“Từ Quân Y Hải Quân VNCH -
Đến Những Hậu Duệ Trong Hải Quân Hoa Kỳ”
Trúc Giang MN
Năm
1963, Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện
chiến dịch Sóng Tình Thương, chủ yếu là bình định vùng đất Năm Căn, Cà
Mau. Và Hải Quân đã thực hiện công tác dân sự vụ quân y, chăm sóc sức
khỏe cho đồng bào nghèo ở vùng đất mới thu hồi nầy.
Nguồn:
http://vnchtoday.blogspot.com/2018/09/tu-quan-y-hai-quan-vnch-en-nhung-hau.html
1* Mở bài
Năm
1963, Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện
chiến dịch Sóng Tình Thương, chủ yếu là bình định vùng đất Năm Căn, Cà
Mau. Và Hải Quân đã thực hiện công tác dân sự vụ quân y, chăm sóc sức
khỏe cho đồng bào nghèo ở vùng đất mới thu hồi nầy.
“Sóng
Tình Thương” mở màn cho những con tàu tình thương. Đó là hai con tàu
tình thương HQ 400 và HQ 401. Sở dĩ gọi là con tàu tình thương vì nó
chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, đa số là nghèo, ở các hải đảo và miền
duyên hải xa xôi.
Tình
thương được thể hiện trong việc đưa con số khổng lồ người chạy nạn Cộng
Sản từ Vùng 1 và Vùng 2, miền Trung Việt Nam vào miền Nam.
Hai
con tàu là một phần trong 30 chiến hạm đã mang 30,000 người chạy nạn
Cộng Sản bằng đường thủy ngày 30/4/1975, rời Việt Nam để sang định cư ở
Hoa Kỳ sau đó.
Con
cái của thế hệ tỵ nạn VN nầy đã đạt được những thành tích làm vẻ vang
người Việt Nam. Đã có hai tướng lãnh người Mỹ gốc Việt và nhiều đại tá
có đủ điều kiện để thăng lên cấp tướng.
Nhiều thanh niên gốc Việt đã hy sinh tánh mạng cho đồng đội và cho đất nước đang cưu mang họ.
Một
trường hợp cho thấy hậu duệ của những quân nhân Hải Quân VNCH tiếp nối
cha anh làm rạng danh người Việt. Đó là ái nữ của Thiếu tá Bác sĩ Hải
Quân Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Tích Lai, là cô Diễm Hương Nguyễn, Thiếu
tá Bác sĩ Hải Quân Hoa Kỳ.
2* Thành lập bịnh viện hạm
2.1. Hai tàu bịnh viện ra đời
Năm
1966, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cho thành lập một tàu bịnh
viện xem như một bịnh viện nổi di động, mang dịch vụ y tế đến những đơn
vị hải quân xa xôi và đồng thời thực hiện công tác dân sự vụ phục vụ y
tế cho đồng bào.
Y sĩ Thiếu tá Pye là cố vấn Mỹ đầu tiên của Quân Y Hải Quân VNCH, ông nổ lực cho ra đời một bịnh viện hạm.
Quân
Y HQ phối hợp với Hải Quân Công Xưởng thiết lập một sơ đồ biến cải hải
vận hạm Hát Giang HQ 400 thành một tàu bịnh viện có đầy đủ tiện nghi y
tế.
Những
chiếc xe chở hàng thứ lớn của quân đội Mỹ, có phòng lạnh, được ràng
buộc chắc chắn vào lòng con tàu chở quân đổ bộ, cung cấp những phòng
khám bịnh, phòng giải phẩu, quang tuyến, nha khoa và phòng xét nghiệm.
Thế là bịnh viện hạm Hát Giang, HQ 400 ra đời.
Hai
y sĩ nội thương và giải phẩu cùng với những y tá các phòng chuyên môn
được cử đến y tế hạm Hát Giang làm việc bên cạnh y sĩ và y tá Việt Nam.
Hạm Trưởng HQ 400 là HQ Đại úy Đoàn Danh Tài, Y Sĩ Trưởng là Bác Sĩ Nguyễn Tích Lai.
Bịnh
viện hạm HQ 400 thành công rực rỡ nên chiếc tàu bịnh viện thứ hai ra
đời cùng năm 1966. Đó là HQ 401 Hàn Giang. Hạm Trưởng là HQ Đại úy
Nguyễn Văn Pháp và Bác Sĩ Trịnh Quốc Hưng làm Y Sĩ Trưởng.
2.2. Những con tàu tình thương
Ngoài
việc chăm sóc sức khỏe cho quân nhân hải quân và gia đình, yểm trợ y tế
cho những chiến hạm, giang đoàn, duyên đoàn, hai bịnh viện hạm còn làm
công tác dân sự vụ cho đồng bào ở các hải đảo và vùng duyên hải xa xôi.
Phục vụ y tế cho đồng bào nghèo gồm việc khám bịnh, phát thuốc, phân phối thực phẩm, văn nghệ giúp vui…
Những con tàu bịnh viện đi đến đâu cũng được đồng bào đón chào nồng nhiệt, thể hiện trọn vẹn tình quân dân cá nước.
Đó là những con tàu tình thương.
2.3. Một số hoạt động của Quân Y Hải Quân được trích như sau:
- Y sĩ khám ngoại chẩn cho 28,253 quân nhân và gia đình. Thử nghiệm 74,428 người. Chụp quang tuyến cho 40,541 trường hợp. Trám nhổ răng 30,412 ca. Điều trị tại bịnh viện cho 14,848 bịnh nhân.
- Về dược phẩm. Kho Y Dược Trung Ương Hải Quân yểm trợ cho các đơn vị quân y trung bình được 85% nhu cầu.
- Hoa Kỳ cũng yểm trợ trong việc huấn luyện tại Mỹ, đặc biệt cho hai tàu bịnh viện HQ400 và HQ401.
- Hoạt động của hai Y Tế Hạm rải đều ra khắp các Vùng Duyên Hải và Sông Ngòi, đến tận các hải đảo xa xôi.
Lịch
sử Quân Y HQ/VNCH kết thúc vào ngày 30/4/75. Cố y sĩ Trung Tá Nguyễn
Thanh Trước, Y Sĩ Trưởng BVHQ, và cố y sĩ Đại Tá Đặng Tất Khiêm, trưởng
khối QY/HQ /VNCH là những chỉ huy cuối cùng của quân chủng nầy.
2.1. Bịnh viện hạm HQ 400 mang người cũ trở lại Côn Đảo
Người
dân Côn Đảo rất quen thuộc tên của những chiếc tàu “đầu bằng há mõm”
loại HQ 400 của Hải Quân VNCH, vì đó là những phương tiện mang lương
thực, thực phẩm cũng như mọi nhu yếu phẩm tiếp tế hàng tháng cho Côn
Sơn.
Vui
nhất là lần nầy, con tàu HQ 400 đã mang người bạn cũ thân thương, anh
Sáu Y Tế, cựu Trưởng Ty Y Tế Côn Sơn, nay là một sĩ quan QYHQ, trở lại
Côn Đảo.
Anh
Sáu cho mọi người biết bịnh viện hạm có những phương tiện về dịch vụ y
tế mà Ty Y Tế Côn Sơn không có, đó là phòng quang tuyến, phòng xét
nghiệm, phòng nha khoa, phòng phẩu thuật. Thế là mọi người ùn ùn xuống
tàu.
Y
Sĩ Trưởng là Thiếu tá Bác Sĩ Nguyễn Tích Lai niềm nỡ tiếp đón mọi
người. Lần nầy “Sáu Y Tế” trở lại mang theo niềm vui cho mọi người.
Một
đêm văn nghệ do những ca nhạc sĩ trên tàu trình diễn giúp vui, mà chưa
bao giờ có ở hòn đảo chỉ có công chức và tù nhân thôi.
Trước khi rời đảo, Y Tế Hạm HQ 400 đã để lại nhiều thuốc men mà bịnh viện Côn Sơn không có.
2.2. Tình trạng thiếu thốn của Ty Y Tế Côn Sơn
Nơi
khám bịnh và trị bịnh mang tên Ty Y Tế Côn Sơn. Đa số trưởng ty là
những cán sự y tế. Thỉnh thoảng có vài bác sĩ làm trưởng ty nhưng họ tìm
mọi cách để rời khỏi đảo, nếu bộ Y Tế không cho thuyên chuyển thì họ
gia nhập quân đội.
Không
có bác sĩ giải phẩu. Thiếu thốn mọi bề. Ngày nay kim tiêm dùng một lần
rồi bỏ nhưng hồi đó kim được dùng đi dùng lại cả chục, cả trăm lần, cho
đến khi nào thấy bịnh nhân nhăn mặt nhíu mày khi chích vein thì mới đem
ra mài lại cho bén. Mài kim là việc hiếm có, chỉ có ở Côn Sơn. Những
phạm nhân được cử ra làm y tá làm việc mài kim khi bị cùn, lụt đó.
Đời
sống của họ cũng thiếu thốn đủ thứ. Thỉnh thoảng có được một bữa tiệc
mà món ăn là nhau của sản phụ trong một ca sanh. Cắt rún nhưng không
chôn nhau. Chôn nhau là lãng phí. Rượu là alcohol của bịnh viện pha với
nước dừa cũng làm say nhừ tử để quên những ngày tháng tù tội.
3* Tàu siêu bịnh viện hoa Kỳ
Tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH19)
Ngày
17-8-2015, tàu bịnh viện USNS Mercy (T-AH-19) và tàu hộ tống USNS
Millinocket của Hải Quân Hoa Kỳ đã đến Đà Nẵng trong một công tác nhân
đạo.
USNS
Mercy được mệnh danh là tàu siêu bịnh viện, với 1,000 giường bịnh, 12
phòng giải phẩu kỹ thuật cao, thực hiện giải phẩu đa khoa gồm tai mũi
họng, thần kinh, tiết niệu, nha khoa, sản phụ khoa, tim và lòng ngực… và
chỉnh hình. Có 1,600 sĩ quan, gồm bác sĩ Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và
mộtTrung tá Bác sĩ Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt là Josephine Nguyễn Cẩm Vân.
3.1. Sự khác biệt giữa USNS và USS trong Hải Quân Hoa Kỳ
USNS= United States Naval Ship
USS= United States Ship
USNS
là tàu thuộc Hải Quân Hoa Kỳ nhưng thủy thủ đoàn và chiếc tàu đều thuộc
về dân sự, dưới sự quản lý và chỉ huy của Bộ Chỉ huy Vận tải Quân đội
(Military Sealift Command).
USNS không trang bị hệ thống vũ khí. Không trực tiếp chiến đấu và chỉ trang bị vũ khí tự vệ mà thôi.
USS
(United States Ship) là những chiếc tàu dưới sự điều khiển chỉ huy của
Hải Quân Hoa Kỳ. Được trang bị hệ thống vũ khí để trực tiếp chiến đấu.
Toàn bộ thủy thủ là quân nhân Hải Quân Hoa Kỳ.
3.2. Vài nét về tàu bịnh viện USNS Mercy
USNS Mercy (T-AH-19) được xem là một bịnh viện khổng lồ di động trên biển.
Mercy là chiếc tàu bịnh viện đầu tiên của lớp tàu Mercy. Con tàu thứ hai là USNS Comfort (T-AH-20).
Mercy bao gồm ý nghĩa của đức hạnh (Virtue) và tình thương (Compassion).
Nhiệm
vụ chính của tàu Mercy là cung cấp dịch vụ y tế và giải phẩu một cách
nhanh chóng cho Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, những đơn vị không quân trú
đóng trên bờ, cho hải quân và các chiến dịch quân sự Hoa Kỳ.
Nhiệm vụ thứ hai của tàu Mercy do chính phủ điều động đến phục vụ y tế cho các thiên tai, cứu trợ nhân đạo.
Cảng nhà của USNS Mercy đóng tại San Diego, California.
Nhân sự trên tàu gồm hai thành phần:
- Thủy thủ doàn. Chịu sự quản lý của Bộ Chỉ huy Vận tải Hải Quân Hoa Kỳ.
- Nhân viên y tế. Đặt dưới sự chỉ huy của Quân Y Hải Quân Hoa Kỳ.
Những chi tiết về chiếc tàu.
Tàu dài 272.50m. Đứng hàng thứ hai sau lớp sân bay Nimitz, dài nhất thế giới, 332.8m. Sườn tàu rộng 32.18m.
Tốc độ 17.5 hải lý/giờ (32.4 km/giờ)
Thủy
thủ đoàn 1,214 quân nhân. Nhân viên quân y: 63 dân sự, 956 quân y hải
quân. Đặc biệt là có Trung tá Quân Y Hải Quân gốc Việt là Josephine
Nguyễn Cẩm Vân.
3.3. Công tác quân y
Trung tá Bác sĩ Hải quân Hoa Kỳ Josephine Nguyễn Cẩm Vân trên tàu Mercy
1. Năng lực chữa trị bịnh nhân
Tàu có 1,000 giường bao gồm:
- 80 giường khu chăm sóc đặc biệt. 20 giường khu hồi sức. 280 giường khu chăm sóc trung bình. 120 giường khu chăm sóc nhẹ. 500 giường khu chăm sóc giới hạn.
2. Các phòng ban và trang thiết bị
-
Nơi tiếp nhận bịnh nhân. Dịch vụ quang tuyến X. Phòng thí nghiệm. Trung
tâm tiếp nhận vô trùng. Cung cấp thuốc men. Vật lý trị liệu và điều trị
bỏng (phỏng). Đơn vị chăm sóc đặc biệt. Dịch vụ nha khoa. Dịch vụ nhãn
khoa. Nhà xác. Chỗ giặt ủi. Nhà máy sản xuất oxy.
3.4. Tàu hộ tống USNS Millinocket T-EPH-3
Tàu hộ tống USNS Millinocket T-EPH-3
Tàu
hộ tống USNS Millinocket có nhiệm vụ hộ tống tàu tình thương USNS
Mercy. Đó là tàu vận tải hạng nặng, tốc độ rất nhanh, trực thuộc Bộ Tư
Lệnh Vận Tải Quân Đội Hoa Kỳ.
Hai bên hông tàu có những hành lang để chở nhiều xe quân sự và dân sự lên xuống tàu rất nhanh.
Tốc
độ tàu USNS Milinocket từ 35 đến 45 knots/giờ (từ 65 đến 83km/giờ). Lợi
thế của tàu vận tải hạng nặng nầy là chuyển quân với đơn vị lớn có
trang bị vũ khí hạng nặng của các quân chủng.
4* Hậu duệ của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trong Hải Quân Hoa Kỳ
Theo
Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt thì có hơn 3,000 quân nhân người Mỹ gốc Việt
đang phục vụ trong Quân Đội Hoa Kỳ. Trong đó có trên 1,000 sĩ quan với
hơn 20 đại tá. Một số đại tá có đủ điều kiện thâm niên để thăng cấp
chuẩn tướng hay phó đề đốc.
Hậu duệ của Hải Quân VNCH trong số những sĩ quan đó.
4.1. Rạng danh gia đình của cựu Hải Quân Đại úy Vũ Thế Hiệp
Đại tá Hải Quân Hoa Kỳ Vũ Thế Thùy Anh
Ái nữ của cựu HQ Đại úy Vũ Thế Hiệp là cô Vũ Thế Thùy Anh được vinh thăng Đại tá Hải Quân Hoa Kỳ hồi tháng 7 năm 2015.
Ba người con khác của Đại úy Hiệp cũng thành đạt trong ngành y khoa:
- Vũ Thế Duy Anh, bác sĩ quang tuyến.
- Vũ Thế Tuấn Anh, bác sĩ cấp cứu.
- Vũ Thế Quốc Anh, bác sĩ nhãn khoa.
Cựu
Đại úy Hải Quân Vũ Thế Hiệp rất tự hào là một sĩ quan Hải Quân VNCH.
Ông luôn luôn nhắc nhở các con, sống cho xứng đáng là người Việt Nam.
4.2. Những Đại tá Hải Quân người Mỹ gốc Việt
1).
Đại tá bác sĩ Huỳnh Trần Mylene. Giám đốc Chương trình Chuyên viên Y
Khoa Quốc Tế (Director of the Air Force International Specialist
Program).
Cha
là sĩ quan Quân Y VNCH. Em trai là Trung tá Huỳnh Trần Đại Apollo, bác
sĩ thuộc ngành Y Học Không Gian (Chief of Aerospace Medicine). Ngoài ra
còn có Đại tá Bác sĩ Không Quân Michelle Huỳnh (Đã giải ngũ năm 2014)
Từ trái qua. Đại tá BS Huỳnh Trần Mylene * Đ/t BS HQ Trịnh Hưng * Đại tá Tôn Thất Tuấn
Đại
tá Nha sĩ Hải Quân Trần Ngọc Nhung, gia nhập Hải Quân năm 1989, và Đại
tá Nha sĩ Hải Quân Thu Phan Getka. Chồng là Trung tá HQ Eric Getka,
ngành thần kinh tâm lý.
Từ trái qua. Đại tá Nha sĩ Tran Ngoc Nhung “đứng” và Đại tá Nha sĩ Thu Phan Getka “ngồi * Đại tá Danielle J. Ngô gia nhập Lục quân Hoa Kỳ năm 1990.
Năm
2010 đã có những Đại tá Hải Quân (Navy Captain) là các đại tá: Hà Văn
Thinh, Bác sĩ Christopher Stephen Lý, Trinh N.K., Thomas Nguyễn.
Đại tá Thomas Nguyen chỉ huy Tiểu đòan 2, Trung đoàn 44 Phòng không
Đại tá Chau Huu Hanh được thăng cấp Đại tá năm 2010. Đ/t Michael Phan
12
Hải Quân Đại tá gồm có các Đại tá: Dương Hữu Ngân, Đỗ H. Thuy, Trần
Quốc Bảo, Phạm Tuấn Xuân, Đoàn William Ray II, Huỳnh Thanh T., Lac Tri
H., Nguyễn Mark Minh Duy, Trần Jim T., Liebig Tina Trần, Dương Thanh X.
N. và Đại tá Lê Bá Hùng.
Lê
Bá Hùng sinh năm 1970 tại Huế. Là người gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ
Hạm trưởng một tàu chiến hiện đại nhất của Hải Quân Hoa Kỳ. Đó là chiếc
USS Lassen.
Hạm Trưởng Đại tá Lê Bá Hùng chỉ huy Khu trục hạm USS Lassen DDG-82
Hồi tháng 6 năm 2010, Đại tá Nguyễn Minh Hùng được ghi tên trong danh sách tuyển chọn để thăng cấp Phó Đề đốc.
Từ trái qua. Đại tá Nguyễn Minh Hùng. Đại tá y sĩ Nguyễn Dương 3* Đại tá Không Quân Paul Đoàn
4.3. Những Hải Quân Trung tá gốc Việt
Những HQ Trung tá gốc Việt như: HQ Trung tá Cao Hùng, Chỉ
huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Người Nhái, Châu Hữu Hạnh, Patrick
Reardon, Nhật Thomas Trần, Kimberly Mitchell (Em bé trong chiếc nón lá ở
Đại Lộ Kinh Hoàng năm 1972), Trung tá bác sĩ Hoàng Ngọc Tuấn.
HQ Trung tá Cao Hùng *Trung tá Bác sĩ Josephine Nguyễn Cẩm Vân * Diệp Khanh
4.4. Thiếu tá Elizabeth Phạm là nữ phi công xuất sắc của TQLC Hoa Kỳ
Thiếu tá phi công TQLC Elizabeth Phạm và hôn phu là Alexander Roloss. Phi cơ F-18
Thiếu
tá Elizabeth Phạm là ái nữ của cựu bác sĩ Quân Y /VNCH, Phạm Văn Minh.
Cô là người Châu Á đầu tiên lái phi cơ phản lực siêu thanh F-18, cũng là
nữ phi công duy nhất của Không Đoàn 242 TQLC Hoa Kỳ, lái phi cơ hiện
đại nầy.
Cô
phục vụ trong đơn vị ứng chiến thường trực tiền phương của TQLC trong
vùng Thái Bình Dương và chiến trường Vùng Vịnh, đặc biệt là Iraq.
Hôn
phu là Alexander Roloss cũng là phi công lái F-18 cùng đơn vị. Phu quân
của cô Elizabeth Phạm cho biết “Bây giờ cô không phải chỉ là một phi
công bình thưòng mà cô được vinh danh trong hạng những phi công xuất
chúng vì nằm trong chương trình "Top Secret Clerance" Bí mật Chiến Lược
Quốc Phòng”
F-18
là phản lực cơ siêu thanh thuộc thế hệ thứ 4, hoạt động trong mọi thời
tiết. Trang bị nhiều loại bom và hỏa tiễn. Tốc độ ở Mach 1.8 (1,915
km/giờ).
Elizabeth Phạm làm rạng danh phụ nữ Việt Nam. Một anh thư thời đại.
4.5. Hai vị tướng người Mỹ gốc Việt trong Quân Đội Hoa Kỳ
Hai vị tướng người Mỹ gốc Việt là Chuẩn tướng Lương Xuân Việt và Chuẩn tướng Châu Lập Thể (Lapthe C. Flora).
1). Thiếu tướng Lương Xuân Việt
Năm 1975, ông Lương Xuân Việt đến Mỹ khi 10 tuổi. Thân phụ là Thiếu tá Lương Xuân Đương thuộc Sư đoàn TQLC/VNCH.
Ông đỗ cử nhân môn sinh hóa, tiến sĩ môn Khoa Học và Nghệ Thuật Quân Sự.
Khi còn đại tá, ông là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 với quân số 9,000 người. Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Dù 101 của Quân Đội Hoa Kỳ.
Chuẩn
tướng Việt đã lập được nhiều thành tích trên chiến trường Iraq. Bộ
QP/HK cử ông thuyết trình trước các tướng lãnh và quan chức quốc phòng
về chiến thuật và cách chỉ huy của ông.
Trả
lời phỏng vấn đài CNN, tướng Việt cho biết: “Chúng tôi đã phá vỡ trên
một chục ổ khủng bố, tịch thu được nhiều tài liệu tình báo. Dẹp tan các
thủ lãnh Al-Qaeda địa phương. Bắt giữ trên 1,000 tên khủng bố. Giúp Iraq
thành lập Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia”.
Trên tạp chí Time ngày 26-6-2007, ký giả Mark Kukis cũng tường tuật thành tích của ông.
Hiện nay ông giử chức vụ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Nhật Bản
Thành tích xứng đáng được mang Thiếu tướng hai sao của QĐ/HK.
Gia
đình tướng Việt có 5 người. Vợ là bà Quyên Kimberly Lau. Con gồm một
gái hai trai. Ashley Thu Diễm (13 tuổi), Brandon Xuân Huy (10 tuổi) và
Justin Xuân Quốc (7 tuổi).
2). Chuẩn tướng Châu Thế Lập
Chuẩn
Tướng Châu Thế Lập Flora, tay trái đặt trên bìa cuốn Kinh Thánh do con
gái cầm, tay phải giơ tay thề trung thành với Tổ Quốc Hoa Kỳ và giữ sự
trung tín trong chức vụ mới.
Đại tá Lapthe C. Flora đang giữ chức Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Vệ Binh Quốc Gia Virginia 91.
Sau
khi được Hội Đồng Thăng Cấp tuyển chọn, Bộ Tư Lệnh binh chủng đề nghị
lên Bộ Quốc Phòng. Hồ sơ được chuyển sang Quốc Hội và đã được Thượng
Viện phê chuẩn thuận vào tháng 8 năm 2015.
Được
vinh thăng Chuẩn Tướng lúc 9 giờ 30 sáng Thứ Hai, 6-6-2016, tại Đài
Tưởng Niệm D-Day ở thành phố Bedford, tiểu bang Virginia.
Châu Lập Thể sinh năm 1962 tại Việt Nam. Quốc tịch Việt Nam. Cha mẹ là người Việt gốc Hoa. Thân phụ tử trận năm ông lên 2 tuổi.
Vượt
biên sang Mỹ năm 1980. Ông được vợ chồng người Mỹ là John và Audrey
Flora bảo trợ nên mang họ Flora để nhớ ơn. Ông từng phục vụ trong những
đơn vị tác chiến, từ tiểu đoàn, Lữ đoàn Bộ Binh, tác chiến trên các
chiến trường Bosnia, Kosovo, Afghanistan. Hồi tháng 5 năm 2015 được cữ
giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Vệ Binh Quốc Gia Virginia số 91.
5* Hậu duệ quân nhân Việt Nam Cộng Hòa phục vụ quê hương thứ hai
5.1. Phục vụ quê hương thứ hai
Cộng
đồng người Việt rất dễ hội nhập vào xã hội Mỹ. Họ không mang lại khó
khăn, phiền phức và lo ngại cho quốc gia đã mở rộng vòng tay tiếp nhận
họ. Không như một vài cộng đồng sắc tộc và tôn giáo đến tỵ nạn ở Mỹ đã
tạo ra.
“Xin nhận nơi nầy làm quê hương”. Quê hương thứ hai, sau khi quê hương thứ nhất bị mất vào tay chế độ độc tài Cộng Sản.
Nhiều
người Việt đã thực hiện lời cam kết khi tuyên thệ gia nhập quốc tịch
Mỹ. Họ gia nhập quân đội để trực tiếp phục vụ và bảo vệ quê hương thứ
hai. Đó là ân nghĩa, là đạo lý làm người.
Khoa
học gia Dương Nguyệt Ánh có nói, chúng ta nợ đất nước nầy rất nhiều,
mặc dù họ không đòi nhưng chúng ta có bổn phận phải trả.
Hậu duệ của quân nhân VNCH nói chung, của Hải Quân VNCH nói riêng, đang làm điều đó.
5.2. Mười hai anh hùng liệt sĩ gốc Việt trong Quân Đội Hoa Kỳ
Hạ sĩ Lê Ngọc Bình*Thượng sĩ LLĐB Nguyễn Mạnh Tùng* Hạ sĩ Trần Quốc Bình
“Nước
Mỹ rất may mắn có những công dân là di dân khắp năm châu trong đó có
Việt Nam. Nước Mỹ vô cùng biết ơn con cái của những gia đình tỵ nạn Việt
Nam như trường hợp của người lính trẻ Lê Ngọc Bình, đã hy sinh cho đồng
đội và cho đất nước đang cưu mang họ.”
Đó
là lời phát biểu của Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ông Paul
Wolfowitz, trong tang lễ được tổ chức theo lễ nghi quân cách của Hạ sĩ
TQLC Lê Ngọc Bình tại Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Arlington,
Washington, D.C. .
Hạ
sĩ TQLC Lê Ngọc Bình đã anh dũng đứng ra ngăn chặn một chiếc xe tải
chứa đầy chất nổ của quân khủng bố, đang lao nhanh vào trại quân TQLC Hoa Kỳ
ở Iraq. Hạ sĩ Bình đã bắn chết tên tài xế, chiếc xe lật ngang và phát
nổ bên ngoài trại quân.
Sức công phá quá mạnh làm cho Hạ sĩ Bình bị trọng thương và từ trần sau đó.
Ngoài tử sĩ Lê Ngọc Bình còn có nhiều anh hùng gốc Việt đã hy sinh tánh mạng cho nước Mỹ.
Trung
sĩ nhất Nguyễn Văn Thanh, tử trận ngày 22-12-1996. Hạ sĩ TQLC Alan Dinh
Lâm, tử trận ngày 22-4-2003. Hạ sĩ TQLC Andrew S. Đang, hy sinh ngày
22-3-2004. Hạ sĩ Trần Quốc Bình, tử trận ngày 7-10-2004. Hạ sĩ TQLC
Victor R. Lữ, hy sinh ngày 13-11-2004. Thượng sĩ Lực Lượng Đặc Biệt
Nguyễn Mạnh Tùng, tử trận ngày 14-11-2006. Trung sĩ Nguyễn Ngọc Long, tử
trận ngày 10-2-2007. Hạ sĩ Nguyễn Hồng Đan, hy sinh ngày 8-5-2007.
Trung sĩ 1 bộ binh Tran Hai Du, tử trận ngày 20-6-2008. Binh nhất bộ
binh Ngô Q. Tan, tử trận ngày 27-8-2008. Hạ sĩ TQLC Nguyen Lee Van Te,
hy sinh ngày 28-12-2010.
Từ năm 1996 đến tháng 12 năm 2010 đã có 12 anh hùng gốc Việt hy sinh trên các mặt trận Iraq và Afghanistan.
6* Nguồn gốc bi đát của nữ Trung tá Hải Quân Hoa Kỳ
6.1. Đứa bé trong chiếc nón lá
Trên
Đại Lộ Kinh Hoàng tỉnh Quảng Trị năm 1972 của Mùa Hè Đỏ Lửa, trong hàng
chục ngàn người chạy nạn Cộng Sản bị chết vô số dưới mưa đạn đại bác
của Việt Cộng. Một đứa bé đang trườn trên bụng người mẹ đã chết, tìm vú
để bú. Cảnh tượng thương tâm đó khiến cho người lính quân cụ không thể
bỏ qua. Anh đặt đứa bé vào chiếc nón lá rồi thất thểu chạy theo dòng
người chạy nạn.
Anh lính quân cụ giao đứa bé lại cho Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến VNCH tên Trần Khắc Báo, vì anh đã kiệt sức.
Thiếu
úy Trần Khắc Báo đặt tên đứa bé là Trần Thị Ngọc Bích vào giao cho nữ
quân nhân Phòng Xã Hội Sư đoàn TQLC. Cuối cùng đứa bé được giao cho các
bà sơ ở Cô Nhi Viện Thánh Tâm, Đà Nẵng, chăm sóc.
Cũng
trong năm 1972, Trung sĩ Không quân người Mỹ tên James Mitchell đến Cô
Nhi Viện Thánh Tâm xin em bé Ngọc Bích làm con nuôi và đưa về Mỹ sống ở
trang trại tại Solon Springs, bang Wisconsin.
Kimberly Mitchell trở thành Trung tá Hải Quân làm việc ở Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
Nữ Trung tá Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt - Kimberly Mitchell trong lần gặp Cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton trước đây
Phần
Thiếu úy Trần Khắc Báo, ông bị bắt làm tù binh năm 1972 và được thả năm
1981. Sau khi ra tù, ông cố tìm tông tích của đứa bé ở Đại Lộ Kinh
Hoàng năm xưa nhưng không có kết quả.
Tháng
9 năm 1994 Thiếu úy Báo cùng với vợ và con gái đến Hoa Kỳ theo diện HO
và định cư ở thành phố Albuquerque, tiểu bang New Mexico.
6.2. Gặp lại ân nhân cứu mạng sau 40 năm
Thiếu
úy Trần Khắc Báo thuật lại: “Một hôm tình cờ tôi đọc được một bài viết
của tác giả Trúc Giang trên tờ Việt Báo Hải Ngoại số 66 phát hành tại
New Jersey, tác giả kể lại câu chuyện đi Mỹ của một em bé trong cô nhi
viện Đà Nẵng mang tên Trần Thị Ngọc Bích. Đọc xong tôi rất xúc động pha
lẫn vui mừng, vì có thể 80, 90% cô Ngọc Bích đó là do mình cứu và đặt
tên cho cô.”
Sau
đó, ông nhờ người bạn tên là Đào Thị Lệ làm việc trong New York Life,
có chồng người Mỹ và có em cũng ở trong Hải Quân Hoa Kỳ, liên lạc tìm
kiếm Mitchell. Và chính cô Đào Thị Lệ là người đầu tiên trực tiếp nói
chuyện với Trần Thị Ngọc Bích đang làm việc tại Ngũ Giác Đài.
6.3. Giây phút cảm động
Sau
khi được liên lạc với ông Trần Khắc Báo, cô Mitchell quyết định tổ chức
một cuộc gặp mặt trước truyền thông Hoa Kỳ. Cô mời 7 đài truyền hình và
những nhà báo tham dự. Không có việc tiếp đón ở phi trường hay khách
sạn, mà cô muốn giây phút cảm xúc đầu tiên và thật sự trước mặt truyền
thông Hoa Kỳ, tại cơ quan Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia ở tiểu bang New
Mexico.
“Tôi muốn gặp ông Trần Khắc Báo”, cô Mitchell nói với ông Chủ tịch Cộng Đồng.
“Đây là ông Trần Khắc Báo”.
Lập tức Kimberly Mitchell, Trần Thị Ngọc Bích, tiến đến ôm lấy ông Báo, cả hai cùng khóc nức nở.
Giây phút cảm động được đưa lên truyền hình và báo chí Hoa Kỳ.
Cô
Kimberly cho biết, cô có hai cái may, đó là được những người lính VNCH
cứu mạng và được người cha nuôi nhận làm con và đưa về Mỹ nên mới có
được như ngày nay.
Ông
Trần Khắc Báo cho biết, ông được một cái may là tình cờ đọc được bài
viết của tác giả Trúc Giang Minnesota. Tựa bài: “Cuộc chạy trốn Cộng Sản
kinh hoàng trong lịch sử Việt Nam”. (Ngày 28-4-2012).
7* Kết luận
Những
ngày tháng sôi động mà miền Trung bị đe dọa sắp mất vào tay Cộng Sản
Bắc Việt, hai con tàu tình thương HQ 400 và HQ 401 trở lại làm nhiệm vụ
vận tải, đưa số người tỵ nạn khổng lồ về Phú Quốc.
Đồng
bào nói với nhau những câu chan chứa đầy ân tình: “Nếu không có Hải
Quân ra đón thì số người chết ở Vùng 1, Vùng 2 gia tăng gấp bội, vì Việt
Cộng nó có chừa ai đâu, dân hay quân gì thì chúng cũng nã pháo tiêu
diệt”.
HQ 400 và HQ 401 trong đoàn 30 chiến hạm đưa 30,000 người từ Côn Sơn đi Philippines để vào Mỹ.
Đó
là người tỵ nạn thuộc thế hệ thứ nhất mà con cái họ đã tạo ra những
thành tích vẻ vang trong việc phục vụ nước Mỹ. Thứ Trưởng Quốc Phòng
Paul Wolfowitz đã đại diện nước Mỹ đưa ra lời cám ơn: “Nước Mỹ vô cùng
biết ơn con cái của những gia đình tỵ nạn Việt Nam như trường hợp người
lính trẻ Lê Ngọc Bình đã hy sinh cho đồng đội và cho đất nước đang cưu
mang họ”.
Trúc Giang
Minnesota
Nguồn:
http://vnchtoday.blogspot.com/2018/09/tu-quan-y-hai-quan-vnch-en-nhung-hau.html