi nhiều xác chết và thương binh. Đơn vị thám kích có bốn chết và nhiều bị thuơng. Tiếng rên la của thương binh hai bên thật khiếp đảm và vang dội buổi bình minh. Các y tá thám kích chăm sóc thương binh hết sức mình vì không thể có trực thăng tản thương. Với tình hình chiến trường này, một số thương binh có thể bị tử vong vì không được tản thương.

Vì giao tranh nặng, số anh em thám kích nào phải đứng mũi chịu sào hướng tấn công mạnh nhất hầu như không còn đạn dược. Các hạ sĩ quan của đại đội phải đi gom đạn từ các thám kích ở mặt phía nam và phía tây của vòng đai phòng thủ để phân phối lại cho những ai hết đạn. Đạn dược đã trở nên một mối ưu tư lớn.

Vị đại đội trưởng thám kích gọi máy xin tái tiếp tế đạn và nước uống nhưng trước khi chuyến tái tiếp tế đến được thì quân Bắc Việt lại một lần nữa tấn công chúng tôi, lần này đánh vào phía của tôi. Tôi lập tức gọi pháo binh yểm trợ và điều chỉnh tác xạ, cho đạn rơi thật gần mình rồi điều chỉnh tác xạ rãi dần đi xuống sườn đồi về phía quân Bắc Việt. Quân Bắc Việt vẫn cứ tiến lên, di chuyển từ thân cây nầy đến thân cây kia. Thám kích ném lựu đạn và bắn vào lính Bắc Việt đang tiến tới. Hỏa lực của lực lượng tấn công thật dữ dội, súng cá nhân, súng cộng đồng và hỏa tiễn B40. Khói thuốc nổ vờn không trung như một màn sương. Lại cũng tiếng ré của kèn đồng và thanh âm như xé màn nhĩ của tu-huýt.

Một toán quân Bắc Việt đang tiến về phía lổ bộng dưới gốc cây của chúng tôi. Đạn dược khan hiếm, nên chúng tôi lựa mục tiêu, nhắm và bắn thận trọng, không muốn phí một viên đạn. Tôi nhắm và bắn một tên lính Bắc Việt dường như đang nhìn tôi và tiến đến tôi. Hắn giật nẩy người khi viên đạn của tôi trúng hắn nhưng vẫn tiếp tục tiến tới. Tôi bắn một phát nữa và hắn quỵ xuống nhưng lại đứng dậy và cứ tiến tới. Tôi không tin nỗi, nhưng kìa, hắn đang tiến tới gần tôi. Tôi bắn nữa, lần này hắn ngã gục xuống rồi cố bò về phía tôi. Cuối cùng khi hắn chết thì chỉ còn cách miệng hố của tôi khoảng một sãi tay, và đôi mắt dường như đang dòm tôi, với miệng cười nhạo báng. Suốt thời gian trên mỏm đồi, mỗi lần từ trong hố ẩn núp nhìn ra tôi phải chạm mặt với miệng cười nhạo báng kia.

Hỏa lực pháo binh do tôi điều khiển tiếp tục rải đạn lên xuống sườn đồi, đốn ngã đội hình tấn công của địch nhưng nhiều lính Bắc Việt đã xông sát vị trí chúng tôi đền nỗi tác xạ pháo binh không làm gì được chúng, và chúng đang đánh xáp lá cà với thám kích. Thám kích chế ngự được chúng nhưng quân Bắc Việt tiếp tục tấn công. Thám kích từ mặt phía bên kia được điều sang tăng cường cho chúng tôi.

Viên phi công điều khiển oanh kích của không lực Mỹ vào tầng số vô tuyến của tôi và hỏi xem anh ta có thể giúp gì không. Tôi yêu cầu anh ta chấm vùng mục tiêu dưới chân đồi và những trục nghi ngờ là lộ trình tiến sát đến chân đồi. Một lát sau, anh ta gọi không yểm đến đánh vào những vùng đó.

Cuộc tấn công của quân Bắc Việt thưa dần rồi ngưng hẳn. Lính Bắc Việt chết và bị thương nằm ngổn ngang trước khu vực phòng thủ của chúng tôi. Cây cối và thảo mộc bên trong lẫn bên ngoài vòng đai phòng thủ và toàn ngọn đồi đã đổi dạng từ rừng dày đặc thành những bộ xương tan tành của rừng rậm trước đây. Thám kích nhận lãnh thêm ba tử thương và nhiều bị thương, trong đó một số anh em còn có thể tiếp tục chiến đấu, một số khác thì không. Một lần nữa, các y tá thám kích cố gắng hết sức mình chu toàn nhiêm vụ.

Một trực thăng tái tiếp tế đến và cố bay lơ lửng tại chỗ trên vị trí chúng tôi nhưng hỏa lực dữ dội của quân Bắc Việt đã đuổi chiếc máy bay đi. Nó bay một vòng rồi trở lại trên vị trí chúng tôi với vận tốc nhanh, đạp những thùng đạn xuống. Phần lớn những thùng đạn rơi bên ngoài vòng đai của chúng tôi, và những thùng rơi bên trong khu vực chúng tôi thì vỡ tung khi chạm đất làm đạn tung tóe khắp nơi. Lính chạy đi nhặt đạn trong khi xạ thủ bắn tỉa của quân Bắc Việt nhắm bắn họ. Đạn dược thu hồi xong được phân phát cho mọi người. Số đạn dược chúng tôi thu hồi được chắc chắn là “đỡ khổ”, nhưng không đủ để đương đầu với nhiều đợt tấn công nữa.

Sau đợt tấn công vừa rồi, cũng gần trưa. Tất cả trở nên im vắng một cách lạ lùng, không có quấy rối thăm dò, không có pháo kích. Thám kích thừa dịp tu bổ vị trí, chăm sóc thương binh và gắng nghỉ xã hơi. Thật đáng phục khi thấy những thương binh còn khả năng chiến đấu đã đứng vững ở phòng tuyến như thế nào. Một số thương binh không còn khả năng trụ ở vị trí chiến đấu nhưng có thể sử dụng vũ khí khi cần, đã xin được cầm súng để phòng khi địch tấn công hay đột nhập vào phòng tuyến. Nếu có thể được, họ cố gắng bảo vệ đồng đội bị thương.

Lực lượng hành quân lại yều cầu một chuyến tái tiếp tế nữa, xin đạn dược và nước uống. Khoảng một hay hai tiếng đồng hồ sau, trực thăng tái tiếp tế đến và được hai trực thăng võ trang hộ tống. Trực thăng võ trang đã yểm trợ hết sức mình nhưng trực thăng tái tiếp tế lại cũng bị hỏa lực quân Bắc Việt đuỗi bay xa và cũng lại bay trên đầu chúng tôi với vận tốc nhanh và đạp những thùng nước và thùng đạn xuống. Phần lớn những thùng nước bị vỡ tung khi chạm đất nhưng một ít nước lấy được đã dành riêng cho thương binh. Cũng như lần trước, phần lớn những thùng đạn rơi bên ngoài vòng đai phòng thủ và những thùng rơi bên trong vòng đai bị vỡ tung nhưng không đến nỗi tệ hại như lần trước và đạn dược đã được thu hồi và phân phát. Tình trạng đạn dược có cải thiện nhưng vẫn còn nghiêm trọng.

Xế trưa ngã dần sang chiều tối và quân Bắc Việt vẫn để chúng tôi yên ổn, có lẽ không phải đang gom quân để đánh nữa, nhưng chắc chắn đang liếm những vết thương rĩ máu. Nhiều lính Bắc Việt nằm chết trên sườn đồi của chúng tôi và vài tên bị thương vẫn còn đang rên la. Hoàng hôn chuyển sang đêm tối và hỏa châu do pháo binh yểm trợ bắn đã tỏa ánh sáng kỳ ảo trên sườn đồi và trên vị trí chúng tôi. Ánh sáng hỏa châu được mọi người hoan nghênh vì nó giúp chúng tôi quan sát được quân Bắc Việt nếu chúng có giở trò gì. Cùng lúc hỏa châu bắt đầu bắn lên, quân Bắc Việt cũng bắt đầu rót đạn cối vào chúng tôi, cứ hai hay ba quả một lúc. Không ai hề gì cả nếu ẩn dưới hầm, trừ phi quả đạn rơi ngay vào hố.

Hỏa lực súng nhỏ lúc đầu nghe lẻ tẻ, từ từ tăng cường độ, rồi rộ lên ở mặt phía tây của vòng đai. Quân Bắc Việt hình như đang đánh vào một khu vực nhỏ của vị trí chúng tôi, chậm rãi di chuyển mũi tấn kích dọc theo vòng đai về phía bắc. Địch đang thăm dò lực lượng chúng tôi, tìm điểm yếu nhất. Một lát sau tiếng súng im bặt.

Lại im lặng, ngoại trừ đạn pháo của súng cối. Tôi nhận được tin báo từ phòng hành quân rằng Spooky sẽ lên vùng và sẵn sàng yểm trợ. Spooky là phi cơ AC-47 của Mỹ trang bị ba cây súng liên thanh nhỏ hoặc liên thanh nhiều nòng¹. Công dụng chính của nó là yểm trợ tiếp cận cho bộ binh. Spooky có thể ở trên vùng mấy tiếng đồng hồ, cung cấp hỏa lực chế ngự đối phương rất hiệu quả. Ba giây khạt đạn của tất cả các nòng liên thanh trên một chiếc Spooky có thể rãi một viên đạn trong mỗi foot vuông của một sân football. Mấy phút sau Spooky gọi báo cho biết đang ở trên đầu chúng tôi và sẵn sàng yểm trợ. Tôi cho họ biết hiện giờ tình hình yên tĩnh ngoại trừ đạn cối đang bắn vào vị trí chúng tôi. Spooky nói sẽ cố tìm ánh lửa xuất phát từ các nòng súng cối và sẽ diệt chúng. Thật thế, lần kế tiếp quân Bắc Việt bắn súng cối, Spooky khám phá được vị trí súng và đã diệt bằng một tràng liên thanh. Tôi cám ơn Spooky và yêu cầu họ tác xạ trên các lộ trình tiến sát đến vị trí chúng tôi để đề phòng quân Bắc Việt đang tập trung để mở một đợt tấn công mới. Spooky đáp ứng bằng cách trải hỏa lực hủy diệt trên các lộ trình tiến đến vòng đai phòng thủ của chúng tôi.

Hiển nhiên quân Bắc Việt biết Spooky đang bay trên vùng và chúng ngán vũ khí tuyệt vời này. Bỗng chốc tôi nghe từ máy truyền tin của mình giọng rõ ràng người Việt Nam gọi “Spooky, Spooky”. Quân Bắc Việt đã tìm được tần số của tôi và đang thử gọi Spooky. “Spooky, Spooky” lại vang lên nhiều lần từ miệng quân Bắc Việt. Viên phi công của Spooky vào tần số liên lạc và nói, “nghe như những người bạn nhỏ của chúng ta đang gọi tôi.” Anh ta cười và nói có thể thả hỏa châu soi sáng nếu cần và sẽ bay vòng vòng trên vị trí cho đến khi phải rời vùng lấy thêm nhiên liệu.

Đêm trôi qua yên tĩnh như lần trước từ lúc trận chiến kinh khủng trên quả đồi bắt đầu. Sự yên lặng bị phá tan với tiếng nổ của lựu đạn do thám kích ném từ phía tôi, mặt phía nam của vòng đai phòng thủ. Họ vừa nghe tiếng bước chân di chuyển ngay dưới sườn đồi. Những tiếng nổ của lựu đạn được đáp lại ngay lập tức bằng hỏa lực dữ dội của súng nhỏ và hỏa tiễn B40 từ phía lực lượng Bắc Việt. Bộ phận đi đầu của địch đã có thể bò gần vòng phòng thủ mấy feet trước khi bị phát giác. Bọn chúng có thể là đơn vị đặc công tinh nhuệ, được huấn luyện đặc biệt để bí mật tiến sát và nằm phục sẵn chờ đến giây phút tấn công. Spooky đã thấy những đốm lửa đạn của quân Bác Việt và lập tức thả hỏa châu và khai hỏa xuống lực lượng tấn công, rãi hỏa lực trên sườn đồi. Quân Bắc Việt tiếp tục tấn kích một lát nhưng rồi tất cả trở nên im lặng, và tình hình yên tĩnh cho đến sáng. Spooky vào tần số liên lạc với tôi và báo cho biết phải rời vùng để đổ thêm nhiên liệu nhưng sẽ trở lại nếu cần.

Ánh sáng ban mai trở lại đã đem đến cho mọi người một cảm tưởng an tâm nhưng tôi tin chắc tất cả anh em thám kích đều băng khoăng không biết rồi chúng ta có thoát khỏi nơi nầy không. Đến giờ phút nầy tôi không đếm hết được số thương vong của thám kích nhưng tôi biết là cao. Đạn dược còn ít, và thực phẩm, nước uống coi như đã cạn. Nước đang là vấn đề quan trọng không kém đạn dược, và nếu không được tiếp tế sớm, nhiều người trong chúng tôi sẽ ngã gục vì cơ thể thiếu nước. Vị đại đội trưởng thám kích gọi máy yêu cầu tái tiếp tế ngay những thứ cần thiết đó và được cho biết mọi thứ đã sẵn sàng và máy bay sẽ thả xuống sớm.

Buổi sáng yên tĩnh, không có pháo kích, chỉ lẻ tẻ tiếng súng nhỏ. Lợi dụng những thân cây cao to bị ngã đỗ quanh đồi vì chiến trận, một số lính Bắc Việt áp sát vị trí chúng tôi, ở đó được an toàn không bị hỏa lực pháo binh. Những tên lính Bác Việt núp giữa những cây đỗ dưới sườn đồi la hét chửi bới thám kích, và thám kích chửi lại. Thỉnh thoảng một anh thám kích ném một quả lựu đạn xuống đồi về phía quân Bắc Việt, và tiếp theo là một tràng cười chế giễu và chữi bới của tên lính Bắc Việt đang ẩn ngoài tầm lựụ đạn. Tôi đang xem màn biểu diễn này thì nghe một anh thám kích gọi tôi đến vị trí của anh. Tôi bò về phía anh thám kích, và anh ta đưa tôi một quả lựu đạn và chỉ xuống dưới đồi. Đoạn anh thám kích hét một câu chửi, và được đáp lại một câu chửi của người lính Bắc Việt. Do tiếng hét của người lính Bắc Việt tôi ước đoán vị trí và ném quả lựu đạn đến đó. Lựu đạn tôi ném xa hơn lựu đạn của anh thám kích, đã rơi đúng mục tiêu. Anh thám kích lại hét một câu chửi nữa nhưng không nghe đáp lại từ tên lính Bắc Việt gần vị trí khả nghi. Dĩ nhiên sau khi tôi giúp anh thám kích kia, tôi đã được các thám kích khác dọc tuyến phòng thủ cầu cứu. Dễ chừng tôi đã ném mười lăm đến hai mươi quả lựu đạn với động tác ném baseball buổi sáng đó, và cánh tay tôi đau rã rời.

Một chiếc trực thăng tái tiếp tế cố lơ lửng trên đầu chúng tôi, bị địch bắn phải bay xa, thả một trái khói. Chiếc trực thăng thứ hai bay nhanh đến và đạp những thùng đồ tiếp tế xuống với phần lớn rơi bên ngoài vòng đai của chúng tôi. Cố gắng thu hồi những thùng đồ tiếp tế rơi bên ngoài vị trí là cầm chắc cái chết. Chúng tôi đã không lấy được bao nhiêu đạn, nhưng chúng tôi lấy được nhiều nước uống đang cần.

Chuyến tái tiếp tế xong rồi, mọi sự lại yên tĩnh. Khoảng một thời gian ngắn sau đó vị trí chúng tôi lại bị pháo kích nhiều bằng đạn cối. Chúng tôi cũng bị hỏa lực đại liên và hỏa tiễn B40 từ trên núi lớn bắn xuống. Tôi liền gọi máy bay điều khiển oanh kích lên vùng và gọi pháo binh tác xạ vào dãy núi lớn. Hỏa lực pháo binh chẳng làm giảm cường độ hỏa lực địch bao nhiêu.

Phi cơ điều khiển oanh kích đến cũng vừa lúc địch đang mở đợt tấn công mạnh khắp mặt phía bắc, phía nam, và phía đông của vị trí chúng tôi. Đợt tấn công nầy là mãnh liệt nhất từ khi chúng tôi bám ngọn đồi nầy.

Tôi liên lạc với viên phi công điều khiển oanh kích và tường trình cho anh ta rõ tình hình đang diễn ra ở đây. Anh ta nói có thể yêu cầu Spooky và phản lực cơ lên vùng trong vòng ba mươi phút, và anh ta có thể giúp điều chỉnh hỏa lực pháo binh yểm trợ.

Tôi điều chỉnh tác xạ pháo binh từ dãy núi lớn sang các sườn đồi của chúng tôi để cố chận đứng lực lượng bộ binh của quân Bắc Việt. Một số thám kích từ mặt phía tây được điều động vào giữa vị trí để làm lực lượng tiếp ứng khi điểm nào dọc vòng đai phòng thủ cần.

Vào thời gian nầy quân Bắc Việt phá rối tần số chính máy truyền tin của toán cố vấn bằng cách cho phát thanh nhạc Việt trên ống liên hợp mở. Tần số chính không sử dụng được. Tôi chỉnh máy sang tần số giải tỏa, và trong khoảng một tiếng đồng hồ quân Bắc Việt lại dò ra tần số và quấy phá nữa. Chúng tôi không còn liên lạc truyền tin. Vị đại đội trưởng thám kích cho hay địch cũng đang phá rối tần số của mình. Viên cố vấn kia và tôi đã phá hủy cuốn đặc lệnh truyền tin của chúng tôi vì vị trí của chúng tôi có nguy cơ bị tràn ngập. Đặc lệnh truyền tin là tập tài liệu nhỏ chúng tôi mang theo, gồm có mật mã tryền tin dùng để giữ bí mật cho những công điện, tần số liên lạc cùng danh hiệu của các đơn vị bạn, và các điều bí mật khác mà nếu lọt vào tay quân Bắc Việt thì thật tai hại.

Tôi rà máy truyền tin dò tìm tần số một một đơn vị bạn để thiết lập liên lạc. Cuối cùng tôi liên lạc được với một đơn vị bảo trì ngoại vi Pleiku về phía nam. Thật khó khăn để thuyết phục cho họ tin mình không phải là địch, nhưng rồi rốt cuộc cũng được họ giúp tiếp vận những điều mình yêu cầu, và với sự trợ giúp của họ, chúng tôi đã có thể thiết lập tần số chính và tần số giải tỏa mới. Chẳng được bao lâu, quân Bắc Việt lại khám phá ra tần số chính mới của chúng tôi và quấy nhiễu nữa, nhưng họ không tìm ra hay quấy nhiễu tần số giải tỏa mới của chúng tôi.

Quân Bắc Việt đang dốc toàn lực đánh chúng tôi. Đây là một trận đánh lớn, gần như một trận quyết sống mái đối với chúng. Chung quanh vị trí chúng tôi, thám kích đang cố thủ nhưng áp lực địch thì dữ dội. Đạn dược đang thiếu trầm trọng và anh em thám kích buộc phải bắn từng phát một để bảo đảm mỗi viên đều trúng đích.

Quân Bắc Việt đang tấn công rất ác liệt vào mặt phòng thủ phía của tôi. Tôi liên lạc với phi công điều khiển oanh kích và anh ta cho biết quan sát rất rõ những gì xãy ra dưới đó và sẽ điều khiển pháo binh. Tôi quay sang tập trung chú ý đối đầu với quân Bắc Việt đang tiến lên đồi.

Tôi có viết một bài thơ, nó sẽ diễn tả lại khoảng thời gian gần hai tiếng đồng hồ sắp tới của chiến trận sống động hơn văn xuôi. Dưới đây là bài thơ đó.

Những Bóng Hình²

Chúa ơi, bọn chúng lại đến!
Tôi hãi quá… tôi không muốn chết!
Tôi nhìn qua miệng hố và thấy.
Những bóng hình xám xịt chơi vơi bên dưới,
Những bóng hình chạy từ gốc cây đến gốc cây.
Những bóng hình tiến lên dốc đồi,
Những bóng hình di động để giết tôi.
Những bóng hình di động để cướp đi mộng đẹp của đời tôi,
Tôi giương súng nhắm một bóng hình chơi vơi bên dưới,
Giờ gần hơn… giờ rõ hơn.
Tôi bóp cò và một hình hài ngã xuống,
Miệng há hốc như nói với chính mình.
Những bóng hình khác rõ hơn đang tiến đến tôi,
Bắn tôi,
Ném lựu đạn vào tôi,
Tiến đến tìm tôi.
Tôi thấy khói từ nóng súng của chúng,
Cảm được viên đạn lướt qua gần sát thân mình,
Cảm được chấn động của lựu đạn chúng nổ,
Nghe tiếng rít của hỏa tiễn bay qua.
Tiếng ré của kèn đồng chúng xung trận,
Âm thanh xé màng nhỉ của tiếng tu huýt,
Tôi hét lên và run vì sợ!
Nhưng cẩn thận ngắm súng vào những bóng hình bên dưới,
Siết cò súng hết phát nầy đến phát khác,
Không thể để trượt… gần hết đạn rồi.
Không thể để trượt… không được phí một viên.
Những bóng hình tràn ngập khắp nơi,
Những bóng hình sao nhiều đến thế?
Xin Chúa giúp con!
Tôi siết cò súng nhưng không gì xảy ra,
Chúa ơi, con hết đạn rồi!!!
Tôi rút băng đạn ra khỏi súng và với lấy một băng khác,
Tôi sục sạo nhưng không còn gì… hốt hoảng, hốt hoảng, hốt hoảng!
Tôi tìm được một băng đạn… băng cuối, và lắp vào súng.
Ngắm và bắn, ngắm và bắn và bắn và bắn,
Thêm nhiều bóng hình ngã gục,
Xác thân nằm mọi nẻo.
Chết chóc đang vây quanh tôi,
Những bóng hình đang xông tới,
Những bóng hình hiện diện khắp nơi,
Những bóng hình đang xáp đến bên tôi,
Những bóng hình nhiều quá đi thôi...
Xin hãy giúp tôi!!


Chúng tôi cực kỳ khan hiếm đạn và may thay một trực thăng tái tiếp tế đang trên đường đến với chúng tôi. Spooky chưa đến nhưng các phản lực cơ đã đến và máy bay điều khiển oanh kích đã giao nhiệm vụ cho họ đánh sườn dãy núi lớn và những nơi nghi ngờ là lộ trình tiến sát của địch.

Trực thăng tái tiếp tế đã đến và phải đạp những thùng đồ tiếp tế xuống khi bay ngang đầu chúng tôi với vận tốc nhanh. Hỏa lực bắn vào trực thăng thật dữ dội nhưng nó lơ lửng tại chỗ trên không vừa đủ để phần lớn những thùng tiếp tế rơi đúng trên vị trí chúng tôi. May thay, trực thăng chở toàn đạn, và các thương binh đã phụ giúp phân phối đạn đến thám kích dọc vòng đai phòng thủ. Chúng tôi đã lấy lại niềm hy vọng, thật vô vàn cám ơn người phi công trực thăng nầy!

Quân Bắc Việt đang chọc thủng phòng tuyến chúng tôi ở nhiều điểm và lực lượng tiếp ứng đã rượt đuỗi và bắn hạ những tên đã lọt vào bên trong vòng đai. Lực lượng này cũng bổ sung các vi trí thiếu quân dọc phòng tuyến. Lại thêm xác chết và lính bị thương của quân Bắc Việt khắp ngọn đồi và bên trong vòng đai của chúng tôi. Tôi yêu cầu viên phi công điều khiển oanh kích điều chỉnh tác xạ pháo binh sát phòng tuyến chúng tôi với “cự ly hiểm nghèo”. Chúng tôi đang có nguy cơ bị địch tràn ngập. Tác xạ pháo binh gần như đang rơi trên vị trí chúng tôi, nhưng đang làm khốn đốn quân Bắc Việt. Chốc lát sau đó Spooky lên vùng. Lập tức Spooky được giao nhiệm vụ đánh bằng liên thanh chung quanh vị trí chúng tôi. Pháo binh ngưng tác xạ trong khi Spooky làm nhiệm vụ của mình.

Anh lính thám kích mang máy truyền tin cho vị đại đội phó bị bắn trúng đầu và chết, nhưng trước khi anh ta chết máu chảy ngập thành một vũng trong bộng cây. Trong khi trận đánh tiếp diễn, chúng tôi trong bộng cây bị tắm máu của người lính đáng thương ấy.

Trong khi trận chiến đang tới hồi mãnh liệt nhất thì B52 rãi bom trên rặng núi lân cận, vùng oanh kích gần chúng tôi hơn khoảng cách thường được cho phép. Hậu quả của bom thật không tưởng tượng được. Mặt đất đong đưa như trong một trận động đất lớn và dưỡng khí bị lực nổ hút, làm cho khó thở.

Sự xuất hiện của Spooky dường như đã thay đổi số phận chúng tôi bằng cách chận đứng đà tấn kích của quân Bắc Việt vào ngọn đồi nhờ hỏa lực liên thanh trên máy bay. Khi quân Bắc Việt lui quân, Spooky tác xạ trên các vùng nghi ngờ là lộ trình rút lui. Trên đỉnh đồi, chúng tôi vẫn nhận lãnh hỏa lực mạnh của địch từ rặng núi lớn bắn sang và các chiến đấu cơ phản lực đang chiếu cố ngọn núi đó. Trời đã xế chiều và trận tấn công coi như đã kết thúc. Tiếng rên la của thương binh hai bên nghe thật kinh hồn. Tôi giả vờ không thấy khi thương binh Bắc Việt nằm trong vòng đai bị bắn cho chết. Đó là lần duy nhất tôi thấy thám kích giết thương binh Bắc Việt. Về phần thám kích, những thương binh còn đi được thì ở tại vị trí, còn những người chết, và những thương binh không thể chiến đấu thì được tập trung vào khoảng giữa vòng đai.

Những người lính thám kích, theo quan sát của tôi, gần giống như những con người máy, cũng sinh hoạt, cử động nhưng như người mất hồn và hết sức bơ phờ mệt mõi. Tôi nghĩ mình cũng như vậy. Tôi biết mình cũng cảm thấy như thế. Đạn dược của những người đã mất và những người bị loại khỏi vòng chiến được gom lại và phân phối cho các chiến binh khác trên phòng tuyến.

Spooky và các phản lực cơ tiếp tục đánh các vị trí khả nghi có quân Bắc Việt, nhưng vị trí của chúng tôi thì yên tĩnh. Vị đại đội trưởng thám kích nhận được liên lạc từ đại đội 403 qua máy truyền tin, thông báo họ đang cố gắng di chuyển đến vị trí của chúng tôi. Một trực thăng tản thương đang cố bay lơ lửng trên không phận chúng tôi để câu các thương binh lên nhưng bị hỏa lực của quân Bắc Việt buộc phải bay xa. Quân Bắc Việt vẫn còn hiện diện chung quanh, và nếu chúng tôi muốn di tản thương binh và tử sĩ thì chúng tôi phải di chuyển đến một địa điểm khác, nơi có thể lập một bãi đáp cho trực thăng.

Một trực thăng tái tiếp tế nữa bay đến, có các trực thăng võ trang hộ tống. Trực thăng võ trang đánh các sườn dốc chung quanh ngọn đồi trong khi chiếc trực thăng tiếp tế cố lơ lửng một chỗ trên không và thả các thùng đồ xuống.

Đồ tiếp tế gồm cả thực phẩm hành quân “ration C” và nước uống. Thực phẩm và nước uống được phân phối cho anh em thám kích, và một số để dành cho đại đội 403.

Buổi chiều chuyển dần sang hoàng hôn, và Spooky cũng như phi cơ điều khiển oanh kích phải rời vùng để đổ thêm nhiên liệu. Các máy bay phản lực đã rời vùng trước rồi. Vị đại đội trưởng thám kích nhận được liên lạc từ đại đội 403 qua máy truyền tin, yêu cầu ngưng mọi tác xạ vì họ đang di chuyển đến gần vị trí. Chỉ trong phút chốc, dưới chân đồi phía của tôi có những tiếng la lớn và tiếp theo là những tiếng reo mừng của anh em thám kích trên đồi. Đại đội 403 đã đến. Đại đội 403 di chuyển theo đội hình hàng dọc và tiến thẳng vào phòng tuyến trên đồi, khiêng theo thương binh và tử sĩ trong những chiếc cáng dã chiến tự chế. Số tổn thất của đại đội 403 là tám chết và mười lăm bị thương. Số người bị thương và chết “mới đến” được tập trung chung với số chết và bị thuơng của đại đội 406. Nước, thực phẩm và đạn dược còn lại được phân chia cho anh em thám kích của đại đội 403 ngay khi họ di chuyển vào vị trí phòng thủ ở mặt phía tây và bắc của vòng đai. Các tay súng của đại đội 406 thám kích thì chiếm lĩnh các vị trí mặt phía đông và nam của vòng đai. Hoàng hôn lui dần vào màn đêm và đạn cối của quân Bắc Viẽt lại rót vào vị trí. Tôi điều khiển pháo binh bắn vào các điểm nghi ngờ là vị trí đặt súng cối của địch. Mức độ pháo kích giảm, nhưng những quả đạn cối lẻ tẻ cứ tiếp tục rơi xuống vị trí chúng tôi suốt đêm. Chúng tôi cũng bị vài trận đánh thăm dò nhỏ bằng bộ binh và một trận tấn công lớn hơn ở mặt phía bắc của vòng đai, nhưng lực lượng thám kích đã đẩy lui. Đã đến lúc nên rút khỏi nơi nầy.

Trận thử lửa của chúng tôi với trung đoàn 24 chính qui Bắc Việt đã là điều kiện xúc tác cho một cuộc đọ sức qui mô hơn, lôi cuốn các lực lượng Nam Việt Nam và Mỹ vào chiến trường. Hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 42 QLVNCH, một tiểu đoàn của Sư Đoàn 4 bộ binh Mỹ và một thành phần của một đơn vị Biệt Động Quân QLVNCH đã được điều động tham chiến với quân Bắc Việt. Đơn vị bạn gần chúng tôi nhất là bộ phận tiền phương của Trung Đoàn 42 QLVNCH. Bầu trời dường như rợp bóng trực thăng và máy bay các loại yểm trợ các đơn vị nầy. Thật vững bụng khi biết có lực lượng bạn đang hiện diện đâu đó, đang mở đường tiến về phía chúng tôi.

Đêm trôi qua yên tĩnh, chỉ một quả đạn cối duy nhất pháo vào vị trí, và hầu hết thám kích đã có một giấc ngủ ngon lành, kể cả tôi. Tôi đã quá mệt mõi, cả thể xác và tinh thần, và rất mừng mình còn sống.

Trời vừa sáng, chúng tôi nhận được kế hoạch rút khỏi nơi nầy và di chuyển đến vị trí một đơn vị bạn. Phòng hành quân ước lượng bộ phận tiền phương của Trung Đoàn 42 QL VNCH ở cách xa khoảng hai nghìn yards về phía tây. Theo kế hoạch, hai đại đội thám kích sẽ di chuyển về hướng đơn vị bạn dưới màn hỏa lực pháo binh yểm trợ rót chung quanh. Trực thăng võ trang sẽ bắn phá phía trước trong khi chúng tôi di chuyển. Các phi cơ phản lực sẽ đánh ngay trên ngọn đồi sau khi chúng tôi rời đồi, và sẵn sàng ứng trực khi chúng tôi cần. Chắc chắn là địch đang có mặt trên lộ trình ấn định trong kế hoạch, bởi vì đơn vị bạn mà chúng tôi sắp di chuyển đến đang bị quân Bắc Việt đánh phá dữ dội. Trước khi chúng tôi rời bỏ vị trí, một trực thăng tản thương đã cố bay lơ lửng tại chỗ trên không để tiếp nhận thương binh nhưng lại cũng bị hỏa lực súng nhỏ bắn rất “rát” đuỗi đi. Quân Bắc Việt vẫn bám trụ, không bỏ cuộc.

Vào khoảng giữa trưa thì chúng tôi bắt đầu rút khỏi vị trí, Đại Đội 406 đi đầu, cách một quảng đến Đại Đội 403 làm thành phần yểm trợ. Mỗi người lính còn khỏe mạnh trong Đại đội 406 đều khiêng cáng tãi thương tự chế. Chúng tôi mang theo tất cả đồng đội chết và bị thương. Tôi cõng một anh lính thám kích trẻ bị đạn ở bụng dưới, hai chân và tay anh ta phải buộc dây phía trước người tôi, để tôi rãnh hai tay sử dụng máy truyền tin và khẩu súng khi cần. Ngay giây phút vừa rời vị trí thì số anh em thám kích đã ra khỏi vòng đai liền bị hỏa lực súng nhỏ của quân Bắc Việt bắn rất rát. Tôi tiến lên và gọi pháo binh tác xạ vào quân Bắc Việt. Trận đọ súng diễn ra khoảng hai mươi đến ba mươi phút, và quân Bắc Việt bỏ chạy. Chúng tôi lại nhận lãnh thêm thương binh phải săn sóc. Màn lưới hỏa lực pháo binh yểm trợ lại được điều chỉnh về phía trước đội hình thám kích và cuộc rút quân tiếp tục. Khi phân nửa lực lượng thám kích đã ra khỏi vị trí thì quân Bắc Việt bắt đầu bắn súng cối và hỏa tiễn B40 vào chúng tôi. Trực thăng võ trang chiếu cố các vị trí súng cối, và đoàn quân lại tiếp tục di chuyển. Cả hai đại đội rời khỏi ngọn đồi, rời khỏi cái đường đỉnh cụt ngủn, và tiếp tục hướng về tây, về phía an toàn. Bức màn hỏa lực thép được điều chỉnh về hai bên hông và đằng sau đội hình chúng tôi và các phản lực cơ đánh cái đường đỉnh cụt ngủn sau khi quan sát thấy quân Bắc Việt xuất hiện trên ngọn đồi.

Chúng tôi di chuyển chậm, địa thế hiểm trở, hỏa lực pháo binh yểm trợ hình như đang cầm chân quân Bắc Việt ở quảng xa. Anh thám kích đáng thương tôi cõng cứ rên lên khe khẽ mỗi khi tôi vấp nhẹ một cái. Tôi cảm được vết thương anh ta đang rỉ máu, do cảm giác nước ấm trên lưng mình. Tôi tìm đến một y tá và anh ta nói chẳng giúp gì được cho đến khi gặp đơn vị bạn.

Chúng tôi có thể đoán mình đang tiến gần đến vị trí đơn vị bạn, vì tiếng súng giao tranh với quân Bắc Việt nghe càng lúc càng lớn. Vào khoảng xế trưa quân Bắc Việt khai hỏa bằng súng nhỏ vào đoàn quân hàng dọc của chúng tôi, từ phía trước và hông phía nam. Thám kích bắn trả và tôi điều chỉnh hỏa lực pháo binh về phía trước và sườn phía nam để đối phó với cuộc tấn công của quân Bắc Việt. Trong vòng mấy phút cuộc giao tranh chấm dứt và chúng tôi tiếp tục di chuyển.

Chúng tôi được tin trận chiến dữ dội đơn vị bạn đang quần thảo với địch đã lắng xuống mức độ bắn tỉa lẻ tẻ. Chúng tôi gọi máy truyền tin liên lạc với các cố vấn của đơn vị tiền phuơng Trung Đoàn 42 QLVNCH và với vị sĩ quan chỉ huy đơn vị tiền phương, thông báo họ chúng tôi đang đến gần và yêu cầu tác xạ thận trọng kẻo bắn lầm. Khoảng ba mươi phút sau, các thám kích đi đầu đội hình chúng tôi đã tiếp xúc được với lính của Trung Đoàn 42 và chúng tôi từ từ di chuyển vào vòng đai phòng thủ của họ. Chúng tôi tiếp tục đi cho đến khi gặp đại đội tổng hành dinh của tiểu đoàn đang tham chiến của Trung Đoàn 42 QLVNCH.

Vị trí nầy có một bãi đáp, vì vậy chúng tôi đặt các thương binh và tử sĩ gần bãi đáp để các y tá của thám kích và của đại đội tổng hành dinh săn sóc các thương binh. Anh thám kích trẻ tôi cõng trên lưng vẫn còn sống và mĩm cười với tôi khi tôi đặt anh ta nằm xuống.

Trực thăng tản thương đã được yêu cầu và sẽ đáp xuống trong chốc lát, trước là di tản thương binh, và sau đó di tản tử thi. Một trực thăng đáp xuống, chở thực phẩm và nước uống cho thám kích, và đạn dược cho tiểu đoàn của Trung Đoàn 42. Khi công tác tản thương hoàn tất, các trực thăng bắt đầu đến để chở thám kích về Kontum. Quý hoá quá, một viên cố vấn của Trung Đoàn 42 đảm trách công việc liên lạc nầy, trong khi tôi tìm một chỗ ngã lưng nghỉ ngơi. Tôi biết mình bắt đầu sụt sùi thổn thức và người lính thám kích mang máy truyền tin của tôi bước đến bên cạnh và cố gắng an ũi tôi. Tôi nghĩ anh ta hiểu rằng sự căng thẳng của những gì vừa qua cuối cùng đang bộc phát ra, và chúng tôi ôm nhau. Chúng tôi còn sống!

Tôi đàm đạo với vị đại đội trưởng của 406 và anh ta nói 50% đại đội của mình tử thương hay bị thương. Đại đội 406 lên đường hành quân với quân số 77 người, kể cả hai sĩ quan. Trong tổng số nầy, 19 người đã tử trận và 21 người bị thương. Trong số thương binh, 6 người nữa sớm muộn rồi cũng sẽ ra đi. Đại đội 403 có 9 tử trận và 17 bị thương. Trong số thương binh, có ba người trước sau rồi cũng không sống được. Một sự trả giá thật kinh khủng, và tôi cảm thấy áy náy đã không thể làm gì hơn để bảo vệ những con người tuyệt vời nầy, những người lính thám kích của tôi.

Quân Bắc Việt đã trả một giá cực kỳ đắc. Không có cách nào đếm chính xác con số tử vong của họ, nhưng căn cứ vào những gì tôi chứng kiến, phải có từ 250 đến 300 xác chung quanh ngọn đồi và ngay trong vòng đai của chúng tôi. Trên dãy núi lớn và trên các đường tiến sát đến vị trí chúng tôi, còn nhiều tử vong của quân Bắc Việt nữa. Thêm vào đó, quân Bắc Việt hẳn phải nhận lãnh một con số thương binh cực kỳ cao.

Vì trời sắp tối, viên cố vấn của Trung Đoàn 42 cho tôi biết chiếc trực thăng sắp đến sẽ chở viên cố vấn kia, hai đại đội trưởng thám kích, ba binh sĩ thám kích cuối cùng và tôi về Kontum. Chúng tôi leo lên và chiếc trực thăng cất cao lên trời quay mũi về hướng bắc, đi Kontum. Vị Đại Đội Trưởng đại đội 406 thám kích chìa tay ra bắt tay hai chúng tôi và cám ơn đã giúp hầu hết đại đội của ông vượt qua trận chiến, đoạn ông ta quay nhìn những địa hình thoáng qua bên ngoài trực thăng, nỗi buồn hằn rõ trên mặt. Chúng tôi bay trên vùng trời Kontum và đáp xuống một bãi đáp gần hậu cứ của thám kích. Binh sĩ thám kích còn lại của hai đại đội tập họp đội hình chỉnh tề đứng chờ, thân nhân thì trông chờ chồng, cha. Một số bà vợ của những tử sĩ cũng đứng chờ và khóc than to lên vì mất người thân. Một nhóm khác gồm vợ của các chiến sĩ mà xác thân còn nằm lại trên rặng núi lớn. Những tiếng than khóc của họ nghe thật kinh hồn và triền miên. Nguyện vọng của họ là làm sao lấy được và chôn cất thi thể chồng họ. Suốt mấy ngày liền họ tiếp tục than khóc và van xin bên ngoài văn phòng Đại Đội 406.

Vị đại đội trưởng nói trước hàng quân những lời đầy khích lệ và rồi cho đại đội giải tán. Thật đáng buồn, vị Đại Đội Trưởng đại đội 406 bị vây bũa bởi vợ con đang gào khóc của những ngưòi lính thám kích mà xác thân còn nằm lại trên dãy núi lớn. Viên cố vấn kia và tôi bước vào xe jeep của chúng tôi, ném vật dụng hành quân vào phía sau xe và lái xe về doanh trại của MACV.

Mọi sự đã kết thúc!

Charles Schwiderski

11/25/07

Chú Thích:

(¹) Tức là Hỏa Long, thường thường trang bị 4 súng liên thanh cỡ nhỏ đa nòng – 24 nòng (chú thích của người dịch)

(²) Người dịch không có khả năng dịch thơ ngoại ngữ sang thơ Việt nên chỉ chuyển ngữ ra văn xuôi.

Categories: Hồi Ký

http://www.hakylam.com/chi-ro-bu/




~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~





                    Scroll down to read more. Kéo dây thang xuống ở cuối góc bên phải để đọc thêm


CHI RO BU
Charles Schwiderski

© Charles Schwiderski 11/25/07
MACV Advisory Team 24
1967-1968
Infantry Advisor to the Highland Scout Companies of the ARVN 24th Special Tactical Zone, Kontum



    by: Charles Schwiderski
    © Charles Schwiderski 11/25/07
    MACV Advisory Team 24
    1967-1968
    Infantry Advisor to the Highland Scout Companies of the ARVN 24th Special Tactical Zone, Kontum

    Chi Ro Bu - Two ARVN Highland Scout Companies of the ARVN 24th Special Tactical Zone, the 403rd and the 406th, accompanied by myself and another advisor, were given orders to try to locate the 24th NVA Regiment in the vast Chi Ro Bu Mountains. The Chi Ro Bu Mountains are located in northern Pleiku Province, just over the border from Kontum Province and just east of Highway 14, which runs from Pleiku to Kontum and on to Dak To.

    Nearly all the Scouts were Montagnards while the officers were Vietnamese. The Scouts were reconnaissance units, lightly armed with only M16 rifles, hand grenades, M79 grenade launchers and a couple M72 LAWs. Early on August 19th, we loaded onto trucks, which drove us from the Scout Compound in Kontum to a spot on Highway 14 where we made our way into the mountains. The two companies of the Scouts had different assigned objectives, which took them on different but parallel courses. The idea was that if one of the companies got into trouble, the other company could come to its assistance. We advisors were assigned to accompany the 406th Company. I was thankful for that, as the 406th Company Commander was an arrogant ass but an excellent officer.

    It was known that the 24th NVA Regiment had plans to attack Kontum City. ARVN units had been trying to locate the 24th NVA Regiment in the Dak Akoi River valley northeast of Kontum City where the NVA were staging for their attack. Under pressure from these ARVN units, the NVA moved into the Ia Tower Valley and then possibly into the Chi Ro Bu Mountains. The soldiers and officers of the two Scout companies assigned to the operation knew they were in for what could be a costly fight even though the Scouts were not supposed to get into a pitched battle with the NVA. They were just to try to confirm the presence of enemy units and try to pinpoint their locations and report back.

    Before we left Kontum, I noticed that the majority of the Scouts were uptight and edgy, including the officers. Because of the stories coming back from the ARVN units in the Dak Akoi river valley, the Scouts were all taking this operation very seriously. I had been a Scout advisor for nearly a year and I had never seen them this apprehensive. I noticed the Scouts were issued and were packing more ammunition than they would normally carry. They knew this was going to be a tough operation. Their apprehension was definitely affecting me as I also ended up packing extra ammo, hand grenades and a second spare radio battery. The trucks carrying the Scouts from Kontum to the jump off point arrived near mid-morning. The Scouts unloaded, formed up and the two companies headed off together to later split off and take on their own objectives. The first couple of klicks were on relatively flat ground. We passed a couple of overgrown old deserted villages, which gave me an eerie spooked feeling and I could sense the same in the Scouts around me.

    The flat ground gave way to foothills and the foothills to the steeper mountains. The tree cover went from the grass and single canopy of the flat ground to the double canopy of the foothills to the triple canopy rainforest of the steeper mountains. Along the way, we observed heavily used trails leading from the foothills and heavy rainforest to the highway. These were probably trails used by NVA units when they moved to the highway to ambush US and ARVN convoys moving between Kontum and Pleiku. When we reached the thicker rainforest, we found locations where NVA units had made temporary positions, complete with foxholes and bunkers. A sense of apprehension seemed to permeate the Scout Companies.

    We moved on and as light faded the two companies made their night positions as usual. After setting up defensive fire positions with our artillery support and checking with operations for any new Intel or operational info, I sat outside my hammock and poncho shelter and looked up at the stars. The stars were so awesome that night, so bright, so beautiful and so peaceful and I wondered if I would make it out of these mountains. Later I got in my hammock and fell asleep to be awakened by voices. Some NVA soldiers in the darkness were yelling insults at my Scouts, who were too experienced to respond and give their positions away. There was even an NVA soldier who knew some English and would yell, “You die soon Yankee,” knowing there was a couple of Americans with the Scouts. The NVA obviously knew the Scouts were here. I quietly called in artillery fire on two of the predefined positions and the yelling stopped. Dawn came, rice was cooked and eaten and the companies split, each going its own way further into the Chi Ro Bu Mountains.

    The 406th Company numbered about seventy-five rifleman and two officers. Of the three Scouts companies, they were the best and I took comfort in knowing I was with them as we humped to the base of Chi Ro Bu Mountain itself. The top at 1128 meters, or 3700 feet about sea level, was our next objective. So far, we had not made contact with the NVA but we knew they were watching us as we moved through the rainforest. We were in triple canopy so visibility was mere feet in any direction. An NVA soldier could be a yard away and you might not know he was there. It was deep, deep rainforest and very quiet, too quiet. We rested for a while, made commo checks, checked the map and wondered. Soon we were headed up the mountain.

    We knew the NVA were near, and we knew they were watching us but we had objectives we had to carry out. We came to very steep terrain and an alarm came down the line. I moved forward to find out that the leading element had found steps cut into the mountain, complete with handrails in some places. The Scouts knew we were in the crap, facing a very large enemy force. We did not take the steps for fear of bobby traps or ambush but instead made our own way up the mountain. At one point, we found commo wire running down the mountain. The Scout CO radioed the ARVN STZ HQ and relayed what we had found and was ordered to continue towards the next objective. Reluctantly the Scout CO ordered his men forward.

    We continued up the mountain, sensing the enemy but not making contact. Before long, we came to the top of what amounted to a sort of hill or high ground on the side of big Chi Ro Bu Mountain. This hill was like a ridge that started but ended before it went anywhere. There was evidence that this area had been used recently, probably by some NVA unit for a night position. The company stopped here on the ridge line that went nowhere and took a break. Many of the Scouts ate from rice balls, made from extra rice cooked in the morning. Soon the break was over and we pushed on up the mountain.

    Shortly after we left the ridge line that went nowhere, a shot was fired at me from somewhere close by. The shot seemed to miss my head by a fraction of an inch. The Scouts formed a defensive position but nothing else happened. Apparently, the Scout column had passed by the position of an NVA trail watcher. He waited for a good target, an American like me (who was six foot two inches tall, almost twice as tall as the Scouts around me, and stood out like a flashing neon sign) and took his shot. Thankfully, he missed and after waiting a few minutes for my nerves to calm down, we started our advance again. We did not know it, but about two hours after I was shot at, we were headed into a cleverly laid NVA ambush. Nobody knew for sure but speculation was that the NVA had set a large U shaped ambush into which we were supposed to walk and then be destroyed from three sides. The leading element of the Scout column suspected something was wrong and the column halted. The pointman and two others were ordered to move forward and check things out.

    As they moved forward everything opened up, the rainforest came alive with more enemy fire than can be described. It was unbelievable, the intense volume of heavy fire directed at us. There was automatic weapons fire, small arms fire, grenades and B40 rockets. It was impossible to advance into that volume of fire. The three Scouts who went forward were killed outright. Sadly, there was nothing we could do to recover their bodies. Not being able to get to their friends was devastating for the Scouts. Many of them believed that the dead had to be buried or their spirits would roam the earth forever.

    We had prematurely sprung the ambush but had to move back down the mountain or be annihilated. The NVA seemed to be grouping and moving to get around our flanks as the Scouts did an organized withdrawal down the mountain. As soon as the firing started, I was immediately on the radio calling for artillery support but the artillery fire seemed to have a limited affect on the volume of NVA fire. The artillery FDC kept a line of artillery fire behind us and on our flanks, holding off the NVA, as we moved back down the mountain. Eventually we made it back to the ridge line that went nowhere. Our only chance was to make a stand where we had the advantage of high ground and this hill on the side of the mountain give us that high ground. For some unknown reason the NVA did not press their attack, which gave the Scouts time to form a good defensive perimeter and dig in the best they could. We had suffered two more dead and a few slightly wounded Scouts from the intense enemy fire, but did manage to bring the two bodies down the mountain with us. Calling in a Dustoff or medevac chopper was impossible with the triple canopy rainforest and no LZ near our position. Even if an LZ had been available, the NVA fire was so strong that any attempt by a chopper to land or hover would have been a disaster.

    The telling of this story is very difficult for me and will get worse as the next three days unfold. Some very good friends will die and I know trying to pry the memories from my mind, where I have tried to suppress them for so long, will be hard and painful. There will be tears as there always is when my memory takes me back to this time and place.

    In order to better coordinate US support, the Scout CO asked that we have an American on the right or south side and left or north side of the perimeter with the forward or east side being the Chi Ro Bu side. The rear or west side was the side away from Chi Ro Bu. He took the other advisor with him to the north side of the perimeter and the XO and I and looked for a position on the south side of the perimeter. We lucked upon a big tree with a cavity in its root system that gave us a good view of both the east and south sides of the perimeter. The hole under the tree made sort of a bunker where at least we had overhead protection. The Scout carrying my radio and a Scout carrying the XOs radio jumped into the root cavity. I was somewhat concerned that the two whip antennas in the same area would draw heavy NVA fire so we added some brush, which hid the antennas.

    At first, I was freaked out about crawling into that hole in the roots, imagining all the creepy, crawly things that called that space home. While I was contemplating these snakes and crawly things, there was the distinct sound of mortar rounds leaving mortar tubes and I quickly forgot about any slithering creatures and dove into my new home as the mortar rounds were exploding within our perimeter.
    As the mortar rounds exploded around us, we also started to receive small arms fire from the side of our perimeter facing the big mountain. This was followed by a small probing attack. The Scouts quickly drove off the NVA and thankfully, the mortar attacked also faded away.
    The Scout Company Commander radioed the 403rd Company and told them to try to link up with us but they were heavily involved with the NVA and could not move. We were on our own.
    In the fading light, I set up pre-defined numbered defensive target positions with the artillery FDC. If I needed artillery fire, I could call for fire by giving the FDC the number of the position and any adjustments and the artillery fire would be on its way. The advisor on the other side of the perimeter did the same.

    A US Air Force FAC, or Forward Air Controller, in his small plane came up on my radio and told me if we needed his support he would be close by. We had been receiving heavier caliber automatic weapons fire from the big mountain, so I gave the FAC the approximate location from where I thought the fire was coming and he said he would see what he could do to help our situation. After a couple of minutes, I saw the FAC fly over and fire smoke rockets into the big mountain at the location I had given him. Then came the roars of fast movers as they made their diving runs on the smoke targets left by the FAC. These diving runs were followed by the explosions of the ordnance they dropped and by the terrible roar of their jet engines as they rocketed away. Thankfully, that stopped the heavy caliber automatic weapons fire for the night. I thanked the FAC and he said if I needed help to just call.

    For the next several hours, we did not receive a full assault but were subjected to probes as the NVA felt us out. We also received numerous mortar attacks of a few rounds each time. As night was barely beginning to turn into predawn the NVA hit us with a major attack on the east and north sides of our perimeter. A heavy mortar barrage began to fall inside our perimeter, accompanied by numerous B40 rockets fired by the NVA, most exploding against trees and spraying the area with hot shrapnel.
    The fighting on the north side of the perimeter was intense, and for the first time during my time in Vietnam, I heard the blare of trumpets and whistles that the NVA were using to direct their troops. The advisor on that side of the perimeter was directing US artillery fire support, and from my vantage point, I directed the artillery fire towards the east side of the perimeter. Eventually the NVA broke off their attack leaving numerous dead and wounded soldiers behind on the hillside. The Scouts suffered four dead and numerous wounded. The cries of wounded from both sides was terrible and filled the dawn. The Scout medics did the best they could for our wounded as a medevac was impossible. As the battle developed, some of our wounded would die because they could not be medevaced.

    Because of the heavy fighting, ammunition was almost gone for those Scouts who received the brunt of the attack. The Scout NCOs gathered ammo from those Scouts on the south and west sides of the perimeter and handed it out to those who were out. Ammunition had become the major concern.
    The Scout Company commander radioed for an ammunition and water resupply but before the resupply, the NVA hit us in force again, this time on my side of the perimeter. I immediately called for and adjusted incoming artillery fire, bringing the fire as close as I dared to our positions and then walking it down the hill into the attacking NVA. The NVA just kept coming, moving upwards from tree to tree. The Scouts were throwing grenades down at the NVA and firing at the approaching NVA soldiers. The fire from the attackers was intense, small arms fire, machine gun fire, and B40 rockets. Cordite hung in the air like a fog. Again, there was the blare of trumpets and the shriek of whistles.

    A group of NVA soldiers were advancing directly toward our hole under the tree. Ammo was critical so we were picking our targets, aiming and firing carefully, not wanting to waste a single round. I aimed and fired at an NVA soldier who seemed to be looking directly at me and coming for me. He jerked violently as my bullet hit him but he kept coming. I fired at him again and he dropped to his knees but got up and kept coming. I could not believe that he was still coming but there he was, almost to me. I fired and hit him again, this time he fell to the ground and then tried to crawl his way towards me. When he finally died, he was within arms reach of my hole, his eyes seemingly looking at me, with a leering grin of his face. For the rest of the time on the hill, every time I looked out of my hole I had to look at that leering grin.
    The artillery fire I was directing was continuing to crawl up and down the hill, killing the attacking NVA soldiers, but many NVA had gotten so close to our positions the artillery fire did not affect them and they were in a hand to hand fight with the Scouts. The Scouts beat them off but the NVA continued to attack. Scouts were sent from the other side of the perimeter to reinforce us.

    The US FAC came up on my radio and asked if he could help. I asked him to target the areas at the base of hill and likely approaches to the hill. Shortly after that, he had air support blasting these areas.
    The NVA attack slowly dissipated and finally stopped. NVA dead and wounded littered our side of the hill. The trees and vegetation, both inside and outside the perimeter and around the hill had changed from dense rainforest to blasted skeletons of what they had been. The Scouts had suffered three more dead and numerous wounded, some able to continue fighting, some not. Again, the Scout medics did what they could.

    A resupply chopper arrived and tried to hover over our position but intense NVA fire drove him off. He circled then came over our position at a high rate of speed, kicking out crates of ammunition. Most of the crates landed out side of our perimeter and those that landed inside broke open upon impact with the ground, sending rounds of ammunition flying in all directions. Scouts were running around trying to pickup the individual rounds while NVA snipers fired at them. Once the ammo was collected, it was issued out to everyone. The ammo we were able to collect would certainly help but it was not enough to hold off many more attacks.

    After the last attack, it was mid afternoon. It turned eerily quiet with no probes and no mortar attacks. The Scouts took the opportunity to reinforce their positions, take care of the wounded and rest the best they could. It was amazing how the wounded that could, took positions on the perimeter. Some of the wounded that were not able to take positions but were able to fire a weapon if needed asked for a weapon incase the NVA attacked and broke into the perimeter. If possible, they did what they could for their fellow wounded.

    Another resupply was requested, ammunition and water. The resupply chopper arrived about an hour or two later and was supported by two helicopter gunships. The gunships did their best but again the resupply chopper was driven off by the NVA and again flew over our position at a high rate of speed kicking out the water and ammunition. Most of the water containers burst open when they hit the ground but some water was salvaged and saved for the wounded. As before most of the ammo crates fell outside the perimeter and those that landed inside the perimeter burst open but not as bad as the first resupply and the ammo was collected and passed out. The ammo situation was improved but it was still serious.

    The afternoon was turning to dusk and still the NVA were leaving us alone, more than likely regrouping for more attacks, certainly licking their wounds. There was a large number of NVA dead on the sides of our hill and some wounded still cried out. Dusk turned to night and flares fired by our supporting artillery cast an eerie light on the hillsides and our perimeter. The light from the flares was welcome as it helped us see the NVA if they tried something. About the same time the flares started, the NVA decided to start lobbing mortar rounds at us again, two or three at a time landed inside our perimeter. Everyone was safe if below ground level, unless a mortar round landed directly in a foxhole.

    Small arms fire rose to a crescendo on the west side of the perimeter. The NVA seemed to be hitting just a small area of our perimeter, slowing moving their attack along the perimeter to the north side of the perimeter. The NVA were probing us again, looking for a weak spot. Shortly, the firing stopped.

    Again, it was quiet except for the incoming mortar rounds. I received a call on the radio from operations that Spooky would soon be over my area and was eager to help. Spooky was an AC-47 US aircraft specially equipped with three miniguns or multibarreled machineguns. Its primary function was for close air support for ground troops. Spooky could stay on position for hours, providing very effective suppressing fire. A three-second burst from all the miniguns in a Spooky, could put one round in every square foot of a football field. Within minutes, Spooky radioed that he was over my position and ready to help. I told him all was currently quiet except for the mortar rounds that were hitting inside our perimeter. Spooky said he would try to spot the flash from the mortar tubes when they fired and take them out. Sure enough, the next time the NVA mortars fired, Spooky spotted them and knocked them out with a burst of fire from his miniguns. I thanked Spooky and asked them to work over the approaches to our position in case the NVA were grouping for another attack. Spooky obliged by placing withering fire on the approaches to our position.

    Obviously, the NVA now knew that Spooky was on location and they feared this wonderful weapon. It was not long and I could hear “Spooky, Spooky” with a definite Vietnamese accent coming from my radio. The NVA had found my primary radio frequency and were trying to call Spooky. “Spooky, Spooky” was heard again and again from the NVA. Spooky came over the radio and said, “It sounds like our little friends are trying to call me.” He laughed and said he could drop flares if needed and would be flying around our position until he had to leave for refueling.

    The night passed as quietly as it had since the terrible battle on the hill started. The quiet ended with the explosion of grenades thrown by the Scouts on my side, the south side, of the perimeter. They had heard movement just down the hill. The grenade explosions were immediately followed by intense small arms and B40 rocket fire from the attacking NVA. The forward elements of the NVA attackers had been able to crawl within feet of our perimeter before being discovered. They were most likely a special sapper outfit, specially trained to advance with stealth and remain unseen until the moment of attack. Spooky had seen the firing and immediately started dropping flares and opened up on the attackers, spraying the hillside with fire from their miniguns. The NVA kept up their attack for a while but soon it became quiet again and was quiet until morning. Spooky came on my radio and said he had to depart for refueling but would come back if needed later.

    The return of sun light seemed to bring a sense of relief to everyone but I’m sure all the Scouts were wondering if we would ever make it out of here. At this point, I had lost count of the Scout casualties but I knew they were high. Ammunition was low and food and water were basically non-existent. Water was becoming as important as ammunition and if we did not get some soon, many of us would be falling from dehydration. The Scout Company Commander radioed for the badly needed resupply and was told supplies were already gathered and a drop would happen soon.

    The morning was quiet, no mortar rounds and only minor small arms fire. Taking advantage of the battle damage to the trees that used to stand tall around the hill, some of the NVA had pulled in close to our positions, where they were safe from artillery fire. The NVA soldiers hiding among the fallen trees below were yelling insults up at the Scouts and the Scouts were yelling insults back. Occasionally a Scout would throw a grenade down the hill towards the NVA followed by mock laughter and insults from the NVA who were hiding just outside the throwing range of the Scouts. I was watching this event taking place when I heard a Scout shout for me to come to his position. I low crawled over to the Scout and he handed me a grenade and pointed down the hill. He then yelled an insult down the hill followed by insults from the NVA. From the sound of the insult yelled by the NVA, I pinpointed a likely location and threw the grenade at that location. My reach with the grenade was further than the Scout's and landed right on target. The Scout then yelled an insult down the hill with no response from the NVA near the suspected location. Of course, after helping that Scout, I was being yelled at by other Scouts along the perimeter. I must have thrown fifteen to twenty grenades with a baseball throwing motion for extra distance that morning and my arm was very sore.

    A resupply chopper tried to hover over our position and was driven off, showing smoke as the pilot flew away and tried to make it to a friendly location. The other resupply chopper made the flying fast and kicking out the supplies maneuver with most of the supplies falling outside our perimeter. It was sure death to try to retrieve the supplies that fell outside the perimeter. We did not get much ammunition but we did get much needed water.

    The resupply over for now, it was quiet again. A short time later, our perimeter was hit with numerous mortar rounds. We also received automatic weapons and B40 rocket fire from the big mountain that overlooked our location. I immediately radioed for a FAC to come to our location and for artillery fire to blast the mountain. The artillery fire did little to alleviate the enemy fire.
    The FAC arrived on location just as the NVA were initiating a strong attack on the north, south and east sides of our perimeter. This attack was the strongest attacked we received during our stay on the hill. I radioed the FAC and told him what was going on. He said he could get Spooky and fast movers here in 30 minutes and would help adjust artillery fire.

    I adjusted the artillery fire from the big mountain to the sides of the hill to try to blunt the NVA ground attack. Some of the Scouts from the west side of the perimeter were moved to the middle of the perimeter to act as a reactionary force incase help was needed anywhere along the perimeter.

    About this time, the NVA jammed the advisory team main radio frequency by playing Vietnamese music over an open handset. The main frequency was unusable. I switched to our alternate frequency and within an hour, the NVA had found and jammed that frequency also. We were without radio communications. The Scout Company Commander said the NVA were jamming his frequency also. The other advisor and I had destroyed our SOI’s because of the imminent danger of our position being overrun. The SOI was a small soft cover booklet we carried that contained radio communication codes used to keep messages secret, friendly unit radio frequencies and call signs and other secret information that would be disastrous if it fell into NVA hands.

    I was on the radio turning the radio frequency dials trying to establish contact with a friendly unit. Eventually I did make contact with a maintenance unit out of Pleiku to the south. It was difficult to convince them that I was legitimate, but eventually they did start relaying messages for me and with their help, we were able to setup new main and alternate frequencies. Before long, though the NVA did discover our new main frequency and jam it but they did not discover or jam our alternate frequency.

    The NVA were hitting us with everything they had. This was the big one, kind of like do or die for the NVA. All around our perimeter the Scouts were holding their ground but the pressure was intense. Ammunition was becoming critically low and the Scouts were forced to fire on single shot to make every round count.

    The NVA were hitting my side of the perimeter extremely hard. I radioed the FAC and he said he had a good view of what was going on below and would handle the artillery. I turned my full attention to the NVA advancing up the hill.

    I wrote a poem that describes the next two hours of so of the battle better than I can with words. Here is that poem:

    Shapes

    Oh my God, they're coming again!
    I'm so very scared…I don't want to die!

    I look over the lip of my hole and see
    the gray floating shapes below
    shapes moving from tree to tree
    shapes moving up the hill
    shapes moving to kill me
    shapes moving to take away my dreams

    I raise my rifle and aim at a floating shape below
    now closer…now more clear
    I pull the trigger and a shape falls to the ground
    grasping at itself

    Other shapes…clearer still are coming at me
    shooting at me
    throwing grenades at me
    coming for me

    I can see the smoke from the barrels of their rifles
    feel the closeness of the passing bullets
    the concussion of their exploding grenades
    the screech of passing rockets
    the wail of their trumpets
    the shriek of their whistles

    I'm screaming and shaking with fear
    but I aim carefully at shapes below
    pulling the trigger…over and over again

    Can't miss…almost out of ammo
    can't miss…can't waste a round
    there are shapes everywhere
    so many shapes
    God help me

    I squeeze the trigger but nothing happens
    Oh God - I'm out of ammo!!!
    I pull the magazine from my rifle and reach for another
    I search and can't find one…panic, panic, panic
    I find one…my last, and jerk it into place
    Aim and fire, aim and fire and fire and fire
    more shapes falling to the ground
    bodies everywhere
    death is all around me.

    Shapes are coming
    shapes everywhere
    shapes coming at me
    so many shapes

    Help me!!

    We were extremely short of ammunition and luckily a resupply chopper was en route to our position. Spooky had not yet arrived but the fast movers had and the FAC had them busy blasting the side of the big mountain and likely approaches to our perimeter.

    The resupply chopper arrived and had to kick its load out as he flew over at a high rate of speed. The fire this chopper received was intense but he hovered just enough so most of his load landed inside our perimeter. Luckily, he was loaded with ammunition and wounded Scouts gathered and passed the ammo out to the Scouts on the perimeter. We had hope, thanks to this chopper pilot!!

    The NVA were breaking into our perimeter at various locations and the reactionary force went after and killed those that made it inside the perimeter. They also took up positions where needed along the perimeter. There were new NVA dead and wounded all over the hill and inside our perimeter. I radioed the FAC and had him bring in the artillery fire “danger close” to our perimeter. We were in serious danger of being overrun. The artillery fire was nearly falling inside our perimeter but it was raising hell with the NVA attack. After some time Spooky arrived on the scene. Spooky was immediately given the task of blasting the sides of our hill with his miniguns. The artillery fire was stopped while Spooky did his thing.
    The Scout carrying the radio for the XO was hit in the head and killed but before he died his blood covered the bottom of our hole in the roots. As the battle progressed, we in the hole were covered in that poor soldier’s blood.

    While the attack was at its heaviest, a B52 strike occurred on a neighboring ridge line, far closer to us than would normally be allowed. The result of the exploding bombs was incredible. The ground moved from side to side like in a huge earthquake and the oxygen in the air was drawn to the explosions making it difficult to breath.

    The arrival of Spooky seemed to change our fate by blunting the NVA attack on our hill with his miniguns. As the NVA withdrew, Spooky blasted likely avenues of withdrawal. We on the top of the hill were still receiving heavy fire from the big mountain and the fast movers went to work on the mountain. It was late afternoon and the attack was basically over. The cries of the wounded from both sides was horrible. I pretended not to see as NVA wounded inside the perimeter were shot. This was the only time I ever saw the Scouts kill wounded NVA. For the Scouts, walking wounded remained at positions on the perimeter and the dead and those that could not fight were moved to positions in the middle of the perimeter.
    The Scouts I observed looked almost like zombies, functioning but shell-shocked and extremely exhausted. I assumed I looked the same. I knew I felt like it. Ammunition from the dead and non-functioning wounded was gathered and spread out among the Scouts on the perimeter.

    Spooky and the fast movers continued to blast possible locations for the NVA but our position was quiet. The Scout Company Commander received a call on the radio from the 403rd Company stating that they were attempting to move to our location. A dust off chopper tried to hover over our location to try to hoist out wounded but was driven off by NVA fire. The NVA were still around and if we wanted to get our wounded and dead out we would have to move to an area where we could secure an LZ.
    Another resupply chopper arrived at our location accompanied by gunships. The gunships worked over the sides of hill while the resupply chopper hovered as best he could and dropped his load of supplies.
    The resupply included cases of C-rations and water. The C-rats and water were handed to the Scouts with some set aside for the 403rd Company.

    Afternoon was turning to dusk and Spooky had to leave to refuel as did the FAC. The fast movers had all ready left. The Scout Company Commander received a radio call from the 403rd Company to hold fire as they were close. Shortly yells from the down at the base of the hill on my side of the perimeter, were heard followed by cheers and yells from the Scouts on the hill. The 403rd had arrived. The 403rd Company moved up the hill in single file and into the perimeter, their dead and wounded on makeshift stretchers. The 403rd Company had suffered eight killed and fifteen wounded. The wounded and dead were added to the dead and wounded of the 406th Company. The remaining water, food and ammunition were given to the Scouts of the 403rd Company as they moved into defensive positions on the west and north sides of the perimeter. The 406th Company Scouts occupied positions on the east and south sides of the perimeter. Dust turned into night and NVA mortar rounds were again falling inside the perimeter. I directed artillery fire onto likely firing locations of the mortars. The rate of incoming mortar rounds was decreased but occasional mortar rounds continued to fall inside the perimeter throughout the night. We did receive a couple of ground probes and a heavier attack on the north side of the perimeter but the Scouts drove them off. It was time to get out of here.

    Our ordeal with elements of the 24th NVA Regiment had been the catalyst for a much larger battle involving both South Vietnamese and US forces. Two battalions of the ARVN 42d Regiment, a battalion of the US 4th Division and an element of an ARVN Ranger unit were committed against the NVA. The closest friendlies to our position were the forward elements of the ARVN 42nd Regiment. The sky seemed full of choppers, gunships and planes supporting these units. It was comforting to know that friendly units were out their, battling there way forward towards us.

    The night passed with only an occasional mortar round and most of the Scouts got some well needed sleep, including myself. I was physically and mentally exhausted and very happy to be alive.
    With morning came planning to breakout and reach a friendly position. Operations estimated that the forward elements of the ARVN 42nd Regiment were 2000 very long yards away to the west. The plan was for the two Scout Companies to move in the direction of the friendly unit under a surrounding curtain of artillery fire.
    Helicopter gunships were to work over the terrain in front of us as we moved forward. Fast moverswere to work over the hill after we left and be available if needed. There were certainly enemy units in the intended route as the friendly unit we were to head towards was heavily engaged by the NVA. Before we left, a dustoff chopper tried to hover to take on wounded but was driven off again by heavy small arms fire. The NVA were not giving up.

    We moved out about mid-day, the 406th Company first, interspaced with men from the 403rd for support. Every soldier in the 406th that was physically able carried an end of a makeshift stretcher. We were carrying out all of our dead and wounded. I carried a young Scout with a bullet wound in his abdomen on my back, his legs and arms tied in front of me so I could use my radio and rifle if necessary. Immediately upon leaving the perimeter, the Scouts outside the perimeter came under heavy NVA small arms fire. I moved forward and called in artillery fire on the NVA. The firefight lasted about 20 or 30 minutes with the NVA pulling away. We had more wounded to help. The curtain of hot steel was called for to the front of the Scouts and the breakout continued. As the first half of the Scouts cleared the perimeter, the NVA started to hit us with mortar rounds and some B40 rockets. The helicopter gunships went to work on the mortars and the march continued. Both companies cleared the hill, the ridge that went nowhere, and continued west towards safety. The curtain of steel was called for the sides and rear of our formation and the fast movers blasted the ridge that went nowhere after NVA were seen moving around on the hill.

    We were moving forward slowly, the terrain tough, the artillery screen seemed to be keeping the NVA away. The poor Scout I was carrying was moaning with each slight jar. I could feel that his wound was bleeding again from the warm wetness I could feel on my back. I found a medic and he said there was nothing he could do until we linked up with friendly forces.

    We could tell we were nearing the friendly forces as the sounds of their fire fight with the NVA were becoming much louder. It was nearing mid to late afternoon when the NVA hit us hard with small arm fire on the forward and south sides of our long single file formation. The Scouts returned fire and I adjusted the curtain of artillery fire on the front and south sides to meet the NVA attack. Within minutes, the fire fight was over and we continued moving.

    We could hear that the large firefight the friendlies we were moving toward had been involved in had quieted down to sniper fire. Radio calls were made to advisors with the forward unit of the ARVN 42d Regiment and to the officer in charge of the forward unit and told we were close and to watch their fire. About 30 minutes later the Scouts in the front of our formation made contact with soldiers of the 42d Regiment and we slowly moved into their perimeter. We continued forward until we linked up with the headquarters company of the ARVN 42d Regiment battalion that was attacking the NVA.

    There was a landing zone at this location so we placed the wounded and dead near the LZ were the medics from the Scouts and the headquarters company cared for the wounded. The young Scout I carried on my back was still alive and smiled at me as I helped place him on the ground.

    Dustoff choppers had been called for the wounded and dead and were soon landing in the LZ and then flying away first with the wounded and then the dead. A chopper landed with food and water for the Scouts and ammunition for the battalion of 42d Regiment. When the medevac was over, choppers started arriving to carry the Scouts back to Kontum. Thankfully, an advisor from the 42d Regiment took care of this operation while I a found a place to lie down and rest. I know I started sobbing and the Scout that carried my radio came to where I was and tried to sooth me. I think he understood that the stress of the ordeal was coming out and we hugged each other. We were alive!

    I talked with the 406th Company Commander and he told me 50% of his men were killed or wounded. The 406th Company had started the operation with 77 men, including two officers. Of these 19 had been killed and 21 wounded. Of the wounded, six would eventually die. The 403rd Company had nine killed and 17 wounded. Of these wounded, three would eventually die. What a terrible price and I felt guilty and still do for not being able to do more to protect these wonderful men, my Scouts.
    The NVA paid an extremely high price. There was no way to accurately count their dead but based on what I could physically see, there must have been 250 to 300 dead just around our hill and inside our perimeter. There had to be more NVA dead on the big mountain and in the approaches to our perimeter. In addition, the NVA had to have had an extremely high number of wounded.

    Just as it was getting dark, the 42d Regiment advisor told me the next chopper was going to carry the other advisor, the two Scout Company Commanders, the last three Scouts and myself to Kontum. We loaded on and the chopper rose into the sky and headed north to Kontum. The 406th Company Commander held out his hand to each of us advisors and thanked us for helping most of his company survive the ordeal then he turned and looked out the chopper at the passing terrain, his grief evident. We flew over Kontum and landed in an LZ near the Scouts compound. The remaining Scouts from the two companies were waiting in formation, their families waiting for their husbands and fathers to be released. Some wives of the dead were also waiting and wailing loudly because of their losses. In another group were the wives of the Scouts whose bodies still lay on the big mountain. Their wailing was terrible and did not end. They somehow wanted their husbands bodies found and buried. For days, they continued their wailing and pleading outside of the 406th headquarters.

    The company commanders gave their men rousing speeches and then released them. Sadly, the 406th Company Commander was surrounded by the wailing wives and children of the dead Scouts, still lying on the big mountain. The other advisor and I walked to our jeep; throw our gear in the back and drove to the MACV compound.

    It was over!

    © Charles Schwiderski 11/25/07